Tống Biệt 送别
Trường đình ngoại, cổ đạo biên 長亭外 古道邊
Phương thảo bích liên thiên 芳草碧連天
Vãn phong phất liễu địch thanh tàn 晚風拂柳笛聲殘
Tịch dương sơn ngoại sơn 夕陽山外山
Thiên chi nhai, địa chi giác 天之涯 地之角
Tri giao bán linh lạc 知交半零落
Nhất biều trọc tửu tận dư hoan 一瓢濁酒盡餘歡
Kim tiêu biệt mộng hàn 今宵别夢寒
Một túp lều nho nhỏ, khiêm tốn tọa lạc giữa bãi cỏ xanh mướt, bên cạnh một con đường mòn xinh xắn, quanh co uốn khúc đến tận chân trời, xa xa những ngọn núi chồng chất lên nhau, gió đêm nhẹ lay cành liễu vi vu, hòa cùng tiếng kêu não lòng của kẻ ở người đi. Tất cả mọi cuộc tiễn đưa đều không hẹn ngày tái ngộ, trong thời chinh chiến, mỗi một cuộc tiễn đưa là sự vĩnh biệt. Nhấp cạn chung rượu lòng ôn lại tuổi thơ hồn nhiên, vô tư; nghe lòng bồi hồi, xao xuyến để mong được một lần trở về quê xưa, ngồi bên thềm cũ cùng bạn tri giao dốc bầu tâm sự.
Lý Thúc Đồng viết bài thơ trên vào một đêm đông năm 1914, tên bài thơ là "Tổng Biệt", một tuyệt tác bất hủ với thời gian. Có người cho rằng nếu có thể viết được một bài thơ từ như vậy, thì dẫu có chết ngay đi cũng không ân hận. Đó là một sự đánh giá tột bậc đối với Lý Thúc Đồng.
Cuộc đời của Lý Thúc Đồng là một câu chuyện truyền kỳ về mặt nhập thế lẫn xuất thế. Ngài sống trọn vẹn 38 năm với duyên hồng trần; đồng thời công đức viên mãn trong sự tu tập trì giới 24 năm tại cửa Phật thanh tịnh. Nhiều người đều biết, thời niên thiếu Lý Thúc Đồng là một tài tử phong lưu thường tới lui chốn đèn hồng tửu sắc, phù phiếm xa hoa; nửa đời sau lại trở thành một vị cao tăng chân tu trong giới "Luật Tông", một tông môn trì giới nghiêm cẩn, tu hành khắc khổ nhất so với các tông môn khác trong Phật giáo.
Đời sống của Lý Thúc Đồng như truyện thần thoại truyền kỳ đã làm rung động biết bao lòng người kim cổ. Nhiều người vẫn chưa hiểu rõ tại sao Lý Thúc Đồng đang sống trong cảnh giàu sang phú quý lại đột nhiên độn tích Không Môn, dứt khoát đoạn tuyệt với hồng trần, thậm chí người vợ dẫn hai con thơ, nước mắt đầm đìa quỳ trước cổng chùa suốt 3 ngày đêm, Ngài cũng đứt ruột xé gan để dòng nước mắt xóa mờ đi mọi cảnh tượng bên ngoài, nhất quyết không rời phòng thiền để gặp vợ con. Ngài nhất định cắt đứt mọi sự vấn vương với hồng trần tục lụy. Đó là lạnh nhạt bạc bẽo hay là từ bi buông xả. Chúng ta hãy cùng tìm hiểu câu chuyện của Hoằng Nhất đại sư, sau đó mỗi người sẽ tìm được đáp án của riêng mình.
Hoằng Nhất đại sư tục danh Lý Thúc Đồng, sanh ngày 23-09-1880 trong một gia đình quý phái ở Thiên Tân, một trong bốn thành phố lớn nhất của Trung Quốc. Gia đình buôn bán muối, muối là nhu yếu phẩm hàng đầu dưới sự quản thúc của nhà nước vào thời Mãn Thanh Trung Quốc. Thương gia về nghiệp vụ muối phải là quan lớn hoặc dòng dõi quý tộc. Về sau thân phụ của Lý Thúc Đồng còn kinh doanh nghiệp vụ ngân hàng, tài sản kếch xù, là gia đình giàu nhất tại Thiên Tân. Lý Thúc Đồng là công tử giàu có bậc nhất đương thời, ngay từ khi ra đời đã sống trong nhung lụa. Lý Thúc Đồng thông minh xuất chúng học rất giỏi, sáu tuổi đọc được tuyển tập thơ văn cổ ngữ, tám tuổi đọc tứ thư ngũ kinh, mười ba tuổi thông thạo thư pháp trong lĩnh vực nghệ thuật và văn hóa Trung Quốc.
