Showing posts with label rfi. Show all posts
Showing posts with label rfi. Show all posts

9/5/23

BRICS mở rộng : Một liên minh thống lĩnh thị trường nguyên nhiên liệu ?

Minh Anh - RFI

Ngày 24/08/2023, kết thúc thượng đỉnh lần thứ 15 tại Johannesburg, Nam Phi, nhóm BRICS – gồm năm nước Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi – thông báo đón thêm sáu thành viên mới. Một số nhà quan sát cho rằng BRICS mở rộng còn đồng nghĩa với việc thúc đẩy tiến trình phi đô la hóa và hình thành một liên minh thống trị thị trường dầu khí, nguyên nhiên liệu.


Nghe phần âm thanh:




Kể từ ngày 01/01/2024, BRICS sẽ trở thành BRICS+, khi có thêm sáu thành viên mới là Achentina, Ai Cập, Ả Rập Xê Út, Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất, Ethiopia và Iran. Hầu hết giới chuyên gia đều có chung một nhận xét : Đây là một thắng lợi của Nga và nhất là của Trung Quốc.

Đây là hai nước quyết tâm mở rộng nhóm nhiều nhất. Với Bắc Kinh, sự mở rộng này đồng nghĩa với khả năng gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc với nhóm các nước phương Nam. Về phần Matxcơva, sự mở rộng này có thể hạn chế phần nào thế cô lập của Nga trên trường quốc tế vì cuộc chiến xâm lược Ukraina.

Sự kiện cũng cho thấy ảnh hưởng gia tăng của Trung Quốc trong nhóm. Ấn Độ và Brazil lo sợ tầm ảnh hưởng của mình sẽ bị tan biến. New Dehli – đối thủ cạnh tranh của Bắc Kinh – cũng có tham vọng trở thành một trong những đầu tầu của những nước đang phát triển.

Một sự mở rộng quá nhanh và quá lớn có nguy cơ biến « BRICS thành một diễn đàn chống phương Tây để phục vụ trước hết các lợi ích của Trung Quốc và Nga », theo như lời một quan chức ngoại giao Ấn Độ được nhật báo Pháp Le Monde dẫn lại.

Raoul Delcorde, đại sứ danh dự của Bỉ, trả lời nhật báo kinh tế L’Echo (Bỉ) nhận định « Trung Quốc có thể ép buộc được các nước còn lại vì chỉ riêng nước này đã đóng góp đến 70% GDP của toàn bộ nhóm BRICS ».

Thay đổi trật tự thế giới

Dù vậy, giữa các nước đều có chung một mẫu số : Cùng phản đối một trật tự kinh tế thế giới do phương Tây thiết lập và mong muốn hướng đến một thế giới đa cực. Mở rộng cửa đón các thành viên mới cho phép củng cố hơn nữa vai trò thay thế của BRICS trên bình diện địa chính trị, trước các định chế quốc tế do phương Tây thống trị.

Nhà kinh tế học Jean-Joseph Boillot, cố vấn cho Viện Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược (IRIS), trả lời RFI Pháp ngữ, nhắc lại BRICS được thành lập năm 2009, sau khi cơn bão khủng hoảng tài chính của Mỹ quét qua, đẩy nhiều nước đang phát triển và nước nghèo lâm vào cảnh khốn khó trong vòng 5-10 năm liên tiếp.

BRICS cho rằng, bất chấp quy mô diện tích, dân số và kinh tế, nhóm này đã không được đại diện đầy đủ trong các định chế quốc tế. Chuyên gia kinh tế Jean-Joseph Boillot, cố vấn cho Viện Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược (IRIS), trả lời RFI Pháp ngữ, giải thích vì sao dù có những khác biệt lớn về trọng lượng kinh tế nhưng nhiều nước vẫn được chọn để tham giam BRICS:

« Điều cốt lõi ở đây là vì những nước này bị gạt ra khỏi các định chế quốc tế lớn. Năm nước thành viên của BRICS chiếm khoảng 15% phiếu bầu ở Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) trong khi cả năm nước gộp lại có đến gần 3,5 tỷ dân và chiếm gần 25% GDP của toàn cầu. Đây là ý tưởng chính dẫn đến việc hình thành BRICS.

