9/27/20

Hoa Cúc Vàng Mùa Thu

 


Nói đến những loài hoa quí, được nhân gian ưa chuộng nhiều, người ta thường nói đến bộ "tứ bình" (4 bức tranh làm bình phong), gồm có bốn loại hoa: Mai, Lan, Trúc, Cúc . Hoặc nói về "tứ quí" người ta muốn ám chỉ đến bốn loại cây cảnh : Tùng, Cúc, Trúc, Mai . Người xưa yêu hoa Cúc vì đó là loài hoa biểu lộ đặc tính : "diệp bất ly chi, hoa vô lạc địa" (葉不離枝,花無落地), lá không rụng khỏi cành, hoa cũng chẳng lìa thân, dù héo rũ tàn khô, vẫn luôn bám lấy cành như người quân tử đầy chí khí suốt đời theo đuổi lý tưởng chân chính của mình.

Hoa Cúc cũng biểu tượng cho tinh thần thanh cao của những kẻ sĩ muốn lánh xa vòng tục lụy . "Cúc ngạo hàn sương" (菊傲寒霜), cúc vẫn hiên ngang ngạo nghễ đâm hoa kết nhánh mặc cho sương tuyết lạnh giá bao trùm, mặc cho khí thời khắc nghiệt vây quanh, cúc vẫn mang nét điềm đạm ung dung, cúc vẫn vương mình đứng thẳng giữa phong trần, thách thức với bao nỗi đoạn trường gian truân của thế sự nhân tình. 

Trong bài thơ "Hoa cúc vàng mùa thu" của Yên Nhiên có trích hai câu thơ về bông cúc của Đào Uyên Minh: 

"Thái cúc đông ly hạ  採菊東籬下 
Du nhiên kiến nam sơn" 悠然見南山

(Hái hoa cúc dưới hàng giậu phía đông, 
Nhàn nhã ngắm núi non phương nam) 

Ngoài tai mọi chuyện bỏ qua. 
Trời cao đất rộng, lòng già thênh thang. 
Bên hiên hái dậu cúc vàng. 
Núi Nam xa tít, nhẹ nhàng thong dong. 

Tặng anh X. và các bạn một bài thơ về bông cúc: 

菊花 Cúc hoa 

Vong thân, vong thế, dĩ đô vong  忘身忘世已都忘 
Tọa cửu tiêu nhiên nhất tháp lương 坐久蕭然一榻涼 
Tuế vãn sơn trung vô lịch nhật 歲晚山中無歷日 
Cúc hoa khai xứ tức trùng dương 菊花開處即重陽 

Dịch nghiã

Quên mình, quên đời, đã quên tất cả, 
Ngồi lâu trong hiu hắt, mát lạnh cả giường. 
Cuối năm ở trong núi không có lịch, 
Thấy cúc nở biết rằng đã tiết trùng dương. 

Phỏng dịch thơ 

Quên thân, quên thế, quên đời, 
Giường êm gió mát ta ngồi thong dong. 
Ðâu hay năm tận tháng cùng, 
Non cao cúc nở biết trùng dương sang. 


(Bài thơ "Hoa Cúc"(菊花) là tác phẩm của Huyền Quang Thiền sư - 玄光禪師. Thấy hay quá nên chia sẻ với anh X.).

Lý Trinh Trường K5

No comments:

Post a Comment