Sau khi thân phụ qua đời, Lý Thúc Đồng cùng mẹ đến định cư Thượng Hải. Thượng Hải là thành phố phồn thịnh xa hoa bậc nhất của Trung Quốc. Nếp sống hoa lệ muôn hồng nghìn tía khiến con người quay cuồng trong cơn lốc xa hoa và vòng xoáy của thời đại. Thời trẻ của Lý Thúc Đồng cũng không ngoại lệ, với tố chất thông minh, học giỏi, giàu có, điển trai, đa tài đa nghệ... nên khi vừa đặt chân đến Thượng Hải, Lý Thúc Đồng đã tạo nên một cơn địa chấn, từ phòng trà ca nhạc đến sân khấu kịch nghệ, chàng giao du mật thiết với các nữ nghệ sĩ xinh xắn, đắm chìm trong mê đồ của chốn phồn hoa náo thị. Với con người hào hoa phóng khoáng như vậy, thường dễ đọa lạc vào một nếp sống hoan lạc vô độ. Nhưng với Lý Thúc Đồng thì không hẳn như vậy, lương tri cho chàng cảm thấy sự hoang đàng vô độ trong cuộc vui chơi rượu chè trác táng; ý thức được sự trống vắng thê lương sau khi người tản tiệc tan. Trong cái thân xác vật dục bề ngoài luôn ẩn tàng một linh hồn khao khát tìm về chân lý của cuộc sống. Thế nên, lúc 15 tuổi, Lý Thúc Đồng viết nên hai câu thơ:
Nhân sinh do tựa tây sơn nhật, phú quý chung như thảo thượng sương (人生猶似西山日,富貴終如草上霜.) Đời người ngắn ngủi như mặt trời đang khuất dần vào hướng tây, phú quý mỏng manh tựa giọt sương mai trên ngọn cỏ.
Người ta thường nói, “thiếu niên bất thức sầu tư vị” (少年不識愁滋味), tuổi trẻ đâu biết vị khổ sầu. Đúng ra 15 tuổi là tuổi mộng mơ, là tuổi chắp cánh dần vào giấc mộng hồng. Tuy nhiên Lý Thúc Đồng lại có tư tưởng ngược với tuổi đời của ông, tựa như ông đã chuẩn bị sẵn hành trang cho một cuộc quật khởi trong tương lai để giã từ với phú quý phồn hoa khi ông vừa ở tuổi 15.
Lúc Lý Thúc Đồng 26 tuổi, được tin mẹ ra đi không một lời giã từ, đau như xé lòng, Lý Thúc Đồng tự đổi tên mình thành Lý Ai (李哀,) Ai là bi ai, để tỏ lòng đau xót của một người con trước sự mất mát quá lớn lao như vậy.
"Còn mẹ nhiều kẻ yêu vì,
Một mai mẹ khuất ai thì thương con."
Qua một cú sốc lớn mất mẹ hiền, và sau khi chu tất việc an tán mẹ năm 26 tuổi, đánh dấu một bước ngoặt trong cuộc đời của Lý Thúc Đồng. Từ giã quê hương, Lý Thúc Đồng tìm đường du học sang Nhật Bản, mở rộng tầm mắt học hỏi thêm những tư tưởng trào lưu tân tiến. Ông chuyên tâm về các môn học nghệ thuật văn hóa và trình diễn, đồng thời cũng bắt đầu truy cầu cuộc sống về thế giới nội tâm, ông đem hết tất cả tình cảm, tâm huyết và nỗi sầu nhớ mẹ ký thác vào sự học hành tại chốn xứ lạ quê người.
