Showing posts with label Lý Trinh Trường. Show all posts
Showing posts with label Lý Trinh Trường. Show all posts

5/11/23

Nắm Và Buông

Sách vở cổ kim đều khuyên chúng ta buông xả, cho rằng buông là tự do, là hạnh phúc, là siêu thoát v.v... Tôi cũng biết phải buông xả, nhưng nhiều khi rất muốn buông sao cứ buông không được. Gần đây tôi đọc “Trang Tử”, Trang Tử cũng khuyên chúng ta buông. Nhưng lần này tôi lại đọc được một vài ý nghĩa hơi khác với lúc trước.

Chương "Đạt Sinh" (達生) trong “Trang Tử ngoại biên)” đề cập đến cuộc đàm thoại giữa Khổng Tử và Nhan Hồi. Một lần, Nhan Hồi hỏi Khổng Tử: Thưa thầy, ngày nọ đệ tử qua đò trên đoạn sông sâu nước chảy xiết, đệ tử rất khâm phục sự khéo léo và thông thạo của người lái đò. Đệ tử có hỏi ông lái đò làm thế nào để biết được cách lái đò? ông lái đò nói nếu biết bơi lội rồi thì rất dễ cho việc học lái đò. Thưa thầy tại sao vậy? Khổng Tử trả lời, là vì họ không sợ nước. Những người biết bơi lội có bản năng thích ứng với nước, họ bơi trong nước tựa như đi bộ trên cạn. Cho nên họ rất thong dong tự tại với sông nước. Bất luận đối mặt với dòng sông cuồn cuộn, gió mạnh sóng to hay bất cứ tình huống nguy hiểm nào, cũng không làm rối loạn nội tâm của họ. Từ đó Khổng Tử dẫn bày ra một triết lý: Phàm nội trọng giả nội chuyết (凢外重者内拙). Có nghĩa là con người sẽ trở nên đần độn vụng về nếu nội tâm dính mắc với vật thể bên ngoài.


Lúc đầu tôi đọc thoáng qua câu chuyện này, nghĩ rằng Thánh Hiền cổ kim đều nhân từ, Khổng Tử cũng mượn câu chuyện lái đò để dạy Nhan Hồi và khuyên người đời nên buông xả, đừng dính mắc với ngoại vật. Lúc sau tôi đọc tường tận rồi suy ngẫm, người biết bơi lội đương nhiên không sợ nước, nhưng người khác chắc chắn không cách nào thản nhiên vô sự trước sông nước. Cho nên tư duy của tôi bắt đầu đặt nặng ở "người bơi lội đã quen thuộc và thích ứng với môi trường nước" chứ không phải là con người phải tránh sự dính mắc với ngoại vật. Nói cách khác, điều kiện để buông xả nỗi lo sợ với sông nước là không chấp với nước hoặc nói xa hơn nữa là không tiếp cận với môi trường nước. Cũng như chúng ta sợ gai bông hồng thì đừng sờ hoặc đến gần cây hoa hồng. Không gần gũi hoặc tiếp xúc với sông nước và cây hoa hồng sẽ đâu có bị ám ảnh bởi những vật thể đó. Chưa từng bao giờ muốn nắm giữ một cái gì thì có cái gì để mà "buông bỏ"?


Trên đời vẫn có những người bẩm sinh đã có căn giác ngộ, họ lúc nào cũng ý thức được buông xả là cội nguồn của hạnh phúc và luôn giữ tâm thanh tịnh, không chấp chước, sống an nhiên với mọi hoàn cảnh trong cuộc đời. Tuy nhiên, đa phần người đời đều sống khổ đau trong sự đối lập và giằng co giữa nắm và buông. Bởi vì con người vốn có lòng tham, vì dục vọng tư hữu mà muốn nắm, đồng thời cũng biết tự mình khuyên nhủ là phải buông, rồi thường bị vướng víu trong sự vấn vương day dứt của hai ý niệm "nắm" là mê, "buông" là giác; "nắm" là khổ, "buông" là hạnh phúc, tổn hao quá nhiều năng lượng trong tâm tư của mình.


Vẫn biết buông xả là con đường dẫn đến tự do và hạnh phúc, tuy nhiên con đường gạn đục lóng trong để trở về chánh đạo “buông xả” đương nhiên rất khó, vì bắt buộc phải đi ngược dòng thế tục đời thường, chính vì thế nhiều hành giả cổ kim phải ngậm ngùi than thở: “Nẻo về bến ấy chông chênh lắm!"


Phải chăng đó cũng là tâm lý thế gian, làm Phật Tiên thời phần đông ai cũng muốn cũng ham, nhưng mà nhìn lại cõi trần, tuy bản chất là khổ, nhưng những cảnh tượng cớ sao mà muôn màu muôn vẻ, đầy sức quyến rũ và cuốn hút, chèng ơi, vui quá! cho nên bỏ đi cũng chẳng đành. Đạo thì cũng muốn tu thành Phật, theo Đạo mà lại còn tiếc đời.


Vì vậy, sống là một hành trình phấn đấu không ngừng giữa mê và giác; giữa nắm và buông. Có đi ắt có đến, có chí thì nên. Tô Đông Pha phải trải qua bao nhiêu nghịch cảnh và trắc trở, mới hiểu rằng phải buông bỏ thế sự thị phi, giữ tâm thanh tịnh để sống đời đạm bạc, rồi từ đó thoát thai hoán cốt từ sự điêu đứng của hoạn đồ thăng trầm để đạt đến cảnh giới: "Dã vô phong vũ dã vô tình" (也無風雨也無晴). Trời mưa hay trời trong, đau khổ hay hạnh phúc, vinh hay nhục, được hay mất ... Mọi sự chung quy đều tan biến như khi tỉnh giấc sau cơn mê mộng.


Lý Thúc Đồng cũng có nhiều trải nghiệm cực kỳ cam go về sự khổ lạc tụ tan trong cuộc sống, và những giao động khắc cốt ghi tâm trong tình yêu, tình bạn và tình đời … dần dần ý thức được phải buông bỏ mọi vấn vương của thế tục hồng trần, rồi chuyển hóa nội tâm, từ cảnh giới ngộ ra vô thường như trong bài nhạc "Tống Biệt" cho đến nhất tâm bất loạn trong sự tu hành tinh tấn, Lý Thúc Đồng mới thoát phàm nhập thánh, trở nên bậc Tổ Hoằng Nhất Đại Sư trong Luật Tông.


Quá trình phấn đấu của Lý Thúc Đồng, Tô Đông Pha cho ta thấy, sự thành công và giác ngộ của các bậc anh hùng hào kiệt xưa nay là từ có đến không, từ nắm tới buông, từ mê đến giác. Cho nên, muốn nắm thì cứ nắm, muốn lấy thì cứ lấy. Nếu giờ đây bạn nói, tôi cần tiền, tôi muốn kiếm rất nhiều tiền, vậy thì cứ tha hồ mà kiếm tiền; nếu giờ đây bạn nói, tôi thích người đó, tôi muốn người đó thuộc về mình, vậy thì cứ tha hồ mà theo đuổi. Rồi một ngày nào đó, chúng ta tích lũy khá nhiều tài sản trong tay, đột nhiên ý thức được tiền tài chẳng qua là vật ngoài thân, nó không thể đem đến cho ta niềm vui và hạnh phúc chân thực; hoặc một ngày nào đó, chúng ta chợt thức tỉnh trong cơn mê mộng của tình yêu, phát hiện tất cả đều chỉ là ảo tượng, Tôi chỉ yêu thích một cái tôi khác từ sự thương mến người đó mà thôi. Tất cả hình dáng hữu hình hay cảm giác vô hình chung quy sẽ tan biến theo luật vô thường của thế gian. Ắt chúng ta sẽ tự nhiên mà buông ngay, và chính cái buông đó, mới thực sự là buông.


