8/30/23

RẰM THÁNG BẢY

 

Rằm tháng 7 là ngày 15/7 Âm lịch, là một ngày lễ quan trọng của Phật giáo và tín ngưỡng dân gian Việt Nam. Ngày này có nhiều tên gọi khác nhau, như Lễ Vu Lan, Lễ Xá Tội Vong Nhân, Lễ Cúng Cô Hồn, hay Tiết Trung Nguyên.
    
Theo lịch dương, rằm tháng 7 năm 2023 sẽ rơi vào thứ tư, ngày 30/8/2023.

 


   

Giao Mùa

Hôm nay đang độ giao mùa
Vu Lan tháng bảy cũng vừa tròn trăng
Biết người có nhớ ta chăng
Riêng ta thờ thẫn nhìn trăng nhớ người
Trăng Xanh (*) tỏa ánh sáng ngời
Thiếu người chung ngắm nên đời mất vui!
Hỏi người tri kỷ xa xôi
Trên kia có thấy là tôi đang buồn?
Tôi đang ngăn giọt sầu tuôn
Để ai nhẹ bước trên đường vãng sanh
Ngắm trăng nhớ khoảng trời xanh
Nhớ thời cắp sách chúng mình tung tăng
Đêm về cùng ngắm vầng trăng
Bên hồ tâm sự, bao lần cười vui...

Trăng ơi ngày ấy xa rồi
Sao ta cứ mãi nhớ người tri âm?

Nhan Ánh Xuân
Cali 31/08/2023
(*) Blue Moon.



Từ đời thượng cổ, Rằm Tháng Bảy là ngày Lễ Tế Tổ 祭祖節, cúng tế ông bà vì đã bắt đầu mùa thu hoạch; Và vì tháng bảy là tháng bắt đầu cho giữa năm về sau nên được gọi là TRUNG NGUYÊN TIẾT 中元節; Ta gọi là Tiết Trung Nguyên. Theo thuyết TAM NGUYÊN 三元 của Đạo Giáo bắt nguồn từ đời Đông Hán là : Thiên quan thượng nguyên tứ phước, Địa quan trung nguyên xá tội, Thủy quan hạ nguyên giải ách 天官上元賜福,地官中元赦罪,水官下元解厄. Có nghĩa : Thượng Nguyên (Rằm tháng giêng) tế các quan trên trời nhờ ban phước lộc; Trung Nguyên (Rằm tháng bảy) tế các quan dưới đất mong được xá tội; Hạ Nguyên (Rằm tháng mười) tế các quan dưới nước cầu xin giải hết mọi tai ách. Sau đời Hán khi Phật giáo đã du nhập và được tryền bá rộng rãi trong dân gian rồi, thì gọi ngày Rằm Tháng Bảy là ngày VU LAN BỒN TIẾT 盂蘭盆節, ta gọi là ngày Lễ Vu Lan, ngày xá tội vong nhân là tha tội cho người chết, nên mới có tục lệ cúng Cô hồn Ngạ qủy 孤魂野鬼, là các hồn phách cô đơn và những con ma đói.

Theo Kinh Chu Dịch, thì số 7 là con số của biến hóa phục sinh : "Phản phúc kỳ đạo, thất nhựt lai phục, thiên hành dã 反覆其道,七日來複,天行也。Có nghĩa : Cái đạo ngược xuôi tuần hoàn, trong bảy ngày sẽ trở lại, đó là vận hành của trời". Nên số 7 là số DƯƠNG, khí dương của trời đất tiêu hao và mất đi thì trong 7 ngày sẽ tái sinh có lại. Đó là sự tuần hoàn của ÂM DƯƠNG TIÊU TRƯỞNG 陰陽消長. Số 7 còn có sắc thái thần bí riêng mình như : Trên trời thì có THẤT TINH 七星, con người thì có THẤT TÌNH 七情, Cơ thể thì có THẤT KHIẾU 七竅, đến âm nhạc cũng có THẤT ÂM 七音, màu sắc cũng có THẤT SẮC 七色 (7 màu)... Nên theo Đạo giáo thì Tiết Trung Nguyên là ngày 14 (7+7) tháng 7, còn Tiết Vu Lan Bồn là ngày 15 (rằm) tháng 7.

Tóm lại, tháng 7 là tháng bắt đầu thu hoạch nông phẩm; Người nông dân ngày xưa tin tưởng vào việc nông phẩm bội thu là do thần linh tổ tiên phù hộ, nên mới nhân dịp đầu Thu dùng những nông phẩm mới thu hoạch được hiến dâng lên để cúng tế ông bà tổ tiên cầu mong cho năm sau lại được mùa bội thu; Vì thế mà hình thành ngày Rằm Tháng Bảy là ngày LỄ TẾ TỔ. Đến đời Đông Hán theo thuyết "TAM NGUYÊN" của Đạo Giáo nên mới gọi TIẾT TRUNG NGUYÊN; Kịp đến khi Phật Giáo hòa nhập vào dòng tín ngưỡng của dân gian, thì ngày Rằm tháng bảy mới được gọi là LỄ VU LAN BỒN. Ba cái tục lệ tín ngưỡng nầy truyền đến đời Đường thì hợp nhất lại vào ngày Rằm Tháng Bảy : Dân gian thì cúng tế ông bà tổ tiên; Đạo giáo thì cúng tế các Địa Quan, các thần linh dưới đất để cầu xá tội; Phật Giáo thì cúng cô hồn ngạ qủy, xá tội vong nhân. Nói chung, tất cả mục đích cuối cùng đều xoay quanh hiếu đạo và nhớ đến cha mẹ ông bà tiên tổ mà ăn ở cho phải đạo làm người.
Đến tháng bảy thì mọi người đều muốn trở thành hiếu tử, ai cũng tỏ ra hiếu kính đối với ông bà cha mẹ như bài thơ "Trung Nguyên Tiết 中元節" của Tống Học Nghĩa 宋學義 sau đây :

草木升溫金漫坡, Thảo mộc thăng ôn Kim Mạn Pha,
借籌祭祖賞山河。 Tá trù tế tổ thưởng sơn hà.
百思不解紅塵事, Bách tư bất giải hồng trần sự,
一到中元孝子多。 Nhất đáo Trung Nguyên hiếu tử đa !
Có nghĩa :
Kim Mạn lên gò ấm cỏ hoa,
Trên cao cúng Tổ ngắm sơn hà.
Nghĩ hoài không hiểu đời sao lạ...
Hễ đến Trung Nguyên hiếu tử đa !









Leo lên gò Kim Mạn nhiều hoa cỏ, mượn cớ để cúng mả cho Tổ Tiên mà nhìn ngắm cảnh núi sông; Nghĩ hoài cũng không sao hiểu được chuyện trên đời nầy, hễ cứ đến Tết Trung Nguyên thì ai cũng tỏ ra mình là người con có hiếu cả !