Năm năm miệt mài trong nghệ thuật hội họa và âm nhạc phương Tây tại Trường Đại Học nghệ thuật Đông Kinh “Tokyo”, đạt được một số thành quả và tiếng vang. Năm 1910, Lý Thúc Đồng trở về nước để khai triển sự nghiệp của mình, cũng trong lúc ấy, việc kinh doanh của gia đình đi vào ngõ cùng, gia đình khánh tận. Kiếp đời mê mang 30 năm, đây chính là lúc Lý Thúc Đồng tỏ rõ tài năng và chí lực của mình để tự tạo cho mình một chỗ đứng vững vàng mà mọi người phải công nhận.
Ông giữ chức dạy học tại Trường Cao đẳng Công nghiệp Thiên Tân và Trường Nghệ thuật âm nhạc Thượng Hải, đồng thời cũng là chủ bút nhật báo Thái Bình Dương. Người là một nhạc gia nổi tiếng, là một tay thư pháp có hạng, thông thạo về thơ văn, từ phú. Người cống hiến rất nhiều và có thành tựu rực rỡ trong ngành nghệ thuật Trung Quốc. Người ảnh hưởng và đào tạo nhiều nghệ thuật gia nổi tiếng như họa sĩ Phong Tử Khải, âm nhạc gia Lưu Chất Bình, nhà thư pháp Tiền Quân Đào, Đại sư tranh thủy mặc Phan Thiên Thọ… Có thể nói rằng Lý Thúc Đồng đã lên đến tột bậc trong mọi lĩnh vực văn hóa và nghệ thuật. Tâm lý con người thường cảm thấy bơ vơ cô độc khi đi đến điểm cao nhất của cuộc sống, như chiếc thuyền nan lênh đênh chân trời mặt biển tìm không ra bến bờ.
Một cơ hội ngẫu nhiên khi ở tuổi 39, Lý Thúc Đồng nội trú trong chùa Định Huệ Hàng Châu 17 ngày đêm và tập pháp "đoạn thực"(nhịn ăn một thời gian đặc biệt nào đó trong việc tu hành) để giữ thân tâm thanh tịnh. Trong thời gian này, dưới sự huân tập của tiếng mộc ngư chuông chùa, Lý Thúc Đồng cảm thấy bình yên thanh tịnh và tâm trí như chợt lóe sáng. Nếp sống đạm bạc và trang nghiêm của người xuất gia như thể thức tỉnh tâm hồn đang mê đắm nơi bể khổ trở về cõi yên lành. Người ý chừng thấy được một lối thoát cho sinh mạng vô thường của cõi đời; tìm được một cách sống để thân tâm được an trú trong hồng trần tục lụy.
Ngày 15/01/1918, Lúc 39 tuổi, Lý Thúc Đồng chính thức xuống tóc xuất gia tại chùa Hổ Bào Định Huệ (虎跑定慧寺), quy y Điểu Ngộ pháp sư, được ban pháp danh Diễn Âm, hiệu Hoằng Nhất.
Nửa đời phú quý nửa đời tăng, từ nay không còn Lý Thúc Đồng. Kể từ đó, trên thế gian đã không còn tài tử tuyệt thế Lý Thúc Đồng biết làm thơ, tinh thông âm nhạc, hội họa, thư pháp, hí kịch, triện khắc kia nữa, mà chỉ có Hoằng Nhất đại sư, một trong tứ đại cao tăng nổi tiếng đương thời.
Sau khi quy y cửa Phật, người vợ Nhật dẫn theo đứa con thơ, nghìn dặm xa xôi đến Hàng Châu, ôm theo một tia hy vọng sau cùng, mong chồng đừng bỏ rơi mình mà xuất gia.
Một buổi sớm mai trên mặt nước Tây Hồ sương mù dày đặc, hai chiếc thuyền đi về phía nhau.
Người vợ gọi to: “Thúc Đồng…”
Lý Thúc Đồng: “Xin hãy gọi tôi là Hoằng Nhất”.
“Hoằng Nhất đại sư, xin hãy cho tôi biết yêu là gì?”
“Yêu, chính là từ bi.”
Cuối cùng, người vợ vặn hỏi trong đau đớn: “Đại sư có thể từ bi với tất cả người đời, Tại sao lại chỉ khiến tôi đau khổ?”
Hoằng Nhất đại sư im lặng khá lâu rồi quay mũi thuyền rời đi. Người vợ nhìn chiếc thuyền nhỏ xa dần ôm mặt khóc nức nở.
Đạo đời hai lối, mê giác chỉ là nhất niệm.
