Showing posts with label Lý Trinh Trường. Show all posts
Showing posts with label Lý Trinh Trường. Show all posts

1/25/24

Mạn Đàm Về Khỉ

Nhân dịp hàn huyên với bạn LN Minh trong ngày đầu năm, chúng tôi ôn chuyện quá khứ của những năm tháng lướt nhanh trong cuộc đời và nhắc đến câu chuyện "ba con khỉ." Khỉ đối với chúng ta, thiết nghĩ không ai xa lạ gì. Nhớ lại hồi còn nhỏ, có những lúc theo mẹ ra chợ, nghe tiếng trống phèng la vang dậy cả một góc đường, đám đông vây quanh, tôi cố chen vào đám đông để xem mấy ông Sơn Đông mãi võ, bày trò hát xiệc, cùng mấy chú khỉ nhào lộn mua vui, nhân đó rao bán thuốc dân tộc cổ truyền.

Trong 12 con giáp, nếu như hình ảnh con Rồng, biểu tượng gần chúng ta nhất về mặt tâm linh, tinh thần, thì Khỉ lại là biểu tượng gần chúng ta nhất về mặt vật chất, thể xác.


Các nhà nhân chủng học cho rằng con người và khỉ cùng chia sẻ môi trường sống trong thời tiền sử. Bởi vậy, trong số các con vật, loài khỉ có đặc tính gần nhất với con người, chúng thông minh hơn những con vật khác. Với người Việt Nam ta, khỉ cũng là con vật khá gần gũi, khỉ thường được huấn luyện để biểu diễn trên sân khấu xiếc, những chú khỉ khôn lỏi, nghịch ngợm, láu lỉnh, không chỉ khiến khán giả nhi đồng cười nghiêng ngả mà cả người lớn cũng thấy vui vẻ thích thú.


Dáng dấp đa dạng của khỉ cũng đi sâu vào đời sống dân gian qua những câu ca dao tục ngữ:

“Nhăn nhó như khỉ ăn gừng” 

“Rầu rĩ như khỉ mất con”

"Cười giòn như khỉ được ngô"

“Khỉ bồng con lên non kiếm trái /Cảm thương nàng phận gái mồ côi”

“Má ơi, đừng gả con xa /Chim kêu, vượn hú biết nhà má đâu?!” ...


Trong các nền văn hóa khác trên thế giới, hình ảnh con khỉ gắn liền với sự ranh ma, linh hoạt, nhanh nhẹn, thậm chí huênh hoang …

Với hình dáng một loài khỉ đột, khổng lồ, King Kong đã xuất hiện trong các bộ phim, hoạt hình, tiểu thuyết, truyện tranh, nhạc kịch từ năm 1933... King Kong đã khoác lên mình nhiều diện mạo khác nhau của cảm xúc: từ một con quái thú hung bạo cho tới bi kịch của một nhân vật phản anh hùng. Thậm chí King Kong còn gửi gắm một thông điệp phản chiến, yêu chuộng hòa bình của nhân loại.


Hình ảnh của con khỉ thân thương, khá gần gũi cũng xuất hiện trong rất nhiều sách báo, phim ảnh của nhân vật Tặc Giăng (Tarzan) - "con của rừng xanh". Câu chuyện nói về mối thân thiết của một cậu bé lớn lên trong rừng dưới sự nuôi dạy của đàn tinh tinh.


Cũng có những con khỉ trở thành biểu tượng được tôn vinh như Tôn Ngộ Không, còn gọi là Mỹ hầu vương ở Trung Quốc.


Trong văn hóa Việt Nam, hình tượng khỉ là linh vật rất phổ biến, xuất hiện ở nhiều nơi, tại tiệm bán đồ lưu niệm, cửa hàng sản phẩm công nghệ mỹ thuật, nhất là trong chùa chiền, hình tượng khỉ được khắc họa trong nhiều công trình kiến trúc xưa còn lưu lại cho đến ngày nay. Trong đó con khỉ xuất hiện rất sinh động, khi thì Hầu Vương ôm quả đào trong vườn của Tây Vương Mẫu; lúc lại là con khỉ cưỡi lên lưng con kia, có nghĩa là “bối bối phong hầu” (đời đời phong tước quan hầu); lúc lại là hình ảnh khỉ mẹ bồng khỉ con thể hiện tình mẫu tử thiêng liêng … Tuy nhiên, hình tượng được truyền tải nhiều nhất là hình tượng bộ "3 con khỉ", khỉ dùng hai tay bịt mắt, bịt tai, và bịt miệng; còn gọi là “khỉ ba không”, Không nhìn! không nghe! không nói!

Đúng lý ra, mắt là để nhìn, tai để nghe, miệng để nói là những khả năng tự nhiên không thể khiếm khuyết.  Hơn nữa, có ai không muốn mình được là người thông minh, lanh lợi, nhưng tại sao lại phải bịt cả mắt, tai lẫn miệng, tựa như người mù, câm, điếc?


Trước tiên, tiền nhân dạy chúng ta bịt mắt lại, đừng nhìn bậy, đừng nhìn những cảnh tượng không nên nhìn, hoặc không nhìn bằng con mắt thiển cận, có thành kiến để tránh sự nhận thức sai lầm, chỉ thấy bề mặt chứ không thấy thực trạng của sự kiện và vấn đề.

Bịt tai là tránh nghe chuyện thị phi hoặc những gì có thể làm ô nhiễm tâm thanh tịnh của mình. Chuyện xưa kể rằng vua Nghiêu thấy Hứa Do là người hiền đức, nên hai lần mời ông ra làm tể tướng nhưng cả hai lần Hứa Do đều từ chối, sau đó vua Nghiêu lại một lần nữa đích thân “tam cố mao lư” với ý định nhường ngôi cho Hứa Do, Hứa Do vì cứ phải nghe chuyện quyền tước, mà ông lại chán ngấy con đường hoạn lộ, nên ông ra bờ sông Dịch Thủy rửa tai để tẩy trừ những gì đã ô nhiễm nội tâm của mình.


Bịt miệng có nghĩa là phải cẩn thận lời nói. Nhân vật nổi tiếng trong "Phong thần diễn nghĩa" Khương Tử Nha khuyên Chu Vũ Vương: “Tam giam kỳ khẩu”(三緘其口), ý là cần phải cẩn thận trong lời ăn tiếng nói. Tu thân bắt đầu từ cái miệng, tu được cái miệng là tu hơn nửa đoạn đường, lời nói không đúng lúc, đúng chỗ dễ mang họa vào thân.


Cũng có người ngộ giải hình tượng ba con khỉ là hãy cứ sống an phận, mặc kệ những gì “chướng tai, gai mắt” đang xảy ra xung quanh, sống bàng quan, “thây kệ” tất cả. Thực ra bộ tượng ba con khỉ là muốn nhắc chúng ta “đừng nhìn bậy, đừng nói bậy, đừng nghe bậy” chứ không phải thụ động là không, không, không và mặc kệ. Kỳ thực, tư tưởng này vốn dĩ rất phổ cập trong nhiều nền văn hóa khác trên thế giới.


Người Nhật Bản đặt tên ba con khỉ là Mizaru, Kikazaru và Iwazaru, chữ Nhật “zaru” nghĩa là “không”. Người Nhật tu Thiền dùng hình ảnh ba con khỉ để nói lên sự hệ trọng của ba căn trong sinh hoạt giao tế xã hội lẫn trong giới luật tu tập Thiền môn. Không nhìn, không nghe, không nói là khuôn vàng thước ngọc và là nguyên tắc chỉ đạo của nhiều thế hệ người Nhật.


Khổng Tử, người thầy chuẩn mực muôn đời của Trung Quốc, trong danh tác "Luận Ngữ" có câu:

“Phi lễ vật thị, phi lễ vật thính, phi lễ vật ngôn, phi lễ vật động” (nghĩa là “không nhìn điều sai, không nghe điều bậy, không nói điều trái, không làm điều quấy”).


Hình ảnh bộ khỉ “tam không” còn nhắc nhở chúng ta về “tâm viên, ý mã” (心猿意馬), Tâm như khỉ nhảy nhót, ý như ngựa chạy rong. Nhóm từ này là ẩn dụ cho vọng tâm của con người luôn luôn biến động bất định, không trụ lâu được. Muốn không rơi vào cảnh “tâm viên”, không tự làm khổ nội tâm chính mình, nhất là trong bối cảnh đời sống đương đại, khi luồng thông tin phát sinh mỗi ngày quá phức tạp và đa dạng, con người càng cần học ở “ba chú khỉ thông thái”, để không khổ vì nghe chuyện thiên hạ, vì nói chuyện thế gian và nhìn ngó chuyện người khác.


