Showing posts with label Ẩm thực. Show all posts
Showing posts with label Ẩm thực. Show all posts

12/30/23

Pháp-Nhật, sự hội ngộ của hai nền nghệ thuật ẩm thực thế giới

 RFI tie6sng Việt -  Thanh Hà Đăng ngày: 


Pháp - Nhật : khi hai « ông khổng lồ có tâm hồn ăn uống » gặp nhau, họ dễ dàng cùng nhau bước lên những đỉnh cao của nghệ thuật ẩm thực. Khó có thể tin rằng trong ba năm liền, ba vua bếp Nhật Bản thay phiên nhau đoạt chức Vô Địch Thế Giới ở môn Pâté-Croûte vốn được xem là một trong những « món tủ » của các đầu bếp Pháp. Cũng khó để đoán được là trà Nhật Matcha lại là dấu ấn của nhà làm bánh ngọt nổi tiếng Paris Laurent Duchêne.

Tủ bánh mang nhãn hiệu Laurent Duchêne tại hội chợ bánh ngọt Paris 17-06/2023.

Cuộc tranh tài quốc tế Championnat du monde de Pâté-Croûte 2023 vừa khép lại tại thành phố Lyon. Nhà vô địch năm nay là đầu bếp Frédéric Le Guen-Geoffroy. Ban giảm khảo tuy nhiên đã chú ý đến một ông vua bếp đến từ phương xa : Taiki Mano, 28 tuổi, hiện đang đứng bếp tại một khách sạn rất nổi tiếng tại Tokyo. Thú vị không kém là trong ba mùa tranh tài trước đây, ba nhà vô địch trong món ăn rất đặc thù này của Pháp đều là các ông vua bếp Nhật.....

Đọc bài viết trên RFI tiếng Việt:


10/15/23

ĐẾN GIFU THƯỞNG THỨC THỊT BÒ HIDA

Ghé thăm tỉnh Gifu, Nhật Bản vào những ngày cuối thu đầu đông, ngoài việc được thưởng lãm cảnh sắc thiên nhiên rực rỡ thì tôi rất ấn tượng với thịt bò Hida.


Lâu nay trong tâm trí của tôi, thịt bò ngon nhất phải là thịt bò Kobe, nhưng khi nếm qua thịt bò Hida thì tôi mới biết đây mới chính là món thịt tuyệt phẩm của đất nước Mặt trời mọc.

ĐẬU PHỤ NƯỚNG

Nhà văn Quyên Di

Mỗi lần nhắc đến đậu phụ là tôi lại thấy xấu hổ đỏ cả mặt, cái xấu hổ của kẻ dốt mà cứ tưởng mình thông. “Đậu phụ,” mà bà con miền Nam kêu là “đậu hủ,” và ngay cả lối gọi “tofu” của người Mỹ đều là cách phiên âm hai chữ 豆腐.
Dốt là như thế này:
Bao nhiêu chục năm, cứ thấy ai gọi món đó là “đậu hủ” thì tôi lại cười thầm trong lòng. Tôi không dám cười ngoài mặt vì giữ lịch sự. “Phải gọi là “đậu hũ” chứ! Bà con miền Nam, miền Trung mình phát âm trật lất!”


Hoá ra là mình trật lất chứ không phải bà con mình trật lất. Tra chữ Hán mới biết “hủ” (腐) có nghĩa là cũ, là hư, là rữa nát. Cái món “đậu hủ” làm bằng đậu nành, phải đợi khi đậu rữa nát ra, lên men thì mới làm thành đậu phụ/đậu hủ/tofu/豆腐 được. Bố tôi là đông y sĩ, giỏi chữ nho, nhưng khi tôi còn bé, ông chỉ mới dạy tôi cây hoa dành dành gọi là sơn chi, cây hoa giun gọi là sử quân, hạt hoa giun gọi là sử quân tử thôi. Bố chưa dạy đến cái chữ “đậu hủ” này.

6/22/23

4 PHONG VỊ BÁNH BÁ TRẠNG, MÓN ĂN NGÀY TẾT ĐOAN NGỌ CỦA NGƯỜI HOA CHỢ LỚN

Bánh ú bá trạng là loại bánh nổi tiếng của người Hoa ở Chợ Lớn. Loại bánh này chỉ được gói bán vào dịp Tết Đoan Ngọ hàng năm. Ý nghĩa của loại bánh này cũng giống như món bánh ú tro của người Việt . Bánh bá trạng có nhiều hình dạng và kích cỡ khác nhau nhưng thường sẽ có hình tam giác tương tự như bánh ú tro và được gói bằng lá tre.


Bánh ú bá trạng - tinh hoa ẩm thực người Hoa vào dịp Tết Đoan Ngọ. Nhưng không phải cùng khẩu vị đâu nhé, họ sẽ chia ra theo từng vùng địa lý để chiếc bánh đúng với xực phàn của mình.

Có thể khác nhau về hình dạng nhưng bánh ú bá trạng đều được làm từ nếp dẻo và đậu phộng bên ngoài, trong nhân có trứng muối, đậu xanh, hạt điều, thịt heo và một số nguyên liệu khác.

Nhân bánh ú bá trạng rất đa dạng và ngày càng được biến tấu với nhiều nguyên liệu khác nhau tùy theo sở thích.

Vỏ ngoài của bánh sẽ là nếp và đậu được tuyển chọn từng hạt căng tròn. Nếp và đậu đều được ngâm qua một đêm cùng với các vị thảo dược cho ngấm và mềm trước khi làm bánh. Khi ăn, ngoài vị bùi của đậu bạn còn cảm nhận được vị mặn của thuốc bắc và mùi thơm thảo dược.

Người Hoa ở Chợ Lớn - Sài Gòn sẽ thường ăn bánh bá trạng theo khẩu vị của vùng: Quảng Đông, Triều Châu, Hải Nam, Phước Kiến, Nyonya, Kee.

