8/20/20

Chuyện ở đại học xá

Vì học hành thiếu chăm chỉ nên tôi bị rớt kỳ thi khóa I của Năm Dự Bị CTKD. Để chuộc lại lỗi lầm của bản thân, trước kỳ thi khóa II hơn một tháng, tôi đã khăn gói quả mướp từ Tây Ninh trở về Đại Học Xá để có thể an tâm học hành. Tôi đã hứa với ba má tôi là tôi sẽ cố gắng học để được lên lớp, và với bản tánh hiếu thắng, tôi đã tự hứa keo này phải học sao cho đậu thì thôi. Lần này tôi được cha Linh, Giám Đốc Đại Học Xá chỉ định đến ở lầu II. Sau khi sắp xếp giường ngủ và bàn học, tôi đã bắt tay ngay vào việc học thi.

Ở cùng phòng trong dịp này, ngoài các anh bạn như : Tôn Thất Tạo, Hồ Quang Nhựt còn có vài anh bạn mà sau mấy chục năm, nay tôi đã quên tên.

Ngoài những giờ học rất căng thẳng, chúng tôi đã vui đùa, rong chơi, nhưng không bao giờ chúng tôi vi phạm giờ học mà tất cả đã đồng ý : từ 8 giờ tối đến sáng sớm ngày hôm sau.

Tất cả các bạn cùng phòng của tôi đều thuộc loại gan dạ, không ai sợ ma, sợ quỷ gì cả . . . trừ tôi. Do đó, tôi đã tích cực áp dụng một sách lược phòng thủ thật hiệu nghiệm : Nếu anh em còn thức, tôi thức . . . theo anh em. Nếu anh em đã học xong và rút . . . đi ngủ, thì tôi cũng đi ngủ luôn cho tiện. Gặp trường hợp nếu còn muốn tiếp tục học, thì tôi cố kèo nài một anh nào đó thức luôn với tôi ‘‘để học cho vui’’, mà kỳ thực ra là để khỏi ‘‘lạnh cẳng’’. Và sự kêu nài giúp đỡ kẻ yếu . . . bóng vía bao giờ cũng được các anh bạn cùng phòng chiều lòng.

Khi thức khuya để học thi, thỉnh thoảng chúng tôi cũng cần phải làm việc cần thiết. Điều này rất là bình thường và rất dễ dàng đối với các bạn tôi . . . vì nhà vệ sinh rất gần. Trong Đại Học Xá Dalat, lầu nào cũng có một nhà tắm, trong đó chung với chỗ rửa mặt và dãy phòng vệ sinh. Vì tánh . . . không được gan dạ cho lắm, nên tôi thường áp dụng chiến thuật ‘‘bám sát đuôi’’ khi có người cùng phòng ra nhà vệ sinh lúc ban đêm, và để cho các bạn không bị phiền hà, tôi được anh em cùng phòng linh động cho tôi được đứng ngay ở cửa sổ phòng . . . để làm việc này nếu không có ai cần phải đi ra ngoài.

Việc học của chúng tiến triển rất tốt đẹp, anh em vui vẻ và tôn trọng lẫn nhau.

Một hôm, sau hơn mấy tiếng đồng hồ cặm cụi học, tôi cảm thấy cần phải làm chuyện « cần thiềt ». Hôm ấy, nhìn các bạn khác chăm chỉ học, tôi ngại không muốn quấy rầy họ, mỗi lần mở cửa sổ, gió lạnh bên ngoài lại lùa vào phòng. Nhìn ra cửa sổ, tự nhiên tôi có một cảm giác bất thường cản tôi bước đến nơi này. Nhìn ra cửa ra vào của căn phòng, tôi chợt nghĩ có lẽ nên ra ngoài đó, đứng đại trước hành lang để làm chuyện đang cần . . . cũng tiện thôi ! nhưng lại sợ gây phiền hà cho các bạn cùng lầu, và hơn nữa, lúc ấy tôi cũng đã "run" lắm rồi. Cứ nghĩ đến hành lang vắng teo về đêm, trước mặt thêm cái sân rộng với nhiều bóng cây đen thui với đủ hình dáng kỳ quái đang ngã nghiêng trong gió, thì đã đủ để làm kinh hồn, tởn vía. Thôi đành ráng nhịn. Tôi đã nhịn được khá lâu, nhưng rồi cũng đến cái lúc phải giải quyết, dù tinh thần tôi lúc đó thật bất an. Tôi phải trèo lên cửa sổ, cái việc mà riêng ngày hôm ấy tôi hoàn toàn không muốn . . . vì cái cảm giác sợ hãi.

Leo đứng trên thành cửa sổ, một cách máy móc, tôi mở tiếp cánh cửa lá sách bên trái. Một ý nghĩ chợt đến với tôi : trong các phim kinh dị, ma quỷ sợ cây thánh giá, vậy bây giờ để dịu cơn sợ bất thường đang xâm chiếm trong lòng, mình phải nhìn cây thánh giá nhà thờ Năng Tỉnh. Khi nghĩ như vậy, tự nhiên tôi nhớ lại những chuyện ma hiện về ở Lầu I do các anh Sư Phạm kể lại. Tôi lại càng chăm chú nhìn cây thánh giá đằng xa phía ở tay trái mình. Nhưng càng nhìn vào cây thánh gíá thì trong lòng tôi lại càng sợ hơn nữa.

Việc cần thiết chưa xong, tự nhiên có một lực vô hình bắt tôi phải quay đầu nhìn về bên phải, tức là hướng Lầu I rất âm u và ma quái. Tôi đã cố gắng để không đổi hướng nhìn, tôi chỉ muốn cứ tiếp tục nhìn vào cây thánh giá ở phía tay trái.

Nhưng cố gắng của tôi không thực hiện được, tôi không thể cưỡng được cái lực vô hình đó . . . và từ hướng Lầu I, sau cái quay đầu, tôi chợt thấy một bóng trắng, trước còn mờ mờ, sau hiện ra rõ dần. Bóng người đó đang hướng về phía tôi. Đó là một bóng người toàn thân trắng toát, lúc đó đã hiện ra rất rõ nét, chứ không còn mờ ảo gì nữa, và đặc biệt cơ thể của bóng trắng bất động khi di chuyển, đúng hơn là bay về hướng của tôi mà không gây ra một tiếng động nào cả.

Kinh hoàng vì bóng trắng bổng nhiên bay ập đến tôi thật nhanh, tôi đã té ngửa vào phòng, và miệng la thất thanh . . . Hai cánh cửa sổ bổng nhiên đánh sập vào nhau.

Từ bàn học, anh Tôn Thất Tạo nghe tiếng tôi la, vội chạy đến cửa sổ, và anh phóng ngay lên thành cửa đúng vào lúc hai cánh cửa sổ tự động mở ra lại.

Tôi chỉ nghe anh Tạo la lớn : - ‘‘M..A..A’’ rồi thấy anh té ngược trở vào phòng trong lúc hai cánh cửa sổ đang đóng trở lại lần nữa.

Anh Hồ Quang Nhựt đang ở trong tư thế phản ứng khi nghe tiếng hét đầu tiên của chúng tôi. Thật nhanh, anh chạy vội về hướng cửa sổ, với con dao lăm lăm trong tay. Lúc đó tôi bủn rủn cả tay chân, mắt tôi trợn trừng nhìn về phía cửa sổ. Một lần nữa, hai cánh cửa bổng nhiên lại tự động mở ra. Tôi thấy anh Nhựt phóng nhanh con dao về hướng này, con dao lao vào khoảng trống . . . Nhưng liền sau đó, tôi nhìn thấy nét mặt của anh lộ đầy vẻ kinh hoàng và cặp mắt anh mở trừng trừng hướng nhìn về cửa sổ, miệng anh hét thật lớn những âm thanh không rõ ràng . . .

Tất cả chúng tôi đang kinh hoàng, ú ớ nói không ra lời thì nghe tiếng đập cửa thật mạnh và tiếng Cha Linh vọng vào :

- Chúng mày làm gì mà la hét ồn ào thế !

Vội mở cửa cho cha vào, vị cứu tinh của chúng tôi trong cơn hoảng loạn. Lúc ấy cha mặc bộ quần áo ngủ và đi dép. Chúng tôi vội vã kể lại cho cha nghe về những sự việc đã xảy ra. Lần đầu tiên, chúng tôi thấy cha lộ nét đăm chiêu và mặt lộ vẻ trầm trọng. Không nói một lời, cha vội ra khỏi phòng chúng tôi, rồi đi nhanh về hướng Lầu I. Một khoảng thời gian sau, chúng tôi nghe tiếng cha trở lại vì chúng tôi đang chờ cha để biết cha đã làm gì. Trong thời gian cha đi qua Lầu I và các phòng của Lầu II để kiểm soát, chúng tôi đã bàn bạc và mong là có anh bạn nào đó . . . nhát ma chúng tôi.

Mở cửa đón cha, chúng tôi thấy cha đã mặc áo dòng, tay có cầm bình nước thánh. Vào đến phòng, cha miệng vừa đọc kinh, vừa đi khắp nơi trong phòng chúng tôi để rảy nước thánh. Sau đó nói :

- Cha đã đi hỏi hết các phòng, không có thằng nào mặc quần áo ngủ màu tráng, và cũng không có thằng nào đi nhát ma chúng mày cả. Thôi xong rồi ! đi học đi. 

Nhưng việc cha Linh thay áo dòng, cầm bình nước thánh đi rảy quanh phòng đã cho chúng tôi biết là có chuyện quan trọng thật sự chứ không còn là chuyện đùa.

Ngày hôm sau, khi đã thực sự bình tỉnh, chúng tôi gặp lại cha và hỏi lại chuyện xẩy ra hồi hôm.

- Ma phải không Cha ?

- Ai nói tụi bay đấy là ma ! Hứ ! Không phải ma đâu !

Thấy cha nói như vậy chúng tôi mừng quá, nhưng nghe cha nói tiếp thì hồn vía chúng tôi bay đi đâu hết trơn

- . . . Đó là quỷ đấy !

Trời ơi ! Như vậy chuyện xẩy ra còn ghê gớm hơn dự đoán của chúng tôi nữa. Tưởng chỉ là ma, té ra còn nguy hiểm hơn một bực nữa. Quỷ phải hơn ma là cái chắc rồi !

Nhưng cha Linh an ủi chúng tôi và nói mạnh là sẽ không có gì xảy ra vì cha đã làm phép rồi. Tuy vậy, cha có nói thòng thêm một câu đại ý cho biết hậu quả của chuyện này sẽ không được tốt cho chúng tôi.

Dù sợ hãi, chúng tôi cũng buộc lòng phải nghe lời cha . . . 

Sau khi thi đậu, chưa kịp hưởng thụ để bù đắp cho những ngày đã tận lực chỉ biết cắm đầu vào việc học và chỉ biết học mà thôi, tôi đã lâm bịnh, phải bị cấm cung để chữa trị bệnh phổi sau khi rọi kiếng. Sau ba tháng điều trị và được bồi bổ bằng những buổi ăn đầy đủ chất dinh dưỡng, phổi tôi trong sáng trở lại.

Trong khoảng thời gian này hoặc sau đó, tôi nghe tin anh Hồ Quang Nhựt bị chánh quyền bắt giữ vì hoạt động chánh trị và bị cầm tù ?.

Đến năm 1968, chúng tôi được tin anh Tôn Thất Tạo bị VC chôn sống trước khi chúng rút lui ra khỏi Huế trong biến cố Tết Mậu Thân.

Hơn ba mươi năm sau, tôi vẫn còn thắc mắc về chuyện này, vẫn chưa tìm được chứng cớ để xác định là hai anh Tạo và Nhựt đã nhát tôi trong cơn hoảng sợ. Tôi vẫn nghĩ đến những lời nói của cha Linh. Tôi vẫn nhớ đến những biến cố xẩy đến cho những người có dính líu vào vụ thấy ma, thấy quỷ này và cũng chưa tìm được một kết luận thỏa đáng nào khác. Đến nay tôi vẫn, chưa biết đây là chuyện thực hay chuyện đùa.

No comments:

Post a Comment