Nước Mỹ có câu truyền khẩu khá phổ biến: “See no evil, hear no evil, Speak no evil”. Không nhìn những việc gì xấu, không nghe những lời xấu, không nói những điều xấu; "No hear, no see, be silent, then you will live in peace'. Ai không thấy, không nghe, không nói, có thể sống một cuộc đời không lo.


Người Pháp có câu “Je ne vois pas, je ne me sens, je ne parle pas”; Người Quảng Đông có câu “Mậu thảy, mậu thén, mậu kỏn”.  Tất cả đều cùng nghĩa là “không …biên giới!!!”


Vượt trên những nhận thức về biểu tượng tam không của ba chú khỉ, theo Phật giáo nói chung và Thiền tông nói riêng, chữ “Không” không có nghĩa là không có gì cả. “Không” ở đây là trạng thái vô sở trụ, là trạng thái vừa hữu vừa vô, vừa có vừa không có, nghĩa là ở trạng thái không có nhị nguyên đối lập, không có xung đột mâu thuẫn, không gắn liền với ai, không câu thúc vào cái gì cả. “Sắc tức thị không, không tức thị sắc”. Tâm không bám trụ vào chỗ nào thì tâm mới hiển hiện được, mới thực sự là tâm của ta - tâm giải thoát. Do đó, giải thoát là một trạng thái tâm không, nó như một tấm gương trong đó chứa đựng mọi thứ nhưng không lưu lại một thứ gì cả. Không phải ngẫu nhiên mà tác giả Ngô Thừa Ân lại gán cho con khỉ mang họ“Tôn” và đặt tên là Ngộ Không. Tôn (孫) chiết tự theo chữ Hán là tử (子) và hệ (系), tử là con nít, hệ là hệ niệm (系念), tức là nghĩ đến, nhớ luôn, nghĩa là luôn luôn nghĩ đến bản chất trẻ thơ. Như vậy, "Tôn" giải chi li ra thành trẻ con, đây cũng là một ẩn ý muốn tu hành đạt đạo, con người phải có cái tâm hồn nhiên, không chấp như trẻ sơ sinh (xích tử chi tâm 赤子之心). Tức là ngộ được chân lý của “không” rồi chuyển hóa làm Tôn Hành Giả để đi đến cõi Phật.


Vì vậy, hình ảnh "Ba con khỉ" không có nghĩa đơn thuần là không nghe, không nhìn, không nói mà hình ảnh đó gợi cho chúng ta là một “pháp môn” giúp chúng ta tìm về một trạng thái làm chủ của tâm, tìm về bổn lai diện mục, một cách để nhìn lại cái gọi là “chân ngã” của chính mình.


Đây là kinh nghiệm mà người xưa đã chắt mót nên bài học cho hậu thế. Ngày nay, có rất nhiều phiên bản khác nhau về tượng “Tam không” này, người ta sử dụng những hình ảnh khác thay vì ba chú khỉ, có thể là hình ảnh ba ông Phật Di Lặc, hình ảnh ba chú tiểu, hình ảnh ba nhân vật hoạt hình, búp bê… vừa ngô nghê, hóm hỉnh nhưng lại chứa rất nhiều triết lý, tư tưởng triết học. 


Ngày Xuân năm mới, bên ly cà phê tách trà, ngồi ngẫm nghĩ ba chú khỉ, rồi quán chiếu nội tâm để dần dà tìm hiểu ý nghĩa của vạn pháp. Chợt nhớ lại câu Kinh: "Vạn pháp duy tâm tạo," vạn pháp đều sinh khởi từ tính không.


Thực vậy, vạn pháp chỉ là phương tiện, tâm mới là cứu cánh. Hiểu như vậy thì ý nghĩa của "khỉ tam không" là:“Bịt mắt để dùng tâm mà nhìn, bịt tai để dùng tâm mà nghe, bịt miệng để dùng tâm mà nói. Khi tâm ở trạng thái “ thanh tịnh”, thì tâm mới phát sinh những điều “thiện”, dùng cái tâm thiện, tâm đẹp để đối nhân xử thế.

Để ghi nhận lời dạy dỗ của Đức Phật và các vị Thánh Hiền, tôi có vài lời thô thiển về cảm nghĩ của mình qua biểu tượng ba con khỉ cùng triết lý thâm sâu ẩn tàng trong hình ảnh này.

"Thanh”, không phải không cầu không mong, mà là nội tâm không tham.

Tịnh”, không phải không bám bụi trần, mà là nội tâm vô nhiễm.

Tĩnh”, không phải xa lìa tiếng động , mà là nội tâm vô chấp.

清,不是人生無求,而是内心無貪.

淨,不是身上無塵,而是内心無染.

靜,不是耳邊無聲,而是内心無執.

Trong những ngày đầu năm mới, chúc các bạn gợi mở nhiều điều tốt đẹp, tìm được sự thanh tịnh vô nhiễm trong nội tâm và luôn hướng cuộc sống đến chân thiện mỹ.


Trường

01-24-2024


1/19/24

Lý Tử Thất - Ngôi sao nổi tiếng trên mạng xã hội

 Lý Tử Thất (李子柒)

Cám ơn anh Kim chia sẻ video giải trí thư giãn của vlogger Lý Tử Thất (李子柒), nói về cuộc sống thanh bình ở thôn quê với bà nội và xóm giềng cùng hàng loạt cổ phong mỹ thực khiến chúng ta tìm lại những giây phút an lành đã đánh mất từ lâu khi trở thành cư dân trong vòng xoáy danh lợi của chốn phồn hoa đô hội..

Lý Tử Thất, còn được gọi là "Tiên nữ đồng quê", "thánh nữ ẩm thực" - trong một ngày đông giá rét tại quê nhà, nơi đây không có ánh đèn hồng và tiếng còi xe cộ. Cô cưỡi ngựa đi mua sữa ngựa về nấu rượu. Sữa được lên men và chưng cất theo phương thức cổ truyền của dân địa phương. Rượu sữa ngựa là thức uống thường ngày của người dân tộc Mông Cổ, Lý Tử Thất cũng đã tầm sư học nghệ và am tường về tay nghề này. Một hôm họ hàng tới chơi, Lý Tử Thất bày tiệc mời ăn, khoản đãi họ hàng để tỏ lòng quý mến: ướp thịt cừu, nướng trên sân; gói sủi cảo (bánh tai), luộc trong nồi. Buổi tối, cả gia đình quây quần bên bếp than, uống rượu, ăn thịt cừu, nhảy múa, thưởng thức sủi cảo... Trong video, Lý Tử Thất lồng ghép phong cảnh hữu tình của quê hương trong ngày đầu đông. Một tác phẩm đầy cảm xúc nói lên sự ấm áp của tình quê hương, niềm vui chan hòa với thiên nhiên, non xanh nước biếc, cùng với những bản chất hồn hậu mộc mạc của dân làng, từ chủ đến khách không có chút khoảng cách mà đầy tình hữu nghị thân thiết.

Thật khâm phục cô gái nhỏ nhắn, xinh đẹp như liễu yếu đào tơ mà lại rất thành thạo mọi công việc nặng nhọc và khó khăn như thợ mộc, thợ tre, đồng áng, làm giấy thủ công và còn biết nấu rượu làm bánh, gói sủi cảo. Có lẽ là vì hoàn cảnh gia đình khó khăn thuở nhỏ nên cô phải tự bươn chải cùng với nghị lực phi thường đã làm nên cô bé đáng yêu này !

Sống trong xã hội tất bật xô bồ ngày nay, mọi người đều vất vả trong việc mưu sinh. Trở về nước non, hòa mình vào thiên nhiên, trở về với không gian nguyên sơ và yên bình đang dần trở thành xu hướng được nhiều người quan tâm đến. Với chủ đề "Trần cư bất nhiễm bụi trần thế", cuộc sống thảnh thơi, lánh xa hồng trần và những tác phẩm "Ẩn dật, vui sống giữa chốn núi rừng" của Lý Tử Thất không chỉ được nhiều người yêu thích mà còn được nhận nút vàng với hàng chục triệu người theo dõi.

Thực vậy, tách khỏi thiên nhiên khiến chúng ta xa rời hạnh phúc và cội nguồn của sự bình yên. Trở về trong vòng tay mẹ thiên nhiên là phương pháp giải tỏa cho cuộc sống tất bật và căng thẳng trong xã hội ngày nay.

Con người – vốn là những đứa trẻ sinh ra trên vùng đất hoang sơ, lớn lên giữa non xanh nước biếc. Đám trẻ của thiên nhiên chẳng biết sợ gián nhện sâu bọ… Bởi họ ý thức được muôn loài cũng là một phần của núi rừng, của thiên nhiên xinh đẹp. Lúc còn nhỏ, thích đọc chuyện về "Thế giới muôn loài", những loài động vật ở xung quanh luôn là thế giới diệu kỳ, gần gũi với chúng ta. Cũng như có lần bất chợt thấy con nhộng chui ra được khỏi cái kén chật hẹp của mình, hóa thành bướm tung bay vào bầu trời xanh rộng bao la đầy hoa thơm và nắng ấm. Tôi cảm thấy hân hoan cho con bướm vì đây là giây phút hạnh phúc nhất trong cuộc đời của nó. 