Khẩu vị bánh bá trạng Quảng Đông



Bánh bá trạng của người gốc Hoa Quảng Đông ở Chợ Lớn nguyên liệu thường có đậu xanh cả hạt hoặc đậu xanh nghiền. Cách gói thường là dạng gói dài ít hình chóp nón như bánh ú.

Phần nhân bao gồm nếp (nêm muối, dầu tỏi), mỡ heo, thịt nạc, đậu xanh, lạp xưởng. Hương vị của bánh này thơm ngon và nếp tơi không dính. Bánh bá trạng của người Quảng Đông theo truyền thống chiếc bánh được gói đều 5 góc. Nhưng người gốc Quảng ở Chợ Lớn bây giờ họ thường gói gần giống hình vuông theo kiểu bánh chưng của người Việt.

Bánh bá trạng Phước Kiến


Bánh bá trạng của người Phước Kiến nhân và bánh có màu thẫm do ngũ vị hương, nước tương. Bánh có vị thơm ngon đậm đà.

Bánh bá trạng của người Phước Kiến thường có thêm bào ngư. Tất cả từ nhân đến nếp đều được xào lên trước khi luộc, hấp bánh.

Phần nhân bao gồm: Nếp rang sơ với ngũ vị hương và nước tương, thịt bụng heo, hạt dẻ, lòng đỏ trứng muối, tôm khô, không có đậu xanh và đậu phộng như bánh của người Quảng Đông. Hương vị của bánh bá trạng Phước Kiến thơm ngon riêng biệt, vị ngọt của nấm, hạt, cùng vị thơm của ngũ vị hương, nước tương.

Bánh bá trạng Tiều Châu


Đặc trưng của bánh bá trạng người Tiều là nhân bánh có cả mặn, ngọt hòa vào nhau. Bánh ú của người Tiều Châu và Phước Kiến thường được gói theo hình dạng 4 góc.

Nhân bao gồm: Nếp, nấm đông cô, thịt bụng, tôm khô, đậu đỏ hoặc hạt sen, mỡ chài, khoai môn. Hương vị bánh thơm ngon do sự pha trộn giữa nhân mặn, ngọt khiến bánh mềm và bùi hơn.

Bánh bá trạng Hải Nam


Bánh bá trạng Hải Nam với đặc trưng bề ngoài là loại bánh to nhất trong các loại bánh bá trạng.

Nhân bánh bao gồm: Nếp xào với tiêu đen, nước tương, thịt bụng, mỡ, hạt dẻ, nấm. Mỗi vùng có đặc điểm về văn hóa cũng như ẩm thực khác nhau nên cách gói bánh cũng khác nhau, nhưng tựu chung lại nguyên liệu chính vẫn là nếp, nấm đông cô, thịt heo hoặc mỡ heo.
Hương vị của bánh bá trạng Hải Nam thơm, ngọt hơn khi dùng với đường cọ.

Ở TP.HCM, nếu bạn muốn ăn bánh bá trạng size nhỏ làm nóng sẵn thì có thể ghé các cửa hàng bánh của người Hoa trên các con đường: 575 Nguyễn Trãi, Q.5 với hương vị Phước Kiến, 1133/44A đường Ba Tháng Hai, Q.11 theo kiểu truyền thống Triều Châu, NH Dim Tu Tac, NH Ngân Đình, NH Li Bai - theo phong vị Quảng Đông...

Ảnh: Quang Minh, Đại Phát, Tatlerasia
Theo: Thời Trang Trẻ
Nguồn :  Blog Lưu Khâm Hưng


Tài Liệu đọc thêm: Bánh Ú
Video Clip: Bánh Bá Trạng

Ca dao dân gian:
Tháng giêng ăn Tết ở nhà,
Tháng hai cờ bạc, tháng ba hội hè.
Tháng tư đong đậu nấu chè,
Ăn tết Đoan Ngọ trở về tháng năm.
Tháng sáu buôn nhãn bán trăm,
Tháng bảy ngày rằm xá tội vong nhân.
Tháng tám chơi đèn kéo quân,
Trở về tháng chín chung chân buôn hồng.
Tháng mười buôn thóc bán bông,
Tháng một, tháng chạp nên công hoàn toàn.

5/18/23

Những chiếc xe mì của quá khứ

Đỗ Duy Ngọc @ 1/3/2018


Sài Gòn từ khi hình thành là nơi đất lành chim đậu, là nơi giao thoa các nền văn hoá khác nhau. Đó không chỉ là nơi hội tụ của người Việt từ ba miền Nam, Trung, Bắc; mà còn là nơi đón nhận nhiều phong tục, lối sống của nhiều dân tộc khác nhau trên thế giới nữa. Đặc biệt là văn hoá ẩm thực. Ở Sài Gòn, ta có thể thưởng thức món gan ngỗng béo ngậy của Pháp, món lẩu chua cay của Thái, mắm bò hóc và chè Kampuchia, món sushi của Nhật, món pizza của Ý, món cari của Ấn, món nướng của Hàn, món soup rau của Địa Trung Hải, món cháo ếch của Singapore, món Dim sum Hồng Kông... và đặc biệt không thể không nhắc đến những món ăn của người Hoa Chợ Lớn.

Ẩm thực của người Hoa thì vô cùng phong phú, kể ra cũng vài trang giấy. Ở đây, trong phạm vi những dòng ngắn ngủi đầu xuân, tôi chỉ nói tới món hủ tíu và mì của họ. Những món ăn luôn hấp dẫn tôi từ trước đến nay.

