Showing posts with label Thơ. Show all posts
Showing posts with label Thơ. Show all posts

1/18/24

Mưa Cuối Năm

 Dạo:

       Quay về đánh bạn với tinh,

Lầm tay liễu ngõ, thấy mình trắng tay.

  

Cóc cuối tuần:

 

   Mưa Cuối Năm

 

Mưa rỉ rả rập rình

Như lời kinh cứu độ.

Người ngượng ngùng xấu hổ,

Buồn khổ chuyện vừa qua.

 

Từng giọt vỡ xót xa

Trong tim già lạnh cóng.

Câu kinh dường lạc lõng,

Lúng búng chẳng nên lời.

 

Thoảng trong tiếng mưa rơi,

Có tiếng cười băng giá,

Tiếng ngọt ngào lơi lả

Dối trá của tình đời.

 

Người ngước mắt nhìn trời,

Lòng rối bời trăm mối,

Vừa thẹn thùng biết lỗi,

Vừa tiếc nuối vu vơ.

 

Trách mình tóc bạc phơ

Còn ngây thơ khờ dại,

Đem tiền về quê rải,

Mong hái mận bẻ đào.

 

Tai nghe tiếng thì thào,

Ngọt ngào và êm ái,

Của những người con gái,

Đã từng trải gió sương.

 

Chân men lối đoạn trường

Đến Thiên đường giả tạo.

Hồn say mê mộng ảo,

Tưởng chồn cáo là tiên.

 

Nhưng khi mỏi hết tiền,

Nàng tiên thành ác quỷ.

Như ăn mày mất bị,

Người về Mỹ trắng tay.

 

Vợ con ở chốn này,

Sau bao ngày chới với,

Quyết không còn biết tới

Kẻ phơi phới phụ tình.

                 x

             x      x

Người dừng bước lặng thinh,

Giận mình xưa nghĩ quẩn.

Chỉ mảy may lầm lẫn,

Mà chuốc hận trăm năm.

 

Gió dần rít lạnh căm,

Át lời ăn năn muộn.

Lá vàng con nước cuốn,

Luống cuống bám nhành rong.

 

Giông bão nổi trong lòng.

Non Bồng đà mất lối,

Lượn lờ trong bóng tối

Câu tiếc hối trễ tràng.

      Trần Văn Lương

         Cali, 1/2024



Xin kính họa

 

Dạo:

       Bò già gặm cỏ linh tinh,

Trót đời ngu dại biến mình thành bê.

  

Cóc cuối tuần:

 

   Mưa Cuối Năm

 

Nhịp trống bỏi rập rình*

Hòa sóng tình lỡ độ

Thành nguồn cơn tủi hổ

Trăn trở tháng ngày qua.

 

Quả báo chẳng đâu xa:

Đôi tay già lóng cóng.

Thân trọi trơ lạc lõng,

Khô đắng họng, nghẹn lời!

 

Mưa rả rích rơi rơi...

Lòng người thêm buốt giá,

Bầy cỏ non lơi lả

Vờn nghiêng ngả ngạo đời.

 

Nào dám trách oan trời,

Khi lòng người chia mối,

Biết mê lầm tội lỗi,

Vẫn chọn lối bá !

 

Râu tóc đã bạc phơ

Cải trang như tuổi dại!

Hạt mầm oan trái rải,

Hố thải tự tay đào!

 

Âm giọng đã thều thào,

Cố phều phào “ngữ ái”,

Làm trò cười cho gái,

Như vạc oải kêu sương!

 

Đắm đuối giấc miên trường

Trong tấn tuồng tự tạo:

Nơi “hoàng cung” diễm ảo

Vua ngáo sánh vai “tiên.

 

Mua đến khi cạn tiền**

Thoắt nhiên tiên hóa quỷ!

Không mảy may phòng bị,

“Vua” thất chí buông tay!

 

Quay trở lại nơi này,

“Nhà” xưa ngay tầm với,

Nay bước hoài không tới

Vòi vọi khối tình!

                 x

             x      x

Giữa trời đất lặng thinh,

Một bóng hình quanh quẩn.

Tâm thần chưa lú lẫn,

Còn khổ hận bao năm?

 

Giữa vật vã hờn căm,

Lệ âm thầm nhỏ muộn.

Ngược dòng trôi gió cuốn,

Nghiệp chướng quyện rêu rong.

 

Giông tố sắt se lòng.