(bài viết của Trường: Cảm nhận về loài bướm

Những năm sống giữa thành phố với những tòa nhà xếp chồng lên nhau, bê tông cốt thép vây quanh, tàu xe qua lại tấp nập. Tôi thường hoài niệm những đêm thu ở quê nhà Mũi Né Phan Thiết, ánh trăng ở quê rất “tinh khiết”, không lẫn ánh đèn đường hay ánh đèn xe cộ. Mọi âm thanh náo động ban ngày chìm xuống, chỉ còn tiếng dế kêu “cà rít cà rít” như bản nhạc giao hưởng của thiên nhiên. Buổi sáng thức dậy trong cái lạnh của sương giá, đứng nhìn từ cửa sổ thì thôn làng đẹp như tranh, như chìm trong biển mây trắng ngà. Ra bếp tiện tay nướng một mẻ bánh thơm, nhóm vội bếp lửa, đặt một ấm trà, than còn đỏ thì nướng vài củ khoai, trái bắp mà nhâm nhi, đợi đỡ lạnh mới ra vườn. Bưng tách trà vừa đi dạo trong vườn, ngắm hoa, ngắm lá, ngắm cành vừa hớp từng ngụm nhỏ trà để thưởng thức hương vị của trà và hòa mình với trời xanh bao la bát ngát của thiên nhiên. Bất giác trong vẻ thong dong tự tại của cảnh vật thiên nhiên, người ta có thể mỉm cười, nhẹ nhàng lắng nghe hơi thở dịu dàng của chính mình và tiếng nói thì thầm của con tim.

Tôi không ngạc nhiên khi thấy sự thành công rực rỡ hiển hách của Lý Tử Thất, vì cô đã biết đi sâu vào cõi chân thiện mỹ trong tâm linh của con người - nguyên sơ, đơn thuần, hồn nhiên, vô vi của thiên nhiên và trời đất. Thực là một niềm vui và hạnh phúc lớn, sau một ngày làm việc căng thẳng và mệt mỏi, chúng ta có thể tìm thấy sự bình yên, thanh thản trong tâm hồn khi thưởng thức những tác phẩm không nhiễm bụi trần của Lý Tử Thất - Một vùng thôn quê dân dã với cảnh sắc đẹp nao lòng, từng nẻo đường, sân nhà, vườn tược, hoa chớm nở, trái trĩu cành đều nên thơ và yên bình khiến người xem cũng phải ao ước được đặt chân đến một lần trong đời.

Lý Tử Thất quả thực là tuổi trẻ nhưng có tư duy lớn.

Có những buổi sáng thức dậy, tôi thấy biết ơn vì mặt trời tỏa nắng, thấy yên tâm khi đôi chân trần của mình còn được trải dài trên mặt đất gồ ghề thân thuộc, biết ơn dòng suối vẫn trong xanh, biết ơn nghe tiếng chim hót líu lo trên cành cây, biết ơn thấy bông hoa khoe sắc nở rộ trong vườn ngoài trời… Hóa ra bao lâu nay, chúng ta cảm ơn nhau hằng ngày mà quên cảm ơn mẹ thiên nhiên vốn đã ban tặng cho chúng ta quá nhiều thứ.

Tôi chẳng bao giờ thích dùng từ “bỏ phố về quê” như phong trào mà nhiều người nhắc đến gần đây để diễn tả cuộc sống vui thú điền viên hoặc sự trở về với thiên nhiên. Chúng ta chẳng có "bỏ phố" hay bỏ mất một cái gì cả, vì "về quê" là tiếng gọi chân thực của tâm linh. Giống như một đứa con về nhà chẳng theo sự thúc giục nào ngoài tình cảm thân thương của gia đình. Cuộc trở về bên thiên nhiên chẳng phải cũng xuất phát từ sự rung động với những điều gần gũi nhất trong tâm hồn hay sao?

Để kết thúc bài chia sẻ cảm nhận của tôi đối với Lý Tử Thất về sự truyền bá văn hóa quê hương bản xứ và cổ phong mỹ thực, xin mượn vài vần thơ của tác giả Hiền Nhật Phương Trần nói về nỗi lòng người xa quê hương:

"Yêu quê lòng mãi ngọt lành
Du dương khúc hát thanh bình ngân nga
Điệu hò viễn xứ vang xa
Gửi tình tôi với quê nhà đợi mong
Hè sang phượng trổ sắc hồng
Người ơi ước hẹn tình nồng không phai!"

Trường
01-18-2024


Xem Video: 


 

12/30/23

The Little Nyonya 小娘惹 (Tiểu Nương Nha)

Mấy tuần trước (Dec-10-2023), anh K. có chia sẻ bộ phim truyện "The Little Nyonya 小娘惹". Đây là món quà bất ngờ và quý giá đối với tôi trong dịp lễ Giáng Sinh này. 

Tôi học được một từ mới "Nương Nha”, là phiên âm của Hán tự "娘惹", tiếng Malaysia là "Nyonya", là hậu duệ của người Trung Hoa nhập cư ở vùng Nam Dương thuở trước, nay là các nước Malaysia, Singapore và Indonesia. Nói cho đúng "Nyonya" dùng để chỉ phụ nữ còn "Baba" là đàn ông. 


Khi xưa, "Nyonya" thường là người đàn bà giúp việc cho các nhà giàu và trong dinh thự của hoàng gia. Từ ngữ "Nyonya" khiến tôi nghĩ đến cụm từ "ô-sin" của tiếng Nhật," "lọ lem" của Việt ngữ, "nô tỳ" của Trung văn.


Cũng như chuyện tình của những cô gái lọ lem khác, phim truyện "Tiểu Nương Nha" (小娘惹) nói về con đường tình yêu éo le, số phận hẩm hiu và sự cố gắng truy tầm hạnh phúc của hai mẹ con "Nyonya": Cúc Hương và Nguyệt Nương. Thực vậy, phấn đấu trong cuộc sống khó khăn vẫn là bài học suốt đời của chúng ta. 


Từ xưa đến nay, người ta luôn cho rằng một tình yêu trọn vẹn phải là kết tinh bằng một hôn lễ cho hai đối tượng về chung một mái ấm. Dù rằng lắm khi giữa chàng và nàng là cả một thế giới đầy những khác biệt tương phản, nhưng truyện cổ tích vẫn cho họ sánh duyên với nhau. Thế mới có chuyện Sọ Dừa cưới cô út xinh đẹp, Thạch Sanh lấy công chúa, cô Tấm trở thành hoàng hậu; hoặc là câu truyện "đôi giày thủy tinh" và mối tình cô gái "Cinderella" của Tây phương.


Ai cũng đã từng trải qua một tuổi thơ êm đềm với những câu truyện cổ tích đầy thơ mộng, một thế giới trong đó mọi người đều ước mơ và khao khát. Truyện thay mặt nhân dân thực thi công lý trừng trị kẻ ác và mang hạnh phúc đến cho những người lương thiện. Cho nên truyện cổ tích thường có kết cục đầy nhân văn và hướng chúng ta đến gần với Chân Thiện Mỹ.


Thoát ra ngoài thế giới của cổ tích để trở lại với đời thường. Trong thời đại ngày nay, giả sử một cô gái xuất thân từ hoàn cảnh như cô bé lọ lem, thì liệu những chàng trai giỏi giang thành đạt có để mắt tới nàng không? Nói cách khác, trong đời thường, liệu bạch mã hoàng tử có sẵn sàng cưới lọ lem làm vợ?


Thử đặt hai người đó cạnh nhau, chúng ta sẽ có ngay câu trả lời, thật đáng tiếc, họ sinh ra không phải để dành cho nhau! Đó là một thực tế phũ phàng. Tại sao?Lý do là, khi thế giới của cô gái - tạm gọi là Lọ Lem, chỉ quanh quẩn trong không gian nhỏ bé của ngôi nhà chật chội, quanh năm chỉ loay hoay với những công việc vặt vãnh trong xó bếp; trái lại thế giới của chàng trai kia - một thiếu gia - là cả một bầu trời mơ ước, kể cả một tương lai huy hoàng với những người cùng đẳng cấp. Dù muốn hay không, chắc chắn cả đời của chàng trai chẳng có chút nhân duyên nào để gặp gỡ cô gái. Nếu may mắn được gặp nhau thì cũng chỉ là “vô duyên đối diện bất tương phùng”. Rõ ràng, họ như hai con người đến từ hai thế giới khác nhau và chẳng có điểm chung nào để có thể cùng “nắm tay nhau thật chặt, giữ tay nhau thật lâu”, cùng nhau đi suốt đoạn đường đời. 


