Showing posts with label Tạp ghi. Show all posts
Showing posts with label Tạp ghi. Show all posts

1/24/24

Vũ điệu Ba Tây - Capoeira

Capoeira là một môn võ thuật xuất phát từ Brasil, có nguồn gốc châu Phi, được các nô lệ người da đen bí mật du nhập và truyền bá, ngụy trang thành những vũ điệu trong những nghi lễ tôn giáo. Cái tên Capoeira do người da đỏ ở Brasil đặt. Nó có nghĩa là "trảng bụi mọc lại sau khi bị cắt", đó cũng là nơi người da đen tới sinh hoạt. Ở Brasil có các cuộc thi đấu giữa những hội Capoeira khác nhau.

Capoeira vốn có một hiệu lực về mặt chiến đấu đến đáng sợ. Đó là một nghệ thuật tập hợp nhiều nghệ thuật khác. Nó là thứ trò chơi nhào lộn, vừa là âm nhạc, vừa là thơ ca. Từ đó người ta sáng tác ra các bài hát, chế tạo ra các nhạc cụ, cùng khai phá những phương pháp chiến đấu độc đáo. Có thể nói Capoeira ngày nay có một sức hấp dẫn lạ lùng, nó đã đi chu du khắp thế giới, chinh phục mọi tầng lớp xã hội. Từ bình dân tới thượng lưu đều say mê luyện tập. Ở một số vùng, nhất là ở châu Mỹ La Tinh.

Giống như các môn võ thuật khác, Capoeira cũng có các cấp đai. Đai ở đây là những sợi dây mảnh bện lại, màu đỏ là đai cao nhất và chỉ người thầy mới có quyền đeo. Mỗi nhóm có màu đai và cấp bậc khác nhau tùy theo yêu cầu và luật của nhóm đó. Mỗi năm người ta làm lễ phong đai một lần gọi là Batizado. Chỉ có đai Mestre mới được trao đai cho học sinh. Tính kỉ luật của Capoeira rất cao như các môn khác. Capoeira là một môn võ mà có thể luyện tập và học hỏi không ngừng. Một Capoeirist mới nhập môn phải thực hiện bài đầu tiên trước mọi người. Trong buổi lễ nhập môn này nhiều bậc thầy tới dự và người mới nhập môn sẽ "đấu" với một trong số họ. Để nhận ân huệ và được phong biệt danh, người đấu phải thực hiện thành công đòn dencao, tức đòn chân đẩy đối phương bật ra sau. Nếu mông đối phương chạm đất thì coi như anh ta thắng và trở thành Capoeirist.

Capoeira ngày xưa là môn võ giết chóc đáng sợ do bản năng sinh tồn của các nô lệ.Ngày nay, bản tính nhân đạo của võ thuật đã làm Capoeira bỏ đi những đòn hiểm ác để Capoeira gần gũi và xóa bỏ bức màn ngăn cách giữ các con người,.vulcan.

Theo: Wikipedia


Xem Video:

1/12/24

Làng người Kinh ở Trung Quốc

 Bài và ảnh: Lê Phong - Người Lao động

Người dân tộc Kinh hát quan họ Bắc Ninh, nói tiếng Việt tại Trung Quốc

Dân tộc Kinh ở Trung Quốc giao tiếp hằng ngày bằng tiếng Việt, ăn nước mắm và hát dân ca quan họ Bắc Ninh.

Đó là những người gốc Việt lưu lạc đến đây hơn 500 năm và hiện định cư tại khu vực Tam Đảo (thuộc xã Giang Bình, thị trấn Đông Hưng, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc), cách cửa khẩu Móng Cái của Việt Nam hơn 25 km.

"Người Kinh mình phải không?"

Khi chúng tôi vừa đặt chân đến đình An Nam nằm tại làng chài Vạn Vĩ, bà Tô Tiết đến nắm chặt lấy tay, hỏi rõ: "Người Kinh mình phải không?". Dứt lời, bà vội quay sang kêu chồng con và cả những người hàng xóm chạy ra để trò chuyện.

Tất cả xôn xao như vừa nhận được một tin vui. Thậm chí từ cuối xóm, hai bà lão ngoài 80 tuổi cũng chống gậy lần từng bước chân tới sân đình gặp chúng tôi. "Người Việt Nam sang đây chơi hả?", "Người Kinh đi thăm người Kinh đây nè"… là những câu mà hai cụ hỏi liên tục.

Chúng tôi kể cho họ nghe nơi chúng tôi sinh sống là TP HCM, cách biên giới Trung Quốc hơn 3 ngày đi ôtô. Nhưng tất cả đều không biết, họ chỉ nghe kể rằng từ hàng trăm năm trước, ông bà của họ có nguồn gốc từ Đồ Sơn (TP Hải Phòng) ra biển đánh bắt cá rồi theo con nước đến mảnh đất này và nay đã có hơn 20.000 người gốc Việt sinh cơ lập nghiệp ở đây.

"Chúng tôi không biết gì nhiều ở Việt Nam đâu. Nhưng người Việt mà qua đây thì phải ở lại đãi cơm. Để còn nói tiếng Việt cho chúng tôi nghe. Phải nói nhiều để chúng tôi không quên tiếng Việt" - bà Tiết nhiệt tình mời.

Không thể từ chối, chúng tôi gật đầu nhận lời ở lại dùng cơm với người dân trong làng. Trong lúc chờ mọi người chuẩn bị, chúng tôi mượn xe máy điện đi tham quan làng người Kinh. Càng đi sâu càng bất ngờ khi mọi thứ không khác gì làng quê ở vùng nông thôn Bắc Bộ.

Từ đầu làng đã tọa lạc một ngôi đình, kế bên là giếng nước và lũy tre thân thuộc. Cứ cách hơn 15 hộ lại xuất hiện một khu vườn trồng lúa, khoai và hoa màu. Những phụ nữ đội nón lá, cuốc đất và nói chuyện với nhau bằng tiếng nguồn cội bao đời.

Dừng trước một cửa hàng tạp hóa, chúng tôi nhận ra những bảng hiệu bán các món hàng Việt như thuốc lá, cà phê, kể cả tương ớt. Bà Đỗ Tú, chủ cửa hàng, bước ra khoe hẳn một chai nước mắm mới nhập từ bên kia biên giới: "Dân làng nơi đây sản xuất nước mắm và dùng nước mắm nêm vào tất cả món ăn. Nhập thêm hàng Việt Nam vì phòng ngừa mùa biển động không có cá để làm nước mắm".