Nhắc tới món ăn này trước hết phải kể đến chiếc xe mì.
Đó là những chiếc xe thường xuất hiện vào lúc xẩm tối, bên vỉa hè, nơi góc chợ, chỗ có đông người qua lại. Đó là những chiếc xe chuyên dụng, chỉ dùng để bán hủ tíu, mì. Trên chiếc xe này được trang bị đầy đủ như một quán ăn, có bếp đốt bằng than củi, có chỗ xài bình ga, lửa xanh lét phì phì, có nồi nước lèo hai ngăn to bự chảng, một bên để trụng hủ tíu, mì, ngăn còn lại chứa nước lèo sôi sùng sục. Nước lèo thường được hầm với xương, củ cải trắng, mực, tôm khô, có nơi còn có cả sá sùng. Bên trên có tủ kiếng chia ngăn để thịt, rau hành. Đặc biệt luôn luôn bên cạnh thùng nước lèo có mặt một cái vịm bằng gốm, trong chứa mỡ nước và những miếng mỡ heo thái hạt lựu đã được thắng vàng. Tôi có mấy người bạn làm nghề này bảo rằng thứ làm cho tô mì ngon hay dở đều nằm trong cái vịm thắng mỡ này. Theo họ thì cái này không chỉ chứa mỡ mà còn được gia cố thêm bột nêm, bột ngọt và bí quyết riêng của mỗi xe mì. Trụng xong mì hay sợi hủ tíu, bỏ vào tô, cho thịt, xá xíu, hành, rau, lúc đó múc một muỗng mỡ vào rồi mới chế nước lèo lên. Không có cái muỗng mỡ này, tô mì ăn lạt nhách. Hơn nữa, nồi nước lèo nếu nêm nếm gia vị nhiều quá sẽ mau thiu, không thể để lâu được. Còn cái vịm mỡ gia vị đó thì để bao lâu cũng chẳng hư. Âu đó cũng là kinh nghiệm gia truyền.

Ba mặt của xe mì thường có ba tấm thiếc, nhôm hoặc inox hay ván gỗ, mở ra, cài hai cái móc, để thêm mấy cái ghế xếp nữa thành bàn. Trên đó để chai giấm, chai nước tương, hủ ớt dầm giấm và lon guigoz đựng muỗng đũa. Ông bà nào dân Việt thuần tuý đi ăn mì Tàu mà muốn kiếm nước mắm sẽ không bao giờ tìm thấy ở đây. Nếu quán đông khách, người ta kê thêm mấy cái bàn, vài cái ghế đẩu và quán hoạt động đến khuya.

Nhắc xe mì mà không nói đến những tranh kiếng đủ màu trang trí trên xe là một thiếu sót lớn. Đó là những tấm tranh vẽ những điển tích của văn hóa dân gian Trung Hoa. Đó là những cảnh minh họa truyện Tam Quốc như: nhân vật Quan Công mặt đỏ râu dài cỡi ngựa đỏ, Trương Phi râu rậm, mắt lồi dữ tợn, Triệu Tử Long múa đao, đó là cảnh Bát tiên phó hội, Bát tiên quá hải, Tôn ngộ không, Thất hiền, rồng phụng tương giao, cảnh sơn thuỷ...

Tất cả đều tô màu sặc sỡ, với một kỹ thuật đặc biệt và nét vẽ điêu luyện tuy chỉ do những người thợ mỹ nghệ làm ra. Đến nay, nghề này đã bị thu hẹp lại, các nghệ nhân xưa đã già hay đã qua đời, nghề lại ít người theo nên tranh kiếng ngày nay thiếu mất cái hồn, cái uy nghi, vũ dũng trong nét bút của thời xưa. Hồi đó, mỗi lần đi ăn mì, tôi say sưa ngồi ngắm những tranh vẽ đó, về nhà học vẽ theo đầy cả vở, bị ba tôi phạt hoài.

Ngày nay, những xe mì với tranh kiếng vắng bóng dần trên các vỉa hè, đôi khi lại tìm thấy trong các nhà hàng, người ta để như là một biểu tượng. Chiếc xe mì tranh kiếng nằm nơi góc chợ, bên lề đường có vẻ hay hơn, đắc địa hơn, có sinh khí hơn nhiều.

Ngoài những xe mì cố định, còn có xe mì lưu động. Đó là những chiếc xe nhỏ hơn, trang bị gọn hơn, ít khi có tranh kiếng, nếu có cũng vẽ đơn giản, sơ sài hơn. Ông chủ xe thường là tuổi trung niên, mặc cái áo thun ba lỗ, vai vắt khăn. Bên cạnh thường có những đứa bé cầm hai thanh tre đã lên nước nâu bóng gõ theo nhịp điệu muôn đời không đổi sực... tắc, sực... tắc. Tiếng gõ vang một góc đường, một con hẻm giữa đêm gợi cho ta thèm muốn một bát mì nghi ngút giữa đêm, giúp cho người đi chơi khuya về có bát mì ngon, giúp kẻ lỡ đường với số tiền ít ỏi qua cơn đói. Bởi những xe mì lưu động này bán giá rất bình dân, tuy vậy cũng có những xe mì lưu động rất ngon không khác gì những xe, những quán cố định.

Nhiều người đi xa có lúc nhớ về quê nhà lại nhớ tiếng sực tắc đêm khuya. Có những người đã già, nhớ lại thời bé dại, cũng có lúc lại nhớ tiếng gõ đều đều của hai thanh tre của chiếc xe mì đi qua ngõ quá khứ.

Tô mì hay hủ tíu thường được ăn cùng với xá xíu, những miếng thịt heo nạc màu đỏ xắt mỏng ăn thơm thơm mùi ngũ vị hương, ngòn ngọt của mật ong phết lên lúc quay lúc nướng. Cũng có mì hủ tíu ăn với cật, gan heo và con tôm hồng hào hấp dẫn. Còn có mì hoành thánh, sủi cảo chấm tương ớt hoặc nước tương. Bỏ vào miệng cảm được cái mềm mại của bột, cái dai dai béo béo đậm đà của thịt, cái ngọt lừ của nước lèo, tất cả hoà thành một hương vị đặc biệt khó quên. Người Hoa Chợ Lớn có người Tiều, người Quảng, người Hẹ, Phúc Kiến, người Hải Nam... Người vùng nào cũng có người làm nghề bán hủ tíu mì. Nhưng riêng tô hủ tíu mì của người Quảng thường có miếng bánh tráng mỏng nho nhỏ chiên vàng ươm, trên có một vài con tôm nhỏ để nguyên chân cẳng, râu càng. Cắn miếng bánh dòn rụm, húp thêm niếng nước lèo, đưa thêm vài sợi mì, ngon!