“Cõi ta bà như mặt biển lênh đênh  

Vui buồn lặng ngụp bồng bềnh khơi xa

Nào danh lợi nào phù phiếm xa hoa

Mê trong được mất khiến ta khổ sầu


Cõi hồng trần hạnh phúc có bao lâu

Ân ân oán oán trong câu tình đời

Hãy nhủ lòng buông bỏ thế gian ơi

Cho tâm nhẹ gánh thảnh thơi an nhàn.”


Trường

05-11-2023

2/6/23

Cảm Nhận Về Loài Bướm


Cám ơn anh K. chia sẻ những "cánh bướm"sặc sỡ muôn sắc màu. Trong lúc thưởng thức cái vẻ đẹp rực rỡ của con bướm, tôi liên tưởng một câu chuyện của loài côn trùng nho nhỏ, tuy tầm thường nhưng không hề quên lãng trong ký ức của tôi từ thời thơ ấu…

* Bấm vào Link: cánh bướm để xem Video.

Cảm Nhận Về Loài Bướm

Tạo hóa sáng tạo vạn vật đều tận tâm tận lực, bên cạnh vẻ đẹp của con người cũng còn vô số những vẻ đẹp khác của thế giới tự nhiên, từ hùng vĩ lớn lao cho đến vi tế nhỏ bé. Nếu như sư tử có hình dáng dũng mãnh mạnh mẽ, thì loài côn trùng lại có dáng dấp nhỏ bé mong manh.

Nhìn những đợt sóng nghĩ tới nước, thấy hạt châu nghĩ tới con trai, ngắm bông nghĩ tới búp hoa, nhìn đàn bướm hoa lệ bay lượn khiến tôi liên tưởng đến sự thai nghén từ loài sâu róm xấu xí.

Nếu như chúng ta khen ngợi sự đoàn kết, kiên trì, chăm chỉ của loài kiến, chúng ta cũng không nên bỏ sót một vài côn trùng nho nhỏ, mong manh khác, rất đáng để chúng ta học hỏi – loài Bướm. Nên gọi là sâu bướm thì chính xác hơn, như thế mới thể hiện được phần nào kỳ tích của những chú sâu xấu xí, lại là tiền thân của những cánh bướm sặc sỡ muôn sắc màu.

Hồi nhỏ tại Việt Nam, một hôm tôi chợt thấy một cái kén treo lơ lửng phía dưới một chiếc lá, mấy ngày sau tôi thấy một sinh vật nhỏ đang cố gắng thoát ra từ cái kén bó buộc chật chội. Gợi trí tò mò tôi đến gần quan sát, thì ra là một nàng bướm nhỏ đang rán sức để thoát ra từ cái kén tù túng. Với thân hình yếu đuối nhem nhuốc, nàng bướm nhỏ cố gắng nhiều lần vẫn không chui ra được. Tôi thấy thương hại đến giúp bóc bỏ tổ kén, con bướm quằn quại, giãy giụa một hồi, cố lấy hết sức tàn hơi vẫy cánh muốn bay, nhưng vô vọng, rồi rơi từ trên cao xuống đất, cử động chậm dần, chậm dần rồi dừng hẳn. Tôi tội nghiệp cho con bướm xấu số. Về sau, nhờ kiến thức sinh vật học, tôi mới hiểu là mình đã vô tình đánh mất một sinh vật.

Sâu bướm phải trải qua nhiều lần lột xác để biến hóa hình thái từ ấu trùng thành nhộng, từ nhộng thành bướm. Khi cơ thể con nhộng tự nhận thấy quá khó khăn để chui ra ngoài, lúc này sẽ tiết ra một chất nhờn để giúp chúng dễ dàng thoát ra khỏi cái kén, đồng thời bướm sẽ tự động bơm một hoạt chất dưỡng tố vào cánh để đôi cánh được khỏe hơn, cứng cáp hơn, một khi cánh được mở tung hoàn toàn thì bướm sẽ vẫy vùng tung tăng giữa bầu trời. Vậy nên việc giúp bướm thoát ra khỏi kén cũng tương tự như việc bẻ gãy đôi cánh mơ ước và kết thúc đời sống của chúng.

Và mẹ thiên nhiên cũng ân ban như thế cho con người. Nếu chúng ta có ước mơ, muốn trưởng thành, phải cố gắng lột bỏ những thói hư tật xấu, tư tưởng ích kỷ sai lầm, như sâu bướm phải lột xác nhiều lần trong quá trình sinh hóa biến đổi.

Con nhộng trong kén phải nhịn ăn trong suốt nhiều ngày, chưa kể thời gian sâu non phải tự "lột xác" vài lần mới có thể lớn lên được.

Con người cũng phải tự cố gắng vượt qua những gian truân, những thử thách trong cuộc sống.

“Ngọc bất trác bất thành khí, nhân bất học bất tri lý”(玉不琢 不成器, 人不學 不知理), viên ngọc toàn bích cũng phải trải qua nhiều lần mài giũa trau chuốt mới thành viên ngọc quý, con người không qua trường lớp đào tạo, không bị nghịch cảnh trui rèn thì làm sao trưởng thành tiến bộ được.

Khổ khiến ta trưởng thành, khổ rèn luyện mài giũa chúng ta thành con người có giá trị, và đó cũng chính là bài học quý báu, đáng suy ngẫm mà loài bướm dạy cho chúng ta.

"Loạng choạng bước chân hôm nay
Ngày mai hóa bướm tung bay khắp trời
Sống sao nhân nghĩa hợp thời
Người người hoan lạc cuộc đời an vui"

Trường
11-20-2021
(bài đăng lại)

1/25/23

Phiếm luận về Mẹ

  Mẹ 

Mấy hôm trước, nhân anh LN Minh chia sẻ bài thơ về “Mẹ”, làm trỗi dậy cảm xúc lâu nay nằm sâu trong đáy lòng.


Mẹ Ta Trả nhớ về Không

“Ngày xưa chào mẹ ta đi
Mẹ ta thì khóc, ta đi thì cười
Mười năm rồi lại thêm mười
Ta về thì khóc, mẹ cười lạ không
Ông ai thế? Tôi chào ông
Mẹ ta trí nhớ về mênh mông rồi
Ông có gặp thằng con tôi
Hao hao...tôi nhớ nó... người... như ông.
Mẹ ta trả nhớ về không
Trả trăm năm lại bụi hồng... rồi đi…”

Khi tôi viết những dòng chữ này thì Mẹ tôi đã quy tiên gần 40 năm rồi. Mỗi năm khi gió bắc mưa lạnh bao phủ lên cảnh vật, cũng là lúc người người rộn rịp chuẩn bị cho mấy ngày lễ cuối năm đoàn tụ gia đình. Tôi lại ngậm ngùi nhớ đến Mẹ tôi, người Mẹ đã suốt đời lam lũ, tần tảo nuôi con. Những dòng chữ rất riêng tư này, tôi nghĩ rằng sẽ được nhiều bạn thông cảm lượng thứ. Thiết nghĩ mọi người hẳn có cùng tâm sự như tôi, tâm sự của đứa con vì tự do cơm áo phải phiêu bạt rong ruổi tha phương, cứ đến mùa đông hiu hắt lại ngậm ngùi nhớ về người Mẹ ở phương trời khác xa tít mịt mù.

Tất cả những ai khi mái tóc đã điểm sương mà vẫn còn có được người Mẹ để thương yêu phụng thờ thì thử hỏi có hạnh phúc nào lớn hơn thế nữa?

Ngày đi học, nghe thầy cô giáo giảng về sự tích của Địch Nhân Kiệt (狄仁杰) thời Đường, có ai trong thế hệ chúng tôi lại không rưng rưng cảm động? Địch Nhân Kiệt từng giữ chức tể tướng thời nữ hoàng Võ Tắc Thiên trị vị. Trong những năm đầu làm quan, lúc nhiệm chức tại Tĩnh Châu, Cha Mẹ thì ở Hà Dương, cách Tĩnh Châu mấy ngày đường. Một hôm lên núi Thái Hàng, nhìn đám mây trắng bềnh bồng nơi hướng quê nhà, ông bùi ngùi thốt lên: “Ngô thân xá kỳ hạ” (吾親舍其下) “Nhà cha mẹ ta ở dưới đám mây trắng đó”. Ông đứng nhìn ngậm ngùi khá lâu, đợi đám mây bay khuất rồi mới bồi hồi quay về.

