Bàn ủi than có con gà là của hiếm trong làng và đã trở thành ký ức dần bị lãng quên - Ảnh: Trần Mai |
Bây giờ, bàn ủi than, khuôn bánh in, bánh thuẫn “rút lui” để nhường chỗ cho bàn ủi điện, bánh công nghiệp. Nhưng với những người ở tuổi giao thời như tôi, có những câu chuyện của ngày xưa mãi không thể nào quên.
Đi ủi đồ cho kịp tết
Những năm 1990, nhà nào có được bàn ủi than bằng đồng, có con gà ở các làng quê nghèo thì được coi là “đại gia”.
Tôi nhớ lúc đó cả xóm không quá 10 nhà có bàn ủi. Hơn 100 nóc nhà chăm chăm vào 10 “đại gia” ấy để quần áo phẳng phiu đi chúc tết họ hàng. Nhà tôi cũng có một chiếc, không phải giàu có gì nhưng đó là của hồi môn của bà ngoại cho má để từ phố ngược về nông thôn làm dâu.
Ngày đó, đến tầm 28 tết công việc đồng áng mới được gác lại. Quần áo được quan tâm ủi là cho phẳng phiu. Và hẳn nhiên những nhà không có bàn ủi phải đi mượn. Phần lớn các gia đình phải tổ chức “lực lượng” ứng trực ở những nhà có bàn ủi để chờ tới lượt mượn về nhà ủi lại quần áo cho gia đình mình.
Đa phần là trẻ con được cha mẹ cử đi. Tết mà, những đứa nhỏ tuổi tôi ham chơi lắm, nên có thằng quên nhiệm vụ mượn bàn ủi và bị mẹ cho ăn roi, trời lành lạnh mà lãnh trọn mấy roi dủ dẻ vào mông thì chỉ có khóc thét.
Thằng Mèo gần nhà thường xuyên bị mẹ nó là cô Hương cho no đòn chỉ vì một cái tội là đi từ sáng đến trưa vẫn chưa mượn được, trong khi những thằng tới sau thì mượn về nhà hết. Chung quy cũng tại nó ham xem bầu cua ngay trước nhà tôi. Giờ mỗi dịp tết kể lại nó cười khà khà, dù hồi nhỏ thằng nào bị mẹ đánh là đám còn lại cười cho “thúi mặt”.
Nhu cầu dùng thì nhiều, gần như hết lớp than này là lớp than khác được đổ vào. Những ngày giáp tết cái bàn ủi hoạt động hết công năng. Và mọi nhà phải tranh thủ ủi cho xong đồ của mình mà chuyền tay cho người khác ủi.
Mãi từ 28 tết đến tận khuya 30 tết cái bàn ủi mới đi một vòng về lại nhà chủ. Và trong cuộc phiêu lưu của chiếc bàn ủi than ngày cận tết cũng lắm chuyện dở khóc dở cười xảy ra.
Như cô Vui ngay cạnh nhà đi toi chiếc quần vải xoa chỉ vì chưa có “kinh nghiệm” ủi thứ vải khó tính này. Số là hôm đó, sau khi đổ than vào, đáng ra phải ủi trên lớp lá chuối cho hạ nhiệt rồi mới ủi bộ đồ vải xoa.
Nhưng vì bên ngoài nhà, đám trẻ đang chầu chực để chờ cô Vui ủi xong tranh thủ mang về cho má. Chẳng biết do vội hay vì áp lực của đám đông huyên náo thập thò ngoài cửa mà cô ịn luôn chiếc bàn ủi đang hừng hực sức nóng vào thẳng chiếc quần của loại vải chủ yếu là nilông.
Mùi khét lẹt, lũ nhỏ trố mắt nhìn, còn cô Vui mặt méo xẹo vì cái tết coi như xong. Ngày đó, cỡ tuổi cô Vui hay mẹ tôi “ngon lắm” mới có bộ đồ vải xoa “xịn” để đi thăm họ hàng, bạn bè dịp tết.
