9/8/20

Vài nét chấm phá về họa thủy mặc



… Một tâm hồn có nghệ thuật thì rất dễ rung cảm với sự vật chung quanh, và có khả năng nhìn THẤY cái đẹp của trời đất, họ thấy quê hương nào cũng đẹp, dù nơi đó, có mặt của sự nghèo nàn, chinh chiến, như Nguyễn Bính đã thấy : ”Quê tôi phượng đỏ mai vàng, con đê nho nhỏ, cái làng xa xa”; và ”quê tôi có gió bốn mùa, có trăng giữa tháng có chùa quanh năm”. Nguy Trung Nghĩa


* Hương Vân – Nguy Trung Nghĩa



Cái đẹp bàn bạc khắp nơi, ta chỉ cần mở mắt ra là thấy : trời xanh mây trắng, gió mát trăng hiền, nhà thơ Nhất Hạnh có câu : ” mặt trái đất dù mang đầy cát bụi, nhưng trăng sao vẫn đẹp những đêm rằm “. Thiên nhiên, tự nó, “có ý” phô trương cái đẹp của mình : bình minh buổi sáng, hoàng hôn buổi chiều, ngày nào cũng khác nhau, lúc nào cũng lộng lẫy, cây cỏ bốn mùa, đơm hoa kết trái, hoa thì khoe sắc thắm, mây thì xanh thẳm bềnh bồng … Còn đối với con người, thì …”bởi vì mắt thấy trời xanh, cho nên mắt cũng long lanh màu trời, bởi vì mắt thấy biển khơi, cho nên mắt cũng xa vời đại dương” (Trụ Vũ). Do vậy, thi sĩ thì làm thơ, họa sĩ thì vẽ hình, và nhạc sĩ thì tình tự với âm thanh. Nhiều khi ta tự hỏi : làm thơ, vẽ hình, hát ca, để làm gì nhỉ ? có lẽ, không để làm gì cả ! Bởi vì, “Hoa là nở, mây là bay”, hoa không vì ta mà nở; mây không vì ai mà phải lang thang; mùa thu không vì buồn vui mà đổ lá; dòng sông cũng không vì đâu mà chảy miệt mài… Đó là sự sống, đó là cuộc đời, sự nở là hân hoan, cái bay là hạnh phúc, và miệt mài là niềm vui bất tận. Một tâm hồn có nghệ thuật thì rất dễ rung cảm với sự vật chung quanh, và có khả năng nhìn THẤY cái đẹp cũa trời đất, họ thấy quê hương nào cũng đẹp, dù nơi đó, có mặt của sự nghèo nàn, chinh chiến, như Nguyễn Bính đã thấy : ‘’Quê tôi phượng đỏ mai vàng, con đê nho nhỏ, cái làng xa xa”; và ”quê tôi có gió bốn mùa, có trăng giữa tháng có chùa quanh năm”.


Khả năng … NHÌN được cái đẹp, thì chính nó đã là một nghệ thuật, còn kỹ thuật diễn đạt cái đẹp đó lại cho người khác cùng thấy, đó là “nghề” của những chàng làm nghệ thuật vậy. Tuy nhiên, cái đẹp thì chỉ có một, mà sự “NHÌN THẤY” và sự “DI”N TẢ” cái đẹp đó thì lại, đông tây kim cổ, mỗi người mỗi khác và nhiều khi lại hoàn toàn trái ngược hẳn nhau. Nhưng mà, chính điều này, cũng là … cái đẹp của cuộc đời, “trăm hoa đua nở”, muôn sắc muôn màu, một người đi vào vườn hoa nghệ thuật, mà chỉ thấy có mỗi một thứ hoa thủy mạc không thôi thì vườn hoa đó sẽ tẻ nhạt, vô duyên, và không đẹp.
