9/19/20

Hội Thơ Thụ Nhân



Lá Thư Thụ Nhân
                                                        Hội Thơ Thụ Nhân

Nhà báo Võ Thành Xuân vừa đưa bài viết về thi sĩ Vũ Hoàng Chương (05/05/1916 - 06/09/1976) lên Diễn Đàn Thụ Nhân, trên TN 1-2 liền có mấy điện thư đáp lại. Vì mục đích của Lá Thư Thụ Nhân là gom góp ý kiến của các bạn Thụ Nhân, sau đây là vài tâm tình Thụ Nhân tưởng nhớ cố thi sĩ Vũ Hoàng Chương, nhân ngày giỗ 06/09 :

‘‘Cám ơn anh Thông đã viết bài về Vũ Hoàng Chương. Ngoài thi tài, Vũ Hoàng Chương còn là một người có nhân cách và quan niệm đứng đắn về thi ca.’’ (Nhan Ánh Xuân, ngày 07/09/2020)

‘‘Xin cảm ơn Anh Thông về bài viết “Thi sĩ Vũ Hoàng Chương’’. Một thi sĩ lớn của miền Nam VN thời bấy giờ - Một tinh thần bất khuất thật đáng khâm phục - Nhân đây tôi cũng xin chép lại một bài thơ của nhà văn Hoàng Hải Thủy viết khi nghe tin thi sĩ Vũ Hoàng Chương qua đời

Đọc Thơ Vũ Hoàng Chương
Một mảnh hồng tiên trĩu ngón tay,
Hương mùa thu mất ngậm ngùi bay.
Anh vẫn Hoàng Chương, vàng với Ngọc,
Trần ai nào lấm được trời mây.
Người về ngôi cũ, thơ trầm nhạc,
Tàn lửa hồng hoang, khói mái tây.
Chín ngục A Tỳ ma sửa mũ,
Mười tầng địa phủ quỉ cung tay.
Cười vang một tiếng tan tinh đẩu,
Sáu cửa luân hồi nhẹ cánh bay.
Thân mến

Hoàng Kim Long (09/09/2020)’’


‘‘Vĩnh cám ơn các bạn LĐT, TDCHI, NAX, HKL, MTC (xin lỗi, viết vội nên quên tên nhiều bạn khác)... đã bổ túc sự thiếu sót hiểu biết về Hán học và văn chương VN. Thật sự từ nhỏ đến hết trung học chỉ học văn hóa của mấy ông Tây nên sự hiểu biết về văn chương thi phú rất là nông cạn, nếu không muốn nói là zéro! Thành thật cảm ơn tất cả các bạn đã giúp mở rộng tầm hiểu biết. Thân chúc tất cả các bạn cùng gia quyến bình an.’’ (Nguyễn Văn Vĩnh, 14/09/2020)



Sau đó, bạn Trần Đình Chỉ viết một điện thư dài, cho biết nhiều giai thoại liên quan đến thi bá Vũ Hoàng Chương :

‘‘Những bài viết của thi sĩ Lê Đình Thông luôn được bạn bè Thụ Nhân khen ngợi. Tôi không dám nói gì thêm vì nói cũng bằng thừa. Chỉ “chịu” nhất một điều là bạn Thông là một cây viết rất khỏe, rất nhanh, hơn cả Lucky Luke “l’homme qui tire plus vite que son ombre”! Chỉ trong vòng 10 ngày mà bạn Thông đã làm 2 bài “thơ Tháng 8” và viết về thi tiên VN Vũ Hoàng Chương.

Tôi không nói thêm về những bài thơ Tháng 8. Vì theo tôi, cho đến nay thì vẫn như Bùi Minh Quốc viết từ tháng 8/1994 :

“Quay mặt vào đâu cũng phải ghìm cơn mửa,
Cả một thời đểu cáng đã lên ngôi!”
Buồn sao đâu! Mỗi mùa thu sang, buồn như nỗi buồn của Bùi Giáng :
“Mùa thu năm ấy buồn rầu,
Thu này chợt thấy nguyên mầu thu xưa”!
Tháng 9 là tháng giỗ của đại thi sĩ Vũ Hoàng Chương, một người mà tôi yêu mến, kính trọng
Nhân ngày “Lễ Tuyên Ngôn Độc Lập” 2/9/1945 tại quảng trường Ba Đình, Vũ Hoàng Chương đã viết 

Bên bốn câu thơ để đời :

“Ba mươi sáu phố ngày hôm ấy
Là những ngành sông đỏ sắc cờ,
Chói lọi sao vàng hoa vĩ đại,
Năm cánh xoè trên năm cửa ô”.
Tưởng sẽ là một nhà thơ cách mạng!

