9/29/22

Tân Định, thức cả trăm năm…

Bút ký của Hoàng Nguyên Vũ

Nơi đây giữ lại những hồn cốt của đất và người Sài Gòn trong chặng hành trình trầm tích những giá trị bản thể hàng trăm năm; cũng như những giá trị tính cách khó thể nào mất đi của người dân Sài Gòn.
Người ta nhớ thương về Tân Định nhiều khi không phải vì những giá trị lớn lao nào cả, mà người ta nhớ thương về những điều thân thuộc. Có khi, chỉ là một quán cà phê, một lối đi về; hay cũng có khi chỉ là một cơn mưa rất nhẹ của năm nào vương trên cây hoàng lan ngoài hiên cũ…

Với những người Sài Gòn xa xứ, Tân Định là một cái tên đủ nặng, đủ sâu như thế.

Theo dấu người năm cũ

Nhà ông bạn tôi nằm trên đường Thạch Thị Thanh. Căn nhà kiến trúc Sài Gòn cũ, với thép là ý tưởng chủ đạo ở cửa chính và các ô cửa sổ. Tường trét đá rửa, chia ô vuông trang trí theo họa tiết hình học, một thứ phong cách kiến trúc Âu Mỹ khá phổ biến ở Sài Gòn mấy chục năm trước.

9/28/22

MẬT ÁNH SÁNG

Nguyễn Ngọc Tư

Bà nội nhỏ là đào hát.
Lần đầu tiên gặp nhau trong tiệm nước bên đình, ông nội không cách nào bứt mắt khỏi người lạ. Hai chân rút lên ghế, má tì vào đầu gối, chậm rãi gặm móng tay, da cổ xanh và nhợt nhạt của một người thiếu ngủ lâu ngày. Tiệm nhỏ, khói thuốc thơm quầng quã không tan, phủ lên điệu bộ lười nhác của bà nội nhỏ ít nhiều ma quái. Đàn bà ở Nhơn Thành chẳng ai có cái dáng vẻ vậy, họ tất tả như đã sẵn từ lúc hãy còn là bào thai mẹ đeo lúc lỉu ra đồng.

9/27/22

Hành Trang Tuổi Già

Cám ơn chị K. đã chia sẻ clip phim rất hay và có ý nghĩa về tuổi già. Tôi xin mạo muội đóng góp một vài thiển kiến để cùng học hỏi.

 Hành Trang Tuổi Già

Chúng ta thường có tâm lý chung là: “trẻ cậy cha, già cậy con.” Tâm lý này đã ăn sâu bén rễ trong tư tưởng của đại đa số người dân, đến nỗi nhiều người xem đó như là chuyện đương nhiên không cần bàn cãi, và đây cũng là nguồn cơn gây ra câu chuyện bi nhiều hơn hài khiến không ít người già vỡ mộng tuổi già an hưởng bên con cháu.

Sự thật là càng ngày cùng với sự phát triển của xã hội hiện đại thì số lượng người già không sống cùng con cháu mà sống riêng lại càng tăng lên. Có thể nói không phải ai cũng được con cháu kính mến đến mức sẵn sàng đón về ở chung và phụng dưỡng cẩn thận đầy đủ cho đến lúc nhắm mắt xuôi tay. Nhưng bất cứ tình huống nào, khi bước vào ngưỡng cửa tuổi già, chúng ta đều nên chuẩn bị sẵn sàng tinh thần và cả vật chất để có thể sống độc lập mà không cần phụ thuộc vào con cháu.

9/26/22

Bầu cử Quốc Hội Ý: Phe cực hữu giành chiến thắng lịch sử

Thanh Phương - RFI ngày 26.09.2022 

Lãnh đạo đảng Huynh Đệ Ý, Giorgia Meloni và biểu ngữ "Cảm ơn nước Ý", trước tổng hành dinh chiến dịch tranh cử tại Roma ngày 25/09/2022. AP - Gregorio Borgia


Sau Thụy Điển, phe cực hữu vừa có một cú đột phá mới, giành chiến thắng lịch sử trong cuộc bầu cử Quốc Hội tại Ý hôm qua, 25/09/2022

Hãng tin AFP cho biết, theo các thẩm định đầu tiên, đảng Huynh Đệ Ý ( Fratelli d’Italia) đã thu được đến một phần tư số phiếu bầu, trở thành đảng lớn nhất ở nước Ý và như vậy là lãnh đạo đảng, bà Giorgia Meloni, có thể thực hiện tham vọng lên làm thủ tướng.

9/25/22

Tuyến đường sắt tốc độ cao tách rời các nước Baltic khỏi Nga và quá khứ Liên Xô của họ

 Callum Tennent


Phong cách nghệ thuật của mô hình nhà ga tương lai dọc theo tuyến đường sắt Baltica. - Real Baltica

Dự án cơ sở hạ tầng lớn nhất ở vùng Baltic trong một trăm năm đang được tiến hành.

Dự án Đường sắt Baltica dài 870 km sẽ kết nối các thủ đô của Lithuania, Latvia và Estonia với Warsaw và phần còn lại của châu Âu, cho phép các chuyến tàu từ lục địa này chạy liên tục.

Tuy nhiên, dự án mang tính biểu tượng cũng như vật chất.

9/24/22

Thư viện đặc biệt nhất thế giới: Không có nổi một cuốn sách nhưng vô ...

Nhắc đến thư viện, hầu hết chúng ta đều hình dung ra khung cảnh một căn phòng rộng lớn với hàng loạt các tủ sách xếp dày đặc đa dạng những cuốn sách theo từng danh mục cùng sự tĩnh lặng tuyệt đối. Tuy nhiên, tại Đan Mạch lại xuất hiện một thư viện đặc biệt, nơi không có bất kỳ quyển sách nào, cũng chẳng hề tĩnh lặng mà lại tràn ngập tiếng trò chuyện của mọi người.

Khung cảnh thư viện đặc biệt tại Đan Mạch

Được lên ý tưởng được vào những năm 2000 và xuất hiện lần đầu tại Lễ hội âm nhạc Roskilde tại Đan Mạch với cái tên "Human Library" (Tạm dịch: Thư viện con người), thư viện này đã đón nhận rất nhiều sự quan tâm và từ đó trở thành một tổ chức lớn mạnh.

9/23/22

Bước Chân Vô Định

 Dạo:

    Quê người, bóng tối chìm sâu,

Bước chân vô định về đâu đêm này.

 

Cóc cuối tuần:

 

         Bước Chân Vô Định

 

     Lại khăn gói tìm thăm xứ lạ,

     Ham vui đành vất vả trôi lăn,

          Lạ nhà, lạ chiếu, lạ chăn,

Lạ phong cảnh, lạ miếng ăn, câu chào.

 

     Xưa gặp cảnh lao đao mất nước,

     May Trời cho đến được đất lành.

          Về già hai bữa cơm canh,

Bỗng dưng sinh tật, du hành tứ tung.

9/21/22

HIỂM HỌA MAGA

Hoàng Ngọc Nguyên

Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ.

Thật tình cờ ngày chủ nhật 18-9, hai tờ báo lớn nhất của nước Mỹ, The New York Times và Washington Post, đều có bài có tựa giống nhau và nội dung cũng khá giống nhau.

Tở NYT: “Echoing Trump, these Republicans won’t promise to accept 2022 results” (Nói theo Trump, những người Cộng Hòa (CH) này không hứa chấp nhận kết quả bầu cử 2022). “Sáu ứng cử viên CH tranh cử thống đốc và Thượng Viện tại những tiểu bang chủ yếu trong bầu cử giữa mùa, tất cả được Donald Trump ủng hộ, không cam kết chấp nhận kết quả tháng 11”.

Kỷ niệm ngày tháng cũ - Hội ngộ 50 năm, tổng hợp hình ảnh các khóa & thân hữu

9/18/22

BẦU CỬ GIỮA MÙA: NHỮNG CÂU HỎI

Hoàng Ngọc Nguyên


Đến giữa tháng chín, chỉ còn khoảng 50 ngày, hay bảy tuần,  người Mỹ sẽ đi bầu cử giữa mùa – midterm elections - nhằm vào Hạ Viện (toàn phần) và Thượng Viện (1/3). Đương nhiên người ta đang nói nhiều về cuộc bầu cử này vì nó sẽ định hình chính trị nước Mỹ không chỉ trong hai năm tới mà còn sẽ có tính cách quyết định bầu cử tổng thống năm 2024, ai còn ai mất. Nước Mỹ đang ở vào một thời điểm cực kỳ thử thách. Thời mạt pháp dường như đang bao trùm loài người khắp nơi. Bởi thế mà chúng ta đang có một đương kim tổng thống đứng ngồi không yên và một cựu tổng thống không chịu ngồi yên. Tình hình sẽ tệ hại hơn hay chăng, đúng là phải chờ ngày 8-11 chúng ta mới có thể thấy được.

9/16/22

Hắt Hiu Lời Gió

Dạo:

    Ôm từng kỷ niệm chắt chiu,

Vẳng nghe lời gió hắt hiu vỗ về.

