Cảm ơn anh K. chia sẻ video "Ra Đi Bằng Mọi Cách". Biến cố 30-4-1975 là một sự kiện quan trọng của dân tộc Việt Nam, cũng là một ấn tích lịch sử để chúng ta ôn lại một chặng đường gian nan đầy thảm thương đáng ghi nhớ trong những tháng ngày vạn lý tầm tự do, vào cõi chết tìm đất sống.
Ngày 30 tháng 04 năm nay (2022) đánh dấu 47 năm Miền Nam Việt Nam thất thủ.
Cuộc chiến Việt Nam kéo dài gần 20 năm chính thức đi vào lịch sử khi Dương Văn Minh tuyên bố buông súng đầu hàng vào ngày 30 tháng 04 năm 1975.
Tiếp theo, chính quyền của chế độ mới cũng tuyên bố đất nước dân tộc được giải phóng và hòa bình. Nhưng nước Việt Nam yêu mến của chúng ta có thực sự hòa bình hay không?
Khởi đi từ đó dù cuộc chiến bom đạn đã chấm dứt trên quê hương nhưng lại mở ra một trận chiến âm thầm khốc liệt và đau thương khác cho dân tộc. Đó là cuộc chiến giữa cái thiện và cái ác, giữa tự do và độc tài, giữa nhân đạo và bất nhân .....
Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, khi chính quyền mới thống trị cả nước Việt Nam họ bắt đầu thực hiện nhiều chiến lược khắc nghiệt đối với người dân, nhất là người dân Miền Nam. Hàng triệu người từ thành phần trí thức, thương gia, quân nhân cán chính VNCH và gia đình của họ trở thành tù nhân triền kiếp; nền kinh tế thị trường bị xáo trộn bởi những vụ đánh tư sản, quốc hữu hóa thương nghiệp và một số chiến lược đổi tiền v.v...
Đức không Tử giảng huấn "Hà chính mãnh ư hổ giã" (苛政猛於虎也), sách lược quốc trị hà khắc còn ghê gớm hơn cọp. Nếu tầng lớp cai trị có tà ý, không biết thương dân thì đất nước tất loạn, đối với những ai không còn chịu đựng nổi sự đàn áp của guồng máy độc tài để phải đi đến sự chọn lựa con đường nỗ lực tìm tự do trong cái chết, họ quyết định vượt biên hay ly hương để trốn khỏi sự đàn áp mặc dầu phải đánh đổi cả mạng sống, mà bằng chứng cụ thể là hàng triệu người dân từ bỏ quê nhà ra đi bằng đường bộ và đường biển khiến cho cả triệu người phải vùi thây dưới lòng đại dương hay chôn thân trong rừng sâu núi thẳm.
Từ bối cảnh đó hai chữ “thuyền nhân” ra đời trong sự thức tỉnh của lương tâm nhân loại trước định mệnh nghiệt ngã của dân tộc Việt Nam trong hậu bán thế kỷ 20. Trong ý nghĩa này, thuyền nhân là những người dám xông vào cõi chết để tìm đất sống.
Trong video khi xướng ngôn viên Đinh Quang Anh Thái hỏi thăm một cô bạn: Lý do nào mà năm 16 tuổi, cô đã can đảm bỏ lại cha mẹ anh em để đi vượt biên một mình thôi, và bị bắt 2 lần, tức là vượt biên lần thứ nhì thì cô mới may mắn vượt thoát được? thì đây là câu cô trả lời: "Tôi ra đi để trốn chạy cộng sản." Trả lời một cách rất ngắn gọn đanh thép, cũng như sau năm 1975, có rất nhiều câu đồng dao đã được đồng bào chúng ta viết lên, ví dụ: "con đi được thì con nuôi má, con không đi được thì má nuôi con, con chết trên biển thì con nuôi cá." Bây giờ vào bối cảnh 30 tháng 04, nhắc nhớ lại những câu đồng dao này, cá nhân chúng tôi vẫn nghe như là có một vết khứa trong tim của mỗi một gia đình Việt Nam.
Đinh Quang Anh Thái cũng nhắc đến những năm trước đây, một số đồng bào đã tổ chức những chuyến đi về các trại tị nạn như Thái Lan, Indonesia, malaysia ... để mà tìm lại mộ phận của những đồng bào xấu số chết trong biển Đông, họ xót xa vô cùng khi chứng kiến những nơi chôn tập thể cho 157 nạn nhân của chiếc tàu "Mỹ Tho 60" đã được cộng đồng người Hoa tại Malaysia an táng tại đây. Rải rác dọc theo vùng bờ biển cũng phát hiện rất nhiều mộ chôn tập thể, nơi chôn 47 người, 15 người, 4 người ... cũng có bộ phận cá nhân để unknown, female, DOD 13-01-1987. Tiện đây, tôi xin phép được kể lại một kỷ niệm hoàn toàn có tính cách riêng tư nhưng nằm trong bối cảnh vượt biên. Đêm 18 tháng 10 năm 1978 gia đình tôi vượt biên tại Cát Lái với chiếc tàu sắt mang tên "Chi Mai", vì tàu xây hai tầng với kỹ thuật thô sơ lại chở quá nhiều người, cho nên mất thăng bằng và tàu lật chìm ngay tại bến, vợ chồng tôi được cứu nhưng hi sinh một người thân nhất. Sau đó khoảng 300 người mắc nạn được chôn tại Nghĩa Trang Cát Lái, tôi có đến thăm tận nơi, thân nhân tôi tên Lý Gia Nam, mộ bia (thực ra chỉ là một miếng ván nhỏ) số 128. Nói tóm lại, theo số thống kê của cao ủy tị nạn Liên Hiệp Quốc, khoảng 2 triệu người đã cố gắng vượt thoát sự đàn áp của chế độ mới, khoảng 800,000 thuyền nhân đến được bến bờ tự do, khoảng 200,000 nạn nhân mất mạng trên đường vượt biên, con số trên đã nói lên một thực trạng thê thảm trong lịch sử Việt Nam. Nói cho tới cùng, đó là cả một hành trình đẫm máu và là một trang lịch sử không bao giờ xóa nhòa được sự khổ đau của đồng bào chúng ta khi vượt biên tìm tự do.
Xin thắp nén hương lòng nguyện cầu cho hương linh tất cả những thuyền nhân đã nằm xuống lòng đại dương trong những cuộc hành trình đi tìm Tự Do được an nghỉ nơi vùng trời miên viễn.
Xin mượn bài thơ của Dương Thượng Trúc để tưởng niệm hàng trăm ngàn thuyền nhân Việt Nam đã hy sinh trong lòng biển cả mênh mông trên hành trình tìm đất sống còn dang dở .....
Tháng tư Tổ Quốc phủ màu tang.
Dân tộc đau thương oán hận tràn.
Tủi phận nam nhi đời lữ thứ.
Hướng về quê mẹ lệ chứa chan…
Trường
05-02-2022
No comments:
Post a Comment