3/15/22

Tứ Đại Kỳ Thư

"Phước bất trùng lai, họa vô đơn chí," cơn đại dịch Cocid-19 còn đang hoành hành, cuộc chiến tranh giữa Nga và Ukraine lại bùng nổ. Thiên tai chưa dứt, nhân họa đã đến, đó phải chăng là hiện tượng của đại công nghiệp và là dấu hiệu của ngày tận thế đang cận kề.

Chúng ta không thể chọn lựa cuộc sống như ý muốn, nhưng có thể chọn lựa một tư duy một cách sống thanh an tự tại.

Hồng Lâu, Tam Quốc, Thủy Hử và Tây Du là tứ đại danh tác cũng là bốn loại tư tưởng tu hành để giúp cho ta tìm một lối thoát trong loạn thế. Mong trí tuệ của các bậc tiền nhân xoa dịu phần nào nỗi phiền muộn của người đói.


Tứ Đại Kỳ Thư

Nhớ thời học bậc trung học, thầy giáo nói: "thiếu niên đọc Hồng Lâu, thanh niên đọc Tam Quốc, trung niên đọc Thủy Hử, sau cùng đọc Tây Du. Đọc hiểu là tu hành, đọc không hiểu là may mắn." Lúc đó nghe rồi chẳng hiểu, cho nên bỏ qua lời nói của thầy.

Thời gian trôi qua, vật đổi sao dời, trải nghiệm trong cuộc sống luôn biến thiên giao động khiến tôi cảm nhận được nhiều ý nghĩa của cuộc đời, đồng thời dần dần lãnh hội được lý lẽ trong lời nói của thầy.

Thời trai trẻ, hầu như mọi người đều mong muốn có trái tim lãng mạn thơ mộng, sống đa tình lai láng như những nhân vật trong Hồng Lâu. Đến khi bước vào xã hội lập nghiệp mưu sinh, nhìn lại xung quanh mới thấy mình đang sống trong Tam Quốc, lòng người nham hiểm dối trá, tranh giành đấu đá lẫn nhau. Kinh quá những thăng trầm thị phi của cuộc sống, mới cảm thấy sự khả quý của lòng nhân nghĩa, đồng thời muốn giao kết cùng những vị anh hùng hảo hán trong Thủy Hử. Rốt cuộc lại gặp phải yêu ma quỷ quái trong Tây Du, con quỷ nào cũng hung bạo ác liệt, sau cùng phải ngoan ngoãn đeo cho mình chiếc vòng kim cô, niệm khẩn cô nhi chú, viễn du Tây Thiên tìm chân lý.

Tứ đại kỳ thư là bốn giai đoạn tu hành trong thế giới ta bà.

Hồng Lâu tu tình chấp; Tam Quốc tu tranh chấp; Thủy Hử tu nhân nghĩa; Tây Du tu giác ngộ.

Đọc Hồng Lâu, cửa ải là Tình - Tình là tục lụy của thế gian.

Tình, nhất là tình yêu, thường xuất phát từ sự tư hữu, tánh muốn chiếm hữu làm của riêng cho cá nhân. Bản chất của nó là "khổ."

Yêu là bể khổ, tình là dây oan, trần gian lắm hận sầu nỗi chua cay, con người bản tính vốn nhiều tham lam, nhiều mưu cầu, nhiều mộng ước ấp ủ, và từ đó sinh ra chấp trước, tranh giành, toan tính được mất cũng chỉ vì chữ tình, tình yêu, tình cảm, tình bạn, tình duyên.....

Chuyện thế gian luôn tồn tại hai mặt tương phản với nhau, có mặt trái ắt có mặt phải, như thương và ghét, hỷ và nộ, thiện và ác. Vì vậy, bất kỳ mối tình nào, tuy khổ cũng có cái vui, khi hạt giống tình yêu nảy mầm, thì chất khổ đã ngầm chứa bên trong, “vui” là đàm hoa nhất hiện*, như hoa Quỳnh chỉ nở thoáng qua rồi tàn trong khoảnh khắc. Điều cảm khái là, vị ngọt của tình yêu tuy ngắn ngủi,  người đời cũng cam chịu khổ vì tình, phải chăng họ nghĩ rằng chết vì tình tuy ngốc nghếch cũng oanh liệt? như con thiêu thân mê ánh sáng mà lao đầu vào lửa.