Có giác ngộ mới sinh ra lòng từ bi, Đạo Phật chủ trương yêu thương gắn liền với sự giác ngộ. Yêu quý một ai đó thì nên dẫn dắt người ấy hướng về chánh đạo, giúp đỡ người ấy ngày càng hoàn thiện và chín chắn hơn. Trong cuộc sống chúng ta luôn gặp phải những tình huống khó khăn trong sự lựa chọn một giải pháp thích đáng để vẹn toàn cả đạo và đời. Phàm phu thì sống theo duyên nghiệp, trí giả thì tìm giải pháp cho sự cứu cánh của cuộc sống.
Thế gian an đắc song toàn pháp, bất phụ Như Lai bất phụ khanh (世間安得全法,不負如來不負卿). Thế gian làm gì có chuyện mọi thứ đều như ý vừa không phụ lòng chư Phật vừa không phụ lòng giai nhân?
Câu chuyện xuất gia của Hoằng Nhất đại sư khiến tôi nghĩ đến Đức Phật Thích Ca.
Ngài là thái tử của một tiểu vương quốc tại Ấn Độ. Qua trải nghiệm thực tế về sinh lão bệnh tử, Ngài giác ngộ sự vô thường trong cõi đời, sau một thời gian suy ngẫm, Ngài nhất quyết từ bỏ tất cả sự vấn vương của tục lụy: phụ vương, ngôi vàng, vợ con, cuộc sống vinh hoa phú quý và hạnh phúc của một hoàng tử, khoác lên mình chiếc áo vàng của người tu sĩ, từ đó bắt đầu cuộc sống tu hành của người xuất gia cầu đạo. Khi đó Ngài mới 19 tuổi.
Hoằng Nhất đại sư xuất thân tại một gia đình quyền quý ở Thiên Tân, là công tử giàu sang bậc nhất đương thời. Từ nhỏ sống trong hoàn cảnh phú quý nhung lụa, nhưng những biến thiên và tụ tán trong đời sống thăng trầm khiến Ngài ý thức được sự vô thường tạm bợ của cuộc đời. Qua một thời gian suy ngẫm và truy tầm chân lý. Ngài quyết định xuống tóc xuất gia, giã từ tất cả sự phú quý phồn hoa của hồng trần, trở nên một vị chân tu trong giới Luật tông, một tông môn khó tu nhất trong Phật giáo. Khi đó Ngài 39 tuổi.
Theo quan niệm cá nhân của tôi, nhân duyên xuất gia của Phật Đà và Hoàng Nhất đại sư rất giống nhau, cả hai Ngài đều sớm nhìn thấu sự hư ảo của cõi đời và truy tầm sự cứu cánh của cuộc sống. Sau cùng công đức viên mãn, Phật Đà được tôn là Bổn Sư Thích Ca, Hoàng Nhất đại sư trở nên Tổ thứ mười một của Luật Tông Nam Sơn.
Tuy nhiên, một số người vẫn cho rằng sự xuất gia của Phật Đà mang sắc thái từ bi; còn sự xuất gia của Hoằng Nhất đại sư xem chừng như có tính cách nhẫn tâm vì bỏ ngang vợ con.
“Đừng lấy tiêu chuẩn của người khác ra hoạch định cuộc đời mình; đừng lấy tiêu chuẩn của chính mình để phán đoán người khác.”
Thực ra, cuộc sống vốn là một chuỗi dài của sự giã từ, giã từ tuổi xuân, giã từ người thân, giã từ bạn bè, giã từ lợi danh... Tất cả mọi sự gặp gỡ cuối cùng cũng là giã từ, khác biệt chỉ là cách thức của sự giã từ mà thôi. Thực vậy, Chúng ta chẳng biết làm gì hơn là đành chịu khi đối mặt với những sự hợp tan của nhân duyên trong cuộc đời.
Mãi cho đến hiện nay, nhiều người vẫn chưa am tường sự lựa chọn của Hoằng Nhất đại sư, tại sao có thể đang từ chốn xa hoa nhất rồi bước vào cuộc sống nghiêm ngặt nhất. Đối với mọi thắc mắc của người đời, Hoằng Nhất đại sư giữ thái độ im lặng, cúi đầu niệm Phật. Một cánh cửa Thiền chia ra hai thế giới giác mê. Thực ra, cảnh giới của Hoằng Nhất đại sư quá cao, phàm phu tục tử làm sao thấu hiểu, mà cũng không cách nào thấu hiểu.
