“Ông này, tôi đọc báo thấy Ngân hàng Thế giới nói “Nền kinh tế Việt Nam thể hiện khả năng chống chịu đáng kể trong khủng hoảng COVID-19, tốt hơn nhiều so với các nước khác”. Bên này căng quá, hay mình bán nhà chuyển tiền về cho con út nó đầu tư bất động sản bên đó nhỉ?”, Bà Tammy Trần, cư dân thành phố San Jose, CA., nói với chồng. Vừa dứt lời, bà bắt gặp ngay cặp mắt “mang hình viên đạn” của ông chồng. “Sao bà không đọc tiếp câu sau của họ “Tuy nhiên, con đường phục hồi có thể gặp trắc trở do vẫn còn nhiều bất định cả trong nước và trên toàn cầu. Bà rảnh quá!” Chồng bà Tammy đáp lại lời gợi ý của vợ...
Mặc dù đại dịch COVID-19 không phải là dịch bệnh đầu tiên lây lan toàn cầu, nhưng nó đang gây ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế của hầu hết các quốc gia trên thế giới.
Suy thoái toàn cầu!
Tuy được gọi là "cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu", cuộc đại suy thoái bắt đầu từ năm 2008 phần lớn là cuộc khủng hoảng ngân hàng ở 11 nền kinh tế tiên tiến. Còn sự suy thoái kinh tế hiện nay đã khác. Bản chất chung của “cú sốc coronavirus mới” này là “không biên giới” - đã khiến cộng đồng toàn cầu rơi vào suy thoái tệ hại hơn bất kỳ thời điểm nào khác, kể từ cuộc Đại suy thoái thập niên 1930.
Giống như hầu hết nền kinh tế trên thế giới, sức khỏe nền kinh tế Việt Nam cũng đang hết sức èo uột, các ngành công nghiệp tư nhân bị thiếu hụt nguồn nguyên liệu cung ứng và đối mặt với nguy cơ dừng sản xuất. Dịch COVID-19 còn ảnh hưởng đến nhiều ngành kinh tế bao gồm hàng hải, và các lĩnh vực phân phối, bán lẻ trong nước. Không nằm ngoài của quỹ đạo khủng hoảng toàn cầu, ngành hàng không Việt Nam bị ảnh hưởng nặng nề, nhiều chuyến bay bị hủy bỏ. Du khách từng mong được đặt chân đến những danh lam, thắng cảnh Việt Nam, nay phải từ bỏ luôn ước mơ, ít nhất là trong mùa đại dịch, mà dịch thì không biết bao giờ mới kiểm soát được để Việt Nam lại “mở cửa” chào đón khách du lịch.
Đại dịch tạo ra sự thu hẹp kinh tế lớn, kéo theo đó là cuộc khủng hoảng tài chính ở nhiều nơi trên thế giới, khi các khoản vay doanh nghiệp không hiệu quả tích tụ cùng với các vụ phá sản. Các vụ vỡ nợ có chủ quyền ở các nước đang phát triển cũng sẵn sàng tăng đột biến. Cuộc khủng hoảng này sẽ đi theo một con đường tương tự như cuộc khủng hoảng lần trước, thậm chí tồi tệ hơn, tương ứng với quy mô và phạm vi của sự sụp đổ trong hoạt động kinh tế toàn cầu.
Và cuộc khủng hoảng sẽ ảnh hưởng nặng nề hơn đến các hộ gia đình và quốc gia có thu nhập thấp hơn so với các nước giàu có hơn. Thật vậy, Ngân hàng Thế giới ước tính rằng khoảng 60 triệu người trên toàn cầu, trong số đó có hơn 2 triệu người Việt Nam, sẽ bị đẩy vào cảnh nghèo cùng cực do hậu quả của đại dịch. Kinh tế Việt Nam, vốn phụ thuộc rất lớn vào kinh tế toàn cầu, chắc chắn còn bị ảnh hưởng nặng nề. Nhiều chuyên gia tin rằng kinh tế Việt Nam có thể tăng trưởng âm trong năm nay nếu COVID-19 tái bùng phát trên diện rộng. Vấn đề nghiêm trọng hơn, là sự suy thoái lần này xảy ra vào thời điểm nền kinh tế ở nhiều nước đang suy yếu, kéo theo con đường phục hồi sẽ rất khó khăn và rất dài.
