Trong gia đình Thụ Nhân, cứ vài năm lại có một “Đặc San” được thực hiện, các bạn mình lại được mời gọi viết bài, và từ đó những “kỷ niệm ngày xưa” lại có dịp khơi dậy, nhắc nhở, tâm tình... với ít nhiều “thương tiếc”.
Viết về quá khứ, về những chuyện “đã qua” và sẽ không bao giờ trở lại, như chuyện “tắm sông hai lần”. Vậy thì, viết về “quá khứ” để làm gì? Thực ra thì cũng... không để làm gì, quá khứ thì đã qua rồi, nhắc lại thì cũng chỉ là tiếc thương đôi khi hối hận mà thôi. Nói cho cùng, ngay chính cuộc đời này, sinh ra lớn lên rồi… đi vào quá khứ, cũng không để làm gì, người ta có thể đem ra nhiều lý luận để cho thấy cuộc đời có ý nghĩa hơn, và điều này rất cần thiết. Đời người, nhiều lắm là khoảng trăm năm, dài mà lại rất ngắn ngủi, với đầy ắp vui mừng buồn giận thương yêu ghét muốn... nhưng dù, “thuyền ai ngược gió hay xuôi gió”... thì ai cũng có được một quãng đời có thể gọi là... thời kỳ vàng son cho mình, khoảng thời gian đó ngắn hay dài còn tùy rất nhiều ở phước đức cá nhân. Riêng tôi, và có lẽ hầu hết các bạn mình, bốn năm trong khung trời Đại học Dalat có thể chính là “thời kỳ vàng son”. Dù rằng, khoảng thời gian đó nay đã tít mù khơi quá khứ, nhưng mà, mỗi khi có dịp, những kỷ niệm thân thương ấy lại bùng dậy, tràn bờ, tuôn chảy... thành những dòng thơ, nốt nhạc hay những nét chấm phá màu sắc trên trang giấy. Những lúc như thế, đó là niềm vui an ủi, là bếp lửa ấm lòng, là chiếc gối êm ái, và là cây gậy chống đỡ khập khiễng của tuổi hoàng hôn… Do vậy, mà thỉnh thoảng, chúng ta, những “Thụ Nhân” rải rác cùng khắp, mới có được những áng văn thơ tản mạn tìm về Dalat ngày nào, về những chiều Năng Tĩnh, và về những con đường học xá... để nhớ, để thương.
Tôi lên Dalat trong chuyến bay đầu đời từ miền tây Đồng Tháp để bắt đầu theo học Khóa 3 CTKD (niên học 66 – 70). Chuyến đi đó đã mở ra cho tôi chân trời mới của tuổi thanh xuân trong một đất nước quá nhiều khó khăn. Lúc bấy giờ, được đi học là một ân sủng, và cảm nhận được điều ấy đã là niềm hạnh phúc. Nhiều khi, ngay đến bây giờ, nghĩ lại, tôi tự hỏi, ... đi học, tại sao lại Dalat mà không Saigon? Những câu hỏi như thế, mới nghe thì có vẻ đơn giản, thế mà... không nhất thiết là như vậy.
Thực ra, tôi thích hội họa, nhưng cứ nghĩ đến cái... nghề “lăn lóc dưới mương” đó tôi thấy ngao ngán. Sau trung học, trường ốc thiếu thốn, thi vào trường Kỹ Thuật Phú Thọ là cả một “công trình chạy chọt!” Cũng may, tôi có “cô hàng xóm dễ thương” - đang là sinh viên khóa 2 CTKD - hết lời ca tụng Dalat và “rủ rê”. Với tôi lúc đó, Dalat là một địa danh xa lạ, và chỉ nghe nói đó vùng đất lạnh sương mù và thơ mộng... Thế là tôi mê liền, vài hôm sau, tôi khăn gói thơ túi rượu bầu lên thành phố sương mù và đắm chìm trong niềm hạnh phúc, và điều này cho thấy tôi đi học vì yêu thích Dalat hơn là CTKD!
Nhớ, lúc đến Dalat, tôi theo anh bạn Cần Thơ mới quen, mướn chung căn phòng nhỏ trên con dốc Võ Tánh, ngoài khung viên VĐHDL; hàng ngày tôi đến trường và ao ước được vào... ăn ở trong học xá. Chẳng bao lâu, tôi được người mách nước, nên mạnh dạn gõ cửa vào xin Cha Linh. Cha mở cuộc phỏng vấn... thân thiện, với ít nhiều “thương xót”, tôi nghĩ thế. Cha hỏi,
- Có khả năng gì?
- Dạ, chơi bóng rổ khá.
- Còn khả năng nào khác? Hát được không?
- Dạ, cũng được!
- Hát thử vài câu xem.
"Chời", tôi quýnh quá, nghĩ lại mình đang có... “nỗi buồn gác trọ” nên tằng hắng lên giọng:
“Gác lạnh về khuya cơn gió lùa, trăng gầy nghiêng bóng cài song thưa, nhớ ai mà ...”
-
Thôi được rồi!
(Cha ra dấu stop. Tôi quýnh quá, nghĩ chắc “tiêu” rồi! Nhưng không!)
- Được! cho... “chú mày” (thực tình cho đến bây giờ, tôi cũng không nhớ lúc đó là Cha gọi mình là gì!) vào học xá, nhưng với điều kiện là “chú mày” phải vào ca đoàn học xá, thuộc... bè “ồ ề”, chịu không?
với nghĩa!” Thế mới hay cuộc đời đã dun rủi cho... “chúng mình gặp nhau”, và “mối tình” đó trở nên “trung nghĩa và phú thọ” cho đến ngày nay, chúng tôi lưu lạc và sau cùng định cư nơi xứ cao bồi Dallas! Và điều hy hữu nữa là chính Cha Linh, sau này, cũng ở Dallas và đã qua đời tại đây. Trước sau, tôi luôn nhớ ơn Cha đã tiếp nhận cho tôi vào học xá, và nhờ đó tôi có được những người bạn thân thương mà sau này trên xứ người rất khó mà có được.
Tuy nhiên, kỷ niệm của tôi đối với Cha không sâu đậm lắm, vì sau khi tôi vào học xá không lâu thì Cha được Frere Kế thay thế trong việc chăm coi học xá, chỉ trừ những kỷ niệm lờ mờ với vài hình ảnh áo đen thấp thoáng của Cha trong những lúc “thanh tra” ban đêm bất ngờ, và “rầy rà” khi bắt gặp những sai trái cũa “chúng nó”, và nhất là hình ảnh Cha tận tụy với âm nhạc trong những buổi điều khiển “trình diễn” của ca đoàn học xá, khoảng gần vài chục người, mà trong đó, có tôi, đạo Phật, tham dự và cùng hát Thánh ca!
Viết những điều kể trên, chỉ nhằm khơi dậy những “ân tình” của Cha nhân ngày giỗ Cha Linh tại Dallas. Đây cũng là một dịp để tôi tỏ lòng biết ơn Cha, cũng như Frères và những vị Thầy, Cô, ... đã có mặt, dạy dỗ, làm việc, chung vui với đám “tiểu học sĩ” chúng tôi trong những năm 60s - 70s. Dù rằng, CTKD đã không “Thụ” tôi thành “Nhân” trong chuyện “kinh bang tế thế” như các bạn khác, nhưng tôi lúc nào cũng vẫn trân quý nó như một cơ duyên may mắn hiếm hoi có được trong cuộc đời mình.
Nay kính
Trần Sa - NgụytrungNghĩa