* Hoa quỳnh trắng

Hồng Lâu Mộng, nhân sinh như mộng _ là giấc mộng hồng lâu của con người. Dù ai sống trong lầu son gác tía hay ở cái lều tranh cửa sài thì cuộc đời cũng chỉ là một giấc mộng ảo mà thôi.

Muốn vượt qua cửa ải về tình là cả một quá trình tu hành, trăm mối tơ tình, chằng chịt vấn vương, phải cố gắng tu tập để không si tình.

Tác giả mượn chuyện thịnh suy hưng vong của một đại gia tộc để phổ lên một khúc nhạc ai oán cho cuộc sống vương giả như mây tan bèo dạt, như một "giấc mộng trong chiếc lầu hồng, nói lên sự mê ảo của thất tình lục dục con người. Những mối tình khúc chiết éo le của người đời khiến ta suy tư: “Thế gian vạn sự vạn vật cái gì là chân, cái chi là giả? Làm gì là tốt, việc gì nên thôi?”

Cõi thế gian này chỉ là quán trọ tạm dừng chân là “giả”, nơi các bậc Thánh Hiền cổ kim sum họp là “thật”; thất tình lục dục, ái hận tình thù là “giả”, giác ngộ tu hành để minh tâm kiến tính là "thật". Nhưng từ cái giả lồ lộ kia tìm ra sự thật ẩn giấu, thì phải trải qua cả một quá trình đau đớn.

Làm gì là tốt, việc gì nên thôi? Buông bỏ được mọi chấp trước là tốt, viên mãn trở về thế giới ngày xưa của mình mới là thôi!

Tác giả cũng mượn chuyện tình của Giả Bảo Ngọc, Lâm Đại Ngọc và Tiết Bảo Thoa để dẫn giải đạo lý đời người.

Những cuộc tình có thủy không chung cho ta thấy cái hậu quả bi thảm của sự "si tình":

Giả Bảo Ngọc bị gia đình lừa bịp và đánh tráo trong cuộc hôn nhân, căm phẫn và phản kháng bằng cách trốn nhà đi tu, khép mình nơi cửa Phật kết liễu tàn sinh.

Lâm Đại Ngọc khi tuổi xuân còn chưa kịp phai màu, vì si tình mà đặt cả cuộc đời vào tình yêu với Giả Bảo Ngọc, rồi sau cùng chết trong tiếng pháo mừng hôn lễ của người yêu. Bạc mệnh là phận hồng nhan đã đành, nhưng vẫn thấy thương tiếc cho người tài nữ đa truân sinh bất phùng thời. Là duyên, là nợ, hay là tình? Suy ngẫm hoài vẫn thấy xót xa.

Tiết Bảo Thoa đại diện cho nhân vật với bản tính thực tế của người phụ nữ thời xã hội phong kiến, muốn chồng mình "học giỏi, thi đỗ, làm quan". Vì si mê và chấp về danh lợi và tình, nên phải mang tiếng cướp chồng của người khác dù thực ra cũng chỉ là nạn nhân của các bậc trưởng giả phong kiến thời xưa, cuối cùng trở thành quả phụ ai oán, cô đơn suốt đời.

Con người với các thử thách của thất tình lục dục, mang cái thân người chịu đủ mọi khổ sở trong tam giới, mê hoặc trong các cảnh giới ái hận tình thù. Bồ Tát gọi là giác hữu tình, tuy có tình cảm nhưng đã giác ngộ, Bồ Tát dùng cái giác của hữu tình để đánh thức cái mê của chúng sinh. Bồ Tát hữu tình nhưng không si mê cho nên tự tại, thoát tục siêu phàm; người đời là mê hữu tình, còn mê theo tình cảm cho nên sinh sinh tử tử, lưu chuyển không ngừng trong luân hồi.

“Hiểu rõ đời, sắc sắc không không, tùy duyên tự tại,
Chìm trong đời, giả cho là thực, quanh quẩn hồng trần.


Đọc Tam Quốc, cửa ải là Tranh - Con người tranh giành cái gì với nhau?

Tranh danh đoạt lợi, bày mưu lập kế, chiếm lấy phần lợi về mình. Bản chất của nó là " không."