 

Cóc cuối tuần:

 

  Hắt Hiu Lời Gió


Ngọn gió đưa đường,
Êm êm dường hơi thở.
Nỗi buồn trăn trở,
Vẫn cắc cớ kéo dài.

Tiếng hát rạc rài,
Mệt nhoài ôm tiếc nuối.
Lời ca nhức nhối,
Bối rối bước chân rời.


Nhặt mảnh buồn rơi
Tưởng đùa chơi chốc lát,
Con tim lang bạt
Vồ chặt lấy tâng tiu.

Làn gió hắt hiu,
Pha nắng chiều nhạt thếch,
Cùng bầy lá rách
Lách chách chuyện ngàn sau.

Chim mượn ánh sao,
Lao xao tìm chỗ đậu.
Nỗi sầu che giấu,
Chợt nung nấu cồn cào.

Chuyện cũ ngày nao
Lòng làm sao quên được,
 Dù bao năm trước,
 Đời rách mướp tả tơi.











Trăng trót phụ người,
Xưa tìm nơi lặn lội,
Nay về sám hối,
Mặt còm cõi xanh xao.

Kỷ niệm xé rào
Ồn ào như vỡ chợ.
Trong buồng tim vỡ
Nỗi nhớ vụt lao nhao.

Oán trận mưa rào,
Năm nao làm lỗi hẹn.
Nỗi đau nghèn nghẹn,
Theo gió lén về thăm.
x  x
Thức mãi không nằm,
Gối chăn dần lạnh ngắt,
Bơ phờ vuốt mặt,
Lạnh ngắt trũng bàn tay.

Nhấp ngụm men cay
Hơi say thành nét chữ.
Cuối đời lữ thứ,
Quá khứ lại gào la.

Đêm Bolivia,
Bước xa nhà tiếp nối,
Đèn khuya cằn cỗi,
Lời gió tối hắt hiu.

Trần Văn Lương
Bolivia, 9/2022

9/12/22

Thủ tướng kiêm bộ trưởng của năm bộ - Dân chủ Úc có vấn đề?

Nguyễn Quang Duy

Thủ tướng Úc Anthony Albanese
Ngày 26/8/2022, Thủ tướng Úc Anthony Albanese (Đảng Lao động) cho biết đã bắt đầu cuộc điều tra việc cựu Thủ tướng Scott Morrison (Đảng Tự do) từng giữ chức bộ trưởng của năm bộ trong nội các tiền nhiệm.

Đó là Bộ Y tế, Bộ Tài chánh, Bộ Kỹ nghệ, Khoa học, Năng lượng và Nguồn lực, Bộ Nội vụ và Bộ Tài chánh. Lạ hơn, khi ông Morrison nắm cả một loạt 5 bộ như vậy mà Quốc hội Úc không hề hay biết.

Việc này đã trở thành một đề tài được báo chí Úc đưa tin và bình luận suốt mấy tuần qua, một số người cho rằng cựu Thủ tướng Scott Morrison làm vậy để thâu tóm quyền lực và như thế ông không khác gì tổng thống Mỹ.

Thủ tướng Albanese đã bổ nhiệm một luật sư kỳ cựu, bà Virginia Bell để điều tra hoạt động kiêm các chức của ông Morrison.

Cùng lúc, theo ý kiến của riêng tôi, chủ đề này cũng khiến người Úc nhận ra rằng hiến pháp và nền dân chủ Úc được thiết lập từ năm 1900 đã có những điểm không còn thích hợp. Phải chăng, đã đến lúc quốc gia này cần có một hiến pháp và một thể chế mới?

Hợp hiến hợp pháp…

Xin nhắc lại Úc là một quốc gia vẫn theo thể chế quân chủ lập hiến, đứng đầu là Nữ hoàng Anh, Elizabeth II, người làm nguyên thủ quốc gia (Head of state), như một di sản thời thuộc địa Anh.

Vị tổng toàn quyền Úc chỉ là người đại diện cho Nữ hoàng và theo Hiến pháp, tổng toàn quyền bổ nhiệm các chức vụ trong chính phủ.

Thủ tướng Scott Morrison đã được Tổng Toàn Quyền David Hurley ký văn bản bổ nhiệm và chính ông Hurley xác nhận việc bổ nhiệm là hợp hiến và hợp pháp.

Các cuộc bổ nhiệm cũng đều được công bố trên Công báo Chính Phủ (Gazette) đã được phổ biến rất rộng rãi, theo đúng thủ tục hành chính liên quan đến việc bổ nhiệm các giới chức chính phủ.

Trong dư luận có các ý kiến cho rằng Tổng Toàn Quyền cần có trách nhiệm thông báo cho Quốc Hội và truyền thông biết việc bổ nhiệm, nhưng ông Hurley lại nghĩ việc thông báo cho Quốc Hội và truyền thông không phải là nhiệm vụ của ông.

Các vụ bổ nhiệm có phù hợp với nền dân chủ hiện hành hay không?

Nước Úc theo dân chủ đại nghị, mọi việc làm của chính phủ đều phải đưa ra trước quốc hội và đều bị phe đối lập giám sát và liên tục chất vấn.

Ông Scott Morrison đã không cho Quốc Hội biết và ngay cả trong nội bộ đảng cầm quyền chỉ có bộ trưởng Bộ Y tế là biết được vai trò đồng bộ trưởng của ông Scott Morrison, còn 4 bộ trưởng khác mặc dùng cùng đảng nhưng không hề được ông Morrison cho biết.

Lý lẽ của Thủ tướng Scott Morrison

Ngày 17/8/2022, ngay sau khi sự việc bị phát hiện, ông Morrison mở cuộc họp báo, ông cho biết đã làm vậy để đề phòng trường hợp có bộ trưởng bị mắc COVID-19 và ông có thể nhận trách nhiệm thay họ, ông gởi lời xin lỗi các đồng nghiệp và công chúng vì đã không cho họ biết việc làm của ông.

Ông Morrison cho các phóng viên biết trong thời kỳ đại dịch Covid-19 tấn công Úc vào năm 2020: “Tôi đang chèo lái con thuyền giữa dông bão, và chỉ với tư cách thủ tướng, tôi mới hiểu rõ sức nặng do trách nhiệm đang đè trên vai, và tôi chứ không phải ai khác”.

Thủ tướng Morrison không hề nhận bất cứ quyền lợi vật chất nào khi nắm giữ thêm một lúc 5 bộ, ông cũng không cản trở công việc của các bộ trưởng, trừ một lần ông dừng phê duyệt một dự án thăm dò khí đốt ngoài khơi bờ biển Úc vốn bị cộng đồng địa phương phản đối.

Thực tế chính trị ở Úc…

Dưới thể chế cộng hòa tổng thống chế như ở Mỹ, tổng thống giữ quyền hành pháp, các tổng trưởng hay bộ trưởng chỉ giữ vai trò phụ tá cho tổng thống. Nên trong trường hợp khẩn cấp như đại dịch hay chiến tranh, vị tổng thống có thể nhanh chóng ra quyết định và dễ dàng được quốc hội đồng ý thông qua.

Còn ở Úc, thủ tướng và các bộ trưởng chịu trách nhiệm cả hành pháp lẫn tư pháp, họ phải soạn các đạo luật mới hay chỉnh sửa các đạo luật cũ để đưa ra lưỡng viện quốc hội bàn thảo.

Nhiều đạo luật chỉ có bộ trưởng mới có quyền soạn thảo để đưa ra quốc hội, nhưng muốn thế trước tiên thủ tướng hay bộ trưởng phải được các phe phái trong đảng cầm quyền đồng ý với đạo luật đó hay ít ra không phản đối đạo luật này.

Nền dân chủ nghị viện Úc được định hình từ cuối thế kỷ thứ 19, khi vẫn thuộc Anh, và tới nay đã trên một trăm năm. Trong khi đó tình hình chính trị tại Úc và của thế giới đã khác xa thời kỳ lập quốc.

Trong lần tranh cử vừa qua đảng Lao Động mặc dù thắng cử nhưng chỉ được 77/151 ghế ở Hạ Viện, chỉ còn 32.5% cử tri Úc ủng hộ và so với lần bầu cử năm 2019 họ đã mất 0.76% cử tri ủng hộ.

Ở Thượng Viện, đảng Lao Động chỉ nắm 26/76 ghế, bởi thế thật khó để đảng cầm quyền thông qua bất cứ đạo luật nào.

Ở Úc bầu cử là bắt buộc không đi sẽ bị phạt tiền nhưng có đến 12% cử tri không đi bầu và 5.2% phiếu bất hợp lệ, điều này chứng tỏ người Úc đã quá chán ngán nền dân chủ hiện hành.

Các chính đảng chính trị mất dần sự ủng hộ của cử tri vì hầu hết các chính trị gia không còn tin vào lý tưởng và các giá trị nguyên thủy, họ tham gia chính trị theo kiểu bè phái vì lợi ích nhóm hơn vì lợi ích quốc gia.

