7/31/22

Nhân Chi Sơ Tánh Bổn Thiện

Mạnh Tử nói:"Truật dịch trắc ẩn chi tâm, nhân giai hữu chi" (怵 惕 惻 隱 之心, 人皆有之). Trắc ẩn chi tâm là lòng nhân hậu trong bản tính của con người. Mọi người đều có lòng thương người, cũng có lòng chẳng nỡ đối với sự đau thương khốn khổ của người khác.

Cho nên chúng ta cảm thấy bồn chồn đau xót trước những biến cố động loạn như: chiến tranh, giết chóc, lừa gạt... hầu như đã và đang xảy ra hằng ngày, thậm chí càng lúc càng ác liệt trầm trọng.

Làm sao đánh thức trắc ẩn chi tâm để sống trọn với bản tính vốn dĩ thiện lành của con người là điều tối quan trọng trong xã hội động loạn ngày nay.

Chợt nhớ đến câu: "Nhân chi sơ, tánh bổn thiện" và xin chia sẻ một vài cảm nghĩ thô thiển để cùng học hỏi.

Chúc các bạn cuối tuần vui vẻ.

Nhân Chi Sơ Tánh Bổn Thiện

Tam Tự kinh có câu: "Nhân chi sơ tánh bổn thiện” (人之初,性本善), là tư tưởng của Nho gia và Mạnh Tử đã khẩu thuật: "con người sinh ra bản tính vốn dĩ là thiện, khi lớn lên, do ảnh hưởng của đời sống xã hội, nên bản tính đã thay đổi. Vì tiêm nhiễm tánh xấu, dung túng tật hư. Do vậy, con người cần phải được giáo dục, rèn luyện và giữ gìn đời sống cho tốt lành để duy trì bản tính thiện của mình".

Đạo Phật phân tích “Nhân chi sơ Tánh bổn thiện” sâu sắc hơn:

- “Nhân chi sơ”, là cái “nhân sống” ban đầu, là “bản nguyên” của con người. Sơ là bản chất tự nhiên hồn nhiên, cái gì mà có sự tưởng là, cho là, phải là, sẽ là... đều không còn "sơ" nữa. Thí dụ như đóa hoa là như vậy, nó hoàn hảo tự chính nó, còn nếu nói hoa này xấu hay đẹp, to hay nhỏ, thơm hay nhạt v.v... là ý niệm do con người xen vào thì không còn nguyên chất của đóa hoa ban sơ nữa.

- “Tánh bổn thiện”, là tánh vốn thiện, là tính hoàn hảo, là tánh Phật luôn tồn tại trong mỗi con người và vạn vật. Trong tánh Phật không có Tham - Sân - Si - Mạn - Nghi - Ác - Kiến như tánh người. Tuy nhiên, khi con người mang thân xác tại cõi phàm với nhiều dục vọng chấp chước đã dần dần đánh mất đi Tánh Phật của mình.

Hiểu một cách đơn giản thì con người sinh ra vốn thiện lành như trẻ sơ sinh, chưa biết toan tính gì và không có gây ra một tác hại gì cho ai. Nhưng làm sao để sống trọn với tính thiện lành như trẻ sơ sinh, chỉ biết ăn ngủ khóc cười theo bản năng của nó.

Quả thật là rất khó, vì khi con người lớn lên, đương đầu với cuộc sống đầy cam go và cám dỗ, đôi khi còn phải trực diện với nghịch cảnh và thử thách, với tánh tham sân si sẵn có ẩn núp bên trong, gặp nghịch duyên từ những cảnh giới bên ngoài đưa đẩy, con người dễ tạo tác nhiều hành vi gọi là nghiệp lực. Từ ý niệm thiện, ác, đã phát sinh biết bao điều tác động đến xã hội nhân loại xưa và nay.

Xem lại lịch sử loài người, từ thời thượng cổ đến đời nay, con người đã đánh mất bản tánh ban sơ của mình, từ đó tạo tác biết bao ác nghiệp chỉ vì dục vọng và tham lam, gieo rắc đủ mọi tai ương tan hoang kinh hoàng và đang diễn biến liên hồi qua từng phút giây, thậm chí càng lúc càng ác liệt trầm trọng.