Tạm mượn văn từ của Dương Thận (楊慎):

“Cổn cổn trường giang đông thệ thuỷ     (滾滾長江東逝水)
Lãng hoa đào tận anh hùng                     (浪花淘盡英雄)
Thị phi thành bại chuyển đầu không       ( 是非成敗轉頭空)
Thanh sơn y cựu tại                                 (青山依舊在)
Kỷ độ tịch dương hồng                          (幾度夕陽紅)
Bạch phát ngư tiều giang chử thượng     (白髮漁樵江渚上)
Quán khán thu nguyệt xuân phong         (慣看秋月春風)
Nhất hồ trọc tửu hỉ tương phùng             ( 一壺濁酒喜相逢)
Cổ kim đa thiểu sự                                 (古今多少事)
Đô phó tiếu đàm trung”                         (都付笑談中)

“Trường Giang cuồn cuộn chảy về Đông,
Bạc đầu ngọn sóng cuốn anh hùng.
Thị phi, thành bại theo dòng nước,
ừng sững cơ đồ bỗng tay không.
Non xanh nguyên vẹn đó,
Mấy độ ánh chiều hồng.
Bạc tóc ngư tiều trên bến nước,
Đã quen gió thoảng trăng lồng,
Một vò rượu đục vui gặp gỡ.
Chuyện đời tan trong chén rượu nồng.”

Thế gian kinh quá mấy cuộc binh đao chiến loạn, thiên hạ anh hùng cũng máu đổ đầu rơi. Tránh sao được vô thường cõi trần thế? Mới hôm nào cuộc rượu hân hoan mừng chiến thắng, mà nay đã phơi thân ngoài sa trường. Còn nhớ, Gia Cát Lượng vị thừa tướng tài ba lỗi lạc, thông thạo chiến lược binh pháp, thiên văn địa lý, bày mưu lập kế như thần, cuối cùng bệnh mất trong doanh trại tại "Ngũ Trượng Nguyên" trong cảnh thê lương vì chưa toại chí bình sinh; Quan Công Vân Trường quá ngũ quan trảm lục tướng, oai phong lẫm liệt, uy chấn bốn phương; Châu Du, tên của vị tướng hay gắn với trận đại chiến Xích Bích, tay cầm quạt lông, đầu đội khăn lược, phong thái anh dũng, nói cười khoan khoái mà tiêu diệt quân thù; Tào Tháo, Lưu Bị và Tôn Quyền tạo thành thế chân vạc thời Tam Quốc, tam hùng tranh cứ, các vị hào kiệt ôm giấc mộng làm bá chủ. anh hùng trả món nợ non sông trước mắt, mặc đời sau thiên hạ luận bình… Thời gian trôi qua, tất cả đều chảy theo dòng thời gian, anh hùng hào kiệt đi vào lịch sử, xưa nay những sự việc trên đời rồi cũng phó vào trong những cuộc tiếu đàm của nhân gian mà thôi.

Muốn vượt qua cửa ải về “tranh” là cả một quá trình tu hành, tánh người kiêu căng, tranh giành ăn thua, phải cố gắng tu tập để buông bỏ lòng hiếu thắng”

Nhất tướng công thành vạn cốt khô (一將功成萬骨枯). Tác giả mượn chuyện Tam Quốc dẫn giải đạo lý đời người, giành nhau cuối cùng chẳng giữ được gì cả, được quyền lợi, mất nhân nghĩa, hại cho chúng sinh. Mọi người đều biết cái lý, nhưng vì tánh tham sân si đưa đẩy thiên hạ sa vào vòng xoáy của tranh giành mà khó hồi đầu.

Kiếm thánh Nhật Bản Cung Bổn Võ Tàng kiếm thuật siêu đẳng, vị phùng địch thủ, được giới võ thuật Nhật Bản tôn xưng là "thiên hạ đệ nhất kiếm." Tranh giành suốt đời, đến già mới ngộ được chân lý "vô chấp về thắng bại." Rồi viết ba câu để bày tỏ ý thức về không tranh không đấu của mình:

"Vô sát giả, vô bị sát giả, vô sát sự (無殺者,無被殺者,無殺事)." không giết người, không bị người giết, không bận tâm về chuyện sinh sát.” Mình không tranh nữa thì không có ai tranh với mình.

Đọc Thủy Hử, cửa ải là lợi - nhân nghĩa của người đời đi đâu rồi?