Trong thực tế, hoàng tử khó lòng xe duyên với lọ lem. Tất nhiên có một ngoại lệ, đó là khi cô ấy thoát khỏi thân phận một lọ lem đáng thương và tỏa sáng như một nàng công chúa để xứng đôi với hoàng tử của đời mình.


Vì vậy, truyện tình cô gái lọ lem đã truyền cảm hứng và làm nền cho sự ra đời của bộ phim truyện "Tiểu Nương Nha." Với chủ đề nói lên sự phấn đấu của hai mẹ con "Nyonya" - Cúc Hương và Nguyệt Hương về quá trình vượt khó và không ngừng tự vươn lên sau mỗi thất bại, cố gắng để làm nên một cuộc đời theo ý nguyện của chính mình. Chứ không như cổ tích có ông Bụt bà Tiên dùng phép màu để thay đổi số phận túng quẫn của họ.


Tuổi thơ của mọi người thường gắn liền với những câu chuyện cổ tích và những câu chuyện ấy luôn đi cùng với sự trưởng thành qua những tháng ngày của chúng ta.


"Tiểu Nương Nha" không chỉ là câu chuyện đầy xúc động về tình yêu, còn là niềm hy vọng của thế hệ trẻ về một xã hội tiến bộ, văn minh, bình đẳng trong cuộc hôn nhân dựa trên nền tảng tình yêu chân chính chứ không phải sự so bì của địa vị hay giai cấp mà người xưa thường ví von là "môn đăng hộ đối"(門登户對).


Nói đến "môn đăng hộ đối", người ta thường liên tưởng đến thời phong kiến xa xưa, khi mà hôn nhân đặt nặng trên sự căn bằng tỷ đối giữa gia đình bên nam và bên nữ phải tương xứng với nhau về giai cấp, tài sản, địa vị xã hội ...


Một số người không đồng tình với quan điểm này bởi họ cho rằng: "Đến Lọ Lem còn lấy được hoàng tử" hay "Rất nhiều thiên kim tiểu thư nhà giàu vẫn sánh duyên cùng những chàng trai khố rách áo ôm, con nhà nghèo đó thôi?"


Tuy nhiên, tình yêu và hôn nhân chỉ mới là trang đầu của cuốn trường thiên tiểu thuyết lắm hồi nhiều chương đầy hỷ nộ ái ố, bi hoan ly hợp. Người ta yêu nhau bởi giác quan, nhưng sống với nhau phải nhờ những tố chất cân bằng dựa trên: thân thế, gia cảnh, kinh tế, học thức, tính nết,  chí hướng … Trong hôn nhân không chỉ là trăng sao trên trời huyền diệu, hoa thơm trong vườn Lộc Uyển, mà còn là gạo dầu mắm muối của đời sống thực tế. Hôn nhân nhất định phải nhìn vào hoàn cảnh gia đình. Bởi vậy ngày xưa hôn nhân được xây dựng trên nền tảng "Môn đăng hộ đối".


Trong truyện cổ tích, chưa bao giờ người ta nhắc tới việc sau khi kết hôn với hoàng tử, Lọ Lem sống có thực sự hạnh phúc hay không? Cũng không ai đưa ra hình ảnh cụ thể về việc một thiên kim tiểu thư nhà giàu có thực sự hòa hợp với một ông chồng xuất thân từ gia đình nghèo khó hay không?


Vì thế, "môn đăng hộ đối" chưa hẳn hoàn toàn không có giá trị. Nó không những là lăng kính để chọn lựa tình yêu, mà còn có chỗ đứng trong xã hội ngày nay, lắm khi nó còn vượt ra khỏi ranh giới hôn nhân, phổ cập trong giao tiếp xã hội ngày nay.


Phim truyện "Tiểu Nương Nha" hàm chứa nhiều triết lý nhân sinh, sự phấn đấu và nghị lực trong cuộc sống đầy thách thức và khó khăn, đồng thời cũng dựng nên câu chuyện tình yêu đầy xúc động với những cảnh bi hài của hai mẹ con Cúc Hương và Nguyệt Nương.


Trong tập thứ 34 (tập cuối), Nguyệt Nương trước lúc lâm chung, có lời trăng trối rất có giá trị với con gái của mình: "Người mà mình yêu chưa hẳn họ có yêu mình; người mà yêu mình cũng chưa hẳn mình có yêu họ. Tuy nhiên, con cần có quyết định theo sự hướng dẫn của lương tâm." (你愛的人,不一定對你好;對你好的人,不一定是你所愛,但是你還是要做出你認為是對的決擇). Thực vậy, mỗi người mình gặp gỡ trong đời đều có nhân duyên:


- Người thích mình cho mình ấm áp và dũng khí.

- Người mình thích cho mình biết tình thương và kính mến.

- Người mình không thích dạy mình sự bao dung và tôn trọng.

- Người không thích mình để mình tự kiểm thảo và  trưởng thành.


Nguyệt Nương, một cô gái tài hoa, thông tuệ, duyên dáng và tình tứ nhưng số phận lại bạc bẽo, nhiều gian truân. Nguyệt Nương đã gặp một chàng trai mà cô yêu thương say đắm, nhưng hồi kết của mối tình này lại không có kết cục hạnh phúc mà chúng ta thường thấy trong các câu truyện cổ tích.


Thân phận mong manh, đáng thương của Cúc Hương và Nguyệt Nương phải chăng là ấn chứng của câu nói "tự cổ hồng nhan đa bạc mệnh", xưa nay, bạc phận cứ đeo bám và song hành cùng kiều nữ giai nhân. 


Chợt nghĩ đến cuộc đời của Thúy Kiều trong "Đoạn Trường Tân Thanh", một cô gái có tài, có sắc, có hiếu... dồi dào cả 3, mà phải sống một cuộc đời lận đận, cam go, đầy giông tố, phải trải qua hầu hết những khổ đau bất hạnh của con người trần thế. Có thể nói, ai cũng có thể tìm thấy một phần đời của mình trong những cảnh ngộ khác nhau của thân phận Thúy Kiều.


Nhân dịp thưởng thức phim truyền, đồng thời cảm thương cho kiếp hồng nhan bạc mệnh của Thúy Kiều, Cúc Hương và Nguyệt Nương. Tôi muốn mượn mấy vần thơ trong phần kết truyện Kiều của Nguyễn Du:


“Ngẫm hay muôn sự tại trời,

Trời kia đã bắt làm người có thân

Bắt phong trần phải phong trần

Cho thanh cao mới được phần thanh cao.

Có đâu thiên vị người nào

Chữ tài chữ mệnh dồi dào cả hai.”


"Tiểu Nương Nha" đã đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong lĩnh vực phim truyền hình về vai trò chuyển tải đạo lý nhân sinh. Cuộc sống vốn dĩ chẳng dễ dàng, câu chuyện về sự cố gắng và nghị lực của con người trước cuộc sống đầy phong ba thử thách luôn khiến chúng ta cảm thấy động lòng.


Mặc dù xây dựng dựa trên nền tảng của một câu truyện cổ tích, nhưng "Tiểu Nương Nha" kết hợp với một số thực trạng xã hội, đã lột xác từ những truyện cổ tích có phần giống như thần thoại truyền thuyết và trở thành một bức tranh sống động, đa sắc đa màu về cuộc sống và tình yêu, đồng thời đi sát với cuộc đời cụ thể của chúng ta. Nhiều tình tiết hấp dẫn ly kỳ lôi cuốn khán giả theo sát sự diễn biến của câu chuyện qua từng giây từng phút, bộ phim này xứng đáng để bạn dành thời gian thưởng lãm. Còn bạn, đã sẵn sàng tham gia vào hành trình đầy bi thương và rồi lại hy vọng cho một ngày mai tươi sáng?


Trường K5

12-29-2023



Phim truyền hình : Tiểu Nương Nha (phụ đề tiếng Anh)

12/16/23

Cảm Nhận Từ Một Bài Thơ

Ảnh trên Internet

Bài Thơ này trích từ cuốn sách được nhiều người cho là sách giác ngộ. Lúc trẻ đọc sách này, cảm giác là đi vào thế giới mầu nhiệm, thần tiên quỷ quái, đấu phép biến hóa, sau này đọc lại sách này khi đã kinh qua nhiều trải nghiệm đắng cay của cuộc đời, mới thấy trong sách hàm chứa nhiều triết lý thâm sâu, sự trưởng thành chuyển hóa của con người qua cuộc sống đầy cam go thử thách. Sách này chính là kỳ thư "Tây Du Ký". Thật vậy, trưởng thành là chuỗi dài của sự đau khổ, một kiếp người tuy ngắn ngủi nhưng thiết nghĩ mọi người đều có những trải nghiệm và quan điểm của mình về ý nghĩa trưởng thành của cuộc đời.

