9/28/21

Evergrande, bước ngoặt của phép lạ kinh tế Trung Quốc

 RFI-Tạp chí Kinh Tế- Thanh Hà

Gánh nặng những công trình xây dựng còn dang dở của Evergrande. Ảnh minh họa cho đe dọa khủng hoảng địa ốc tại Trung Quốc. Vivian Lin AFP/Archivos

Là biểu tượng của phép lạ kinh tế Trung Quốc, của cơn sốt địa ốc tại quốc gia đông dân nhất địa cầu, tập đoàn bất động sản Evergrande nay đang bên bờ vực thẳm trước núi nợ tương đương với 3 % GDP. Với Bắc Kinh, Evergrande là một thách thức cả trên ba mặt trận : tài chính, xã hội và chính trị.

« Evergrande, một phiên bản mới của Lehman Brothers » : truyền thông quốc tế cảnh báo « một cơn bão tài chính mới » dấy lên từ Trung Quốc có nguy cơ tác động tới toàn cầu. Nhưng trước mắt đây là một cuộc khủng hoảng đe dọa đến ổn định xã hội và tính chính đáng của đảng Cộng Sản Trung Quốc.

Evergrande với mức nợ ước tính lên tới 300 tỷ đô la có nguy cơ kéo theo cả ngành địa ốc lẫn tài chính ngân hàng Trung Quốc vào vòng xoáy, kế tới là những cổ đông đầu tư vào Evergrande. Từ đầu 2021 cổ phiếu của tập đoàn mất giá 90 % trên các sàn chứng khoán tại Hoa lục và Hồng Kông, hàng tỷ đô la tan thành mây khói.

Nguy cơ hiện tượng đổ dàn

Evergrande đã nhận tiền đặt cọc của khách hàng để giao 45 triệu mét vuông bất động sản nhưng những công trình đó vẫn chưa hoàn tất. Công ty thiếu tiền mặt để 750 công trường ở trên 200 thành phố tại Trung Quốc tiếp tục hoạt động. Khoảng 200.000 công nhân viên của Evergrande bị đe dọa mất việc. Hàng ngàn đối tác của công ty bất động sản này, từ giới phân phối vật liệu xây dựng đến các công ty môi giới địa ốc bị vạ lây. Trên dưới bốn triệu lao động Trung Quốc sẽ bị thất nghiệp trong trường hợp Evergrande mất khả năng thanh toán.

Trên đài RFI Pháp ngữ, chuyên gia kinh tế Mary Françoise Renard đại học Clermond Ferrand trước hết giải thích cung cách làm ăn theo kiểu « mượn dầu heo nấu cháo » của tập đoàn bất động sản lớn thứ nhì tại Trung Quốc :

Mary Françoise Renard : « Tương tự như rất nhiều doanh nghiệp tại Trung Quốc, Evergrande đã lớn mạnh nhờ đi vay nợ. Trong giai đoạn 2008-2009 cũng vì muốn tránh để bị sa lưới khủng hoảng tài chính toàn cầu, Bắc Kinh đã cho mở van tín dụng, khuyến khích tiêu thụ nội địa. Trung Quốc khi đó chủ trương chuyển hướng mô hình kinh tế, giảm bớt lệ thuộc vào xuất khẩu và lấy tiêu thụ nội địa làm chủ lực. Có điều các nguồn tín dụng dồi dào đã dẫn tới hiện tượng đầu cơ. Đa phần, người ta đầu cơ vào địa ốc. Evergrande đã dễ dàng đi vay cho đến lúc tập đoàn này mắc nợ quá nhiều. Thêm vào đó từ đầu năm nay, Bắc Kinh đã áp đặt một số lằn ranh đỏ, quy định một mức nợ không thể vượt qua, hạn chế mức tín dụng cấp cho các tập đoàn xây dựng và địa ốc. Lập tức Evergrande thiếu hụt tiền mặt. Công ty này đã phải bán rẻ một số dự án để thu tiền vào kịp thời. Nhưng ngay cả biện pháp chữa cháy này cũng không đủ để thanh toán nợ đáo hạn. Evergrande rơi vào cái vòng luẩn quẩn. Nghiêm trọng hơn nữa là do Evergrande phải hạ giá nhà đất với hy vọng chiêu dụ thêm khách hàng, nên tập đoàn này đã kéo theo cả thị trường địa ốc tại Trung Quốc xuống giá. Hậu quả kèm theo nữa là một số công ty nhỏ mà cũng vận hành theo kiểu đi vay nợ để phát triển, đã vỡ nợ ».