Từ quan điểm này, Ả Rập Xê Út là cường quốc thứ chín trên thế giới và trên phương diện GDP tính theo đầu người, Ả Rập Xê Út cũng không xa mấy các nước châu Âu, nhưng trên bình diện chính trị, vai trò và quyền phủ quyết trong các tổ chức quốc tế lớn là không có. Do vậy, việc bày tỏ nguyện vọng tham gia nhóm BRICS còn nhằm mục đích làm thay đổi trật tự kinh tế thế giới. »

Nhưng BRICS có thêm thành viên mới không chỉ là mở rộng câu lạc bộ, mà đây còn là một liên minh mở rộng cho phép vạch lại mô hình tài trợ phát triển của các nước mới trỗi dậy, thống trị các thị trường dầu khí và nguyên liệu thiết yếu trong quá trình chuyển đổi năng lượng.

Các vương quốc Ả Rập : Những ông chủ ngân hàng mới

Và trong tầm nhìn này, Trung Quốc sẽ là bên hưởng lợi trước tiên. Trang mạng La Tribune (25/08/2023) nhận định việc mở rộng nhóm cho phép Trung Quốc tăng tốc dự án Những Con đường Tơ lụa Mới (BRI), được khởi động từ năm 2013, liên quan đến gần 70 nước, đông đến khoảng 4,4 tỷ dân, và chiếm đến khoảng 40% GDP toàn cầu, nhưng bị đình trệ vì đại dịch Covid-19.

Như vậy, BRICS có thể huy động thêm được nguồn vốn cho ngân hàng phát triển của nhóm – New Development Bank (NDB), được thành lập năm 2014 – để có thể tài trợ các dự án đầu tư cho các nước mới trỗi dậy mà không cần các khoản vay có điều kiện từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (World Bank – WB).

Kinh tế gia Alexandre Kateb, chủ tịch Văn phòng tư vấn The Multipolarity Report, trên đài truyền hình tư nhân BFMTV, nhấn mạnh việc mở rộng BRICS cũng có nghĩa là phi đô la hóa:

« Đúng là phi đô la hóa và phát triển một đồng tiền trao đổi thay thế như nhân dân tệ chẳng hạn sẽ đi cùng với việc mở rộng nhóm. Ở đây thật sự có một lô-gic kết nối hai khía cạnh này với nhau. Theo tôi, điều này thể hiện rõ qua việc kết nạp hai nước Ả Rập Xê Út và Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất, bởi vì đây là những nước có thể tài trợ cho một hệ thống tài chính mới dựa trên đồng tiền của BRICS hay một đơn vị tiền tệ dự trữ nào đó mà đồng tiền này được ấn định theo bản vị vàng hay dầu hỏa. »

Về điểm này, nhà nghiên cứu thuộc IRIS, trên đài RFI lưu ý thêm rằng « ngân hàng NDB của BRICS vốn đang thiếu nguồn tài chính, bỗng nhiên có thêm hai chủ ngân hàng, giờ có thể cấp vốn cho các nước phương Nam nào có nhu cầu. Cho đến hiện tại, Trung Quốc là bên giữ vai trò này, tất cả các nước đều tỏ ra nghi ngại về ảnh hưởng quá lớn của Trung Quốc ở trong nhóm. Do vậy, sự có mặt của hai nước Ả Rập là một sự tái cân bằng khá thú vị. »

Liên minh BRICS và OPEC+ để thống lĩnh thị trường dầu lửa

Trong bối cảnh này, Nhà Trắng ra sức ngăn cản nhiều nước tham gia BRICS, khi cam kết giải ngân « khoảng 50 tỷ đô la tiền vay cho các nước có thu nhập trung bình và các nước nghèo », đồng thời mời gọi các nước đồng minh và đối tác tham gia đóng góp để nâng tổng số tiền hỗ trợ có sẵn là 200 tỷ đô la.

Liệu rằng Mỹ có thể cạnh tranh với Trung Quốc ? Câu trả lời là Khó, vì giới quan sát cảnh báo thêm rằng đại đa số các nước thành viên khối OPEC Mở rộng, nhóm các nước khai thác và xuất khẩu dầu hỏa, cũng sẽ sớm gia nhập nhóm BRICS. Sự hội nhập này sẽ mang lại cho nhóm một vị thế vượt trội trên các thị trường dầu khí.

La Tribune ước tính tổ chức OPEC+ được hội nhập vào BRICS có thể sẽ chiếm đến hơn 60% sản lượng khai thác và 40% khả năng tinh lọc vàng đen của thế giới. Trung Quốc và Ấn Độ là những khách hàng quan trọng của các nước Vùng Vịnh. Việc bảo đảm nguồn cung dầu khí là mang tính sống còn cho nền kinh tế Trung Quốc, vốn dĩ một phần lớn nhập khẩu là để đáp ứng các nhu cầu trong nước.