Thường các lễ hội cúng bái cầu đảo đều diễn ra ở bên ngoài các Đạo Quán 道觀 (là Chùa của các đạo sĩ tu luyện) với các tục lệ như thả đèn trời, thả đèn hoa đăng dưới nước... cùng với các nghi thức Tế Địa Quan của các Đạo Trưởng như trong bài thơ "Trung Nguyên Nhật tặng Trương Tôn Sư 中元日贈張尊師" của Lệnh Hồ Sở 令孤楚 như sau :
         
               偶來人世值中元,    Ngẫu lai nhân thế trực Trung Nguyên,
               不獻玄都永日閒。    Bất hiến Huyền Đô vĩnh nhật nhàn.
               寂寂焚香在仙觀,    Tịch tịch phần hương tại tiên quán,
               知師遙禮玉京山。    Tri sư dao lễ Ngọc Kinh san.
   Có nghĩa :
               Nhân gian nhằm lễ Trung Nguyên,
               Huyền Đô tạm gác lặng yên cả ngày.
               Khói hương đạo quán không ai,
               Biết thầy đã lễ tận đài Ngọc Kinh.
 
Ngọc Kinh Sơn là tên của núi Huyền Đô nằm trong dãy núi Côn Luân. Theo Đạo Giáo tương truyền đây là nơi của những người đắc đạo thành tiên ở, là nơi giáp ranh với Thiên đình trên trời.
 
Việt Nam ta không có lệ thả đèn trời, nhưng trong dân gian lại có tục Thắp Đèn Trời, có nghĩa là khi thắp nhang cúng xong thì để yên các ngọn đèn và hương hoa ở ngoài trời cho đến sáng, như câu ca dao Nam Bộ sau đây :

                     Mỗi năm mỗi thắp đèn trời,
                 Cầu cho cha mẹ sống đời với con !

Đây cũng là cách đơn giản chân thành biểu hiện tấm lòng của người con hiếu thảo đối với công ơn sinh thành dưỡng dục của mẹ cha. 

Tết TRUNG NGUYÊN truyền sang đến Việt Nam ta thì không còn mang sắc thái của Đạo giáo nữa mà hoàn toàn thiên về các nghi thức cúng bái cầu an của Phật Giáo; đặc biệt là đối với cha mẹ thì đây là mùa "Vu Lan Báo Hiếu"; chữ Nho gọi là VU LAN BỒN 盂蘭盆 : Còn gọi là VU LAN BỒN HỘI 盂蘭盆會 hay VU LAN THẮNG HỘI 盂蘭勝會. Căn cứ theo ghi chép của "Phật Thuyết Vu Lan Bồn Kinh 佛说盂蘭盆经",Vu Lan Bồn 盂蘭盆 là(ullambana)Tiếng Phạn là उल्लम्बन,Nghĩa gốc của VU LAN là "Treo Ngược", BỒN là "Cái Chậu", nên VU LAN BỒN 盂蘭盆 là: Cái Chậu dùng để đựng đầy ngũ qủa bách vị để cúng dường Phật Đà và Tăng Lữ để cùng cứu khổ cứu nạn cho chúng sinh bị treo ngược dưới địa ngục Âm Phủ được siêu sinh hóa kiếp.

VU LAN BỒN theo PHẬT GIÁO 佛教 là ngày rằm tháng 7 Âm lịch, ngày xá tội vong nhân, thí thực cho cô hồn ngạ quỷ, nhưng theo ĐẠO GIÁO 道教 ngày rằm tháng 7 gọi là Tiết Trung Nguyên, là ngày đản sinh của Địa Quan Đại Đế 地官大帝, nên có lệ tế đất đai và cúng bái người chết, còn theo NHO GIÁO 儒教 thì là mùa thu hoạch, nên con cháu cúng tế ông bà tổ tiên. Kết hợp Tam Giáo và các tục lệ dân gian lại, nhưng nhộn nhịp nhất vẫn là hoạt động của các chùa chiền trong lễ hội Vu Lan với sự tích Mục Kiền Liên cứu mẹ 目犍連救母.
  
Mục-Kiền-Liên (tiếng Pali : Moggallāna; Tạng ngữ: མོའུ་འགལ་གྱི་བུ་, Hán tự : 目犍連; tên Latinh hóa : Maudgalyayana, Mahāmoggallāna hay Mahamaudgalyayana) hay gọi tắt là Mục-Liên (目連) (Sinh khoảng năm 568 - mất khoảng năm 484 trước Công nguyên ở nước Magadha, nay thuộc miền Bắc Ấn Độ) là một vị Tỳ-kheo của Phật giáo trong thời kỳ Phật Thích-Ca Mâu-Ni tại thế. Cùng với tôn giả Xá-Lợi-Phất 舍利弗, Mục-Kiền-Liên là một trong 2 đệ tử hàng đầu của Phật Thích-Ca. Ông đã đắc quả A-la-hán và trở nên nổi tiếng là bậc "Thần thông đệ nhất" (Manda Galỳayana) trong hàng Thanh văn đệ tử của Đức Phật.

Theo truyền thuyết Phật giáo Bắc Tông, Mục-Kiền-Liên được cho là đã tu luyện thành công nhiều phép thần thông qua đó biết mẹ mình đang lâm kiếp ngạ quỷ; ông hỏi Phật Tổ về cách cứu mẹ.
Phật dạy rằng:
“Dù ông thần thông quảng đại đến đâu cũng không đủ sức cứu mẹ ông đâu. Chỉ có một cách nhờ hợp lực của chư tăng khắp mười phương mới mong giải cứu được. Ngày rằm tháng bảy là ngày thích hợp để vận động chư tăng, hãy sắm sửa lễ cúng vào ngày đó ”
Theo lời Phật, mẹ ngài được giải thoát. Phật cũng dạy rằng chúng sanh ai muốn báo hiếu cho cha mẹ cũng theo cách này (Vu Lan Bồn Pháp 盂蘭盆法 ).
Từ đó ngày lễ VU LAN ra đời.











Trong khi Phật giáo thí thực cho các cô hồn ngạ qủy bằng ngũ cốc rau củ qua quả, thì Đạo giáo lại cúng bằng "tam sên", đọc trại của từ TAM SANH 三牲 là Heo, Gà, Cá. Nhớ hồi nhỏ khi thấy mấy ông thợ mộc động thổ cất nhà thường cúng "tam sên" bằng : Một miếng thịt ba rọi luộc, một qủa trứng gà và một con khô mực (hay một con tôm luộc) để tượng trưng cho TAM SANH; Còn ở các Đạo quán thì lại cúng rất linh đình với : Một con heo quay, một con gà luộc và một con cá rán; Các Đạo quán lớn cúng bằng NGŨ SANH 五牲 thì thêm một con bò và một con dê thui nữa ! Ta hãy nghe bài thơ "Trung Nguyên Tiết Hữu Cảm 中元節有感" của Vương Khải Thái 王凱泰 đời Thanh thì sẽ rõ :

道場普渡妥幽魂, Đạo tràng phổ độ thỏa u hồn,
原有盂蘭古意存。 Nguyên hữu Vu Lan cổ ý tồn.
卻怪紅箋貼門首, Khước quái hồng tiên thiếp môn thủ,
肉山酒海慶中元。 Nhục sơn tửu hải khánh Trung Nguyên !
Có nghĩa :
Đạo tràng phổ độ u hồn,
Vu Lan cổ ý trường tồn mãi đây.
Lạ thay giấy đỏ dán đầy,
Núi thịt biển rượu mừng ngày Trung Nguyên !
   