Và còn nhiều vụ “tai nạn” của đám thanh niên khi đổ than vào mà không khóa con gà lại đã vội nhấc lên, thế là mớ than hồng từ trong bàn ủi đổ ào lên áo. Chuyện yêu đương, hẹn hò, rủ người yêu đi chơi tết cũng tan biến bởi bộ đồ đẹp nhất đã trở thành “vật tế thần” cho chiếc bàn ủi than.
Năm 1999 xóm tôi có điện, chiếc bàn ủi than cũng lùi vào kho để nhường chỗ cho bàn ủi điện. Chiếc bàn ủi than có con gà thành của hiếm ở làng, nghe đâu cũng tại con gà trên chiếc bàn ủi là đồng lạnh gì gì đó mà giới sưu tầm đồ cổ săn lùng thu mua hết.
Xóm giờ chỉ còn duy nhất chiếc bàn ủi than cuối cùng của ông Bốn Nhanh và đó như là ký ức cuối cùng về tết cổ truyền một thời cơ hàn, thiếu thốn.
Khuôn bánh mì xốp và bánh đã thành phẩm - Ảnh: Trần Mai
Bọn trẻ ngồi chờ bánh “thầy tu”
Tết nghèo, bánh trái chủ yếu là tự làm. Ở Quảng Ngãi gần như nhà nào cũng rột rột đóng bánh nổ. Tiếng cộc cộc vang lên cả đêm, thường thì hai ba nhà gộp lại ran nếp rồi cùng nhau đóng bánh.
Bọn trẻ chúng tôi ngồi chờ đầu đày (phần thừa ra của bánh bị cắt bỏ). Thành quả của chờ đợi là vài mẩu bánh rồi chia nhau ăn. Tôi cá rằng ăn cái đầu đày của bánh nổ là ngon không tả được. Thằng nào cầm được là mấy thằng khác bu lại xin “cho miếng cho miếng” mong nó ban ơn cho vài mẩu.
Còn phụ nữ thì ở trong nhà đánh bột làm bánh thuẫn, bánh mì xốp và bánh in. Giờ chắc không còn tìm ra cái mùi thơm lừng bay khắp xóm, một dấu hiệu báo tết đã ngấp nghé ngoài ngõ.
Bọn trẻ chúng tôi có cái thú vui duy nhất là ngồi tụm lại xem người lớn đúc bánh. Cũng “tài lanh” đổ bột vào khuôn mà cốt là chờ có cái bánh hỏng nào để được mẹ cho. Hồi nhỏ, chúng tôi gọi đó là bánh “thầy tu” vì bánh bị hỏng, không còn hoa văn gì và nhẵn bóng.
Bánh thuẫn hay bánh mì xốp vừa mới ra lò nóng hổi và còn mềm mà ăn thì ngon thôi rồi. Tôi đảm bảo thời ấy bọn trẻ con đứa nào cũng “lạy trời” bánh hỏng để tới lượt mình, chứ bánh mà ngon lành thì mẹ cho lên trên giàn sấy hết. Có khi chờ mãi không thấy cái bánh thầy tu nào xuất hiện thì chờ mẹ thiếu cảnh giác trộm lấy một cái giấu vào trong áo rồi… bỏ chạy.
Thời ấy, tôi thấy mẹ giấu kỹ chiếc khuôn, ai hỏi mượn cũng không cho, cứ nghĩ mẹ ích kỷ. Sau này mới biết nguyên nhân mẹ không cho vì khuôn bằng gỗ, sợ hàng xóm mượn làm bánh lỡ tay mạnh quá thì hỏng khuôn là coi như phải thuê thầy thợ làm lại, tốn tiền. Vậy nên thường thì nhóm lại vài nhà cùng làm và mẹ cũng giám sát được chiếc khuôn bánh của mình.
No comments:
Post a Comment