Showing posts with label Trần Mộng Tú. Show all posts
Showing posts with label Trần Mộng Tú. Show all posts

7/24/23

Lối Xưa Xe Ngựa

Trần Mộng Tú

Mẹ tôi kể, cuối năm 1943, ảnh hưởng đảo chính Nhật, gia đình tôi phải tạm tản cư từ Hà Nội ra ngoài thành phố; lúc đó mẹ tôi đang có mang tôi sắp tới ngày sanh, mẹ được chở trên một chiếc xe bò có lót rơm, vào Hà Đông thì tôi được sanh ra trên xe bò, nên trong giấy khai sanh, nơi sanh là Hà Đông (đáng nhẽ tôi phải được đặt tên là Rơm mới đúng.)

Ảnh: Diễn Đàn Thế Kỷ
Trong gia đình, các anh chị em tôi đều được đi xe tay, xe kéo, đến nhà thương (lúc đó chưa gọi là bệnh viện) ra đời ở Hà Nội, duy chỉ có mình tôi được sanh trên xe rơm do hai con bò chở. Như vậy xe bò là phương tiện di chuyển đầu tiên tôi được dùng. Về sau mẹ lại kể, vào năm 1946 vẫn loạn lạc, gia đình tôi chạy từ Hà Nội về Thái Bình; lúc đó, cô út mới 5 tháng, còn đỏ hỏn, tôi mới hai tuổi, mẹ tôi phải thuê người gánh tôi và cô út trong hai cái thúng. Còn anh chị tôi thì một người mẹ dắt, một người bố dắt. Phương tiện di chuyển thứ hai của tôi là được gánh bằng thúng.

Tôi lớn lên ở Hà Nội, Hải Phòng, trưởng thành ở Sài Gòn, những chiếc xe kế tiếp tôi được đi là: xe đạp, bus, xích lô đạp, taxi, xe đò, xe lam, xe thổ mộ, xe gắn máy (chỉ ngồi sau lưng tài xế) và phà. Mỗi phương tiện di chuyển này đều để lại trong tôi một ký ức ngọt ngào.

Thuở mới lên mười tập xe đạp với bạn, đầu gối, khuỷu tay lúc nào cũng rớm máu, sây sát vẫn hẹn hò tập nữa, chưa đi giỏi đã chở nhau, ngã lên ngã xuống. Chao ôi, là hạnh phúc!

Xe bus tôi đi ở thời gian trung học, lúc nào cũng bị dồn vào một góc xe, không nhìn thấy trạm xuống. Nhưng đi trên xe bus tôi học được nhiều điều qua những nét mặt của từng người. Nét mặt, nụ cười hồn nhiên của học trò, nét băn khoăn của giới công, tư chức, nét mệt mỏi của những người lao động. Tất cả chen chúc, hối hả lên, hối hả xuống. Tôi hay ngoái cổ nhìn theo những cái lưng vừa được thả xuống lề đường. Có cái lưng lấm tấm, có cái lưng ướt đẫm mồ hôi.

Tôi cũng thích di chuyển bằng xích lô đạp lắm, thong thả và thoáng. Nắng quá có mui kéo lên, mưa có cánh gà thả xuống. Xích lô đạp không bí và ngột ngạt mùi xăng như taxi. Taxi ở Sài Gòn hồi đó là những chiếc xe nhỏ, cũ, của hãng Renaul, lúc nào cũng ngộp mùi xăng.

Tôi nhớ lại, có lần các cô học trò mới lớn, ngồi nói chuyện “người chồng lý tưởng” với nhau. Mỗi người chọn một ông chồng tiêu chuẩn đẹp trai, con nhà gia giáo, hoặc “phải có danh gì với núi sông.” Tôi nói một cách hồn nhiên: “Tao xí ông xích lô đạp, để chở tao mỗi ngày.” Cả nhóm bạn cười ầm lên: “Nhỏ này ngu, cứ có tiền là có xích lô đi, việc gì phải lấy anh phu xe.”

Sau thấy anh xích lô ở trong ngõ gần nhà, có hai vợ, anh đi làm về, uống rượu, và đánh cả hai bà vợ quá xá, tôi đâm hoảng, không dám tuyên bố dại dột nữa. Không dại dột mơ ông xích lô hay đánh vợ, nhưng khi trưởng thành đã đi làm, vẫn thích đi xích lô đạp. Nhà tôi ở Thị Nghè, văn phòng hãng thông tấn Associated Press ở lầu 4, trong khu thương xá Eden. Ông xích lô tháng của tôi ở Thủ Đức, sáng sáng ông lên đón tôi, thả tôi xuống Nguyễn Huệ, ông đi kiếm khách nguyên ngày, chiều về ghé đón. Có hôm tôi đi chơi với “bồ” thì ông về xe không.

Xích lô máy tôi sợ lắm, đi thử một, hai lần rồi. Bay nón, bay tóc, bay áo, và có thể bay luôn cả linh hồn xuống đường.