Lợi, nói về tư lợi là tham vọng. Bản chất của nó là "ích kỷ."
Tạm mượn ca từ bài hát “hảo hán ca” (好漢歌) của Lưu Hoan trong phim chuyện "Thủy Hử":

Đại hà hướng đông lưu                             (大河向東流)
Thiên thượng tinh tinh tham Bắc Đẩu     (天上星星參北斗)
Sinh tử chi giao nhất hoãn tửu                 (生死之交一碗酒)
Bất phân quý tiện nhất hoãn tửu             (不分貴賤一碗酒)
Thủy lý hỏa lý bất hồi đầu                     (水裡火裡不回頭)
Nhất lộ khán thiên bất đê đầu                 (一路看天不低頭)
Lộ kiến bất bình nhất tiếng hống             (路見不平一声吼)
Cai xuất thủ thời tựu xuất thủ                 (該出手時就出手)
Phong phong hỏa hỏa xương cửu châu (風風火火闖九州)

Tạm dịch nghĩa bài ca như sau:

Dòng sông cuồn cuộn chảy về đông,
Bắc Đẩu sao trời chủ nhân ông.
Kết nghĩa sinh tử một bầu rượu,
Tương phùng vui trong chén rượu nồng.

Lộ kiến bất bình rút thanh kiếm,
“Thế thiên hành đạo” chí tang bồng.
Sóng vỗ mưa vùi tâm bất khuất,
Quyết ra tay buồm lái cuồng phong.

Thủy Hử, tiếng Anh là "All men are brothers". Tứ hải giai huynh đệ, bốn bể là anh em.

Truyện kể về việc 108 anh hùng hảo hán vì gặp cảnh đời loạn lạc lắm nỗi bất bình mà dần dần tụ họp ở vùng Thủy Bạc Lương Sơn với tôn chỉ “thế Thiên hành đạo”(替天行道) để đem lại công bằng cho người dân thấp hèn, bị áp bức dưới chế độ quan liêu, xã hội phong kiến.

Giá trị cơ bản của Thủy Hử là ở chỗ đã xây dựng được hàng loạt nhân vật hảo hán, võ nghệ cao cường, giàu lòng vị tha, xả thân vì nghĩa. Vì vậy, các hảo hán Lương Sơn đã được ca ngợi hết lời, là những người tượng trưng cho ước vọng, cho tiếng nói của quần chúng nông dân thấp cổ bé miệng, là những ông Tiên ông Bụt bằng xương bằng thịt...

108 anh hùng hảo hán đều có chung một tinh thần nghĩa hiệp giang hồ. Bởi vì là giang hồ nên họ sống thoải mái, phóng khoáng và cởi mở với nhau; đối đãi với nhau như huynh đệ ruột thịt bằng chân tâm, thật dạ, bằng tấm lòng nhân nghĩa trong sáng, không vụ lợi.

Mặt trái của nhân nghĩa là tư lợi. Khoảng cách giữa xã hội ngày nay và xã hội Lương Sơn; khác biệt giữa người đời và hảo hán, đó chính là sự khác biệt và khoảng cách giữa nhân nghĩa và tư lợi. Tư lợi còn ngầm chứa tánh ích kỷ và lạnh nhạt. Thông bệnh của lòng người trong xã hội hiện nay là trọng lợi, ích kỷ và lãnh đạm, đó cũng là cộng nghiệp của thời kỳ mạt pháp. Vì vậy, khí phách hảo hán của Thủy Hử không nên tuyệt diệt, tinh thần nghĩa hiệp của Lương Sơn phải được tồn tại mãi trong đời sống của chúng ta.

Muốn vượt qua cửa ải về lợi là cả một quá trình tu hành, dục vọng vô tận, lòng tham vô đáy, phải cố gắng tu tập để kìm hãm lòng tham.

Mạnh Tử viết: "Sinh diệc ngã sở dục giã, nghĩa diệc ngã sở dục giã, nhị giả bất khả đắc kiêm, xá sinh nhi thủ nghĩa giả giã".(生亦我所欲也;亦我所欲也,二者不可得兼,舍生而取者也) Sống ta vốn muốn mà nghĩa ta cũng cần, khi không thể trọn lẽ đôi bề, thì xả sinh mà giữ lấy nghĩa vậy. Cái khó nhất của người đời, là thường gặp trường hợp bắt buộc phải chọn lựa, nên giữ mạng hay chọn nghĩa? Trong lịch sử, biết bao nhân vật vĩ đại phải trải qua thử thách lớn lao, nhiên hậu mới trở thành vĩ nhân.