Riêng về hội họa, một trong những ngành nghề nhằm cố gắng diễn đạt cái Đẹp, nhưng vì sự khác biệt cũa cái THẤY, nên sự diển đạt, đã theo thời gian và không gian, mà chia chẻ và sáng lập ra nhiều trường phái khác nhau: Tây thì có trường phái Trừu Tượng, Lập Thể, Ấn Tượng, Hiện Thực, Siêu Thực vv. . . Đông thì có trường phái Văn Nhân, Truyền Thống, Cải Cách . . . trong mỗi trường phái đó lại chia ra nhiều nhóm riêng rẽ, mỗi nhóm hùng cứ mỗi nơi, như thời 108 vị anh hùng Lương Sơn Bạt, như nhóm Hàng Châu Tứ Quái, nhóm Bát Đại Sơn Nhân vv. . .Riêng trường phái Lãnh Nam, tỉnh Quảng Đông, đã được thành lập từ đầu thế kỷ 20, do một nhóm văn nhân nghệ sĩ tham gia trong cuộc cách mạng Dân Chủ nhằm lật đổ quân quyền nhà Thanh, đã phát động phong trào cải cách nghệ thuật, chủ trương học hỏi kỹ thuật Âu Tây, đã một thời khuấy động những cuộc bút chiến dữ dội nhất trong lịch sữ hội họa Trung Hoa cận đại, vì đã … “dám cả gan” chủ xướng việc đem kỹ thuật xử dụng màu sắc, và ánh sáng của Tây Phương vào tranh thủy mạc !. Phái Lãnh Nam, ngày nay, phần lớn, tuy không được giới văn nhân truyền thống trong xứ (Trung Hoa lục địa ) hưởng ứng và phát triển cho lắm, nhưng phái này đã tạo được nhiều thành công vẻ vang trên thị trường hội họa quốc tế, và có ảnh hưởng rất lớn đối với các họa sĩ Tàu sinh sống ở nước ngoài, kể cả Việt Nam.
Tranh thủy mạc, vì chịu ảnh hưởng cũa lối chử viết chiết tự, nên thường được gọi là tranh “biểu tượng”, expression, tuy căn bãn rất gần với tranh Ấn Tượng, Impression, nhưng khác xa tranh Trừu Tượng, Abstract Tây Phương. Vì tranh thủy mạc, dù được vẽ với đường nét đơn sơ, chỉ nhằm gợi ý, hơn là chi tiết rõ ràng, nên nhiều khi hình vẽ mờ nhạt mông lung, nhưng mà hể vẽ núi thì thấy là núi, vẽ sông thì thấy là sông, vẽ hoa thì thấy … nở, vẽ mây thì thấy…bay !, trong khi tranh trừu tượng, nhìn vào, mỗi người thấy mỗi khác, hay có khi thì… không thấy gì hết !
Từ ngàn xưa, tranh thủy mạc, có không biết bao nhiêu người đã vẽ trúc, và có họa sỉ chỉ vẽ trúc không thôi, đủ kiểu đủ cách, không trúc nào giống trúc nào, “Mai Lan Cúc Trúc” là bốn đối tượng phổ thông, căn bãn nhất để bắt đầu học vẽ tranh thủy mạc. Trong thời gian cận đại của thế kỷ 20, nếu nói về vẽ ngựa, thì không ai hơn dược Xue Bei Hong, ông là người đã tốt nghiệp trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Paris, học hội họa Tây, nhưng về Tàu lại thành công bằng sự nghiệp thủy mạc; và giử vai trò quan trọng trong công cuộc giao lưu văn hóa đông tây thời bấy giờ. Còn nói về vẽ con tôm thì phải nhắc tới Chi Pai Shih ( 1863-1957), khi ông 92 tuổi rồi mà vẫn còn vẽ, không lúc nào ngừng nghỉ. Tiếng tăm sự nghiệp của hai ông này rất lừng lẫy trong lảnh vực hội họa Trung Hoa cận đại.
Họa thủy mạc, vốn có một quá trình lịch sử lâu đời nhất trong các ngành hội họa trên thế giới, nó bắt nguồn từ ngàn xưa ở Trung Hoa, có mặt cùng một lúc với sự phát minh giấy, và lụa. Theo từ ngữ thì : ”Thủy” là nước, ”Mạc” là mực, người Nhật gọi là Sumi, tranh thủy mạc gọi là Sumi-e, người Tây Phương thì chỉ biết nhiều đến danh từ này. Họa thủy mạc, bắt đầu từ lối chữ viết hình tượng của Tàu, có từ chữ viết mà ra, vì vậy, giữa Thư (chữ viết) và Họa (vẽ) đã có sự liên hệ rất là mật thiết, và chữ viết không thôi, tự nó đã là một ngành nghệ thuật riêng biệt, không thua gì ngành hội họa.