Câu chuyện chỉ đơn giản có thế, mà được người xưa trân trọng nâng lên và trở thành một điển tích trong văn học Trung Quốc, đủ thấy tâm hồn của người xưa đôn hậu biết bao. Với nền văn minh và khoa học tân tiến hiện đại khiến không gian như thu hẹp lại, nhưng khoảng cách của lòng người lại dần thêm xa cách và lạnh nhạt, không mấy ai còn rung động bởi những câu chuyện bình dị như trên. Chữ “Hiếu” dường như đã dần trở thành “xa xỉ phẩm” trong một xã hội mà mọi quan hệ đều bị cuốn vào cơn lốc của Danh Lợi và lòng vị kỷ. Người ta quên mất rằng một xã hội mà chữ Hiếu được coi trọng mới là một xã hội thật sự thanh bình lành mạnh, vì đạo Hiếu là nền tảng của đạo Nhân.

Khi còn bé, vì ham chơi và tính nghịch ngợm của trẻ con, tôi thường được dạy dỗ bởi những trận đòn roi của nghiêm phụ, mong cho con cái trưởng thành. Mỗi lần như vậy, mẹ tôi không can gián được, xót ruột quay mặt đi mà đầm đìa nước mắt. Mẹ khóc tôi cũng khóc theo, tôi khóc vì bị đòn roi thì ít, mà đa phần vì đã làm tổn thương Mẹ hiền. Lớn lên, tôi mới thấu hiểu rằng những giọt nước mắt lặng lẽ của Mẹ hiền còn khiến những đứa con nghịch ngợm lo sợ hơn những trận đòn roi và chính cái tình thương lặng lẽ ấy đã thức tỉnh bao con thơ hồi đầu quy chánh.

Tôi thường nghe câu nói được lưu truyền trong dân gian: “Ai còn Mẹ xin chớ làm Mẹ khóc”. Câu nói đơn sơ nhưng gói trọn ý nghĩa thâm sâu của lẽ hiếu đạo. Những người dân quê chân chất ít học hồi xưa sao lại hiểu cái đạo lý “ hiểu thảo” dễ dàng bằng những câu nói bình dị mà thiết tha đến thế? Giờ nay nước mắt trận đòn roi đã cạn, nhưng những giọt lệ vẫn cứ tuôn ra vì những vết roi đời khắc nghiệt đắng cay trong cuộc sống thăng trầm ngược xuôi nơi đất khách quê người.

Mỗi năm cứ đến mùa lễ Vu Lan, tăng ni Phật tử trong các chùa tụng kinh báo hiếu; hội từ thiện "Tzu Chi" cho diễn lại các vở ca kịch mang nặng ý nghĩa hiếu ân với mục đích hoằng dương hiếu đạo và tưởng nhớ công ơn của bậc sinh thành. Truyền thuyết Bồ Tát Mục Kiền Liên xuống địa ngục cứu Mẹ có thể chỉ là hư cấu, nhưng tấm lòng hiếu thảo của Bồ Tát Mục Kiền Liên gây chấn động cả chư Phật mười phương lại là điều tất nhiên, bình dị và dễ hiểu.

Sở dĩ đạo Phật được lưu truyền mấy ngàn năm là vì ngoài mục đích cứu nhân độ thế, đạo Phật còn luôn nhắc nhở con người không được quên đạo làm con, làm người.

Rồi sau này, khi đọc "Nhị thập tứ hiếu" (二十四孝) của Quách Cư Nghiệp, tôi càng cảm phục trước tấm gương của những người con hiếu thảo trong sách. Đó là những câu chuyện mà cứ mỗi lần nhớ đến, tôi đều xúc động nghẹn ngào. Tôi thầm nhủ với lòng mình rằng, nếu một ngày nào đó, bản thân có quên đi tất cả mọi chuyện trên đời, thì cũng sẽ không dám quên công ơn dưỡng dục bằng trời của cha mẹ.

Lòng Mẹ thương con biển hồ lai láng. Chỉ có những ai đã từng đứng trước biển cả bao la mà dụng tâm suy ngẫm mới hiểu được tại sao người ta lại ví lòng thương yêu của người Mẹ với biển hồ mênh mông. Biển dung nạp được tất cả mọi thứ nhơ bẩn trên cõi đời, mà muôn đời biển vẫn trong xanh. Mẹ chịu đựng tất cả những điều nghiệt ngã nhất trên đời này, mà lòng Mẹ vẫn hân hoan, bao dung độ lượng. Những đứa con thành đạt hay hư đốn Mẹ đều một mực thương yêu với cái tâm vô sai biệt. Cũng như tất cả chúng sinh đều bình đẳng trước Tam Bảo, tất cả những người con đều bình đẳng trước trái tim từ ái quảng đại của Mẹ hiền.

Trong giáo lý nhà Phật, “quy luật nhân quả” là quy luật bất di bất dịch của tất cả mọi sự vật trong vũ trụ. Ngày nay, nền văn minh khoa học tiến bộ, người ta thường dương dương tự đắc với tài năng tri thức của mình mà quên mất cái "quả" có từ cái "nhân". Khi thấy một vườn cây đầy những loài cây trái xum xuê nặng trĩu quả ngọt, người ta thường chỉ trầm trồ ca ngợi công sức của người làm vườn, mà quên mất rằng tất cả những trái cây tươi tốt trong khu vườn ấy phần lớn đều lấy chất dinh dưỡng từ lòng đất. Lòng đất đó chính là “phúc đức tại phụ mẫu tổ tiên”. Chúng ta thường vô tình để cuộc sống hạnh phúc riêng của mình che khuất mất hình ảnh cội nguồn của Mẹ, của Cha. Nếu không ý thức được điều này, thì những câu ca dao "Công cha như núi Thái Sơn, Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra" bỗng trở thành những tiếng kêu thương lạc điệu.

Ngôn ngữ là công cụ tư duy của con người, cũng là hiện tượng của nền văn hóa tinh thần. Văn tự của mỗi quốc gia tuy khác nhau, nhưng có điều kỳ diệu là rất nhiều ngôn ngữ trên thế giới tiếng “Mẹ” đều bắt đầu bằng phụ âm “M” rất tương đồng: Mutter trong tiếng Đức, Mère trong tiếng Pháp, Mother trong tiếng Anh, Mẫu/Má trong tiếng Hán, Mẹ trong tiếng Việt. Có phải chăng Thượng Đế đã tạo lập tiếng nói đầu đời "ma... ma..." qua cửa miệng mọi trẻ sơ sinh trên đời, Mẹ là âm thiêng liêng nhất trong thế giới âm thanh của loài người.

Thi ca nhân loại khắp Đông Tây kim cổ đã nói rất nhiều về người Mẹ. Nhưng nói mãi mà sao vẫn chưa nói hết được những gì muốn nói, vẫn luôn còn một cái gì đó về Mẹ mà không sao nói cho hết được. Người Ấn Độ có một câu ngạn ngữ tuyệt vời : “Thượng Đế không thể hóa thân khắp nơi, nên Ngài phải tạo ra mẫu người Mẹ để thay thế cho Ngài”. Câu nói đơn giản đó có lẽ đã hàm chứa tất cả hình ảnh và ý nghĩa về trái tim Mẹ. Trái tim Mẹ dành cho con là trái tim của Thượng Đế dành cho nhân loại.