Theo lời bà Tú, dù trải qua hàng trăm năm nhưng mọi sinh hoạt ở đây đều giữ nguyên gốc. Hơn 15 năm trước, khi điện thoại thông minh chưa phát triển, người dân nhập băng cassette thu những bài hát ru, hát quan họ để bán. "Thế hệ tôi và cả những đời trước đều được cha mẹ hát ru bằng dân ca. Rất nhiều người chơi được cả nhạc cụ Việt Nam" - bà Tú kể.

Không quên tiếng Việt

Quả thật, khi chúng tôi quay trở lại sân đình ăn cơm trưa thì dân làng đã kéo sẵn bộ đàn bầu ra chuẩn bị biểu diễn. Không một chút ái ngại, bà Tiết đứng giữa sân đình cất giọng hát mộc mạc: "Yêu nhau cởi áo ối à cho nhau, về nhà dối rằng cha dối mẹ… rằng a ối a qua cầu, tình tình tình gió bay…".

Vừa dứt bài, bà liền chuyển sang đánh đàn bầu bài dân ca quan họ Bắc Ninh "Trèo lên trái núi Thiên Thai".

Bà Tô Tiết, thế hệ thứ 10 của người dân tộc Kinh tại Trung Quốc, chơi đàn bầu

Để tìm hiểu thêm một số thông tin khác về nguồn gốc của người gốc Việt ở Trung Quốc, chúng tôi tìm đến Bảo tàng Dân tộc Kinh do tỉnh Quảng Tây quản lý.

Trước cổng bảo tàng là bức tượng hai vợ chồng đang đánh bắt cá trên biển nhằm mô phỏng lại những ngày đầu người Việt tới đây định cư; bên trong tái hiện những hình ảnh rước kiệu, không gian bếp, những món đặc sản của người Việt… Để có thể đọc và tìm hiểu hết thông tin trong bảo tàng mất gần 1 giờ. Bảo tàng mở cửa tất cả các ngày trong tuần và không thu phí.

Ông Lý Hiển, người trông coi bảo tàng, kể rằng trước kia, những người dân mà chúng tôi gặp được gọi là người An Nam, người Việt nhưng giờ đây được chính thức gọi là người Kinh. Đây là một trong những dân tộc thiểu số ít người nhất ở Trung Quốc.

Theo lời kể, xưa kia có 12 dòng họ tổ gốc Việt di cư theo luồng cá và chia nhau ở trên 3 hòn đảo lần lượt có tên là Vạn Vĩ, Sơn Tâm và Vu Đầu. Dần dần, 3 hòn đảo bị bồi lấp thành bán đảo Tam Đảo như hiện nay.

Ông Hiển cho biết chính quyền sở tại vừa cho phép các trường học ở khu vực có dân tộc Kinh sinh sống đưa tiếng Việt vào chương trình giảng dạy. Đây là môn không bắt buộc nhưng gần như cháu nào cũng đều đăng ký học thêm. "Vốn sẵn giao tiếp với cha mẹ ở nhà bằng tiếng Việt nên khi cô giáo dạy, những đứa trẻ tiếp thu rất nhanh" - ông Hiển nói.

Thiếu nữ ở Tam Đảo

Không những cố gắng giữ gìn tiếng nói mà dân ở đây hằng năm mời những bậc cao niên từ Trà Cổ (TP Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh) sang Tam Đảo để hướng dẫn tổ chức các lễ hội và cúng đình. Mỗi năm có 4 đợt lễ lớn và đó là dịp mọi người đến để chung vui, cầu may mắn.

Theo thống kê, tại Tam Đảo có hơn 120 người thuộc dân tộc Kinh chơi được nhạc cụ truyền thống Việt Nam và có hơn 400 cuốn sách ghi chép lại kho tàng văn học dân gian, bao gồm nhiều ca dao, tục ngữ, truyện cổ tích…

Khi tạm biệt Tam Đảo, chúng tôi để ý thấy trước làng có một cây đa chắc đã vài trăm năm tuổi. Dân ở đây đặt tên là cây Nam Quốc, như lời nhắc nhở thế hệ sau không quên nguồn cội dân tộc.

Bài đọc thêm:

Làng biển gốc Việt trên đất Trung Quốc 

(theo Báo Thanh Niên)

12/30/23

The Little Nyonya 小娘惹 (Tiểu Nương Nha)

Mấy tuần trước (Dec-10-2023), anh K. có chia sẻ bộ phim truyện "The Little Nyonya 小娘惹". Đây là món quà bất ngờ và quý giá đối với tôi trong dịp lễ Giáng Sinh này. 

Tôi học được một từ mới "Nương Nha”, là phiên âm của Hán tự "娘惹", tiếng Malaysia là "Nyonya", là hậu duệ của người Trung Hoa nhập cư ở vùng Nam Dương thuở trước, nay là các nước Malaysia, Singapore và Indonesia. Nói cho đúng "Nyonya" dùng để chỉ phụ nữ còn "Baba" là đàn ông. 


Khi xưa, "Nyonya" thường là người đàn bà giúp việc cho các nhà giàu và trong dinh thự của hoàng gia. Từ ngữ "Nyonya" khiến tôi nghĩ đến cụm từ "ô-sin" của tiếng Nhật," "lọ lem" của Việt ngữ, "nô tỳ" của Trung văn.


Cũng như chuyện tình của những cô gái lọ lem khác, phim truyện "Tiểu Nương Nha" (小娘惹) nói về con đường tình yêu éo le, số phận hẩm hiu và sự cố gắng truy tầm hạnh phúc của hai mẹ con "Nyonya": Cúc Hương và Nguyệt Nương. Thực vậy, phấn đấu trong cuộc sống khó khăn vẫn là bài học suốt đời của chúng ta. 


Từ xưa đến nay, người ta luôn cho rằng một tình yêu trọn vẹn phải là kết tinh bằng một hôn lễ cho hai đối tượng về chung một mái ấm. Dù rằng lắm khi giữa chàng và nàng là cả một thế giới đầy những khác biệt tương phản, nhưng truyện cổ tích vẫn cho họ sánh duyên với nhau. Thế mới có chuyện Sọ Dừa cưới cô út xinh đẹp, Thạch Sanh lấy công chúa, cô Tấm trở thành hoàng hậu; hoặc là câu truyện "đôi giày thủy tinh" và mối tình cô gái "Cinderella" của Tây phương.


Ai cũng đã từng trải qua một tuổi thơ êm đềm với những câu truyện cổ tích đầy thơ mộng, một thế giới trong đó mọi người đều ước mơ và khao khát. Truyện thay mặt nhân dân thực thi công lý trừng trị kẻ ác và mang hạnh phúc đến cho những người lương thiện. Cho nên truyện cổ tích thường có kết cục đầy nhân văn và hướng chúng ta đến gần với Chân Thiện Mỹ.


