6/18/09

Một nén tâm hương

Nguyễn Đức Cường

Cha thương kính của con,

Đây là lá thư đầu tiên, và cũng là lá thư cuối cùng con gửi đến Cha. Kể từ khi hay tin Cha lâm trọng bệnh cho đến mới ngày hôm qua thôi, khi Cha đã thực sự yên nghỉ, anh em Thụ Nhân chúng con khắp mọi nơi đã đối mặt với một nỗi trống trải lạ lùng. « Ngọn đa làng Thụ Nhân đã rạp xuống chân đồi », con tự nhủ lòng mình như thế. Vâng, ngọn đa làng, khi rạp xuống, dường như vẫn còn đem theo bóng mát của mình như một cố gắng cuối cùng để làm dịu lại mặt đất, từ bao giờ đã khô khốc hy vọng và thương yêu.

Chiếc bóng

Mai Kim Đỉnh

Còn 15 phút hết giờ « thăm nuôi », viên công an quản lý khu thăm gặp gia đình tù nhân chính trị miền Nam khản giọng nhắc. Đảo mắt nhìn quanh rồi nghiêng người phía trước như cố thu giữ bóng dáng phút cuối đứa em trai ngấp nghé tứ tuần vào đáy mắt. Chị tôi dúi vội vào tay lọ dầu Con Cọp, thầm thì: Cha Lập gởi. Em giữ một ít. Còn lại trao cho cac Linh mục ở trại dâng Lễ cuối tuần. Không chút quan tâm phản ứng của tôi, Chị nói tiếp: Cha Nguyễn Văn Lập chuyển về họ đạo Bình Triệu, nhà thờ Đức Mẹ Fatima. Thăm Em lần trước, Chị không gặp được Cha. Trước khi đi lần này, Chị đến thăm để nhờ Cha cầu nguyện cho tất cả và riêng Em. Cha nhờ Chị mang ít Bánh Hằng Sống ban Hồng Ân Vượt Qua.

Cha Nguyễn Văn Lập! Ngần ấy chữ ngủ quên trong ký ức, bất chợt sống lại, trỗi vượt, chiếm ngự. Tôi buột miệng: Chị nhận làm chi của dữ ấy. Vào trại khám xét tận răng, chỗ nào cất dấu ? Chị trấn an: Bởi muốn trót lọt, Chị đựng bánh Thánh trong lọ dầu Con Cọp bao lâu nay Em vẫn dùng. Trong ba lọ dầu mà Chị vừa trao, chỉ có một chứa « của dữ » gói trong giấy nhựa, nhét ở đấy . Chị cười nói tiếp: Không nhiều lắm đâu. Thịt ở thị trường xã hội chủ nghĩa không dư, phải mua chui . « Thịt Chúa » lại càng khan hiếm, không dễ tìm, dầu « xếp hàng cả ngày ». Tôi cười méo xệu trước lời bông đùa : Lại kế « không thành » của Khổng Minh.

6/17/09

Một vài dấu mốc trên con đường Thụ Nhân

hay là

Bàn qua về truyền thống “Thụ Nhân”

GS Trần Thanh Hiệp

Văn tự là của công thiên hạ, tôi không dám nhất định theo một nhà chú giải nào mà không tìm xét cho đúng ý nghĩa của sách LÊ QUÍ ĐÔN, Kinh Thư Diễn Nghĩa (Tựa), 1772

clip_image002_thumb25Bài viết này là để giữ lời hứa cũ với cựu chủ tịch Lê Đình Thông bàn rộng về hai chữ Thụ Nhân, lời hứa còn được nhắc lại với chủ tịch đương nhiệm Nguyễn Ngọc Thương. Viện Đại Học Dalat ngày nay chỉ còn là một hoài niệm, nhưng hai chữ Thụ Nhân đã trở thành một truyền thống, một tín hiệu tập hợp cho giáo sư và sinh viên của Viện, vì thời thế, đã phải bỏ trường, bỏ nước ra đi, đến tận chân trời góc biển.

Tháng 10 năm 1994, nhân dịp qua thăm Paris, trả lời – trong khuôn khổ một cuộc phỏng vấn –

một câu hỏi của chủ tịch Lê Đình Thông của Hội Ái Hữu Viện Đại Học Dalat tại Âu Châu về chữ Thụ Nhân, Cha Viện trưởng Nguyễn Văn Lập nói :

« Đó là hai chữ lấy trong câu « Nhất niên chi kế, mạc như thụ cốc ; thập niên chi kế, mạc như thụ mộc ; bách niên chi kế, mạc như thụ nhân » (1). Anh muốn nhìn xa thấy rộng làm kế hoạch cho trăm năm, nghĩa là cho tương lai, thì không gì bằng trồng người. Vì thế cho nên tôi có ý nói lên cho sinh viên một mục tiêu cuộc sống của mình là phải làm cho mình có tư cách để sau này trở nên cây cổ thụ giúp ích cho đời, cả về phương diện học thức, cả về phương diện đạo đức, cả về phương diện thể chất. Và tôi vui mừng, bởi vì các anh các chị cựu sinh viên dù ở vào bất cứ chỗ nào, dưới chân trời nào cũng làm gương, cùng đoàn kết, cùng thương yêu, cùng cộng tác, cùng hoạt động hết mình và bao giờ cũng thiết tha với vận mệnh đất nước » (2).

6/11/09

Đức Ông Nguyễn Văn Lập « Sinh Viên Là Lẽ Sống Của Tôi »

GS Lê Hữu Mục

clip_image0022Tôi được biết Cha Lập vào khoảng cuối năm 1952, khi ngài còn làm Cha sở họ Phanxicô, nơi có ngôi nhà thờ Gothic rất đẹp mà thiên hạ thường gọi là nhà thờ nhà nước. Nhưng quê quán của ngài là Quảng Trị, một tỉnh nằm về phía bắc Thừa Thiên, nơi có những truyền thống lâu đời và một lịch sử anh hùng bất khuất.Con người Quảng Trị là con người có tinh thần chiến đấu cao, có ý chí mạnh và có lòng nhẫn nại làm việc gì cũng làm đến cùng. Khi tôi được biết ngài, Cha Lập đã du học ở Pháp lâu năm, đỗ cử nhân Sử học và đang dạy Sử tại trường Quốc Học và Thiên Hựu (Providence), và sau đó là trường Bình Minh, ngôi trường tư thục mà Cha đã vận động nhóm trí thức Công giáo Huế chúng tôi đồng thành lập. Ai đã tiếp xúc với ngài và nhất là đã học với ngài đều công nhận rằng óc của Cha Lập là óc Sử gia cho nên ngài nói điều gì cũng có chứng cớ lịch sử, ý kiến được trình bày một cách mạch lạc, tân tiến và đầy tính cách thuyết phục. Các bài giảng của ngài ở nhà thờ cũng có tính cách ấy, nghĩa là bố cục chặt chẽ, lý luận vững vàng và chi tiết cụ thể. Tôi còn nhớ như in những bài giảng của ngài về lễ Phục Sinh. Chúa bị hành hạ như thế nào, mão gai được kết bằng loại gai gì, Chúa chết vì lý do gì, vào lúc ấy có ai chứng kiến và Chúa đã sống lại trong trường hợp cụ thể nào… Nhờ các chứng kiến lịch sử, bài giảng trở nên linh động và dễ gây cảm xúc cho người nghe. Tôi chắc rằng những ai được nghe Cha giảng đều thích như tôi… Được như vậy, vì cha là một người gốc Quảng Trị (nơi người ta phát âm chữ "ông" là "ôông" một cách kính trọng).

6/10/09

Vĩnh biệt gia trưởng

GS Vũ Quốc Thúc

clip_image0021Trong buổi lễ cầu hồn hôm nay, tôi xin phép nói đến một việc mà tôi coi là sự thành công ngoạn mục nhất của Đức Ông Nguyễn Văn Lập trong thời kỳ Ngài điều khiển Viện Đại học Dalat, với tư cách Viện trưởng của Viện Đại Học này. Đó là việc nêu cao khẩu hiệu “Thụ Nhân”, biến ý niệm cổ kính này thành một tôn chỉ, một tinh thần, có thể nói là một quan niệm triết lý để hướng dẫn toàn thể các giáo sư và sinh viên, không những trong khuôn khổ học trình của Viện mà còn cả ngoài đời nữa.

Trước khi nhận làm giảng viên môn Kinh tế học ở Trường Chánh Trị Kinh Doanh, tôi thành thực tưởng rằng Viện Đại học Dalat cũng chẳng khác gì các Viện Đại học Hà Nội (cũ) và Saigon là những nơi tôi rất quen thuộc. Những nơi ấy chỉ là những cơ sở giảng dạy, nhằm đào tạo chuyên viên để sau này phục vụ trong các ngành hoạt động như : hành chính, tư pháp, kinh tế, y tế, giáo dục v.v. Do đó, giữa Ban Giám đốc, các giáo sư và sinh viên, sự liên lạc có tính cách hành chính nhiều hơn là tình cảm : điều này thật rõ ràng ở những trường như Luật khoa hay Văn khoa, trong đó giáo sư hàng ngày giảng bài trước hàng trăm sinh viên, ít khi có cơ hội đàm đạo với mỗi học trò của mình. Nhà trường điều hành như một nhà máy, để phổ biến kiến thức, rồi khảo thí và cấp bằng… Vấn đề tôn chỉ hay triết lý không bao giờ đặt ra. Sau khi mãn khoá, giữa các sinh viên đồng khoa có thể tồn tại phần nào một mối quan hệ thân hữu vì họ đã gặp nhau trong mấy năm liền, nhưng giữa các giáo sư và cựu sinh viên, quả thực là mỗi người một ngả, không còn liên lạc nữa.