Sau này còn có Hủ tíu sa tế, gồm bò hoặc nai, ăn với một loại sauce cay cay trộn đậu phụng giã nát. Hình như những quán bán loại này đa phần là người Triều Châu, không biết đúng không bởi món này cũng không phổ biến lắm?

Tô mì ngon ngoài nước lèo ngọt, đậm đà, thịt chế biến giỏi còn có yếu tố quan trọng là sợi mì phải dai, ăn đến muỗng cuối cùng, mì vẫn không nhão nát. Mì được làm từ bột mì, thêm màu vàng óng của nghệ hoặc phầm màu và nghe đâu phải có tro tàu sợi mì mới dai ngon. Có loại sợi mì nhỏ như sợi bún, cũng có loại to dẹp, ngon dở tuỳ khẩu vị mỗi người mà lựa chọn. Khi trụng mì cũng là một kỹ thuật. Có nơi trụng bằng nước sôi, xong lại qua một lượt nước lạnh, rồi trụng sơ lại nước nóng lượt nữa mới cho vào tô. Trụng như thế sợi mì sẽ dai lâu mà không nát. Mì được khoanh từng vắt nhỏ dáng tròn tròn như hột vịt. Có người muốn ăn no, thường kêu ba hoặc bốn vắt một tô. Nhìn tô mì đầy nhóc thấy ớn. Cũng có đôi chỗ bán mì tươi, kéo mì tại chỗ thành những sợi dài, kiểu mì này cũng ít nơi bán vì rất mất thì giờ chờ đợi.

Sợi hủ tíu làm bằng bột gạo, sợi hủ tíu ngon là sợi hủ tíu không bị nhão khi ăn, nuốt vào miệng nghe trơn tuột và cũng cần kỹ thuật khi trụng.

Cũng có nhiều xe mì bán thêm món há cảo, bột được bọc với con tôm, đem hấp chín, khi ăn chấm với tương ớt và xì dầu.

Có người thích ăn chung một tô có mì lẫn hủ tíu, cũng là một cái thú vì ăn được hai thứ trong một tô. Thế nhưng có nhiều xe mì không chịu làm thế, hủ tíu là hủ tíu, mì là mì, không thế có thứ hỗn hợp như thế.

Đi năm châu bốn bể, kể cả một thời gian khá dài ở bên Trung Quốc, tôi vẫn không thấy đâu ngon bằng tô hủ tíu mì ở Việt Nam, đặc biệt là tô mì ở Chợ Lớn. Họ cũng gọi là mì nhưng thiếu cái hương vị mình đã dùng qua, cái cảm giác mà mình đã hưởng thụ. Ngay khi ra Hà Nội, hay về Đà Nẵng, vẫn thấy tô mì không giống tô mì Chợ Lớn. Bởi tô mì của quá khứ là tô mì quen thuộc, đã theo ta suốt một quãng đường dài của cuộc đời.
Bây giờ ở Sài Gòn, Chợ Lớn rong chơi, cũng chẳng khó khăn gì để kiếm một bát mì ngon, nhưng ăn trong quán, trong nhà hàng máy lạnh lại không có được cảm giác thú vị của ngọn gió đêm hiu hiu, ngọn đèn đường hắt hiu và phố xá có người qua, ăn trong âm thanh rộn rã của cuộc sống.

Tìm tô mì dễ dàng nhưng không còn thấy những chiếc xe mì lưu động, thay vào đó là những xe mì gõ mới không giống như cũ, tiếng sực tắc cũng chẳng còn âm thanh cũ, chất lượng, hương vị cũng đổi thay và tiếc nhất là những xe mì vỉa hè có những bức tranh kiếng. Giờ vẫn còn rải rác đâu đó để kiếm tìm, nhưng chắc chắn mốt mai, nó chỉ còn trong kỷ niệm.
Ai cũng có một món ngon của quá khứ, và chằc hẳn món đó là món ngon nhất trong tâm tưởng của riêng mình.


2/1/23

Cách ăn kiểu Mỹ này có thể cộng thêm 10 năm cho đời sống của bạn

Những người sống-lâu-nhất trên Trái đất tuân theo điều mà tác giả Dan Buettner gọi là cách ăn vùng-xanh - và nay, ông đã tìm thấy nhiều cách ăn hơn nữa tại Mỹ.
Dịch và bổ sung cước chú: Phạm Văn Bân Fàn Wénbīn,范文彬- January 21, 2023

Dẫn nhập của người dịch

In March 2000, Michel Poulain and Giovanni Mario Pes, là hai người nghiên cứu về tuổi thọ tại Sardinia, giới thiệu từ ngữ blue zone/vùng xanh cho một khu vực có tuổi thọ phi thường tại Sardinia  và sau đó, dùng từ ngữ này trong khảo cứu vào năm 2004. 

Năm 2004, Dan Buettner quyết tâm khám phá những phong cách sống và môi trường đặc biệt đã  dẫn đến sống lâu nhất, khỏe mạnh nhất. Ông xác định rằng thế giới có 5 vùng xanh: Okinawa,  Japan; Sardinia, Italy; Nicoya, Costa Rica; Icaria, Greece; và Loma Linda, California, Mỹ.


