12/2/22

Ngạn ngữ Hán: thụ nhân

Phạm Văn Bân 

Hán Việt: thập niên thụ mộc, bách niên thụ nhân 

Hán tự: 十年樹木,百年樹人 

Bính âm tiếng Bắc Kinh : [shí nián shùmù, bǎinián shù rén]

Ý nghĩa: kế 10 năm không gì bằng trồng cây, kế 100 năm không gì bằng trồng người (gầy dựng nhân tài) 


Xuất xứ: 

管子 – 權修 => Quản tử - Quyền tu

[guǎnzi – quán xiū]

Quản Tử – Quyền tu: Thầy Quản – Chỉnh sửa quyền hành


管仲 [guǎnzhòng] Quản Trọng, chính trị gia nổi tiếng thời Xuân Thu, được cho là người soạn thảo bộ sách Quản Tử 管子,

trong đó thiên Quyền tu 權修 tiết 11: 


一年之計,莫如樹穀;十年之計,莫如樹木;終身之計,莫如樹人

一樹一穫者,穀也;一樹十穫者,木也;一樹百穫者,人也。

# 我苟種之,如神用之,舉事如神,唯王之門。

(https://ctext.org/guanzi/quan-xiu)


[yī nián zhī jì, mòrú shù gǔ; shí nián zhī jì, mòrú shùmù; zhōngshēn zhī jì, mòrú shù rén.
yīshù yī huò zhě, gǔ yě;
yīshù shí huò zhě, mù yě; yīshù bǎi huò zhě, rén yě.
wǒ gǒu zhǒng zhī, rú shén yòng zhī, jǔshì rú shén, wéi wáng zhī mén]
:

nhất niên chi kế, mạc như thụ cốc; thập niên chi kế, mạc như thụ mộc; chung thân chi kế, mạc như thụ nhân.

nhất thụ nhất hoạch giả, cốc dã; nhất thụ thập hoạch giả, mộc dã; nhất thụ bách hoạch giả, nhân dã.

# ngã cẩu chủng chi, như thần dụng chi, cử sự như thần, duy vương chi môn.


Kế 1 năm thì không gì bằng trồng lúa; kế 10 năm thì không gì bằng trồng cây; kế suốt đời thì không gì bằng trồng người. 

Trồng 1 mà thu 1, đó là trồng lúa; trồng 1 mà thu 10, đó là trồng cây; trồng 1 mà thu 100, đó là trồng người.

# Nếu mà tôi gieo trồng, nếu làm một cách phi thường, nếu khởi sự một cách phi thường thì chỉ có vua chúa mới có thể làm được. (*)


********

(*) 終身之計,莫如樹人 hay 百年之計,莫如樹人
"Chung thân chi kế, mạc như thụ nhân" hay "Bách niên chi kế, ..."

Người viết xin nêu ra ý kiến như sau:

Vấn đề là gốc của thành ngữ này là chữ chung thân thay vì bách niên

Trong tập quán nói chuyện hàng ngày, dân gian dễ đi đến so sánh với vế trước của câu (1 năm, 10 năm) nên biến thành 100 năm, và trong thực tế, để gọn gàng, người ta nói thập niên thụ mộc, bách niên thụ nhân mà không sai ý nghĩa của câu gốc. Lâu dần (cả ngàn năm), bách niên thụ nhân nghiễm nhiên được chấp nhận và cho là của Thầy Quản. Trong tiếng Hán có điểm thú vị về con số. Nói ngũ sắc không có nghĩa 5 màu mà là rất nhiều màu, bách không có nghĩa là 100 mà là rất nhiều như bách tính: 100 họ, bao gồm tất cả họ, mọi người, tất cả. Chữ chung thân (suốt đời, trọn đời) của Thầy Quản được nói lệch thành 100 năm cũng nằm trong ý nghĩa này vì người xưa nghĩ rằng không có ai sống quá 100 tuổi, tức là chung thân. Hiện nay bản án chung thân cũng có nghĩa như vậy.



Bài đọc thêm:
1)- Sự tích "Quản Bào chi giao" (管鮑之交)
Là một điển tích trong Sử Ký - "Quản Bào chi giao" (管鮑之交), câu chuyện xuất phát từ tình bạn tâm giao của Quản Trọng và Bào Thúc Nha, hai người bạn thân hiểu biết lẫn nhau, Quản Trọng tài ba lỗi lạc, nhưng không gặp thời, sống đời túng quẫn khó khăn, Bào Thúc Nha tận tình giúp đỡ, thậm chí sau này còn tiến cử Quản Trọng cho vua Tề đảm nhận chức vụ tể tướng. Lúc Quản Trọng lâm chung, vua Tề hỏi Quản Trọng: "Bào Thúc Nha có thể thay thế khanh tiếp nhận chức tể tướng không?" Mọi người đều nghĩ là đương nhiên, không ngờ Quản Trọng trả lời: "Không được, là vì Bào Thúc Nha có tánh thù hận tiểu nhân, không thể dung thứ kẻ xấu, nếu làm tể tướng, bất lợi cho Ngài cũng bất lợi cho Bào Thúc Nha."

******

2)- Bao dung

Vào thời Xuân Thu liệt quốc, có hai người bạn rất thân: Quản Trọng và Bào Thúc Nha. Hai người hùn vốn làm ăn, Quản Trọng thường lấy nhiều tiền hơn trong lúc chia lời, Bào Thúc Nha không cho rằng Quản Trọng tham tiền, mà vì nhà nghèo. Quản Trọng đưa ra những phương án kinh doanh, thường không có hiệu quả tốt, Bào Thúc Nha không nghĩ rằng Quản Trọng thiếu khả năng, mà vì chưa có thời vận. Hai người đi đánh giặc, Quản Trọng ba chiến ba thoái, Bào Thúc Nha không cho rằng Quản Trọng nhút nhát, mà vì có mẹ già phải phụng dưỡng. Thậm chí về sau Bào Thúc Nha còn tiến cử Quản Trọng làm tể tướng cho Tề Vương, khiến Quản Trọng trở thành một chính trị gia lỗi lạc, giúp Tề Vương hàng phục chư hầu, thống nhất thiên hạ.

Quản Trọng nói:" Sinh ta cha mẹ, hiểu ta Bào Thúc Nha."

Sử gia Tư Mã Thiên nói: "Thiên hạ không ai khen thưởng tài ba của Quản Trọng, chỉ tán thán sự biết người và độ lượng của Bào Thúc Nha."

Khi trước đọc Sử Ký, tôi nghĩ rằng Bào Thúc Nha có lòng nhẫn nhịn phi thường.

Ngày nay đọc lại Sử Ký, tôi mới hiểu rằng Bào Thúc Nha có lòng bao dung độ lượng rộng lớn.

Tôi định nghĩa sự khác biệt về bao dung và nhẫn nhịn như sau:

Nếu người khác làm một việc không vừa ý mình, mình cố sức chịu nhịn, không có phản ứng đối kháng lại, đó là nhẫn nhịn.

Nếu người khác làm một việc không vừa ý mình, mình hiểu bạn mình làm như vậy là có lý do, nhìn sự việc dưới góc độ của người khác, đó là bao dung.

Nhẫn nhịn thì khó chịu, bao dung thì tự tại.

Trích "Bao dung" tg Lý Trinh Trường

No comments:

Post a Comment