Thoát ra ngoài thế giới của cổ tích để trở lại với đời thường. Trong thời đại ngày nay, giả sử một cô gái xuất thân từ hoàn cảnh như cô bé lọ lem, thì liệu những chàng trai giỏi giang thành đạt có để mắt tới nàng không? Nói cách khác, trong đời thường, liệu bạch mã hoàng tử có sẵn sàng cưới lọ lem làm vợ?


Thử đặt hai người đó cạnh nhau, chúng ta sẽ có ngay câu trả lời, thật đáng tiếc, họ sinh ra không phải để dành cho nhau! Đó là một thực tế phũ phàng. Tại sao?Lý do là, khi thế giới của cô gái - tạm gọi là Lọ Lem, chỉ quanh quẩn trong không gian nhỏ bé của ngôi nhà chật chội, quanh năm chỉ loay hoay với những công việc vặt vãnh trong xó bếp; trái lại thế giới của chàng trai kia - một thiếu gia - là cả một bầu trời mơ ước, kể cả một tương lai huy hoàng với những người cùng đẳng cấp. Dù muốn hay không, chắc chắn cả đời của chàng trai chẳng có chút nhân duyên nào để gặp gỡ cô gái. Nếu may mắn được gặp nhau thì cũng chỉ là “vô duyên đối diện bất tương phùng”. Rõ ràng, họ như hai con người đến từ hai thế giới khác nhau và chẳng có điểm chung nào để có thể cùng “nắm tay nhau thật chặt, giữ tay nhau thật lâu”, cùng nhau đi suốt đoạn đường đời. 


Trong thực tế, hoàng tử khó lòng xe duyên với lọ lem. Tất nhiên có một ngoại lệ, đó là khi cô ấy thoát khỏi thân phận một lọ lem đáng thương và tỏa sáng như một nàng công chúa để xứng đôi với hoàng tử của đời mình.


Vì vậy, truyện tình cô gái lọ lem đã truyền cảm hứng và làm nền cho sự ra đời của bộ phim truyện "Tiểu Nương Nha." Với chủ đề nói lên sự phấn đấu của hai mẹ con "Nyonya" - Cúc Hương và Nguyệt Hương về quá trình vượt khó và không ngừng tự vươn lên sau mỗi thất bại, cố gắng để làm nên một cuộc đời theo ý nguyện của chính mình. Chứ không như cổ tích có ông Bụt bà Tiên dùng phép màu để thay đổi số phận túng quẫn của họ.


Tuổi thơ của mọi người thường gắn liền với những câu chuyện cổ tích và những câu chuyện ấy luôn đi cùng với sự trưởng thành qua những tháng ngày của chúng ta.


"Tiểu Nương Nha" không chỉ là câu chuyện đầy xúc động về tình yêu, còn là niềm hy vọng của thế hệ trẻ về một xã hội tiến bộ, văn minh, bình đẳng trong cuộc hôn nhân dựa trên nền tảng tình yêu chân chính chứ không phải sự so bì của địa vị hay giai cấp mà người xưa thường ví von là "môn đăng hộ đối"(門登户對).


Nói đến "môn đăng hộ đối", người ta thường liên tưởng đến thời phong kiến xa xưa, khi mà hôn nhân đặt nặng trên sự căn bằng tỷ đối giữa gia đình bên nam và bên nữ phải tương xứng với nhau về giai cấp, tài sản, địa vị xã hội ...


Một số người không đồng tình với quan điểm này bởi họ cho rằng: "Đến Lọ Lem còn lấy được hoàng tử" hay "Rất nhiều thiên kim tiểu thư nhà giàu vẫn sánh duyên cùng những chàng trai khố rách áo ôm, con nhà nghèo đó thôi?"


Tuy nhiên, tình yêu và hôn nhân chỉ mới là trang đầu của cuốn trường thiên tiểu thuyết lắm hồi nhiều chương đầy hỷ nộ ái ố, bi hoan ly hợp. Người ta yêu nhau bởi giác quan, nhưng sống với nhau phải nhờ những tố chất cân bằng dựa trên: thân thế, gia cảnh, kinh tế, học thức, tính nết,  chí hướng … Trong hôn nhân không chỉ là trăng sao trên trời huyền diệu, hoa thơm trong vườn Lộc Uyển, mà còn là gạo dầu mắm muối của đời sống thực tế. Hôn nhân nhất định phải nhìn vào hoàn cảnh gia đình. Bởi vậy ngày xưa hôn nhân được xây dựng trên nền tảng "Môn đăng hộ đối".


Trong truyện cổ tích, chưa bao giờ người ta nhắc tới việc sau khi kết hôn với hoàng tử, Lọ Lem sống có thực sự hạnh phúc hay không? Cũng không ai đưa ra hình ảnh cụ thể về việc một thiên kim tiểu thư nhà giàu có thực sự hòa hợp với một ông chồng xuất thân từ gia đình nghèo khó hay không?


Vì thế, "môn đăng hộ đối" chưa hẳn hoàn toàn không có giá trị. Nó không những là lăng kính để chọn lựa tình yêu, mà còn có chỗ đứng trong xã hội ngày nay, lắm khi nó còn vượt ra khỏi ranh giới hôn nhân, phổ cập trong giao tiếp xã hội ngày nay.


Phim truyện "Tiểu Nương Nha" hàm chứa nhiều triết lý nhân sinh, sự phấn đấu và nghị lực trong cuộc sống đầy thách thức và khó khăn, đồng thời cũng dựng nên câu chuyện tình yêu đầy xúc động với những cảnh bi hài của hai mẹ con Cúc Hương và Nguyệt Nương.


Trong tập thứ 34 (tập cuối), Nguyệt Nương trước lúc lâm chung, có lời trăng trối rất có giá trị với con gái của mình: "Người mà mình yêu chưa hẳn họ có yêu mình; người mà yêu mình cũng chưa hẳn mình có yêu họ. Tuy nhiên, con cần có quyết định theo sự hướng dẫn của lương tâm." (你愛的人,不一定對你好;對你好的人,不一定是你所愛,但是你還是要做出你認為是對的決擇). Thực vậy, mỗi người mình gặp gỡ trong đời đều có nhân duyên:


- Người thích mình cho mình ấm áp và dũng khí.

- Người mình thích cho mình biết tình thương và kính mến.

- Người mình không thích dạy mình sự bao dung và tôn trọng.

- Người không thích mình để mình tự kiểm thảo và  trưởng thành.


Nguyệt Nương, một cô gái tài hoa, thông tuệ, duyên dáng và tình tứ nhưng số phận lại bạc bẽo, nhiều gian truân. Nguyệt Nương đã gặp một chàng trai mà cô yêu thương say đắm, nhưng hồi kết của mối tình này lại không có kết cục hạnh phúc mà chúng ta thường thấy trong các câu truyện cổ tích.