Thuở bắt đầu có hẹn hò, đưa đón, thích nhất được ngồi sau Vespa hay xe Honda của các chàng. Ngồi mà không dám ngồi sát, hai chân về một phía, khi mặc robe còn phải hai chân để chồng lên nhau; nếu chưa thân lắm, phải giữ một khoảng cách với cái lưng đằng trước, không dám ngồi thật sát, nên có khi suýt ngã mỗi lần xe quẹo hay xe ngừng.

Những con đường Sài Gòn ngày đó không chen chúc quá đáng, có những đường đôi khi còn vắng bóng xe, thỉnh thoảng mới có xích lô đạp đi vào như đường Cường Để, Đồn Đất. Mọi người, mọi vật thong thả, đám mây trên cao cũng thong dong trôi.

Xe lam, thỉnh thoảng chờ taxi hay xích lô đạp mãi không được, cũng trèo lên xe lam. Xe lam không cần đến bến, không có bảng đậu như xe bus, miễn mình biết đường đó có xe lam chạy, cứ chờ xe đi qua, vẫy tay xe còn chỗ sẽ ngừng lại cho lên, muốn xuống, cứ ơi ới kêu tốp tốp, là được thả xuống. Nhưng đi xe lam chẳng thấy nên thơ tí nào cả.

Xe thổ mộ thì tuyệt vời, không phải ở đâu cũng có. Sài Gòn không có xe thổ mộ đã lâu lắm rồi. Tôi nhớ chỉ một hai năm đầu vào Nam thấy xe thổ mộ đưa các bà đi chợ. Sau này mỗi lần từ Sài Gòn xuống Bình Dương, tôi được đi xe thổ mộ từ bến xe đò Bình Dương về nhà dì tôi ở đường Châu văn Tiếp, quá miếu tử trận một chút. Tiếng vó ngựa gõ lóc cóc trên đường nghe hay lắm, lúc đó chẳng biết diễn tả thế nào, âm thanh khô và dứt khoát, xe đi dọc bờ sông Bình Dương (do sông Bé chẩy qua tỉnh), đường xá rộng, xe ít, người thưa, gió từ sông thổi lên, chiếc xe lắc nhẹ như đưa võng, thỉnh thoảng nghe tiếng roi của người xà ích quất nhẹ vào mông ngựa. Cái cảm giác cô gái tỉnh thành được về quê chơi, cái gì cũng thấy hay, cũng lạ tai, lạ mắt, cũng đẹp. Xe đưa về đến sát hàng rào nhà dì tôi, nhìn thấy cái giếng nước trong sân mới phải nhẩy xuống. Thời niên thiếu quê nhà, chao ơi, làm sao tả!

Tôi cũng thích được đi qua phà. Một người bạn thân của anh tôi, hồi đó hay cho tôi qua phà Thủ Thiêm chơi. Những hôm trời mưa lâm râm qua phà trên sông Sài Gòn thấy mênh mông, buồn và đẹp làm sao! Mới lớn mà, anh hơn tôi đến bảy, tám tuổi. Chắc anh cũng còn nhớ mãi kỷ niệm những lần dắt tay một cô bé qua phà. Rồi những dịp hè, (trước 1963 đường sá còn yên ổn) chị em tôi được cha mẹ cho đi xuống tận Bạc Liêu, nơi cô chú tôi ở, phải qua hai cái bắc: bắc Mỹ Thuận và bắc CầnThơ.

Tôi yêu cái không khí nhộn nhịp, khi xe đò đậu lại, chờ sang phà. Tiếng rao của các hàng quà bánh, hình ảnh của những người bán hàng, khăn rằn vắt vai, hay nón lá đội đầu; những thúng, những rổ đựng: ổi xá lị, ốc gạo, mía ghim, xoài, cóc, thơm v.v, sao mà đẹp thế! Sau năm 1963 cha mẹ chúng tôi không cho con đi xe đò xa nữa, vì đường sá bắt đầu bất an. Bây giờ, ngồi đây, nhớ lại cái cảnh đất nước thái hòa đó vẫn ứa nước mắt.

Nhưng chuyến về Việt Nam vừa qua, cho tôi một cái nhìn về giao thông hoàn toàn đổi khác. Trước tiên Sài Gòn là nơi dân quê cả ba miền tụ về kiếm sống. Càng đông người, càng nhiều việc, người tăng thì xe cộ tăng theo, gần như 90% gia đình có xe gắn máy, gia đình năm người, thì cũng phải cần đến ba cái xe gắn máy, để sáng ra đi làm, mỗi người về một hướng.