Lượm lặt trên mạng, kể lể cho vui lúc trà dư tửu hậu. Chúc cho tất cả mọi người đều có được một mùa Lễ VU LAN BÁO HIẾU có ý nghĩa, vui vẻ và... hiếu thuận với cha mẹ cũng như được con cháu hiếu thuận với mình !

Đỗ Chiêu Đức

Hoằng Nhất Đại Sư

      


  Tống Biệt                                                       送别         
Trường đình ngoại, cổ đạo biên                    長亭外 古道邊
 Phương thảo bích liên thiên                         芳草碧連天 
 Vãn phong phất liễu địch thanh tàn             晚風拂柳笛聲殘
 Tịch dương sơn ngoại sơn                           夕陽山外山 
 Thiên chi nhai, địa chi giác                         天之涯 地之角 
 Tri giao bán linh lạc                                     知交半零落 
 Nhất biều trọc tửu tận dư hoan                    濁酒盡餘歡 
 Kim tiêu biệt mộng hàn                              今宵别夢寒

Diễn giải bài thơ:

Một túp lều nho nhỏ, khiêm tốn tọa lạc giữa bãi cỏ xanh mướt, bên cạnh một con đường mòn xinh xắn, quanh co uốn khúc đến tận chân trời, xa xa những ngọn núi chồng chất lên nhau, gió đêm nhẹ lay cành liễu vi vu, hòa cùng tiếng kêu não lòng của kẻ ở người đi. Tất cả mọi cuộc tiễn đưa đều không hẹn ngày tái ngộ, trong thời chinh chiến, mỗi một cuộc tiễn đưa là sự vĩnh biệt. Nhấp cạn chung rượu lòng ôn lại tuổi thơ hồn nhiên, vô tư; nghe lòng bồi hồi, xao xuyến để mong được một lần trở về quê xưa, ngồi bên thềm cũ cùng bạn tri giao dốc bầu tâm sự.

Lý Thúc Đồng viết bài thơ trên vào một đêm đông năm 1914, tên bài thơ là "Tổng Biệt", một tuyệt tác bất hủ với thời gian. Có người cho rằng nếu có thể viết được một bài thơ từ như vậy, thì dẫu có chết ngay đi cũng không ân hận. Đó là một sự đánh giá tột bậc đối với Lý Thúc Đồng.

Cuộc đời của Lý Thúc Đồng là một câu chuyện truyền kỳ về mặt nhập thế lẫn xuất thế. Ngài sống trọn vẹn 38 năm với duyên hồng trần; đồng thời công đức viên mãn trong sự tu tập trì giới 24 năm tại cửa Phật thanh tịnh. Nhiều người đều biết, thời niên thiếu Lý Thúc Đồng là một tài tử phong lưu thường tới lui chốn đèn hồng tửu sắc, phù phiếm xa hoa; nửa đời sau lại trở thành một vị cao tăng chân tu trong giới "Luật Tông", một tông môn trì giới nghiêm cẩn, tu hành khắc khổ nhất so với các tông môn khác trong Phật giáo.

Đời sống của Lý Thúc Đồng như truyện thần thoại truyền kỳ đã làm rung động biết bao lòng người kim cổ. Nhiều người vẫn chưa hiểu rõ tại sao Lý Thúc Đồng đang sống trong cảnh giàu sang phú quý lại đột nhiên độn tích Không Môn, dứt khoát đoạn tuyệt với hồng trần, thậm chí người vợ dẫn hai con thơ, nước mắt đầm đìa quỳ trước cổng chùa suốt 3 ngày đêm, Ngài cũng đứt ruột xé gan để dòng nước mắt xóa mờ đi mọi cảnh tượng bên ngoài, nhất quyết không rời phòng thiền để gặp vợ con. Ngài nhất định cắt đứt mọi sự vấn vương với hồng trần tục lụy. Đó là lạnh nhạt bạc bẽo hay là từ bi buông xả. Chúng ta hãy cùng tìm hiểu câu chuyện của Hoằng Nhất đại sư, sau đó mỗi người sẽ tìm được đáp án của riêng mình.

Hoằng Nhất đại sư tục danh Lý Thúc Đồng, sanh ngày 23-09-1880 trong một gia đình quý phái ở Thiên Tân, một trong bốn thành phố lớn nhất của Trung Quốc. Gia đình buôn bán muối, muối là nhu yếu phẩm hàng đầu dưới sự quản thúc của nhà nước vào thời Mãn Thanh Trung Quốc. Thương gia về nghiệp vụ muối phải là quan lớn hoặc dòng dõi quý tộc. Về sau thân phụ của Lý Thúc Đồng còn kinh doanh nghiệp vụ ngân hàng, tài sản kếch xù, là gia đình giàu nhất tại Thiên Tân. Lý Thúc Đồng là công tử giàu có bậc nhất đương thời, ngay từ khi ra đời đã sống trong nhung lụa. Lý Thúc Đồng thông minh xuất chúng học rất giỏi, sáu tuổi đọc được tuyển tập thơ văn cổ ngữ, tám tuổi đọc tứ thư ngũ kinh, mười ba tuổi thông thạo thư pháp trong lĩnh vực nghệ thuật và văn hóa Trung Quốc.

Sau khi thân phụ qua đời, Lý Thúc Đồng cùng mẹ đến định cư Thượng Hải. Thượng Hải là thành phố phồn thịnh xa hoa bậc nhất của Trung Quốc. Nếp sống hoa lệ muôn hồng nghìn tía khiến con người quay cuồng trong cơn lốc xa hoa và vòng xoáy của thời đại. Thời trẻ của Lý Thúc Đồng cũng không ngoại lệ, với tố chất thông minh, học giỏi, giàu có, điển trai, đa tài đa nghệ... nên khi vừa đặt chân đến Thượng Hải, Lý Thúc Đồng đã tạo nên một cơn địa chấn, từ phòng trà ca nhạc đến sân khấu kịch nghệ, chàng giao du mật thiết với các nữ nghệ sĩ xinh xắn, đắm chìm trong mê đồ của chốn phồn hoa náo thị. Với con người hào hoa phóng khoáng như vậy, thường dễ đọa lạc vào một nếp sống hoan lạc vô độ. Nhưng với Lý Thúc Đồng thì không hẳn như vậy, lương tri cho chàng cảm thấy sự hoang đàng vô độ trong cuộc vui chơi rượu chè trác táng; ý thức được sự trống vắng thê lương sau khi người tản tiệc tan. Trong cái thân xác vật dục bề ngoài luôn ẩn tàng một linh hồn khao khát tìm về chân lý của cuộc sống. Thế nên, lúc 15 tuổi, Lý Thúc Đồng viết nên hai câu thơ:

Nhân sinh do tựa tây sơn nhật, phú quý chung như thảo thượng sương (人生猶似西山日,富貴終如草上霜.) Đời người ngắn ngủi như mặt trời đang khuất dần vào hướng tây, phú quý mỏng manh tựa giọt sương mai trên ngọn cỏ. 

