Huệ Trân
Câu chuyện nhỏ, do cơ duyên, xảy ra đã lâu, dường như lâu tới hơn hai thế kỷ! Lâu vậy, mà như không lâu, câu chuyện, ngỡ bình thường mà lại không bình thường nếu người trong cuộc không có tên là Thomas Jefferson.
Đó là một buổi chiều mùa đông lạnh giá tại miền Bắc Virginia.
Con đường hun hút không một bóng người, dẫn tới bờ sông dòng nước hung hãn chảy xiết là nỗi tuyệt vọng của một lão ông đơn độc, đang nhìn thấy thần chết mỗi lúc mỗi đến gần.
Không có phương tiện nào để qua sông trong mùa này. Lão ông biết vậy, nhưng không thể biết hết những bất ngờ mà ông lại phải trở về nhà ngay, đành cố lết tới bờ sông, hy vọng ai đó có phương tiện qua bên kia, sẽ giúp đỡ. Lão ông đã ngồi đó, từ khi mặt trời đứng bóng và bây giờ, mặt trời đang lặn ở phương tây.
Khi chòm râu bạc đã thành đá và toàn thân đang thành đá thì ông nghe thấy tiếng vó ngựa dồn dập, đều đặn, từ cuối con đường heo hút, đang tiến về hướng bờ sông. Một sức mạnh tinh thần của bản năng sinh tồn khiến lão ông đứng bật dậy.
Và đây, người kỵ sỹ đầu tiên trong đoàn kỵ mã phi ngựa qua trước mặt ông, vượt qua sông. Rồi người thứ hai. Rồi người thứ ba ….
Lão ông vẫn đứng đó, không một người và ngựa nào dừng lại, sau những ánh mắt lạnh lùng, không cả vương một chút quan tâm “Đứng đây làm gì?”
Rồi cũng tới người và ngựa cuối cùng trong đoàn kỵ mã đang trờ tới. Lão ông vận dụng toàn lực, ngước nhìn, và chạm vào ánh mắt của chàng kỵ sỹ.
Chỉ thế thôi. Lão ông chưa kịp lên tiếng cầu cứu nhưng người và ngựa đã chậm lại. Bốn mắt nhìn nhau. Và phút giây đó là ngôn ngữ của Tình Người, không phải chỉ là âm thanh của lời cầu cứu:
-Nhà tôi bên kia sông, anh có thể cho tôi cùng qua bên đó không?
Chàng kỵ sỹ vừa ghìm cương ngựa, vừa vui vẻ nói;
-Sao không? Ông lên đây đi!
Nhưng tất cả sức lực của lão ông như chỉ còn chừng đó, ông quỵ xuống, không bước nổi.
Chàng kỵ sỹ vội xuống ngựa, đỡ ông lên, rồi không chỉ đưa ông lão qua sông mà còn đưa ông về tận nhà, một thôn xóm khuất sau khu rừng thưa.
Trước khi chia tay, chàng kỵ sỹ không thể không nói lên niềm băn khoăn:
-Này lão ông, tôi là người cuối cùng trong đoàn kỵ binh. Bao nhiêu đồng đội của tôi đã đi ngang qua, sao ông vẫn đứng chịu lạnh, không xin giúp đỡ. Vậy, nếu tôi, người cuối cùng, cũng đi qua thì ông sẽ chết cóng đêm nay bên bờ sông ư?
