Bản tiếng Anh: https://www.bbc.com/news/world-asia-67282107
November 05, 2023
By Rupert Wingfield-Hayes
BBC News, Taiwan
Dịch và bổ sung cước chú: Phạm Văn Bân, Fàn Wénbīn, 范文彬, November 06, 2023
|
Đài Loan dưới thời Tổng thống Thái Anh Văn đã lên tiếng nhiều hơn về liên minh với Mỹ |
Gần đây, khi Tổng thống Mỹ Joe Biden ký khoản tài trợ $80 triệu đô-la cho Đài-loan để mua thiết bị quân sự của Mỹ thì Trung quốc nói họ “lấy làm tiếc và phản đối” những gì Washington đã làm.
Đối với người quan sát ngẫu nhiên, khoản tài trợ này không có vẻ là một khoản tiền quá lớn. Nó tốn ít hơn giá của một chiếc máy bay chiến đấu tân tiến. Đài-loan đã đặt mua thiết bị quân sự của Mỹ trị giá hơn 14 tỷ USD. Liệu $80 triệu đô-la khốn khổ này có quan trọng hơn không?
Trong khi sự giận dữ là phản ứng đương nhiên của Bắc-kinh đối với bất cứ hỗ trợ quân sự nào dành cho Đài-loan, nhưng lần này có điều gì đó khác biệt.
$80 triệu đô-la không phải là một khoản cho vay. Nó là tiền của những người nộp thuế ở Mỹ. Đây là lần đầu tiên sau hơn 40 năm, Mỹ dùng tiền riêng để gửi vũ khí đến một nước mà Mỹ không chính thức công nhận. Chuyện này đang xảy ra theo một chương trình gọi là tài trợ quân sự ngoại quốc (foreign military finance/FMF).
Kể từ khi Nga xâm lăng Ukraine vào năm ngoái, FMF đã được dùng để gửi khoảng 4 tỷ USDviện trợ quân sự cho Kyiv. FMF đã được dùng để gửi thêm hàng tỷ USD đô-la cho Afghanistan, Iraq, Israel và Egypt, v.v. Nhưng cho đến nay FMF chỉ được trao cho các nước hoặc tổ chức được Mỹ công nhận. Đài-loan thì Mỹ không công nhận.
Sau khi Mỹ chuyển sự công nhận ngoại giao từ Đài-loan sang Trung quốc vào năm 1979, Mỹ tiếp tục bán vũ khí cho hòn đảo này theo các điều khoản của Taiwan Relations Act/Đạo luật Quan hệ Đài-loan. [1] Điểm then chốt là bán vừa đủ vũ khí để Đài-loan có thể tự vệ trước cuộc tấn công có thể xảy ra của Trung quốc, nhưng không quá nhiều đến nỗi tạo ra bất ổn cho mối quan hệ giữa Washington và Bắc-kinh. Trong nhiều thập niên, Mỹ đã dựa vào điều gọi là sự mơ hồ về chiến lược này/strategic ambiguity để giao dịch buôn bán với Trung quốc, đồng thời vẫn là đồng minh trung thành nhất của Đài-loan.
Nhưng trong thập niên qua, cán cân quân sự dọc Eo biển Đài-loan đã nghiêng hẳn về phía có lợi cho Trung quốc. Công thức cũ không còn hiệu quả nữa. Washington khẳng định mạnh mẽ rằng chính sách của họ không thay đổi, nhưng theo những cách quan trọng thì có. Bộ Ngoại giao Mỹ đã nhanh chóng bác bỏ ý nghĩ cho rằng FMF có ngụ ý công nhận Đài-loan. Nhưng tại Đài-bắc, rõ ràng là Mỹ đang tái xác định mối quan hệ với hòn đảo này, đặc biệt là do Washington đang thúc đẩy Đài-loan tái vũ trang một cách khẩn cấp.
Và Đài-loan, quốc gia không thể so nổi với Trung quốc, cần sự giúp đỡ.
Vương Định-vũ/Wang Ting-yu,[2] một nhà lập pháp của đảng cầm quyền có quan hệ mật thiết với Tổng thống Đài-loan Thái Anh-văn, và với các lãnh đạo Quốc hội Mỹ, nói: “Mỹ đang nhấn mạnh đến nhu cầu cấp thiết cần phải cải tiến năng lực quân sự của chúng tôi. Họ đang gửi một thông điệp rõ ràng về chiến lược đến Bắc-kinh rằng chúng tôi sát cánh cùng với nhau.”