Thân phận mong manh, đáng thương của Cúc Hương và Nguyệt Nương phải chăng là ấn chứng của câu nói "tự cổ hồng nhan đa bạc mệnh", xưa nay, bạc phận cứ đeo bám và song hành cùng kiều nữ giai nhân. 


Chợt nghĩ đến cuộc đời của Thúy Kiều trong "Đoạn Trường Tân Thanh", một cô gái có tài, có sắc, có hiếu... dồi dào cả 3, mà phải sống một cuộc đời lận đận, cam go, đầy giông tố, phải trải qua hầu hết những khổ đau bất hạnh của con người trần thế. Có thể nói, ai cũng có thể tìm thấy một phần đời của mình trong những cảnh ngộ khác nhau của thân phận Thúy Kiều.


Nhân dịp thưởng thức phim truyền, đồng thời cảm thương cho kiếp hồng nhan bạc mệnh của Thúy Kiều, Cúc Hương và Nguyệt Nương. Tôi muốn mượn mấy vần thơ trong phần kết truyện Kiều của Nguyễn Du:


“Ngẫm hay muôn sự tại trời,

Trời kia đã bắt làm người có thân

Bắt phong trần phải phong trần

Cho thanh cao mới được phần thanh cao.

Có đâu thiên vị người nào

Chữ tài chữ mệnh dồi dào cả hai.”


"Tiểu Nương Nha" đã đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong lĩnh vực phim truyền hình về vai trò chuyển tải đạo lý nhân sinh. Cuộc sống vốn dĩ chẳng dễ dàng, câu chuyện về sự cố gắng và nghị lực của con người trước cuộc sống đầy phong ba thử thách luôn khiến chúng ta cảm thấy động lòng.


Mặc dù xây dựng dựa trên nền tảng của một câu truyện cổ tích, nhưng "Tiểu Nương Nha" kết hợp với một số thực trạng xã hội, đã lột xác từ những truyện cổ tích có phần giống như thần thoại truyền thuyết và trở thành một bức tranh sống động, đa sắc đa màu về cuộc sống và tình yêu, đồng thời đi sát với cuộc đời cụ thể của chúng ta. Nhiều tình tiết hấp dẫn ly kỳ lôi cuốn khán giả theo sát sự diễn biến của câu chuyện qua từng giây từng phút, bộ phim này xứng đáng để bạn dành thời gian thưởng lãm. Còn bạn, đã sẵn sàng tham gia vào hành trình đầy bi thương và rồi lại hy vọng cho một ngày mai tươi sáng?


Trường K5

12-29-2023



Phim truyền hình : Tiểu Nương Nha (phụ đề tiếng Anh)

12/24/23

Fuggerei - Khu nhà từ thiện lâu đời nhất thế giới tại TP Augsburg Đức.

Fuggerei là khu phức hợp nhà ở xã hội lâu đời nhất trên thế giới vẫn được sử dụng. Đó là một vùng đất có tường bao quanh trong thành phố Augsburg, Bayern, Đức. Nó lấy tên từ gia đình Fugger và được thành lập năm 1516 bởi Jakob Fugger (được gọi là "Jakob Fugger giàu có"), là một nơi mà người dân nghèo của Augsburg có thể tới ở. Khoảng năm 1523, 52 ngôi nhà đã được xây dựng, và trong những năm sau đó khu vực mở rộng với những đường phố khác nhau, những sân nhỏ và một nhà thờ. Những cánh cổng được khóa vào ban đêm, vì vậy Fuggerei rất giống với một thị trấn nhỏ thời trung cổ độc lập. Nó vẫn còn là nơi cư trú ngày nay, và như vậy là dự án nhà ở xã hội lâu đời nhất trên thế giới.

1)- Giá thuê nhà căn bản đã và vẫn là 1 Rheinischer Gulden / mỗi năm (tương đương 0,88 euro),
2)- cũng như ba lời cầu nguyện hàng ngày cho các chủ sở hữu hiện tại của Fuggerei - Kinh Lạy Cha, Kính Mừng, và Kinh tin kính Nicea.

Các điều kiện sống ở đó vẫn còn giống như 500 năm trước: Phải sống ít nhất hai năm tại Augsburg, có đức tin Công giáo và nghèo khổ nhưng không mắc nợ. Năm cổng vào vẫn bị khóa mỗi ngày vào lúc 22:00.

Một căn hộ kiểu mẫu
Đơn vị nhà ở trong khu vực gồm có 45-65 mét vuông (500-700 bộ vuông) mỗi căn hộ, nhưng vì mỗi đơn vị có lối vào riêng của mình từ ngoài đường, nó giống như sống trong một ngôi nhà. Không có chỗ ở nào phải chia sẻ; mỗi gia đình có căn hộ riêng của mình, trong đó bao gồm một nhà bếp, một phòng khách, một phòng ngủ và một phòng phụ nhỏ, tổng cộng khoảng 60 mét vuông. Tất cả căn hộ tầng trệt đều có một khu vườn nhỏ và nhà vườn, trong khi căn hộ tầng trên có một gác mái. Tất cả các căn hộ có tiện nghi hiện đại như truyền hình và nước dùng. Một căn hộ tầng trệt không có người ở, được dùng như là một bảo tàng mở cửa cho công chúng. Các chuông cửa nhà có hình dạng phức tạp, duy nhất, có trước khi đèn đường được thiết kế, để người dân có thể xác định cửa của họ bằng cách cảm nhận tay cầm trong bóng tối.

Lịch sử

Gia đình Fugger trở nên giàu có nhờ nghề dệt và buôn bán. Jakob Fugger "giàu có" mở rộng lợi ích kinh doanh của họ bằng cách khai thác mỏ bạc và kinh doanh với Venice. Ngoài ra ông là một nhà tài chính và xem Vatican là một khách hàng đáng chú ý. Gia đình ông trở thành những người hỗ trợ tài chính cho nhà Habsburg và ông đã tài trợ cho cuộc bầu cử thành công của Karl V làm Hoàng đế của Đế quốc La Mã Thần thánh trong 1519.

Fuggerei được xây dựng lần đầu tiên giữa năm 1514 và 1523 dưới sự giám sát của kiến trúc sư Thomas Krebs, và vào năm 1582 Hans Holl thêm vào Nhà thờ St. Mark cho khu nhà ở này. Được mở rộng hơn nữa trong năm 1880 và 1938, Fuggerei ngày nay bao gồm 67 ngôi nhà với 147 căn hộ, một cái giếng, và một tòa nhà hành chính. Fuggerei bị hư hỏng nặng do các vụ đánh bom Augsburg trong Thế chiến II, nhưng đã được xây dựng lại theo kiểu ban đầu.