Bòng bong giăng mịt lối,

Trước mắt đầy vũng tối

Thân chìm nổi về đâu?

 

    - AiCơ HoàngThịnh-

     Melbourne, 1/2024

-----------------

* “Già ham chơi trống bỏi” (thành ngữ)

** “Có tiền mua tiên cũng được” (thành ngữ)

Paris Mưa Tuyết

 Ngày 18/01/2024, tuyết trắng Eiffel


Trời cao đất thấp một màu
Eiffel cao ngất âu sầu lẻ loi
Ngô đồng rụng lá tuyết rơi
Đường đi trắng xóa vẽ vời tiết đông.

Paris vắng tiếng tơ đồng
Chim muông lặng lẽ còn trông ngóng gì
Cảnh buồn tựa cõi vô vi
Người đâu chẳng thấy nói chi tang bồng.

Trên đầu tóc trắng như bông
Cảnh đây người đấy tơ mòng tuyết sương
Có chăng một cõi vô thường
Một vầng tóc trắng đường trường rụng rơi.

Lê Đình Thông

1/2/24

94 Tự Tình

Trời cho chín bốn (94) tuổi rồi, (*)
Bao ngày thơ thẩn với đời nữa đây?
Kể mình, như chuối chín cây.
Gió lay chuối rụng, biết ngày nào đâu!


Cửu tuần cũng chẳng dài lâu,
Âm dương thoắt cái… ngõ hầu giấc mơ!
Hồi nào, xanh tóc tuổi thơ,
Mà nay, thôi đã bạc phơ mái đầu!

Dập vùi bao cuộc bể dâu!
Bốn phương lạc cánh hải âu vô thường.
Đã từng cạn chén đau thương!
Kinh qua thành bại, máu xương trận tiền.

Núi sông, vẫn nặng ưu phiền!
Thẹn mình, chưa trọn lời nguyền sắt son!
Thôi thì… cung nguyệt đã tròn,
Con đường xuống núi, chẳng còn bao xa.

Cao tay nâng chén quan hà,
Tạ lòng tri kỷ, bạn xa bạn gần!
Một mai ở chốn phù vân,
Nhớ nhau, tìm lại đôi vần thơ xưa.

(*)  Ngày kỷ niệm sinh nhật thứ 94 của TQB: 1/1/2024

Trần Quốc Bảo

1/1/24

Tết Tây Cảm Khái

 Khai Bút
Đầu Năm 2024 Dương Lịch:

Tết Tây Cảm Khái

Đầu năm mưa lác đác,
Quạ kéo về quang quác.
Thân bệ rạc lê la,
Miệng ba hoa toác hoác.
Ngày xơ xác tả tơi,
Tối rã rời phờ phạc.
Người hát xướng lu bù,
Mình ù ù cạc cạc!

Trần Văn Lương
Cali, 1/1/2024



Tết Tây Tự Trào

 

Tết ngồi nhơi hạt đác (1)

Mặc lũ gà quang quác

Thần xác vốn rề rà ;

Cửa nhà thì huếch hoác!

Khi ngơ ngác khật khừ ;

Lúc ngất ngư phờ phạc.

Xuân đánh bạc thử thời...

Rồi... không ngơi cà cạc! (2)

         -AiCơ-

    Melb, 1/1/2024

 (1) Hạt đác (Arenga pinnata) có màu trắng đục, to bằng đốt ngón tay cái.

(2) cà thẻ rút tiền.



Ngày giáp Tết ở quê nghèo

Người người bận đan đát
Gà, ngỗng kêu quác quác
Thơ thới buổi nông nhàn
Cửa nẻo mở toang hoác
Xơ xác thay cảnh nghèo
Eo sèo còn sát phạt
Mon men cổng nhà quan?
Lệ làng phải trình cạc (*)

Yên Nhiên
1/1/2024

(*) danh thiếp


KHAI BÚT ĐẦU NĂM 2024

Đầu năm thật là hên
Được khuyến khích ngợi khen, 
Niềm tự tin tuột dốc
Bèn lóc ngóc ngoi lên... 

Từ lâu, bất giác quên
Chữ nghĩa lẫn tuổi tên
Rất quen... sao chẳng nhớ?
Thiệt mắc cở, vô duyên! 

Nhờ anh Lương xướng thơ
Gợi ký ức xa mờ...
Càng thâm cơ lắt léo
Càng khéo chữa bệnh khờ. 