Người ta thường nói, “thiếu niên bất thức sầu tư vị” (少年不識愁滋味), tuổi trẻ đâu biết vị khổ sầu. Đúng ra 15 tuổi là tuổi mộng mơ, là tuổi chắp cánh dần vào giấc mộng hồng. Tuy nhiên Lý Thúc Đồng lại có tư tưởng ngược với tuổi đời của ông, tựa như ông đã chuẩn bị sẵn hành trang cho một cuộc quật khởi trong tương lai để giã từ với phú quý phồn hoa khi ông vừa ở tuổi 15.

Lúc Lý Thúc Đồng 26 tuổi, được tin mẹ ra đi không một lời giã từ, đau như xé lòng, Lý Thúc Đồng tự đổi tên mình thành Lý Ai (李哀,) Ai là bi ai, để tỏ lòng đau xót của một người con trước sự mất mát quá lớn lao như vậy.

"Còn mẹ nhiều kẻ yêu vì,
Một mai mẹ khuất ai thì thương con."

Qua một cú sốc lớn mất mẹ hiền, và sau khi chu tất việc an tán mẹ năm 26 tuổi, đánh dấu một bước ngoặt trong cuộc đời của Lý Thúc Đồng. Từ giã quê hương, Lý Thúc Đồng tìm đường du học sang Nhật Bản, mở rộng tầm mắt học hỏi thêm những tư tưởng trào lưu tân tiến. Ông chuyên tâm về các môn học nghệ thuật văn hóa và trình diễn, đồng thời cũng bắt đầu truy cầu cuộc sống về thế giới nội tâm, ông đem hết tất cả tình cảm, tâm huyết và nỗi sầu nhớ mẹ ký thác vào sự học hành tại chốn xứ lạ quê người.

Năm năm miệt mài trong nghệ thuật hội họa và âm nhạc phương Tây tại Trường Đại Học nghệ thuật Đông Kinh “Tokyo”, đạt được một số thành quả và tiếng vang. Năm 1910, Lý Thúc Đồng trở về nước để khai triển sự nghiệp của mình, cũng trong lúc ấy, việc kinh doanh của gia đình đi vào ngõ cùng, gia đình khánh tận. Kiếp đời mê mang 30 năm, đây chính là lúc Lý Thúc Đồng tỏ rõ tài năng và chí lực của mình để tự tạo cho mình một chỗ đứng vững vàng mà mọi người phải công nhận.

Ông giữ chức dạy học tại Trường Cao đẳng Công nghiệp Thiên Tân và Trường Nghệ thuật âm nhạc Thượng Hải, đồng thời cũng là chủ bút nhật báo Thái Bình Dương. Người là một nhạc gia nổi tiếng, là một tay thư pháp có hạng, thông thạo về thơ văn, từ phú. Người cống hiến rất nhiều và có thành tựu rực rỡ trong ngành nghệ thuật Trung Quốc. Người ảnh hưởng và đào tạo nhiều nghệ thuật gia nổi tiếng như họa sĩ Phong Tử Khải, âm nhạc gia Lưu Chất Bình, nhà thư pháp Tiền Quân Đào, Đại sư tranh thủy mặc Phan Thiên Thọ… Có thể nói rằng Lý Thúc Đồng đã lên đến tột bậc trong mọi lĩnh vực văn hóa và nghệ thuật. Tâm lý con người thường cảm thấy bơ vơ cô độc khi đi đến điểm cao nhất của cuộc sống, như chiếc thuyền nan lênh đênh chân trời mặt biển tìm không ra bến bờ.

Một cơ hội ngẫu nhiên khi ở tuổi 39, Lý Thúc Đồng nội trú trong chùa Định Huệ Hàng Châu 17 ngày đêm và tập pháp "đoạn thực"(nhịn ăn một thời gian đặc biệt nào đó trong việc tu hành) để giữ thân tâm thanh tịnh. Trong thời gian này, dưới sự huân tập của tiếng mộc ngư chuông chùa, Lý Thúc Đồng cảm thấy bình yên thanh tịnh và tâm trí như chợt lóe sáng. Nếp sống đạm bạc và trang nghiêm của người xuất gia như thể thức tỉnh tâm hồn đang mê đắm nơi bể khổ trở về cõi yên lành. Người ý chừng thấy được một lối thoát cho sinh mạng vô thường của cõi đời; tìm được một cách sống để thân tâm được an trú trong hồng trần tục lụy.

Ngày 15/01/1918, Lúc 39 tuổi, Lý Thúc Đồng chính thức xuống tóc xuất gia tại chùa Hổ Bào Định Huệ (虎跑定慧寺), quy y Điểu Ngộ pháp sư, được ban pháp danh Diễn Âm, hiệu Hoằng Nhất.

Nửa đời phú quý nửa đời tăng, từ nay không còn Lý Thúc Đồng. Kể từ đó, trên thế gian đã không còn tài tử tuyệt thế Lý Thúc Đồng biết làm thơ, tinh thông âm nhạc, hội họa, thư pháp, hí kịch, triện khắc kia nữa, mà chỉ có Hoằng Nhất đại sư, một trong tứ đại cao tăng nổi tiếng đương thời.

Sau khi quy y cửa Phật, người vợ Nhật dẫn theo đứa con thơ, nghìn dặm xa xôi đến Hàng Châu, ôm theo một tia hy vọng sau cùng, mong chồng đừng bỏ rơi mình mà xuất gia.

Một buổi sớm mai trên mặt nước Tây Hồ sương mù dày đặc, hai chiếc thuyền đi về phía nhau.


Người vợ gọi to: “Thúc Đồng…”

Lý Thúc Đồng: “Xin hãy gọi tôi là Hoằng Nhất”.

“Hoằng Nhất đại sư, xin hãy cho tôi biết yêu là gì?”

“Yêu, chính là từ bi.”

Cuối cùng, người vợ vặn hỏi trong đau đớn: Đại sư có thể từ bi với tất cả người đời, Tại sao lại chỉ khiến tôi đau khổ?”

Hoằng Nhất đại sư im lặng khá lâu rồi quay mũi thuyền rời đi. Người vợ nhìn chiếc thuyền nhỏ xa dần ôm mặt khóc nức nở.

Đạo đời hai lối, mê giác chỉ là nhất niệm.

Có giác ngộ mới sinh ra lòng từ bi, Đạo Phật chủ trương yêu thương gắn liền với sự giác ngộ. Yêu quý một ai đó thì nên dẫn dắt người ấy hướng về chánh đạo, giúp đỡ người ấy ngày càng hoàn thiện và chín chắn hơn. Trong cuộc sống chúng ta luôn gặp phải những tình huống khó khăn trong sự lựa chọn một giải pháp thích đáng để vẹn toàn cả đạo và đời. Phàm phu thì sống theo duyên nghiệp, trí giả thì tìm giải pháp cho sự cứu cánh của cuộc sống.