Trong chương đầu của Tây Du Ký, tác giả Ngô Thừa Ân dựng nên một nhân vật thần kỳ là Tôn Ngộ Không. Truyện kể về Tôn Ngộ Không có bài thơ, xin trích dẫn ra đây ...:

Hầu vương thuở xưa xưng bá tại Hoa Quả Sơn, một hôm nhìn trời nhìn mây bỗng nhiên nghiệm ra lẽ vô thưởng của kiếp nhân sinh, lập tức hạ quyết tâm từ bỏ ngôi vua ở động Thủy Liêm, lặn lội đơn thân tầm sư học đạo, mong tìm được thuật “trường sanh bất lão”. Hầu vương đóng một chiếc bè, giã từ đoàn khỉ rồi lên đường tìm thầy, tìm người giỏi để học đạo. Một hôm, Hầu vương chèo đến một vùng biển thật xa, thấy nhiều người đang bận rộn với việc làm, người thì chài lưới, người thì phơi cát làm muối, người thì bắt hến cào ngao ... Hầu vương lấy làm lạ nên lên bờ tìm hiểu thêm nếp sống của trần thế. Đây là lần đầu tiên chú khỉ trực diện tiếp xúc và nhìn thấy nếp sống bộn bề, vất vả của người đời. Bài thơ mà chúng ta muốn đề cập dưới đây là cảm giác của chú khỉ lúc bấy giờ. Bài thơ này không có tựa.

爭名奪利苦追求,早起遲眠度春秋,
騎著驢騾思駿馬,官居宰相思王侯,
只愁衣食營家計,不怕閻君來取勾,
繼子蔭孫圖富貴,更無一個肯回頭.

Âm Hán Việt:
Tranh danh đoạt lợi khổ truy cầu, tảo khởi trì miên độ xuân thu, 
kỵ trước lư loa tư tuấn mã, quan cư tể tướng tư vương hầu, 
chỉ sầu y thực doanh gia kế, bất phạ diêm quân lai thủ câu, 
kế tử âm tôn đồ phú quý, canh vô nhất cá khẩn hồi đầu.

Dịch thoát

Người đời tất bật mưu sinh vì sinh kế mà phải quay cuồng hối hả theo cuộc sống, hơn thế nữa, vì lòng tham vô đáy đã khiến con người dần mất phương hướng, thậm chí đánh mất cả bản chất vì mãi chạy theo những điều phù phiếm xa hoa bên ngoài. Thật vậy, nhiều người sa vào vòng xoáy của "gạo và tiền"; sợ nghèo không sợ chết, vẫn là tâm lý chung của người đời, rồi cứ thế mà tiếp diễn từ đời này sang đời khác. Có bao nhiêu người quán triệt câu "hồi đầu thị ngạn", biết dừng lại và quay đầu giác ngộ.



Dĩ nhiên, Hầu vương dè bỉu lối sống chỉ biết chạy theo danh lợi tiền tài của người đời. Nhưng liệu Hầu vương thấy được toàn bộ giá trị thực sự của người đời không? Chắc chắn là không. Bởi vì khi xưa Hầu vương làm vua tại Hoa Quả Sơn, nơi đây bốn mùa là xuân, sai quả trĩu cành, vươn tay lên là có quả ngon, cho nên cuộc sống của Hầu vương rất thanh thản thư thái, không biết gì cảnh cơ cực đói khổ. Tuy nhiên, trần thế lại khác hẳn, đâu phải ai ai cũng được cơm no áo ấm, nhiều người ăn bữa sáng phải lo đến bữa tối. Ngay cả những người chức trọng quyền cao, thậm chí vương hầu bá tước, một ngày nào đó cũng có thể sa vào cảnh cơ hàn, chỉ một biến cố trong phút chốc là làm đảo lộn tất cả. Nói cho cùng con người phải nhọc nhằn vất vả hầu duy trì một cuộc sống no ấm tối thiểu. Tuy nhiên với bản chất vô thường của cõi ta bà, nhu cầu tối thiểu của cuộc sống cũng thường bị đe dọa, thậm chí bị tàn phá hủy diệt do thiên tai nhân họa.

Hầu hương lần đầu tiên từ cõi “tiên cảnh nhân gian” đến nơi phàm trần thế tục, tất nhiên không hiểu rõ sự tình, không biết đời là bể khổ, hay nói đúng hơn, Hầu vương không biết hồng trần vốn được thiết lập dựa trên cơ chế ham muốn, con người vốn được cấu trúc với tham sân si, muốn thỏa mãn nhu cầu vô tận, nên phải chịu khổ.

Cho nên Hầu vương cảm thấy xúc động khi thấy người đời mãi chìm đắm trong khao khát dục vọng. Kỳ thực, trên đời quả nhiên có lắm kẻ tham lam và ích kỷ, nhưng đa phần không hẳn hoàn toàn chỉ vì tham, mà vì họ cảm thấy có nhiều nguy cơ đe dọa trong sinh hoạt hàng ngày.

Sau khi cảm khái cuộc sống vất vả của người đời, Hầu vương tiếp tục hành trình tầm sư học đạo. Truyện kể trên đường gió bụi, Hầu vương được một lão tiều phu chỉ đến “động Tà nguyệt Tam tinh” do Tổ sư Tu Bồ Đề làm động chủ. Ở đây sau bảy năm cặm cụi miệt mài với những công việc nặng nhọc: gánh nước, giã gạo, chẻ củi … mới được Tổ truyền pháp. Hầu vương là con khỉ hóa thân từ tảng đá tiên, có khiếu trời sinh, không bao lâu, đã tinh thông 72 phép thần thông biến hóa, cưỡi mây đạp gió, cân đẩu vân, phi thiên độn thổ. Sau khi Hầu vương tinh thông đạo pháp, bái tạ ơn sư, xuống núi, nhập thế hành đạo, tâm hồn phơi phới tựa như cậu học trò trẻ vừa mới ra trường bước vào ngưỡng cửa xã hội, tuổi trẻ bồng bột, xem thế giới là giang sơn của mình. Hầu vương từng đến “Long Cung Đông Hải” cướp lấy “Như Ý Kim Cô Bổng”; xuống âm phủ phá quấy và xóa tên mình trong “sổ sinh tử”; thậm chí lên trời “đại náo thiên cung”, đòi ngang hàng bằng Trời (Tề Thiên). Thiết nghĩ chúng ta cũng từng trải qua thời kỳ ngạo mạn của tuổi niên thiếu, phải chăng đó cũng là tâm lý chung của tuổi trẻ, không biết trời cao đất rộng, không biết quy tắc khuôn phép đối nhân xử thế, chung quy xã hội sẽ dạy ta bài học cuộc đời.

Sau khi Hầu vương gây nhiều tai họa động trời, cuối cùng bàn tay của Phật Tổ đã túm bắt con khỉ ngông cuồng này, mang ra ngoài cửa Tây Thiên, đè chặt nhốt dưới ngũ hành sơn, rồi dán trên đỉnh núi lá bùa trên có lục tự chân ngôn: “úm-ma-ni-bát-mê-hồng”(唵嘛呢叭咪吽) để Hầu vương tham thiền quán chiếu. Sau 500 năm dày công tu luyện, gạn đục lóng trong dưới ngũ hành sơn, Hầu vương dần ý thức được quy luật của trời đất và đạo lý làm người. Về sau khi được Đường Tăng giải cứu, Hầu vương hồi đầu thị ngạn, quyết tâm vứt bỏ tánh xấc xược tự đại, đeo lên đầu chiếc vòng kim cô rồi hộ giá sư phụ đi Tây phương thỉnh kinh.

Tôn Ngộ Không cùng sư phụ, hai sư đệ phải lặn lội thiên sơn vạn thủy, vượt qua ngàn dặm đường trần, hàn phục vô số yêu ma quỷ quái, mới đến Thánh địa Tây Phương và được Phật Tổ Như Lai tán thán công đức viên mãn tại “Đại Hùng Bảo Điện”, chùa Lôi Âm, Thiên Trúc.

Câu chuyện của Tôn Ngộ Không cho chúng ta thấy, con người, chỉ sau khi trải qua những gian nan thử thách trên đường đời, và những chướng ngại vô minh trong nội tâm, mới có thể thoát vòng tục lụy, giữ tâm thanh tịnh, tiếp tục vững bước trên con đường truy cầu chân thiện mỹ.