Nhưng không, vợ chồng ông và vợ chồng Đinh Hùng tháng 8/1954 lấy tàu há mồm vào Nam tìm tự do (vợ VHC là Đinh Thục Oanh chị ruột của ĐH), nói theo lời ông khi họa bài thơ “Cảm xuân” của Nguyễn Khuyến : đi tìm “đất hứa”.

1) Tội đầu tiên của VHC : phản “cách mạng”!

Nếu bốn câu thơ trên tạo thêm tiếng tăm cho Hoàng thi sĩ (ông thích dùng tên Hoàng, họ của mẹ), nhưng nó cũng là bản án tử cho ông sau này!

Vào Nam miền “đất hứa”, địa linh gặp anh kiệt, tên tuổi VHC nổi như cồn, thành công nhanh chóng. Xuất bản những tập thơ Rừng Phong, Hoa Đăng, Ta đợi em từ 30 năm, Đời vắng em rồi say với ai, vv..., giảng dạy tại Trường Chu Văn An, Chủ tịch Trung Tâm Văn Bút VN, tham dự trên 20 hội nghị Văn Bút, vv...

Tập thơ Hoa Đăng xuất bản năm 1959 được Giải Toàn Quốc về Thơ. Đặc biệt là trong tập này, thi bá họ Vũ đã không ngần ngại cổ võ Bắc tiến qua bài “Bài ca Bình Bắc”:

“Người ra Bắc oai thanh mờ nhật nguyệt
Khí thế kia làm rung động càn khôn
Hịch ban xuống lời lời tâm huyết
Lệnh truyền quân ai dám bước chân chồn”!
Phải chăng VHC đã gây ảnh hưởng cho nhạc sĩ Vũ Thành với bản “Giấc mơ hồi hương”?
“Lắng tiếng huy hùng của từng lớp trai
Cất cao lời hứa
Xây cuộc đời sầu tàn trong bóng đêm dài...”
... Rồi đến nhà thơ Hà Thượng Nhân (mất năm 2011 tại Mỹ) :

“Hùng khí Quang Trung tự bấy giờ
Vẫn còn lưu lại mấy dòng thơ,
Thơ nào nối được dòng sông cũ
Để chúng ta chung một sắc cờ”.

... Và đến nhà thơ quân đội Hà Huyền Chi (hiện sống ở Tiểu bang Washington) :

“Theo cần lái con lao mình xuống thấp,
Súng phòng không giăng lưới đạn quanh tầu,
Con nhắm kỹ nhủ lòng đừng hấp tấp
Sợ bắn lầm vào luống sắn nương dâu”.

2) Tội thứ 2 của VHC : đòi Bắc tiến!

Cuối năm 1973, nối gót Tản Đà, Ngô Tất Tố, Trần Trọng Kim, Trần Trọng San, vv..., VHC dịch ra Việt văn bài thơ bất hủ Hoàng Hạc Lâu của Thôi Hiệu.










使

Hoàng Hạc Lâu

“Tích nhân dĩ thừa hoàng hạc khứ,
Thử địa không dư Hoàng Hạc lâu,
Hoàng hạc nhất khứ bất phục phản,
Bạch vân thiên tải không du du
Tình xuyên lịch lịch Hán Dương thụ
Phương thảo thê thê Anh Vũ châu,
Nhật mộ hương quan hà xứ thị
Yên ba giang thượng sử nhân sầu”!
“Xưa hạc vàng bay vút bóng người
Nay lầu Hoàng Hạc chút thơm rơi,
Vàng bay nắng hạc đi đi mất
Trắng một màu mây vạn vạn đời.
Cây bến Hán Dương còn nắng chiếu
Cỏ bờ Anh Vũ chẳng ai chơi,
Gần xa chiều xuống đâu quê quán
Đừng dục cơn sầu nữa sóng ơi”!