Mẹ tôi mất hồi thập niên tám mươi. Tấm thân tứ đại tạm mượn sáu mươi năm, đã trả về cho tứ đại. Năm đó tôi vừa hơn 30, mới vượt biên qua Mỹ bắt đầu cuộc sống mới, xứ lạ quê người khiến người khách lữ thứ tha phương cầu thực không làm tròn được hiếu đạo của phận làm con. Đến khi đời tôi tạm ổn định, tôi muốn được gần gũi Mẹ tôi để đáp đền phần nào ơn dưỡng dục cù lao thì lại không còn cơ hội. Đó là một trong những điều đau đớn day dứt nhất trong đời, mà cứ mỗi khi nghĩ đến thì ngấn lệ lại dâng trào. Tôi tự an ủi rằng mọi sự tụ tan trên đời đều do nhân duyên, tôi không có phúc phận được cận kề để chăm sóc Mẹ tôi, có lẽ vì tôi chưa hội tụ đủ Duyên lành.

Mỗi năm đến mùa Vu Lan, Phật tử thường lên chùa cài lên ngực những bông hoa màu khác nhau. Ai còn Mẹ thì cài một bông hoa đỏ lên áo; ai không còn Mẹ thì cài bông hoa trắng tinh nguyên. Bao nhiêu năm rồi, tôi chưa bao giờ có dịp được cài một đóa hoa để nói lên sự thiêng liêng của tình mẫu tử. Nhân đọc bài thơ "Mẹ ta trả nhớ về không", tôi nguyện vun bồi đóa hoa lòng luôn tươi thấm để ghi nhớ công ơn dưỡng dục và sự hy sinh của Cha Mẹ đã dành cả đời cho con cái.

Trường
01-21-2023 (ngày giao thừa Tết Quý Mão)

Từ Hi Thái Hậu vốn xuất thân trong gia đình chẳng mấy tài giỏi, tư chất của bà cũng không phải học cao hiểu rộng gì, cho nên, bà không đủ kiến thức, văn chương chữ nghĩa để làm thơ.

Từ Hi Thái Hậu làm duy nhất một bài thơ nhưng vẫn được lưu truyền.



Bài thơ Từ Hi Thái Hậu viết cho mẹ vào ngày mừng thọ lần thứ 70, tức năm 1877. Do có việc bận nên Từ Hi không thể tham dự tiệc chúc mừng. Bà đã viết một bài thơ và gửi kèm theo một số lễ vật thay cho sự vắng mặt của mình dành tặng riêng cho mẹ.






Hán - Việt:
Chúc mẫu thọ thi                                           祝母寿诗
Thế gian đa ma tình tối chân,                世間爹媽情最真,
Lệ huyết dung nhập nhi nữ thân.           淚血溶入兒女身.
Đàn kiệt tâm lực chung vị tử ,               殫竭心力終為子,
Khả liên thiên hạ phụ mẫu tâm !           可憐天下父母心!

Dịch nghĩa:
Chúc sinh nhựt mẹ
Tình yêu của cha mẹ là thứ tình cảm chân thành nhất trên thế gian
Máu và nước mắt chảy vào trong cơ thể con cái
Vắt kiệt tâm lực suốt đời vì con
Thương thay cho tấm lòng của kẻ làm cha mẹ trong thiên hạ!

So với thơ của Lý Bạch hay thơ của Càn Long đế, bài thơ của Từ Hi Thái Hậu được đánh giá là quá kém cỏi. Tuy nhiên, câu cuối cùng của bài thơ lại mang đầy ý nghĩa về tình cảm giữa bố mẹ và con cái, phù hợp với mọi thời đại. Cho nên, dù dở tệ nhưng bài thơ độc nhất cả đời Từ Hi Thái Hậu vẫn còn lưu truyền mãi đến ngày sau, đặc biệt là câu cuối cùng.
St

9/27/22

Hành Trang Tuổi Già

Cám ơn chị K. đã chia sẻ clip phim rất hay và có ý nghĩa về tuổi già. Tôi xin mạo muội đóng góp một vài thiển kiến để cùng học hỏi.

 Hành Trang Tuổi Già

Chúng ta thường có tâm lý chung là: “trẻ cậy cha, già cậy con.” Tâm lý này đã ăn sâu bén rễ trong tư tưởng của đại đa số người dân, đến nỗi nhiều người xem đó như là chuyện đương nhiên không cần bàn cãi, và đây cũng là nguồn cơn gây ra câu chuyện bi nhiều hơn hài khiến không ít người già vỡ mộng tuổi già an hưởng bên con cháu.

Sự thật là càng ngày cùng với sự phát triển của xã hội hiện đại thì số lượng người già không sống cùng con cháu mà sống riêng lại càng tăng lên. Có thể nói không phải ai cũng được con cháu kính mến đến mức sẵn sàng đón về ở chung và phụng dưỡng cẩn thận đầy đủ cho đến lúc nhắm mắt xuôi tay. Nhưng bất cứ tình huống nào, khi bước vào ngưỡng cửa tuổi già, chúng ta đều nên chuẩn bị sẵn sàng tinh thần và cả vật chất để có thể sống độc lập mà không cần phụ thuộc vào con cháu.

9/5/22

Hoài Niệm

Hoài Niệm

Một lần nữa tôi nghiêm chỉnh cúi đầu, gạt đi ngấn lệ, thương tiếc hoài niệm người bạn hiền, người đã ra đi vĩnh viễn vào ngày hôm nay, năm năm trước đây (09-05-2017).

Vương Hiền Tông, khóa 5 CTKD, cao học quản trị xí nghiệp. Là bạn học từ thời trung học, đại học và cao học; là cộng sự tại Giao Thông Ngân Hàng và đã cùng trọ nhiều năm khi chúng tôi vùi đầu bên đèn sách tại "Viện Đại Học Đà Lạt".

Khi bước vào đường đời, ngay lúc quốc sự thăng trầm. Chúng tôi thường cưu mang và khuyến khích nhau khi đương đầu với cuộc sống khó khăn.


Sau khi miền Nam đổi chủ, tôi vượt biên sang Mỹ, Vương Hiền Tông định cư Canada.


Mùa thu 2015, Tông qua Mỹ thăm tôi, chúng tôi ôn chuyện đời bên tách trà ngát hương, cùng dốc bầu tâm sự suốt mấy đêm dài. Quốc biến gia nạn nợ tang bồng, thế cuộc tiêu điều, chí nam nhi đành bị cuốn trôi theo cơn lốc ai oán của vận mệnh đất nước… năm mươi năm bao nhiêu thành bại vui buồn ân tình đều trôi theo dòng thời gian và cảnh thương hải tang điền của cõi ta bà. Chúng tôi trân quý cuộc tương ngộ, tuy nhiên nhân duyên như tình bèo nước, thoáng tụ rồi lại lìa xa.


Lộ trình cuộc sống của Tông tuy dài lại ngắn _ văng vẳng như chúng tôi còn đang ngồi chung học tập tại giảng đường "Thụ Nhân" nay đã vĩnh viễn xa cách.

Đường đời của Tông tuy ngắn lại dài _ người bạn hiền dù ra đi, nhưng mãi mãi để lại cho chúng ta bao niềm thương tiếc nhớ nhung.


Có lẽ giờ này Tông đã hội ngộ cùng những bằng hữu tại một nơi xa xôi nhưng vĩnh hằng. Này là Quách Soan, là Lý Vệ Dân; kia là Diệp Đạo Nguyên, là những bạn học thân quen ngày xưa... Có lẽ giờ này những người bạn đang hàn huyên về một mái trường xưa với ngàn thông vi vút; một miền núi êm ấm được bao quanh bằng những đồi tùng bách ngàn năm xanh biếc; một đất nước đa nạn nhưng tình người thì luôn dạt dào niềm nở…  Giờ đây, tất cả chỉ còn là kỷ niệm.


Thắp nén hương lòng gửi đến người bạn đã cùng tôi chung vai vùi đầu đèn sách tại vùng sương mù Đà Lạt suốt bao nhiêu năm trường...


Nhân dịp ngày ra đi 5 năm của tri giao, tôi xin chia sẻ một bài thơ của Tông viết về sự trải nghiệm của hai chúng mình trong hành trình của chuyến xe cuộc đời.