Hoàng Hoa Cương 72 liệt sĩ hy sinh vì chính nghĩa, lưu danh vĩnh viễn trong sử xanh Trung Quốc; những vị anh hùng, những chiến sĩ vô danh đã tuẫn tiết vì quốc gia danh dự ngày 30 tháng 4, làm hãnh diện cho màu cờ và sắc áo của vị quân nhân chính khí oai nghiêm, được tổ quốc ghi ơn, mãi mãi lưu danh trong dòng sử oai hùng nước Việt Nam.

Đọc Tây Du, cửa ải là tâm ma - là giác ngộ hay là chấp mê bất ngộ?

Tâm ma là cội nguồn của tội lỗi, từ đó mà sinh ra mọi dục vọng, ô nhiễm tâm thức của chúng ta, bản chất của nó là “mê”.

Tạm mượn bài ca "Lộ Tại Hà Phương"(路在何方) trong phim chuyện Tây Du Ký:

Nhĩ khiêu trước đảm, ngã khiên trước mã             (你挑著擔我牽著馬)
Nghinh lai nhật xuất, tống tẩu vãn hà                     (迎來日出送走晚霞)
Đạp bình khảm kha, thành đại đạo                         (踏平坎坷成大道)
Đấu bãi gian hiểm, hựu xuất phát                         (鬥罷艱險又出發)
Kỷ phiên phiên xuân thu đông hạ                         (幾番番春秋冬夏)
Nhất trường trường toan điềm khổ lạt                 (一場場酸甜苦辣)
Cảm vấn lộ tại hà phương? Lộ tại cước hạ         (敢問路在何方,路在腳下)

Tạm dịch nghĩa bài ca như sau:

Gánh gồng đẩy ngựa, vượt đường xa
Đón ánh bình minh, diệt tà ma
Đạp bằng ghập ghềnh ta đi tới
Chẳng ngại gian hiểm nguyện xông pha
Đắng cay chua ngọt vị trần thế
Bao mùa xuân hạ tới đông qua
Cảm thán hỏi đâu đường đại đạo...?
Đường kìa...ở dưới bước chân ta

Đường nào ta đi, nói lên con đường thỉnh kinh là đường trở về nội tâm, trên hành trình cô đơn đó, ta là Đường Tăng, ta cũng là Tề Thiên, Bát Giới, Sa Hà Thượng, Bạch Long Mã, ngũ vị nhất thể, một là năm, năm là một.

Tây Du Ký là một cuốn sách về giác ngộ, mượn truyện thần kỳ chở chuyên đạo pháp, nhất là thiền học. Cuộc thỉnh kinh của thầy trò Đường Tăng từ Đông Thổ đến Tây Phương Thiên Trúc dài 108,000 dặm, với 81 kiếp nạn tranh đấu cùng thiên ma vạn quỷ cản đường ngăn lối, cũng như con đường đầy trắc trở gian nan của chúng ta trên hành trình truy tầm chân lý, tìm cái mà đạo Lão gượng cho là "Đạo"; Nho giáo gọi là xích tử chi tâm; nhà Phật mệnh danh là bổn lai diện mục; các tôn giáo khác bảo là Thượng Đế tính.

Nhà Phật nói: tu hành là tu tâm. Tâm có ngũ độc 五毒心 - tham sân si mạn nghi ( 貪、嗔、痴、慢、疑). Tâm ma là chướng ngại lớn nhất của tu hành, phải lóng trong gạn đục mới chứng được quả.

Con đường thỉnh kinh của thầy trò Đường Tăng trong Tây Du cũng như cuộc chiến đấu đi tìm chân lý của người đời. Những yêu tinh bên ngoài luôn ẩn dụ con người phải đương đầu với những thử thách và nghịch cảnh ngoài đời. Những yêu quái này luôn luôn bị Tề Thiên đập chết. Chúng ta có quyết tâm ắt sẽ vượt qua những khó khăn trở ngại trong cuộc sống.

