Showing posts with label Nguyễn Ngọc Tư. Show all posts
Showing posts with label Nguyễn Ngọc Tư. Show all posts

12/23/23

Cửa sau

 Nguyễn Ngọc Tư

quê mình nhà nào cũng có cửa sau. Mỗi khi đi xa, nhớ ba nhớ má, nhớ nhà, nhớ luôn cái ngạch cửa trước, nhớ cái chái cửa sau. Rồi chợt hiểu vì mắc mớ gì mà người con gái xưa thầm lén “chiều chiều ra đứng cửa sau” để “trông về quê mẹ” để “ruột đau chín chiều”.

Ở nhà mình cũng có cái cửa sau. Cửa nhìn ra vườn cây xanh mịt, trắng loáng loáng ngoài kia là chòm mả ông bà tổ tiên. Những chiều xa nhà, ngồi dưới đò đi dọc theo các triền sông nhìn cửa sau của những ngôi nhà trầm lắng trong nắng héo. Không hiểu sao mình cảm thấy tội nghiệp mình ghê lắm. Người ta có nhà còn nghề nghiệp mình thì giang hồ mãi tận đâu đâu. Mình nhớ cửa sau nhà mình. Không phải chỉ là nơi để đi ra đi vào, cửa trở thành một khung tranh. Chị mình vẽ cảnh ngồi giặt áo trong cái nền sẫm đỏ của hoàng hôn. Ba mình vẽ vào khung một thân mình chắc nịch, đỏ au vì nắng gió trên đồng, những làn nước trong văng trong vắt từ cái lu nước nhỏ bên cửa bắn tung tóe mỗi lần ba tắm. Bà nội mình ngồi trên cái đôn cưa bằng gỗ mù u, vẽ vào cửa sau một cái nhìn khắc khoải, ngoài vườn chiều kia, dưới trăng chiều kia có mộ Ông, có mộ các chú nằm xuống khi tuổi còn rất trẻ. Nên mắt bà đã mờ mà như ướt lem nhem ? Hay tại khói cay bay cao bay sà từ chiếc lò cà ràng, ùng ục nồi cám heo sôi trên bếp ? Trên khung tranh còn má mình chiều nào cũng ngồi dưới chái đâm từ cửa sau, trước mặt má là thúng rau, sịa ngò đang lặt dỡ, bó dỡ… Tay má nhăn, tái xanh vì ngâm nước lâu, trán má nhăn vì lo toan, vất vả, chỉ có cái cười của má thì vui, vui lắm, vui không kể xiết. Nhất là khi má nhìn đứa cháu nhỏ xíu, ngong ngỏng ở truồng nhảy lạch chạch trong cái thau nước đặt trên sàn lãn (giống mình hồi nhỏ quá đi thôi). Cạnh đó, có phải mình không vậy ta, có phải mình đang ngồi chồm hổm trước nồi cơm đầy lọ, trong bức tranh chiều, dường như có tiếng cạo cơm cháy sồn sột và tiếng trẻ nít cười rân.

Đêm đầy sao, mở cửa sau chợt hương bông cau, bông bưởi ùa vào đầy ứ mũi. Muốn thở chỉ sợ hương tan. Nghe con chim heo kêu nghe sợ mơ hồ, chạy cuống chạy cuồng qua cửa rồi mà hương vẫn còn theo.

Cửa sau, với mình, ít nhiều mang cảm giác thiêng liêng của sự đầm ấm, sum vầy. Cho nên nhớ hoài, nhớ mãi, nhớ không thôi. Cái số mình, thầy bói nói, là số giang hồ, giang hồ vặt.
Ra giữa đời, về phố chợ, đất chật, người đông, sau nhà không có cửa nữa. Bởi phía sau không trăng, không hương, không người vẽ lên đó những bức tranh đầm ấm. Mà, ở đây cửa sau mang ý nghĩa khác mất rồi.Người ta đưa hai tiếng cửa sau vào ngoặc kép, “cửa sau” làm nhà nước thất thoát hằng tỉ tỉ đồng, mồ hôi nhân dân đổ xuống nhiều hơn, nước mắt vì nỗi nhọc nhằn cạn đi (còn đâu nữa mà rơi). “Cửa sau” làm người ta không trọng nhau, không thương nhau, không tin nhau.

Cửa sau có muốn đâu, cửa muốn vẽ những bức tranh dung dị, bình thường về những con người bình thường, những cảnh vật bình thường.

Nhưng bây giờ người ta hay vẽ, một đám người chen nhau đứng đằng sau cánh cửa, quà trên tay chất vượt mặt, gõ cửa bằng chân. Cuộc sống có thế người ta mới vẽ thế. Buồn thiệt ha ?

Không, cửa sau mình nhớ dứt khoát không phải vậy. Thiệt đó, tin mình đi.