Theo tôi bản dịch của VHC là hay nhất trong các bản dịch, một phần là nhờ nó được chuyển ra Việt văn trong hoàn cảnh đất nước sau Hiệp định Paris 1973 : cuộc chiến “Cắm cờ” giữa Cờ vàng và Cờ đỏ. Hạc vàng rời bỏ những vùng tiêu điều thiếu an ninh để tìm đến những nơi an toàn. Sau 75, ngày càng có nhiều hạc vàng hy sinh mạng sống vượt biên tìm miền đất hứa. Cũng từ ấy, đã có biết bao người hướng về quê cha, ngậm ngùi :

Gần xa chiều xuống đâu quê quán,

Đừng giục cơn sầu nữa sóng ơi!

3) Tội thứ 3 của VHC : tiếc thương Cờ vàng!

Sau 75, VHC ngừng hẳn hoạt động, cửa đóng then cài, ít tiếp xúc. “Văn chương đến buổi văn nằm ụ” (Xuân 76). Đã nghèo bị giải phóng nghèo thêm. Nữ sĩ Mộng Tuyết đuổi khỏi nhà vì sợ liên lụy, sửa sang phòng ốc để tiếp đón văn sĩ Bắc Hà! Gia đình VHC lại dời về ở chung với người em dâu vợ Đinh Hùng (mất năm 1967) trong một căn nhà lụp xụp nằm sâu trong khu đồng cỏ Phạm Thế Hiển, bên kia Cầu chữ Y.

Tháng 4/76, VC cho người đến thỉnh VHC một vài dòng thơ ca tụng Ngày kỷ niệm Giải phóng đầu tiên 30/4/76. Ông khẳng khái từ chối! Dụ không được, VC bắt giam ông vào khám Chí Hoà ngày 13/4/76. Tuy nằm khám, thơ ông vẫn khí khái như thuở nào :

“Bao nhiêu nước chảy qua cầu nữa
Chẳng dễ gì phai được tấm son”!

Bệnh tình càng nặng thêm, thấy không ổn VC “khoan hồng” thả ông nhân ngày lễ 2/9. Chỉ 4 ngày sau ông vĩnh viễn ra đi, để lại cho VN một gia tài thi thơ đồ sộ và cho hậu thế một tình thương vô biên đầy khâm phục.

4) Quên ghi thêm tôi thứ 4 của VHC : Nhà thơ không bẻ cong ngòi bút (14/09).

Nhân mùa giỗ lần thứ 44 của nhà thơ, tôi xin kính cẩn nghiêng mình đọc lại vài dòng thơ đầy cảm xúc của chính ông với trọn tấm lòng thương mến và ngưỡng mộ :

“Rồi đây, rồi mai sau còn chi?
Ngọc đá cũng thành tro
Lụa tre dần mục nát
Với thời gian lê vết máu qua đi!

CÒN MÃI CHỨ! Còn trái tim bồ tát

GỘI HÀO QUANG XUỐNG TẬN NGỤC A TỲ!

Thành kính,

SeeCiTy Sydney, 09/2020.

Thành kính,

SeeCiTy Sydney, 09/2020.



Sau điện thư của bạn Trần Đình Chỉ, hai bạn Hoàng Kim Long và Mai Trung Cường viết thêm lời bạt :

Hoàng Kim Long : ‘‘Xin cám ơn bạn TĐC đã cho biết thêm về thi sĩ VHC. Hồi còn trẻ mỗi khi bị thất tình, tôi thường nhớ đến hai câu thơ của nhà thơ VHC, trong bài thơ Mười Hai Tháng Sáu :

Tình ta ta tiếc cuồng ta khóc

Tố của Hoàng hay Tố của ai ?’’

Mai Trung Cường : ‘‘Càng ngày đọc mail của cụ Chỉ càng thấy thú vị!’’ (14/09/2020)


Đọc xong mấy điện thư, tôi chợt nhớ đến ban Tao Đàn, tiếng nói của thơ văn miền Tự Do, thi sĩ Đinh Hùng khai sinh vào năm 1956 trên làn sóng điện của đài Saigon. Theo nhà văn Phan Lạc Phúc, ban biên tập và diễn đọc gồm có Đinh Hùng, Thanh Nam, Thái Thủy. Diễn ngâm có Tô Kiều Ngân, Hoàng Thư, Thanh Hùng, bên nữ có Giáng Hương, Hồ Điệp, bà Đàm Mộng Hoàn. Phụ họa tiếng dương cầm có nhạc sĩ Phạm Đình Chương, tiếng đàn thập lục của Bửu Lộc, tiếng sáo của Tô Kiều Ngân.