Thông thường thì chữ viết được viết đệm thêm vào tranh dưới hình thức thơ, hay là bút hiệu của người vẽ, cũng như ghi lại năm tháng, nơi vẽ, thí dụ ta thấy như sau: Bát Đại Sơn Nhơn, viết tại Hàng Châu, Tịnh Vân Cốc, năm Ất Dậu vv. . .thỉnh thoãng trên tranh còn lại đựơc những người thưởng lãm có uy tín về hội họa, sau khi họ xem tranh, họ có thể ”đề thơ” ca tụng và ký tên đóng dấu của mình bằng triện đỏ, y như người vẽ, do đó mà ta thấy nhiều bức tranh có nhiều thơ, nhiều triện đỏ, và người vẽ thì rất hãnh diện, vì bức tranh đó được coi như là có sự “ấn chứng” của nhiều người sành điệu. Đây là một đặc điểm của tranh thủy mạc mà ở hội họa Tây Phương đã hòan toàn không có.
Người ta thấy có sự trái nghịch kỳ lạ và thích thú giữa hai ngành hội họa Đông Tây ở nhiều khía cạnh khác nhau, một điểm cần nhắc lại là đối với nghệ thuật, thì không nên có sự so sánh, hay dở, hơn kém, ở đây, nêu lên sự khác biệt giữa hai ngành nghệ thuật đông tây, cũng chỉ nhằm làm sáng tỏ những đặc điểm của mỗi ngành nghệ thuật mà thôi. Chẳng hạn như ta thấy : người Tây phương thì đứng vẽ, vẽ nghiêng trên giá vẽ ; Tàu thì ngồi hoặc đứng, không có giá, vẽ trên bàn mặt phẳng; còn Nhật thì . . . nghèo hơn, không có giá vẽ , mà cũng không có bàn, nên … đành phải ngồi dưới đất mà vẽ, và chịu đau lưng !
Đông phương thì xử dụng bút mềm, giấy mỏng; Tây thì bút cứng, giấy dầy, tranh sơn dầu thì phải dùng đến dao, cọ sắt; Đông phương thì chủ vẽ đen trắng, đường nét; Tây thì chủ về màu sắc, ánh sáng; Đông phương thì hay vẽ ” toàn bộ”(whole), vẽ cây thì trọn cành , vẽ hoa thì trọn đóa; Tây thì hay vẽ về chi tiết, (detail ), vẽ một góc cạnh nào cũa toàn cãnh mà thôi; Đông phưong thì vẽ những điểm chính, điểm gần vẽ trước, Tây thì lại vẽ nền, bối cãnh (background ), điểm phụ, điểm xa, vẽ trước. Đông thì xử dụng đường nét (lines) làm “gân cốt” (bones) để cấu tạo hình tượng, Tây thì xử dụng ánh sáng, ánh sáng, bóng, để tạo hình (boneless)… Điểm đặc biệt nữa là Tây phương thường hay vẽ ngoại cảnh, đi ra ngoài nhìn cảnh mà vẽ, còn Đông phương thì hay ngồi trong nhà mà vẽ, …vẽ từ trong tâm vẽ ra, thủy mạc rất hiếm khi vẽ ngoài trời, và không xữ dụng người mẫu, và cũng không có sự khuyến khích vẽ tranh khỏa thân, điều này, ngược lại, rất là phổ thông và thịnh hành ở hội họa Tây Phương.
Tranh thủy mạc khi vẽ thì là vẽ “một hơi”, trong một lúc vẽ rất nhiều tấm hình giống nhau, và sau cùng mới chọn một vài tấm hình ưng ý nhất mà thôi, Tây thì vẽ một tranh rất lâu, sữa tới sữa lui, thêm bớt. Thủy mạc sau khi vẽ rồi thì phải “bồi tranh”, tức là, vì giấy vẽ mõng quá lại nhăn nheo, nên phải dán thêm một lớp giấy cho tranh dầy hơn, và căng tranh cho thẳng, rồi viền tranh bằng khung lụa, tranh thường là khổ đứng và dài, hai đầu trên dưới được cuốn tròn trong hai ống cây, không lộng kiếng và treo tranh bằng dây lụa; Còn Tây phương thì ngược lại, giấy đã dầy, lại căng giấy (mounting) cho thẳng trước khi vẽ, sơn dầu hay watercolor cũng đều vậy, vẽ xong rồi thì không có bồi mà dùng matt board viền khung tranh, và vô khung kiếng bằng cây hoặc nhôm, khổ thường là hình chữ nhật, nằm ngang, và treo trên tường bằng móc sắt .
