4/29/22

The Battle of Jang Sari - Một phim hay

Chiến tranh vì miếng ăn, vì lợi ích, vì thanh vọng hay vì nghiệp chướng...

Từ Tần Thủy Hoàng đến Lý Tự Thành, rồi gần nữa là Hồng Tú Toàn phát động cuộc nội chiến Thái Bình Thiên quốc giữa thế kỷ 19, giết gần một phần tư dân số Trung hoa thời Mãn Thanh.

Những bạo chúa là bầy con rơi từ máu huyết đầy căm phẫn, là khởi điểm của bao nhiêu chiến cuộc ngút ngàn.

Từ Adolf Hitler, Benito Mussolini, Chiêu Hòa, và gần đây là Putin, là thủ phạm gây ra thế chiến và cuộc xâm lăng Ukraine đã đưa đẩy nhân loại vào địa ngục trần gian.

Từ thời thượng cổ đến nay, dường như chiến tranh luôn đi cùng nhân loại, như một thứ tai họa, dịch hạch. Những cuộc chiến tranh giành đất đai, tranh giành ảnh hưởng, để làm bá chủ một vùng đất, một nhà nước, một thế giới, thậm chí làm chủ một người đẹp... đều khiến lê dân máu chảy đầu rơi . "Nhất tướng công thành vạn cốt khô," Quyền lực mà vua chúa, tập đoàn thống trị giành được thảy đều thông qua bạo lực, đánh đổi bằng sự hi sinh của hàng triệu, hàng triệu binh lính và dân chúng.

the battle of jangsari 
Chuyện phim "The Battle of Jang Sari" của anh T. chia sẻ mang cho tôi nhiều cảm xúc, khiến tôi nghĩ đến những năm tháng đau thương của cuộc chiến tranh Việt Nam nói riêng và hai trận thế chiến nói chung.

Cuộc chiến Việt Nam kéo dài gần 20 năm. Ngày 30 tháng 4 năm 1975, khi Dương Văn Minh tuyên bố buông súng đầu hàng, Việt Nam đổi chế độ. Ai là kẻ thắng, ai là người thua? Trong chiến tranh không có kẻ thắng, nói một cách khác tất cả đều thua, sự khác biệt duy nhất là thua ít hay thua nhiều mà thôi. "Nhất tướng công thành vạn cốt khô," được quyền lợi, mất nhân nghĩa, hy sinh chúng sinh. Tất nhiên không ai thích chiến tranh, chứng kiến và chịu đựng chiến tranh. Tất cả đều biết rằng chiến tranh chỉ mang lại sự chết chóc và mất mát. Riêng trong cuộc chiến Việt Nam, số tử vong lên đến gần 4 triệu người; Hoa Kỳ với khoảng 58.000 người chết và hơn 305.000 người bị thương nặng và nhẹ. Chiến tranh luôn tàn nhẫn vô nhân đạo, thế mà trong lịch sử loài người, chiến tranh vẫn cứ tiếp diễn từng ngày, từng phút, từng giây .... Đó thực là ác nghiệp lớn nhất của loài người.
Thời buổi động loạn vô thường, lòng người đổi trắng thay đen, nhiều biến cố đổ máu xảy ra khắp nơi trên thế giới.
- Chiến tranh thảm thương giữa Nga và Ukraine
- Đấu tranh chủng tộc giữa da trắng và da đen tại Mỹ.
- Xung đột dân tộc và mối thù truyền kiếp giữa Do Thái và Palestine.
- căng thẳng quân sự giữa Trung Quốc và Đài Loan.
Ngọn lửa hận thù đã phá hủy tình thương êm đẹp, vết máu của căm thù đã làm ô uế lòng trong sạch của loài người.

Theo quan niệm nhà Phật thì chiến tranh là hệ quả từ những chuỗi duyên nghiệp trùng trùng nhân quả. Bản chất của con người bẩm sinh là tham sân si, nhân xấu gặp nghịch duyên sẽ thành ác quả. Lịch sử loài người là minh chứng cho ta thấy chiến tranh cứ tiếp diễn mãi mãi như hình với bóng...

Đồng ý câu nói của chị A. "It seems like there is no way out, yet still there is always another way through."

Thượng Đế đóng một cánh cửa, đồng thời Ngài cũng mở một cánh cửa khác.

Ngũ thập nhi tri thiên mệnh (五十而知天命), cổ nhân tới 50 tuổi thì có thể thông suốt chân lý của tạo hoá, tức là hiểu được mệnh của trời (thiên mệnh). Tôi thường tự nghĩ rằng mình đã hơn 7 bó, liệu có thể như cổ nhân hiểu được mệnh của trời hay không?

Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi, xưa nay chinh chiến, mấy ai về!

Nhớ đến khi trước có chia sẻ bài thơ nói về chiến loạn của :

曹松                                 Tào Tùng 
澤國江山入戰圖             Trạch quốc giang sơn nhập chiến đồ
生民何計樂樵蘇             Sinh dân hà kế lạc tiều tô
憑君莫話封侯事             Bằng quân mạc thoại phong hầu sự
一將功成萬骨枯             Nhất tướng công thành vạn cốt khô.

Khắp nơi trong nước rơi vào cơn chiến loạn,
Dân đen làm sao có thể yên vui sinh sống?
Các ông đừng có nói về chuyện phong hầu nữa,
Vì một vị tướng đánh thắng thì có vạn người chết vì chiến loạn.

Binh đao chiến hỏa đã lan tràn
Hỏi mấy ai kia được sống nhàn
Xin đừng nói chuyện phong hầu tước
Một tướng thắng trận vạn xác tan!"

Trường
04-28-2022

No comments:

Post a Comment