Biết ơn Thầy Trần Long
Mục Đố Chữ kỳ công
Đem phổ thông kiến thức
Đến gần mức tinh thông.

Cảm ơn ông đồ Bân
Gương tận tụy chuyên cần
Dịch thuật và nghiên cứu
Đáng khâm phục vô ngần.

Cảm ơn anh chồng già
Giỏi chịu đựng thứ tha
Chị vợ già lú lẫn
Giỏi lẩm cẩm kêu ca.

Ai Cơ

12/22/23

Xin Ngôi Sao Lạ

 

Theo ngôi sao lạ phương đông

Ba Vua gặp Chúa Hài Đồng giáng sinh

Niềm tin mặc khải, sấp mình

Tiến dâng lễ vật, tôn vinh Ngôi-Lời

 

“Sáng danh Thiên Chúa trên trời

Bình an dưới thế cho người thiện tâm” (1)

Thiên cung nhạc nhã vang âm

Hang Bê-Lem ngát hương trầm thơm tho.


Đất trời mầu nhiệm giao thoa

Nguồn Ơn-Cứu-Độ tuôn oà chứa chan

Nằm trong máng cỏ cơ hàn

Người là ánh sáng thế gian muôn đời

 

Người là sự sống bởi trời

Là chân thiện mỹ ngời ngời tâm linh

Ba Vua theo ánh cứu tinh

Lại về mỗi dịp Chúa sinh ra đời.


Con qùy lạy Chúa… Chúa ôi!

Cho ngôi sao lạ chiếu trời Việt Nam!

Xua tan “quốc nạn sao vàng”

Quê hương con được bình an muôn đời

 

Muôn ngàn lạy Chúa… Chúa ôi!

Xin ngôi sao lạ chiếu trời Việt Nam!

 

             

Trần Quốc Bảo


12/16/23

Cảm Nhận Từ Một Bài Thơ

Ảnh trên Internet

Bài Thơ này trích từ cuốn sách được nhiều người cho là sách giác ngộ. Lúc trẻ đọc sách này, cảm giác là đi vào thế giới mầu nhiệm, thần tiên quỷ quái, đấu phép biến hóa, sau này đọc lại sách này khi đã kinh qua nhiều trải nghiệm đắng cay của cuộc đời, mới thấy trong sách hàm chứa nhiều triết lý thâm sâu, sự trưởng thành chuyển hóa của con người qua cuộc sống đầy cam go thử thách. Sách này chính là kỳ thư "Tây Du Ký". Thật vậy, trưởng thành là chuỗi dài của sự đau khổ, một kiếp người tuy ngắn ngủi nhưng thiết nghĩ mọi người đều có những trải nghiệm và quan điểm của mình về ý nghĩa trưởng thành của cuộc đời.

Trong chương đầu của Tây Du Ký, tác giả Ngô Thừa Ân dựng nên một nhân vật thần kỳ là Tôn Ngộ Không. Truyện kể về Tôn Ngộ Không có bài thơ, xin trích dẫn ra đây ...:

Hầu vương thuở xưa xưng bá tại Hoa Quả Sơn, một hôm nhìn trời nhìn mây bỗng nhiên nghiệm ra lẽ vô thưởng của kiếp nhân sinh, lập tức hạ quyết tâm từ bỏ ngôi vua ở động Thủy Liêm, lặn lội đơn thân tầm sư học đạo, mong tìm được thuật “trường sanh bất lão”. Hầu vương đóng một chiếc bè, giã từ đoàn khỉ rồi lên đường tìm thầy, tìm người giỏi để học đạo. Một hôm, Hầu vương chèo đến một vùng biển thật xa, thấy nhiều người đang bận rộn với việc làm, người thì chài lưới, người thì phơi cát làm muối, người thì bắt hến cào ngao ... Hầu vương lấy làm lạ nên lên bờ tìm hiểu thêm nếp sống của trần thế. Đây là lần đầu tiên chú khỉ trực diện tiếp xúc và nhìn thấy nếp sống bộn bề, vất vả của người đời. Bài thơ mà chúng ta muốn đề cập dưới đây là cảm giác của chú khỉ lúc bấy giờ. Bài thơ này không có tựa.

爭名奪利苦追求,早起遲眠度春秋,
騎著驢騾思駿馬,官居宰相思王侯,
只愁衣食營家計,不怕閻君來取勾,
繼子蔭孫圖富貴,更無一個肯回頭.