Có ba chỉ số cho thấy rằng con đường phục hồi không nằm ngay trước mắt:
- Đầu tiên là xuất khẩu.
Do việc đóng cửa và khóa cửa biên giới, nhu cầu hàng hóa toàn cầu đã giảm xuống, tác động mạnh đến các nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu. Ngay cả trước khi đại dịch xảy ra, nhiều nhà xuất khẩu đã phải đối mặt với áp lực. Gần đây, xuất khẩu bị tổn hại bởi cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung mà Tổng thống Mỹ Donald Trump phát động vào giữa năm 2018. Đối với các nền kinh tế nơi du lịch là nguồn tăng trưởng quan trọng, sự sụp đổ của du lịch quốc tế là một thảm họa.
- Chỉ số thứ hai cho thấy sự phục hồi chậm và kéo dài là tỷ lệ thất nghiệp.
Cục Thống kê Lao động Hoa Kỳ gần đây đã công bố số liệu thất nghiệp hàng tháng tồi tệ nhất trong 72 năm mà cơ quan này có dữ liệu được ghi nhận. Tại Việt Nam, theo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, gần 31 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc, giảm thu nhập... Số người bị giảm thu nhập ước tính lên tới 57%. Số lao động mất việc tập trung vào các ngành xuất khẩu, nhất là trong công nghệ chế biến, và trong các ngành dịch vụ du lịch, hay các dịch vụ khác như buôn bán lẻ, vận tải kho bãi, hiệu ăn...
- Đặc điểm nổi bật thứ ba của cuộc khủng hoảng này là tính thoái trào cao trong phạm vi quốc gia và giữa các quốc gia.
Những bất ổn về kinh tế đang diễn ra ngày càng giảm mạnh đối với những người có thu nhập thấp. Những người như vậy thường không có khả năng làm việc từ xa hoặc các nguồn lực để tự giải quyết khi không làm việc. Ở các nước đang phát triển - trong đó có Việt Nam - nơi các mạng lưới an toàn chưa phát triển hoặc không tồn tại, sự suy giảm mức sống sẽ diễn ra chủ yếu ở các bộ phận nghèo nhất của xã hội. Liên Hiệp Quốc mới đây đã cảnh báo rằng thế giới đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng lương thực tồi tệ nhất trong 50 năm qua.
Bóng tối của cuộc khủng hoảng này sẽ còn dài và đen tối - hơn cả những cuộc khủng hoảng trước đó.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế dự đoán tỷ lệ thâm hụt trên GDP ở các nền kinh tế tiên tiến sẽ tăng từ 3,3% trong năm 2019 lên 16,6% trong năm 2020; và ở các thị trường mới nổi, nó sẽ tăng từ 4,9% lên 10,6% so với cùng thời kỳ.
Hậu quả kinh tế là rõ ràng, khi thu nhập trong tương lai giảm, gánh nặng nợ nần trở nên nặng nề, dẫn đến hậu quả xã hội khó lường hơn. Nhà sử học Henry Adams từng lưu ý rằng hỗn loạn chính trị là sự tổ chức có hệ thống của những hận thù. Những cử tri bị mất việc, thấy doanh nghiệp đóng cửa, và họ phải tiêu luôn tiền tiết kiệm thì cả thảy đều phẫn nộ. Trong khi không có giải pháp chung cho tất cả vấn đề chính trị và xã hội, tốt hơn hết, cần phải có hành động thận trọng là ngăn chặn những áp lực ngày càng trở nên tồi tệ hơn.
theo :Bảo Khôi theNewViet
CT Hùng sưu tầm
No comments:
Post a Comment