Nhìn những khác biệt có tánh cách trái ngược kể trên, người ta không khỏi ngạc nhiên và thích thú mà cho rằng đây đúng là hiện tượng âm dương, “Ying Yang” hiện hành, và có lẽ, vào thời điểm hiện tại, thì người ta có thể nói mà không sợ lầm lẩn là “Yang” nhà họ Tây đang ở thời kỳ cực thịnh, trong khi đó, nhà họ “Ying” đông phương đang thời lép dế !.
Tranh thủy mạc thường có một bố cục rất đơn giản, và “đồ nghề” của họa sĩ cũng lại rất là giản đơn, vài ba cây bút lông, mềm thì bằng lông thỏ, lông dê; cứng thì là lông ngựa rừng, chó sói … người vẽ thủy mạc không thích những bút dùng cho watercolor tây phương vì họ cho rằng, bút này không giữ được nhiều nước và thường có độ bung cao (springy), không thích hợp cho vẽ thủy mạc. Về giấy thì thủy mạc xài loại giấy xuyến, trắng ngà, mỏng te, rất dễ rách, hút mực nhiều như giấy chậm, rất khó điều khiển vì độ lan của mực và nước quá nhanh; về mực thì là mực cục, đen nhánh, có hai loại chính, một loại làm bằng dầu, màu đen nâu và một loại làm bằng nhựa thông, có màu đen xanh; thủy mạc Tàu thích loại trước, còn người Nhật thì thích loại sau.
Trước khi sửa soạn vẽ, thì người vẽ phãi mài mực trên cái nghiên mực làm bằng loại đá đặc biệt cho mài mực cục, người vẽ thủy mạc thường được khuyến khích không nên xài mực nước mài sẵn vô chai, rất tiện lợi, có bán trên thị trường, vì mực mài sẳn có chất hóa học, nên độ lan trên giấy xuyến rất khó tạo nên những lớp lan đậm lợt ẩn hiện … màu sắc khác nhau, dù đó là tranh đen trắng !. Hơn nữa, khoảng thời gian mất đi trong việc mài mực, còn có một tác dụng nhằm giúp cho người vẽ tập trung tinh thần, thời gian này được coi như là một cách “warm up” cho cả thân và tâm, một cách … thể thao cổ tay trước khi hạ bút. Giai đoạn này, đối với trường phái Zenga, thì được đặc biệt chú trọng, nó là một phương cách thực tập quán tưởng cũa các tu họa sỉ Thiền môn. Thời gian mài mực càng lâu thì hình ảnh SẼ vẽ càng đậm nét trong tâm của người họa và người ta có thể nói rằng là, bức tranh ĐÃ được vẽ TRƯỚC hạ bút xuống giấy ! động tác “vẽ ” này còn được gọi là “hành xử ” (execution), nó nói lên được tánh cách mạnh bạo, dứt khoát, “bút sa gà chết “, cũa tranh thủy mạc Zenga ! Hơn nữa, vì chịu ảnh hưởng sâu đậm tư tưởng “Không” của Phật, nên tranh thủy mạc thường có bố cục rất là đơn sơ, nhiều khoảng trống, chủ ý vẽ thiếu … bõ không, bõ lững lờ, vẽ không hết … nhằm gợi ý tưỡng tượng, khuấy động tâm tư ; đường nét chấm phá, mạnh bạo, phóng túng, mực đen vung vẩy trên giấy trắng tinh khiết, vẽ nhanh, đậm nét, tức tốc, không gò, không sửa chửa, “một lần, rồi thôi” ! … ” thà một phút huy hoàng rồi chợt tắt, còn hơn là le lói suốt năm canh !”. Do vậy, vẻ thủy mạc không tốn thời gian mà rất tốn giấy mực, vì tranh hư bõ đi nhiều ! nhưng mà, điều này cũng lại được coi là … “Thủy tình mạc hí “, tức là sự thỏa tình đùa giỡn với bút mực cũa người họa sỉ !, một hứng thú …nghệ thuật ! Có một điểm cũng nên nhắc ở đây là, hội họa, đối với văn nhân đông phương, là một thú tiêu khiển tao nhã, một nguồn vui có được, cho chính người vẽ nhiều hơn là cho người thưởng thức, và nó đã không bao giờ là một phương tiện danh lợi. Do vậy mà rất nhiều tác phẩm nghệ thuật thời xưa đã thất truyền, vì ý niệm về gìn giử , collections rất không được chú trọng lắm, và cũng không có mức độ trân quý các họa phẩm như Tây Phương. Nhưng mà cũng rất đau lòng cho họa sỉ tây phương, là phần lớn chỉ được thành danh sau khi … đã chầu trời!