Âm Hán Việt:
Tranh danh đoạt lợi khổ truy cầu, tảo khởi trì miên độ xuân thu, 
kỵ trước lư loa tư tuấn mã, quan cư tể tướng tư vương hầu, 
chỉ sầu y thực doanh gia kế, bất phạ diêm quân lai thủ câu, 
kế tử âm tôn đồ phú quý, canh vô nhất cá khẩn hồi đầu.

Dịch thoát

Người đời tất bật mưu sinh vì sinh kế mà phải quay cuồng hối hả theo cuộc sống, hơn thế nữa, vì lòng tham vô đáy đã khiến con người dần mất phương hướng, thậm chí đánh mất cả bản chất vì mãi chạy theo những điều phù phiếm xa hoa bên ngoài. Thật vậy, nhiều người sa vào vòng xoáy của "gạo và tiền"; sợ nghèo không sợ chết, vẫn là tâm lý chung của người đời, rồi cứ thế mà tiếp diễn từ đời này sang đời khác. Có bao nhiêu người quán triệt câu "hồi đầu thị ngạn", biết dừng lại và quay đầu giác ngộ.



Dĩ nhiên, Hầu vương dè bỉu lối sống chỉ biết chạy theo danh lợi tiền tài của người đời. Nhưng liệu Hầu vương thấy được toàn bộ giá trị thực sự của người đời không? Chắc chắn là không. Bởi vì khi xưa Hầu vương làm vua tại Hoa Quả Sơn, nơi đây bốn mùa là xuân, sai quả trĩu cành, vươn tay lên là có quả ngon, cho nên cuộc sống của Hầu vương rất thanh thản thư thái, không biết gì cảnh cơ cực đói khổ. Tuy nhiên, trần thế lại khác hẳn, đâu phải ai ai cũng được cơm no áo ấm, nhiều người ăn bữa sáng phải lo đến bữa tối. Ngay cả những người chức trọng quyền cao, thậm chí vương hầu bá tước, một ngày nào đó cũng có thể sa vào cảnh cơ hàn, chỉ một biến cố trong phút chốc là làm đảo lộn tất cả. Nói cho cùng con người phải nhọc nhằn vất vả hầu duy trì một cuộc sống no ấm tối thiểu. Tuy nhiên với bản chất vô thường của cõi ta bà, nhu cầu tối thiểu của cuộc sống cũng thường bị đe dọa, thậm chí bị tàn phá hủy diệt do thiên tai nhân họa.

Hầu hương lần đầu tiên từ cõi “tiên cảnh nhân gian” đến nơi phàm trần thế tục, tất nhiên không hiểu rõ sự tình, không biết đời là bể khổ, hay nói đúng hơn, Hầu vương không biết hồng trần vốn được thiết lập dựa trên cơ chế ham muốn, con người vốn được cấu trúc với tham sân si, muốn thỏa mãn nhu cầu vô tận, nên phải chịu khổ.

Cho nên Hầu vương cảm thấy xúc động khi thấy người đời mãi chìm đắm trong khao khát dục vọng. Kỳ thực, trên đời quả nhiên có lắm kẻ tham lam và ích kỷ, nhưng đa phần không hẳn hoàn toàn chỉ vì tham, mà vì họ cảm thấy có nhiều nguy cơ đe dọa trong sinh hoạt hàng ngày.

Sau khi cảm khái cuộc sống vất vả của người đời, Hầu vương tiếp tục hành trình tầm sư học đạo. Truyện kể trên đường gió bụi, Hầu vương được một lão tiều phu chỉ đến “động Tà nguyệt Tam tinh” do Tổ sư Tu Bồ Đề làm động chủ. Ở đây sau bảy năm cặm cụi miệt mài với những công việc nặng nhọc: gánh nước, giã gạo, chẻ củi … mới được Tổ truyền pháp. Hầu vương là con khỉ hóa thân từ tảng đá tiên, có khiếu trời sinh, không bao lâu, đã tinh thông 72 phép thần thông biến hóa, cưỡi mây đạp gió, cân đẩu vân, phi thiên độn thổ. Sau khi Hầu vương tinh thông đạo pháp, bái tạ ơn sư, xuống núi, nhập thế hành đạo, tâm hồn phơi phới tựa như cậu học trò trẻ vừa mới ra trường bước vào ngưỡng cửa xã hội, tuổi trẻ bồng bột, xem thế giới là giang sơn của mình. Hầu vương từng đến “Long Cung Đông Hải” cướp lấy “Như Ý Kim Cô Bổng”; xuống âm phủ phá quấy và xóa tên mình trong “sổ sinh tử”; thậm chí lên trời “đại náo thiên cung”, đòi ngang hàng bằng Trời (Tề Thiên). Thiết nghĩ chúng ta cũng từng trải qua thời kỳ ngạo mạn của tuổi niên thiếu, phải chăng đó cũng là tâm lý chung của tuổi trẻ, không biết trời cao đất rộng, không biết quy tắc khuôn phép đối nhân xử thế, chung quy xã hội sẽ dạy ta bài học cuộc đời.