Giáo sư Renard cho rằng, trong trường hợp bị sụp đổ thì « chấn động » từ vụ phá sản này vượt ra ngoài hoàn cảnh Evergrande. Ngành địa ốc chiếm đến 13 % GDP của Trung Quốc và nếu tính luôn cả các đối tác trực tiếp của các tập đoàn bất động sản ở Hoa lục, thì vết dầu - nếu có - sẽ lan rộng đến cả gần 30 % GDP.

Mary Françoise Renard : « Hậu quả trước hết là đối với các nhà đầu tư đã mua cổ phiếu của Evergrande, trong đó có cả một số cổ đông nước ngoài, nhưng đó chỉ là một số ít. Tác động đáng ngại hơn nhiều là đối với bản thân kinh tế Trung Quốc. Có nhiều khả năng chính quyền sẽ tái cấu trúc nợ của Evergrande có nghĩa là đặt đại tập đoàn địa ốc này dưới sự lãnh đạo của Nhà nước, huy động Ngân Hàng Trung Ương và các ngân hàng của Nhà nước bơm tiền cho Evergrande. Ngoài ra Bắc Kinh cũng đã rất thận trọng can thiệp tránh để Evergrande như vết dầu loang, đe dọa ngành địa ốc trên toàn quốc. Nguy cơ này là có thực do đã có nhiều công ty xây dựng khác tuyên bố phá sản. Nhìn xa hơn nữa, theo tôi, điều khiến cả Bắc Kinh lẫn giới quan sát lo ngại đó là khả năng thẩm định về mức nợ thực sự của các công ty Trung Quốc, và về rủi ro đối với các chủ nợ. Đó mới chính là một vấn đề lớn đang đặt ra với Trung Quốc ».

Bắc Kinh sẽ can thiệp

Cũng trên đài RFI tiếng Pháp, ông Jean-François Dufour, giám đốc cơ quan tư vấn DCA Chine Analyse nhấn mạnh đến mức độ nghiêm trọng của hồ sơ đang làm Bắc Kinh đau đầu, nhưng hoàn toàn loại trừ kịch bản Evergrande bị chính quyền « bỏ rơi » như kịch bản từng xảy ra với Lehman Brothers của Mỹ hồi 2008 :

Jean-François Dufour : « Thậm chí chúng ta không có những con số chính xác về mức nợ của Evergrande, mà đây chỉ là mức thẩm định. Tuy nhiên số tiền đó cũng đủ cho thấy tình trạng tệ hại đến mức nào đối với tập đoàn địa ốc này. Thực tế phản ánh hai điều : một là Evergrande không thể tiếp tục tồn tại và hoạt động theo lối mòn từ 25 năm nay. Thứ hai là trong mọi tình huống, đừng quên rằng chúng ta đang nói về Trung Quốc (nơi mà chính quyền can thiệp vào các hoạt động kinh tế) : thành thử kịch bản đại công ty này phá sản theo định nghĩa ở phương Tây, là điều không thể xảy ra.

Evergrande không phải là một lĩnh vực chiến lược trong mắt các giới chức Trung Quốc, thế nhưng trọng lượng về kinh tế của tập đoàn này cũng như ảnh hưởng của Evergrande đối với xã hội lại quá lớn. Nếu như công ty địa ốc này phá sản thì khế ước ngầm giữa đảng Cộng Sản Trung Quốc với người dân nước này sẽ bị chao đảo. Khế ước đó dựa trên một nguyên tắc cơ bản đó là người dân trao quyền lực cho Đảng để đối lấy ấm no, để được bảo đảm thoát khỏi cảnh đói nghèo. Evergrande mà khánh tận, hàng triệu người sẽ trắng tay. Thành thử tôi cho rằng Bắc Kinh hoàn toàn không thể để cho Evergrande bị sụp đổ ».