想當初, 少年狂         Tưởng đương sơ, thiếu niên cuồng,
不懂事, 氣方剛         Bất đổng sự, khí phương cương,
不安份, 愛闖蕩         Bất an phận, ái sấm đãng,
父母話, 放耳旁         Phụ mẫu thoại, phóng nhĩ bàng.
唯自己, 到處闖         Duy tự kỷ, đáo xứ sấm,
所留處, 風與浪         Sở lưu xứ, phong dữ lang.
多少夢, 永難忘         Đa thiểu mộng, vĩnh nan vong,
孽已種, 暗徬徨         Nghiệp dĩ chủng, ám bàng hoàng,
時已逝, 覓俺         Thời dĩ thề, mịch yêm đàng.
誦經書, 心結放         Tụng kinh thư, tâm kết phóng,
從不再, 怨滄桑         Tòng bất tái, oán thương tang.


Dịch thơ 1:

Thuở trước niên thiếu sống mặc đời,

Dại khờ bồng bột thích rong chơi.

Gió thoảng mây bay lời cha mẹ,

Buông thả không hiểu luật đất trời.

Lêu lổng vô tri điều phi lý,

Dấy động phong ba khắp mọi nơi.

Đến tuổi xế chiều chợt tỉnh ngộ,

Mê đồ lãng tử nay phản hồi.


Dịch thơ 2:

Niên thiếu vô tri sống điên cuồng,

Lời dạy cha mẹ thường bỏ buông.

Kiêu căng ngạo nghịch thiếu lý trí,

Dấy động phong ba đời nhiễu nhương.

Hành sự vô minh sinh nhân quả,

Thân nặng nghiệp chướng cảm thê lương.

Tụng kinh chay tịnh hướng về Đạo,

Nhất tâm niệm Phật ngộ vô thường.


Trường

09-05-2022

7/31/22

Nhân Chi Sơ Tánh Bổn Thiện

Mạnh Tử nói:"Truật dịch trắc ẩn chi tâm, nhân giai hữu chi" (怵 惕 惻 隱 之心, 人皆有之). Trắc ẩn chi tâm là lòng nhân hậu trong bản tính của con người. Mọi người đều có lòng thương người, cũng có lòng chẳng nỡ đối với sự đau thương khốn khổ của người khác.

Cho nên chúng ta cảm thấy bồn chồn đau xót trước những biến cố động loạn như: chiến tranh, giết chóc, lừa gạt... hầu như đã và đang xảy ra hằng ngày, thậm chí càng lúc càng ác liệt trầm trọng.

Làm sao đánh thức trắc ẩn chi tâm để sống trọn với bản tính vốn dĩ thiện lành của con người là điều tối quan trọng trong xã hội động loạn ngày nay.

Chợt nhớ đến câu: "Nhân chi sơ, tánh bổn thiện" và xin chia sẻ một vài cảm nghĩ thô thiển để cùng học hỏi.

Chúc các bạn cuối tuần vui vẻ.

Nhân Chi Sơ Tánh Bổn Thiện

Tam Tự kinh có câu: "Nhân chi sơ tánh bổn thiện” (人之初,性本善), là tư tưởng của Nho gia và Mạnh Tử đã khẩu thuật: "con người sinh ra bản tính vốn dĩ là thiện, khi lớn lên, do ảnh hưởng của đời sống xã hội, nên bản tính đã thay đổi. Vì tiêm nhiễm tánh xấu, dung túng tật hư. Do vậy, con người cần phải được giáo dục, rèn luyện và giữ gìn đời sống cho tốt lành để duy trì bản tính thiện của mình".

Đạo Phật phân tích “Nhân chi sơ Tánh bổn thiện” sâu sắc hơn:

- “Nhân chi sơ”, là cái “nhân sống” ban đầu, là “bản nguyên” của con người. Sơ là bản chất tự nhiên hồn nhiên, cái gì mà có sự tưởng là, cho là, phải là, sẽ là... đều không còn "sơ" nữa. Thí dụ như đóa hoa là như vậy, nó hoàn hảo tự chính nó, còn nếu nói hoa này xấu hay đẹp, to hay nhỏ, thơm hay nhạt v.v... là ý niệm do con người xen vào thì không còn nguyên chất của đóa hoa ban sơ nữa.

- “Tánh bổn thiện”, là tánh vốn thiện, là tính hoàn hảo, là tánh Phật luôn tồn tại trong mỗi con người và vạn vật. Trong tánh Phật không có Tham - Sân - Si - Mạn - Nghi - Ác - Kiến như tánh người. Tuy nhiên, khi con người mang thân xác tại cõi phàm với nhiều dục vọng chấp chước đã dần dần đánh mất đi Tánh Phật của mình.

Hiểu một cách đơn giản thì con người sinh ra vốn thiện lành như trẻ sơ sinh, chưa biết toan tính gì và không có gây ra một tác hại gì cho ai. Nhưng làm sao để sống trọn với tính thiện lành như trẻ sơ sinh, chỉ biết ăn ngủ khóc cười theo bản năng của nó.

Quả thật là rất khó, vì khi con người lớn lên, đương đầu với cuộc sống đầy cam go và cám dỗ, đôi khi còn phải trực diện với nghịch cảnh và thử thách, với tánh tham sân si sẵn có ẩn núp bên trong, gặp nghịch duyên từ những cảnh giới bên ngoài đưa đẩy, con người dễ tạo tác nhiều hành vi gọi là nghiệp lực. Từ ý niệm thiện, ác, đã phát sinh biết bao điều tác động đến xã hội nhân loại xưa và nay.

Xem lại lịch sử loài người, từ thời thượng cổ đến đời nay, con người đã đánh mất bản tánh ban sơ của mình, từ đó tạo tác biết bao ác nghiệp chỉ vì dục vọng và tham lam, gieo rắc đủ mọi tai ương tan hoang kinh hoàng và đang diễn biến liên hồi qua từng phút giây, thậm chí càng lúc càng ác liệt trầm trọng.

Từ Tần Thủy Hoàng đến Lý Tự Thành, rồi gần hơn nữa là Hồng Tú Toàn phát động cuộc nội chiến Thái Bình Thiên quốc giữa thế kỷ 19, giết gần một phần tư dân số Trung hoa thời Mãn Thanh bấy giờ. Những bạo chúa là bầy con dơi khát máu, đã gieo bao tan tóc ta thán, làm phát động lòng căm phẫn hận thù, là khởi điểm của bao nhiêu chiến cuộc ngút ngàn.

Từ Adolf Hitler, Benito Mussolini, Chiêu Hòa, và gần đây là Putin, là thủ phạm gây ra thế chiến và cuộc xâm lăng Ukraine đã đưa đẩy nhân loại vào cảnh địa ngục trần gian.

Pháp luật được đặt ra để ngăn chặn hành động bất lương do tánh tham sân si của con người gây ra; giới điều được đặt ra để phòng hộ hành vi bất thiện của Tăng đoàn bởi thân khẩu ý chi phối. Bao nhiêu sự cố gắng nỗ lực của pháp luật và giới điều cũng nhằm giúp thân và tâm của con người được trở về yên vui hòa bình thanh tịnh, tìm lại cái bản tính trong sáng vốn ở trong ta nhưng đã đánh mất từ bao giờ. Đây cũng là con đường đầy trắc trở của chúng ta trên đường truy tầm chân lý, tìm cái mà đạo Lão gượng cho là Đạo, Nho giáo gọi là xích tử chi tâm, nhà Phật mệnh danh là bổn lai diện mục, các tôn giáo khác bảo là Thượng Đế tính.

Làm sao trở về tánh ban sơ hay tánh hồn nhiên của trẻ sơ sinh là điều tối quan trọng đối với những ai muốn truy tầm một cuộc sống an nhiên tự tại, thanh tịnh vô nhiễm.

Cuộc sống của thế giới ta bà giống như một ống kính vạn hoa, chua ngọt đắng cay đều thâu gom cả vào trong đó. Đời người, nói cho cùng vẫn mong sao được sống an vui. Thực vậy, người đa dục mỏi mệt, người vô dục thanh nhàn. Sống đơn giản đạm bạc, hạnh phúc sẽ nhiều hơn.