Biểu đồ Venn về dưới đây tóm lược các đặc điểm về trường thọ từ Okinawa, Sardinia và Loma  Linda:

“Tính toán về lão-hóa cho chúng ta hai chọn lựa: Chúng ta có thể sống một cuộc đời ngắn hơn với  nhiều năm tàn tật hơn, hoặc chúng ta có thể sống lâu nhất có-thể-được với ít năm tồi tệ nhất. Như  những người bạn trăm tuổi của tôi đã cho tôi thấy, sự chọn lựa phần lớn phụ thuộc vào chính chúng  ta.” - Dan Buettner

Buettner đã xuất hiện trên The Today Show, Oprah, NBC Nightly News, và Good Morning  America, đồng thời có các bài phát biểu quan trọng tại TEDMED, Bill Clinton’s Health Matters  Initiative, và Google Zeitgeist. Bài phát biểu của ông vào tháng January 2018 tại World Economic  Forum tại Davos đã được chọn là “một trong những bài phát biểu hay nhất của Davos.

Để mô tả khái niệm về vùng-xanh của Mỹ, nghệ sĩ Luisa Rivera cho biết bà “tập trung vào bàn  tay của đối tượng như là một cử chỉ đòi lại các thức ăn của tổ tiên, trong khi các thói quen ăn  uống được tượng trưng bằng cái nĩa.” Bà bao gồm các loại rau, trái cây và thực vật bản địa  “như là một cách để nhận ra nguồn gốc và các khía cạnh ngày càng phát triển của văn hóa thực phẩm.



Bí quyết để sống thêm 10 năm là cái gì? Không bao giờ chỉ là một điều. Thay vì vậy, đó là một tập hợp của các yếu tố môi trường củng cố lẫn nhau và khiến mọi người làm những điều đúng theo phản xạ và tránh những điều sai trong thời gian đủ lâu để không phát triển các bệnh mãn tính. Trong 20 năm qua viết cho National Geographic, tôi đã nhận ra và nghiên cứu những khu vực có người sống lâu nhất trên thế giới, mà tôi gọi là vùng-xanh. Những nơi này - Okinawa, Nhật; Sardinia, Italy; Ikaría, Greece; Nicoya, Costa Rica; và các cộng đồng Seventh-day Adventist ở Loma Linda, California - có nhiều người sống trên trăm tuổi nhất và tuổi thọ trung niên cao nhất. Tại sao? Cư dân sống một đời sống có mục đích, trong môi trường có thể đi bộ giúp mọi người luôn năng động và kết giao xã hội một cách tự nhiên. Và họ ăn một cách ăn chủ yếu là thực phẩm nguyên chất/whole foods 1 có nguồn gốc từ thực vật.

Vào năm 2019, khi đại dịch COVID bộc phát, nhiếp ảnh gia David McLain và tôi ấp ủ ý nghĩ tìm kiếm một cách ăn uống vùng xanh của người Mỹ. Nghĩ rằng ông bà cố của chúng ta có thể đã ăn uống tương tự như những người ở vùng-xanh ban đầu, chúng tôi tìm kiếm các cuộc khảo sát về cách ăn uống đã được thực hiện vào đầu thập niên 1900s. Trong thất vọng, chúng tôi tìm thấy rằng tổ tiên của chính chúng tôi (những người nhập cư từ miền Bắc và Trung Âu châu) đã mang theo bò, heo và dưa chua với họ.

Quyết tâm tìm kiếm những món ăn truyền thống của các nền văn hóa khác, người bản địa và người nhập cư, đã mang đến bàn ăn của người Mỹ, chúng tôi đi khắp đất nước để tìm những người có thể cho chúng tôi biết về những món ăn này.

Đây là những gì chúng tôi khám phá ra: Có một cách ăn uống khác của người Mỹ, một cách ăn uống thực sự có thể làm tăng tuổi thọ của bạn lên đến 10 năm và, trong một số trường hợp, đẩy lùi bệnh tật. Đó không phải là cách ăn uống kỳ quái được phát minh bởi một bác sĩ ở South Beach, hay bới một người tiếp thị cách ăn paleo, hay bởi một người có ảnh hưởng trên mạng xã hội. Cách ăn này được phát triển bởi những người Mỹ bình thường, có giá cả rất phải chăng, bền vững và có lượng khí thải carbon thấp hơn so với cách ăn nhiều thịt. Quan trọng nhất, cách ăn này lành mạnh và ngon miệng, được phát triển qua nhiều thế kỷ bằng cách kết hợp các hương vị từ Cựu Thế giới và Tân Thế giới theo những cách khéo léo và duy nhất của Mỹ.

THỰC PHẨM CỦA TỔ TIÊN 

Tác giả Dan Buettner khám phá cách ăn uống kéo dài tuổi thọ đã-bị-mất của người Mỹ bằng  những tấm hình nổi bật và chia sẻ sự khôn ngoan từ các chuyên viên ẩm thực và đầu bếp trong  sách Nhà bếp Mỹ Vùng-Xanh: 100 công thức nấu ăn để sống đến 100 tuổi. Cuốn sách hiện có  sẵn ở bất cứ nơi nào sách được bán. 

Chúng tôi bắt đầu ở New England, xem xét các món ăn truyền thống của người Mỹ bản địa  Wampanoag. Tổ tiên của họ đóng một vai trò trong lịch sử vào năm 1621 khi chạm trán với  những người định cư mới đến. Một ông, Tisquantum, dạy người định cư cách trồng bắp, một  loại lương thực địa phương. Carolyn Wynne, một trưởng lão người Mashpee Wampanoag và là  mẹ của Otter Clan, và bạn của bà là nhân chủng gia về thực phẩm Paula Marcoux, tái tạo một  bữa ăn vào đầu thế kỷ 17th cho chúng ta bằng cách dùng các loại thực phẩm điển hình của  Wampanoag. 

Khi Wynne nấu trên ngọn lửa để mở, bà dường như không bị ảnh hưởng bởi sức nóng. Với than đá, bà nướng bí nhồi hạt hazelnuts, blueberries khô và maple syrup. Trong cái nồi đặt bên cạnh,  bà nấu sôi nasaump, tức là một món súp bột bắp. Trong nồi thứ ba, bà luộc những lát bí ngô  trong sassafras tea. Mặc dù người Wampanoag săn bắn thú vật và thu lượm con trai và hàu,  nhưng 70% khẩu phần ăn của họ đến từ các nguồn thực vật.