Sau khi Hầu vương gây nhiều tai họa động trời, cuối cùng bàn tay của Phật Tổ đã túm bắt con khỉ ngông cuồng này, mang ra ngoài cửa Tây Thiên, đè chặt nhốt dưới ngũ hành sơn, rồi dán trên đỉnh núi lá bùa trên có lục tự chân ngôn: “úm-ma-ni-bát-mê-hồng”(唵嘛呢叭咪吽) để Hầu vương tham thiền quán chiếu. Sau 500 năm dày công tu luyện, gạn đục lóng trong dưới ngũ hành sơn, Hầu vương dần ý thức được quy luật của trời đất và đạo lý làm người. Về sau khi được Đường Tăng giải cứu, Hầu vương hồi đầu thị ngạn, quyết tâm vứt bỏ tánh xấc xược tự đại, đeo lên đầu chiếc vòng kim cô rồi hộ giá sư phụ đi Tây phương thỉnh kinh.

Tôn Ngộ Không cùng sư phụ, hai sư đệ phải lặn lội thiên sơn vạn thủy, vượt qua ngàn dặm đường trần, hàn phục vô số yêu ma quỷ quái, mới đến Thánh địa Tây Phương và được Phật Tổ Như Lai tán thán công đức viên mãn tại “Đại Hùng Bảo Điện”, chùa Lôi Âm, Thiên Trúc.

Câu chuyện của Tôn Ngộ Không cho chúng ta thấy, con người, chỉ sau khi trải qua những gian nan thử thách trên đường đời, và những chướng ngại vô minh trong nội tâm, mới có thể thoát vòng tục lụy, giữ tâm thanh tịnh, tiếp tục vững bước trên con đường truy cầu chân thiện mỹ.

Nếu Tôn Ngộ Không sau khi đã chứng đắc, một lần nữa trở lại cõi ta bà nhân gian, nhìn thấy người đời vất vả mưu sinh, lao đao lận đận suốt đời vì nợ cơm áo, Tôn Ngộ Không chắc chắn sẽ không còn ánh mắt với nhiều nghi vấn như trước nữa, mà sẽ vô cùng từ bi thương xót cho số phận truân chiên ngặt nghèo của chúng sanh.

Thực ra, con đường thỉnh kinh của Tôn Ngộ Không trong Tây Du Ký cũng giống như con đường trưởng thành của chúng ta trên cõi đời. Lúc còn nhỏ thì ngơ ngơ ngáo ngáo; khi lớn lên thì ngạo ngạo nghịch nghịch; đến tuổi trung niên khi va chạm với cuộc sống, trải qua bao cam go thử thách, mới hiểu được cuộc đời vốn dĩ chẳng dễ dàng, trưởng thành là một vết thương không bao giờ đóng miệng vì chúng ta phải luôn tiếp tục mang cả nước mắt, mồ hôi, sự đau khổ hòa cùng những vấp ngã trong sự trưởng thành của cuộc sống …

Bài thơ của Tôn Ngộ Không thực ra chỉ là một cảm nhận nhỏ trong giai đoạn trưởng thành và một thoáng nhìn dưới lăng kính khác của Hầu vương. Cái khéo léo và tinh tế của tác giả Ngô Thừa Ân là cho chúng ta thấy sự trưởng thành và chuyển hóa của Tôn Ngộ Không trong Tây Du, cũng như khi chúng ta đã từng trải về đời, một khi những đòn roi của đời bào mòn hết những gai góc trong lòng, mới biết thông cảm với lối sống bôn ba vì cơm áo và sự chịu đựng kiên trì trước những khó khăn mưu sinh của người đời.

Tôi nghĩ rằng Ngô Thừa Ân viết bài thơ trên với ẩn ý: việc gì cũng phải có chừng mực, sống trong danh lợi, theo đuổi nhưng không đắm đuối trong danh lợi; sống với dục vọng, kiềm chế nhưng không sa đà với dục vọng.