Bảo trì

Fuggerei được hỗ trợ bởi một tổ chức từ thiện được thành lập vào năm 1520 mà Jakob Fugger tài trợ với một khoản tiền gửi ban đầu là 10.000 gulden. Theo tờ Wall Street Journal, tổ chức từ thiện này được quản lý cẩn thận với nguồn thu lớn nhất đến từ những tài sản lâm nghiệp của gia đình Fugger kể từ thế kỷ thứ 17. Số tiền nhận được hàng năm của tổ chức thay đổi sau khi khấu trừ một tỷ lệ sau lạm phát là 0,5% đến 2%.

Đứng đầu gia đình Fugger hiện nay là nữ bá tước Maria-Elisabeth von Thun und Hohenstein, nhũ danh bá tước Fugger von Kirchberg, sống tại lâu đài Kirchberg. Hiện nay tổ chức từ thiện này được quản lý bởi Wolf-Dietrich Graf von Hundt. 

Hiện nay, lệ phí cho một tour du lịch vào Fuggerei là 16,00 € / người, hơn nhiều lần tiền thuê nhà hàng năm. /-

Tham khảo: 

12/23/23

Cửa sau

 Nguyễn Ngọc Tư

quê mình nhà nào cũng có cửa sau. Mỗi khi đi xa, nhớ ba nhớ má, nhớ nhà, nhớ luôn cái ngạch cửa trước, nhớ cái chái cửa sau. Rồi chợt hiểu vì mắc mớ gì mà người con gái xưa thầm lén “chiều chiều ra đứng cửa sau” để “trông về quê mẹ” để “ruột đau chín chiều”.

Ở nhà mình cũng có cái cửa sau. Cửa nhìn ra vườn cây xanh mịt, trắng loáng loáng ngoài kia là chòm mả ông bà tổ tiên. Những chiều xa nhà, ngồi dưới đò đi dọc theo các triền sông nhìn cửa sau của những ngôi nhà trầm lắng trong nắng héo. Không hiểu sao mình cảm thấy tội nghiệp mình ghê lắm. Người ta có nhà còn nghề nghiệp mình thì giang hồ mãi tận đâu đâu. Mình nhớ cửa sau nhà mình. Không phải chỉ là nơi để đi ra đi vào, cửa trở thành một khung tranh. Chị mình vẽ cảnh ngồi giặt áo trong cái nền sẫm đỏ của hoàng hôn. Ba mình vẽ vào khung một thân mình chắc nịch, đỏ au vì nắng gió trên đồng, những làn nước trong văng trong vắt từ cái lu nước nhỏ bên cửa bắn tung tóe mỗi lần ba tắm. Bà nội mình ngồi trên cái đôn cưa bằng gỗ mù u, vẽ vào cửa sau một cái nhìn khắc khoải, ngoài vườn chiều kia, dưới trăng chiều kia có mộ Ông, có mộ các chú nằm xuống khi tuổi còn rất trẻ. Nên mắt bà đã mờ mà như ướt lem nhem ? Hay tại khói cay bay cao bay sà từ chiếc lò cà ràng, ùng ục nồi cám heo sôi trên bếp ? Trên khung tranh còn má mình chiều nào cũng ngồi dưới chái đâm từ cửa sau, trước mặt má là thúng rau, sịa ngò đang lặt dỡ, bó dỡ… Tay má nhăn, tái xanh vì ngâm nước lâu, trán má nhăn vì lo toan, vất vả, chỉ có cái cười của má thì vui, vui lắm, vui không kể xiết. Nhất là khi má nhìn đứa cháu nhỏ xíu, ngong ngỏng ở truồng nhảy lạch chạch trong cái thau nước đặt trên sàn lãn (giống mình hồi nhỏ quá đi thôi). Cạnh đó, có phải mình không vậy ta, có phải mình đang ngồi chồm hổm trước nồi cơm đầy lọ, trong bức tranh chiều, dường như có tiếng cạo cơm cháy sồn sột và tiếng trẻ nít cười rân.

Đêm đầy sao, mở cửa sau chợt hương bông cau, bông bưởi ùa vào đầy ứ mũi. Muốn thở chỉ sợ hương tan. Nghe con chim heo kêu nghe sợ mơ hồ, chạy cuống chạy cuồng qua cửa rồi mà hương vẫn còn theo.

Cửa sau, với mình, ít nhiều mang cảm giác thiêng liêng của sự đầm ấm, sum vầy. Cho nên nhớ hoài, nhớ mãi, nhớ không thôi. Cái số mình, thầy bói nói, là số giang hồ, giang hồ vặt.
Ra giữa đời, về phố chợ, đất chật, người đông, sau nhà không có cửa nữa. Bởi phía sau không trăng, không hương, không người vẽ lên đó những bức tranh đầm ấm. Mà, ở đây cửa sau mang ý nghĩa khác mất rồi.Người ta đưa hai tiếng cửa sau vào ngoặc kép, “cửa sau” làm nhà nước thất thoát hằng tỉ tỉ đồng, mồ hôi nhân dân đổ xuống nhiều hơn, nước mắt vì nỗi nhọc nhằn cạn đi (còn đâu nữa mà rơi). “Cửa sau” làm người ta không trọng nhau, không thương nhau, không tin nhau.

Cửa sau có muốn đâu, cửa muốn vẽ những bức tranh dung dị, bình thường về những con người bình thường, những cảnh vật bình thường.

Nhưng bây giờ người ta hay vẽ, một đám người chen nhau đứng đằng sau cánh cửa, quà trên tay chất vượt mặt, gõ cửa bằng chân. Cuộc sống có thế người ta mới vẽ thế. Buồn thiệt ha ?

Không, cửa sau mình nhớ dứt khoát không phải vậy. Thiệt đó, tin mình đi.

12/22/23

Những bức thư mùa Noël

Nguyễn thị Cỏ May
Thư gởi Ông Già Noël và thư gởi nàng Juliette của Roméo ở Ý

Noel đã bao lần qua nhưng những bức thư của trẻ con viết và gởi cho Ông Già Noel mỗi năm từ tháng 11 và tất cả đều lần lược được hồi âm cho tới đầu thàng giêng năm sau, trong số đó có không ít những bức thư vẫn thật sự làm rung động lòng người. Vì những ý nghĩ ngây thơ, trong sáng của tuổi trẻ. Cho tới gần đây, riêng ở Pháp, số thư trẻ con mỗi năm viết tay gởi cho Ông Già Noel vẫn còn chiếm con số rất lớn. Dĩ nhiên có nhìều cô cậu được cha mẹ hướng dẫn viết bằng computer. Thời đại tin học mà!
Riêng bức thư của cô bé Virginia O’Hanlon, 8 tuổi, ở Manhattan-NY, viết năm 1897 gởi cho báo The New York Sun hỏi “Ông Già Noël có thật không?” bất ngờ trở thành nổi tiếng và vượt thời gian nhờ bức thư trả lời của báo.