Lúc đó lão ông mới ưu ái nhìn thẳng vào ánh mắt chàng kỵ sỹ mà nói lời cám ơn rằng:
-Dạ, lão biết. Nếu không ai giúp đỡ, lão sẽ chết đêm nay, bên bờ sông này. Lão sống tại vùng này từ nhỏ, nay đã gần tám mươi, và trực giác thường cho lão những cảm nhận đúng để có quyết định trước mỗi hoàn cảnh. Đoàn kỵ binh đã lần lượt qua mặt lão, vài người đã phi ngựa chậm hơn nhưng chỉ là những cái nhìn tò mò. Thoáng nhìn ánh mắt họ, lão biết rằng họ không đủ quan tâm để lão mở lời cầu cứu. Tình Người chưa đủ thì sẽ có cả ngàn lý do để người từ chối giúp người, nên lão đã không mở lời. Nhưng khi lão nhìn vào ánh mắt của người cuối cùng, lão biết ngay đây sẽ là ân nhân cứu mạng. Mà sự thật đúng như vậy, phải không? Lão và toàn gia đình xin Thượng Đế luôn ban ơn cho Ngài”
Lời bộc lộ chân tình của lão ông đã khiến chàng kỵ sỹ xúc động mà đáp:
-Cám ơn những gì lão ông vừa nói. Tôi hy vọng sẽ không vì quá bận rộn đến nỗi không đủ quan tâm để giúp đỡ những người cần giúp mà tôi được gặp.
Rồi chàng kỵ sỹ chào tạm biệt gia đình ông lão.
Vì có nhiều khả năng, thiên phú cũng như tinh tấn học hỏi, chàng kỵ sỹ đó đã thường xuyên bận rộn vì được mọi nơi, mọi người tin tưởng, trao công việc. Nhưng với Chân Tâm, chàng luôn thể hiện qua Thân Tâm, nên những thành quả không phải cho cá nhân mà cho lợi ích của dân tộc, của nhân loại đã luôn thành tựu tốt đẹp.
Chàng kỵ sỹ đó đã miệt mài đi suốt chặng đường phục vụ nhân sinh mà đã hơn hai thập niên, bất kể thể chế nào, sắc áo nào, mầu cờ nào đều không thể phủ nhận đây là một, trong những bậc vĩ nhân của nhân loại.
Đó là Thomas Jefferson, vị Tổng Thống thứ ba của Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ với hai nhiệm kỳ, từ 1801 tới 1809.
Đó là Thomas Jefferson, tác giả Bản Tuyên Ngôn Độc Lập Hoa Kỳ.
Đó là Thomas Jefferson, tác giả đạo luật Virginia về Tự Do Tôn Giáo.
Đó là Thomas Jefferson, người đã tận dụng hơn mười năm cuối đời vào việc sáng lập Đại Học Virginia.
Có lẽ, đối với Thomas Jefferson, đây là ba mục tiêu quan trọng trong đời mà ông quyết tâm, đạt được vì ba mục tiêu này vẫn duy trì làm lợi ích cho nhân loại.
Do nhận định rõ rệt này mà Thomas Jefferson đã viết ra, rồi cho thợ khắc sẵn trên bia bộ mình những dòng chữ ngắn gọn:
“Đây là nơi an nghỉ của Thomas Jefferson, tác giả của Bản Tuyên Ngôn Độc Lập Hoa Kỳ, của Đạo Luật Virginia về Tự Do Tôn Giáo, của người Sáng Lập Đại Học Virginia.”
Trên mộ bia này không có chức vụ Tổng Thống Thứ Ba của Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ nhưng hơn hai thế kỷ nay, dân tộc này đã không ngừng biểu lộ lòng biết ơn qua sự đánh dấu thời điểm là Lễ Độc Lập 4 Tháng 7 mỗi năm.
Sự trùng hợp kỳ diệu của lịch sử là ngày 4 Tháng 7 năm 1826, khi Bản Tuyên Ngôn Độc Lập vừa tròn 50 năm, cũng là ngày Thomas Jefferson lặng lẽ rời bỏ cõi tạm này ở tuổi 83.
Trùng hợp kỳ diệu, hay con người kỳ diệu này cảm nhận rằng, tới đây đã hoàn thành sứ mạng của một kiếp người ngắn ngủi!
Xứng đáng thay!
Huệ Trân
No comments:
Post a Comment