Với các bài viết của Trần Đình Chỉ, Nhan Ánh Xuân, Hoàng Kim Long, Nguyễn Văn Vĩnh, Mai Trung Cường, Thụ Nhân vừa hình thành mục Tao Đàn, số đặc biệt tưởng niệm thi sĩ Vũ Hoàng Chương. Trưởng ban, tiếp nối công việc của thi sĩ Đinh Hùng, chính là bạn Trần Đình Chỉ. Trong ban Tao Đàn Thụ Nhân còn có Nhan Ánh Xuân, Hoàng Kim Long, Nguyễn Văn Vĩnh, Mai Trung Cường. Tuy bạn Vĩnh không làm thơ, nhưng tình bạn của bạn đẹp như một bài thơ nên vẫn cùng góp mặt.

Bạn Trần Đình Chỉ, Trưởng ban Tao Đàn Thụ Nhân kể ra bốn tội của nhà thơ chẳng qua chỉ tội hồng ân (felix culpa), khiến cho đám bồi bút, đứng đầu là Tố Hữu phải hổ thẹn. Trước cái chết, nhà thơ họ Vũ là vẫn hiên ngang nói lên sự thật. Còn Tố Hữu thương vau khóc mướn, nước mắt cá sấu, làm bộ khóc lóc tên đồ tể Staline để được vinh thân phì gia. Theo Norman M. Naimark trong ‘‘Les génocides de Staline’’, Staline ra lệnh giết khoảng 20 triệu sinh linh. Thật là ghê tởm ! Trần Đình Chỉ kể ra bốn tội, chữ nho viết là ‘‘tứ tội’’ (四罪). Chữ ‘‘tứ’’, bỏ dấu sắc, thay bằng dấu hỏi là ‘‘tử tội’’ (死罪) !

Trong bài viết của Trần Đình Chỉ còn một điểm độc đáo nữa, chưa từng thấy ai viết. Đó là nghệ thuật chuyển hóa (transposition) :

- Hoàng Hạc (黃寉 : Hạc Vàng) -> Hoàng Kỳ (黃旂: Cờ Vàng).

- Bài Ca Bình Bắc -> Bắc Tiến -> Giấc Mơ Hồi Hương (Vũ Thành) + Thơ Hà Thượng Nhân + Thơ Hà Huyền Chi.

Thơ Vũ Hoàng Chương diễn tả một chữ tình : tình tự quê hương, tình yêu đôi lứa mặn nồng, xót thương những người sa cơ lỡ bước, yêu cha yêu mẹ, vì vậy trong thơ có lúc trong, lúc đục ; lúc khoan thai, có lúc lại dồn dập :

Trong như tiếng hạc bay qua

Đục như tiếng suối mới sa nửa vời

Tiếng khoan như gió thổi ngoài

Tiếng mau sầm sập như trời đổ mưa. (Nguyễn Du)

Trong như tiếng hạc là nhịp allegro thường thấy trong nhạc khúc. Đục như tiếng suối : adagio. Tiếng khoan : moderatio, trong khi tiếng mau sầm sập là nhịp presto mà Vũ Hoàng Chương đã dùng làm chất liệu để viết ‘‘Bài Ca Bình Bắc’’, trích trong tập Hoa Đăng. Trần Đình Chỉ đã trích ra bốn câu, nay xin chép lại cả bài :



Bài Ca Bình Bắc

Kể từ đấy
Mặt trời mọc ở phương Ðông, ngùn ngụt lửa
Mặt trời lặn ở phương Ðoài, máu chứa chan
Đã sáu mươi ngàn lần …
Và từ đấy cũng sáu mươi ngàn lần
Trăng tỏ bóng nơi rừng cây đất Bắc
Trăng mờ gương nơi đồng lúa miền Nam
Ruộng dâu kia bao độ sóng dâng tràn
Hãy dừng lại thời gian
Trả lời ta - Có phải?
Dưới vầng nguyệt lạnh lùng quan ải
Dưới vầng dương thiêu đốt quan san
Lớp hưng phế xô nghiêng từng triều đại
Mà chí lớn dọc ngang
Mà nghiệp lớn huy hoàng
Vẫn ngàn thu còn mãi
Vẫn ngàn thu người áo vải đất Quy Nhơn