Hai hiện tượng giải thích cho « cơn sốt địa ốc » tại Trung Quốc kể từ thập niên 1990 khi ngành địa ốc được « cởi trói » : một là nhịp độ các thành phố tại quốc gia này phát triển kể từ đầu thập niên 1980 và kèm theo đó là giá nhà đất tại thành phố tăng mạnh. Theo báo tài chính Mỹ, Bloomberg, từ năm 2000 trung bình giá thuê nhà tại Trung Quốc tăng từ 15 đến 20 % một năm. Đây là động lực khiến người dân Trung Quốc đi vay tín dụng để mua nhà đầu cơ và cũng là lý do thứ nhì. Giám đốc cơ quan tư vấn DCA Chine Analyse Jean- François Dufour giải thích về nghịch lý của ngành xây dựng và địa ốc tại Trung Quốc :

Jean-François Dufour : « Tình huống khá oái oăm : từ trước đến giờ địa ốc là một lĩnh vực luôn mang nợ chồng chất và dễ bị động. Nếu như môi trường kinh tế thuận lợi thì mọi việc êm xuôi, tức là dùng tiền đặt cọc của những lớp khách hàng đến sau để hoàn tất các dự án và giao nhà kịp thời cho những đợt người đến trước. Vấn đề đặt ra là tình hình đã khó khăn hẳn dưới tác động của dịch Covid-19 và nhất là do Bắc Kinh khóa van tín dụng để giảm thiểu mức nợ của các doanh nghiệp, để ngăn chận các hoạt động đầu cơ, bởi ai cũng biết, đó là những quả bom nổ chậm. Evergrande lâm vào thế kẹt, tiền vào thì không như trước mà lại phải trả nợ đáo hạn : chỉ nội mức tiền lãi lên tới hàng chục triệu đô la Mỹ. Bắc Kinh không dám để cho Evergrande vỡ nợ nên rất có thể là một mặt sẽ giành lại quyền quản lý công ty này, mặt khác huy động các định chế tài chính của Nhà nước mua lại nợ của Evergrande. Mục đích ở đây là các công trường vẫn có thể hoạt động, bảo đảm công việc cho hàng triệu công nhân, nhân viên ».

Evergrande, Tập Cận Bình tiến thoái lưỡng nan

Sau đại dịch Covid-19 tăng trưởng của Trung Quốc đã bị lao đao, đây không phải là thời điểm để nền kinh tế thứ nhì thế giới hứng chịu thêm một cú sốc khác. Câu hỏi còn lại là Bắc Kinh can thiệp để cứu Evergrande dưới hình thức nào và đâu là thông điệp gửi đến những « con tê giác xám » - tức là những tập đoàn lớn mang nợ chồng chất. Bertrand Harteman làm việc trong lĩnh vực công nghệ với 10 năm kinh nghiệm tại Trung Quốc giải thích thêm về tính toán của Bắc Kinh khi cứu Evergrande :

Bertrand Harteman : « Có những tập đoàn lớn đến nỗi đủ sức để bắt thị trường phải đi theo, chính những tập đoàn đó áp đặt luật chơi với thị trường. Công luận trong xã hội Trung Quốc bắt đầu bất mãn trước cảnh người lao động bị bóc lột : nhờ đại dịch Covid-19, Alibaba chẳng hạn đã lãi không biết bao nhiêu mà kể và củng cố vị trí độc quyền của tập đoàn này, nhưng lại không chia sẻ lợi nhuận đó cho những người giao hàng, trong lúc đó mới là những mắt xích giữ cho kinh tế Trung Quốc cầm cự được trong những tuần lễ khủng hoảng. Càng lúc càng có nhiều người chỉ trích các tập đoàn khổng lồ của những nhà tỷ phú đó. Hơn nữa giới trẻ không còn chấp nhận mô hình 9-9-6 tức là làm việc từ 9 giờ sáng đến 9 giờ tối, và 6 ngày trong tuần. Một làn sóng phản kháng bắt đầu chớm nở tại Trung Quốc và gây lo ngại cho hàng ngũ lãnh đạo. Đó chính là một trong những động cơ thúc đẩy chính quyền Bắc Kinh ban hành đạo luật bảo vệ thông tin cá nhân, và bắt đầu tấn công thế gần như độc quyền của một số công ty ».

Nhìn rộng ra hơn, cứu Evergrande Trung Quốc sẽ cứu 40 % tài sản của người dân Trung Quốc theo thẩm định của ngân hàng Nordea. Ở đây tính toán chính trị của ông Tập Cận Bình cũng phức tạp không kém : một mặt, bằng mọi giá Bắc Kinh phải duy trì ổn định trong xã hội, xoa dịu những bất bình bắt đầu nhem nhúm trong công luận trước những bất bình đẳng ngày càng lớn và càng khó chấp nhận. Mặt khác Evergrande với cái tên Trung Quốc là tập đoàn Hằng Đại do một doanh nhân « tay trắng » dựng nên cơ đồ, đó là ông Hứa Gia Ấn (Xu Jiayin). Theo nhà nghiên cứu người Canada, Alex Payette chủ tịch tổng giám đốc cơ quan tư vấn Cercius, tại Montréal, Evergrande có được thành công rực rỡ là nhờ họ Hứa nấp dưới cái bóng của một nhân vật đầy thế lực từng làm mưa làm gió trên thị trường chứng khoán Hồng Kông là ông Trịnh Khánh Hồng (Zheng Qinghong). Bản thân ông Trịnh là một người thân cận với cựu lãnh đạo Trung Quốc Giang Trạch Dân. Phe nhóm của ông Tập Cận Bình đang tìm mọi cách « nhổ cỏ tận gốc » ảnh hưởng của họ Giang.