Họa thủy mạc, khi vẽ, thì điều kiện hoàn cảnh chung quanh, lúc đó, cũng phải … “ắt có và đủ” : thanh tịnh, thoải mái, thư thả, nhàn hạ . . . và sẵn sàng, ( Tây phương thì cũng rất chú trọng cái gọi là hứng khỡi, inspiration ). Nhưng mà, người ta thấy rằng, bỡi vì cái …” lúc đó”, không phãi lúc nào cũng có được, nó xãy ra rất là hiếm hoi, tùy theo điều kiện ngoại cãnh cũng như nội tại, tâm tư, tình cãm, sức khõe, sãng khóai, vui tươi vv… nên có khi trong suốt cuộc đời, người họa sĩ, dù người đó là … thiên phú hay … cặm cụi, cũng đâu có được bao nhiêu tranh được …” hành xử ” đúng thời đúng lúc, để mà có thể vẽ được những tranh gọi là … kiệt tác, để đời. Chính vì … ” cái lúc đó” khó mà có được, nên cả Đông và Tây, xưa nay, vẫn có rất nhiều người, đã tìm nhiều phương cách khác nhau để mong đạt được nó. Người ta uống rượu, hút thuốc, tập thiền, điều động hơi thở, ngay cã việc xử dụng cần sa, ma túy, và gần đây vài loại thuốc hóa học khác đã được áp dụng. Tuy nhiên, người ta thấy rằng, về nghệ thuật, nói chung, thì điều chính yếu nhất vẫn là : người nghệ sĩ đó có CÃM được, có THẤY được, và trong tâm có hàm chứa những cái gì để .. NÓI, để diển đạt ra giấy trắng mực đen hay không? nếu không, thì dù cho người đó có … nổi hứng hoài hoài đi nữa thì cũng vẫn không thể vẽ được cái gì cho ra hồn !. Ngược lại, sự hàm chứa đó, nếu có, thì tự nó sẽ tìm cách bộc phát ra bằng nhiều hình thức, phương tiện khác nhau: hội họa, thi ca, điêu khắc vv…Do vậy, nghệ thuật đông phương rất chú trọng việc … cần mẫn, cặm cụi, tu tâm dưỡng tánh, cho được thanh tịnh, nhẹ nhàng, trong sáng, hơn là tìm inspiration bằng phương tiện rượu thuốc…
Ta hãy nhìn Miyamoto Musashi, thế kỷ 17 (1584-1645), tổ Kiếm Đạo, Samurai, Nhật Bản, là hiệp sĩ, tu sĩ, họa sĩ, và cuối cùng ẩn sĩ . . . một ngày nào đó, trong quá khứ xa xưa, sau khi rửa tay gác kiếm, một mình ngồi vào thư phòng, bên chén trà mới nấu, trầm ngâm, thư thái, bút nghiên sẵn sàng và yên lặng…thời gian không biết là bao lâu . . . để rồi tức tốc, hạ bút, vẽ hình một con chim con, đậu trên một cành cây khô, trơ trọi, không hoa, không lá, dáng cây một nét thẳng đứng , vẽ một ” hơi “, một mét 25 phân, cành cây cao vút như lưỡi kiếm, cho thấy một nội lực thâm hậu của người võ sỉ đạo này; dáng chim, thoáng trông có vẻ nghỉ ngơi, nhưng mắt mở sáng, nhìn chăm chăm vào khoảng không gian, trống không, bên dưới. Tranh có một sự yên tỉnh, nhưng không phải sự yên tỉnh cũa nghỉ ngơi, mà là sự yên tỉnh của “động”, của sự “rình rập”, sự chuẩn bị đối diện, đương đầu cho một cơn giông bão sắp tới. Bức tranh, khổ 125,4 cm x 51,5 cm, mực đen giấy trắng, ( xem hình đính kèm), tranh đơn sơ có vậy, mà nó đã là một bảo vật trong kho tàng văn hóa nghệ thuật Nhật Bản, và Musashi đã được người Tây phương đời nay cho là “the greatest Samurai artist in Japan”.