Marcoux trông nom các nồi bằng gang trên ngọn lửa khác. Trong một món, có món msíckquatash  sủi bọt, tức là món hầm căn bản của người Wampanoag, gồm hominy, đậu và bí, mà Marcoux  trộn với đậu xanh, hành tây và rau thơm. Người Wampanoag cũng có thể thêm Jerusalem  artichokes, trái sồi, hạt dẻ và trái óc chó (các loại hạt đôi khi được nghiền thành bột để làm chất 

làm-đặc). Marcoux nói: “Nỗi ám ảnh riêng biệt của tôi về lịch sử mang lại cho tôi niềm vui khi  kết nối với những đầu bếp đã-chết-từ-lâu trong căn bếp đã mai một lâu rồi của họ thông qua các  nguồn tài liệu lưu trữ và khảo cổ. Thật là một đặc ân hào hứng khi cầu khẩn trí tuệ của họ qua  lửa.” 

THIỆT HẠI CỦA CÁCH ĂN UỐNG ‘ĐIỂN HÌNH CỦA NGƯỜI MỸ’ 

Nếu bạn đang ăn uống giống như một người Mỹ điển hình, có lẽ bạn sẽ chết sớm. Năm nay, hơn  678,000 người Mỹ sẽ chết vì các bệnh hoặc tình trạng liên quan đến những gì họ ăn. Chúng bao  gồm các tình trạng phổ biến như huyết áp cao, lượng đường trong máu cao (tiểu đường loại 2), và  cholesterol cao. Theo một nghiên cứu, chúng ta sẽ chi hơn 4 nghìn tỷ đô-la cho việc chăm sóc sức  khỏe, 20% cho các bệnh liên quan đến các chọn lựa ăn uống không lành mạnh. Người ta ước tính  rằng chúng ta mất (giảm thọ) ít nhất 13 năm nếu ăn theo cách ăn điển hình của Mỹ. 

Điều này có thể không gây sốc khi bạn xem xét rằng mỗi năm, một người Mỹ trung bình tiêu thụ tổng cộng 264 pounds thịt bò, thịt bê, thịt heo, và thịt gà; 123 pounds đường và đường-hóa-học/ sweeteners có calorie, bao gồm khoảng 39 gallons nước ngọt có ga; 16 gallons sữa; và hơn 40  pounds phó-mát, trong đó một số đứng đầu với 46 lát bánh pizza hàng năm. 70% lượng calories của chúng ta đến từ thực phẩm chế biến sẵn, chứa hàng nghìn chất phụ gia thực phẩm nhân tạo,  nhiều chất trong số đó được biết là gây ung thư. - Dan Buettner 

Ở phía bên kia của Mỹ, ở mũi phía bắc của Big Island của Hawaii, chúng ta thấy một phiên bản  khác của sự sáng tạo của người bản địa tại trang trại nơi gia đình Scott Harrison trồng các loại cây  bản địa trong ba thế hệ. Có nhiều sản phẩm được ăn ở đây trong hàng trăm năm: khoai lang, chuối,  dứa, đu đủ, xoài và sa kê/breadfruits. Trong một luống đất được chăm sóc gọn gàng, Harrison thò  tay xuống vùng nước nông và nhổ một cây khoai sọ, giơ nó lên như một chiếc cúp: Ông nói, “Bạn  có thể ăn lá như rau spinach và luộc thân như măng tây. Hầu hết chúng tôi sống sót nhờ vào củ,  thứ mà chúng tôi nghiền thành bột nhão chúng tôi ăn hàng ngày.” 

Ở phía tây, trên đảo Oahu, ngoại ô Honolulu, Ruth Chang, 95 tuổi, đang chuẩn bị bữa trưa. Bà nói  với tôi khi băm nhỏ các loại rau củ, “Tôi nấu ăn hàng ngày. Một khi bạn dừng lại, bạn sẽ mất nó.” 

Cấu trúc nhân khẩu của Ruth Chang có thể là người sống-lâu-nhất trên Trái đất. Phụ nữ Mỹ gốc  Hoa sống ở Hawaii tận hưởng tuổi thọ trung bình khoảng 90 năm, và cách ăn uống của người Mỹ gốc Hoa sống ở đó giúp kéo dài tuổi thọ như vậy. ((Want to live longer? Influence your genes.) 

Kể từ khi người Đông Nam Á châu bắt đầu đến Hawaii hơn 170 năm trước như là công nhân nông  nghiệp, mỗi nhóm dân tộc đã giới thiệu hương vị và nguyên liệu của riêng mình. Người Trung  quốc mang theo lá bắp cải, các sản phẩm từ đậu nành và trà. Người Nhật, miso và phiên bản đậu  phụ của riêng họ. Người Filipinos, trông nom ngọn của nhiều loại cây như bí và bí ngô. Sự kết  hợp giữa thực phẩm và kỹ thuật nấu ăn này đã khiến Hawaii trở thành nơi để trải qua ẩm thực kết  hợp của Á châu mà chủ yếu là dựa trên thực vật.

Người Mỹ gốc Phi châu sống ở Deep South có truyền thống lâu đời về việc ăn các loại thực phẩm  thuộc vùng xanh. Những gì bắt đầu như một cách ăn uống chủ yếu dựa trên thực vật của Tây Phi châu đã biến đổi uyển chuyển với ảnh hưởng của người Mỹ bản địa và Âu châu để tạo ra một ẩm  thực duy nhất và sống động. Các khảo sát về cách ăn uống đi ngược về thập niên 1890s chỉ ra rằng  hầu hết các loại thực phẩm mà người Mỹ gốc Phi châu ở miền nam ăn là rau và ngũ cốc. Ngoài  thịt heo muối được thêm vào để tạo hương vị, các sản phẩm từ động vật chỉ đóng một vai trò nhỏ. 