Trong khi đó, học trò của Hoằng Nhất đại sư là Phong Tử khải có lối phân tích rất hữu lý và cho rằng sự xuất gia của thầy mình là chuyện đương nhiên. Vì nhân sinh của con người, có thể phân thành ba tầng: Một là đời sống vật chất, hai là đời sống tinh thần, ba là đời sống tâm linh. Đời sống vật chất là cái ăn cái mặc, đời sống tinh thần là văn nghệ học thuật, đời sống tâm linh là tôn giáo vậy.
Hoằng Nhất đại sư xuất thân từ gia đình quý phái, không thiếu thốn gì về vật chất, cho nên Ngài tìm đến tầng kế tiếp, Hoằng Nhất đại sư xuất sắc cả về phương diện học thuật, nghệ thuật và mỹ thuật. Tâm hồn của con người sẽ rất cô độc trơ trọi khi mọi lĩnh vực đều đạt đến một đỉnh cao tột bậc. Từ đó Ngài khao khát trong sự truy tầm chân lý của cuộc sống và cội nguồn của sinh mệnh.
Từ mê đến giác, từ phàm nhập thánh, tuy xa mà gần, nó không phải là nghìn trùng xa cách mà chỉ là một niệm trong tâm mà thôi.
Ngày 13-10-1942, duyên đời của Hoằng Nhất đại sư đã đi đến chung điểm, 63 năm không dài, nhưng Ngài để lại cho đời sau nhiều sự tích và gương sáng rực rỡ về tâm linh trí tuệ. Trước khi viên tịch, Ngài để lại bốn chữ "Bi Hân Giao Tập"(悲欣交集), lời ngắn ý dài.
Bi là bi thương (đau xót), hân là hân hoan (vui mừng), Bi Hân Giao Tạp nghĩa là buồn vui lẫn lộn.
Có người nói, Ngài xót thương cho những tháng ngày phóng đãng buông tuồng trong nửa phần đời trước, khi Ngài còn đắm say ngụp lặn trong mê đồ của danh lợi và dục vọng; cũng có người nói Ngài đền bù vì phải chuộc tội cho quá khứ mà Ngài đã cố tình hay vô ý làm tổn thương bao nhiêu người, nên buộc mình lựa chọn Luật tông, một tông môn khắc nghiệt nhất, khó tu nhất trong đạo Phật. Thực ra, tất cả lời giải thích cho sự xuất gia của một vị cao tăng chân tu đều quá miễn cưỡng và gượng gạo.
Nhà Phật bảo: Tứ Đại Giai Không, bất dĩ vật hỉ, bất dĩ kỷ bi (四大皆空,不以物喜,不以己悲). Không vì ngoại vật mà vui, không vì bản thân mà buồn. Chúng ta làm sao đủ trí sáng để hiểu nỗi vui buồn của Hoằng Nhất đại sư. Tuy nhiên, nếu nhìn kĩ bên cạnh "Bi Hân Giao Tập" còn có 3 chữ nhỏ “Kiến Quan Kinh” (見觀經), phải chăng Ngài muốn nhắc nhở người sau, nên căn cứ trên ý nghĩa của Kinh Phật để giải thích 4 chữ này.
Nhà Phật lấy từ bi làm tâm nguyện, Hoằng Nhất đại sư từ bi thương xót những ai giống mình lúc còn trẻ, vẫn đang đắm chìm trong dòng xoáy của danh lợi và vật dục; vui mừng cho mình sớm giác ngộ được chân lý của Phật pháp, để có thể kết duyên từ bi với tất cả chúng sinh trong cõi ta bà.
Câu chuyện truyền kỳ của Hoằng Nhất Đại Sư tựa như Bổn Sư Phật Thích Ca, đều đi từ cuộc sống sung túc nhất đến con đường tu hành khắc khổ nhất, đó là một sự chuyển biến long trời lở đất, cuối cùng đạt đến cứu cánh viên mãn, soi sáng con đường cho người đời sau muốn truy tầm chân lý của cuộc sống.
LT Trường K5
08-23-2023
Bài đọc thêm Link bài hát:
Dream of home and mother (John Pond Ordway)
No comments:
Post a Comment