Trước khi lên xe gắn máy, ai cũng cần có kính râm, khẩu trang, nón sắt, găng tay, nếu phụ nữ mặc áo ngắn tay thì găng lên đến cùi chỏ, em bé đi theo còn có một tấm voan trùm đầu che bụi. Người Sài Gòn gọi đó là “võ trang đến tận răng”. Dân số Sài Gòn hiện nay theo thống kê chính thức là 8.5 triệu, nhưng người ta cộng thêm số người chưa kiểm soát được có thể lên đến 10 triệu.

Chỉ cần tưởng tượng hai phần ba số người đó, sáng sáng túa ra đường bằng những chiếc xe gắn máy. Tiếng nổ của xe, rung cả mặt trời vừa thức, khói từ những ống bô bay ra làm ô nhiễm đám mây đầu tiên vừa nhìn thấy, và con người phải đón nhận ngay tiếng động đó vào đầu, đám khói đó vào phổi như bắt đầu của một ngày dài.

Nếu đứng trên một sân thượng nhìn xuống đường phố, Sài Gòn và Hà Nội không khác nhau mấy, cái khác biệt chỉ là tỷ lệ ngắn, dài, rộng, hẹp, còn cả hai đều giống như từng con kinh khổng lồ chở theo nó một đám rác rất ngoạn mục. Những hình tròn của nón sắt nhìn từ trên cao xuống như những cái lá lục bình to đủ màu, những càng xe như những khúc củi cong, bập bềnh trôi, người xếp lớp như châu chấu, muốn chồng lên nhau, chân tay ngọ ngoạy, cả bốn hướng đâm sầm vào nhau.

Trên cái khối sắt có hai càng đó, một con châu chấu ốm yếu chở năm con heo bó chặt trong rọ, hai con rọ ôm đằng trước, ba con rọ nằm đằng sau; hay châu chấu chở nguyên cái tủ lạnh nhỏ còn trong thùng, một tay cầm ghi, một tay ngược ra sau lưng đỡ; hoặc châu chấu chở một lúc bốn vòng hoa tang, xếp theo chiều dài của hai bên xe, không nhìn thấy thân mình đâu cả, chỉ thấy hoa tang lừng lững đi, như đi vào nghĩa trang; có khi châu chấu chở nguyên một gian hàng bán bát đĩa Bát Tràng, thúng trước, rọ sau, chẳng bao giờ rơi vỡ; châu chấu còn chở một cửa hiệu bán quần áo, với gọng, với móc che kín mít thân mình, chỉ thấy những miếng vải xanh đỏ, bay bay, lạ và đẹp lắm!

Kinh hoàng hơn nữa, châu chấu bố, châu chấu mẹ, châu chấu con và ngay cả châu chấu sơ sinh, tổng cộng năm mạng chở nhau trên cái khung sắt đó, mẹ châu chấu bình thản cho con bú trong khi cái khung sắt cứ nhúc nhích.

Giữa cái con kinh chở đám rác bập bềnh đó, chợt xuất hiện một cái xe hơi, cái xe của ai nhỉ? Xe hiệu Ferrari hay Lamborghini (giá trung bình từ 198 ngàn đến 320 ngàn Mỹ kim; nhập vào Việt Nam đánh thuế gấp ba lần). Cái xe hơi hào nhoáng đó thản nhiên nhúc nhích quay đầu quẹo chữ U giữa dòng xe gắn máy.

Bỗng tất tả ở đâu đến một bà áo cánh vá, quần đen ống thấp, ống cao, hai bàn chân nứt nẻ trong đôi dép nhựa bẩn thỉu, gánh một đôi quang mỗi bên vài bó rau, hai, ba nải chuối, mấy củ hành, bà cũng thản nhiên đứng nhúc nhích cản trước chiếc xe hơi, bà muốn qua đường. Bà đâu có biết xe của ai, mang nhãn hiệu gì, bao nhiêu tiền? Cản trở của xe tải hay xe hơi hào nhoáng đối với bà cũng như nhau, bà chỉ cần băng qua bên kia đường bán mấy nải chuối, hình như có một người đang gọi mua.

Băng qua đường là cả một nghệ thuật, du khách không có kinh nghiệm, không dám sang đường một mình. Phần nhiều ở ngã tư không có đèn xanh, đèn đỏ và nếu có chẳng thấy ai tuân theo luật giao thông. Xe không bao giờ ngưng lại cho người đi bộ. Người sang đường phải tự hiểu: bước xuống, băng sang, đi chậm, nhưng không rụt rè, cố nhìn vào mặt người lái cái xe như đang muốn tông vào mình, thực sự, khi hai người nhìn thấy nhau, người lái xe sẽ nhường cho mình bước thêm một bước, rồi nhích được một bước, khách bộ hành phải nhìn kế tiếp vào cái xe vừa chạy tới; cứ thế, vừa bước vài bước vừa nhìn. Không rụt rè, không chạy, và nhất là không được hốt hoảng chạy ngược lại lề đường.