Những cảnh được vẽ trong tranh Thủy mạc, thường là những cảnh tưởng nhớ của một quê hương xa xưa nào đó, hay một cảnh thần tiên nào đó không có thật, những cảnh thanh bình, hay hình ảnh của một ước mơ không đạt được . . . Hơn nữa, tranh thủy mạc, nguyên thủy chịu ảnh hưởng sâu đậm bởi tư tưởng Lão Trang và Phật, do vậy mà hình vẽ nào cũng phảng phất tư tưởng an nhàn cũa Lão; sự đơn giản, trống không, thanh tịnh cũa Phật và sự phóng túng và phá chấp của Thiền. Trong tranh thủy mạc thường có non cao, có suối chảy, sơn thủy hữu tình, trăng thanh gió mát, để rồi, thường thường có hai “tiên ông” ngồi đánh cờ trên phảng đá, thỉnh thoảng đằng sau còn có hai chú tiểu đứng hầu quạt, hầu trà … Còn tranh khác thì có một ông già thơ thẩn ngồi câu cá trên chiếc thuyền bé tẻo teo, trôi nổi bềnh bồng giữa sông nước mênh mông; có tranh thì cũng lại là một hai “tiên ông”, nửa đêm chờ trăng lên, ngã nghiêng, ngất ngư bên bầu rượu đế ! … Đó đúng chắc là Lão Trang, đúng là “gió trăng chứa một thuyền đầy”, nhà thơ Lý Bạch, ngay đến cái chết vì … mò trăng dưới nước cũng đầy thi vị ! Anh tây phương làm gì có được cảnh ” thơ túi rượu bầu”, thảnh thơi an nhàn một cỏi như vậy ! Nhìn vào tranh, làm cho người xem cũng lây cái cảm giác “lâng lâng” khôn tả !
Bởi vậy mà các nhà phê bình tranh thủy mạc thẩm định một tranh có giá trị càng cao thì là tranh đó càng có thể tạo cho người xem có cảm giác lâng lâng xuất thần đó, ngườI xem mường tượng như mình đang sống trong cảnh đó, thơ thẩn dạo chơi trên con đường nho nhỏ đó, hay là gợi nhớ lại những tình tự quê hương, một hình ảnh mơ ước xa xưa ngày nào . . . ; còn tranh mà vẽ một cảnh đẹp, và chỉ có đẹp thôi, để cho người xem thưởng thức, khen ngợi . . . thì có giá trị thứ yếu hơn, và sau cùng, thấp nhất là loại tranh vẽ giống y như thật, mà thi sĩ, và cũng là họa sĩ Tô Đông Pha cho là …tranh trẻ con .
Điểm thích thú khác nữa là, dù rằng, họa sĩ thủy mạc thường không vẽ ngoại cãnh, chỉ ngồi nhà mà vẽ và vẽ … từ trong vẽ ra , vậy mà, một trong những điều kiện để có thể được gọi là họa sĩ thủy mạc, thì người đó phải có cơ hội … “đi xa ngàn dậm, chân bước mòn sơn khê”, lang thang cùng khắp, chứ không phải ăn không ngồi rồi, uống trà nhìn trăng lên bên cửa sổ, hay ngất ngây bên bầu rượu đế, mà tưởng tượng ra hình cảnh để vẽ !