Ông Alexandre Kateb nhận định, việc nhiều nước khai thác và xuất khẩu dầu hỏa gia nhập BRICS cho thấy rõ một mục tiêu chiến lược khác : Giảm bớt sự phụ thuộc vào đô la trong việc niêm yết giá dầu trên thị trường thế giới.

« Đây thực sự là chất xúc tác cho sự chuyển đổi này và vai trò của nhân dân tệ trong việc thanh toán các hợp đồng dầu mỏ. Quá trình đã được bắt đầu với việc Ả Rập Xê Út ký một thỏa thuận với Trung Quốc để thanh toán những hợp đồng xuất khẩu dầu lửa bằng nhân dân tệ. Rồi chuyển giao hàng khí hóa lỏng đầu tiên của Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất đến Trung Quốc cũng được trả bằng đồng nhân dân tệ.

Hơn nữa, chính hãng Total của Pháp là bên đưa ra sáng kiến giao dịch này. Và ngày nay chúng ta thấy rõ là có cả một phong trào nhằm thiết lập các giao dịch trong một khuôn khổ đa phương, nơi xuất phải cho ý tưởng về một loại tiền dự trữ cho BRICS, một loại đơn vị tiền tệ trao đổi đóng vai trò như là một đơn vị thanh toán cho tất cả các hoạt động giao dịch này và như vậy cũng sẽ cho phép gộp những nước khác mắc nợ Trung Quốc, cung cấp tài chính cho họ mà không dùng đến đồng đô la, như trường hợp của Achentina hiện nay ».

Châu Âu và sự phụ thuộc vào BRICS trong tương lai ?

Cuối cùng, trong lĩnh vực nguyên liệu, mức độ tập trung còn quan trọng hơn và trở nên mang tính chiến lược cho nhiều nước mới trỗi dậy muốn tận dụng quá trình chuyển đổi năng lượng để có thể tự mình phát triển các chuỗi công nghiệp thế giới và hưởng lợi các chuỗi giá trị cao như kế hoạch IRA của tổng thống Mỹ Biden trị giá 370 tỷ đô la, hay của kế hoạch của Liên Hiệp Châu Âu, 750 tỷ euro.

Những nước muốn tham gia, hay đã là thành viên, đều là những quốc gia giầu khoảng sản, nhất là những nguồn đất hiếm như nickel, cobalt, platine hay palladium… Trọng lượng của những nước này (Nga, Indonesia, Cộng hòa Congo, Nam Phi, hay Trung Quốc…) trong lĩnh vực dầu khí và nguyên nhiên liệu, cũng như trữ lượng của chúng có khả năng thúc đẩy sự hội tụ lợi ích giữa nhà sản xuất và người tiêu dùng trong nhóm BRICS trong tương lai.

Điều này có nguy cơ làm thay đổi cấu hình hiện tại của thị trường quốc tế và các chuỗi cung ứng. Đó cũng là những gì đã xảy ra cho dầu lửa và khí đốt khi chiến tranh Nga – Ukraina nổ ra, qua việc phát triển khai thác mỏ tại lục địa châu Phi.

Nếu như Hoa Kỳ vẫn có thể trông cậy vào nguồn khai thác và sản xuất dầu khí ở trong nước và trong một chừng mực nào đó là các loại nguyên liệu hiếm từ Canada, rõ ràng là việc BRICS mở rộng nhưng dưới sự ảnh hưởng của Nga và Trung Quốc có thể làm suy yếu Liên Hiệp Châu Âu. Khu vực này có nguy cơ bị lệ thuộc nhiều vào nguồn cung dầu lửa từ nhiều nước thành viên tương lai của BRICS, chủ yếu ở vùng Trung – Cận Đông và châu Phi.

2/10/23

ChatGPT và cuộc đại chiến Trí tuệ nhân tạo giữa Microsoft và Google


Hình ảnh minh họa ChatGPT và cuộc đọ sức giữa Google và Microsoft. © canva

Trước sự xuất hiện của ChatGPT, khuấy đảo người dùng mạng trên toàn cầu, các gã khổng lồ công nghệ như Google và Microsoft đã lao vào cuộc đua Trí tuệ nhân tạo, tránh bị tụt lại phía sau. RFI xin giới thiệu bài phân tích về chủ đề này đăng trên báo Pháp Le Figaro ngày 07/02/2023.

Trong tuần vừa qua, một cuộc đọ sức truyền thông đã xảy ra giữa Google và Microsoft. 