Giai thoại này từ hơn 100 năm qua được kể lại mỗi mùa Noël.

Mùa Noel năm nay, câu chuyện lại được nhắc lại trên mạng thông tin. Và bức thư trả lời của ký giả Francis Pharcellus lại thêm một lần nữa đánh động lòng người:

"… Virginia, ông già Noel có thật. Ông có thật cũng như tình yêu và lòng quảng đại luôn hiện diện quanh ta, nhờ đó mà cuộc sống của chúng ta được vui tươi và hạnh phúc. Nếu không có ông già Noel thì thế giới của chúng ta ảm đạm biết bao. Nếu không có những em bé như cháu thì thế giới của chúng ta sẽ như thế nào? Khi đó cuộc sống sẽ chẳng có những tâm hồn trẻ thơ, chẳng có thi ca, chẳng có lãng mạn. Con người chỉ là những cỗ máy khô khan. Ánh sáng niềm tin và hy vọng của trẻ em trên khắp thế giới cũng sẽ tiêu tan.
...Ông Già Noel vẫn sống và sẽ sống mãi. Hàng nghìn năm sau Virginia à, mà không phải, hàng trăm nghìn năm sau, ông vẫn sẽ tiếp tục mang đến niềm vui và hạnh phúc cho những tâm hồn trẻ thơ trên khắp hành tinh này. Chúc cháu Giáng sinh hạnh phúc".

Bức thư của biên tập viên Francis Pharcellus Church là hành trang theo suốt cuộc đời Virginia. Trọn đời bà đã cống hiến cuộc đời mình cho sự nghiệp giáo dục và trẻ em tật nguyền.
Bà mất năm 1971, ở tuổi 81 và đã mang lá thư phúc đáp của ông Church suốt cuộc đời mình.


Cỏ May nhắc lại chuyện Ông Già Noël nhơn mùa Noël vì nó đã làm cho Cỏ May xúc động không ít hôm tối 24 vừa qua. Trẻ con vui chơi vì mới 10 giờ tối. Người lớn sửa soạn bửa ăn tối. Năm nay, ở Paris, trời không lạnh. Tây có câu “Hể Noël đứng được ở bao-lơn thì Phục-sinh phải ngồi trước lò sưởi”« Si Noël est au balcon, Pâques sera au tison » . Tuy không lạnh nhưng cửa sổ vẫn đóng. Thằng bé 7 tuổi tên Lenny, học lớp 1, cứ đòi mở ít nhứt một cửa sổ "để cho Ông Già Noel tới". Trước khi nghỉ học cuối năm, ở trường, cô giáo nói chuyện cho học sinh trong lớp nghe về Ông Già Noel. Và bảo học trò hãy viết thư cho Ông Già Noel xin quà. Học trò viết như một bài tập. Cậu bé Lenny chăm chỉ viết và gởi cả niềm tin vào trang giấy. Các bạn của nó phần đông không có đứa nào tin. Riêng nó tin có Ông Già Noel.

Tối hôm ấy, bất ngờ, cha của nó làm ngã cây thông. Nó òa lên khóc vừa đau khổ “Ông Già Noel không tới…”. Nó hiểu như một điềm không lành. Nó bỏ chạy vào phòng khóc tức tưởi. Và ngủ thiếp đi. Sau đó, mẹ của nó lấy quà ra bày lên những đôi giày của trẻ con để sáng ra, chúng nó nhận quà. Ngủ dậy, Lenny thấy có nhiều quà, reo lên mừng rỡ. Quên những chuyện buồn của tối hôm trước.
Đúng là cái đẹp vẫn ở niềm tin. Và niềm tin của trẻ con là đẹp hơn cả!
Viết thư gởi Ông Già Noël
Trẻ con Pháp viết thư gởi Ông Già Noel hoàn toàn miễn phí. Ban thư ký của ông là Bưu điện và địa chỉ gởi thư là:
Ông Già Noel
14, đường sao xẹt trên Trời
33500 Libourne – France (Miền Tây-Nam Pháp – Gần Bordeaux)

Theo tin mới nhứt, cập nhựt ngày 28 tháng 12 năm 2014, Ban Thư ký của Ông Gìà Noel đã mở cửa làm việc trở lại. Đó là tin mừng cho tất cả trẻ con ngoan, học giỏi, vì có thể viết thư gởi miễn phí cho Ông Già Noel, xin ông quà. Ông sẽ mang tới đặt dưới chân cây thông vào ngày Noel năm tới.

Hằng năm, vào tháng 11, Bưu điện mở Văn phòng truyền thống tọa lạc ở Thành phốbourne thuộc Tỉnh Gironde. Năm 2012, Văn phòng nhận được 1,7 triêu bức thư và ăn mừng năm thứ 52. Năm rồi, Văn phòng nhận được 1,2 triêu bức thư viết tay và cả 200000 e-mails của trẻ con trong đó có những hình vẻ và sự mong ước nhận được những món quà và đồ chơi. Những bức thư này gởi tới từ 126 quốc gia trên thế giới. Năm 1962, Văn phòng mới thành lập chỉ nhận được có 5000 thư. Ngày nay, Văn phòng có 60 nhơn viên trả lời thư.

Ngày hằng năm, trẻ con bắt đầu viết thư gởi Ông Già Noel, là ngày 6 tháng 11. Với danh sách kèm theo liệt kê những món quà mong đợi. Tất cả thư nhận được đều được Ban Thư ký đọc  kỹ và trả lời liền. Điều đặc biệt là thư không đề địa chỉ đầy đủ, như chỉ ghi «Ông Già Noel», dán lại, bỏ vào thùng thư cũng tới tận Văn phòng của Ông Già Noel và được hồi âm kịp lúc.
Chánh Văn phòng của Ông Già Noel là Bà Teulières. Bà rất xúc động khi đọc qua những bức thư của tác giả từ 3 tới 9 tuổi vì đó là những dòng chữ, những hình vẻ ngoằn ngoèo bộc lộ đầy sự ngây ngô trong sáng, vô cùng dễ thương, gởi cho người sẽ đem tới những niềm vui vào ngày cuối năm.

Qua hơn năm mươi năm hoạt động, Ban Thư ký của Ông Già Noel đã có tên tuổi khắp thế giới.