Văn dĩ tải đạo, Tây Du Ký mượn truyện thần kỳ để chuyển tải đạo lý; Tây Du là truyện ngụ ngôn trong cái hư hàm chứa cái thực. Cuộc thỉnh kinh của Tây Du mang ba chủ đề: phấn đấu, chuyển hóa và giác ngộ. Hành trình thỉnh kinh 108,000 dặm từ Đại Đường Đông Thổ đến Thiên Trúc Tây Phương có thiên ma vạn quỷ ngăn đường cản lối bước chân tìm chân lý của thầy trò Đường Tăng. Cuộc chiến đấu trừ ma diệt quái của Tôn hành giả tương tự con người phải chế ngự những mê muội của tham sân si, khắc phục những dằn vặt của thất tình lục dục, chuyển hóa nội tâm để giác ngộ và giải thoát. Cuối cùng thầy trò Đường Tăng đến Thánh địa Thiên Trúc, diện kiến Phật Tổ và được trao vô tự chân kinh (無字真經),là Kinh giấy trắng không chữ, là những câu Kinh gốc vô hình tướng bàn bạc và truyền tụng khắp nơi trong cuộc sống. "Kinh" trong Hán ngữ là kinh qua (經過), là ý chỉ những việc đã trải qua, những khó khăn trên đường đời, những chướng ngại trong nội tâm chính là chân kinh, vượt xa văn tự chữ nghĩa nơi thế gian con người. Một người, chỉ sau khi trải qua những gian truân thử thách của thế gian, mới có thể giữ được chân tâm, dù chưa đến Tay Thiên nhưng đã thành Phật trong lòng.

Hồi tưởng năm 1978, với ý nguyện được giải thoát sự ràng buộc của chế độ mới, tôi quyết định vượt biên tìm tự do, chiếc tàu cũ lênh đênh bao tháng ngày trên mặt biển, trải qua những giây phút cuồng phong bão tố, cửu tử nhất sinh, vượt quá nửa vòng trái đất từ Việt Nam miền Đông Á đến nước Mỹ Tây phương, tái lập cuộc sống mới tại xứ lạ quê người, suốt cuộc hành trình đầy phong ba thử thách, chúng ta phải phấn đấu, chuyển hóa rồi trưởng thành, cũng như cuộc thỉnh kinh của Tây Du Ký, mục đích không phải là then chốt, quan trọng là quá trình. Chúng ta phải có nghị lực và can đảm vượt qua từng bước một trên con đường nhân sinh gay go trắc trở. Nói như thế, giá trị của vượt biên, mong được cuộc sống của tự do, thực chất là chi? nghĩ rằng cũng không cần mà cũng không nhất thiết phải có câu trả lời.


Đọc Tây Du hóa ra không phải đọc Tây Du, mà là đọc lại chính ta; Ngô Thừa Ân hóa ra không phải Ngô Thừa Ân, mà là mật ngữ siêu thoát của Thánh Hiền. Ngô là họ Ngô, là chính ta (ngô bối 吾輩); Thừa là thừa hưởng, thọ nhận; Ân là ân sâu đức cả. Ai xưa kia đã thọ hưởng được cái học của Thánh Hiền mà giác ngộ, không nỡ đem giấu làm của báu riêng tư, nên lấy cuộc văn chương, mượn trò chữ nghĩa bày truyện Tây Du? Thọ ân ai mà Ngô Thừa Ân muốn đáp tạ ân ai?


"Kiếp tằm mang trả nợ dâu
Đem lời trầm tưởng diễn câu diệu huyền
Ngỡ rằng ma quái thần thiên
Nào hay rốt lại nhãn tiền chính ta
Sực tỉnh dừng bước giang hà
Mực đen giấy trắng gọi là nhân duyên”

Trường
12-15-2023


Xem Video :

12/14/23

Đã Mấy Giáng Sinh Rồi

 Dạo:

        Đã qua mấy Giáng Sinh rồi,

Nhà già ai vẫn gượng ngồi ngóng trông.

  

Cóc cuối tuần:

 

        Đã Mấy Giáng Sinh Rồi

 

      Nhà dưỡng lão, đèn màu vụt tắt,

      Hành lang đêm lặng ngắt như tờ,

          Lão bà đôi mắt trõm lơ,

Nghẹn ngào thao thức vật vờ trở trăn.