Có điều, một năm trước đại hội Đảng, chính quyền Bắc Kinh không cho phép bất kỳ một « yếu tố » nào làm « nhiễu » sự kiện ông Tập Cận Bình lại được Đảng chị định để tiếp tục một nhiệm kỳ thứ ba – và có thể làm suốt đời, lãnh đạo đất nước. Trong hoàn cảnh đó, theo Alex Payette, rõ ràng, huy động vài trăm tỷ đô la Mỹ để cứu Evergrande không phải làm điều bất khả thi và Bắc Kinh thừa sức để cứu ông khổng lồ trong ngành địa ốc này. Tất cả mấu chốt của vấn đề nằm ở vế chính trị mà tới nay giới quan sát quốc tế chưa biết được là ông Tập đang tính toán những gì.

Đọc thêm:
Làm thế nào người giàu nhất một thời ở Trung Quốc có thể gây ra một cuộc khủng hoảng tài chính: Những điều bạn cần biết về vụ phá sản Evergrande sắp xảy ra

Nghe phần âm Thanh:

Chủ tịch Tập giao nhiệm vụ 56789 cho tư doanh 'để Đảng cầm quyền lâu'

 BBC tiếng Việt , ngày 27.09.2021


Vương miện ngọc và kim cương giá trên 600 ngàn USD trong một tiệm tại Bắc Kinh. Thời phô trương của giới siêu giàu TQ có vẻ đã qua đi

Trong khi thế giới còn đang lo về vấn đề của tập đoàn Evergrande (Hằng Đại tập đoàn), cuối tuần qua, cảnh sát Hải Nam tạm giữ Chủ tịch Chen Feng (Trần Phong) và CEO của tập đoàn xây dựng HNA(Hải Hàng Tập đoàn, 海航集团), Adam Tan (Tan Xiandong).

Theo Reuters (25/09/2021), HNA là tập đoàn hoạt động trong lĩnh vực hàng không, bất động sản, dịch vụ tài chính, du lịch, hậu cần... và từng đầu tư, mua tài sản ở nước ngoài trị giá 50 tỷ USD.

Trang Geopolitical Fufures cho rằng sau vụ một sáng lập viên HNA đột tử năm 2018, tập đoàn này đã cố tái cơ cấu nhưng không thành, và nay họ "rơi vào tầm ngắm của ông Tập Cận Bình".

Một loại chính sách xoay chuyển cách nhìn của lãnh tụ Tập với các nhà tư bản nội địa Trung Quốc, với nhiệm vụ gọi là 56789 nay được áp đặt cho họ.

Đây chỉ là một phần của bức tranh chung tại Trung Quốc: chuyển hướng chính sách theo các khẩu hiệu thiên tả mới của ông Tập.

Tư doanh 'chỉ yêu Đảng thôi chưa đủ'

Sau khi giảm dần sự hiện diện của các đại công ty quốc tế, Trung Quốc nay tìm cách bắt các nhà tư bản nội địa.

Trong giai đoạn 2013-19, số các tập đoàn nước ngoài đầu tư Trung Quốc giảm hơn 15%, còn số công ty Trung Quốc tăng thêm 10%, theo số liệu của Đại học Toronto.

Nữ diễn viên Trịnh Sảng đột nhiên bị báo chí nhà nước và dư luận viên TQ tấn công vì thu nhập "quá cao"

Chính phủ Trung Quốc, qua lời Phó Thủ tướng Lưu Hạc, nói các doanh nghiệp tư cần thực hiện nhiệm vụ "56789."

Đây là cách ghép lại của các con số 50-60-70-80-90, một cách dễ nhớ trong Trung văn mà không có bất cứ logic gì về kinh tế.