Tình trạng bè phái đưa người xâm nhập lũng đoạn các chi bộ đảng (branch stacking) để đưa “phe ta” ra tranh cử đã đến mức khó có thể chấp nhận được, nó khiến những người còn lý tưởng và có đạo đức phải xa dần nền dân chủ bè phái này. (https://www.bbc.com/vietnamese/forum-53119999)

Tình trạng Trung Ương Đảng "thả dù" những người không một chút gì gắn bó với các đảng bộ và cử tri địa phương ra tranh cử đã gây nhiều bất mãn và phản kháng, vì những người này khi thắng cử, họ chỉ lo việc đảng, việc phe nhóm, thay vì phải quan tâm đến nguyện vọng của cư dân địa phương.

Vị thủ tướng lại do các phe nhóm trong đảng chọn ra, nên thủ tướng phải chia sẻ quyền lực với các bộ trưởng thuộc các phe nhóm khác trong đảng cầm quyền, mà làm vui lòng các nhóm có lợi ích khác nhau không phải là một chuyện dễ dàng.

Vì thế, chỉ trong vòng 15 năm từ 2007 đến nay nước Úc đã có đến 8 lần thay đổi thủ tướng và chỉ có cựu Thủ tướng Scott Morrison là đã làm đủ nhiệm kỳ 3 năm.

Một nền dân chủ nghị viện lỗi thời và phe nhóm như thế, trong trường hợp khẩn cấp như đại dịch và chiến tranh, vị thủ tướng không thể nhanh chóng đưa ra quyết định và cũng không thể dễ dàng được chính phủ và quốc hội đồng ý thông qua.

Trưng cầu dân ý tiến đến Cộng Hòa

Ngày 1/6/2022, trong lễ tuyên thệ nhậm chức Tân Chính phủ Lao Động do ông Anthony Albanese lãnh đạo đã gây không ít ngạc nhiên và tranh cãi khi “trình làng” dân biểu Matt Thistlethwaite Thứ trưởng chuyên trách về Cộng Hòa (Assistant Minister for the Republic) một chức vụ hoàn toàn mới.

Điều này cho thấy đảng cầm quyền Lao Động đã công khai ủng hộ nước Úc chuyển đổi sang mô hình cộng hòa, nhưng cuộc trưng cầu dân ý tiến đến cộng hòa có thể không diễn ra ngay mà sẽ được tiến hành trong các nhiệm kỳ kế tiếp nếu họ tiếp tục thắng cử.

Kết quả của các cuộc thăm dò dư luận thì mỗi lần mỗi khác tùy theo cách đặt câu hỏi về cộng hòa đại nghị hay cộng hòa tổng thống chế. Vào năm 1999 trong cuộc trưng cầu dân ý nước Úc Cộng Hòa có đến 55% dân Úc từ chối mô hình cộng hòa đại nghị. (https://www.bbc.com/vietnamese/forum-45930787)

Riêng những đề tài liên quan đến cộng hòa như cuộc thăm dò do Essential Media công bố ngày 9/8/2022 thì lên đến 75% người Úc tin rằng các thành viên của Quốc hội Úc nên cam kết trung thành với nước Úc và người dân Úc, trong khi chỉ có 15% cho biết các thành viên quốc hội nên cam kết trung thành với Nữ hoàng Elizabeth đệ II.

Xét cho cùng, vụ cựu Thủ tướng Scott Morrison làm đồng bộ trưởng cho năm bộ đã xảy ra và có thể được xem là cú hích, khiến Úc tiến gần hơn tới thể chế cộng hòa tổng thống chế.

9/11/22

Cáo phó


 

Cái chết ảo

Trần Mộng Tú

Trong vòng trên dưới hai mươi năm nay chúng ta sống dựa vào điện thoại cầm tay và khung hình điện toán nhiều lắm, nhiều đến nỗi tưởng như nếu bây giờ không có hai thứ đó thì chúng ta sẽ trở về thời tiền sử vì chúng ta mất hết phương hướng. Chúng ta sẽ trở nên mù lòa, tàn tật.


Thế giới tin học này, ngoài việc giúp mở mang trí tuệ còn giúp con người liên lạc xuyên lục địa, giúp mở tung những giấu kín, bưng bít, những bí mật phi pháp, những khám phá mới nhất trước mặt, những khám phá giật lùi từ thượng cổ, tìm lại những liên hệ đã mất tích, giúp xây dựng hay lật đổ, giúp điều thiện, gây điều ác… không kể ra hết được.

Nó giống như một chiếc kính vạn hoa, người ta vào đó để hưởng được tất cả lợi nhuận của nó và đồng thời cũng để thất lạc chính mình trong đó. Đến nỗi có người đã phải thốt lên: There are three kinds of death in this world. There's heart death, there's brain death, and there's being off the network. (Guy Almes)

Một trong những lợi nhuận đầu tiên là thông tin giữa gia đình, bạn hữu thật. Sau đó mở rộng ra đến thông tin giữa những người mình chưa hề là bạn, chưa gặp gỡ bao giờ. Có khi hai người xa lạ, qua những điện thư, cũng tự gửi hình gia đình cho nhau, nói chuyện gia đình, con cái. Rồi tiếp đến một lời mời, một cái hẹn gặp nhau khi có dịp đi xa, đến thành phố đó, mình gặp nhau, để biến ảo thành thực. Lời mời đó đôi khi thực hiện được.

Mình cũng nhận được hình ảnh của hoa tươi, nghe được tiếng chim hót và cả những tiếng dội của bom đạn, hình những đám rác bềnh bồng trôi trên khung mạng. Cả những áng văn hay, những bài viết chỉ mới đọc một dòng đã phải xóa ngay của ai đó gửi đến cho mình.

Trong thế giới ảo này, chúng ta thật sự biết tên một người nào đó kèm theo hình ảnh đã là hiếm, nếu chúng ta gặp được, đặt tay lên vai, nở một nụ cười với người mang cái tên đó, lại càng hiếm nữa. Là một người viết, tôi có những bạn đọc ở xa lắm, xa đến nỗi tôi chẳng thể hình dung ra thành phố, quốc gia nơi người đó cư ngụ, nếu không phải là nơi tôi đã một lần ghé qua trong một chuyến du lịch. Tôi cũng không biết tuổi tác người đó (vì không bao giờ hỏi) không biết mặt (vì không bao giờ gửi, nhận hình). Có những người, sau năm ba lần thư gửi đi, tôi quên mất địa chỉ hộp thư, quên mất tên người đó, nếu người đó không quay lại tìm tôi, tôi không cố nhớ lại được, vì nhiều tên quá, nên tên có trong danh sách lưu trữ mà loay hoay tìm không ra vì trí nhớ thiếu sót.

Nhưng có người tôi nhớ mãi, dù cũng ảo như mọi người khác, nghĩa là chỉ có một cái tên nhưng chưa hề biết mặt, vì hình như có một sợi giây vô hình nào đó giúp chúng tôi hiểu nhau, gần gũi nhau lắm. Cho đến một hôm, cái tên người đó bỗng mất hẳn. Gọi mãi trên thư cũng không nghe thấy trả lời. Mất là mất hút, như gió sa mạc cuốn hạt cát đi, như đại dương xô vỡ một bọt nước, như con lốc cuốn chiếc lá lên trời. Trên cái khung hình trắng toát đó không bao giờ tôi nhận được dấu vết trở về. Tôi mất hẳn người bạn ảo đó. Tôi có ngẩn ngơ một thời gian, vì khi trao đổi thư với nhau, chúng tôi tìm được chút nào là tri kỷ. Đôi khi ngẫm nghĩ không biết mấy cái thư cuối mình có viết điều gì vụng về, để người bạn chưa hề gặp buồn lòng không? Tôi mất hút dấu vết của người bạn đó, tôi tiếc quá, nhưng không biết làm thế nào tìm lại được bây giờ.

Chuyện tiếc một người bạn ảo giống như tiếc một giấc mơ. Trong mơ ta biết rõ là mơ, là không phải thực khi ta tỉnh. Người bạn trên khung mạng ta biết phải là một người bằng xương, bằng thịt ngồi gõ những ô chữ để gửi một cái thư đi, người đó phải có thực, nhưng ta vẫn gọi là ảo, vì ta không bao giờ giáp mặt, không cầm tay, ngay cả vạt áo cũng chẳng chạm vào. Con người ảo đó nếu chỉ một buổi sáng mất cái tên trên khung mạng, không bao giờ thấy xuất hiện nữa, như nó chưa hề hiện diện, chưa hề nhận thư, chưa hề gửi thư thì lúc đó ta phải gọi là ảo chứ không thể nào thay bằng bất cứ một tên gọi nào khác.

Ta lại không biết người đó chỉ bỏ đi vì không muốn liên lạc với ta nữa, hay người đó đã suy yếu sức khỏe không còn khả năng ngồi viết thư, đọc thư nữa, hay người đó đã nằm yên trong đất, đã biến hóa thành phân bón cho cây cỏ, hay thân xác đã được hỏa táng thành tro đang trôi bềnh bồng trên biển cả. Ta tha hồ tưởng tượng về một cái tên bỗng dưng biến mất của người bạn ảo đó và ta nhớ tiếc.