Từ Tần Thủy Hoàng đến Lý Tự Thành, rồi gần hơn nữa là Hồng Tú Toàn phát động cuộc nội chiến Thái Bình Thiên quốc giữa thế kỷ 19, giết gần một phần tư dân số Trung hoa thời Mãn Thanh bấy giờ. Những bạo chúa là bầy con dơi khát máu, đã gieo bao tan tóc ta thán, làm phát động lòng căm phẫn hận thù, là khởi điểm của bao nhiêu chiến cuộc ngút ngàn.

Từ Adolf Hitler, Benito Mussolini, Chiêu Hòa, và gần đây là Putin, là thủ phạm gây ra thế chiến và cuộc xâm lăng Ukraine đã đưa đẩy nhân loại vào cảnh địa ngục trần gian.

Pháp luật được đặt ra để ngăn chặn hành động bất lương do tánh tham sân si của con người gây ra; giới điều được đặt ra để phòng hộ hành vi bất thiện của Tăng đoàn bởi thân khẩu ý chi phối. Bao nhiêu sự cố gắng nỗ lực của pháp luật và giới điều cũng nhằm giúp thân và tâm của con người được trở về yên vui hòa bình thanh tịnh, tìm lại cái bản tính trong sáng vốn ở trong ta nhưng đã đánh mất từ bao giờ. Đây cũng là con đường đầy trắc trở của chúng ta trên đường truy tầm chân lý, tìm cái mà đạo Lão gượng cho là Đạo, Nho giáo gọi là xích tử chi tâm, nhà Phật mệnh danh là bổn lai diện mục, các tôn giáo khác bảo là Thượng Đế tính.

Làm sao trở về tánh ban sơ hay tánh hồn nhiên của trẻ sơ sinh là điều tối quan trọng đối với những ai muốn truy tầm một cuộc sống an nhiên tự tại, thanh tịnh vô nhiễm.

Cuộc sống của thế giới ta bà giống như một ống kính vạn hoa, chua ngọt đắng cay đều thâu gom cả vào trong đó. Đời người, nói cho cùng vẫn mong sao được sống an vui. Thực vậy, người đa dục mỏi mệt, người vô dục thanh nhàn. Sống đơn giản đạm bạc, hạnh phúc sẽ nhiều hơn.

Chỉ với một ấm trà nhạt hương, một tập sách ý vị, một khúc nhạc du dương nhẹ nhàng, để tâm hồn lắng đọng nhìn hoa nở dưới tia nắng ban mai, nghe chim hót thanh thoát trên cành lá, nước chảy róc rách qua khe suối hoặc gió dìu dịu trong buổi chiều tà. Tuy đơn giản bình dị, nhưng ung dung hạnh phúc. Thật vậy, biết xem nhẹ vật chất, đơn giản hóa mọi thứ không phải là điều giản đơn. Vì vậy, sống đơn giản là bước đầu cũng là then chốt để chúng ta trở về con đường ban sơ.

Một người bạn của tôi từng đến công tác tại một quốc gia ở Phi Châu hồi thập niên 90, người ta thường cảnh giác là: "Người Phi Châu hay cắp vặt  lắm!"