Thế gian an đắc song toàn pháp, bất phụ Như Lai bất phụ khanh (世間安得全法,不負如來不負卿). Thế gian làm gì có chuyện mọi thứ đều như ý vừa không phụ lòng chư Phật vừa không phụ lòng giai nhân?

Câu chuyện xuất gia của Hoằng Nhất đại sư khiến tôi nghĩ đến Đức Phật Thích Ca.

Ngài là thái tử của một tiểu vương quốc tại Ấn Độ. Qua trải nghiệm thực tế về sinh lão bệnh tử, Ngài giác ngộ sự vô thường trong cõi đời, sau một thời gian suy ngẫm, Ngài nhất quyết từ bỏ tất cả sự vấn vương của tục lụy: phụ vương, ngôi vàng, vợ con, cuộc sống vinh hoa phú quý và hạnh phúc của một hoàng tử, khoác lên mình chiếc áo vàng của người tu sĩ, từ đó bắt đầu cuộc sống tu hành của người xuất gia cầu đạo. Khi đó Ngài mới 19 tuổi.

Hoằng Nhất đại sư xuất thân tại một gia đình quyền quý ở Thiên Tân, là công tử giàu sang bậc nhất đương thời. Từ nhỏ sống trong hoàn cảnh phú quý nhung lụa, nhưng những biến thiên và tụ tán trong đời sống thăng trầm khiến Ngài ý thức được sự vô thường tạm bợ của cuộc đời. Qua một thời gian suy ngẫm và truy tầm chân lý. Ngài quyết định xuống tóc xuất gia, giã từ tất cả sự phú quý phồn hoa của hồng trần, trở nên một vị chân tu trong giới Luật tông, một tông môn khó tu nhất trong Phật giáo. Khi đó Ngài 39 tuổi.

Theo quan niệm cá nhân của tôi, nhân duyên xuất gia của Phật Đà và Hoàng Nhất đại sư rất giống nhau, cả hai Ngài đều sớm nhìn thấu sự hư ảo của cõi đời và truy tầm sự cứu cánh của cuộc sống. Sau cùng công đức viên mãn, Phật Đà được tôn là Bổn Sư Thích Ca, Hoàng Nhất đại sư trở nên Tổ thứ mười một của Luật Tông Nam Sơn.

Tuy nhiên, một số người vẫn cho rằng sự xuất gia của Phật Đà mang sắc thái từ bi; còn sự xuất gia của Hoằng Nhất đại sư xem chừng như có tính cách nhẫn tâm vì bỏ ngang vợ con.

“Đừng lấy tiêu chuẩn của người khác ra hoạch định cuộc đời mình; đừng lấy tiêu chuẩn của chính mình để phán đoán người khác.”

Thực ra, cuộc sống vốn là một chuỗi dài của sự giã từ, giã từ tuổi xuân, giã từ người thân, giã từ bạn bè, giã từ lợi danh... Tất cả mọi sự gặp gỡ cuối cùng cũng là giã từ, khác biệt chỉ là cách thức của sự giã từ mà thôi. Thực vậy, Chúng ta chẳng biết làm gì hơn là đành chịu khi đối mặt với những sự hợp tan của nhân duyên trong cuộc đời.

Mãi cho đến hiện nay, nhiều người vẫn chưa am tường sự lựa chọn của Hoằng Nhất đại sư, tại sao có thể đang từ chốn xa hoa nhất rồi bước vào cuộc sống nghiêm ngặt nhất. Đối với mọi thắc mắc của người đời, Hoằng Nhất đại sư giữ thái độ im lặng, cúi đầu niệm Phật. Một cánh cửa Thiền chia ra hai thế giới giác mê. Thực ra, cảnh giới của Hoằng Nhất đại sư quá cao, phàm phu tục tử làm sao thấu hiểu, mà cũng không cách nào thấu hiểu.

Trong khi đó, học trò của Hoằng Nhất đại sư là Phong Tử khải có lối phân tích rất hữu lý và cho rằng sự xuất gia của thầy mình là chuyện đương nhiên. Vì nhân sinh của con người, có thể phân thành ba tầng: Một là đời sống vật chất, hai là đời sống tinh thần, ba là đời sống tâm linh. Đời sống vật chất là cái ăn cái mặc, đời sống tinh thần là văn nghệ học thuật, đời sống tâm linh là tôn giáo vậy.

Hoằng Nhất đại sư xuất thân từ gia đình quý phái, không thiếu thốn gì về vật chất, cho nên Ngài tìm đến tầng kế tiếp, Hoằng Nhất đại sư xuất sắc cả về phương diện học thuật, nghệ thuật và mỹ thuật. Tâm hồn của con người sẽ rất cô độc trơ trọi khi mọi lĩnh vực đều đạt đến một đỉnh cao tột bậc. Từ đó Ngài khao khát trong sự truy tầm chân lý của cuộc sống và cội nguồn của sinh mệnh.

Từ mê đến giác, từ phàm nhập thánh, tuy xa mà gần, nó không phải là nghìn trùng xa cách mà chỉ là một niệm trong tâm mà thôi.

Ngày 13-10-1942, duyên đời của Hoằng Nhất đại sư đã đi đến chung điểm, 63 năm không dài, nhưng Ngài để lại cho đời sau nhiều sự tích và gương sáng rực rỡ về tâm linh trí tuệ. Trước khi viên tịch, Ngài để lại bốn chữ "Bi Hân Giao Tập"(悲欣交集), lời ngắn ý dài.

Bi là bi thương (đau xót), hân là hân hoan (vui mừng), Bi Hân Giao Tạp nghĩa là buồn vui lẫn lộn.

Có người nói, Ngài xót thương cho những tháng ngày phóng đãng buông tuồng trong nửa phần đời trước, khi Ngài còn đắm say ngụp lặn trong mê đồ của danh lợi và dục vọng; cũng có người nói Ngài đền bù vì phải chuộc tội cho quá khứ mà Ngài đã cố tình hay vô ý làm tổn thương bao nhiêu người, nên buộc mình lựa chọn Luật tông, một tông môn khắc nghiệt nhất, khó tu nhất trong đạo Phật. Thực ra, tất cả lời giải thích cho sự xuất gia của một vị cao tăng chân tu đều quá miễn cưỡng và gượng gạo.

Nhà Phật bảo: Tứ Đại Giai Không, bất dĩ vật hỉ, bất dĩ kỷ bi (四大皆空,不以物喜,不以己悲). Không vì ngoại vật mà vui, không vì bản thân mà buồn. Chúng ta làm sao đủ trí sáng để hiểu nỗi vui buồn của Hoằng Nhất đại sư. Tuy nhiên, nếu nhìn kĩ bên cạnh "Bi Hân Giao Tập" còn có 3 chữ nhỏ “Kiến Quan Kinh” (見觀經), phải chăng Ngài muốn nhắc nhở người sau, nên căn cứ trên ý nghĩa của Kinh Phật để giải thích 4 chữ này.