Chỉ với một ấm trà nhạt hương, một tập sách ý vị, một khúc nhạc du dương nhẹ nhàng, để tâm hồn lắng đọng nhìn hoa nở dưới tia nắng ban mai, nghe chim hót thanh thoát trên cành lá, nước chảy róc rách qua khe suối hoặc gió dìu dịu trong buổi chiều tà. Tuy đơn giản bình dị, nhưng ung dung hạnh phúc. Thật vậy, biết xem nhẹ vật chất, đơn giản hóa mọi thứ không phải là điều giản đơn. Vì vậy, sống đơn giản là bước đầu cũng là then chốt để chúng ta trở về con đường ban sơ.

Một người bạn của tôi từng đến công tác tại một quốc gia ở Phi Châu hồi thập niên 90, người ta thường cảnh giác là: "Người Phi Châu hay cắp vặt  lắm!"

Mãi đến khi có một vị Sư có duyên tới Phi Châu mới vỡ lẽ ra, sự thật chẳng phải thế. Vì dân Phi Châu hoàn toàn không có ý niệm “ Nhân ngã, ta và người”, họ không có khái niệm về quyền sở hữu riêng.Trước khi người ngoại quốc đến Phi Châu, dân Phi thường sinh sống trên thảo nguyên bằng săn bắn và hái quả. Đối với họ, chim trên trời, thú ngoài rừng, cá dưới nước, ai bắt được là của người đó. Kể cả cây trái, hái được thì có quyền ăn, thì là của mình. Họ sống với tinh thần cộng đồng sở hữu, nghĩa là của cải không thuộc riêng cá nhân nào. Cho đến nay, quan niệm này vẫn còn tồn tại ở một vài địa phương Phi Châu, họ thấy vật gì ưng ý thì họ lấy. Theo cái nhìn của chúng ta, đó là ăn cắp, là trộm; còn đối với họ thì đấy là tự nhiên! Thiệt xấu hổ cho ta, xem ra người Phi Châu tính còn hồn nhiên tự tại biết bao! Họ chẳng giống chúng ta, lập ra hằng đống luật lệ với đủ thứ quy tắc và giới hạn nhiêu khê, họ chỉ sống với bản chất vô tư ban sơ, bản chất hồn nhiên nguyên thủy mà chúng ta đã đánh mất từ lâu.

Một nha sĩ trên mạng tên Nguyễn Bình có chia sẻ cảm nghĩ sâu sắc sau chuyến công tác thiện nguyện hai tuần của Hội Mẹ Teresa ở Calcutta Ấn Độ, Hè 2012.

Với tôn chỉ phục vụ cho "người nghèo nhất trong những người nghèo"(The poorest of the poor), cho nên các vị nữ tu trong Hội của Mẹ sống với tinh thần đơn giản tuyệt đối. Nơi đây, các “Sơ”(soeurs - theo tiếng Pháp), ai cũng chỉ có hai bộ đồ luân phiên hoán đổi và một đôi dép, vậy thôi. Không nhà, không tiền, không điện thoại, không cell, không wifi, không laptop, không son phấn, không cả cái bàn, cái ghế để ngồi. Nói chung là không có thứ gì mà thế kỷ 21 này gọi là high tech và enjoy .

Người nghèo ở đây nhiều lắm, đa số là các trẻ cô nhi, tật nguyền, bại liệt, mắc bệnh Down; người già yếu mắc bệnh kinh niên, nan y hoặc không còn tự lo cho mình được. Nói chung là thành phần bị gia đình, xã hội ruồng rẫy, bỏ rơi và các “sơ” đem về chăm sóc. Họ là thành phần bị “vứt đi”, hoàn toàn sống bên lề rìa của xã hội.

Chi phí điều hành của Hội đa phần là tiền quyên tặng của các nhà hảo tâm và sự đóng góp tận tụy bằng sức lẫn tiền của thiện nguyện viên đến từ nhiều quốc gia trên khắp thế giới. “Hội Missionary Sisters of Charity" do Mẹ Teresa sáng lập có câu phương châm là: Không xin, không từ chối (Ask for nothing. Refuse nothing). Nghĩa là: Chúng tôi không quảng bá, không kêu gọi đóng góp. Nhưng nếu bạn có lòng, thì chúng tôi nhận tất cả những gì bạn tặng: tiền bạc, thời gian, công sức, một lời cầu nguyện, hay ngay cả một nụ cười.

Nơi mộ của Mẹ có một thùng nhỏ bằng gỗ, không hề khóa, để mọi người tùy hỷ đóng góp. Một đô, mười đô, trăm đô, thậm chí ngàn đô... Các Sơ không bao giờ bận tâm đến chuyện tham lam trộm cắp hoặc biển thủ những tài vật trong thùng.

Các nữ tu sống rất an nhiên tự tại, họ nghèo hơn chúng ta nhiều, vì tài sản của Sơ không có gì ngoài hai bộ đồ và hai bàn tay trắng. Nhưng họ giàu hơn chúng ta rất nhiều, bởi họ thật sự có trái tim và tấm lòng. Và những người bất hạnh cũng vậy. Với họ, sống được thêm một ngày đã là một niềm vui. Họ giống nhau ở một điểm duy nhất là "không có gì để lo, để nắm, để giữ, hay để sợ mất". Có những em bé mồ côi khi được phát viên kẹo, em rạng rỡ cười hạnh phúc, nụ cười vô tư và dễ thương làm sao. Có những ông cụ gầy giơ xương khi được phát trái chuối thì bóc vỏ ngay và cho vào mồm nhóp nhép nhai một cách ngon lành. Có những bà cụ bị bỏ rơi, chiều chiều khi thiện nguyện viên tới đắp cho bà tấm chăn, thì bà sung sướng nhắm mắt trong giây lát, rồi đi vào giấc ngủ êm đềm. Nơi này, chẳng thấy ai cần đến thuốc an thần hay thuốc trị trầm cảm. Bởi vì suy nghĩ của họ đơn giản hơn chúng ta nhiều lắm. Không tính toán, không tư lự, không ích kỷ, không ganh tỵ hẹp hòi, không thù hằn đố kỵ, và vì vậy đầu óc họ cũng thảnh thơi hơn chúng ta nhiều. Không sợ mất nhà, mất tiền, mất job, không sợ tai tiếng thị phi, không sợ cả cái chết dù nó có thể đến bất cứ lúc nào.

Phải chăng sự đơn giản đã giúp tâm hồn nữ tu và người nghèo nơi đây thanh thản tự tại hơn chúng ta?

Trong cuộc sống, có những thứ “Cho đi” là “Đón nhận”; “Đơn giản” tức là “Đầy Đủ”. Phải chăng hạnh phúc khi “Không” chính là “Có”? “Một” tức là “Nhiều”? Nắm giữ cho nhiều rồi khi nhắm mắt thì cũng chẳng còn chi.

Ở một nơi sâu kính, nơi những góc khuất của cuộc đời, còn ẩn hiện đâu đó, tìm lại được bổn nguyên “Nhân chi sơ, tánh bổn thiện”.Tuy có những người mới nhìn qua như bất hạnh, nhưng họ sống đơn giản nên họ thảnh thơi hơn chúng ta nhiều, tuy trắng tay nhưng lại giàu có hơn chúng ta biết bao!

Cảnh giới cao tột của học làm người là :”thành Phật”. Nhưng trước khi thành Phật thì phải “phất” (弗) phủi tất cả tâm niệm tư lợi chấp chước, phất sạch vô minh phiền não, phất hết những gì mà làm người không nên có thì mới có thể thành Phật (佛) được.

Khi màn đêm phủ trùm cư thất, ánh trăng vằng vặc chiếu sáng, rọi vào song cửa bỗng khiến tâm hồn mình như theo tia sáng đi vào cõi chân chính của ban sơ. Chợt nhớ câu nói của một vị Sư: “ngã ba hợp lưu của sông Trường Giang và Hoàng Hà hình giống như hình chữ nhân (人) tất cưu mang tính chất nhân văn vĩ đại của đất nước Trung Hoa". Trên thế gian này, hễ vùng đất nào có hai sông giao hội thành chữ nhân (人) ắt là có sự giao lưu hội thông, đúc kết nhân tài kiệt xuất. Người với người giao hội chẳng phải cũng như thế hay sao? Tánh Phật và nhân tâm cùng gặp gỡ cũng giống như thế - Muôn dòng sông cùng hội gặp nhau rồi đổ về một hướng - Chân Thiện Mỹ.