Vào một buổi sáng ẩm ướt tại Charleston, Nam Carolina, chúng tôi đang ở trong nhà của đầu  bếp kiêm sử gia BJ Dennis, quây quần bên nồi súp đậu bắp/okra soup. Đậu bắp, tỏi, hành tây,  đậu bơ, cà chua, thyme/bạch lý hương/cỏ xạ hương/húng Tây, ớt Scotch cay nồng, và sự thú vị tuyệt vời của hạt benne lên men (mè) kết hợp các hương vị của Cựu và Tân Thế giới. Miếng cắn  đầu tiên của tôi mang đến một cơn sóng thần vị ngon/umami,2 tiếp theo là hơi nóng chảy-nước mắt và đỏ mặt vì hạnh phúc thuần túy. (These are the world’s happiest places.) 

Dennis đang thực hiện sứ mệnh mang lại nền ẩm thực của tổ tiên trồng lúa của ông. Bị bắt từ những nơi như Senegal và Liberia, tổ tiên của ông được đưa đến Vùng đất thấp/Low Country của Nam Carolina và Georgia để trồng giống lúa Carolina Gold. Vì chuyên môn của họ, một số người Phi châu bị bắt làm nô lệ đã được phép làm vườn, nơi họ trồng các thực phẩm chủ yếu của  

Phi châu và các nguyên liệu địa phương. Dennis nói: “Chúng tôi lấy tâm hồn mộc mạc của người  Phi châu và kỹ thuật của người Mỹ bản địa để tạo ra sự kết hợp đặc biệt này.” 

Cách ăn uống truyền thống của miền Tây Phi châu hầu hết gồm có rau xanh, rau củ, đậu mắt  đen, đậu bắp/okra, hạt benne/mè, các loại thảo mộc và gia vị, và ngũ cốc như kê; thịt chỉ thỉnh  thoảng được ăn. Khi những người Phi châu bị bắt và chuyển đến Mỹ châu, cây và hạt giống của  thực phẩm quê hương họ đi cùng với họ. Họ tham gia trao đổi văn hóa với người Mỹ bản địa, là  những người chia sẻ một số tập quán canh tác và lương thực tương tự; cả hai đều nấu bằng bắp,  khoai lang, các loại đậu địa phương. Kết quả là một ẩm thực pha trộn, sáng tạo. 

Vào một ngày khác, tại Texas, chúng tôi cùng với sử gia kiêm đầu bếp Adán Medrano khi ông  phá bỏ huyền thoại về cách nấu ăn của người Texas-Mexico. Trong nhà bếp ở Houston, ông khuấy một món posole mặn trong một cái nồi và trong một cái nồi khác là cơm hầm cà chua, cả hai món ăn đều có hương vị của bộ ba Texas Mexican trio: tỏi, thì là và tiêu đen. 

Medrano nói với tôi: “Thức ăn Texas Mexican béo ngậy, phó-mát phần lớn là phát minh của  người Anglo. Món enchiladas truyền thống của chúng tôi không có rắc phó-mát. Chúng tôi lấp  đầy enchiladas bằng cà rốt và khoai tây. 

Sinh ra ở San Antonio, phía trung-nam Texas, Medrano, 74 tuổi, lớn lên ăn xương rồng, đậu,  bắp, ớt, khoai tây, hành tây, nấm, portulaca, rau dền, nhiều loại quả mọng và đôi khi là thú rừng.  Đây là các thực phẩm chân chính của ẩm thực Texas Mexico, hoàn toàn xa lạ 3 với các hư hỏng ẩm thực Tex-Mex như fajitas gà hoặc quesadillas thêm phó-mát phụ trội. Những loại thực phẩm  nguyên chất, có nguồn gốc thực vật này cũng là điển hình của các món ăn châu Mỹ Latin khác. 

Khi chúng tôi đi khắp Mỹ, chúng tôi tìm thấy các cách ăn uống trong quá khứ của những nền  văn hóa bản địa và người nhập cư này được diễn dịch bởi một nhóm bảo-vệ-mới gồm các đầu  bếp và các người tiên phong về thực phẩm. Khi họ tái tạo các món ăn truyền thống, họ không  chỉ mở ra một kho tàng của những tài năng ẩm thực phần lớn đã bị mai một mà còn đưa ra những  cách biểu hiện mới về cách ăn uống tiêu chuẩn của người Mỹ - điều này có thể thực sự giúp  chúng ta có thêm 10 năm đó. 

Dan Buettner là một người khám phá của National Geographic, ký giả từng đoạt giải thưởng và  là tác giả có sách bán chạy nhất, trong đó cuốn sách mới nhất cho National Geographic là The  Blue Zones American Kitchen


Câu chuyện này xuất hiện trong số tháng
January 2023 issue của tạp chí National Geographic.



Bản gốc tiếng Anh:

7/12/22

NHỮNG MÓN ĂN DÂN DÃ CỦA NGƯỜI TÂY NAM BỘ

Miền Tây là miền quê sông nước, nơi gắn liền với bao thế hệ. Khi đến với miền Tây, du khách sẽ không chỉ cảm nhận được sự thoải mái của không khí nơi đây mà còn bị ấn tượng bởi sự thân thiện của người dân bản địa. Nơi mảnh đất của sông nước này mới có những món ăn ngon giản dị như chính con người miền Tây mộc mạc.

Canh gà lá giang

Canh gà lá giang là món ăn phổ biến miền Tây, đây là món ăn rất dễ làm và rất được ưa chuộng ở nhiều nơi bởi vị chua chua ngọt ngọt của nó vừa lạ miệng lại vừa đậm đà. Không chỉ thơm ngon, vị chua dịu đặc trưng của lá giang mà còn giúp giải nhiệt cơ thể, khiến bữa ăn thêm thanh mát.