Mãi đến khi có một vị Sư có duyên tới Phi Châu mới vỡ lẽ ra, sự thật chẳng phải thế. Vì dân Phi Châu hoàn toàn không có ý niệm “ Nhân ngã, ta và người”, họ không có khái niệm về quyền sở hữu riêng.Trước khi người ngoại quốc đến Phi Châu, dân Phi thường sinh sống trên thảo nguyên bằng săn bắn và hái quả. Đối với họ, chim trên trời, thú ngoài rừng, cá dưới nước, ai bắt được là của người đó. Kể cả cây trái, hái được thì có quyền ăn, thì là của mình. Họ sống với tinh thần cộng đồng sở hữu, nghĩa là của cải không thuộc riêng cá nhân nào. Cho đến nay, quan niệm này vẫn còn tồn tại ở một vài địa phương Phi Châu, họ thấy vật gì ưng ý thì họ lấy. Theo cái nhìn của chúng ta, đó là ăn cắp, là trộm; còn đối với họ thì đấy là tự nhiên! Thiệt xấu hổ cho ta, xem ra người Phi Châu tính còn hồn nhiên tự tại biết bao! Họ chẳng giống chúng ta, lập ra hằng đống luật lệ với đủ thứ quy tắc và giới hạn nhiêu khê, họ chỉ sống với bản chất vô tư ban sơ, bản chất hồn nhiên nguyên thủy mà chúng ta đã đánh mất từ lâu.

Một nha sĩ trên mạng tên Nguyễn Bình có chia sẻ cảm nghĩ sâu sắc sau chuyến công tác thiện nguyện hai tuần của Hội Mẹ Teresa ở Calcutta Ấn Độ, Hè 2012.

Với tôn chỉ phục vụ cho "người nghèo nhất trong những người nghèo"(The poorest of the poor), cho nên các vị nữ tu trong Hội của Mẹ sống với tinh thần đơn giản tuyệt đối. Nơi đây, các “Sơ”(soeurs - theo tiếng Pháp), ai cũng chỉ có hai bộ đồ luân phiên hoán đổi và một đôi dép, vậy thôi. Không nhà, không tiền, không điện thoại, không cell, không wifi, không laptop, không son phấn, không cả cái bàn, cái ghế để ngồi. Nói chung là không có thứ gì mà thế kỷ 21 này gọi là high tech và enjoy .

Người nghèo ở đây nhiều lắm, đa số là các trẻ cô nhi, tật nguyền, bại liệt, mắc bệnh Down; người già yếu mắc bệnh kinh niên, nan y hoặc không còn tự lo cho mình được. Nói chung là thành phần bị gia đình, xã hội ruồng rẫy, bỏ rơi và các “sơ” đem về chăm sóc. Họ là thành phần bị “vứt đi”, hoàn toàn sống bên lề rìa của xã hội.

Chi phí điều hành của Hội đa phần là tiền quyên tặng của các nhà hảo tâm và sự đóng góp tận tụy bằng sức lẫn tiền của thiện nguyện viên đến từ nhiều quốc gia trên khắp thế giới. “Hội Missionary Sisters of Charity" do Mẹ Teresa sáng lập có câu phương châm là: Không xin, không từ chối (Ask for nothing. Refuse nothing). Nghĩa là: Chúng tôi không quảng bá, không kêu gọi đóng góp. Nhưng nếu bạn có lòng, thì chúng tôi nhận tất cả những gì bạn tặng: tiền bạc, thời gian, công sức, một lời cầu nguyện, hay ngay cả một nụ cười.

Nơi mộ của Mẹ có một thùng nhỏ bằng gỗ, không hề khóa, để mọi người tùy hỷ đóng góp. Một đô, mười đô, trăm đô, thậm chí ngàn đô... Các Sơ không bao giờ bận tâm đến chuyện tham lam trộm cắp hoặc biển thủ những tài vật trong thùng.

Các nữ tu sống rất an nhiên tự tại, họ nghèo hơn chúng ta nhiều, vì tài sản của Sơ không có gì ngoài hai bộ đồ và hai bàn tay trắng. Nhưng họ giàu hơn chúng ta rất nhiều, bởi họ thật sự có trái tim và tấm lòng. Và những người bất hạnh cũng vậy. Với họ, sống được thêm một ngày đã là một niềm vui. Họ giống nhau ở một điểm duy nhất là "không có gì để lo, để nắm, để giữ, hay để sợ mất". Có những em bé mồ côi khi được phát viên kẹo, em rạng rỡ cười hạnh phúc, nụ cười vô tư và dễ thương làm sao. Có những ông cụ gầy giơ xương khi được phát trái chuối thì bóc vỏ ngay và cho vào mồm nhóp nhép nhai một cách ngon lành. Có những bà cụ bị bỏ rơi, chiều chiều khi thiện nguyện viên tới đắp cho bà tấm chăn, thì bà sung sướng nhắm mắt trong giây lát, rồi đi vào giấc ngủ êm đềm. Nơi này, chẳng thấy ai cần đến thuốc an thần hay thuốc trị trầm cảm. Bởi vì suy nghĩ của họ đơn giản hơn chúng ta nhiều lắm. Không tính toán, không tư lự, không ích kỷ, không ganh tỵ hẹp hòi, không thù hằn đố kỵ, và vì vậy đầu óc họ cũng thảnh thơi hơn chúng ta nhiều. Không sợ mất nhà, mất tiền, mất job, không sợ tai tiếng thị phi, không sợ cả cái chết dù nó có thể đến bất cứ lúc nào.