 

      Buồn nhớ lại những năm về trước,

      Khi hai người còn được bên nhau,

          Chồng lo nuôi vợ ốm đau,

Thuốc thang rau cháo đấy đâu sẵn sàng.

 

      Dẫu khuya khoắt trễ tràng mở mắt,

      Đều thấy chồng có mặt trông nom,

          Ông tuy thân xác gầy còm,

Vẫn chăm sóc vợ sớm hôm một mình.

 

      Mỗi lần Lễ Giáng Sinh về đến,

      Cháu con qua bày biện cửa nhà,

          Cùng mừng đón Chúa sinh ra,

Và sum họp với mẹ cha, ông bà.

 

      Vừa khi tiếng thánh ca tắt lặng,

      Mọi người trao quà tặng cho nhau,

          Tạm quên hết những cơ cầu,

Nỗi buồn biệt xứ, giấc sầu tha hương.

 

      Ngờ đâu sổ đoạn trường sẵn mở,

      Bắt người chồng giũ nợ, xuôi tay,

          Vợ già bệnh hoạn nằm đây,

Biết ai chăm sóc từ nay đêm ngày.

 

      Khi công việc ma chay vừa ổn,

      Đời bắt đầu phiền muộn đớn đau.

          Bầy con lo tị nạnh nhau,

Đứa nào cũng muốn mau mau chạy làng.

 

      Chúng viện đủ trăm ngàn lý lẽ,

      Chẳng đứa nào nhận mẹ về nuôi,

          Om sòm cãi vã lôi thôi,

Cuối cùng đem mẹ bỏ nơi nhà già.

 

      Rồi nại cớ đường xa lối rẽ,

      Chúng họa hoằn mới ghé lại thăm.

          Nhưng mà chỉ được ít năm,

Thế rồi chim cá bóng tăm khuất dần.

 

      Giáng Sinh đã xoay vần mấy bận,

      Lũ con rày ở tận nơi nao,

          Mà sao vắng bặt âm hao,

Buồn vui sống chết thế nào chẳng hay.

 

      Càng nhớ đến tháng ngày đã mất,

      Càng thấy lòng chất ngất ăn năn,

          Thương chồng xưa phải trôi lăn,

Vì mình vất vả nhọc nhằn gian lao.

 

      Thầm tự trách mình sao quá quắt,

      Hết cằn nhằn lại gắt gỏng ông.

          Giờ đây bóng lẻ phòng không,

Lâm râm tạ lỗi, xin chồng thứ tha.

                            x

                        x      x

       Văng vẳng tiếng thánh ca buồn tẻ,

       Ánh mắt khờ lặng lẽ chờ mong.

           Lạnh lùng gió rít đêm đông,

Mênh mang nỗi nhớ, mênh mông bể sầu.

 

      Người buồn tủi gục đầu nuốt lệ,

      Nghĩ đến câu "một mẹ mười con", (*)

          Mà nghe lòng héo dạ hon,

Nỗi đau tưởng lắng chợt mon men về.

 

      Thâm tâm vẫn không hề oán trách

      Đám con đà bỏ lạch quên sông,

          Tấm lòng từ mẫu bao dong,

Đại dương dẫu lớn cũng không sánh tày.

 

      Người nằm đó, mặt mày co thắt,

      Nghe tứ chi lạnh ngắt dần dần,

          Thương thay, giây phút lìa trần,

Vẫn mơ con sẽ một lần ghé thăm.    `  

                  Trần Văn Lương

                    Cali, 12/2023

 

(*) Người mình có câu: Một mẹ nuôi nổi mười con, nhưng mười con không nuôi nổi một mẹ.

12/11/23

Chúc Mừng Giáng Sinh



MÙA GIÁNG SINH KHÓI LỬA
( Chúa cũng bó tay )

Tàn thu gío lạnh…báo đông sang,
Thế nhân chuẩn bị chuyện trang hoàng :
Đèn đóm, cây thông…mừng CHÚA đến,
Sắp xếp gặp gỡ…tiệc liên hoan.

Bảo là mừng CHÚA…có thiệt hôn ?
Sao không biết được CHÚA đang buồn :
Loài người chìm đắm trong thù hận,
Khắp nơi bắn giết ... ngập máu tuôn !

CHÚA đã xuống thế chết một lần
Để gánh hết tội cứu muôn dân.
Trên cây Thập Gía…Lời nói cuối :
“Xin CHA tha chúng bởi chúng lầm.”