Ta hãy coi cuộc đời của nhà họa sỉ Tàu cận đại, Trương Đại Thiên (Chang Dai Chien, 1899- 1983), sinh ra và lớn lên, vì chinh chiến, phải lưu lạc nhiều nơi trên đất Tàu. Sau đó, ra nước ngoài, cư ngụ nhiều năm, nhiều nơi khác nhau : Nepal, Brasil, Hoa Kỳ, để rồi cuối cuộc đời về hưu tại Đài Bắc cho đến khi mất. Ông đã để lại cho Đài Loan một khu vườn cây cảnh, nhà cửa do ông tạo ra, và nơi đó đã trở thành một bảo tàng viện. Trong khu vườn đó, đặc biệt có một tảng đá rất lớn, mà trước đây khi ở Mỹ, ông đã xin phép chính quyền hạt Monterey, California đem cần trục câu khối đá đó từ bờ biển vào mảnh đất vườn nhà ông, để rồi tự tay ông khắc chữ, đề thơ trên đá, và tạo hòn non bộ cây cảnh. Đến khi ông dọn về Đài Loan, ông đã thuê một “container” chở khối đá đó vượt biển Thái Bình và đặt vào trong khu vườn mới tạo ở đó. Khi sinh thời, ngoài việc định cư ở nhiều nơi khác nhau, ông đã đi thăm viếng hầu hết các danh lam thắng cảnh trên thế giới, từ đồng bằng ruộng lúa, cho đến những vùng hoang vu núi non, sa mạc. Ông đã từng ở nhiều năm trong động Đôn Hoàng, sau khi vùng di tích cổ xưa này được khai quật, để tìm hiểu, học hỏi kỹ thuật tạo hình trên những phiến đá đã có từ ngàn năm. Ông đã sống năm năm tại thành phố Kathmandu, cửa ngõ của vùng núi Hy Mã Lạp Sơn, để …”học đạo” ; Ông thực sự là người đã … “bước mòn sơn khê”, thọ 84 tuổi, và đã có tổng cộng 60 năm cặm cụi vớI bút nghiên, vậy mà ông chỉ vẽ được có chừng … 30 ngàn bức tranh đủ loại, hiện có rất nhiều tranh của ông được lưu trữ ở nhiều bảo tàng viện khắp nơi trên thế giới. Cuộc đời nghệ thuật của ông vốn đã có tầm vóc như vậy, mà đời sống cá nhân gia đình của ông cũng thuộc loại …”quá cỡ thợ mộc”. Lúc ông còn thơ ấu, gia đình cho đi tu trong một tu viện Phật Giáo địa phương, khi đến tuổi thanh niên, cha mẹ gọi về lấy vợ, chắc là để nối dõi tông đường, và rồi sau đó, chinh chiến loạn lạc hay … duyên trời đưa đẩy, để rồi, trước sau, ông có tới bốn bà vợ . . . hiền, cùng nhau “sản xuất” được 16 người con, và dĩ nhiên … rất nhiều cháu chắt ! Người ta thấy rằng là … “Đời nghệ sĩ lăn lóc gió sương, ba ngày sau vớt lên sình chương “, hay là : “không khổ đau lấy chi làm chất liệu, không lang thang sao biết nắng mưa nhiều !”. Người ta không biết cuộc đời ông họ Trương nhà mình có đau khổ vì mấy bà vợ hay không, chứ đích thực, ông là người …đã biết nắng mưa nhiều.
Ngoài ra, trong tranh cảnh thủy mạc thì thường hay … “có con đường nhỏ chạy lang thang” phía trước cảnh, có ý nhằm dẫn hướng mắt người xem từ ngoài “đi ” vào tranh, để rồi đi quanh co “ngắm” cảnh. Một chuyện thần thoại thích thú về điểm này được kể lại như sau : Họa sĩ Wu Daozi, thế kỷ thứ 8, có tài vẽ tranh rất sống động, ông từng vẽ nhiều hình trên tường, trang trí cho các cung điện vua chúa thời bấy giờ, tranh đẹp và ai cũng khen ngợi. Khi tuổi tác đã già, lần cuối ông vẽ trên tường của cung điện nhà vua một cảnh to lớn, trong cãnh, có núi non cây cỏ, có trăng suối hửu tình . . . sau khi vẽ xong, ông quyết định …”đi vào tranh”, ông lần bước trên con đường nho nhỏ trong tranh, dẫn ông đi quanh co … để rồi mất hút sau đám mây mờ của dãy núi xa xa . . . và từ đó, không ai còn thấy ông ở đâu nữa !
Về cách thưởng thức tranh, giữa quan niệm xưa và nay, đông và tây cũng rất khác : tranh Tây phương, thường được trang trí ở một vị thế chánh trong căn phòng, thường là phòng khách, trong khi tranh thủy mạc, thì không như vậy, thường được treo ở một góc phòng, trang trí đơn giản, không chen lẫn với các tranh ảnh, đồ đạc chưng dọn khác, “một mình một cõi, lẽ loi”, nhất là loại tranh Zenga, thì phòng đó thường là nơi dùng để nghỉ ngơi, yên tỉnh, hay phòng tỉnh tâm, thờ phượng. được trang trí sâu sắc và thiền vị.