Để cho khỏi đau buồn, ta tự nghĩ ra thế giới trên mạng này là thế giới thứ ba sau hai thế giới bấy lâu nay ta biết: thế giới con người và thế giới thần linh. Thế giới thứ ba này là chỉ xuất hiện trên khung mạng. Ai muốn vẽ rồng ra rồng, vẽ rắn ra rắn, vẽ thiên thần hay vẽ ngạ quỷ, tùy nghi. Ai muốn tin cứ tin, ai muốn xóa bỏ cứ xóa bỏ, không có một nguyên lý nhất định, một kim chỉ nam nào để người ta theo đó mà ung dung tự tại được trong thế giới thứ ba này. Cái đẹp của người này là cái xấu của người khác, cái hay và cái dở chồng chéo lên nhau, tùy theo bản ngã của mỗi người gạn đục, khơi trong.

Nhưng những cái tên quen thuộc bỗng mất đi không để lại vết tích nào quả có mang buồn bã, hụt hẫng cho những người bạn mỗi ngày vào mạng.

Một buổi sáng, tôi mở cái khung hình trắng xóa trước mặt, đọc những bài vở của những người bạn thật, bạn ảo từ xa gửi tới. Tôi nhận được tin báo: Chị Phi Yến, bị tai nạn xe cộ, chết ngày hôm qua.

Cũng như phần đông những người bạn ảo khác, tôi chưa hề gặp mặt chị Phi Yến bao giờ, tôi chỉ biết chị qua cái tên. Cái tên này lại nằm trong một danh sách dài của cậu em tôi ở Hà Nội gửi đến. Con chim Yến đậu lại trên khung hình ảo, con chim Yến bay đi, khoảng trống đó sẽ lại có một con Hồng ảo, con Nhạn ảo khác thế vào.

Trước sau, cái tên đó chỉ là ảo, nếu cậu em tôi ở Hà Nội không phải là bạn thân của chị Phi Yến, không gửi cho tôi mấy tấm hình của chị, sau khi nhận tin chị mất, tôi hỏi thăm về quê quán, tuổi tác chị.

Cái tên của chị không xuất hiện trên khung mạng của tôi nữa thì chẳng khác nào nó bay đi như con chim Yến bay đậu sang một nhánh cây khác.

Thôi, tôi cứ tin như thế, tin như chuyện xe tông vào chị như một chuyện nằm mơ. Nằm mơ, khi tỉnh dậy không tin là thật. Cái tên của chị Phi Yến mất đi trên trang mạng có khi chỉ là một Tên Ảo và cái chết của chị là một cái Chết Ảo.

Tôi muốn tin như vậy.

Kỷ niệm ngày tháng cũ - K1 & K2 Hội Ngộ 50 Năm (1964-2014) tại Việt Nam



Xem tiếp Video phần 2, phần 3

Video 2
Video 3

9/10/22

Những thách thức phía trước đối với Trung Quốc

Wendy Wu
Chủ biên, Kinh tế Chính trị SCMP



Khi đập Baihetan, nhà
máy thủy điện lớn thứ hai thế giới , nằm ở tỉnh Tứ Xuyên, Tây Nam Trung Quốc, đi vào hoạt động hoàn toàn vào tháng 7 và bắt đầu đưa điện đi qua Trung Quốc hơn 2.000 km - về phía đông đến tỉnh Giang Tô thông qua một đường mới được thành lập lưới điện siêu cao áp - ít ai có thể lường trước rằng một cuộc khủng hoảng điện do hạn hán đang rình rập.
Các đợt nắng nóng gay gắt từ tháng 7 đến tháng 8 - chưa từng thấy trong sáu thập kỷ - cùng với lượng mưa giảm mạnh xuống khoảng 60% so với mức trước đó, đã làm giảm lượng nước đổ vào các hồ chứa, làm khô một số hồ và cản trở việc vận chuyển quanh lưu vực sông Dương Tử, nơi nhiều trung tâm kinh tế của đất nước.

Kết quả là, Trung Quốc đã phải hứng chịu một cuộc khủng hoảng điện năng khác trong vòng một năm, sau khi tình trạng thiếu điện xảy ra tại hơn 20 tỉnh trong quý 3 năm 2021, một phần do quản lý yếu kém trong việc thúc đẩy phát thải các-bon thấp của Bắc Kinh.

Tứ Xuyên, nhà sản xuất và cung cấp thủy điện lớn nhất ở Trung Quốc, bị ảnh hưởng nặng nề nhất, cùng với thành phố Trùng Khánh lân cận. Việc phân chia quyền lực và đóng cửa nhà máy đã được thực thi , đồng thời các sự kiện công cộng và các chuyến công tác đã bị hủy bỏ hoặc hoãn lại để ưu tiên nguồn điện cho khu dân cư.

Tình trạng thiếu điện, sự kiểm soát cứng nhắc của zero-Covid và cuộc khủng hoảng bất động sản kéo dài đang đặt ra những thách thức đối với sự ổn định kinh tế và xã hội trước thềm đại hội đảng lần thứ 20 trong khi kiểm tra khả năng của Bắc Kinh để đối phó với những hậu quả không mong muốn trong bối cảnh triển vọng kinh tế vốn đã ảm đạm.

Mặc dù các đợt nắng nóng đã giảm bớt, nhưng hạn hán vẫn chưa rút hoàn toàn dọc theo sông Dương Tử, gây rủi ro cho vụ thu hoạch mùa thu , vốn chiếm khoảng 75% sản lượng ngũ cốc của Trung Quốc.

Và tình hình có nguy cơ trở nên tồi tệ hơn khi mùa mưa năm nay đã kết thúc. Trung tâm thời tiết của bang đã cảnh báo rằng hạn hán có thể kéo sang mùa thu, trong khi lo ngại vẫn tồn tại rằng việc vận chuyển đường thủy sẽ bị ảnh hưởng cho đến mùa xuân năm sau, và nguồn cung cấp nước cho các nhà sản xuất cũng có thể bị thiếu hụt.

Việc xây dựng một cụm siêu đô thị đã bắt đầu ở Tứ Xuyên và Trùng Khánh để tiếp thêm sức mạnh cho tăng trưởng ở phía tây nam và dự kiến ​​sẽ dẫn đến sự gia tăng nhu cầu điện trong khu vực và làm giảm khả năng cung cấp của Tứ Xuyên cho miền đông Trung Quốc.

Vì vậy, những gì tiếp theo? Không còn nghi ngờ gì nữa, chúng ta đang phải đối mặt với một bản chất khó đoán hơn. Năng lượng sạch, chẳng hạn như năng lượng mặt trời, gió và thủy điện, vẫn chưa trở thành một giải pháp thay thế bền vững cho nhiên liệu hóa thạch.

Những đột phá về công nghệ về lưu trữ năng lượng tái tạo, cùng với khả năng duy trì nguồn cung cấp điện ổn định trong điều kiện bất lợi, vẫn chưa nằm trong tầm tay đối với Bắc Kinh, mặc dù họ đã kiên định với mục tiêu khử cacbon vào năm 2060, điều này có thể dẫn đến một cuộc chiến giữa an ninh năng lượng. và năng lượng sạch.

Bắc Kinh đã nhiều lần nhấn mạnh rằng an ninh năng lượng và lương thực là trụ cột cho chiến lược an ninh rộng rãi của họ, sau khi căng thẳng và cạnh tranh với các quốc gia phương Tây do Mỹ dẫn đầu leo ​​thang trong những năm gần đây.

Vấn đề càng trở nên cấp thiết hơn trong bối cảnh thị trường toàn cầu hỗn loạn do việc Nga xâm lược Ukraine và suy thoái kinh tế toàn cầu đang rình rập.

Cuộc khủng hoảng cũng thúc đẩy các cuộc thảo luận về việc giảm đầu tư vào các mạng lưới điện cao áp, cung cấp điện từ phía tây giàu tài nguyên sang phía đông sử dụng nhiều năng lượng. Một hỗn hợp năng lượng hiệu quả hơn và cơ cấu quyền lực phi tập trung có thể là một trong những lựa chọn, cho phép chính quyền địa phương linh hoạt hơn và tự túc hơn trong việc sử dụng điện trong các trường hợp khẩn cấp.

Nó cũng có nghĩa là một thách thức mới đối với cải cách ngành điện theo hướng thị trường của Trung Quốc đã bắt đầu cách đây 20 năm, nhưng vẫn chưa thiết lập một thị trường điện chức năng.

TÂM NGUYỆN

Tà huy khép bóng đời nơi viễn xứ
Lối sơn khê còn cách vạn dặm đường
Hồ trường xưa Bá Trạc rót bốn phương
Ta rưới lệ vào lòng nuôi tâm nguyện.

Chân mỏi bước tận cùng trời, cuối biển
Trôi về đâu mây nước của đời người?
Dã tràng còn nghe tiếng sóng reo vui
Ta, ly khách ngậm ngùi trông cố quận.

Trừng mắt đỏ, đêm bỗng dài vô tận!
Máu, tim như hòa nhịp với thời gian
Lắng hồn theo bóng hạc nội mây ngàn
nghe rấm rứt tiếng mài gươm tráng sĩ.