Nếu Tôn Ngộ Không sau khi đã chứng đắc, một lần nữa trở lại cõi ta bà nhân gian, nhìn thấy người đời vất vả mưu sinh, lao đao lận đận suốt đời vì nợ cơm áo, Tôn Ngộ Không chắc chắn sẽ không còn ánh mắt với nhiều nghi vấn như trước nữa, mà sẽ vô cùng từ bi thương xót cho số phận truân chiên ngặt nghèo của chúng sanh.

Thực ra, con đường thỉnh kinh của Tôn Ngộ Không trong Tây Du Ký cũng giống như con đường trưởng thành của chúng ta trên cõi đời. Lúc còn nhỏ thì ngơ ngơ ngáo ngáo; khi lớn lên thì ngạo ngạo nghịch nghịch; đến tuổi trung niên khi va chạm với cuộc sống, trải qua bao cam go thử thách, mới hiểu được cuộc đời vốn dĩ chẳng dễ dàng, trưởng thành là một vết thương không bao giờ đóng miệng vì chúng ta phải luôn tiếp tục mang cả nước mắt, mồ hôi, sự đau khổ hòa cùng những vấp ngã trong sự trưởng thành của cuộc sống …

Bài thơ của Tôn Ngộ Không thực ra chỉ là một cảm nhận nhỏ trong giai đoạn trưởng thành và một thoáng nhìn dưới lăng kính khác của Hầu vương. Cái khéo léo và tinh tế của tác giả Ngô Thừa Ân là cho chúng ta thấy sự trưởng thành và chuyển hóa của Tôn Ngộ Không trong Tây Du, cũng như khi chúng ta đã từng trải về đời, một khi những đòn roi của đời bào mòn hết những gai góc trong lòng, mới biết thông cảm với lối sống bôn ba vì cơm áo và sự chịu đựng kiên trì trước những khó khăn mưu sinh của người đời.

Tôi nghĩ rằng Ngô Thừa Ân viết bài thơ trên với ẩn ý: việc gì cũng phải có chừng mực, sống trong danh lợi, theo đuổi nhưng không đắm đuối trong danh lợi; sống với dục vọng, kiềm chế nhưng không sa đà với dục vọng.

Văn dĩ tải đạo, Tây Du Ký mượn truyện thần kỳ để chuyển tải đạo lý; Tây Du là truyện ngụ ngôn trong cái hư hàm chứa cái thực. Cuộc thỉnh kinh của Tây Du mang ba chủ đề: phấn đấu, chuyển hóa và giác ngộ. Hành trình thỉnh kinh 108,000 dặm từ Đại Đường Đông Thổ đến Thiên Trúc Tây Phương có thiên ma vạn quỷ ngăn đường cản lối bước chân tìm chân lý của thầy trò Đường Tăng. Cuộc chiến đấu trừ ma diệt quái của Tôn hành giả tương tự con người phải chế ngự những mê muội của tham sân si, khắc phục những dằn vặt của thất tình lục dục, chuyển hóa nội tâm để giác ngộ và giải thoát. Cuối cùng thầy trò Đường Tăng đến Thánh địa Thiên Trúc, diện kiến Phật Tổ và được trao vô tự chân kinh (無字真經),là Kinh giấy trắng không chữ, là những câu Kinh gốc vô hình tướng bàn bạc và truyền tụng khắp nơi trong cuộc sống. "Kinh" trong Hán ngữ là kinh qua (經過), là ý chỉ những việc đã trải qua, những khó khăn trên đường đời, những chướng ngại trong nội tâm chính là chân kinh, vượt xa văn tự chữ nghĩa nơi thế gian con người. Một người, chỉ sau khi trải qua những gian truân thử thách của thế gian, mới có thể giữ được chân tâm, dù chưa đến Tay Thiên nhưng đã thành Phật trong lòng.

Hồi tưởng năm 1978, với ý nguyện được giải thoát sự ràng buộc của chế độ mới, tôi quyết định vượt biên tìm tự do, chiếc tàu cũ lênh đênh bao tháng ngày trên mặt biển, trải qua những giây phút cuồng phong bão tố, cửu tử nhất sinh, vượt quá nửa vòng trái đất từ Việt Nam miền Đông Á đến nước Mỹ Tây phương, tái lập cuộc sống mới tại xứ lạ quê người, suốt cuộc hành trình đầy phong ba thử thách, chúng ta phải phấn đấu, chuyển hóa rồi trưởng thành, cũng như cuộc thỉnh kinh của Tây Du Ký, mục đích không phải là then chốt, quan trọng là quá trình. Chúng ta phải có nghị lực và can đảm vượt qua từng bước một trên con đường nhân sinh gay go trắc trở. Nói như thế, giá trị của vượt biên, mong được cuộc sống của tự do, thực chất là chi? nghĩ rằng cũng không cần mà cũng không nhất thiết phải có câu trả lời.


Đọc Tây Du hóa ra không phải đọc Tây Du, mà là đọc lại chính ta; Ngô Thừa Ân hóa ra không phải Ngô Thừa Ân, mà là mật ngữ siêu thoát của Thánh Hiền. Ngô là họ Ngô, là chính ta (ngô bối 吾輩); Thừa là thừa hưởng, thọ nhận; Ân là ân sâu đức cả. Ai xưa kia đã thọ hưởng được cái học của Thánh Hiền mà giác ngộ, không nỡ đem giấu làm của báu riêng tư, nên lấy cuộc văn chương, mượn trò chữ nghĩa bày truyện Tây Du? Thọ ân ai mà Ngô Thừa Ân muốn đáp tạ ân ai?


"Kiếp tằm mang trả nợ dâu
Đem lời trầm tưởng diễn câu diệu huyền
Ngỡ rằng ma quái thần thiên
Nào hay rốt lại nhãn tiền chính ta
Sực tỉnh dừng bước giang hà
Mực đen giấy trắng gọi là nhân duyên”

Trường
12-15-2023


Xem Video :

11/30/23

Tự Tha Cho Mình Là Trí Tuệ Lớn Nhất Trong Cuộc Sống

Trong đời sống, thỉnh thoảng tôi cảm thấy trống vắng, hay khi thấy có nỗi buồn vô cớ, tôi đều tìm đến những mẫu chuyện hay những bài viết của Trang tử, Lão Tử, Tông Đông pha ... Mong tìm được một tia sáng soi rọi cho bước đi của mình trong cuộc sống đầy cam go, thăng trầm.

Gần đây, đọc được bài tản văn của Tông Đông pha "Ký Du Tùng Phong Đình" (記遊松風亭). Bài viết vỏn vẹn chưa tới 100 chữ, nhưng hàm chứa triết lý thâm sâu, rất thiết thực cho đời sống. Nguyên văn như sau:


Dư thường ngụ cư Huệ Châu Gia Hữu tự, tung bộ Tùng phong Đình hạ, túc lực bì phạp, tư dục tựu lâm chỉ tức. Vọng đình vũ thượng tại mộc mạc, ý vị thị như hà đắc đáo? lương cửu hốt viết: "Thử gian hữu thâm ma hiết bất đắc xứ," do thị như quải câu chi ngư, hốt đắc giải thoát. Nhược nhân ngộ thử, tuy binh trận tương tiếp, cổ thanh như lôi đình, tiến tắc tử địch, thoái tắc tử pháp, đương thâm ma thời dã bất phương thục hiết.

余嘗寓居惠州嘉祐寺, 縱步松風亭下, 足力疲乏,思欲就林止息. 望亭宇尚在木末, 意謂是如何得到? 良久忽曰:"此間有甚麼歇不得處, "由是如掛鉤之魚,忽得解脫.若人悟此, 雖兵陣相接, 鼓聲如雷霆, 進則死敵, 退則死法, 當甚麼時也不妨熟歇.

Dịch sát văn:

Tôi từng trọ tại chùa Gia Hữu ở Huệ Châu, một lần dạo chơi để đến Tùng phong Đình. Đi một hồi chân tự thấy mỏi, mong đến rừng núi nghỉ ngơi. Nhìn ra xa thấy mái đình vẫn còn xa tít ở trên cao, thầm nghĩ phải làm cách nào mới có thể đến được nơi dừng chân. Suy nghĩ khá lâu, bỗng bừng tỉnh: "Tại sao không nghỉ lại tại nơi đây?" Ý nghĩ vừa thoáng qua thì cảm thấy như cá cắn câu được gỡ móc. Nếu chúng ta hiểu được lý này, thì dù trong lúc giao tranh khốc liệt, trống chiêng vang trời, tiến tới thì sẽ chết vì chiến đấu với địch; lùi lại thì sẽ chết vì phạm quân luật. Ngay trong tình huống nguy ngập, cũng chẳng sao, vẫn có thể thong thả mà nghỉ ngơi.