Nhà Phật lấy từ bi làm tâm nguyện, Hoằng Nhất đại sư từ bi thương xót những ai giống mình lúc còn trẻ, vẫn đang đắm chìm trong dòng xoáy của danh lợi và vật dục; vui mừng cho mình sớm giác ngộ được chân lý của Phật pháp, để có thể kết duyên từ bi với tất cả chúng sinh trong cõi ta bà.

Câu chuyện truyền kỳ của Hoằng Nhất Đại Sư tựa như Bổn Sư Phật Thích Ca, đều đi từ cuộc sống sung túc nhất đến con đường tu hành khắc khổ nhất, đó là một sự chuyển biến long trời lở đất, cuối cùng đạt đến cứu cánh viên mãn, soi sáng con đường cho người đời sau muốn truy tầm chân lý của cuộc sống.

LT Trường K5

08-23-2023


Bài đọc thêm Link bài hát: 
Dream of home and mother (John Pond Ordway)

8/18/23

Câu chuyện dòng sông

 1.


Với tôi, mùa hè năm nay đã chấm dứt, dù cái nóng cháy da rát mặt vẫn dai dẳng kéo dài. Đầu tháng 8, tôi chính thức trở thành một người cha có con đi học xa nhà. Dù rất không muốn, nhưng vợ chồng tôi cũng phải nén lòng để Ý Vy đi Houston theo học tại Rice University. Vì tương lai của con, đó là điều chúng tôi đem ra để tự an ủi lẫn nhau. Điều làm chúng tôi an lòng hơn nữa, là Ý Vy sẽ ở với dì ruột của mình, nhà cách trường khỏang 20 phút lái xe và chỉ phải vượt qua một xa lộ là tới. Sẩy mẹ bú dì. Thôi thì cũng là một cách để vơi bớt nỗi buồn của căn nhà từ nay vắng đi một đứa con.

Hôm chính thức hòan tất việc tái tân trang “hộ khẩu văn chương” của tôi, hai bố con đã bùi ngùi nhìn nhau. Sau một mùa hè bận rộn líck kích với đủ mọi thứ lỉnh kỉnh của việc “sửa nhà, dọn nhà”, chúng tôi còn một tuần lễ thảnh thơi trước ngày Ý Vy lên đường. Và tất nhiên, chúng tôi không phí phạm chút nào thời gian của một tuần lễ thảnh thơi ấy.

Con gái hiểu rằng, sau tuần lễ này, căn nhà đầy ắp kỷ niệm của 10 năm qua sẽ trở thành “quán trọ”. Con ra đi, con sẽ trở về, nhưng chỉ như người ở trọ. Căn phòng của con vẫn sẽ là của con, nguyên vẹn như ngày con rời nhà lần đầu tiên, nhưng những ngày xưa ấy, con đã biết sẽ không bao giờ trở lại.

Như bao đứa con khác của những người cha, người mẹ, con phải lên đường để bắt đầu cuộc hành trình làm người. Cuộc sống của con đang mở ra trước mặt. Sau lưng con chỉ có kỷ niệm, và tuổi trẻ thì chưa biết trân quý kỷ niệm. Thế nên, con chỉ có một hướng nhìn phía trước.

Như bao người cha của quá khứ, của hiện tại và của tương lai, tôi phải tiễn con lên đường và chúc phúc cho nó. Hãy hòan tất những ước vọng đời mình. Hãy học biết chấp nhận đau khổ, thất bại. Hãy tập cho cứng lòng với những cuộc chia tay. Cuộc chia tay hôm nay chỉ là một bài tập vỡ lòng chuẩn bị cho những cuộc chia tay trong tương lai. Những cuộc chia tay không một ai tránh khỏi. Những cuộc chia tay đứt ruột xé lòng.

Từ những cuộc chia tay, người ta thấy được những gì? Chắc không chỉ là giọt nước mắt lau vội, vòng tay ôm vội vã hay ánh mắt dõi theo cho đến khi người thân yêu đã khuất bóng.

Đêm trước ngày đưa con gái đi học xa, đến giờ ngủ, như thường lệ tôi đưa con vào phòng ngủ. Khi con đã nằm xuống, tôi kéo tấm chăn mỏng mùa hè đắp lên ngực con, cúi hôn lên trán và thì thầm câu chúc quen thuộc của 18 năm nay “good night!”. Trong ánh sáng leo lét của bóng đèn ngủ cuối phòng, tôi đứng đó nhìn giường con, rất lâu. Sau đêm nay, chiếc giường sẽ trống vắng. Cảm giác trong tôi bỗng hụt hẫng, thứ cảm giác tôi chưa từng biết tới bao giờ. Kể từ ngày mai, liệu tôi có chịu đựng được căn nhà này thiếu đi bóng dáng nhỏ nhắn của đứa con gái đầu lòng?

2.

Đêm đó, tôi đọc lại “Câu chuyện dòng sông” của Hermann Hesse qua bản dịch tuyệt vời của Phùng Khánh, Phùng Thăng, quyển sách gối đầu giường của tôi từ những ngày còn cắp sách đến trường.