Ôi người xưa Bắc Bình Vương
Ðống Ða một trận năm đường giáp công
Ðạn vèo năm cửa Thăng Long
Trắng gò xương chất, đỏ sông máu màng
Chừ đây lại đã xuân sang
Giữa cố quận một mùa xuân nghịch lữ
Ai kia lòng có mang mang
Ðầy vơi sầu xứ - Hãy cùng ta
Ngẩng đầu lên, hướng về đây tâm sự
Nghe từng trang lịch sử thét từng trang

Một phút oai thần dậy sấm
Tan vía cường bang
Cho bóng kẻ ngồi trên lưng bạch tượng
Cao chót vót năm mầu mây chiêm ngưỡng
Dài mênh mông vượt khỏi lũy Nam Quan
Và khoảng khắc
Ðổ xuôi chiều vươn ngược hướng
Bao trùm lên đầu cuối thời gian
Bóng ấy đã ghi sâu vào tâm tưởng
Khắc sâu vào trí nhớ dân gian
Một bành voi che lấp mấy ngai vàng

Ôi Nguyễn Huệ người anh hùng áo vải
Muôn chiến công, một chiến công dồn lại
Một tấm lòng, muôn vạn tấm lòng mang
Ngọn cờ vung, bao tính mệnh sẵn sàng
Người cất bước, cả non sông một dải
Vươn mình theo – dãy Hoành Sơn mê mải
Chạy dọc lên thông cảm ý ngang tàng
Cùng chồm dậy đáp lời hô vĩ đại
Chín con rồng bơi ngược Cửu Long Giang
Người ra Bắc, oai thanh mờ nhật nguyệt
Khí thế kia làm rung động càn khôn
Lệnh ban xuống, lời lời tâm huyết
Nẻo trường chinh ai dám bước chân chồn
Gươm thiêng cựa vỏ
Giặc không mồ chôn
Voi thiêng chuyển vó
Nát lũy tan đồn
Ôi một hành ca hề, gào mây thét gió
Mà ý tướng, lòng quân hề, bền sắt tươi son

Hưởng ứng sông hồ giục núi non
“Thắt vòng vây lại” tiếng hô giòn
Tơi bời máu giặc, trăng liềm múa
Tan tác xương thù, ngựa đá bon

Sim rừng, lúa ruộng, tre thôn
Lòng say phá địch, khúc dồn tiến quân
Vinh quang hẹn với phong trần
Ðống Ða gò ấy mùa xuân năm nào

Nhớ trận Ðống Ða hề thương mùa xuân tới
Sầu xuân vời vợi
Xuân tứ nao nao
Nghe đêm trừ tịch hề, máu nở hoa đào
Ngập giấc xuân tiêu hề, lửa trùm quan tái
Trời đất vô cùng hề, một khúc hát ngao
Chí khí cũ gầm trong da thịt mới
Vẳng đáy sâu tiềm thức, tiếng mài dao
Ðèo Tam Ðiệp hề, lệnh truyền vang dội
Sóng sông Mã hề ngựa hí xôn xao
Mặt nước Lô Giang hề, là trầm biếc khói
Mây núi Tản Viên hề, lọng tía giương cao
Rằng: “Ðây bóng kẻ anh hào
Ðã về ngự trên ngã ba thời đại”
Gấm vóc giang sơn hề, còn đây một dải

Thì nghiệp lớn vẻ vang
Thì mộng lớn huy hoàng
Vẫn ngàn thu còn mãi
Ôi ngàn thu người áo vải đất Quy Nhơn

Nay cuộc thế sao nhòa, bụi vẩn
Lũ chúng ta trên ngã ba đường
Ghi ngày giỗ trận
Mơ BẮC BÌNH VƯƠNG
Lòng đấy thôn trang hề, lòng đây thị trấn
Mười ngã tâm tư hề, một nén tâm hương
Ðồng thanh rằng: “Quyết noi gương”

Ðể một mai bông thắm cỏ xanh rờn
Ca trống trận thôi lay bóng nguyệt
Mừng trời đất gió bụi tan cơn
Chúng ta sẽ không hổ với người xưa
Một trận Ðống Ða nghìn thu oanh liệt
Vì ta sau trước lòng kiên quyết
Vàng chẳng hề phai, đá chẳng sờn.