Vì Hồ sơn hữu ước vi sơ chí
nên Tuế nguyệt như lưu mạn thử sinh (1)
Chưa mòn chân đã chùng bước đăng trình
đành Vãng sự hồi đầu ta dĩ hĩ (2)

Đâu phải người đã không còn hào khí
Chỉ vì thân chùm gởi chốn viễn phương
Khói sương giăng, mờ khuất vạn nẻo đường
nên vó ngựa hồi hương chưa thấy lối!

Nghe văng vẳng núi sông reo nguồn cội
Thoáng chập chờn nhân ảnh thuở đao binh
Tháng năm trôi, quang gánh chất u tình
Đong nỗi nhớ, chờ ánh hồng quang phục.

Dòng ly biệt trải bao mùa trong, đục
Quan san còn vương bụi đất tha phương
47 năm! Cứ ngỡ đã miên trường
Trời, Đất xám một màu sương khói quyện.

Đời lang bạt kể từ khi quốc biến
Đêm năm châu, ngày bốn biển phiêu linh!
Sau bao năm còn thắm thiết lưu tình
Chăm chút bón hoa lòng thương Đất Nước.

Lấy tan nát vá đời, treo gió ngược
làm buồm căng cho thuyền vượt trường giang
Quê hương ơi! Đây son sắt đá, vàng
tô thắm mãi trang sử hồng Lạc Việt.
HUY VĂN

(1) Trích từ Bình Nam Dạ Bạc- Nguyễn Trãi
Dịch (thoát ý):
Lời thề sông núi đành lỗi hẹn,
Tháng năm uổng phí giữa đời trôi

(2) Trích từ Bạch Đằng Hải Khẩu- Nguyễn Trãi
Dịch (thoát ý):
Nhớ lại chuyện cũ đã qua rồi

9/8/22

ĐOẠN TRƯỜNG AI CÓ QUA CẦU

Võ Kỳ Điền
Pulau Bidong Island

Ở một cái đảo hoang như đảo Bidong, nhắc đến việc đổ rác, nghe mà thấy cười. Ai nấy cũng tưởng chuyện nầy chỉ có ở những thành phố văn minh, chớ ở đây rừng núi, biển cả mênh mông đó tha hồ mà quăng, ai hơi đâu cấm cản. Chỗ nào lại quăng không được. Vả lại phần đông người tỵ nạn khi đến đảo chỉ còn hai bàn tay trắng, quần áo chỉ một bộ, làm gì có rác để quăng tới quăng lui… cho vui! Nhưng chuyện đời, dầu là chuyện đơn giăn nhứt như chuyện rác rến, cũng không đơn giản chút nào. Đảo Bidong thiệt tình quá nhỏ, đất đai gì tìm mòn con mắt để dựng một cái lều cũng không còn, phải leo tuốt lên sườn núi, nói chi đến khoảng đất trống dành riêng cho việc đổ rác… Ban đầu các thanh niên tình nguyện của khối vệ sinh lần lượt đào mười mấy cái hố rác trên bãi cát, dọc theo bờ nước, mỗi hố lớn bằng cái nhà, vuông vức ngó mà phát mê. Bao nhiêu rác rến đều được gom lại tống hết vô đó. Nào giấy vụn, bao ny lông, hộp lon cá mòi, xác chuột, phân người… tha hồ mà quăng. Mà ngộ lắm, chỗ nào có rác thì chỗ đó có ruồi. Hai vật nầy như hình với bóng chặt không đứt, bứt không rời. Những con ruồi to đen lớn, bằng con ong bầu đậu đầy trên mặt rác, lốm đốm như mâm xôi đậu. Ruồi ở đảo nhiều cho đến nỗi, mỗi lần rót nước để uống, cả chủ lẫn khách đều phải lấy tay che kín miệng ly, nếu không, sẽ có một con chun vô. Ly là hộp lon Coca được cắt rồi chà cho bằng mặt. Trại có phát cho nhang đun muỗi nhưng thiệt ra dùng để đun ruồi. Cũng như ở đảo, ngủ phải có mùng. Mùng dùng để ngăn ruồi bay đậu trên đầu trên mặt… Muỗi cũng có nhưng chỉ ở những vùng khuất gió, những nơi sát bờ biển gió lộng tư bề thì rất ít không đáng kể.

Thiệt ra thì mỗi người tỵ nạn đâu có được bao nhiêu rác nhưng có điều số lượng người chen chúc quá đông nên số rác trở nên khủng khiếp. Mấy hố rác vừa đào xong ngày hôm trước thì ngày sau đã thấy hơi đầy đầy… đến vài ngày sau nữa thì bắt đầu tràn ngập, vun cao và có mòi tràn ra ngoài. Ban vệ sinh phải è ạch đào ngay một hố cạnh bên, lấy cát của hố mới, đắp lên hố cũ… và cứ như vậy mà tiếp tục. Nhưng điều đáng lo là diện tích của bãi cát còn lại cũng chỉ có bấy nhiêu, đâu có rộng ra thêm chút nào. Đào xới hoài cũng có ngày hết chỗ, mà đã hết chỗ rồi thì phải làm sao, không lẽ đào lại những hố cũ. Thiệt là nhức cái đầu!

Ban quản trại bèn nghĩ ra cách ổn thỏa nhứt là quăng hết rác xuống biển. Biển cả thì mênh mông vô cùng tận, tha hồ mà quăng. Rác nhiều bao nhiêu cũng không sợ. Ruồi thì càng không lo. Người ta bèn làm ra những bè cây thiệt lớn, dừng vách bốn bên để chứa những núi rác khổng lồ, cho ghe kéo tận ra ngoài xa, rất xa, rồi đổ ùn hết xuống biển. Thiệt gọn hết sức! Nước biển mặn đắng sẽ giết hết trứng ruồi, tẩy rửa sạch những dơ bẩn… rồi tất cả mọi vật sẽ tan biến trong lòng đại dương. Chương trình thực hiện được đâu vào ngày hôm trước, cả trại yên tâm ngủ ngon được một đêm. Nào ngờ, sáng hôm sau, số rác rến vừa được tống khứ ra khơi, tất cả đều lần lượt được sóng gió đưa trở về, nằm sấp lớp khoe mình trên bãi cát trắng, một số nhấp nhô trên mặt nuớc… ngó thấy mà ứa gan! Làm sao bây giờ! Thôi, đành kiếm chỗ… đào tiếp, nếu cần thì cũng phải đào trên đỉnh cao!

Nhưng dầu gì đi nữa thì vấn đề rác rến cũng còn có cách để trị, tuy chưa nghĩ ra. Ở Bidong nầy còn có một thứ khổ hơn rác vì khi nhắc tới nó, ai cũng lắc đầu chịu thua, vì hết phương cạy gỡ. Đó là khói nấu nướng của cả chục ngàn cái bếp trên đảo bốc lên, tỏa ra, lan trong gió mờ mịt, bay lên cao lưng chừng trời, rồi không tan hết được, trở xuống bay là là trên những nóc lều, trộn lẫn trong không khí, tạo nên một đám mây màu xám tro đục ngầu.
Từ ngoài khơi nhìn vô đảo, nơi khu vực cư trú, dưới những thân dừa suôn đuột, người ta thấy cả một vùng khói trắng xám, phủ khắp chưn núi xanh, vướng vít trên những nóc lều san sát, tạo nên một bầu trời mờ mịt như một đóng un lớn. Cứ tưởng chừng trong giây lát gió biển từ ngoài khơi thổi vô, khói sẽ tan biến trên đầu núi. Nhưng không, đám khói mù ấy bao trùm lấy Bidong, từ sớm mơi tới chiều tối, từ ngày nầy qua ngày kia, không bao giờ dứt. Cũng có thể đám khói mù ấy sẽ bay mất trong một khoảng thời gian ngắn vào lúc nửa đêm khi mọi người đều yên giấc, không còn ai nấu bếp nữa… rồi lại xuất hiện vào lúc tang tảng sáng hôm sau.
Không khí của đảo bị ô nhiễm nặng nề, đủ thứ mùi hôi nhưng khói bếp là nguy hại nhứt. Trên núi có một loại cây gì không biết, sớ gỗ màu đỏ rất cứng. Mỗi lần đóng đinh để dựng cột hay làm mặt sàn rất khó khăn. Đinh bị cong vẹo không biết bao nhiêu lần mới đóng được một cây. Nếu lấy nó làm củi đốt thì lại nhiều khói. Ở lều tôi, bếp được đắp bằng đất sét trộn lẫn với các hộp lon cá mòi tròn, cạnh bên hông lều, hẹp té. Củi mua lại của một anh bạn ở trước mặt, sắp được đi Úc nên bán lại, phần lớn phơi chưa khô, đốt rất khó cháy, khói um cả lều. Cả ngày khói mù như vậy, ai nấy đều ho sặc sụa. Hai lá phổi chắc đống đầy khói bếp. Khi nấu nướng phải đứng canh chừng, quạt lửa luôn tay, cho tới khi đồ ăn chín. Ngưng quạt là bếp tắt nửa chừng, khói bốc lên mù mịt, khổ sở trăm bề. Nhưng không lẽ không nấu… Đúng là cái vòng lẩn quẩn! Ai cũng sợ khói nhưng ai cũng phải bằng mọi cách… đi kiếm củi, để đốt cho có.. khói!

