Dạo:
Mây ơi ghé đến làm chi,
Có mang lại được chút gì ngày xưa?
Cóc cuối tuần:
Sao Mây Lại Ghé
Ngây ngất nhìn mây, thoáng ngật ngầy,
Hỏi mây sao lại ghé về đây,
Tưởng còn đang lất lây ngàn dặm,
Thăm thẳm chân trời bóng nhạn bay.
Mây kia chẳng biết đến từ đâu,
Rỉ rả lời Ngâu quặn mái đầu,
Ngỡ thấy lại con tàu dĩ vãng,
Vội vàng quýnh quáng hỏi vài câu.
x
x x
Có phải mây từ xóm đạo xưa,
Mang về đây tiếng mẹ ru trưa,
Dỗ dành con lúc chưa mềm giấc,
Gà gật theo từng nhịp võng đưa?
Mây có dây dưa ở cánh đồng
Ngắm hoa cùng bướm rực trời không,
Rồi mang hình ảnh bồng lai đó
Đến kẻ đang vò võ ngóng trông?
Có lông bông lạc tới thôn nghèo,
Thích thú nhìn bầy trẻ choắt cheo,
Hí hửng leo trèo đeo nhánh ổi,
Cuối cùng la lối té lăn queo?
Mây có theo nhau viếng cổng trường,
Nơi xưa có đứa tập yêu đương,
Ẩm ương tuổi tác chưa tròn tá,
Mà đã nhì nhằng nhớ với thương?
Có tìm đường ghé đến công viên,
Lặng xót xa giùm gã thiếu niên,
Cắm cúi ngày đêm xây ảo mộng,
Để rồi ôm thất vọng triền miên?
Mây có thấu cho nỗi chán chường
Đang dần chia cách cặp uyên ương,
Tiếng chì tiếng bấc thường vang vọng,
Khiến mộng chung đôi chết giữa đường?
Có lang thang cặp bến đò ngang,
Để thấy lại đôi mắt bẽ bàng
Hụt hẫng của chàng trai bé nhỏ
Khi tình đầu sớm bỏ đi hoang?
Và có rẽ sang nóc giáo đường
Bên lề con dốc nhỏ mù sương,
Dừng nghe Chúa thở dài khe khẽ
Thương kẻ nợ tình trót vấn vương?
Lừng khừng hỏi nốt tại vì sao
Mây cứ lang bang tự thuở nào,
Có biết từ lâu bao kỷ niệm
Trong khăn tẩn liệm vẫn kêu gào?
x
x x
Hỏi mãi mây sao chẳng trả lời,
Vẫn theo làn gió nhởn nhơ chơi,
Vẫn bên đời phất phơ ngang dọc,
Bỏ mặc trần gian khóc với cười.
Tần Lĩnh mây trời quyện khói sương,
Người xưa buồn chẳng thấy quê hương.
Ngày nay e cũng chừng không khác,
Ngơ ngác nhìn mây khách đoạn trường.
Mây dường như cũng chỉ là mây,
Cũng vẫn vô tình tựa cỏ cây,
Nên chẳng hề hay nơi viễn xứ,
Gót chân lữ thứ lệ vương đầy.
Quắt quay quay quắt bước xa nhà,
Trông ngóng màu mây cũ thiết tha.
Nhưng nếu đà phôi pha quá khứ,
Thì xin mây chớ ghé về qua.
Trần Văn Lương
Cali, 8/2023