Những bức thư tình
Chuyện tình ngang trái của Juliette và Roméo đã đi vào lịch sử tình yêu được nhà văn Anh Shakespeare đưa vào kịch nghệ nay trở thành bất hủ.
Juliette vẫn trả lời hằng năm 4000 bức thư gởi tới nhà ở Vérona - Ý, nay trở thành bảo tàng viện lịch sử.
Juliette và Roméo là hai người yêu nhau nhưng cả hai trở thành nạn nhơn của sự xung đột của hai gia đình. Gia đình Capulet của Juliette và Montaigu của Roméo cùng ở thị trấn Vérona, miền Đông Bắc Ý, vào thời Phục Hưng. Những bức thư tình từ trên khắp thế giới gởi tới để tâm sự với Juliette vì cũng đồng cảnh ngộ.
Phần nhiều người viết thư cho Juliette không biết rõ địa chỉ, chỉ ghi ngoài bao thư «Juliette, Vérona (Vérone), Italie». Nhưng Bưu điện Ý vẫn đưa thư tới vì biết thư gởi cho Juliette là những lời tâm sự.
Tại ngôi nhà xưa của Juliette nay là bảo tàng viện, có 10 phụ nữ làm việc tự nguyện để trả lời thư từ. Một bà cho biết những thư tâm sự đó phần lớn gởi từ Pháp, Đức và Huê kỳ. 
Tác giả những bức thư này là phụ nữ. Có cả những cô gái vị thành niên. Họ viết thư để bày tỏ tâm sự trong tình yêu và hỏi Juliette cho những lời khuyên bảo để ứng xử. Nhiều người không biết làm thế nào để tỏ tình, để bảo vệ tình yêu, kẻ khác tỏ bày niềm hạnh phúc, sự đau khổ,… Đôi khi thư kèm theo một bức tranh, tấm hình của hai người yêu nhau, hoặc một bài thơ tình.

Văn phòng của Juliette trả lời tất cả thư nhận được. Bằng tiếng Pháp, tiếng Ý, tiếng Anh, tiếng Nhựt, tiếng Nga. Những thứ tiếng mà mười phụ nữ tự nguyện ở đây có khả năng. Những bức thư trả lời được viết tay, sát theo từng trường hợp của người gởi. Không hề có thứ trả lời chung, một cách kiểu mẫu. Người trả lời viết theo cảm hứng của mình, theo nhịp tim của mình sau khi đọc thư.

Trong năm, có hai mùa, Văn phòng Juliette nhận nhiều thư hơn hết: mùa Lễ Tình Yêu và Noel. Cỏ May ghi ra đây địa chỉ Văn phòng Juliette để bạn đọc (các Bà trong các Hội Cao niên) có thể viết thư không lo thư bị thất lạc:

Via Galilée
37133 Verona - Italia

St: BN

11/12/23

Nhìn Lại Tài Tử Kim Vui - Điện ảnh miền Nam trước 1975

 


Khi nhắc về những mỹ nhân tuyệt sắc của nền điện ảnh miền Nam trước 1975, nhiều người không thể quên được tài tử Kim Vui, người được mệnh danh là một “Elizabeth Taylor của Việt Nam.”

Nếu nói về vẻ đẹp “bốc lửa” nhất của các minh tinh điện ảnh Sài Gòn thì người được cho là nóng bỏng nhất chính là tải tử điện ảnh Kim Vui, cũng là người phụ nữ Miền Nam Việt Nam đầu tiên mặc “bikini” xuất hiện trên màn ảnh lớn. Kim Vui đóng phim không nhiều. Cả sự nghiệp điện ảnh của cô chỉ xuất hiện trong một vài cuốn phim nên chưa có thể sánh với những minh tinh danh tiếng như Kiều Chinh, Thẩm Thuý Hằng, Thanh Nga hay Kim Cương. Tuy nhiên, theo nhà nghiên cứu Lê Hồng Lâm, thì chỉ cần một vai nữ ca sĩ nhạc “Jazz” luỵ tình trong phim “Chân Trời Tím” xuất hiện bên cạnh Hùng Cường, tên tuổi của Kim Vui đã toả sáng rực rỡ.

Kim Vui đã đoạt giải nữ diễn viên 
xuất sắc nhất của giải thưởng Văn học nghệ thuật năm 1970 của phủ Tổng thống tổ chức, và đích thân Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đã trao tặng Kim Vui tượng vàng trong đêm liên hoan trao giải tại dinh Độc Lập.

Kim Vui có một nhan sắc và thân hình quyến rũ và cũng được so sánh với cô đào khả ái người Ý là Sophia Loren. Giới ký giả Sài Gòn cũng gọi Kim Vui là “Người phụ nữ hấp dẫn nhất của Sài Gòn thập niên 60-70.”

Theo tác giả Lê Hồng Lâm ghi lại trong cuốn sách biên khảo 
mang tựa đề “Người Tình Không Chân Dung,” thì nghệ sĩ Kim Vui có tên khai sinh là Nguyệt Chiếu (tức mặt trăng toả sáng) – một cái tên rất hay và ý nghĩa. Vì cha mẹ cô sống với nhau không hạnh phúc nên gia đình lâm vào khó khăn và Kim Vui phải đi làm và bước chân vào lĩnh vực giải trí rất sớm. Từ khi cón nhỏ, Kim Vui bắt đầu theo học với cố nghệ sĩ Ngọc Đức, và Kim Vui cũng được học môn vũ “Ballet.” Sau đó Kim Vui được danh ca Minh Trang khuyến khích đi hát. Minh Trang cũng là người đặt cho cô nghệ danh là Kim Vui, với mong muốn là cuộc đời sẽ luôn gặp suôn sẻ, nhiều niềm vui. Tuy vậy, Kim Vui lại thừa nhận:

“Cuộc đời của tôi lại buồn nhiều hơn vui.” 

Vì học vũ “Ballet” từ nhỏ, rồi sau đó chuyển sang “Belly Dance” nên thời trẻ Kim Vui đã có được một vóc dáng gợi cảm và quyến rũ. Năm 17 tuổi, cô tham gia cuộc thi hát ở đài Pháp Á và sau đó được giám đốc là ông Hoàng Cao Tăng mời hợp tác với đài. Cô chính thức trở thành ca sĩ và nhanh chóng nổi tiếng.

Ngoài hát nhạc Việt. Kim Vui còn hát nhạc Anh, Pháp, Ý. Mỗi tối đi diễn ở 10-12 phòng trà khác nhau, tên tuổi Kim Vui nổi lên như một hiện tượng đợt sóng mới của tân nhạc.