Xe phun khói tự nhiên, nhúc nhích rất chậm, nhất là vào giờ “tan tầm” Bạn có nhìn thấy đàn tầm trong cái nong nhúc nhích bao giờ chưa? Nếu chưa, thì chịu khó về Hà Đông ở miền Bắc nhìn đi, cái con kinh xe cộ này, giống như cái nong tầm vậy: đông đúc, lúc nhúc và nhúc nhích rất chậm. Nhưng những chiếc xe nhúc nhích rất chậm đó, thực sự nó đang chở trên nó những con người tất bật lăn xả vào xã hội, giành giựt từng mảnh đời sống hàng ngày.

Đó là một bức tranh nhìn xuống từ một căn nhà bảy từng, chiều ngang ba thước, chiều sâu sáu, bảy thước. Những ngôi nhà như thế này, rất nhiều ở Hà Nội và Sài Gòn, vì giá đất rất cao, được tính bằng vàng. Người Việt ở hải ngoại không cách nào hiểu được tại sao mỗi mét vuông đất giá đến năm sáu cây vàng. (Mỗi cây khoảng 2 ngàn Mỹ kim).

Vì xe luôn luôn kẹt cứng, nên không chạy nhanh được, không có tai nạn xe gắn máy khủng khiếp xảy ra trong thành phố giữa ban ngày, chỉ có sây sát, cọ xước. Tai nạn khủng khiếp chỉ xẩy ra ở ngoài quốc lộ, đường đi xuyên tỉnh, nơi tài xế có thể chạy quá tốc độ. Ban đêm, khi mọi người đã đi ngủ, xe gắn máy kiếm cơm ban ngày đã được cất vào nhà, hoặc khóa lại, nằm trên lề đường, trước các khách sạn, là lúc các con ông lớn, các con đại gia mang xe gắn máy “hàng xịn” ra đua. Lúc đó tai nạn sẽ xảy ra, sống chết chỉ là trò chơi tìm cảm giác mạnh của các quý tử.

Sài Gòn hay Hà Nội bây giờ không còn ai nói đến chữ “thong thả” nữa. Cái tất bật của họ khác với cái tất bật của Âu, Mỹ. Người Âu, Mỹ chọn cái tất bật, trong khi họ có thể chậm lại. Người Việt bây giờ bị cuốn vào tất bật, không ra được nữa rồi. Chậm lại có nghĩa là thất bại, là bỏ cuộc.

Nhưng những chiếc xe trong thành phố vẫn nhúc nhích rất chậm, chở trên nó một đàn châu chấu ùa ra từ một cánh đồng vô tận, vết chân của nó cào xuống mặt đường, sẽ để lại những dấu tích vào những trang ký sử sau này.

Một Mảnh Đời Hồ Dzếnh

 Trần Mộng Tú

Vào năm 1954, gia đình tôi mới di cư vào Nam thì nhận được một lá thư của Hồ Dzếnh (thời gian đầu của năm 1954-1955 Bắc-Nam còn nhận được thư).Lúc đó tôi còn bé chưa biết ông là một thi sĩ, Ba tôi nói: Có người đàn ông Trung Hoa muốn lấy thím Phương. Thím Phương của chúng tôi là vợ góa của chú Trần Trung Phương, người có tập Thơ cho học trò Mấy Vần Tươi Sáng, mà từ nhỏ anh chị em chúng tôi đã thuộc lòng nhiều bài trong đó. Khi học ở Tiểu Học được học lại ở trong lớp như những bài Học Thuộc Lòng.
Chiều qua trăng ngã xuống hồ
Bầy sao nghịch ngợm đổ xô xuống tìm
Trên không có mấy con chim
Vội vàng đâm bổ đi tìm bóng trăng. (Vội Vàng- TTP)

Lá thư của chú Dzếnh, tôi không được đọc, chỉ nghe Ba nói là một lá thư với lời lẽ hết sức lễ phép, xin phép anh chị cho em được thay anh Phương vào làm em anh chị trong gia đình. Ba tôi vốn sẵn hiền lành, nên đọc thư cảm động đến ngồi ngây người ra, không biết trả lời sao cho xứng với lá thư đó.

