Hi các bạn,
Xin chia sẻ một vài cảm nghĩ thô thiển về "Buông"(放下), chúc các bạn cuối tuần vui vẻ.
BUÔNG
Nếp sống xa hoa của đô thị khiến con người chạy theo bả danh lợi, chìm đắm trong vòng xoáy của thời đại, vì dục vọng và lợi lộc mà phải chịu vất vả trong mưu sinh, dần dần đánh mất giá trị của mình trong chốn phồn hoa náo thị, lầu son gác tía và đèn hồng tửu sắc của cuộc sống xã hội vật chất hiện nay, giống như con sư tử trong đoàn xiếc, chỉ còn biết sống trong lồng thú hoặc biểu diễn trên sân khấu theo lệnh của quản thú, để đánh đổi lấy khẩu phần đã được phân định sẵn.
Bấy lâu nay, chúng ta sống trong mê đồ của phồn hoa hư ảo, mọi nhu cầu vật chất lẫn tinh thần đều bị chỉ đạo bởi những sản phẩm choáng ngợp hoa lệ của các ngành kỹ nghệ thương nghiệp, mọi người đều cạnh tranh với nhau, sống phải làm lụng vất vả, cốt kiếm nhiều tiền, ăn xài xối xả. Bởi thế, chúng ta cảm thấy thời gian càng lúc càng ít, áp lực càng ngày càng nặng, mọi người đều bị lôi cuốn bởi vật chất bên ngoài, làm nô lệ cho đồng tiền, hằng ngày cố tranh giành, thủ đắc phần lợi cho mình, sống chỉ biết dùng sức dùng tiền chớ không biết dụng tâm, nhiều khi đánh mất lương tri lương năng và trở nên nghèo nàn trong tâm trí.
Đầu năm 2010, ở tuổi 61, tôi quyết định xin thôi việc - hưu trí non, chỉ vì muốn thoát vòng tục lụy, để tôi có thêm thì giờ sống gần với tâm linh của mình.
Tôi không phải thức khuya dậy sớm, khỏi phải bận rộn trong việc làm, không cần sống cứ phải ngoái đầu nhìn đồng hồ. Sinh hoạt hưu trí của tôi là: sống cho có ý nghĩa, làm thiện nguyện, đọc sách viết lách, sống tùy duyên tự tại, không có âu lo tư lự, làm những việc không vì thù lao đồng tiền, mà người đời cho là chuyện lỗ lã và dại dột.
Hưu trí 13 năm, bùi ngùi nhìn lại chặng đường của mình đã và đang theo đuổi có nhiều cảm xúc. Người đời thường thấy có nhiều hối hận trong cuộc sống là vì không biết và cũng không muốn buông bỏ, cứ bon chen tranh giành, buông tay này, bắt tay kia, rồi rốt cuộc chẳng được gì cả, thậm chí trong tay đang cầm cái gì cũng chưa kịp nhìn rõ.
Những vị chân tu trong đạo tràng sống rất đơn giản, ăn mặc bình dị, quá ngọ không ăn hoặc ngày chỉ ăn một bữa. Tôi không sống thanh đạm tự chế được như các vị cao tăng chân tu, với lối sống thanh tịnh tự tại trong một xã hội đầy hấp dẫn ma lực, gương sáng ấy thường đánh thức tôi: “buông bỏ, buông bỏ".
Một tín đồ đang khổ não tìm đến nhà Sư tham vấn: “Thưa Thầy, con cảm thấy phiền não về một số việc, cứ muốn buông mà buông không được.”
Sư từ tốn trả lời: "Không có cái gì mà buông không được."
Tín đồ kia khẩn khoản: "Con mê muối, xin Thầy chỉ dạy."
Nhà Sư đưa cho người đó một cái ly và bảo người ấy giữ lấy, rồi Sư rót nước nóng vào ly, khi nước đã đầy ly và Sư tiếp tục rót, nước tràn ra làm nóng rát tay của vị khách, người ấy không chịu được nữa phải buông tay làm vỡ ly nước.
Bây giờ Sư mới chậm rãi dạy: "Đau rồi con sẽ buông ngay."
Cảm ngộ: Tại sao phải chịu tổn thương nhiều rồi mới buông?
Người thợ săn có một mẹo nhỏ bắt khỉ, thợ săn chỉ cần tìm những quả dừa to rồi khoét một cái lỗ sao cho lỗ ấy chỉ đủ để khỉ thò tay vào trái dừa. Đổ hết nước dừa ra, bỏ vào đó một trái chuối rồi thả những quả dừa ấy vào những nơi khỉ thường xuất hiện.
Quả nhiên, loài khỉ tinh ranh lại háo ăn, đánh được vị thơm của trái chuối, khỉ bèn thò tay vào cố kéo trái chuối ra, thế nhưng cái lỗ dừa chỉ nhỏ vừa bằng cái tay của nó, nên khỉ không tài nào nắm kéo trái chuối ra được, nó chỉ cần buông trái chuối là có thể chạy thoát thân, thế nhưng liệu nó chịu buông tay không? Không đời nào, bởi loài khỉ luôn nghĩ rằng: "Đó là trái chuối của mình, là chiến lợi phẩm của ta!" đó chính là lý do loài khỉ lúc nào cũng bị tóm cổ.
Cũng vậy, khi con người thủ đắc được bả vinh hoa thì mấy ai thoát khỏi sự ràng buộc của nó.
Với lối hành xử tương tự như vậy, loài người chúng ta hay vướng vào tình thế tự mắc bẫy, bởi vì không ai có quyền sở hữu một cái gì hoặc một ai cả, dù cho nó là người thân nhất của mình. phải biết buông tay để khỏi phải sa lưới như con khỉ bị mắc bẫy trong trái dừa.
Cảm ngộ: Yêu thương một ai đó hoặc sở hữu một vật gì có nghĩa là phải biết trước rằng một ngày nào đó chúng ta phải buông tay, phải xa nó.
“Ôm giữ chi bận lòng
Trăm năm có còn không
Thà như áng mây trắng
Nhẹ nhàng lại thong dong”
Tranh giành là bản năng (本能), bẩm sinh đã có.
Buông bỏ là bản lĩnh (本領), trí tuệ cuộc sống.
Buông cũng là bài học suốt đời của chúng ta. phải chăng?
Trường
06-09-2022
1)-Bài Đọc thêm: Bão Thạch Độ Giang - (Trần Văn Lương)
2)- Bản tiếng Trung
Buông bỏ của cải, tiền bạc, quyền lực, danh vọng rất khó khăn trong cuộc sống hiện đại vì lòng tham, ích kỷ để thỏa mạnh thân xác và hướng thu các xa hoa và được sống xung xương con người đã gây ra chiến tranh để giết nhau vì quyền lợi, tiền bạc và danh vọng nhưng khi chết không đem theo một thứ gì.Ho biết thế nhưng vẫn tiếp tục làm.
ReplyDeleteMuốn buông bỏ con người phải có sự hiểu biết về tâm linh.
Theo Phật pháp rằng nên buông bỏ các phiến não và buông bỏ Tham, Sân và Si.
Thiền sẽ giúp con người nhưng phải tu luyện thường xuyên.
Hãy giữ gìn Tâm ❤️ được bình an sẽ không còn phiền não. Tâm được bình an sẽ có được vui khỏe hạnh an mỗi ngày trọng cuộc sống.