Tư doanh, theo đó, cần đóng 50% cho nguồn thu ngân sách từ thuế; 60% cho GDP; 70% sáng tạo (innovation), 80% việc làm ở khu vực đô thị và 90% của số doanh nghiệp đăng ký.

Nhưng quan trọng hơn cả, doanh nhân và doanh nghiệp phải "yêu Đảng", theo một bài Dexter Tiffs Roberts viết hôm 07/05/2021 trên trang Atlantic Council về chuyện chính trị nay muốn kiểm soát kinh tế Trung Quốc.

Trên Sunday Times (26/09/2021), Richard McGregor viết về chính sách "56789" của Chủ tịch Tập Cận Bình, và nói thêm rằng kinh tế Trung Quốc "sẽ khựng lại nếu không có các doanh nghiệp tư nhân", nhưng từ nay, không ai dám "đùa cợt về chủ nghĩa xã hội nữa".

"Cơn bão chính sách được tung ra, nhắm vào các đại gia công nghệ, rồi ngành giáo dục, và các ngành khác, bắt đầu từ khi tỷ phú Alibaba là Jack Ma công kích các quy định của ngành tài chính cuối năm 2020," ông McGregor viết.

Nhưng vấn đề không chỉ liên quan đến một cá nhân.

"Đảng Cộng sản TQ muốn kiểm soát kinh tế và loại trừ mọi trung tâm quyền lực khác, và còn nhằm phân tách nền kinh tế (decoupling) của TQ khỏi kinh tế Mỹ."

Mặt khác, theo Richard McGregor, chủ nghĩa xã hội hoặc tư tưởng cánh tả ở Trung Quốc hoàn toàn khác 'phe tả Âu Mỹ".

Nếu như ở châu Âu, phe tả gắn liền với chính sách xã hội cấp tiến, muốn thay đổi văn hóa, thì tại TQ, chủ nghĩa xã hội rất bảo thủ.

Trung Quốc gần đây cấm các nam diễn viên "ẻo lả" và loại một loạt ngôi sao điện ảnh, truyền hình "vi phạm" tiêu chuẩn văn hóa khỏi mạng xã hội và Internet.

Buộc các giới doanh nhân phải chia sẻ tiền của, ông Tập muốn dùng khẩu hiệu "sự thịnh vượng chung" (common prosperity) ₫ể giải quyết bất công xã hội, giảm độ nóng của "tăng trưởng hoang dã".

'Không để cho ai dám chống lại'

Tuy thế, theo Richard McGregor, các thách thức cho ông Tập rất lớn mà vụ Evergrande chỉ là một phần của bức tranh.

Nghị trình thiên tả mới của Tập tạo hình ảnh ông là "bạn dân", là người đồng hành cùng các khó khăn của tầng lớp lao động

Ông Tập cần tái khởi động kinh tế, giải quyết núi nợ, hãm đà dân số già nhanh, và bảo vệ thành quả của những năm cải cách, cụ thể là vị trí và tiền của của giới trung lưu, tác giả bài "Time's up for the super rich in Xi's China" viết.

Dùng chính trị kiểm soát kinh tế không phải là dễ.

Vẫn theo Dexter Tiffs Roberts thì rủi ro là "can thiệp chính trị sẽ chỉ làm khó khăn thêm cho năng suất lao động Trung Quốc vốn đã thấp".

"Các công ty tư doanh hiện đã khó tiếp cận nguồn tín dụng của ngân hàng vốn chi khoản lớn cho các công ty quốc doanh. Mà các công ty này chỉ đóng góp 25-30% sản xuất cả nước. Tới 70% GDP của TQ trước 2007đến từ sức tăng của sản xuất, và chủ yếu nhờ 'động cơ' là tăng trưởng của khu vực kinh tế tư nhân, và nhờ cả vào dòng nhân lực chuyển từ nông nghiệp sang công nghiệp. Ngày nay, sức đẩy của sản xuất đó đã gần mất hết."

Dù có rủi ro như vậy, ông Tập vẫn làm mạnh tay với giới tư bản Trung Quốc.

Còn phóng biên BBC Stephen McDonnell từ Bắc Kinh thì viết:

"Sẽ có những người cho rằng toàn bộ quá trình này như một lẽ tự nhiên của một đất nước đang 'trưởng thành'. Những lĩnh vực chưa được kiểm soát thì cần phải có các quy định...

Nhưng hoàn toàn không rõ chiến lược này sẽ kéo dài bao lâu và sẽ được thực hiện tới mức độ nào.