Đến nay đã qúa hai nghìn năm,
Tín hiệu yêu thương vẫn bặt tăm.
Đáng lẽ khi xưa lời nói cuối :
“Không phải chúng lầm…mà TA lầm.”

Nhớ đêm đông lạnh, chốn Bê Lem,
CHÚA đã Giáng Sinh phận thấp hèn.
Dạy cho nhân thế gương khiêm tốn,
Nào ngờ rốt cuộc cũng A-Men !!!

Bê Lem nay bị phong tỏa rồi,
CHÚA có giáng trần nữa hay thôi ?
Hay mặc nhân thế người điên loạn
Mê cuồng đón Qủy Vương ra đời !

Hang đá đêm đông tối mịt mùng,
Thiếu vì sao sáng chiếu không trung.
Khúc hát Thiên Thần nay im bặt,
Chỉ nghe tiếng súng nổ đì đùng !

Trần thế lúc nầy mất an ninh,
CHÚA ơi ! tạm gác chuyện Giáng Sinh.
Loài người gian ác và tráo trở…
Biết đâu bắt CHÚA làm con tin ?!

Đừng nghe tiếng hát ngọt đầu môi :
“Ngợi khen mừng ĐẤNG đến cứu đời”
Hai nghìn năm lẻ…không cứu nổi,
Đến CHÚA cũng phải bó tay thôi !!!

Bài Thánh Ca tắt (rồi) phải không em ?
Hát làm chi nữa chỉ thêm buồn.
Thôi ngừng than vãn lời môi mép…!
Hảy một chút thôi : “Sống Yêu Thương”.

Mùa Giáng Sinh Khói lửa 2023
HÀN SĨ PHAN

NOEL 2023


 Muôn nhà xứ Mỹ đã trang hoàng,
Chuông thánh nhà thờ cũng đổ vang.
Tang tóc người gieo còn khắp chốn,
Bình an Chúa vẫn ngự trong hang.
Trung Đông khói lửa mờ nhân ảnh,
Thế giới loạn ly ảm nhật quang.
Nguyện Chúa hồng ân ban phép lạ,
Chuyển xoay Địa ngục hóa Thiên đàng !


Đỗ Chiêu Đức
12-08-2023


Phương Hà xin góp họa 

ĐÊM NOEL

Khi màn đêm phủ khuất hôn hoàng
Rộn rã khắp nơi chuông Thánh vang
Lấp lánh, rạng ngời sao giữa thế
Êm đềm ấm áp cảnh trong hang
Hồng ân tỏa xuống nơi trần tục
Đuốc tuệ bừng lên ánh diệu quang
Chúa đã giáng sinh cùng tiếng nhạc
Ngân nga thánh thót rộn muôn đàng.

Phương Hà
( 04/12/2023 )


Mừng sắp tới Giáng sinh

Giáng sinh muôn nét, vẻ huy hoàng

Chốn chốn phơi bày sự vẻ vang.

Thánh mẫu, lung linh trên chính điện,

Hài đồng, thấp thoáng giữa ng hang.

Tươi vui sau trước, nguồn tươi trẻ,

Rực rỡ trong ngoài, ánh điện quang.

Thiên hạ nối đuôi vào lễ tạ,

Dưới trời, đây thực chốn Thiên đàng.

         ​Danh Hữu

                          Paris, 4.12.2023



Noel rực rỡ đẹp huy hoàng
Mừng Giáng Sinh về Chúa vẻ vang
Thế giới Ki Tô gương Nguyệt Điện
Bê-Lem đất Thánh Máng Lừa Hang
Ngôi sao chiếu diệu Ngân Hà sáng
Đuốt tuệ ngời lên ánh điện quang
Cứu chuộc con chiên ngoan thập tự
Ngôi Lời thờ phượng vọng Thiên Đàng…

     Mai Xuân Thanh
Cựu Kim Sơn Vùng Vịnh
   December 03, 2023


BA BÀI HOẠ 

Thanh nhận ba bài họa thật hay
Câu thơ Xmas được trình bày 
Noel, giáng thế Hài Đồng, Chúa
Đức Mẹ Maria có phước tài 
Thánh Chúa Giáng Sinh, Ngài Christ 
Noel đêm Thánh Chúa Ngôi Hai
Bao ngàn năm Đấng Ki Tô giáo
Mững Chúa Giang Sinh miễn nạn tai 

Mai Xuân Thanh
   12/9/2023