Chưa đầy 24 giờ, hai trong số những tập đoàn lớn nhất thế giới về công nghệ đã tổ chức họp báo, tiết lộ các tính năng mới về sự phát triển của Trí tuệ nhân tạo (AI). Trên thực tế, hiếm khi mà hai bên có một cuộc đối đầu quyết liệt trong cùng một thị trường. (Lần cuối cùng đó là từ năm 2010, khi hai bên xảy ra tranh cãi liên quan đến việc cung cấp các dịch vụ trên điện thoại Window Phone). Tuy nhiên, thành công toàn cầu của ứng dụng robot hỏi đáp trực tuyến ChatGPT với công nghệ Trí tuệ nhân tạo đa ngôn ngữ, có khả năng tạo ra một văn bản giống như là do con người viết ra, đã châm ngòi cho cuộc cạnh tranh giữa hai tập đoàn. Giám đốc điều hành của Microsoft Satya Nadella đã khẳng định với các nhà phân tích rằng: “Chúng tôi sẽ là những người dẫn đầu trong kỷ nguyên AI mới này”. Về phần mình, ông chủ của Google, Sundar Pichai đáp lại “Chúng tôi là những người đi đầu trong việc phát triển Trí tuệ nhân tạo”.

Cuộc họp báo đầu tiên diễn ra vào sáng thứ Ba (07/02) ở Seattle, trụ sở của Microsoft. Nếu như các phương tiện truyền thông được mời đến dự vào tuần trước, tập đoàn Hoa Kỳ đã chính thức hoá sự kiện này từ thứ Hai khi đăng một bức ảnh giám đốc điều hành Satya Nadella đứng cạnh cùng với đứa con cưng mới của Thung lũng Silicon : Sam Altman – lãnh đạo của OpenAI. Microsoft đã đầu tư gần 10 tỷ đô la trong vòng 3 năm vào công ty phát minh ra ứng dụng ChatGPT. Ứng dụng này sử dụng những siêu máy tính để cho chạy các chương trình máy học chuyên sâu. Sự liên kết này có thể là tấm vé giúp Microsoft giành thắng lợi trong quá trình phát triển của công nghệ thông tin.

Một ngày sau cuộc họp báo của Microsoft, vào chiều thứ Tư tuần này, đến lượt Google tổ chức họp báo từ Paris và được truyền tải toàn cầu từ Youtube. Trong phần mô tả sự kiện này, Google khẳng định: “Chúng tôi đang định hình lại cách mà mọi người tìm kiếm thông tin, khám phá và tương tác với thông tin, bằng cách khiến cho việc tìm kiếm của mọi người trở nên tự nhiên hơn và trực quan hơn bao giờ hết.”

Dường như Google không muốn để Microsoft tận dụng thời cơ. Tối thứ Hai, tập đoàn California đă đăng một thông cáo tiết lộ một số thông tin của cuộc họp báo sắp diễn ra vào thứ Tư. Thông tin chính đó là Google đã phát triển một ứng dụng Bard, đáp trả ChatGPT và cũng như Microsoft Bing, Google cũng sẽ phát triển máy tìm kiếm của mình.


Sắp tới, người dùng Internet có thể đặt những câu hỏi phức tạp cho Google và Bing, (ví dụ như : Tôi có thể nấu món gì cho một đứa bé 18 tháng, chỉ muốn ăn đồ ăn có màu cam ? Những bài tập thể lực nào cho người mới bắt đầu và không cần dụng cụ ở nhà để có thể giảm mỡ bụng ?...) Những câu trả lời sẽ được đưa ra dưới dạng tổng hợp và chi tiết, và có thể bỏ lại đằng sau những chuỗi dài các đường link dẫn vào các trang mạng để đào sâu chủ đề.

Nguy cơ máy tìm kiếm Google bị soán ngôi

Nếu như phải đánh giá mức độ mạnh mẽ của tính năng này, thì đây có thể là cuộc cách mạng đối với cách thức mà người dùng Internet tìm kiếm trên Internet và có thể sắp xếp lại quân bài chủ đạo của thị trường này, vốn đã bị Google thống trị trong hai thập kỷ qua. Về phần mình Microsoft dường như đã sẵn sàng. Vào thứ Sáu, phiên bản Bing mới đã được đưa vào hoạt động, trước khi bị gỡ xuống chỉ sau vài phút.




Cỗ máy tìm kiếm này không phải là sản phẩm duy nhất sẽ được trang bị những tính năng mới liên quan đến Trí tuệ nhân tạo. Microsoft đã thông báo vào tuần trước về một thay đổi trong nền tảng trao đổi thông tin, họp trực tuyến Teams. Vào cuối mỗi cuộc họp trực tuyến, Teams sẽ tự động cắt video và tạo ra một bản tóm tắt về những quyết định được đưa ra, đồng thời đề xuất mỗi người tham gia vào cuộc họp xem lại những điểm quan trọng của cuộc họp. (Ví dụ như khi nào thì tên của họ được nhắc đến, khi nào thì tài liệu được chia sẻ, khi nào thì phải vắng mặt.) Tính năng này có thể giúp tiết kiệm được quỹ thời gian quý báu.