*****
Thường thường cứ sáng Chủ nhựt thì hẹn nhau đi đốn củi trên núi. Buổi đầu tiên tôi đi với Sơn, vì ở lều Sơn, anh Hiền và mấy đứa em có được hai cây cưa. Đi lên núi đốn củi chỉ cần cây cưa là đủ. Anh Hiền vì ở đây đã lâu nên đi trước dẫn đường. Cả đám đi hàng một len lỏi qua các con đường hẻm quanh co, bên những chiếc lều san sát như trong ổ chuột. Đường lên dốc từ từ. Càng lên dốc cao lều càng thưa dần, tầm mắt thấy rộng hơn. Khu định cư chỉ còn một lõm nhỏ ở dưới kia, tai tôi nghe văng vẳng tiếng loa phóng thanh khi mờ khi tỏ. Đường lên núi, càng lúc càng dốc. Mồ hôi đã tươm ra đầy mặt đầy lưng. Hơi thở bắt đầu gấp rút, phì phò. Nắng chói lọi tỏa hơi nóng gay gắt. Sơn đi cạnh bên, hỏi tôi:
- Mệt không?
- Ừ, coi bộ mệt dữ rồi, gần tới chưa?
Sơn cười:
- Đi núi là không được nói mệt nghen, phải nói là khỏe lắm… khỏe lắm….
Tôi vừa nói, vừa thở hổn hển:
- Leo dốc dựng đứng như vầy, khỏe gì nổi, thở không ra hơi nè!
Hai bên đường mòn có dấu vết rừng bị cháy rụi, còn trơ ra những thân cây trơ chìa, nám đen, dưới đất tro than đen xám vương vãi. Cạnh đó một vùng cây bị đốn, dấu cưa sát gốc. Đường đi trở nên ngoằn ngoèo, phải nhảy trên nhiều tảng đá cheo leo. Cây vụn bị chặt bỏ ngổn ngang, bừa bãi. Chợt nhìn thấy một cây vừa tầm nằm dọc theo đường đi, tôi nói với Sơn:
- A, có một cái cây tốt quá, mình cưa khúc đem về, khỏi phải tìm kiếm mất công.
Anh Hiền cản lại:
- Đừng thèm lấy, nó không dùng được việc gì nên người ta bỏ lại đó.
Tôi ngạc nhiên:
- Tại sao vậy?
- Muốn lấy cây làm củi chụm phải lựa cây nào suông thẳng, sớ cây thưa, mới dễ bửa nhỏ ra mà chụm được. Còn cây nầy cong vẹo mà lại có nhiều mắt to, làm sao anh lấy búa bửa ra cho nổi…
Ở đây chỉ có cây và đá. Những tảng đá thật lớn sừng sững bên vách núi. Cây mọc chen nhau chật cứng, vươn tàn lá lên cao để giành hứng ánh nắng mặt trời. Ở giữa các nhánh có những cây ráng mọc chen, lá xanh um, dáng như gạc nai. Đôi khi cũng có những cây phong lan đong đưa trong gió. Có lẽ rừng núi đầy người phá phách nên không thấy một bóng chim bay, cũng không thấy một con thú rừng như thỏ, như sóc… Cả bọn leo dốc từ từ lên cao nữa, quẹo trái rồi quẹo phải. Tôi thấy một đám cây mọc đều đặn, cây nào cây nấy nhỏ bằng cây cau suôn đuột. Có lẽ nơi đây chăng? Đúng rồi, anh Hiền dừng bước, miệng nói:
- Nghỉ mệt một chút cho khỏe… rồi mình lựa cây.
Đứng ở vị trí nầy khá cao, tôi đưa mắt nhìn quanh. Bên kia là một thung lũng thấp, cây cối thấp hơn nhưng cũng đang bị đốn phá nhiều hơn. Có những quãng trống thưa thớt. Xung quanh đây đó, đầy những người di động ồn ào. Tiếng cây bị cưa, ngã đổ ầm ầm vang dội rền đi từ vách núi. Tiếng người nói chuyện líu lo, ồm ồm… Sơn nói:
- Hủ Tiếu và đám bộ hạ đang đốn cây ở dưới kia kìa…
Tôi rán mà nhìn, thấy Hủ Tiếu đương đứng với một đám đông, chắc là mấy đứa con rể A Son, A Tài… Tiếng cưa, tiếng búa, tiếng nói chuyện cười giỡn vang dội cả khu rừng vắng. Có ai mà ngờ được, nơi đỉnh núi hoang, giữa biển vắng nầy lại có lúc ồn ào náo nhiệt như ở giữa chợ, thiên nhiên đắm mình trong giấc ngủ triền miên ngàn năm, cũng phải giựt mình thảng thốt với sự tấn công xâm lấn của con người. Mới có một thời gian ngắn chừng bảy tám tháng, kể từ ngày trại tỵ nạn Bidong được thành lập, đỉnh núi đất đầy cây rậm rạp lần lần bị cưa, bị đốn, một ngày một nhiều… như một cái đầu bị rụng tóc, sói sọi. Hiện tại thì bị một lõm to ở giữa và một đường cong queo dài ngoằn từ dưới chân lên tới đỉnh với những vết loang rộng… nếu mà tình trạng nầy kéo dài thì rừng núi Bidong, sẽ không còn là chỗ trú ngụ của chim chóc, của thú rừng, cây cối sẽ bị đốn mất hết, chỉ còn những tảng đá trơ lỳ với tháng năm…
Anh Hiền đứng ngắm nghía chọn lựa rồi chỉ một cây, Sơn và thằng Tí bắt đầu cưa. Thịt cây còn tươi rói nên lưỡi cưa ăn vô ngọt xớt, mạt cưa văng ra trắng gốc. Hiền nói:
- Phải cưa mở miệng nghiêng xéo một bên, để khi cây ngã theo ý mình muốn. Nếu không để ý thì nguy hiểm lắm, nó đè chạy không kịp…
Rồi Hiền giải thích thêm cho tôi nghe:
- Điều đáng sợ nhứt là đa số không phải là thợ rừng nên không biết cách cưa cây cho ngã theo ý muốn. Có nhiều trường hợp cưa xong, bị cây ngã đè bị thương hay là chết. Cũng có khi cây mọc dầy đặc, cưa xong một cây, xô hoài nó không ngã vì ở trên ngọn, cành lá chằng chịt vướng víu nhau. Không biết làm sao được, người ta đành bỏ đi cưa cây khác. Vài ngày sau cây khô trơ cành ra, gió thổi lắc lư. Vô phước cho anh nào đi lớ ngớ tới, cây ngã đè thì khó tránh khỏi nguy hiểm... Muốn biết cây nào đã bị cưa thì cứ ngó lên đọt, thấy lá héo vàng thì phải liệu mà tránh cho xa...
Tôi ngó một vòng, quên mất mình đang kiếm củi, nhìn xuống thung lũng tươi xanh rậm rì, cây đá chen nhau, máu sắc hình khối lẫn lộn như một bức tranh thiên nhiên kỳ thú. Nhìn quay ra biển, thấy biển ở tuốt dưới xa, phong cảnh mờ ảo. Cây cối ở phía dưới chưn núi như nhỏ quắt lại, sóng biển lăn tăn nhỏ xíu, vài chiếc thuyền con lênh đênh như trong mặt hồ, cảnh vật một màu xanh mướt. Mây từng dải mờ nhạt như khói, như sương bay lững lờ dưới chưn núi như tấm lụa mỏng nõn nà... cảnh giống y như những bức tranh phong thủy của Tàu, đẹp tuyệt vời. Không khí trên cao im mát... Tôi rán tìm mặt trời để định hướng. Bây giờ nó đã lên cao ở gần đỉnh núi, chói lòa. Anh Hiền thấy tôi quay qua quay lại hỏi:
- Anh muốn kiếm cái gì vậy?
- Tôi muốn coi Việt Nam mình ở về hướng nào?
Anh Hiền chỉ ngược về hướng rừng sâu. Có thấy gì đâu, ở đó có chỉ có cây cối chằng chịt. Tôi ngước mắt nhìn lên phía trên xa thấy vài đám mây bay lãng đãng... Cả bầu trời xanh trong, rải rác từng cụm mây di chuyển chầm chậm. Hướng nào cũng đầy bóng mây... Bốn phương mây trắng một màu, trông vời cố quận biết đâu là nhà...
Ngó tới ngó lui, tôi trực thấy một thân cây dài ai đã cưa sẵn sát gốc, bỏ nằm cạnh một bụi rậm. Cây bị cháy xám đen ngoài vỏ nhưng bên trong ruột cây còn nguyên, sớ thẳng và trắng. Đúng là một khúc cây lý tưởng. Tôi lấy cưa, cưa một đọan dài cở chừng ba thước, không nặng quá để còn đủ sức mà vác trên đoạn đường xa. Cái cây tốt như vậy mà bị bỏ lại đây có lẽ vì nguời ta sợ bị dính than đen lem luốc, khi vác về ngang chợ. Khúc cây được cắt xong, tôi lấy tay khiêng lên coi thử nặng nhẹ. Thiệt là vừa hết sức, định vác luôn. Anh Hiền cản:
- Khoan đã, cả tuần mới đi núi một lần, ở chơi lâu lâu rồi hảy về!
Sơn đề nghị:
- Có ai muốn đi... vô bụi với tôi không?
Thấy mọi người còn đứng yên, Sơn nói tiếp:
- Đi đốn củi trên đỉnh núi, khoái nhứt là cái vụ nầy! Thứ nhứt quận công, thứ nhì... đồng!
Chưa kịp rủ đến lần thứ hai, ai nấy nghe bùi tai đều lần lượt kiếm chỗ tốt. Trời đất mênh mông, tha hồ mà thơ thẩn!