Dịch thoát ý

Tôi từng trọ tại chùa Gia Hữu ở Huệ Châu, nơi đây cảnh chùa trang nghiêm, sơn thủy hữu tình. Những lúc rảnh rỗi, tôi thường hay du sơn ngoạn thủy. Phía sau chùa là một rừng núi có những đường mòn chạy xuyên xuất nhiều nơi, một trong những điểm tôi thường đến viếng là Tùng Phong Đình. Mái đình cong cong nằm chót vót trên cao, ngự tọa trên lối đi, ý chừng như đang chờ đón khách bộ hành và mời gọi khách dừng chân trên bước đường đăng trình. Một hôm như mọi lần, tôi thả bộ rong chơi, vô tình đi vào lối đi cũ, là đường để dẫn đến Tùng Phong Đình. Đi chưa được bao lâu, chận tự thấy mỏi, ngước nhìn lên cao, Tùng Phong Đình như đang đứng đợi và vẫy chào tôi. Tôi cố gắng bước nhanh lên, thầm mong sớm tới được Tùng Phong Đình, là điểm để dừng chân. Tôi cố gắng leo mãi leo mãi, chân tôi như hết lực, ngước nhìn lên thì Tùng Phong Đình vẫn còn xa tít ở trên cao.

Thầm nghĩ bao giờ mới đến chỗ để nghỉ ngơi cho được. Phân vân bối rối khá lâu, bỗng bừng tỉnh, chân đã mỏi, tại sao mình không nghỉ lại tại nơi đây? Ý nghĩ vừa thoáng qua như một dòng nước tịnh thủy giải thoát cho ý nghĩ cưỡng cầu là muốn đến cho được Tùng Phong Đình. Đây cũng là tâm thái tích cực của Tô Đông Pha, cách giải quyết của ông khi đương đầu với khó khăn trở ngại trong cuộc sống.

"Tự tha cho mình là trí tuệ lớn nhất của đời người," đó là cảm ngộ của tôi qua bài Tùng Phong Đình của Tô Đông Pha.

Thật vậy, con người thường hay đấu sức với chính mình. Nói đúng hơn là chống chọi với tâm thức của mình, suy nghĩ lo toan quá nhiều, tự tạo nhiều áp lực và buồn phiền cho cuộc sống.

Hồi còn đi làm tại High Tech, tôi có một người bạn rất giỏi, rất chăm chỉ trong công việc. Chẳng bao lâu, ông được cất nhắc lên làm giám đốc với số tuổi chưa đầy 40, dưới tay còn có hơn 20 nhân viên. Ngoài việc sắp đặt việc làm, quản lý nhân sự, ông còn phải hội họp nội bộ và giao lưu với khách hàng. Mỗi ngày làm việc hơn 10 tiếng, nhiều khi làm cả thứ Bảy, thậm chí Chủ Nhật. Chúng tôi thỉnh thoảng mới gặp nhau trong giờ ăn trưa, gặp nhau chỉ vỏn vẹn vài ba câu ngắn ngủi. Thấy người bạn lúc nào cũng trong trạng thái bộn bề, căng thẳng trong công việc, tôi thường nói với ông bạn câu: "cấp hành vô thiện bộ (急行無善步), có nghĩa là vội vã thì dễ vấp ngã.

Tôi là người tương đối nhàn hạ thong thả, mỗi lần gặp ông bạn tôi đều cảm thấy không khí hơi ngột ngạt, và cảm giác dường như ông bạn lúc nào cũng đang trong trạng thái khởi động, sẵn sàng tuyên chiến với thế giới.

Một hôm, tôi muốn tìm vui khuây khỏa nơi sân banh của hãng, khi vào sân chơi, lạ thay hôm đó vắng tanh. Tại một góc sân xa đằng kia, như có một người đang trầm ngâm, tôi đến gần, hóa ra là người bạn mà tôi đề cập ở bên trên; tay cầm điếu thuốc và hình như chẳng hề để ý, đếm xỉa gì đến sự hiện diện của tôi.

Tôi mở lời chào anh, nhìn lên, anh vụng về đáp trả lời chào của tôi, tôi đoán là anh đang có sự cố gì đây.

Trao đổi qua lại với anh, tôi mới biết là anh đang bị khủng hoảng bởi việc làm của hãng: gần đây anh bị khách hàng khiếu nại liên tục, cấp trên biết được nên khiển trách anh, và đáng nói hơn là anh có một thuộc cấp đắc lực nhất xin thôi việc. Anh đang hứng chịu một áp lực quá nặng nề.

Tôi rất đồng cảm và thông hiểu với anh bạn, vỗ vai, tôi nói với anh: "sinh hoạt của anh quá căng thẳng, anh nên buông xả bớt cho nhẹ gánh." Thương quá, tôi ôm choàng lấy anh, siết nhẹ. Người của anh bỗng rung lên, anh lắc nhẹ, thổn thức. Tôi quay đầu nhìn lại, ôi chao! nước mắt anh giàn giụa, hai dòng lệ tuôn trào, vô tình lời an ủi của tôi trở thành giọt nước làm tràn ly đầy. Quen nhau 10 năm, lần đầu tiên tôi thấy ông bạn của tôi xúc động đến như vậy.

Mỗi khi chúng ta tiếp trận với thế giới bên ngoài, thế giới bên ngoài tựa như chiến trường của mình, bất luận thắng hay bại, chúng ta cũng phải trả giá rất đắt. Thật vậy, xưa nay, không cuộc chiến nào có kẻ thắng.

Tương tự Tô Đông Pha khư khư cứ muốn lên đến tận Tùng Phong Đình rồi mới chịu nghỉ chân, thế thì Tùng Phong Đình sẽ trở thành một mục tiêu, một đích đến thách thức mà ông muốn chinh phục cho bằng được, ông tất nhiên phải cố gắng leo lên để đạt đến cái đích đó trong khi ông đã kiệt sức. "Tại sao mình không dừng bước, nghỉ chân tại điểm đứng này?" Sự chuyển hóa ý niệm này như ngọn đuốc sáng xua tan bóng tối phiền não. Vì biết thay đổi góc nhìn, Tô Đông Pha đã hòa giải với thế giới, với sự chấp trước của mình. Thực ra, hòa giải với thế giới tức là hòa giải với chính mình, nói cách khác, mình là thế giới; thế giới cũng là chính mình. Khi ta đã đồng hóa với thế giới thì đâu còn có đối tượng đối nghịch.

Cố gắng phấn đấu để cuộc sống được hạnh phúc mỹ mãn đương nhiên quan trọng, nhưng không nên vì thế mà đánh mất sự an lạc nhàn nhã. Buông xả không phải là mất đi; dừng lại không phải là trốn tránh lùi bước.

Đời người như cuộc chạy bộ đường dài, nhiều người ngã gục giữa đường vì không biết điều tiết, lúc nào nên chạy nhanh, lúc nào phải chạy chậm, lúc nào phải tạm dừng để uống nước nạp thêm năng lượng; cũng như khi cầm lái một chiếc xe, phải biết tùy thuộc vào địa hình địa thế mà gia giảm tốc độ.

Nho gia có câu: “Quân tử phùng thời nhi tiến, bất thời nhi thoái” (君子逢時而進,不時而退). Quân tử gặp thời cơ thuận lợi thì cố gắng tiến tới mục tiêu, nếu chưa hội đủ nhân duyên thì phải biết đặt mình trong tư thế chờ đợi, nuôi dưỡng động lực, chuẩn bị hành trang cho cơ duyên khác.

Nhà Phật nói:"Tùy duyên bất biến" (隨緣不變).

Tùy Duyên là tùy hoàn cảnh, phương tiện mà thay đổi các chi tiết cho thích hợp với cuộc sống.

Bất biến là luôn giữ tâm thanh tịnh, như bất động trước mọi biến động thuận nghịch, thăng trầm vốn dĩ của cuộc đời.

Lão tử nói: "Thượng thiện nhược thủy"(上善若水).

Thiện là tốt, đặc tính tốt nhất của nước là âm thuần chi nhuận vạn vật nhưng không tranh giành so đo; đặc tính quan trọng khác của nước là tùy duyên và lình động, nước tuôn chảy và tồn tại khắp nơi, trên cao là mây, rơi xuống là mưa, ở bầu thì tròn, ở ống thì dài, chỗ nào cũng tự tại thoải mái.

Thích Đạo Nho tam giáo tuy ba là một, đã gặp nhau trong tư tưởng: Tùy ngộ nhi an, tùy duyên tự tại. (随遇而安, 随缘自在)

Phải chăng đó cũng là ẩn ý của Tô Đông Pha trong bài Tùng phong Đình:

"Tha cho mình (không chấp trước) là trí tuệ lớn nhất trong cuộc sống."