9/28/22

MẬT ÁNH SÁNG

Nguyễn Ngọc Tư

Bà nội nhỏ là đào hát.
Lần đầu tiên gặp nhau trong tiệm nước bên đình, ông nội không cách nào bứt mắt khỏi người lạ. Hai chân rút lên ghế, má tì vào đầu gối, chậm rãi gặm móng tay, da cổ xanh và nhợt nhạt của một người thiếu ngủ lâu ngày. Tiệm nhỏ, khói thuốc thơm quầng quã không tan, phủ lên điệu bộ lười nhác của bà nội nhỏ ít nhiều ma quái. Đàn bà ở Nhơn Thành chẳng ai có cái dáng vẻ vậy, họ tất tả như đã sẵn từ lúc hãy còn là bào thai mẹ đeo lúc lỉu ra đồng.

6/5/22

LÀM MÁ ĐÂU CÓ DỄ

Nguyễn Ngọc Tư

Chị Diệu về quê khi đoàn cải lương Mưa Bình Minh đang giữa mùa lưu diễn. Nhớ nhà quá, không có cái gì làm cho bớt nhớ. Tàu ghé đập Bàu Mốp, chị lội một đỗi, gặp má chị đi đám giỗ về, má chị kêu: “Trời đất, con Diệu, sao đi về vào lúc này? “. Chị nghe muốn khóc.

Chị, con gái của má, rời nhà từ năm mười bảy tuổi, bây giờ đã bốn mươi. Chưa khi nào gió chướng mang cái ngọn ráo khô bay qua rạch Bàu Mốp mà chị về nhà, kêu má ra cửa sau, chỗ thơm bựng hương cau, nhổ tóc sâu, bảo sẽ ở lại nhà lâu, lâu lắm. Nên má cứ nhìn hồ nghi, có chuyện gì sao con. Chị cười cười không nói gì, hỏi con San đâu. Má chị bảo nó đi đón ghe khóm từ rẫy Thới Bình qua, mua về rồi chèo xuồng dài dài xóm bán lại. Chị nuốt ực nỗi cay đắng vào lòng, “Sao má để nó đi, con nuôi hai người nổi mà! “. Bà già bảy mươi ba tuổi nhìn đứa con gái đầu bạc của mình, xót xa: “Bà cháu tao có cần tiền của bây đâu. Tao cũng cản hoài mà nó có nghe đâu. Tánh nó cũng cứng đầu cứng cổ hệt bây, bây biết”.

5/9/22

Chợ Nổi Cà Mau – Chút Tình Sông Nước

 Nguyễn Ngọc Tư

Không biết bây giờ bạn đang lang thang ở đâu, lên Sa Pa đi chợ tình hay đã xuôi chợ Viềng Nam Định, không biết đang sì sụp ăn ốc nóng ở chợ Âm Phủ – Đà Lạt hay về miền tây Nam Bộ xuôi thuyền thăm các chợ đồng bằng. Được du khảo qua các chợ, đó là niềm đam mê không dễ gì dứt bỏ, có lần bạn đã nói thế, phải không. Vậy thì sao bạn không về thăm chợ nổi Cà Mau quê tôi?

Khu chợ nổi đặc trưng miền Tây (Ảnh: ST)
Nằm giữa lòng thành phố Cà Mau, quãng cuối sông Gành Hào, đứng trên cầu nhìn về phía mặt trời mọc, người ta có thể nhìn thấy một dãy ghe rập rờn xao động cả mặt sông, những cái chân vịt gác chỏng lên loang loáng dưới mặt trời. Không biết chợ đã hình thành từ khi nào, phải chăng từ những chiếc ghe thương hồ xuôi ngược một hôm neo đậu gần nhau để mồi xin chút lửa, trao đổi cho nhau nắm gạo lứt, tấm vải bố tời, trái bầu, trái bí… mà nên một xóm chợ trên sông đông đúc, sung túc nhất đồng bằng như bây giờ?

10/5/21

CUỐI MÙA NHAN SẮC

Nguyễn Ngọc Tư

Nhà Buổi Chiều nằm ở tận cùng con hẻm Cây Còng. Hẻm cụt. Nhà toàn người già, là chỗ trú ngụ cho những nghệ sĩ cải lương, nghệ sĩ hát bội một thời vang bóng. Tính ra, chỉ có ông già Chín Vũ là vô danh tiểu tốt. Nhưng ông là một trong những người sáng lập ra nhà Buổi Chiều, tự ông còn đặt tên cho nó. Hỏi sao không gọi là Hoàng Hôn hay Chạng Vạng gì đại loại vậy, ông bảo, buổi chiều còn nắng, người nghệ sĩ còn có ý nghĩa sống trên đời. Nhà Buổi Chiều nghèo, chi phí dựa vào kinh phí từ trên quận, từ lòng hảo tâm của bà con gần xa, cơm bữa nhiều ơi là nhiều rau mà ít xịu thịt. Vậy mà ai nấy đều vui, bởi cuộc sống trước đây của họ còn nghèo hơn, nghèo không thể tả, nghèo rớt mồng tơi. Người ở chùa, người bán vé số, người ngủ công viên, người hát rong, ít ai có nhà để về. Sum họp ở Buổi Chiều, có khổ một tí mà còn được hát. Nghệ sĩ mà, miễn được hát, miễn hát mà có người nghe là sướng rồi.