Vũ Hoàng Chương



Dù được cộng sản cho ăn ngập mày ngập mặt, làm sao một Tố Hữu đẫy đà có thể đuổi kịp ‘‘tiếng mau sầm sập như trời đổ mưa’’ của một Vũ Hoàng Chương mảnh khảnh, trong ‘‘Bài Ca Bình Bắc’’.



Tôi đã trích bốn câu thơ Kiều. Nay xin chép lại từng câu, rồi đối chiếu với vần thơ họ Vũ :

1) Trong như tiếng hạc bay qua :

Hoa mai nở tuyết đầu khe suối

Làn sóng kỳ hương nhập ánh trăng

Ca giữa trời mây hề đàn trong tiếng khói

Hồn cũ trời Nghiêu hề ai có nghe chăng ?

(Nhịp trúc mùa thơ)

2) Đục như tiếng suối mới sa nửa vời:

Hãy tự hủy đêm nay vào dĩ vãng

Xuất thần cho tận nhập với hư vô

Lòng hết trần gian, đời thôi năm tháng

Ôi Kiều Thu ! Hồn em cũ ngây thơ

(Bài Ca Hoài Tố)

3)Tiếng khoan như gió thổi ngoài :

Gặp gỡ chừng như truyện Liễu Trai

Ra đi chẳng hứa một ngày mai

Em ơi ! lửa tắt bình khô rượu

Đời vắng em rồi say với ai ?

(Đời vắng em rồi say với ai)

4) Tiếng mau sầp sập như trời đổ mưa :

Lũ chúng ta đầu thai lầm thế kỷ

Một đôi người u uất nỗi chơ vơ

Đờ kiêu bạc không dung hồn giản dị

Thuyền ơi thuyền ! xin ghé bến hoang sơ.

(Phương xa)

v

Trần Đình Chỉ : Đến đây là chấm dứt chương trình thi văn của ban Tao Đàn Thụ Nhân, số đặc biệt tưởng niệm cố thi sĩ Vũ Hoàng Chương, cánh chim đầu đàn của văn học miền Nam Tự Do. Trần Đình Chỉ và các thân hữu xin chào tạm biệt quý độc giả Diễn Đàn Thụ Nhân. Sau đây, nữ sĩ Hồ Điệp sẽ diễn ngâm bản dịch Hoàng Hạc Lâu của một Thụ Nhân, như nén tâm hương tưởng nhớ hồn thiêng họ Vũ :

Hoàng Hạc Lâu

Thôi Hiệu (崔顥)



 

黃鶴樓

昔人已乘黃鶴去,
此地空餘黃鶴樓。
黃鶴一去不復返,
白雲千載空悠悠。
晴川歷歷漢陽樹,
芳草萋萋鸚鵡洲。
日暮鄉關何處是,
煙波江上使人愁。



Hoàng Hạc lâu

Tích nhân dĩ thừa hoàng hạc khứ,
Thử địa không dư Hoàng Hạc lâu.
Hoàng hạc nhất khứ bất phục phản,
Bạch vân thiên tải không du du.
Tình xuyên lịch lịch Hán Dương thụ,
Phương thảo thê thê Anh Vũ châu.
Nhật mộ hương quan hà xứ thị?
Yên ba giang thượng sử nhân sầu.

Bản dịch :

Người xưa cưỡi hạc bay đi,
Chơ vơ Hoàng Hạc chốn ni một mình.
Hạc Vàng kiếp sống ba sinh,
Ba chìm bẩy nổi hành trình gió mây.
Cánh chim biền biệt chốn đây,
Hán Dương xanh lá sông đầy chiếu soi.
Cỏ thơm Anh Vũ một thời,
Quê nhà chập tối đôi lời hỏi han.
Trên sông buồn bã khói tàn,
Sóng buồn tê tái lệ tràn xót xa.

Lê Đình Thông


No comments:

Post a Comment