Ông nói rằng $80 triệu đô-la chỉ là phần nổi của một tảng băng rất lớn, và lưu ý rằng vào tháng Bảy (July), Tổng thống Biden đã dùng quyền tùy nghi để phê duyệt việc bán các dịch vụ và thiết bị quân sự trị giá 500 triệu đô-la cho Đài-loan. Ông Vương nói Đài-loan đang chuẩn bị gửi hai tiểu đoàn bộ binh tới Mỹ để được huấn luyện, lần đầu tiên điều này xảy ra kể từ thập niên 1970s.
Nhưng điều then chốt là tiền, theo ông thì khởi đầu có thể lên tới 10 tỷ triệu đô-la trong 5 năm tới.
Lại Di-trung/I-Chung Lai,[3] chủ tịch Hội Viễn-cảnh Cơ-kim [4], một tổ chức nghiên cứu có trụ sở tại Đài-bắc, nói rằng các thỏa thuận liên quan đến thiết bị quân sự có thể mất tới 10 năm. “Nhưng với FMF, Mỹ đang gửi vũ khí trực tiếp từ kho của Mỹ và đó là tiền của Mỹ - vì vậy chúng tôi không cần phải trải qua toàn bộ diễn trình phê chuẩn.”
Điều này rất quan trọng căn cứ vào một Quốc hội bị chia rẽ đã trì hoãn hàng tỷ đô-la viện trợ cho Ukraine, mặc dù Đài-loan rõ ràng nhận được nhiều ủng hộ của lưỡng đảng hơn. Nhưng cuộc chiến tại Gaza chắc chắn sẽ hạn chế nguồn cung cấp vũ khí của Mỹ cho Đài-bắc, cũng như cuộc chiến ở Ukraine. Tổng thống Biden đang tìm kiếm viện trợ chiến tranh cho Ukraine và Israel, trong đó bao gồm cả nhiều tiền hơn cho Đài-loan.
Hỏi Bộ Quốc phòng tại Đài-bắc tiền Mỹ sẽ được dùng vào mục đích gì, và câu trả lời là một nụ cười hiểu-biết và đôi môi mím thật chặt.
Nhưng Dr. Lại nói rằng có thể đưa ra những phỏng đoán có căn cứ: Hỏa tiễn phòng không Javelin và Stinger - hai vũ khí hiệu quả rất cao mà các lực lượng có thể học cách dùng một cách nhanh chóng.
Ông nói: “Chúng tôi không có đủ hỏa tiễn và chúng tôi cần rất nhiều. Tại Ukraine, Stingers đã dùng cạn rất nhanh và cách Ukraine dùng chúng cho thấy chúng tôi cần gấp 10 lần số lượng mà chúng tôi hiện có.
”
|
Đài-loan, một đảo tự trị, đối diện nguy cơ bị Trung quốc sáp nhập |
Đánh giá của các người quan sát lâu năm rất thẳng thắn: hòn đảo này thiếu chuẩn bị kỹ lưỡng để đối phó với một cuộc tấn công của Trung quốc.
Danh sách của các vấn đề rất dài. Quân đội Đài-loan có hàng trăm xe tăng chiến đấu cũ kỹ, nhưng lại có quá ít hệ thống hỏa tiễn hạng nhẹ tân tiến. Cơ cấu chỉ huy, chiến thuật và học thuyết quân đội của nước này đã không được cập nhật trong nửa thế kỷ qua. Nhiều đơn vị tiền tuyến chỉ có 60% nhân lực lẽ ra phải có. Các hoạt động phản gián của Đài-loan ở Trung quốc được cho là không tồn tại và hệ thống trưng binh của nước này bị hỏng bét.
Năm 2013, Đài-loan đã giảm nghĩa vụ quân sự từ một năm xuống chỉ còn 4 tháng, trước khi khôi phục lại thành 12 tháng, một động thái sẽ có hiệu lực vào năm tới. Nhưng có các thách thức lớn hơn. Những thanh niên đã trải qua gọi đùa là “trại nghỉ hè.”
Một người mới tốt nghiệp nói: “Không có huấn luyện thường xuyên. Chúng tôi đến trường bắn khoảng hai tuần một lần và dùng những khẩu súng cũ từ thập niên 1970s. Chúng tôi quả đã bắn vào các mục tiêu. Nhưng không có hướng dẫn thích đáng về cách nhắm bắn như thế nào, vì vậy mọi người cứ bắn trượt. Chúng tôi không tập luyện gì cả. Cuối cùng có bài thi về thể lực, nhưng chúng tôi không chuẩn bị gì cho cuộc thi này.”