Trường
11-29-2023

11/17/23

Chữ & Nghĩa - Cầu cổ tầm luận (求古尋論)

"Cầu cổ tầm luận"(求古尋論), đọc sách Thánh Hiền và nghe lời dạy cổ nhân là một thành tựu của cuộc sống; "phân cam đồng vị" (分甘同味) chia sẻ cảm nghĩ và câu chuyện vui buồn trong sinh hoạt hằng ngày là một niềm vui của tuổi già. Hoặc nói nôm na, đem những câu chuyện đời trong trải nghiệm của cuộc sống để cùng tán cho vui.

Sách có câu "Văn dĩ tải đạo" (文以載道) là để chỉ việc sử dụng văn chương và ngôn từ để truyền tải đạo lý. Về lý thuyết là như vậy, nhưng trên thực tế chúng ta thường vấp phải vấn đề chỉ biết dùng văn tự mà không hề suy nghĩ về 'nghĩa thật' (the real meaning) hay xuất xứ của nó. Tại sao?: "cũng là sông lớn mà Hoàng Hà gọi là 'hà' (河) trong khi Dương Tử Giang, còn gọi là Trường Giang lại gọi là 'giang'?, xuyên (川) cũng là con sông dòng nước mà sao không gọi là hà hay giang"?

Được biết, Giang và Hà trong tiếng Trung Quốc đều có nghĩa là sông. Từ thời thượng cổ, người ta gọi tất cả các vùng có nước là "Xuyên" để thể hiện một con sông tương đối lớn, sau đó, tên gọi dần dần biến đổi thành là Giang và Hà. Nếu phân tích vấn đề này từ góc độ địa lý nhân văn, con người ở các vùng miền khác nhau thì có nền văn hóa và lối sống khác nhau nên cách nhìn nhận của họ về sự việc cũng khác nhau.

Đầu tiên, chúng ta có thể dễ dàng nhận ra, thủy vực phía nam Trung Quốc được gọi là Giang, còn thủy vực ở phía bắc thì được gọi là Hà. Ví dụ điển hình chính là:

-Trường Giang, Chu Giang, Lệ Giang, Tiền Đường Giang, Kim Sa Giang, Cửu Long Giang ... đều nằm tại miền Nam.

-Hoàng Hà, Vị Hà, Hoài Hà, Kinh Hà, Ẩm Mã Hà, Thác lý Mộc Hà ... đều nằm ở miền Bắc.

Thứ hai, nếu quan sát kỹ hơn, đa phần các vùng nước nối với biển đều được gọi là Giang, ngược lại, sông hồ chảy sâu trong nội địa được gọi là Hà. Ví dụ điển hình chính là:

-Trường Giang chảy vào Biển Đông; Chu Giang chảy vào Biển Nam ...

-Hoàng Hà chảy vào Biển Bột Hải 渤海 (Tuy gọi là Biển nhưng dòng nước này nằm trong nội địa ở khoảng giữa bán đảo Sơn Đông và bán đảo Liêu Đông, Trung Quốc); Thác lý Mộc Hà chảy vào Hồ La Bố Bạc 罗布泊 (Hồ lớn tại nội địa tỉnh Tân Cương) ...

Cuối cùng, nói về đất đai, hệ sinh thái hai bên bờ sông Trường Giang quả thực rất phong phú, hơn nữa vì tiếng "Giang", hài âm với tiếng kêu của khổng tước (chim công), nên mọi người cho rằng Trường Giang là nơi đất lành chim đậu; ngược lại, âm đọc chữ Hà gần giống với tiếng hú của dã thú, bởi vì chúng ta đều biết rằng Hoàng Hà được mệnh danh là "con sông giận dữ" với dòng nước chảy mạnh cuồn cuộn. Hoàng Hà và các con sông có tên Hà khác hầu như đều xảy ra hạn hán và lũ lụt, không tốt cho mùa màng.

Thật ra, dù gọi Giang hay Hà đi chăng nữa thì đó cũng là kết quả của diễn biến văn hóa qua mấy nghìn năm lịch sử của Trung Quốc. Cũng như Định mệnh của dân tộc Việt Nam là định mệnh chia cắt. Một trăm năm Trịnh-Nguyễn phân tranh chẻ đôi đất nước với Đàng Trong và Đàng Ngoài. Rồi 87 năm dưới thời thực dân Pháp đất nước bị chia ba cho nên ba miền lại có nhiều điều không hiểu nhau. Rồi từ 1954-1975 đất nước lại bị chia đôi cho nên sự khác biệt về nhiều mặt lại gia tăng hơn nữa. Tuy nhiên, sự đa dạng của ngôn từ sẽ làm cho văn hóa Việt Nam phong phú hơn miễn là sự “đa dạng” đó người ta hiểu và chấp nhận, phổ biến rộng rãi.

Nói chung, phương ngữ là sản phẩm tất yếu của mọi cộng đồng ngôn ngữ trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Ví dụ:

Chớ sao nữa (miền Nam) chơ răng nựa (miền Trung) chứ sao nữa (miền Bắc).

Hoặc qua sư sưu tầm về âm và tự giữa Bắc và Nam, chúng ta thấy có sự khác biệt về văn tự giữa hai miền:

Bát và chén; cốc và y; béo và mập; bủn xỉn và kẹo; bố mẹ và ba má; dọc mùng và bạc hà; đánh chén và nhậu; được và đặng; kim cương và hột xoàn; lợn và heo; mình ơi và cưng ơi; nến và đèn cây; quả và trái; nũng nịu và nhõng nhẽo; thìa và muỗng; trứng vịt và hột vịt; vô duyên và lãng nhách; hỏng và hư ...

Đó là hiện tượng bình thường và là nhân tố tích cực của sự phát triển. Tuy nhiên, có nhiều yếu tố khác (ngữ âm và nhiều từ riêng biệt) thì chúng vẫn được giữ gìn, bảo lưu từ đời này sang đời khác. Đó là tính bền vững, làm nên một nét riêng, nét đẹp của tiếng Việt Nam.

Kỳ thực, văn tự chỉ là phương tiện, chứ không phải cứu cánh.

Đạo khả đạo phi thường Đạo. Danh khả danh phi thường danh (道可道,非常道,名可名,非常名). Đạo mà có thể nói rõ ra được 'Đạo' là gì, thì Đạo không còn là Đạo nữa; cũng như nếu ta nói được 'Không' là gì thì Không không là Không nữa. Nếu có thể gọi được tên và danh, thì cái ý ‎đối với mỗi người sẽ khác nhau, chẳng ai đúng chẳng ai sai. Cho nên, đừng lệ thuộc vào ngôn từ, phương thức để phán đoán và chia cách nhau. Nói thế không có nghĩa là chúng ta bỏ hết ngôn từ, chữ nghĩa. Ngôn từ, chữ nghĩa làm nên văn hóa và cuộc sống. Chỉ là, ta cần uyển chuyển dùng chúng với một con tim khiêm tốn và một tâm thức sáng láng. Chạy xe thì phải biết thắng, biết rồ ga. Nhưng khi nào thắng khi nào rồ ga, đó là nghệ thuật cũng là trí tuệ. Người lái giỏi, người lái dở, là ở đó.

Kinh Đại Phẩm Bát Nhã và kinh Niết Bàn đều có câu: “Bất khả thuyết” (不可說). Nghĩa là "không thể nói được." Thiền tông – nhấn mạnh rằng, các kinh nghiệm Giác ngộ (Kiến tánh) vượt qua mọi ngôn ngữ, văn tự. Người đã kiến tánh tương tự một "người câm nằm chiêm bao", không thể trình bày giấc mộng của mình cho người khác. Cũng vì lý do này nên các vị Thiền sư thường khuyên đệ tử không nên bám chặt vào văn tự trong kinh sách, cho rằng, kinh sách chỉ là "ngón tay chỉ Mặt Trăng, không phải là Mặt Trăng."

Đạo khả đạo phi thường Đạo của Lão Tử và Bất lập văn tự, Giáo ngoại biệt truyền (不立文字,教外別傳) của Thiền Tông Phật giáo đã gặp nhau trong tư tưởng "Tâm pháp Không pháp" và "thật tướng vô tướng", khi Phật đưa tay cầm nhành sen vàng giơ lên trước đại chúng, mà tất cả đều ngơ ngác, duy chỉ có Ngài Ma-ha Ca-diếp đã nhìn Phật mỉm cười lãnh thọ Tâm pháp.

Pháp bổn pháp vô pháp, 法 本 法 無 法
Vô pháp pháp diệc pháp 無 法 法 亦 法
Kim phó vô pháp thời, 今 付 無 法 時
Pháp pháp hà tằng pháp. 法 法 何 曾 法。

Dịch :

Pháp, gốc pháp không pháp
Không pháp, pháp cũng pháp
Nay lúc truyền không pháp
Pháp, pháp chưa từng pháp.

Thân kính

Trường

10-28-2023