Cá kèo kho tộ


Cá kèo kho tộ được xem là món ăn đặc trưng của Nam Bộ. Thịt cá kèo săn chắc, béo ngậy quyện với vị cay nồng của tiêu, của ớt, thêm vị thơm của hành lá. Người ta vốn thích ăn cá kèo kho tộ ăn với cơm trắng bởi hương vị đậm đà của nó hòa cùng cái nóng hổi của cơm trắng làm bao thế hệ con người miền Tây nao lòng. Vị đắng của mật, vị béo của ruột cá và vị ngọt của thịt cá làm nên huơng vị đặc trưng của món ăn mà không lẫn vào đâu được.

Lẩu bông


Lẩu bông từ lâu đã trở thành món ăn quen thuộc của người dân vùng sông nước. Lẩu bông là sự kết hợp hài hòa của hơn chục loại rau miền Tây như bông súng, kèo nèo, điên điển, rau nhút, rau muống bào, cải tím, rau đắng… Lẩu bông thường gồm một đĩa cá lăng loại bự, thịt cá được xắt thành miếng mỏng. Nhúng miếng cá lăng giòn giòn ngọt ngọt trong nước lẩu lá giang chua chua khiến thực khách ăn một lần là nhớ nhung hoài.

Canh chua cá lóc

Canh chua cá lóc- đệ nhất đặc sản miền Tây là món ăn được nhiều người ưa thích bởi vị chua ngọt tự nhiên của nó. Cá lóc khi chín có màu trắng, thịt dẻo, chắc, ít xương,mùi vị thơm, ngon, béo và ngọt mà ít có thứ cá nào sánh kịp. Người ăn có thể thưởng thức bằng cách cho một ít rau, bún và miếng thịt cá lóc, chan nước canh vào chén. Ai thích ăn cay có thể thêm lát ớt xiêm xanh cay nồng giúp ngon miệng hơn.


Lẩu tôm

Lẩu tôm được chế biến từ những nguyên liệu đơn giản nhưng khi kết hợp với nhau lại có thể tạo nên món lẩu chua cay, thơm ngon vô cùng hấp dẫn. Vị ngọt béo của thịt tôm càng xanh, rau bông thanh mát hoà quyện với nước lẩu đậm đà khiến thực khách muốn ăn hoài mà không thấy ngán. Nếm một chút nước lẩu, bạn sẽ cảm nhận ngay được vị thanh ngọt từ xương, vị chua chua, cay nồng của sả ớt vô cùng kích thích vị giác.

Theo: Dân Việt - Blog Lưu Khâm Hưng

6/24/22

Để nhớ lại một thuở học trò

Lời tác giả: Thân tặng bạn bè tôi, những người dân Sài Gòn đã sống cùng thời với tôi trên mảnh đất thân yêu này, dù còn ở lại hay đã đi xa; Những người bạn mới quen và cả những người chưa từng quen biết. Để nhớ về những món quà tuyệt diệu của tuổi thơ mà bây giờ chỉ còn lưu lại trong chúng ta hương vị ngọt ngào của một thời đã xa mãi mãi.

Vân Giang


Tôi là một người có "tâm hồn ăn uống". Cái thân hình đều đặn ba vòng bằng nhau bây giờ là kết quả (hay hậu quả?!) của mấy chục năm miệt mài thưởng thức một cách hết sức nhiệt tình những món ngon và chưa ngon của hầu hết những quán hàng tiệm ăn to nhỏ lớn bé trong lòng thành phố! Ăn trong nhà hàng máy lạnh có nhạc nhè nhẹ êm dịu mọi người nói năng nhỏ nhẹ lịch sự hay ăn trong một quán nướng ồn ào tiếng cụng ly côm cốp cười nói rân trời của mấy ông bợm nhậu, hay ăn nhỏ nhẻ mát mẻ trong một sân vườn cạnh bờ sông bốn bề gió lộng nước lách tách vỗ sóng bên sàn gỗ dưới chân...

2/24/22

ĐỘC ĐÁO TRỒNG KHOAI LANG TRÊN GIÀN

Nhiều khi, bạn cứ 'mạnh dạn' làm khác đi, miễn là việc làm 'khác đi' đó dựa vào những đặc tính cơ bản của rau củ quả, chắc chắn việc bạn 'thử nghiệm' sẽ thành công, ví dụ như việc trồng khoai lang trên giàn.

Khoai lang trồng trên giàn giống mướp, bầu, bí

Khoai lang leo giàn, có lẽ là điều khá mới lạ với nhiều 'nông dân' phố. Khi diện tích ruộng vườn là vấn đề khá khó khăn thì bạn vẫn có thể tận dụng mảnh sân nhỏ, hay một góc ban công, sân thượng để làm giàncho... rau khoai.

3/15/21

NGAO NƯỚNG XĂNG: MÓN NHẬU LẠ MIỆNG CỦA TRIỀU TIÊN

Món ngao nướng bằng xăng có độ ngọt tự nhiên, thường dùng kèm với rượu soju thành món nhậu lạ miệng


Xuất hiện trong một phân cảnh của tập 4 bộ phim "Hạ cánh nơi anh" khi nhân vật Yoon Seri (do nữ diễn viên Son Ye Jin) thủ vai, được Ri Jeong Hyuk (Hyun Bin đóng) và đồng đội mời thưởng thức món ngao nướng xăng. Theo lời giới thiệu, đây là món đặc sản nổi tiếng ở đập Nampo, nơi cách thủ đô Bình Nhưỡng, Triều Tiên, chừng 45 phút lái xe.


Cảnh quay khá ngắn nhưng cũng khiến nhiều khán giả thích thú và tò mò trước món ăn lạ miệng - ngao nướng xăng. Thậm chí, có người cho biết, đây là món ăn nhất định phải thử nếu được đặt chân tới Triều Tiên.