Anh mô tả một hệ thống trong đó các chỉ huy quân đội cấp cao nhìn những thanh niên này với thái độ hoàn toàn thờ ơ và không hề quan tâm đến việc huấn luyện họ, một phần vì họ sẽ chỉ ở đó trong một thời gian ngắn.
Tại Washington có cảm giác mạnh mẽ rằng Đài-loan đang sắp hết thời gian để cải tổ và xây dựng lại quân đội. Vì vậy, Mỹ cũng đang bắt đầu tái huấn luyện quân đội Đài-loan.
Trong nhiều thập niên, các nhà lãnh đạo chính trị và quân sự của hòn đảo này tin tưởng rất nhiều rằng việc xâm chiếm hòn đảo này là cực kỳ khó khăn và nguy hiểm đối với Trung quốc. Giống như Anh, Đài-loan ưu tiên phát triển lực lượng hải quân và không quân - thay vì cho bộ binh.
Dr. Lại nói: “Quan điểm là giao chiến với chúng ở Eo biển Đài-loan và tiêu diệt chúng trên bãi biển. Vì vậy, chúng tôi đầu tư rất nhiều nguồn lực vào việc phòng thủ trên không và trên biển”.
|
Ưu điểm lớn nhất của Đài-loan là hòn đảo có địa hình đồi núi |
Nhưng hiện nay Trung quốc có lực lượng hải quân lớn nhất thế giới và lực lượng không quân vượt trội hơn rất nhiều. Một cuộc thao diễn trò-chơi-chiến-tranh do một tổ chức nghiên cứu tiến hành năm ngoái tìm thấy rằng trong một cuộc xung đột với Trung quốc, lực lượng hải quân và không quân của Đài-loan sẽ bị xóa sổ trong vòng 96 giờ đầu tiên của trận chiến.
Dưới áp lực mạnh mẽ từ Washington, Đài-bắc đang chuyển sang chiến lược “fortress Taiwan/pháo đài Đài-loan” để sẽ khiến cho hòn đảo này trở nên vô cùng khó khăn để Trung quốc chinh phục.
Trọng tâm sẽ chuyển sang lực lượng trên đất liền, bộ binh và pháo binh - đẩy lùi cuộc xâm lăng trên các bãi biển, và, nếu cần thiết, giao chiến với Quân đội Giải phóng Nhân dân (People's Liberation Army/PLA) tại các thị trấn và thành phố, và từ các căn cứ nằm sâu trong vùng núi phủ đầy rừng rậm của hòn đảo. Nhưng điều này đặt lại trách nhiệm bảo vệ Đài-loan cho một quân đội đã lỗi thời của nước này.
Dr. Lại nói: “Sau khi Mỹ cắt đứt quan hệ vào năm 1979, quân đội của chúng tôi gần như bị cô lập hoàn toàn. Vì vậy, họ bị mắc kẹt trong học thuyết quân sự của Mỹ vào thời Chiến tranh Việt Nam.”
Điều này không làm cho Đài-bắc hay Washington lo lắng mãi cho đến gần đây. Qua hai thập niên 1990s và 2000s, các công ty Đài-loan và Mỹ đã xây dựng nhà máy trên khắp Trung quốc. Bắc-kinh vận động hành lang để gia nhập World Trade Organization/Tổ chức Thương mại Thế giới - và đã làm được. Thế giới đón nhận kinh tế Trung quốc, và Mỹ nghĩ rằng thương mại và đầu tư sẽ bảo đảm hòa bình ở Eo biển Đài-loan.
Nhưng sự nổi lên của Tập Cận-bình, và chủ trương chủ nghĩa dân tộc của ông, và việc Nga xâm lăng Ukraine đã phá hủy hoàn toàn những giả sử thoải mái đó.
Đối với Đài-loan, những bài học từ cuộc xâm lăng tại Ukraine đã gây sốc. Pháo binh đã khống chế trận địa - pháo binh có tốc độ bắn rất cao và độ chính xác khủng khiếp. Các nhóm lính người Ukraine biết rằng họ phải dời đi sau khi bắn một loạt đạn pháo - nếu không trong vòng vài phút, “hỏa lực phản công” của Nga sẽ trút xuống vị trí của họ như mưa.
Nhưng nhiều binh sĩ pháo binh của Đài-loan được trang bị với các loại súng thời Chiến tranh Việt Nam hoặc ngay cả thời Thế chiến II. Súng được nạp đạn theo cách thủ công, di chuyển khó khăn và chậm. Chúng sẽ dễ bị tấn công.