Cả bọn sắp xếp đi xuống núi. Cũng anh Hiền đi trước dẫn đường. Trên vai mỗi người bây giờ là khúc một cây dài đong đưa. Tí nhỏ nhứt trong đám mà lại vác một khúc cây lớn khá nặng, cái lưng nó oằn xuống. Trên đầu cây của Hiền và Sơn còn có treo lủng lẳng cây cưa. Tôi đi sau chót. Vừa ra khỏi một khúc quanh tôi nhìn thấy một dốc lài thoai thoải, phía dưới là bãi cát trắng phau. Nhìn về phía trước, đoạn đường quá dài, lại loanh quanh trắc trở, phải vượt qua những bực đá cheo leo, khúc cây đang vác mỗi lúc càng trở nên nặng hơn... Tôi bèn quyết định đổi hướng, quyết vạch một con đường mới đi thẳng xuống bãi, rồi sau đó, tìm cách trở về. đảo Bidong nhỏ xíu, làm sao mà lạc được...

Các bạn đi trước lo vác cây lầm lũi đi, có biết đâu tôi tự ý sửa đổi lộ trình. Tôi ngắm hướng một hồi rồi đứng trên cao dùng hết sức quăng khúc gỗ xuống dưới thấp. Khúc cây theo đà quăng, tung ra xa rớt xuống phía dưới cỏ, rồi trớn lăn còn mạnh nó tiếp tục rơi xuống, đập vào gốc cây nầy, bá vào bụi cây kia, vài ba bận rồi mới chịu nằm yên. Tôi khoái chí lò dò leo xuống theo. Hướng nầy ít cây mọc, cỏ dầy ngang ống chưn nên xuống khá dễ dàng. Tôi lại tiếp tục quăng cây xuống thấp. Có nhiều bận nó vướng vào bụi rậm, phải len lỏi vào, vác ra nơi quang đãng rồi quăng xuống tiếp. Trên đường dốc tôi gặp hai con suối cạn, dòng nước nhỏ xíu chảy lờ đờ lẫn trong đám cỏ xanh um tùm, có dấu vết người ta đến tắm rửa, giặt giũ, bọt xà bông trắng đầy, vương vải hai bên bờ. Nhờ có con suối, cây cối chỗ nầy mọc chằng chịt. Cuối cùng rổi thì tôi cũng xuống tới chưn núi. Khỏe quá, đoạn đường được rút ngắn mà lại khỏi phải khiêng vác lôi thôi. Tôi đứng vịn khúc cây cháy đen, nhớ tới anh Hiền mà thấy cười. Tại sao lại phải về theo lối cũ, tại sao cứ phải theo lối cũ, chi cho cực khổ vậy!
Bãi cát chỗ nầy trắng xóa, không một dấu chưn người. Vạn vật còn y nguyên đấu vết hoang sơ. Năm ba thân cây mục rữa nằm trơ vơ giữa trời đất vô tình. Kế đó là những bụi dứa dại xen lẫn với những gốc dừa... Toàn cảnh hoang vắng đến ghê rợn, không một cánh bườm, không một bóng chim, không một dáng người, không còn tiếng loa phóng thanh, không một túp lều nhỏ. Chỉ có cây đá, mây nuớc... và tôi... với khúc cây cháy đen!
Tôi bèn ngắm hướng một hồi rồi vác khúc cây lên vai, đi dọc theo bãi cát. Như vầy thì thế nào cũng về tới trại. Cứ vòng theo bãi cát. Đi một đọan ngắn, lối đi bị vách đá chớn chở chắn ngang, nhìn về hướng cũ, phía bên kia cũng vậy. Bãi cát chỉ có một lõm ở giữa mà thôi! Chết rồi, làm sao mà về, tôi đi lạc quá xa. Không ngờ Bidong cũng lớn quá. Vậy mà lúc đứng trên đỉnh núi nhìn xuống, nó có chút xíu!
Tôi vừa đứng, vừa thở vừa lo. Nắng cháy trên đầu, nắng nóng dưới chưn. Tay chưn trầy trụa xơ xác vì khúc cây nặng. Hướng nào để trở về? Bây giờ thì tôi không còn định hướng được nữa. Rõ ràng hồi sáng đi lên, đốn củi xong thì đi xuống, tại sao lại lạc kỳ cục vầy nè? Phải làm sao bây giờ, chỉ có cách là leo trở lên đỉnh núi, trở về chỗ cũ, rồi tìm đường về trại. Nhưng đâu phải là chuyện dễ. Leo dốc núi một mình giữa trưa đứng bóng là một chuyện rất vất vả, khó khăn. Bụng đói cồn cào, cổ lại khát khô. Vả lại còn có khúc cây dài tới ba thước, nặng chình chịch, vác nó mà leo trở lại chỗ cũ thí chắc có nước chết. Hay là bỏ quách nó lại ở đây, ra về tay không? Tôi suy đi tính lại, nếu ra về tay không thì mấy đứa em ở nhà cười cho thúi đầu. Mang tiếng là đi kiếm củi mà không có một cây, thì coi sao được. Hơn nữa trước khi đi đã dặn Tiến ở nhà lo mượn búa để có sẵn mà bửa củi ngay chiều nay. Tôi tưởng tuợng ra cảnh trở về tay không, mặt mày bơ ngơ báo ngáo, mấy đứa em xúm lại mà chọc, đâm phát rầu! Không được, không cách gì mà về tay không, thôi phải rán vác vậy. Tôi đau khổ mà vác khúc củi cháy trở lại lên vai, lần mò leo trở lại chỗ cũ. Khúc cây giờ nầy nặng hơn đá, vướng víu bực mình. Mỗi bước đi mồ hôi tuôn ra như tắm, tóc tai ướt mem... Đã thấy lại con suối cạn.. rồi tới con suối thứ hai. Không biết tôi phải ngừng lại để thở bao nhiêu lần, cuối cùng rồi cũng trở về được chỗ cũ. Mừng quá, đã về đúng được chỗ cũ. Tôi bỏ khúc cây nằm lăn bên đường mòn, ngồi bệt xuống đất mà thở. Chờ cho hết mệt, tôi vác khúc cây đến một ngã ba. Có lẽ phải quẹo trái? Nhưng muốn cho chắc khỏi bị lạc nữa, tôi hỏi thăm một người đang cưa cây. Anh ta chỉ đường xong rồi hỏi:
- Anh ở đây lâu mà sao còn bị lạc?
Tôi ngạc nhiên:
- Tôi mới đến Bidong chưa đầy một tuần, tại sao anh lại nói tôi ở lâu?
Anh bạn đó cười ha hả trả lời liền:
- Tại anh đen thui giống Mã Lai!
Tôi cũng bật cười, cám ơn rồi vác khúc củi đi. Nhớ lại là cả tháng trời ở đảo Pulau Kapas, tắm biển phơi nắng suốt ngày, qua Bidong râu tóc lại không cạo gọt, một phần nửa khúc cây quỷ dịch nầy cháy đen hòa với mồ hôi bết đầy người lem luốc, vậy mà phải ôm vác từ sớm mơi tới giờ. Thây kệ nó ở nơi khỉ ho cò gáy nầy, xấu đẹp cũng đâu có ai để ý tới. Mới có một tháng trời mà thay đổi quá nhanh...
Tôi trở về đúng con đường cũ, đường xuống dốc dễ đi hơn. Khúc cây đè nặng theo nhịp đi, lâu lâu tôi phải ngừng lại để đổi vai. Cũng may khúc cây dài chỉ có ba thước, phải nó to hay lớn hơn chút nữa thì không biết phải làm sao. Dần dần trên con đường mòn tôi gặp lũ lượt từng toán năm ba người cũng vác cây trở về. Có người lực lưỡng vác cây lớn thân cỡ bằng cây chuối đi coi nhẹ nhàng như không. Có những thiếu nữ không đủ sức để khiêng vác nặng, họ lượm những cành khô nhỏ, bó gọn lại rồi ôm về... Thấp thoáng qua những cành lá, những nóc lều xanh xanh chợt ẩn chợt hiện ở phía dưới triền đồi. Tôi lắng nghe thấy tiếng loa phóng thanh văng vẳng từ xa. Rồi toàn khu chợ trời hiện ra dưới thấp. Xa hơn một chút, ở ngoài bãi cầu tàu supply nhỏ xíu với các ghe tàu đậu xung quanh. Tôi đi loanh quanh trong các ngõ hẻm, về tới lều gần hai giờ trưa. Tôi vội quăng khúc củi nợ đen thui đằng trước ngõ, đứng thở một hồi lâu mới lại sức. Mình mẫy lấm lem, phải dội hết mấy thùng nước mới sạch. Buổi trưa đó mặc kệ trời nóng như thiêu như đốt, tôi ngủ một giấc mê man không còn biết trời trăng mây nước...