“ . . . Tất Đạt bước vào phòng khi cha đang ngồi trên một tấm đệm. Chàng tiến đến sau lưng cha và đứng lặng cho đến khi cha biết có chàng.
– Con đấy ư, Tất Đạt? Ông hỏi. Cứ nói lên cho cha nghe những gì con đang nghĩ.
– Thưa cha, nếu cha cho phép, con đến thưa cha rằng con muốn rời nhà ngày mai, để đi theo những người khổ hạnh. Con muốn trở thành một vị Sa Môn. Con tin rằng cha sẽ không ngăn cản.
Người hiền triết Bà La Môn lặng im rất lâu, lâu quá đến nỗi khi những vì sao đã lạc qua song cửa nhỏ và chuyển hướng, sự im lặng trong gian phòng mới được đánh tan. Người con đứng lặng, hai vòng tay khép chặt. Người cha cũng bất động ngồi trên chiếc thảm. Những ngôi sao băng qua nền trời. Rồi ông bảo:
– Không lẽ cha, một người tu đạo lại thốt lời giận dữ hùng hổ, nhưng cha rất bất bình. Cha không muốn con lặp lại lời xin ấy một lần nữa.
Bậc hiền nhân từ từ đứng lên. Tất Đạt vẫn khoanh tay đứng lặng.
– Tại sao còn đợi đấy? Cha chàng hỏi.
– Cha cũng hiểu tại sao rồi. Chàng đáp.
Người cha rời phòng, bất mãn và đi nằm.
Khi đã một giờ trôi qua không ngủ được, vị hiền nhân đứng dậy, đi bách bộ ra khỏi nhà. Ông nhìn qua cửa sổ nhỏ và thấy Tất Đạt vẫn đứng khoanh tay bất động. Ông có thể thấy chiếc áo nhạt của chàng thấp thoáng. Tâm hồn bất an, người cha trở về giường nằm. Một giờ nữa lại trôi qua, ông không ngủ được, lại trở dậy đi bách bộ, ra khỏi nhà và thấy trăng đã lên. Ông nhìn qua cửa sổ. Tất Đạt còn đứng đấy bất động, vòng tay vẫn khép; mảnh trăng chiếu sáng trên chân chàng. Người cha đi ngủ, lòng xao xuyến.
Một giờ sau ông trở ra và hai giờ sau ra lại, nhìn qua cửa sổ thấy Tất Đạt vẫn còn đứng đó trong ánh trăng, trong ánh sao, trong đêm tối. Ông yên lặng trở lại hàng giờ, và vẫn thấy Tất Đạt đứng đấy bất động. Lòng ông tràn ngập giận, lo, sợ và buồn.
Vào giờ cuối đêm, trước bình minh, người cha trở lại, đi vào phòng và thấy đứa con niên thiếu vẫn còn đứng.
Ông trông thấy dáng chàng cao xa lạ với mình. Ông gọi:
– Này Tất Đạt, sao con còn đợi kia?
– Cha đã biết tại sao.
– Con có đợi được đến mai, trưa, chiều hay không?
– Con sẽ đứng và đợi.
– Con sẽ mệt mỏi, Tất Đạt?
– Con không mệt mỏi.
– Con sẽ buồn ngủ, Tất Đạt?
– Con sẽ không buồn ngủ.
– Con sẽ chết, Tất Đạt?
– Con sẽ chết.
– Và con thà chết còn hơn là nghe lời cha con?
– Con luôn luôn nghe lời cha.
– Vậy thì con hãy bỏ ý định của con đi?
– Con sẽ làm những gì cha dạy bảo.
Ánh sáng đầu tiên của ngày lan vào phòng. Người Bà La Môn trông thấy hai đầu gối của Tất Đạt run nhẹ, nhưng gương mặt chàng bình thản, đôi mắt nhìn vô tận. Người cha nhận ra rằng Tất Đạt không thể ở lại với mình lâu hơn – rằng Tất Đạt sắp rời bỏ mình. Ông đặt tay lên vai Tất Đạt và bảo:
– Con sẽ đi vào rừng làm thầy Sa Môn. Nếu con tìm thấy hạnh phúc trong rừng sâu, hãy trở về và chỉ lại cho ta. Nếu con thấy đấy chỉ là ảo tưởng, hãy trở về, và chúng ta sẽ lại cúng tế các thần linh. Bây giờ hãy hôn mẹ con và thưa lại cho mẹ hay nơi con đến. Còn ta đã đến giờ ra sông làm lễ thánh tẩy. . .” (trích “Câu chuyện dòng sông” của Hermann Hess, bản dịch Phùng Khánh, Phùng Thăng).

3.

Sáng hôm sau, tôi thức dậy với tâm trạng bình thản hơn là tôi mong đợi. Gia đình tôi chuẩn bị lên đường cho cuộc hành trình 12 tiếng đồng hồ lái xe. Đường tuy xa nhưng chẳng phải là vô tận. Rồi đây, con đường xuyên bang Wichita-Houston sẽ trở thành quen thuộc. Tôi phải tập cho quen với những đổi thay của đời sống.

Nhưng ở tuổi này mà còn phải tập tành như thế thì thật là tội nghiệp cho vợ chồng già chúng tôi.

T.Vấn



Sách nói : Câu chuyện dòng sông

8/10/23

Trời Nóng - 熱 浪

 Dạo:

        Nóng sao nóng quá thế này,

Nóng khô khốc đất, nóng quay quắt người!

 

I. Cóc cuối tuần Phú Lang Sa:

 

      La Canicule

 

La nuit vient d'écarter son voile,

Cédant le ciel au cruel soleil

Qui dévore dès son réveil

Tout, jusqu'à la dernière étoile.

 

La chaleur engloutit la terre,

La rendant en un géant fourneau.

Les bois fument, et tout point d'eau

Devient une vraie fourmilière.

 

Les parcs se tournent en déserts,

Où quelques âmes téméraires

Trouvent que les itinéraires

Vers l'au-delà leur sont offerts.

 

Quelque part, la guerre fait rage,

Portant au peuple un coup fatal.

Dictée par un destin brutal,

Elle entretient son long carnage.  

 

Quoiqu'intense soit la chaleur,

Pour ceux qui n'ont plus de patrie,

Rien n'égale dans cette vie

Le feu qui brûle dans leur cœur.

            Trần Văn Lương

               Cali, 8/2023


 

II. Phỏng dịch thơ Việt:

 

          Trời Nóng


Màn đêm dày luống cuống cuốn thật nhanh,

Để nhường khoảng trời xanh cho ánh nhật.

Con quạ lửa vùng trở mình thức giấc,

Trăng sao cùng chịu mất tích mất tung.

 

Hơi nóng ào đổ xuống tự không trung,

Trái đất biến thành lò nung vĩ đại.

Rừng bốc cháy, và quanh dòng nước chảy,

Hàng vạn người xúm lại tựa kiến bu.

 

Công viên đà thành sa mạc thâm u,

Những kẻ thích phiêu du tìm gian khổ,

Đâu có biết rằng con đường thiên cổ

Đang sẵn sàng rộng mở đón người sang.

 

Chiến tranh theo hơi nóng cũng rộn ràng,

Khiến đây đó khăn tang bày la liệt,

Rồi vâng lệnh của mệnh trời cay nghiệt,

Khắp nẻo đường gieo chết chóc đau thương.

 

Nhưng dẫu cho trời nóng cháy nan đương,

Với kẻ chẳng còn quê hương đất nước,  

Cơn nóng đó làm sao mà sánh được

Ngọn lửa sầu hừng hực ở trong tim.

               Trần Văn Lương

                  Cali, 8/2023

 

 

III. Phỏng dịch thơ Anh văn: (iambic pentameter)

 

    The Heat Wave 

The night has just been lifting its dark shroud,

To give back to the day the firmament.

The sun, awake, becomes quite militant,

Devouring all, and moon and star and cloud.

 

The scorching heat unleashed its deadly force,

And turned the earth into a sizzling stove.

Woods burn. And thirsty people madly rove

As groups of ants around the water source.

 

The parks become deserted instantly,

Where daring souls are learning rather late,

The roads for them to meet their early fate

Unluckily are open presently.

 

Somewhere the deadly war begins to rage,

And is committing countless villainy.

Dictated by some karma tyranny,

It's wreaking havoc on this sad world stage.

 

No matter how intense this heat may grow,

For those whose country is forever lost,

No fire which, in this life, on them is tossed,

Can match the flame which in their hearts does glow.

               Trần Văn Lương

                  Cali, 8/2023

 

 

IV. Phỏng dịch thơ Tây Ban Nha: (endecasílabos)

 

        La Canícula 

El velo de la noche está doblado,

Devolviendo la esphera al sol bandido.

Desde el momento en que este ha despertado,

Borra todo, ese astro restante incluido.