Có những thứ ma quỷ là do linh thú trên trời biến thành thì phải nhờ Tiên Phật mang về thượng giới quản thúc. Hiện tượng này là ẩn dụ những mê muội của tham sân si, thất tình lục dục, chúng nằm bên trong chúng ta. Tiên Phật mang về xử lý nội bộ tức là nội loạn của bản thân thì phải quay về nội tâm để gạn lọc, chuyển hóa. Lý trí của con người tuy có đủ khả năng suy xét phân biện thiện ác và phải trái, nhưng vẫn chưa đủ dũng khí, có những cái xấu cái ác mà lương tri lương tâm đã tự biết là xấu là ác, nhưng con người lại yếu đuối, thường không đủ sức cưỡng lại những ham muốn mãnh liệt, đành chào thua. Khi đó, chỉ nhờ vào nhân nghĩa đạo đức, giáo lý Thánh Hiền, cũng như vòng kim cô trên đầu của Tôn Hành Giả và khẩn cô nhi chú của Quan Âm Bồ Tát, là chiếc phao cuối cùng cho chúng ta bấu víu để khỏi đắm chìm trước cơn phong ba bão táp của hải hà dục vọng.

Vượt cửa ải về tâm ma dục vọng là cả một quá trình tu hành, dục vọng xuất phát từ mê chấp; mê chấp bám chặt vì dục vọng. Nhà Phật nói: đa dục vi khổ, phải cố gắng tu tập để buông bỏ lòng mê chấp.

Tứ đại danh tác là bốn giai đoạn tu hành của người đời, đọc hiểu rồi mong thức tỉnh và tu hành; đọc chưa hiểu thì tiếp tục nổi chìm trong hồng trần tục thế. Rất tiếc là loại người trước rất ít, loại người sau thì vô số.

Khổ là động cơ chính yếu thúc đẩy con người tu hành; tu hành giúp cho ta tìm một lối thoát. Tuy nhiên, cuộc sống không có khó khăn đau khổ là may mắn hay là không may mắn, bạn nghĩ thế nào?

Trường

03-12-2022
******
Hi anh Trường,
Cám ơn anh Trường đã giới thiệu và tóm lược triết lý của Tứ Đại Kỳ Thư .
Hồi nhỏ, tôi có thuê cuốn Tây Du Ký đọc trước nhất, và tôi thích Tề Thiên Đại Thánh, vì mồi lần Tề Thiên Đại Thánh xuất hiện thì hào hứng, sôi nổi hơn các nhân khác.
Nếu tôi nhớ không lầm thì người cầm quạt lông là Khổng Minh Gia Cát Lượng, không phải Châu Du .
Thân ,
X
*****
Cám ơn anh X. nêu một chi tiết trong chuyện để cùng nhau tìm hiểu và thảo luận, khiến cho diễn đàn thêm phần nhộn nhịp.
Dịch Trung Thiên (易中天), học giả nổi tiếng cận đại của Trung Quốc trong sách "Phẩm Tam Quốc" (品三國) miêu tả Chu Du đẹp trai phong nhã, là danh tướng của nước Đông Ngô thời Tam Quốc, có tài điều binh khiển tướng, đồng thời giỏi về thi ca và âm nhạc. Thân là tướng soái nhưng có phong thái của vị nho sĩ.
Trong Tam Quốc Diễn Nghĩa, Chu Du và Gia Cát Lượng được sử giả miêu tả cả hai người đều có tính tình hào phóng.
Nhà thơ trứ danh Tô Đông Pha trong bài viết "Niệm nô kiều - Xích Bích hoài cổ" (念奴嬌-赤壁懷古):
"Dao tưởng Công Cẩn đương niên (遙想公瑾當年)
Hùng tư anh phát (雄姿英發)
Vũ phiến luân cân (羽扇綸巾)
Đàm tiếu gian, cường lỗ khôi phi yên diệt" (談笑間,檣櫓灰飛煙滅)

Nhớ lại Công Cẩn Chu Du thời bấy giờ, tư thái anh hùng, tay cầm quạt lông, đầu đội khăn lược, nói cười khoan khoái mà tiêu diệt vô số chiến thuyền của Tào quân trong trận Xích Bích.
Văn dĩ tải đạo, Tam Quốc Diễn Nghĩa mượn truyện lịch sử để chở chuyên đạo lý. Cuốn sách dài 84 tập trong đó không tránh khỏi có phần hư cấu hầu tạo sự thích thú và sôi nổi cho người đọc, điều quan trọng là chúng ta hiểu được những ngụ ý trong truyện Tam Quốc để giúp ta có cái nhìn sáng suốt hơn trong cuộc sống.
Thân
Trường

hr />

No comments:

Post a Comment