Ngoài ra tranh Tây phương thì thường được lộng kiếng và treo trên tường cao, được nhìn từ đàng xa, do vậy, giữa tranh và người xem không có sự xúc chạm trực tiếp, cũng như tranh sơn dầu thì tuy không có lộng kiếng, nhưng cũng phải thưởng thức từ đàng xa thì mới thấy đẹp. Trong khi đó, người đông phương xưa, thường khi, trong những lúc “trà dư tửu hậu”, những lúc … tửu phùng tri kỷ, những khi họp nhau “đàm đạo”, thì mới đem những tranh “collections” ra, và những tranh này, lần lượt sẽ được từ từ mở ra, trải rộng trên bàn để cùng nhau thưởng thức. Người xem tranh và tranh, có một sự tiếp xúc, đụng chạm từng đường nét trong tranh, có sự gần gũi, giữa tranh và người xem tranh, để rồi sau khi xem xong, bình phẩm hoặc khen ngợi, rồi thì tranh lại được cuốn trở lại cất vào “nhà kho” … chờ dịp khác. Cách thưởng thức hay cách sống như vậy, cho ta thấy một sự an nhàn, thảnh thơi cũa một thời xa xưa, mà ngày nay, sự tiến bộ vật chất đã làm cho nó mất đi không còn nữa!. Hơn nữa cũng vì sự phát triển kỹ thuật, giao lưu văn hóa mạnh mẽ ngày nay, nên có những hiện tượng “con lai”, và thường đưa tới sự học đòi quá lố, điều đó đúng cho cả Đông lẫn Tây. Người ta sẽ không ngạc nhiên khi thấy Tây ăn chay ngồi Thiền, tụng kinh học Phật, đánh kung fu, xem phong thủy, nói Đạo Đức Kinh . . .
Trong khi đó không thiếu gì họa sỉ trẻ Đông Phương, quẳng bút lông, cầm bút sắt, bôi phết tèm lem và vẽ hình “không áo”.
Tóm lại, qua tiến trình phát triển của ngành hội họa, cho đến nay người ta thấy rõ rằng là, trường phái thủy mạc mà vốn chịu nhiều ảnh hưởng tư tưởng Lão Trang, thì tồn tại và phát triển ở Trung Hoa, còn trường phái ảnh hưởng nhiều ở Thiền Phật giáo, thì đã “di cư sang tỵ nạn” ở Nhật Bản từ nhiều thế kỷ trước, và được phát triển mạnh mẽ trong lãnh vực Sumi-e Nhật Bản. Và người ta thấy, không chỉ riêng trong lảnh vực hội họa, mà có thể nói, Thiền Phật Giáo đã có mặt và ảnh hưởng sâu đậm hầu như mọi ngành văn hóa nghệ thuật khác ở Nhật, như Hoa Đạo, Trà Đạo, Kiếm Đạo và nghệ thuật tạo vườn cảnh cây cối. Người ta có thể nói Nhật đã thừa hưởng trọn vẹn tinh hoa gia tài Thiền Phật Giáo, mà người Trung Hoa đã vô tình không gìn giữ được .
Riêng hội họa thủy mạc, đã vượt thử thách thời gian ngàn năm và tồn tại cho đến ngày nay, tự điều đó nói lên được giá trị nghệ thuật của nó. Có điều là tranh thủy mạc sẽ mãi mãi còn xa lạ đối với những ai, dù là đông hay tây, muốn tìm hiểu nó, mà chỉ dựa trên sự suy luận thuần trí óc, “intellectually”. Bởi vì tranh thủy mạc đã được xây dựng và hình thành bằng những tâm hồn đã thấm nhuần những tư tưởng lớn đông phương.
viết tại Hương Vân Am, Florida
(trích từ trang Nhà Thông Reo)

1 comment:

  1. Quê tôi phượng đỏ mai vàng, con đê nho nhỏ, cái làng xa xa”; và ”quê tôi có gió bốn mùa, có trăng giữa tháng có chùa quanh năm”.
    Rất yêu và dễ thương!
    NCH

    ReplyDelete