Chú Trần Trung Phương của tôi khi còn sống viết văn, làm báo cho thiếu nhi, hoạt động chống Pháp, bị bắt, tra tấn trong tù. Khi được thả ra thì ho lao chết ngày 24/7/1945. Lúc đó con trai mới 6 tháng tuổi. Thím Hồng Nhật, một người đàn bà có học, có nhan sắc, yêu văn chương, được tất cả các bạn văn của chồng kính nể. Mỗi năm làm giỗ chồng, thím mặc khăn áo đại tang làm giỗ, mời các bạn Văn/ Họa Sĩ của chồng như: Mạnh Quỳnh, Hữu Thanh, Tống Ngọc, Tam Lang, Khái Hưng v.v… đến dự. Ai cũng kính phục.
Thím ở vậy nuôi con, cho tới khi gặp Hồ Dzếnh. Cũng nên nhắc lại, thím Hồng Nhật cũng viết văn, làm thơ, lúc trẻ Hồng Nhật có gửi bài cho Phong Hóa và Ngày Nay là thời điểm Trần Trung Phương đang phụ trách trang Thiếu Nhi của hai tờ báo này. Duyên văn nghệ đưa đến cuộc hôn nhân đẹp nhưng quá ngắn (Không đầy 2 năm).
Khi chú mất, tôi cũng chỉ hơn em Cường một tuổi nên không biết gì cả.
Lớn lên mới biết thím là một phụ nữ đảm đang, qua bao nghịch cảnh, góa chồng, ly loạn vẫn gây dựng lại được những gì đã mất. Hiệu Sách Bình Minh 200 A, Phố Huế, nức tiếng ở Hà Nội một thời.
Vào năm 1951 thím Hồng Nhật muốn tái bản tập thơ Mấy Vần Tươi Sáng, nên có vào Nam nhờ Hồ Dzếnh đỡ đầu. Hồ Dzếnh cũng đang trong cảnh gà trống nuôi con rất vất vả. Hai người cảm thông nhau cùng hoàn cảnh góa bụa, cùng có hai đứa con trai nhỏ, cùng yêu văn chương nên nhanh chóng yêu nhau. Đầu năm 1954 Hồ Dzếnh trở về Hà Nội, cuối năm đó lập lại gia đình với thím Hồng Nhật.
Giai Thoại kể lại: Hôm đám cưới, các bạn văn cũ của chú Phương đến dự đông đủ, có một người ra câu đối: Vợ góa nhà văn lấy nhà văn góa vợ. Không ai đối được.
Cũng có thêm giai thoại nữa về cái tên Hồ Dzếnh, bạn hữu hay gọi đùa là Hồ Dính và có ra câu đối: Hồ Dính, dính hồ, hồ chẳng dính, có người đối là Ngọc Giao, giao ngọc, ngọc không giao.
Sau năm 1975 chú Dzếnh và Thím Hồng Nhật có vào Nam tìm gia đình anh chị, thì cha mẹ và chúng tôi đã sang Mỹ. Khi tôi liên lạc được với chú thím bằng thư thì cha mẹ tôi đã qua đời. Lá thư cuối tôi nhận được, chú nhờ tôi lấy tiền nhuận bút của những nhà sách bên Mỹ đã tái bản và phát hànhnhững tác phẩm cùa chú nhưng không nhà xuất bản nào trả một đồng (Các nhà xuất bản hồi đó điều nghĩ việc họ tái xuất bản sách Việt ở hải ngoại là một đặc ân họ ban phát cho tác giả.)
Năm 1998 lần đầu tiên tôi về Việt Nam thì chú Dzếnh đã mất được 7 năm (1991). Buổi tối, nằm ngủ chung với thím trên chiếc giường của hai người, nghe thím kể lại: lúc biết mình sắp mất, chú đòi về nhà, mất trên cái giường của vợ chồng. Câu cuối cùng của chú là lời gọi: Mình ơi! trước khi nhắm mắt.
Mình vừa là chị là em
Tấm lòng người mẹ, trái tim bạn đời
Mai này tới phút chia đôi
Hai ta ai sẽ là người tiễn nhau?
Xót mình đã lắm thương đau
Tôi xin làm kẻ đi sau đỡ mình
Cuộc đời đâu phải phù sinh
Nước non chan chứa nghĩa tình, mình ơi! (Bài Thơ Tặng Vợ - Hồ Dzếnh)

Chú Dzếnh muốn đi sau để tránh cảnh thương đau cho thím, nhưng chú lại là người đi trước. Trên chiếc giường gỗ ở ngôi nhà 80 phố Hòa Mã, Hà Nội, trong bóng tối mờ mờ của ngọn đèn đêm ngoài phố hắt vào, tôi nằm cạnh thím, nắm chặt bàn tay già nua của thím, nhìn lên đình màn, hình dung ra khuôn mặt thanh nhã với nụ cười hiền lành ở bức ảnh trên bàn thờ của một thi sĩ Trung Hoa mang trái tim Việt Nam trong lồng ngực, tôi nói thầm trong lòng: Cám ơn thi sĩ đã vào trong gia đình họ Trần Trung.

Tuổi thơ tôi lớn lên bằng những bài Thơ học trò ngây thơ trong Mấy Vần Tươi Sáng của thi sĩ Trần Trung Phương và tôi nghĩ đó chính là những hạt giống văn chương đã gieo vào mảnh đất hồn tôi để sau này mọc lên hoa trái. Rồi tiếp theo đó là Thơ và Văn Chương trong sáng, giản dị của Hồ Dzếnh ảnh hưởng tới văn chương và cách viết của tôi.
Tôi cám ơn Thượng Đế đã cho tôi cả hai ông chú tuyệt vời.
tmt

9/11/22

Cái chết ảo

Trần Mộng Tú

Trong vòng trên dưới hai mươi năm nay chúng ta sống dựa vào điện thoại cầm tay và khung hình điện toán nhiều lắm, nhiều đến nỗi tưởng như nếu bây giờ không có hai thứ đó thì chúng ta sẽ trở về thời tiền sử vì chúng ta mất hết phương hướng. Chúng ta sẽ trở nên mù lòa, tàn tật.


Thế giới tin học này, ngoài việc giúp mở mang trí tuệ còn giúp con người liên lạc xuyên lục địa, giúp mở tung những giấu kín, bưng bít, những bí mật phi pháp, những khám phá mới nhất trước mặt, những khám phá giật lùi từ thượng cổ, tìm lại những liên hệ đã mất tích, giúp xây dựng hay lật đổ, giúp điều thiện, gây điều ác… không kể ra hết được.

Nó giống như một chiếc kính vạn hoa, người ta vào đó để hưởng được tất cả lợi nhuận của nó và đồng thời cũng để thất lạc chính mình trong đó. Đến nỗi có người đã phải thốt lên: There are three kinds of death in this world. There's heart death, there's brain death, and there's being off the network. (Guy Almes)

Một trong những lợi nhuận đầu tiên là thông tin giữa gia đình, bạn hữu thật. Sau đó mở rộng ra đến thông tin giữa những người mình chưa hề là bạn, chưa gặp gỡ bao giờ. Có khi hai người xa lạ, qua những điện thư, cũng tự gửi hình gia đình cho nhau, nói chuyện gia đình, con cái. Rồi tiếp đến một lời mời, một cái hẹn gặp nhau khi có dịp đi xa, đến thành phố đó, mình gặp nhau, để biến ảo thành thực. Lời mời đó đôi khi thực hiện được.

Mình cũng nhận được hình ảnh của hoa tươi, nghe được tiếng chim hót và cả những tiếng dội của bom đạn, hình những đám rác bềnh bồng trôi trên khung mạng. Cả những áng văn hay, những bài viết chỉ mới đọc một dòng đã phải xóa ngay của ai đó gửi đến cho mình.

Trong thế giới ảo này, chúng ta thật sự biết tên một người nào đó kèm theo hình ảnh đã là hiếm, nếu chúng ta gặp được, đặt tay lên vai, nở một nụ cười với người mang cái tên đó, lại càng hiếm nữa. Là một người viết, tôi có những bạn đọc ở xa lắm, xa đến nỗi tôi chẳng thể hình dung ra thành phố, quốc gia nơi người đó cư ngụ, nếu không phải là nơi tôi đã một lần ghé qua trong một chuyến du lịch. Tôi cũng không biết tuổi tác người đó (vì không bao giờ hỏi) không biết mặt (vì không bao giờ gửi, nhận hình). Có những người, sau năm ba lần thư gửi đi, tôi quên mất địa chỉ hộp thư, quên mất tên người đó, nếu người đó không quay lại tìm tôi, tôi không cố nhớ lại được, vì nhiều tên quá, nên tên có trong danh sách lưu trữ mà loay hoay tìm không ra vì trí nhớ thiếu sót.

Nhưng có người tôi nhớ mãi, dù cũng ảo như mọi người khác, nghĩa là chỉ có một cái tên nhưng chưa hề biết mặt, vì hình như có một sợi giây vô hình nào đó giúp chúng tôi hiểu nhau, gần gũi nhau lắm. Cho đến một hôm, cái tên người đó bỗng mất hẳn. Gọi mãi trên thư cũng không nghe thấy trả lời. Mất là mất hút, như gió sa mạc cuốn hạt cát đi, như đại dương xô vỡ một bọt nước, như con lốc cuốn chiếc lá lên trời. Trên cái khung hình trắng toát đó không bao giờ tôi nhận được dấu vết trở về. Tôi mất hẳn người bạn ảo đó. Tôi có ngẩn ngơ một thời gian, vì khi trao đổi thư với nhau, chúng tôi tìm được chút nào là tri kỷ. Đôi khi ngẫm nghĩ không biết mấy cái thư cuối mình có viết điều gì vụng về, để người bạn chưa hề gặp buồn lòng không? Tôi mất hút dấu vết của người bạn đó, tôi tiếc quá, nhưng không biết làm thế nào tìm lại được bây giờ.

Chuyện tiếc một người bạn ảo giống như tiếc một giấc mơ. Trong mơ ta biết rõ là mơ, là không phải thực khi ta tỉnh. Người bạn trên khung mạng ta biết phải là một người bằng xương, bằng thịt ngồi gõ những ô chữ để gửi một cái thư đi, người đó phải có thực, nhưng ta vẫn gọi là ảo, vì ta không bao giờ giáp mặt, không cầm tay, ngay cả vạt áo cũng chẳng chạm vào. Con người ảo đó nếu chỉ một buổi sáng mất cái tên trên khung mạng, không bao giờ thấy xuất hiện nữa, như nó chưa hề hiện diện, chưa hề nhận thư, chưa hề gửi thư thì lúc đó ta phải gọi là ảo chứ không thể nào thay bằng bất cứ một tên gọi nào khác.

Ta lại không biết người đó chỉ bỏ đi vì không muốn liên lạc với ta nữa, hay người đó đã suy yếu sức khỏe không còn khả năng ngồi viết thư, đọc thư nữa, hay người đó đã nằm yên trong đất, đã biến hóa thành phân bón cho cây cỏ, hay thân xác đã được hỏa táng thành tro đang trôi bềnh bồng trên biển cả. Ta tha hồ tưởng tượng về một cái tên bỗng dưng biến mất của người bạn ảo đó và ta nhớ tiếc.

Để cho khỏi đau buồn, ta tự nghĩ ra thế giới trên mạng này là thế giới thứ ba sau hai thế giới bấy lâu nay ta biết: thế giới con người và thế giới thần linh. Thế giới thứ ba này là chỉ xuất hiện trên khung mạng. Ai muốn vẽ rồng ra rồng, vẽ rắn ra rắn, vẽ thiên thần hay vẽ ngạ quỷ, tùy nghi. Ai muốn tin cứ tin, ai muốn xóa bỏ cứ xóa bỏ, không có một nguyên lý nhất định, một kim chỉ nam nào để người ta theo đó mà ung dung tự tại được trong thế giới thứ ba này. Cái đẹp của người này là cái xấu của người khác, cái hay và cái dở chồng chéo lên nhau, tùy theo bản ngã của mỗi người gạn đục, khơi trong.

Nhưng những cái tên quen thuộc bỗng mất đi không để lại vết tích nào quả có mang buồn bã, hụt hẫng cho những người bạn mỗi ngày vào mạng.

Một buổi sáng, tôi mở cái khung hình trắng xóa trước mặt, đọc những bài vở của những người bạn thật, bạn ảo từ xa gửi tới. Tôi nhận được tin báo: Chị Phi Yến, bị tai nạn xe cộ, chết ngày hôm qua.

Cũng như phần đông những người bạn ảo khác, tôi chưa hề gặp mặt chị Phi Yến bao giờ, tôi chỉ biết chị qua cái tên. Cái tên này lại nằm trong một danh sách dài của cậu em tôi ở Hà Nội gửi đến. Con chim Yến đậu lại trên khung hình ảo, con chim Yến bay đi, khoảng trống đó sẽ lại có một con Hồng ảo, con Nhạn ảo khác thế vào.

Trước sau, cái tên đó chỉ là ảo, nếu cậu em tôi ở Hà Nội không phải là bạn thân của chị Phi Yến, không gửi cho tôi mấy tấm hình của chị, sau khi nhận tin chị mất, tôi hỏi thăm về quê quán, tuổi tác chị.

Cái tên của chị không xuất hiện trên khung mạng của tôi nữa thì chẳng khác nào nó bay đi như con chim Yến bay đậu sang một nhánh cây khác.

Thôi, tôi cứ tin như thế, tin như chuyện xe tông vào chị như một chuyện nằm mơ. Nằm mơ, khi tỉnh dậy không tin là thật. Cái tên của chị Phi Yến mất đi trên trang mạng có khi chỉ là một Tên Ảo và cái chết của chị là một cái Chết Ảo.

Tôi muốn tin như vậy.

7/10/22

Truyện ngắn 'Người Tù và Người Vô Gia Cư' của tác giả Trần Mộng Tú

NGƯỜI TÙ VÀ NGƯỜI VÔ GIA CƯ


Trần Mộng Tú

Ở góc ngã ba con phố có một người vô gia cư, loay hoay với cái bị quần áo hoài không biết để chỗ nào dưới cái gốc cây anh đang ngồi. Cái cây này to lắm tuy ở ngã ba nhưng nó lại thụt vào gần sát một bức tường nên anh nghĩ mình có thể ngủ lại đây mà không làm phiền ai.

Cả thế giới đang ẩn trốn trong nhà vì nạn dịch Coronavirus, chắc chẳng ai nỡ tới đây mà đuổi anh. Anh đặt cái bị sát tường rồi ngồi ngay lên trên cho chắc ăn, khoanh tay lại, ngả đầu vào tường, nhắm mắt lim dim tìm giấc ngủ.

Trời cũng bắt đầu vào tối, anh cũng vừa bắt đầu ngủ thì thấy như có ai dựa và người mình, làm anh tỉnh hẳn. Đúng là một người đàn ông khác cũng có một cái bị nhỏ đang ngồi dựa lưng vào tường nhưng quá gần vào anh.