7/19/21

Mộ Gió

Nguyễn Ngọc Tư

Hồi ấy chị lên mười ba, em nhỏ hơn hai tuổi.

Mười bảy tháng Mười năm đó, ba má đi đám giỗ, để hai chị em lại nhà. Lúc xách cặp chèo ra cửa má ngoái lại dặn chị :

– Ở nhà coi chừng em…

Chị dạ. Má rải lời dặn dò nằm lển nghển khắp nơi. Chị ngó ngoài sân thấy “Coi chừng ông trời chuyển mưa thì đem củi vô nhà“ và ”Đóng cái cổng rào lại” đứng dựa hàng bông lồng đèn kêu cọt kẹt, bước vô nhà vấp “Lấy chổi rơm quét mạng nhện trên bàn thờ” và “Nhà hết gạo rồi, con lội bộ lại đằng tiệm mua nấu đỡ” thì nằm nép trong góc bếp. Ở sàn lãn gió thổi xập xòe làm “Còn mấy con cá rô đem kho tiêu” đập đuôi xao xác vách thùng.

4/3/21

LỜI YÊU

Nguyễn Ngọc Tư

Nhí quay lại Nhơn Thành, người trong xóm ra trước nhà chờ đón. Mẹ Nhí đi cùng con cả một đoạn đường dài, không biết trên máy bay có khóc, nhưng đến đầu xóm mặt giăng một màn nước mắt, chân bước hụt bước hao.

Ai cũng kêu mau quá, đám gả Nhí như mới đây thôi, bữa đó nó còn giòn rụm nói cười, hát 60 năm cuộc đời giờ thành tro nguội bụi lạnh.

Nhí lấy chồng đúng đợt mưa dầm tháng bảy, truyền hình nói ngoài biển có hai cơn áp thấp nhiệt đới đang rượt đuổi nhau. Người trong xóm rũ nước mưa lúc bước qua cổng vòng nguyệt, càm ràm riết rồi cưới gả không chờ nắng cho vui.

Nhưng chờ gió chướng lùa nắng về lại Nhơn Thành thì cũng phải vài ba tháng nữa. Chú rể chỉ được ở lại tròn tháng. Ba mươi ngày cho tất cả những chuyện từ coi mắt cho đến lễ cưới, từ dòm coi chân Nhí có cong không cho đến da có bị chàm hay nấm mốc không. Làm lễ chào hai họ xong, chú rể sẽ bay ngay về nước không kịp thở.

Đi Sài Gòn bữa trước, vài tối sau Nhí dắt chồng tương lai về, sửa soạn đám cưới trong lúc đợi làm giấy tờ hôn thú. Tên chồng mỗi chữ Hi-ếc trên cái thiếp mời viết đổ tháu hệt cua bò trong giỏ. Ai nhận thiệp cũng kêu ui trời mau quá, con nhỏ mới đây còn bưng thau đi dài xóm mượn gạo mà giờ đã lấy chồng rồi.

Trong lằn rãnh nhớ của người Nhơn Thành chỉ có Nhí kéo tép rong, Nhí vớt bèo, Nhí chạy quắn trước ngọn roi cha mẹ nó, Nhí xin nước mắm thì kèo thêm tóp mỡ. Không có Nhí cô dâu.

3/6/21

BÀI HÁT NÀO CHO BẠC

NGUYỄN NGỌC TƯ

Bạc là tên của thằng nhỏ sẽ trở thành thợ mộc. Tôi thích một cái tủ sách lớn đặt ở trên gác nhưng sợ cầu thang hẹp, di chuyển khó nên rước thợ về nhà.

Tốp thợ có bốn người, thằng Bạc đang học việc, lủn tủn chạy đi lấy cái bào này, cây thước kia cho mấy anh. Nó hay lục lọi đống sách của tôi nằm ngổn ngang trên sàn nhà, gặp cuốn dày, nó xoay đi xoay lại, chắc lưỡi, “trời ơi, cầm cuốn sách này là thấy buồn ngủ rồi. Toàn là chữ, không có hình gì hết vậy chị Hai?”.

Cũng may, không có hình mà nó không chỏng ngược sách xuống, chứng tỏ nó cũng biết chữ, chút ít.