Điểm dễ bị tổn thương của Đài-loan là đang buộc Washington phải hành động. Đó là lý do tại sao lực lượng trên-mặt-đất của Đài-loan được phái đến Mỹ để được huấn luyện và các huấn luyện viên của Mỹ cũng đến Đài-bắc để phối hợp với thủy quân lục chiến và lực lượng đặc biệt của Đài-loan.
|
Quân đội Đài-loan phần lớn không thể so nổi với Trung quốc |
Nhưng William Chung, một nghiên cứu gia tại Institute for National Defence and Security Research/Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh Quốc gia tại Đài-bắc, nói rằng Đài-loan vẫn không thể hy vọng tự mình ngăn chặn được Trung quốc. Đây là bài học khác từ cuộc chiến ở Ukraine.
Ông nói: “Cộng đồng quốc tế phải quyết định liệu Đài-loan có quan trọng hay không. Nếu G7 hoặc NATO nghĩ rằng Đài-loan quan trọng cho ích lợi của họ thì chúng ta phải quốc tế hóa tình hình Đài-loan - bởi vì đó là điều sẽ khiến Trung quốc phải suy nghĩ kỹ về cái giá phải trả.”
Dr. Chung nói rằng động thái của Trung quốc đã vô tình giúp Đài-loan làm được điều đó. Ông nói: “Trung quốc đang cho thấy họ theo chủ nghĩa bành trướng tại South China Sea và East China Sea. Và chúng ta có thể thấy kết quả tại Nhật, nơi ngân sách quân sự hiện đang tăng gấp đôi.”
Ông nói kết quả là việc định hình lại các liên minh trong khu vực - cho dù đó là hội nghị thượng đỉnh lịch sử giữa Mỹ, Nhật và Nam Hàn, tầm quan trọng ngày càng tăng của các liên minh quân sự như Quad (Nhật, Mỹ, Úc và Ấn-độ) và Aukus (Anh, Mỹ và Úc) đang chạy đua chế tạo tàu ngầm thế hệ tiếp theo chạy-bằng-năng-lượng-hạch-nhân, hay mối tương quan chặt chẽ hơn giữa Mỹ và Philippines.
Ông nói: “Trung quốc đang cố gắng thay đổi hiện trạng trên toàn khu vực. [Và điều đó] có nghĩa là an ninh Đài-loan được kết nối với Biển Đông và Biển Hoa Đông. Điều đó có nghĩa là chúng tôi không còn bị cô lập nữa.”
Hiện đang có cuộc tranh luận gay gắt ở Washington về việc Mỹ nên hỗ trợ Đài-loan đến mức nào. Nhiều quan sát gia Trung quốc lâu-năm nói rằng bất cứ cam kết công khai nào từ phía Mỹ đều sẽ khiêu khích Bắc-kinh hơn là răn đe. Nhưng Washington cũng biết rằng Đài-loan không thể hy vọng tự vệ một mình.
Như một quan sát gia Trung quốc lâu-năm nói: “Chúng ta cần giữ im lặng trước toàn bộ vấn đề của sự mơ hồ về chiến lược, trong khi chuẩn bị thật kỹ lưỡng cho Đài-loan”.
Chú thích:
[1] Đạo luật Quan hệ Đài Loan/Taiwan Relations Act/TRA, ban hành ngày April 10, 1979, là một đạo luật của Quốc hội Mỹ. Kể từ khi chính thức công nhận Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, TRA xác định mối quan hệ chính thức về mặt thực chất nhưng phi-ngoại-giao giữa Mỹ và Đài-loan.
TRA yêu cầu Mỹ phải có chính sách “cung cấp cho Đài-loan vũ khí có tính chất phòng thủ,” và “duy trì khả năng của Mỹ để chống lại bất cứ biện pháp sử dụng vũ lực hoặc các hình thức ép buộc nào khác có thể gây nguy hiểm cho an ninh, hoặc hệ thống kinh tế hoặc xã hội của dân Đài-loan.”
[2] Vương Định-vũ/Wang Ting-yu 王定宇 Chính trị gia Đài Loan. một nhà lập pháp của đảng cầm quyền có quan hệ mật thiết với Tổng thống Đài-loan Thái Anh-văn, và với các lãnh đạo Quốc hội Mỹ,
[3] Lại Di-trung/I-Chung Lai.賴怡忠 . Chủ tịch Viễn-cảnh Cơ-kim Hội, một tổ chức nghiên cứu có trụ sở tại Đài-bắc.
[4] Viễn-cảnh Cơ-kim Hội:[Yuǎnjǐng jījīn huì] 遠景基金會.