Về giọng hát của Kim Vui, nhà văn Hồ Trường An nhận xét:
“Kim Vui có giọng tốt, làn hơi mượt mà, kỹ thuật già dặn, cách ngân nga tuyệt vời. Đó là một giọng hát trong trẻo, thanh tao.”Có lẽ trong hàng ngũ các nữ ca sĩ, các nữ kịch sĩ, các nữ minh tinh màn bạc, Kim Vui đẹp bốc lửa nhất và đa tài đa diện nhất.”

Nhà văn Hồ Trường An cũng nói về ngoại hình của cô như sau:
“Kim Vui mặc áo dài thì áo dài phải mang ơn chị, vì nhờ chị mà áo mới đạt được cái đẹp trong công việc nâng ngực bó eo người mặc, với lồng lộng những nét tròn mê hoặc. Kim Vui mặc áo đầm hở vai mầu đỏ, và mang găng đen dài quá khửu tay, trông chị bốc lửa như Rita Hayworth trong phim Gilda.”

Từ sau lĩnh vực ca hát, Kim Vui bắt đầu dấn thân vào lĩnh vực sân khấu và điện ảnh, tuy có hơi muộn. Ban đầu cô đóng một vài vai phụ trong những vở thoại kịch của đoàn kịch Kim Cương, nhưng không để lại nhiều ấn tượng. Đến cuối thập niên 1960, Kim Vui mới thử sức với lĩnh vực điện ảnh trong các bộ phim

“Thương Hận,” “Phản Bội,” “Cúi Mặt”… nhưng vẫn không để lại nhiều tiếng tăm. Một cơ may đến với Kim Vui khi cô được đạo diễn Lê Hoàng Hoa mời đóng vai chính trong phim “Chân Trời Tím” cùng với Hùng Cường. Có người nói rằng ban đầu đạo diễn đã mời Thẩm Thuý Hằng, nhưng người đẹp này từ chối vì không muốn đóng chung với một kép cải lương là Hùng Cường, nên Kim Vui được chọn để thay thế. Cũng từ bộ phim này, Hùng Cường và Kim Vui đều trở thành một hiện tượng mới rất rầm rộ trong làng điện ảnh Miền Nam đầu thập niên 1970.

Trong phim “Chân Trời Tím,” dù thời lượng của Kim Vui xuất hiện trong phim không nhiều bằng Hùng Cường, nhưng cô lại nhận được nhiều lời khen ngợi hơn do lối diễn xuất tự nhiên và chân thật. Một điều thú vị là Kim Vui và Hùng Cường từng là bạn học trường đạo từ thuở còn nhỏ. Phim “Chân Trời Tím” khởi chiếu năm 1970 và gây nên một cơn sốt với số vé vào cửa bán được rất hiếm có tại Miền Nam.

Tuy nhiên sau thành công với phim này, Kim Vui lại giã từ điện ảnh vì bận việc kinh doanh. Lúc đó cô phải lo lắng cho những người con đang tuổi ăn học nên không có thời gian quan tâm đến sự nghiệp riêng. Không như phần lớn ca sĩ hay minh tinh tài tử khác trong làng nghệ thuật, thu nhập chủ yếu từ ca hát và diễn xuất, thì Kim Vui rất giỏi trong việc kinh doanh. Vừa là mẹ đơn thân lo cho con, lại phải lo kinh doanh cho hãng thu thanh riêng mang tên Kim Vui và cả công việc ở nhà in. Cô đành từ chối các lời mời đóng phim. Ngoài ra, trong cùng năm 1971, Kim Vui lên xe hoa lần thứ 2 cùng với một người Mỹ tên là Robert E. Henry. Năm 1972, Kim Vui theo chồng sang sinh sống và kinh doanh ở đảo Guam; Ở đây thỉnh thoảng cô cũng đi hát ở một vài “Night Club” cho đỡ nhớ nghề, nhưng cũng chỉ là công việc văn nghệ cho vui.

Sau tháng 4 năm 1975, Kim Vui chuyển sang sinh sống tại Mỹ, rồi sang châu Phi kinh doanh, làm chủ một hãng xuất nhập cảng gỗ. Cô nói rằng phải bận rộn công việc kinh doanh như vậy vì muốn lo cho con cái thành đạt:
“Tôi kiếm được rất nhiều tiền nhưng cũng rất gian khổ. Đàn bà có lẽ không ai muốn làm như vậy cả, nhưng vì con cái thì khổ mấy tôi cũng không từ nan…”

(Kim Vui – Trích trong cuốn “Người Tình Không Chân Dung” – tác giả Lê Hồng Lâm)

10/23/23

Ba chị em họ Tống

Ảnh minh họa - Phim The Soong Sisters

Ba chị em nhà họ Tống (宋家姐妹 Tống gia tỷ muội,
bính âm: Sòngjiā Jiěmèi hay 宋氏三姐妹 Tống thị tam tỷ muội) là ba người phụ nữ có chồng là những nhân vật chính trị nổi bật của Trung Quốc đầu thế kỷ 20.

Ba chị em là:Tống Ái Linh: (宋藹齡, 1890-1973) chị cả, bà đã kết hôn với bộ trưởng tài chính và cũng là người giàu nhất Trung Quốc, Khổng Tường Hi.

Tống Khánh Linh: (宋庆龄, 1893-1981) kết hôn với Tổng thống đầu tiên của Trung Hoa Dân Quốc, Tôn Trung Sơn. Sau này bà trở thành đồng Chủ tịch Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa với Đổng Tất Vũ từ 1968 đến 1972 và Chủ tịch Danh dự năm 1981.

Tống Mỹ Linh phát biểu trước Quốc hội HK
ở Washington, tháng 2/1943 (AP)
Tống Mỹ Linh: (宋美齡, 1897-2003) trẻ nhất trong ba chị em, bà đã kết hôn với Tổng thống Trung Hoa Dân Quốc Tưởng Giới Thạch.

Trong ba chị em thì Tống Ái Linh được xem là "một người yêu tiền" (一個愛錢), Tống Mỹ Linh được xem là "một người yêu quyền" (一個愛權), Tống Khánh Linh được xem là "một người yêu nước" (一個愛國).

Cha của họ là Tống Gia Thụ, một mục sư Hội Giám lý, đồng thời kinh doanh trong lĩnh vực ngân hàng và in ấn.

Em trai của họ đều là các quan chức cao cấp trong chính phủ Trung Hoa Dân quốc, một trong ba người nổi tiếng là Tống Tử Văn.

Một bộ phim Hồng Kông về ba chị em có tên "Hoàng triều nhà Tống" (Tống gia hoàng triều - 宋家皇朝), có sự tham gia diễn xuất của Trương Mạn Ngọc đã miêu tả cuộc sống của ba chị em đã được sản xuất năm 1997.

Theo :Bách khoa toàn thư mở Wikipedia