Anh xích ra một chút thì cái thân hình đó lại ngã thêm lên mình anh một chút. Anh tỉnh hẳn ngủ nhìn vào cái người đang ngã vào mình. Trong nhá nhem của tranh tối, tranh sáng, ánh đèn từ cây cột đèn bên kia đường chiếu sang, anh cũng nhận ra đó là một người đàn ông trẻ, trẻ hơn anh nhiều. Anh ta khoảng dưới 30 tuổi thôi. Anh lay lay người khách lạ gọi.

– Này anh, sao anh dựa vào tôi thế này?
Người khách tỉnh dậy, ngỡ ngàng nhưng lễ phép
– Xin lỗi ông tôi mệt quá, thấy có chỗ ngả mình được nên ghé vào.

Chưa đợi người đàn ông hỏi thêm anh thật thà nói:
– Tôi vừa được nhà tù thả ra sáng nay, nhưng đi lang thang nguyên ngày vừa đói vừa mệt, thấy có gốc cây và bức tường dựa người được nên tôi ghé vào. Mệt quá mới ngã lên ông.

Người đàn ông vô gia cư ái ngại hỏi.

– Được thả tù ra sao anh không về nhà?
– Tôi đâu có nhà mà về.

Anh ta ngập ngừng một chút rồi nói: Trước tôi ở với anh và chị dâu. Khi tôi vào tù được một năm thì họ dọn đi tiểu bang khác không liên lạc với tôi nữa. Nhà nước mới thả tôi ra vì dịch Coronavirus đã vào tới nhà tù, nhân viên nhà tù đã nhiễm bệnh. Chúng tôi được thả vì chúng tôi không phải những tù nhân nguy hiểm, hạn tù của chúng tôi cũng dưới 5 năm.

Người đàn ông vô gia cư im lặng, ông thấy đời mình đã khổ mà đời người trẻ này cũng không có vui gì, ông không muốn hỏi tại sao anh bị nhốt vào tù. Ông cũng không muốn kể tại sao ông thành vô gia cư. Ông nghĩ ông Trời đã viết sẵn cho mỗi người một kịch bản (Scenario) rồi. Người nào không thoát ra được thì phải đóng hết vở kịch đời người thôi. Ông ngồi xích vào người tù mới tự do này hơn chút nữa cho anh ta dựa hẳn vào ông. Ông thò tay vào cái bị sau lưng moi ra nửa cái bánh hamburger còn lại trưa nay đưa cho người bạn mới.

– Anh ăn đi.

Người đàn ông trẻ cầm miếng bánh rất tự nhiên, ăn một cách ngon lành.

– Cám ơn ông nhiều lắm.

Anh ta nói xong cầm cái bị quần áo của mình lùi xa một khoảng cách giữa hai người, cái khoảng cách có thể một người thứ ba ngồi vào giữa.

Người đàn ông vô gia cư ngạc nhiên hỏi.

– Anh sợ lây nhiễm Coronavirus hay sao mà tự nhiên ngồi xa tôi vậy.

Người thanh niên lắc đầu nói khẽ:
– Tôi muốn để một chỗ trống giữa tôi và ông cho Thượng Đế ngồi vào.

Gió thổi xào xạc những chiếc lá bay bay trên đường, bóng tối nhẹ nhàng phủ xuống, con phố chìm hẳn vào đêm.

Trên bầu trời thấp thoáng những vì sao.

tmt

Mùa Covid.19. Tháng 4/2020

11/21/20

MỘT MẢNH ĐỜI CỦA NHÀ THƠ HỒ DZẾNH

 TRẦN MỘNG TÚ

Hình gia đình Hồ Dzếnh và một người bạn

Vào năm 1954, gia đình tôi mới di cư vào Nam thì nhận được một lá thư của Hồ Dzếnh (thời gian đầu của năm 1954-1955 Bắc-Nam còn nhận được thư). Lúc đó tôi còn bé chưa biết ông là một thi sĩ. Ba tôi nói: “Có người đàn ông Trung Hoa muốn lấy thím Phương.” Thím Phương của chúng tôi là vợ góa của chú Trần Trung Phương, người có tập Thơ cho học trò Mấy Vần Tươi Sáng, mà từ nhỏ anh chị em chúng tôi đã thuộc lòng nhiều bài trong đó. Khi học ở Tiểu Học được học lại ở trong lớp như những bài Học Thuộc Lòng.

Chiều qua trăng ngã xuống hồ
Bầy sao nghịch ngợm đổ xô xuống tìm
Trên không có mấy con chim
Vội vàng đâm bổ đi tìm bóng trăng. (Vội Vàng- TTP)


Lá thư của chú Dzếnh, tôi không được đọc, chỉ nghe Ba nói là một lá thư với lời lẽ hết sức lễ phép, xin phép anh chị cho em được thay anh Phương vào làm em anh chị trong gia đình. Ba tôi vốn sẵn hiền lành, nên đọc thư cảm động đến ngồi ngây người ra, không biết trả lời sao cho xứng với lá thư đó.