 

Está bañada en el calor la tierra,

Así cambiada en un horno gigante.

Como la fuente de agua nunca cierra,

La gente la frecuenta a todo instante.

 

Los parques se convierten en desiertos,

Donde incontables almas atrevidas

Se enfrentarán a riesgos casi ciertos,

Porque la ruta al nirvana es sin huidas.

 

En algunos países es la guerra

Que da a la gente un ataque fatal.

Ella causa destrozos a la tierra,

Obedeciendo a un destino brutal.

 

Aunque aquella canícula es potente,

Por los que pierden su país amado,

En esta vida, nada es más caliente

Que el pobre corazón del refugiado.

                Trần Văn Lương

                   Cali, 8/2023



V.  Phỏng dịch thơ Latin: (dactylic hexameter) (*)


      Aestus Unda 

Tristia nocturna vela ablata modo sunt,

Cæruleum cœlum ad sævum solem reditum est.

Sol, cum a consueto somno suo surgere cœpit,

Omnia usque ad ultimum sidus deglutiat.

 

Prorsus terram invadit fluctus barbari æstus,

Eam in fornacem giganteam cito mutans.

Silvæ ardent. Ad fontes conveniunt sitientes,

Currentes sicut formicarum coloniæ.

 

Horti nationis in deserta æstuosa facti sunt,

Ubi paucæ animæ fortes temerariæque

Animadvertunt, uno modo vel alio, iam

Eis eternas portas cœli aperiri.

 

Incipitur bellum funestum alicubi,

Extendens hominibus exitialem ictum.

Ordini inhumani fati temere obediens,

Innumeras miserias et damna creavit.

 

Utcumque intensa nunc est unda caloris,

Pro illis qui amiserunt patriam miserabiliter,

In hac vita est nulla flamma tam calida quam

Ignis quis quotidie in eorum cordibus ardet.

                        Trần Văn Lương

                          Cali, 8/2023


(*) Ghi chú:

    Phân nhịp (scan) ra các pieds (dactyl: D, spondee: S)

như sau (pied thứ 5 bao giờ cũng phải là một dactyl):


Trīstĭă| nōctūr|nā vē|lā⁔ā|blātă mŏ|dō sunt,                    DSSSDS

Cǣrŭlĕ|ūm cœ̄|lum‿ād sǣ|vūm sō|lēm rĕdĭ|tūm⁔est.   DSSSDS

Sōl, cum‿ā| cōnsuē|tō sōm|nō sŭŏ| sūrgĕrĕ| cœ̄pit,        SSSDDS

Ṓmnĭă|⁔ūsquĕ⁔ăd| ūltī|mūm sī|dūs dĕglŭ|tīat.             DDSSDS

 

Prōrsūs| tērram‿īn|vādīt| flūctūs| bārbărĭ|⁔ǣstus,        SSSSDS

Ēam‿īn| fōrnā|cēm gī|gāntē|ām cĭtŏ| mūtans.                SSSSDS

Sīlvæ‿ār|dēnt. Ād| fōntēs| cōnvĕnĭ|ūnt sĭtĭ|ēntes,          SSSDDS

Cūrrēn|tēs sī|cūt fōr|mīcā|rūm cŏlŏ|nīæ.                          SSSSDS

 

Hōrtĭ nă|tīŏnĭs| īn dē|sērta‿ǣs|tūŏsă| fācti sunt,            DDSSDS

Ūbī| pāucae‿ănĭ|mǣ fōr|tēs tē|mērărĭ|ǣque                  SDSSDS

Ānī|mādvēr|tūnt, ū|nō mŏdŏ| vēl ălĭ|ō, iam                    SSSDDS

Ēīs| ētēr|nās pōr|tās cœ̄|lī⁔ăpĕ|rīri.                                SSSSDS

 

Īncī|pītūr| bēllūm| fūnēs|tūm⁔ălĭ|cūbi,                          SSSSDS

Ēxtēn|dēns hō|mīnī|būs ē|xītĭă|lem‿īctum.                   SSSSDS

Ōrdĭni‿ĭn|hūmā|nī fā|tī tĕmĕ|rē⁔ŏbĕ|dīens,                 DSSDDS

Īnnŭmĕ|rās mī|sērī|ās ēt| dāmnă crĕ|āvit.                        DSSSDS

 

Ūtcūm|quē⁔īn|tēnsā| nūnc ēst| ūndă că|lōris,                SSSSDS

Pro‿īllīs| qui‿āmĭsĕ|rūnt pătrĭ|ām mī|sērăbĭ|līter,       SDDSDS

Īn hāc| vītāst| nūllā| flāmmā| tām călĭ|dā quam              SSSSDS

Īgnīs| quīs quŏtĭ|dīe‿ĭn ĕ|ōrūm| cōrdĭbŭs| ārdet.           SDDSDS


VI.  Phỏng dịch thơ Hán:

 
      

 

    ,

    .

    ,  

    .

 
    ,
    .
    ,
    .
 
    田,
    
    ,
    .
 
    征,
    .
    布,
    .
 

    ,

    ,

    

    .  

           

 

 

Âm Hán Việt:

 

        Nhiệt Lãng

 

Dạ liêm dĩ quyển khai,

Thiên thượng ác dương lai.

Tha nhất thời cương tỉnh,

Thần tinh tích tử nhai.

 

Nhiệt lãng nhập thành đô,

Mang mang nhất hỏa lô,

Phàm đồ biên hữu thủy,

Nhân nhược nghĩ chi ngô.  

 

Công viên biến phế điền,

Kỷ hảo hán y nhiên

Đại đảm kiên nguy hiểm,

Bi thương kiến cửu tuyền.

 

Viễn phương khởi chiến chinh,

Đồ thán cái sinh linh,

Mệnh dĩ kinh bài bố,

Dân gian khổ bất đình.

 

Na nhiệt lãng tuy trường,

Đối nhân một cố hương,

Bất năng như giá hỏa

Nhật dạ chước can trường.

         Trần Văn Lương

            Cali, 8/2023

 

Nghĩa:

 


    Làn Sóng Nóng

Màn đêm đã cuốn lại,

Trên không, mặt trời dữ  đến.

Từ lúc nó tỉnh giấc,

Sao mai đạp lên bờ cõi chết.

 

Làn sóng nóng vào thành phố,

Mênh mông một lò lửa.

Hễ bên đường mà có nước,

Người (đông) như kiến lo cầm cự.

 

Công viên biến thành ruộng hoang,

Ít chàng hảo hán cứ như cũ

Can đảm gánh nguy hiểm,

(Phải) đau buồn thấy chín suối.

 

Phương xa nổi chiến tranh,

Tro than phủ đầy trăm họ.

Định mệnh đã xếp đặt,

Nỗi khổ của người dân không ngưng .

 

Làn sóng nóng đó tuy dài,

(Nhưng) với người không (còn) có quê cũ,

(Nó) không thể bằng ngọn lửa này đây

(Đang) ngày đêm đốt cháy ruột gan.