Trở về cuộc sống ban sơ
ôm ấp tâm hồn ngây thơ lúc đầu
Mộc mạc đơn giản vô sầu
Hạnh phúc là do không cầu không mong
Niềm vui góp nhặt trong lòng
Như hoa chớm nở rạng màu sắc hương
Mong manh trong trắng như sương
Dâng trào lan tỏa nẻo đường muôn nơi...

Trường
07-30-2020

6/25/22

Nỗi Niềm Quê Hương - Để nhớ lại một thuở học trò

Nỗi Niềm Quê Hương

Hầu như, những ai thích đơn giản, mang chút máu giang hồ, nhất là về tuổi già, đều có lúc chạnh lòng, mà "cúi đầu nhớ cố hương". Còn hết thảy những ai tha phương cầu thực, rời quê đi lập nghiệp mưu sinh nơi khác, thì hẳn nỗi nhớ quê hương lại càng thường xuyên trong lòng.

Cám ơn anh T. chia sẻ một bài viết rất hay "Để nhớ lại một thuở học trò", nói lên nỗi niềm thương nhớ quê hương bản quán, mảnh đất mà ta đã sinh sống, đã trưởng thành, đã ấp ủ bao nhiêu kỷ niệm vui buồn... chợt nhớ đến câu thơ của vị thi sĩ nào đó:

6/16/22

Cũng Là Hoa - Mạn Đàm Về Hoa

Hoa là biểu tượng cho vẻ đẹp. Mỗi loài hoa đều mang một sứ mệnh, sứ mệnh của hoa là đem cảm giác bình yên cho mọi người giữa cuộc sống đầy xô bồ và tất bật; là nhắc sự nhớ nhung (forget me not), sự thủy chung, tình yêu thương vô bờ bến, không chỉ là tình yêu nam nữ mà còn là tình bạn, tình anh em, tình máu mủ ruột thịt thân thiết cao quý.

6/10/22

BUÔNG

Hi các bạn,
Xin chia sẻ một vài cảm nghĩ thô thiển về "Buông"(放下), chúc các bạn cuối tuần vui vẻ.

BUÔNG

Nếp sống xa hoa của đô thị khiến con người chạy theo bả danh lợi, chìm đắm trong vòng xoáy của thời đại, vì dục vọng và lợi lộc mà phải chịu vất vả trong mưu sinh, dần dần đánh mất giá trị của mình trong chốn phồn hoa náo thị, lầu son gác tía và đèn hồng tửu sắc của cuộc sống xã hội vật chất hiện nay, giống như con sư tử trong đoàn xiếc, chỉ còn biết sống trong lồng thú hoặc biểu diễn trên sân khấu theo lệnh của quản thú, để đánh đổi lấy khẩu phần đã được phân định sẵn.

5/30/22

Steven Aitchison: Life's Journey - Chuyến Xe Cuộc Đời

Chuyến Xe Cuộc Đời

Cuộc đời như một hành trình trên chuyến xe lửa lần lượt qua nhiều trạm đường và có nhiều tình huống đột biến, bất ngờ qua các chặng đường khác nhau.

Lúc ra đời cũng là lúc ta bắt đầu bước lên chuyến xe lửa cuộc đời cùng cha mẹ của ta, những tưởng rằng cha mẹ sẽ luôn luôn bên cạnh và cùng đi với ta suốt cuộc hành trình. Thực ra, cha mẹ sẽ xuống xe tại một trạm nào đó trên hành trình, bỏ mặc cho sự cô đơn trống vắng vì không còn đồng hành với chúng ta.

Chuyến xe cứ lăn bánh, có người lên xe và cũng có người xuống xe, họ là những người có liên hệ mật thiết với chúng ta, như anh chị em, bạn bè, con cái, người thân yêu và cả vô số người mình nghĩ là vô can với ta trong cuộc đời.

Một số người bước xuống tàu và để lại sự trống vắng trong ta; một số người khác lại lặng lẽ ra đi mà mình không hề hay biết sự vắng mặt của họ.

Cuộc hành trình sẽ tràn đầy những trải nghiệm vui buồn, tụ tan và bao nhiêu điều trông chờ kỳ diệu.

Một cuộc hành trình tạm gọi là thành công là đạt được mối giao hảo, tạo dựng mối quan hệ tốt lành với hầu hết mọi hành khách... Điều đó đòi hỏi phải bỏ ra nhiều công sức và sự cố gắng của chúng ta.

Trạm xuống xe của mọi người là một sự diệu kỳ cơ mật mà không một ai có thể biết trước hoặc tiên đoán được. Cho nên, chúng ta nên sống một cuộc sống có ý nghĩa - biết thương người, khoan dung và hoàn thiện bản thân chính mình.

Điều này rất quan trọng vì sau khi kết thúc cuộc hành trình và rời khỏi chuyến xe, những kỷ niệm tốt đẹp sẽ tồn đọng lưu lại trong ký ức của những hành khách còn lại trên chuyến xe cuộc đời một khi vắng bóng của mình.

Tôi chúc bạn có một hành trình vui vẻ trong nhiều năm sắp tới.

Gặt hái thành quả, vui trong cuộc sống và ban rải hạt giống tình thương khắp nơi.

Quan trọng hơn nữa, chúng ta phải luôn biết ơn cuộc sống, trân quý mọi nhân duyên. Cuối cùng, tôi xin cảm tạ bạn đã cùng đi chung trên chuyến xe cuộc đời của tôi.

Lý Trinh Trường K5
05-27-2022


5/15/22

Hồi ức

Chuyện xưa 

"Xuân hoa thu nguyệt hà thời liễu, vãng sự tri đa thiểu?"(春花秋月何時了, 往事知多少?)

Ngày xuân ngắm hoa, đêm thu thưởng nguyệt, là những giây phút sảng khoái trong cuộc đời, đồng thời trong những giây phút ấy, những ký ức lại dâng trào biết bao kỷ niệm vui buồn của một thời đã qua; cũng như hai câu thơ trên của Hậu Chủ Lý Dục, nói lên nỗi lòng của một vị quân vương bị giam lỏng nơi đất khách, nhìn cảnh tượng mà hồi tưởng những ngày huy hoàng khi xưa như dòng nước sông kia cuồn cuộn bôn ba chảy về biển đông.

5/3/22

Ra Đi Bằng Mọi Cách

Cảm ơn anh K. chia sẻ video "Ra Đi Bằng Mọi Cách". Biến cố 30-4-1975 là một sự kiện quan trọng của dân tộc Việt Nam, cũng là một ấn tích lịch sử để chúng ta ôn lại một chặng đường gian nan đầy thảm thương đáng ghi nhớ trong những tháng ngày vạn lý tầm tự do, vào cõi chết tìm đất sống.

Ngày 30 tháng 04 năm nay (2022) đánh dấu 47 năm Miền Nam Việt Nam thất thủ.

Cuộc chiến Việt Nam kéo dài gần 20 năm chính thức đi vào lịch sử khi Dương Văn Minh tuyên bố buông súng đầu hàng vào ngày 30 tháng 04 năm 1975.

Tiếp theo, chính quyền của chế độ mới cũng tuyên bố đất nước dân tộc được giải phóng và hòa bình. Nhưng nước Việt Nam yêu mến của chúng ta có thực sự hòa bình hay không?

Khởi đi từ đó dù cuộc chiến bom đạn đã chấm dứt trên quê hương nhưng lại mở ra một trận chiến âm thầm khốc liệt và đau thương khác cho dân tộc. Đó là cuộc chiến giữa cái thiện và cái ác, giữa tự do và độc tài, giữa nhân đạo và bất nhân .....