Có một điều chắc chắn là bất kỳ sự thay đổi nào cũng nên được nhìn qua lăng kính "thịnh vượng chung" của ông Tập, vào thời điểm mà Đảng Cộng sản sẽ không từ bỏ một tấc quyền lực nào để thực hiện mục tiêu này.

Và ở Trung Quốc, bạn chỉ có thể hoặc 'lên theo chiếc xe' nếu không sẽ bị cán nát."

Nghị trình thiên tả mới của ông Tập, xét cho cùng là cách tạo hình ảnh ông là "bạn dân", là người đồng hành cùng các khó khăn của họ, sẽ nhằm giúp ông có thể tái đắc cử năm 2024, và cầm quyền tiếp tục không chỉ nhờ vào sự sùng bái cá nhân, theo Richard McGregor.

Xem thêm:

Chủ tịch và Giám đốc điều hành của HNA Group bị cảnh sát bắt giữ tại Trung Quốc

Ca sĩ Phi Nhung qua đời tại Sài Gòn vì COVID-19

SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – Sau thời gian chống chọi với COVID-19, ca sĩ Phi Nhung đã trút hơi thở cuối cùng vào lúc 11 giờ 57 phút trưa 28 Tháng Chín, tại bệnh viện Chợ Rẫy, hưởng dương 49 tuổi.

Theo báo Tuổi Trẻ, “trước khi mất ca sĩ Phi Nhung được chẩn đoán bị biến chứng nặng của COVID-19, đông đặc phổi và hoại tử một phần phổi; kèm cơn bão Cytokyne, suy đa cơ quan.

Nữ ca sĩ được chạy ECMO (tim phổi nhân tạo), lọc máu liên tục.

Ca sĩ Phi Nhung. (Hình: Hoàng Anh/VTC News)
“Tất cả các loại thuốc cao cấp nhất đã được bệnh viện sử dụng để điều trị cho ca sĩ Phi Nhung. Tất cả các y bác sĩ đã nỗ lực hết mình nhưng đã không thể cứu sống được ca sĩ và rất đáng tiếc trước sự ra đi này,” đại diện bệnh viện Chợ Rẫy cho biết.

Trước đó, báo đài trong nước đưa tin ca sĩ Phi Nhung nhập viện tại bệnh viện Gia An 115 hôm 15 Tháng Tám.

“Hơn hai tuần trước, Phi Nhung đi từ thiện về và bị cảm. Cô ấy nghi ngờ bản thân nhiễm virus nên chủ động đi bệnh viện kiểm tra, sau đó xét nghiệm PCR cho kết quả dương tính với SARS-CoV-2. Mong mọi người cùng cầu nguyện cho Phi Nhung vượt qua thời gian khó khăn này,” bà Diễm Phạm, người quản lý của ca sĩ Phi Nhung, được báo Thanh Niên trích lời hôm 27 Tháng Tám.

9/24/21

Tiệc Sinh Nhựt


Trong tranh có thằng cháu tròn 2 tuổi được ăn mừng sinh nhật cùng 2 chị, Mum & Dad và uncle.

Thien Vu


9/23/21

KHÔNG CÓ GÌ LÀ NGẪU NHIÊN !

TT. Thích Tánh Tuệ


Thưa quý vị, Con virus corona đang khiến cả thế giới hoảng loạn chao đảo. Nhưng Phật dạy: “Không có gì là ngẫu nhiên”. Dường như nó cũng là một sự sắp xếp tưởng như vô tình mà lại hữu ý để loài người nhận ra những điều quan trọng, điều gì đó lớn hơn con virus...

Mỗi ngày, con virus lần lượt phơi bày tất cả sự thật mà chúng ta từ lâu đã không có khả năng nhìn thấy hoặc cố tình quên đi. Mỗi ngày, nếu để ý, ta sẽ thấy mỗi diễn biến của nó đều điểm vào những sai trái mà con người đã bày ra khi đến thế giới này. Nó bóc trần lần lượt những dối trá, vốn luôn được che đậy kỹ càng. Giờ đây con người nhận ra không có gì dấu giếm được dưới ánh mặt trời.

9/22/21

NỖI GIÀ

*NỖI GIÀ*

Lụm cụm suốt mùa đông,
Chỉ mong xuân mau tới
Trải nắng hồng phơi phới
Cho bước già thong dong.

Nhưng... vừa kịp tàn đông
Tuyết sương còn nấn nuối
Gió mưa còn giăng lối
“Sốt cỏ”* đã đến rồi!