Phải chăng sự đơn giản đã giúp tâm hồn nữ tu và người nghèo nơi đây thanh thản tự tại hơn chúng ta?

Trong cuộc sống, có những thứ “Cho đi” là “Đón nhận”; “Đơn giản” tức là “Đầy Đủ”. Phải chăng hạnh phúc khi “Không” chính là “Có”? “Một” tức là “Nhiều”? Nắm giữ cho nhiều rồi khi nhắm mắt thì cũng chẳng còn chi.

Ở một nơi sâu kính, nơi những góc khuất của cuộc đời, còn ẩn hiện đâu đó, tìm lại được bổn nguyên “Nhân chi sơ, tánh bổn thiện”.Tuy có những người mới nhìn qua như bất hạnh, nhưng họ sống đơn giản nên họ thảnh thơi hơn chúng ta nhiều, tuy trắng tay nhưng lại giàu có hơn chúng ta biết bao!

Cảnh giới cao tột của học làm người là :”thành Phật”. Nhưng trước khi thành Phật thì phải “phất” (弗) phủi tất cả tâm niệm tư lợi chấp chước, phất sạch vô minh phiền não, phất hết những gì mà làm người không nên có thì mới có thể thành Phật (佛) được.

Khi màn đêm phủ trùm cư thất, ánh trăng vằng vặc chiếu sáng, rọi vào song cửa bỗng khiến tâm hồn mình như theo tia sáng đi vào cõi chân chính của ban sơ. Chợt nhớ câu nói của một vị Sư: “ngã ba hợp lưu của sông Trường Giang và Hoàng Hà hình giống như hình chữ nhân (人) tất cưu mang tính chất nhân văn vĩ đại của đất nước Trung Hoa". Trên thế gian này, hễ vùng đất nào có hai sông giao hội thành chữ nhân (人) ắt là có sự giao lưu hội thông, đúc kết nhân tài kiệt xuất. Người với người giao hội chẳng phải cũng như thế hay sao? Tánh Phật và nhân tâm cùng gặp gỡ cũng giống như thế - Muôn dòng sông cùng hội gặp nhau rồi đổ về một hướng - Chân Thiện Mỹ.

Trở về cuộc sống ban sơ
ôm ấp tâm hồn ngây thơ lúc đầu
Mộc mạc đơn giản vô sầu
Hạnh phúc là do không cầu không mong
Niềm vui góp nhặt trong lòng
Như hoa chớm nở rạng màu sắc hương
Mong manh trong trắng như sương
Dâng trào lan tỏa nẻo đường muôn nơi...

Trường
07-30-2020

1 comment:

  1. Trở về cuộc sống ban sơ
    ôm ấp tâm hồn ngây thơ lúc đầu
    Mộc mạc đơn giản vô sầu
    Hạnh phúc là do không cầu không mong
    Niềm vui góp nhặt trong lòng
    Như hoa chớm nở rạng màu sắc hương
    Mong manh trong trắng như sương
    Dâng trào lan tỏa nẻo đường muôn nơi...

    Trường
    07-30-2020
    Chào anh Trường:
    Bài thơ này đã diễn tả rằng nhân chi sơ tính bản thiện! NCH

    ReplyDelete