Các lần sau đi lấy củi đã quen nên tôi không còn lạc đường nữa, củi lấy được cũng nhiều hơn. Có lần lên núi với Tiến và Chiêu, trở về lối cũ, chưa ra tay cưa cắt gì, chợt thấy một đống cây đã vạt từng lát mỏng cỡ chừng ba bốn phân tây, bỏ đầy trắng cả đất. Thì ra đó là cây của dân buôn lậu. Họ chọn những cây to lớn, đốn ngã xong rồi dùng búa vạt thân cẩy ra thành từng tấm ván nhỏ dài cỡ hai ba thước để đóng ghe. Những chiếc ghe thật mỏng manh. Họ lấy dầu chai trét ghe bằng cách khoét bọng cây rồi đốt lấy dầu. Nhiều khi lửa cháy lan, gây thành đám cháy rừng, ban đêm đỉnh núi đỏ rực, dòng lửa ngoằn ngoèo như rắn bò. Mỗi lần rừng cháy, cả đảo kinh hoàng, nếu ngọn lửa cháy lan xuống trại thì cả ngàn người bị thiêu sống. Vật liệu xây cất ở trại toàn bằng chất dẫn lửa, cây ván, bao ny lông, dầu lửa đốt đèn, bếp núc nấu nướng sát vách... vậy mà trời thương, Bidong chưa bị cháy lần nào.
Tôi tìm thấy được đống ván vụn nầy trong một góc rừng. Loại cây có được sớ to, thân thẳng băng, thịt trắng rất dễ bửa nhỏ ra để làm củi chụm. Mà cần gì phải lo, người ta đã bửa vụn ra gần hết rồi, quăng vụt một đống ngổn ngang, bừa bãi! Chiêu và Tiến chạy đi bứt dây rừng, bó làm ba bó. Mỗi bó lớn cỡ vòng ôm. Tôi thấy ham quá, cứ nhét vô thêm cho tới đầy cứng, đến lúc khiêng về, nặng muốn gảy xương sống luôn! Hơn nữa khiêng một thân cây còn nguyên dễ hơn là vác một bó củi lớn. Khúc cây tuy nặng nhưng gọn gàng, còn củi vụn cũng nặng nhưng bề bộn, cứ mỗi bước đi có một hai thanh tuột ra, chỉ chực rớt xuống, lâu lâu phải ngừng để cột lại cho chắc. Kỳ gỗ đó dùng được thật lâu, mãi cho đến khi tôi rời đảo, cũng còn lại một mớ...

Có đi lấy củi mới biết cảm thông thân phận người tỵ nạn Bidong không một đồng xu dính túi. Ở đảo, người gan dạ có máu phiêu lưu mạo hiểm thì đóng ghe chèo ra biển buôn lậu, còn như chậm lụt hơn thì chỉ có nước lên núi đốn củi để bán. Ngoài việc bán củi để chụm, người ta còn bán cây lớn cỡ cườm tay để làm cột lều, bán cây nhỏ cỡ ngón tay để làm vạt giuờng... Muốn có một thước củi để bán, đâu phải dễ dàng gì, phải đốn cây từ núi cao, vác về cưa cắt rồi bửa nhỏ ra, một ngày lao động cật lực, chưa chắc kiếm được bảy đồng Mã Lai! Thiệt là gian nan và nguy hiểm vô cùng.
Rắn cắn cũng chết, cây ngã đè cũng chết, đường núi trơn trợt, té va đầu vào đá.. cũng chết! Cái gì cũng có thể làm cho người ta chết được hết, chỉ vì một ước muốn duy nhứt, họ muốn có tiền để... sống còn!

Võ Kỳ Điền
Trích Pulau Bidong Miền Đất Lạ 

9/5/22

Hoài Niệm

Hoài Niệm

Một lần nữa tôi nghiêm chỉnh cúi đầu, gạt đi ngấn lệ, thương tiếc hoài niệm người bạn hiền, người đã ra đi vĩnh viễn vào ngày hôm nay, năm năm trước đây (09-05-2017).

Vương Hiền Tông, khóa 5 CTKD, cao học quản trị xí nghiệp. Là bạn học từ thời trung học, đại học và cao học; là cộng sự tại Giao Thông Ngân Hàng và đã cùng trọ nhiều năm khi chúng tôi vùi đầu bên đèn sách tại "Viện Đại Học Đà Lạt".

Khi bước vào đường đời, ngay lúc quốc sự thăng trầm. Chúng tôi thường cưu mang và khuyến khích nhau khi đương đầu với cuộc sống khó khăn.


Sau khi miền Nam đổi chủ, tôi vượt biên sang Mỹ, Vương Hiền Tông định cư Canada.


Mùa thu 2015, Tông qua Mỹ thăm tôi, chúng tôi ôn chuyện đời bên tách trà ngát hương, cùng dốc bầu tâm sự suốt mấy đêm dài. Quốc biến gia nạn nợ tang bồng, thế cuộc tiêu điều, chí nam nhi đành bị cuốn trôi theo cơn lốc ai oán của vận mệnh đất nước… năm mươi năm bao nhiêu thành bại vui buồn ân tình đều trôi theo dòng thời gian và cảnh thương hải tang điền của cõi ta bà. Chúng tôi trân quý cuộc tương ngộ, tuy nhiên nhân duyên như tình bèo nước, thoáng tụ rồi lại lìa xa.


Lộ trình cuộc sống của Tông tuy dài lại ngắn _ văng vẳng như chúng tôi còn đang ngồi chung học tập tại giảng đường "Thụ Nhân" nay đã vĩnh viễn xa cách.

Đường đời của Tông tuy ngắn lại dài _ người bạn hiền dù ra đi, nhưng mãi mãi để lại cho chúng ta bao niềm thương tiếc nhớ nhung.


Có lẽ giờ này Tông đã hội ngộ cùng những bằng hữu tại một nơi xa xôi nhưng vĩnh hằng. Này là Quách Soan, là Lý Vệ Dân; kia là Diệp Đạo Nguyên, là những bạn học thân quen ngày xưa... Có lẽ giờ này những người bạn đang hàn huyên về một mái trường xưa với ngàn thông vi vút; một miền núi êm ấm được bao quanh bằng những đồi tùng bách ngàn năm xanh biếc; một đất nước đa nạn nhưng tình người thì luôn dạt dào niềm nở…  Giờ đây, tất cả chỉ còn là kỷ niệm.


Thắp nén hương lòng gửi đến người bạn đã cùng tôi chung vai vùi đầu đèn sách tại vùng sương mù Đà Lạt suốt bao nhiêu năm trường...


Nhân dịp ngày ra đi 5 năm của tri giao, tôi xin chia sẻ một bài thơ của Tông viết về sự trải nghiệm của hai chúng mình trong hành trình của chuyến xe cuộc đời.


想當初, 少年狂         Tưởng đương sơ, thiếu niên cuồng,
不懂事, 氣方剛         Bất đổng sự, khí phương cương,
不安份, 愛闖蕩         Bất an phận, ái sấm đãng,
父母話, 放耳旁         Phụ mẫu thoại, phóng nhĩ bàng.
唯自己, 到處闖         Duy tự kỷ, đáo xứ sấm,
所留處, 風與浪         Sở lưu xứ, phong dữ lang.
多少夢, 永難忘         Đa thiểu mộng, vĩnh nan vong,
孽已種, 暗徬徨         Nghiệp dĩ chủng, ám bàng hoàng,
時已逝, 覓俺         Thời dĩ thề, mịch yêm đàng.
誦經書, 心結放         Tụng kinh thư, tâm kết phóng,
從不再, 怨滄桑         Tòng bất tái, oán thương tang.


Dịch thơ 1:

Thuở trước niên thiếu sống mặc đời,

Dại khờ bồng bột thích rong chơi.

Gió thoảng mây bay lời cha mẹ,

Buông thả không hiểu luật đất trời.

Lêu lổng vô tri điều phi lý,

Dấy động phong ba khắp mọi nơi.

Đến tuổi xế chiều chợt tỉnh ngộ,

Mê đồ lãng tử nay phản hồi.


Dịch thơ 2:

Niên thiếu vô tri sống điên cuồng,

Lời dạy cha mẹ thường bỏ buông.

Kiêu căng ngạo nghịch thiếu lý trí,

Dấy động phong ba đời nhiễu nhương.

Hành sự vô minh sinh nhân quả,

Thân nặng nghiệp chướng cảm thê lương.

Tụng kinh chay tịnh hướng về Đạo,

Nhất tâm niệm Phật ngộ vô thường.


Trường

09-05-2022