4/29/22

The Battle of Jang Sari - Một phim hay

Chiến tranh vì miếng ăn, vì lợi ích, vì thanh vọng hay vì nghiệp chướng...

Từ Tần Thủy Hoàng đến Lý Tự Thành, rồi gần nữa là Hồng Tú Toàn phát động cuộc nội chiến Thái Bình Thiên quốc giữa thế kỷ 19, giết gần một phần tư dân số Trung hoa thời Mãn Thanh.

Những bạo chúa là bầy con rơi từ máu huyết đầy căm phẫn, là khởi điểm của bao nhiêu chiến cuộc ngút ngàn.

Từ Adolf Hitler, Benito Mussolini, Chiêu Hòa, và gần đây là Putin, là thủ phạm gây ra thế chiến và cuộc xâm lăng Ukraine đã đưa đẩy nhân loại vào địa ngục trần gian.

3/15/22

Tứ Đại Kỳ Thư

"Phước bất trùng lai, họa vô đơn chí," cơn đại dịch Cocid-19 còn đang hoành hành, cuộc chiến tranh giữa Nga và Ukraine lại bùng nổ. Thiên tai chưa dứt, nhân họa đã đến, đó phải chăng là hiện tượng của đại công nghiệp và là dấu hiệu của ngày tận thế đang cận kề.

Chúng ta không thể chọn lựa cuộc sống như ý muốn, nhưng có thể chọn lựa một tư duy một cách sống thanh an tự tại.

Hồng Lâu, Tam Quốc, Thủy Hử và Tây Du là tứ đại danh tác cũng là bốn loại tư tưởng tu hành để giúp cho ta tìm một lối thoát trong loạn thế. Mong trí tuệ của các bậc tiền nhân xoa dịu phần nào nỗi phiền muộn của người đói.


Tứ Đại Kỳ Thư

Nhớ thời học bậc trung học, thầy giáo nói: "thiếu niên đọc Hồng Lâu, thanh niên đọc Tam Quốc, trung niên đọc Thủy Hử, sau cùng đọc Tây Du. Đọc hiểu là tu hành, đọc không hiểu là may mắn." Lúc đó nghe rồi chẳng hiểu, cho nên bỏ qua lời nói của thầy.

Thời gian trôi qua, vật đổi sao dời, trải nghiệm trong cuộc sống luôn biến thiên giao động khiến tôi cảm nhận được nhiều ý nghĩa của cuộc đời, đồng thời dần dần lãnh hội được lý lẽ trong lời nói của thầy.

3/6/22

Thơ gửi người em xứ Ukraine



Thơ gửi người em xứ Ukraine

Ukraine có gì lạ không em?.
Da, có nhiều lắm anh ạ.
Đại bác ngày đêm rót về thành phố,
Đánh thức mẹ già,
trẻ con khóc oà,
nhà cửa nát tan.

Ukraine có gì lạ nữa không em?
Dạ, nhiều lằm anh ạ.
Hàng vạn chiến xa tiến về thành phố
Hàng vạn tấn bom trút xuống mái nhà
Người lính cứu hỏa
Ẳm xác mẹ ra .

Ukraine còn gì lạ nữa không em?
Dạ, còn nhiều lắm anh ạ:
Người cha hôn con trong bụng mẹ
Đi ra chiến trường chống quân Nga
Tay cầm bom xăng, ném vào chiến xa .

Ukraine còn gì lạ nữa không em ?
Da, còn nữa anh ạ,
Tổng thống cùng quân dân rất gan dạ,
Cương quyết ở lại bảo vệ nước nhà.
Ukraine sẽ hát khải hoàn ca.

XC
****************


Bài thơ của anh XC mang cho tôi nhiều cảm xúc, khiến tôi nghĩ đến những năm tháng đau thương của cuộc chiến tranh Việt Nam nói riêng và hai trận thế chiến nói chung.

Nói lên nỗi đau của bất kỳ cuộc chiến tranh phi nghĩa nào, thì bên cạnh đó là niềm mơ ước thế giới được hòa bình, an lạc.

Trong chiến tranh không có kẻ thắng, nhất tướng công thành vạn cốt khô, được quyền lợi, mất nhân nghĩa, hại cho chúng sinh. Thế mà trong lịch sử loài người, chiến tranh vẫn cứ tiếp diễn từng ngày, từng phút, từng giây .... Đó là cái cộng nghiệp lớn nhất của loài người.

Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi, xưa nay chinh chiến, mấy ai về!

Chợt nhớ đến hai bài thơ nói về chiến loạn của :

Tào Tùng 曹松 :
澤國江山入戰圖 (Trạch quốc giang sơn nhập chiến đồ)
生民何計樂樵蘇 (Sinh dân hà kế lạc tiều tô)
憑君莫話封侯事 (Bằng quân mạc thoại phong hầu sự)
一將功成萬骨枯 (Nhất tướng công thành vạn cốt khô)

Khẳp nơi trong nước rơi vào cơn chiến loạn,
Dân đen làm sao có thể yên vui sinh sống?
Các ông đừng có nói về chuyện phong hầu nữa,
Vì một vị tướng đánh thắng thì có vạn người chết vì chiến loạn.

"Binh đao chiến lửa đã lan tràn
Hỏi mấy ai kia được sống nhàn
Xin đừng nói chuyện phong hầu tước
Một tướng thắng trận vạn xác tan!"

Và Vương Hàn 王翰
葡萄美酒夜光杯 (Bồ đào mỹ tửu dạ quang bôi)
欲飲琵琶馬上催 (Dục ẩm tì bà mã thượng thôi)
醉臥沙場君莫笑 (Túy ngọa sa trường quân mạc tiếu)
古來征戰幾人回?(Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi?)

Rượu bồ đào rót ra chén ngọc,
Toan uống, chợt nghe tiếng đàn giục lên ngựa,
Nếu có say nằm giữa sa trường xin chớ mỉa,
Xưa nay ra chiến trận mấy người trở về?

"Rượu bồ đào, chén dạ quang,
Ta vừa định uống, tiếng đàn giục đi.
chiến trường say, cười làm chi
Xưa nay chinh chiến, mấy khi trở về!"

Trường

2/6/22

Múa Lân - Acrobatic Lion Dance @ IOI Mall Puchong (06/02/2022)



******
Xem phim nhớ lại lúc còn nhỏ, thích xem múa lân vào mấy ngày Tết. Trong tiếng trống chiêng inh ỏi, tôi rán chen tới hàng đầu trong đám đông, ngồi bệt xuống đất, hai tay chống cằm, xem biểu diễn lân sư rồng suốt ngày đến nỗi quên ăn quên uống, cũng như anh Kim nói: "Đó là thú vui của tuổi thơ."

1/29/22

Cảm Kích

Cuốn lịch trên bàn xé còn dư lại vài tờ cuối cùng, mấy hôm nữa là xuân về Tết đến. Tiễn cũ đón mới, viễn cảnh của năm mới chưa hiểu thế nào, tai ương của năm cũ thì khiến lòng người khắc khoải bất an. Cơn dịch Covid-19 hoành hành toàn cầu gần suốt hai năm, lạm phát cao nhất trong 40 năm đã và đang bủa vây Hoa Kỳ, giá sinh hoạt đắt đỏ khiến cuộc sống bình dân ngày càng khó khăn. Tuy nhiên, chuyện thế gian luôn tồn tại hai mặt, trong họa có phước, trong thuận có nghịch.

Covid-19 khiến mọi người lo sợ kinh hoàng, nhưng cũng vì vậy mà chúng ta ý thức được sự sống còn mỗi một ngày là một ân ban lớn nhất của bề trên.

Dưới góc nhìn của Đạo Phật, ta nên cảm ơn nghịch cảnh và những người đã gây ra phiền não cho mình vì nhờ đó giúp ta khuôn đúc được tâm nhẫn nhịn, tiếp tục trưởng thành và mạnh mẽ hơn.

Xin chia sẻ một đoạn phim ngắn (chỉ có phụ đề tiếng Hoa), nội dung như sau: