8/22/20

Hồng Kông và những ngày tự do cuối cùng

Thụy My RFI

Những cuộc theo dõi, các vụ bắt bớ người đối lập ngày càng nhiều, với cáo buộc « thông đồng với thế lực nước ngoài ». Phải chăng Hồng Kông đang sống trong những ngày tự do cuối cùng ?

Đang trong mùa hè, tuy nhiên chỉ có tuần báo L’Obs chọn chủ đề « Khi tình bạn cũng mạnh mẽ như tình yêu ». Hồ sơ của L’Express nói về « Dân túy châu Âu : Berlusconi, người nổi bật nhất », Courrier International phân tích « Mạng xã hội làm hủy hoại dân chủ ». Riêng Le Point đăng ảnh hai nhà hoạt động nổi tiếng của Hồng Kông là Hoàng Chi Phong (Joshua Wong) và Chu Đình (Agnes Chow), chạy tựa « Những ngày cuối cùng của Hồng Kông » với dòng tít nhỏ phía trên « Những nền văn minh đã chết đi như thế nào ».

Các nhà hoạt động bị theo dõi ráo riết

Hồ sơ của Le Point mở đầu bằng bài viết về những cuộc theo dõi, các vụ bắt bớ người đối lập ngày càng nhiều với cáo buộc « thông đồng với thế lực nước ngoài », mà tuần báo Pháp gọi là « Những ngày cuối cùng của Hồng Kông »

Gọi ai đây nếu có những kẻ khả nghi theo dõi bạn suốt nhiều ngày ? Câu hỏi này đang ám ảnh các nhà đấu tranh ở Hồng Kông. Tối thứ Sáu 14/08, dân biểu Hứa Trí Phong (Ted Hui Chi Fung) 38 tuổi, nhận ra một chiếc Mazda đen theo đuôi đến tận nhà. Anh quyết định đối mặt với những người này, nhưng họ dấn lên, tìm cách tông vào anh. Hàng xóm quay lại cảnh này và báo cảnh sát. Nhưng rốt cuộc cảnh sát nói những người trong chiếc xe này là « nhà báo », và khi Hứa Trí Phong chận chiếc Mazda lại, chính anh lại bị nhân viên công lực đè ngã xuống đất.

Hoàng Chi Phong biết rõ hiện tượng này từ rất lâu : anh bắt đầu bị theo dõi cách đây 8 năm, nghĩa là lúc mới 15 tuổi, bởi các « nhà báo » thân Bắc Kinh ! Bốn chiếc xe theo đuôi, và một người đi mô-tô phối hợp bằng bộ đàm. Chu Đình, cũng 23 tuổi, hôm 09/08 đăng lên Facebook cho biết « có nhiều người khả nghi » thay phiên giám sát trước nhà cô, và tối hôm sau thiếu nữ này bị bắt ngay sau vụ bố ráp tỉ phú Lê Trí Anh.

Bắt bớ vì đợt quyên góp để vận động ủng hộ Hồng Kông

South China Morning Post dẫn nguồn tin cảnh sát cho biết nhiều vụ câu lưu có liên quan đến một cuộc quyên góp năm 2019 trên trang web GoFundMe và Standwithhk.org. Tên của chương trình này là « Laam Caau » (« Lãm Sao » – hãy cháy lên cùng nhau), nhằm vận động quốc tế, đặc biệt là Hoa Kỳ, để trừng phạt Bắc Kinh. Chương trình đã quyên được trên 1,5 triệu euro, trong đó chỉ có 115.000 euro là từ nước ngoài để tài trợ cho việc đăng quảng cáo và các bài diễn đàn tại nhiều nước.

Theo người biểu tình, chiến dịch này đã mang lại hiệu quả : Hoa Kỳ chấm dứt chế độ ưu đãi và « Made in Hong Kong », 11 nhà lãnh đạo bị trừng phạt, Anh mở cửa cho người Hồng Kông sang tị nạn. Nhưng nhà cầm quyền Trung Quốc coi đây là sự « phản bội ». Ông Lê Trí Anh cùng người thân bị cáo buộc tham gia chiến dịch « Lãm Sao », Chu Đình và hai nhà hoạt động bị bắt vì cho là có dính líu (nhưng theo Hoàng Chi Phong thì thông tin về cô là sai lạc).

Đối với người dân Hồng Kông, sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế, hơn bao giờ hết, là « bảo hiểm nhân thọ » cho họ. Bắc Kinh với luật an ninh quốc gia dễ dàng đè bẹp phong trào dân chủ, nhưng chừng như vẫn chưa dám áp dụng hoàn toàn. Trước làn sóng ủng hộ, tất cả những người bị bắt hôm 10/08 đều được tại ngoại hầu tra.

Dù bị áp lực rất lớn, phe dân chủ vẫn quyết không lùi bước. Hôm 11 và 12/07, khi huy động được đến 600.000 cử tri đi bầu, đối lập đã chứng tỏ vẫn luôn tập hợp được lòng dân. Lấy cớ dịch bệnh, chính quyền Hồng Kông đã hoãn lại kỳ bầu cử Nghị Viện một năm, và từ giờ cho đến lúc đó, các lãnh tụ đối lập hẳn sẽ đối mặt với một loạt vụ khởi tố.

Niềm hy vọng nơi cộng đồng quốc tế

Trong bài trả lời phỏng vấn, nhà hoạt động trẻ tuổi Hoàng Chi Phong đặt câu hỏi « Liệu thế giới có bảo vệ cho Hồng Kông hay không ? »

Lãnh tụ sinh viên cho biết, vụ ông Lê Trí Anh và cô Chu Đình bị bắt là một cú sốc đối với anh. Bảy giờ rưỡi sáng hôm đó, có người gọi lại hỏi anh có bị bắt hay chưa, và loan báo sự kiện. Hoàng Chi Phong cho rằng mục tiêu tiếp đến rất có thể là mình, nhưng anh quyết chiến đấu cho đến phút cuối, và mọi sự còn tùy thuộc vào phản ứng của quốc tế.

Cuộc bố ráp đưa Apple Daily lên đỉnh vinh quang

Bài viết của thông tín viên Le Point tại Hồng Kông mang tựa đề « Ngày vinh quang của Apple Daily » thuật lại chi tiết hôm ông chủ báo Lê Trí Anh (Jimmy Lai) bị bắt, tòa soạn bị khám xét và nhận định, kể từ nay tờ báo đối lập của Hồng Kông là hiện thân của tự do báo chí.

Tổng biên tập La Vĩ Quang (Ryan Law Wai Kwong) kể lại, vào lúc 7 giờ 15 sáng 10/08, ông nhận được cái tin đã lo sợ từ lâu : ông chủ báo Lê Trí Anh bị bắt. La Vĩ Quang lập tức yêu cầu các phóng viên đến nhà ông Lê để tường thuật sự việc, còn mình thì cấp tốc đến tòa soạn. Ông đã dự cảm đúng : 9 giờ 45 phút, cảnh sát bao vây trụ sở tập đoàn Next Digital, công ty mẹ của Apple Daily, ở ngoại ô Hồng Kông.

Có đến 200 cảnh sát viên ập vào tòa báo, xét giấy tờ các phóng viên, lục soát khắp nơi trong khi luật pháp Hồng Kông cấm tịch thu « dụng cụ hành nghề của các nhà báo ». Một hành động chưa có tiền lệ ! La Vĩ Quang ra lệnh đưa tin trực tiếp trên YouTube, hàng ngàn người đã theo dõi vì chỉ có Apple Daily mới tường thuật được từ bên trong. Đến 11 giờ, tỉ phú Lê Trí Anh bị áp giải đến tòa soạn, cảnh sát khám xét văn phòng ông và mang đi khoảng 30 thùng « tang vật » gồm máy tính, hóa đơn…

La Vĩ Quang tự hỏi, có cần đến 200 cảnh sát để lục soát văn phòng ban giám đốc và bộ phận kế toán hay không ? Đương nhiên chính quyền đã vi phạm tự do ngôn luận, tự do báo chí, cú đòn này nhằm ngăn cản Apple Daily ra báo. Dù sau nhiều tiếng đồng hồ các phóng viên mới được quay lại làm việc, nhưng Apple Daily đã chốt được số báo lịch sử, hầu hết tập trung vào vụ tòa soạn bị bố ráp !

Tờ báo chạy hàng tựa lớn màu đỏ « Chúng tôi tiếp tục chiến đấu », với tấm ảnh ông Lê Trí Anh bị còng tay. Ấn bản này được bán đến trên 500.000 bản, thay vì 70.000 như thường lệ. Các độc giả trung thành mua nhiều tờ để phân phát, số khác đi ăn ở hai nhà hàng của gia đình ông Lê để ủng hộ. Những ngày sau đó, độc giả bỏ tiền đăng quảng cáo, mua cả trang để đăng những câu như « Yêu Hồng Kông biết bao ! » « Chúng tôi dành cuộc đời cho tự do »…Giá cổ phiếu của Next Digital tăng gấp 20 lần trong vòng 24 giờ, trước khi sụt xuống « chỉ » còn cao gấp 5 lần.

Tiếp tục ra báo « cho đến khi phá sản »

Sinh tại Quảng Đông, gần một năm sau khi Mao thành lập Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, năm 11 tuổi Lê Trí Anh cùng gia đình sang Hồng Kông bất hợp pháp bằng tàu đánh cá để chạy trốn nạn đói trong Đại Nhảy Vọt. Nhà sử học (Grace Leung) nhận định, đi lên từ bàn tay trắng, Lê Trí Anh, ông muốn đền đáp cho thành phố đã cưu mang mình. Vụ thảm sát Thiên An Môn gây xúc động lớn Lê Trí Anh, lúc đó đang là chủ công ty may Giordano, ông bèn cho in lên áo thun các khẩu hiệu cổ vũ tự do. Người dân Hồng Kông đổ xô mua áo, và từ đó tự do trở thành giá trị tối thượng nơi đặc khu.

Năm 1990, ông bán Giordano và cho ra đời Apple Daily, tờ báo nhanh chóng trở thành một trong hai nhật báo lớn nhất Hồng Kông. Lê Trí Anh dự báo khi Hồng Kông được trao trả cho Trung Quốc năm 1997, những tờ báo cạnh tranh sẽ tự kiểm duyệt, trong khi Apple Daily luôn trung thành với tinh thần phản biện.

Trong những năm 2010, Bắc Kinh tỏ ra cứng rắn hơn, cấm các công ty đăng quảng cáo trên Apple Daily. Cộng với cuộc khủng hoảng chung của báo chí, đến năm 2018 Next Magazine ngưng ra báo giấy, và trong năm tài chính 2019-2020, tập đoàn bị lỗ trên 415 triệu đô la Hồng Kông (45 triệu euro). Nhà tỉ phú chống chọi được nhờ các món đầu tư địa ốc, và tuyên bố « sẽ tiếp tục cho đến khi phá sản ». Bà Lương Lệ Quyên không ngần ngại khẳng định, « Apple Daily giờ đây trở thành biểu tượng cho tự do báo chí » sau vụ bố ráp ngày 10/08.

Nobel hòa bình cho Lê Trí Anh?

Courrier International dịch một bài báo của Apple Daily, nói về « Lê Trí Anh, sự hy sinh của một nhà tỉ phú cho tự do báo chí ».

Tác giả nhắc lại một câu nói của ông Lê Trí Anh : « Tất cả những gì tôi sở hữu hôm nay là nhờ tự do mà Hồng Kông có được ». Nhà tỉ phú lăn xả bất chấp hiểm nguy cho mình và cho người thân. Nhà văn Đài Loan Nhan Trạch Nhã (Joyce Yen) viết trên Facebook : « Khi thấy Lê Trí Anh thu hút báo chí ngoại quốc như thế nào, và hình ảnh đầy can đảm của ông, tôi nghĩ rằng ông rất có cơ hội giành được giải Nobel hòa bình năm tới ».

Sẽ có những người trẻ ở đặc khu không đồng ý với ý kiến trên, vì Lê Trí Anh không ủng hộ Hồng Kông độc lập. Tuy nhiên khi ra tay trấn áp, đảng Cộng Sản Trung Quốc đã « phong thánh » cho ông.

Trung Quốc sẽ phải trả giá đắt cho việc đàn áp Hồng Kông

Tuần báo The Economist khẳng định « Các nhà cai trị Trung Quốc sẽ phải trả giá đắt cho việc đàn áp Hồng Kông », vì tác động sẽ vô cùng lớn trên lòng tin của người nước ngoài dành cho Bắc Kinh. Chính phủ và người dân các nước phương Tây không thể thay đổi được chọn lựa của Trung Quốc về vấn đề Hồng Kông, nhưng họ có quyền rút ra kết luận.

Trung Quốc muốn trở thành siêu cường công nghệ, bán mạng lưới 5G cho toàn thế giới, bán các nhà máy điện nguyên tử, và biết đâu sắp tới là vaccin chống virus corona. Các nhà ngoại giao Bắc Kinh muốn có chỗ đứng cao nhất trên các diễn đàn quốc tế, các trường đại học Trung Quốc muốn có đối tác khắp các nước. Những tham vọng này là hợp lý, nhưng còn tùy thuộc rất nhiều vào lòng tin. Và việc đàn áp Hồng Kông đã gây tác động hết sức lớn lao trên sự tin cậy của người ngoại quốc đối với Trung Quốc.

No comments:

Post a Comment