Google cũng đã chuẩn bị sẵn nhiều thông báo về các tính năng mới, ít nhất là khoảng 20 thông báo, theo như thông tin từ New York Times. Ví dụ như việc tạo những sản phẩm hình ảnh hoặc trang trí làm đẹp cho các video trên Youtube, hay là thử quần áo trực tuyến, hỗ trợ lập trình các ứng dụng Android, tự động tạo một video từ nhiều video khác. Phần lớn các kế hoạch này sẽ được công bố vào tháng Năm tới, trong cuộc hội nghị hàng năm của Google I/O. Các tính năng này là câu trả lời đối với cảnh báo đỏ mà giám đốc điều hành của Google, ông Sundar Pichai đã đưa ra, để đối phó với sức mạnh của Chat GPT.

Vào năm 2016, ông Pichai, vốn đã định hướng những đầu tư của Google vào nghiên cứu Trí tuệ nhân tạo, không thể để tập đoàn của mình bị tụt lại phía sau. OpenAI đã phát minh ra ứng dụng Dall-E, một Trí tuệ nhân tạo có khả năng tạo ra các hình ảnh từ một văn bản và Google đã sở hữu Imagen (có tính năng tương tự). Nếu như OpenAi đã tạo ra bản mẫu của ngôn ngữ tự nhiên GPT thì Google cũng đã nghiên cứu từ nhiều năm nay trên ứng dụng LaMDA. Hai ứng dụng này trên thực tế lại dựa trên một sự phát hiện được công bố bởi các nhà nghiên cứu của Google. Hôm thứ Hai vừa qua, ông Pichai nhắc lại rằng “dự án nghiên cứu Transformer của chúng tôi, bài đăng tham chiếu được đăng vào năm 2017 là những nền tảng của nhiều ứng dụng Trí tuệ nhân tạo sử dụng mà mọi người bắt đầu thấy ngày nay”.

Sản phẩm Trí tuệ nhân tạo vẫn rủi ro


Google chưa từng mở cửa cho bên thứ ba đối với ứng dụng LamMDA hay Imagen bởi vì những công cụ này vẫn chưa hoàn hảo. Trong một bài đăng vào năm 2021, các kỹ sư của tập đoàn nhấn mạnh rằng các mô hình máy học (machine learning) không suy luận và có thể viết sai và không có khả năng trích nguồn. Vì vậy không đưa những công cụ này vào tay của người dùng là điều khẩn cấp, vì gây rủi ro đối với danh tiếng của Google. Thế nhưng sự đam mê mang tính toàn cầu đối với ChatGPT từ tháng 11 năm ngoái cũng như áp lực từ các cổ đông đã thúc đẩy tập đoàn Google phải xem lại lập trường của mình.

Google muốn lập lại vị trí trung tâm của mình trong giới công nghệ và chỉ ra rằng tập đoàn vẫn an toàn, không bị tụt lại phía sau : người dùng Internet phải thấy được những ứng dụng cụ thể của các Trí tuệ nhân tạo này càng sớm càng tốt. Trong thư điện tử được gửi đi vào thứ Hai, ông Sundar Pichai đã kêu gọi nhân viên của Google thử nghiệm robot đối thoại trực tuyến Bard và đưa ra phản hồi để cải thiện ứng dụng này. Ông Pichai tuyên bố : “Hãy nhìn vào điều này như là một cuộc thi viết lập trình ‘marathon’ – hackathon, trong nội bộ. Các bộ phận đã được tổ chức lại để có thể cho ra mắt nhanh chóng các tính năng táo bạo. Tuy nhiên, Google không muốn mạo hiểm hành động vội vàng : Bard chỉ được cho ra mắt với người dụng mạng khi nào mà ứng dụng này an toàn và đáng tin cậy.

Cuộc đua Trí tuệ nhân tạo không chỉ liên quan đến Google và Microsoft. Nhà nghiên cứu Yann LeCun, giám đốc ngiên cứu Trí tuệ nhân tạo ở Meta (công ty mẹ của Facebook), đã nhấn mạnh rằng “ChatGPT không phải là một phát minh đáng kinh ngạc, mới mẻ, sáng tạo và độc đáo, vượt trên tất cả những ứng dụng khác” và các tập đoàn khác, bao gồm Meta đã sở hữu những công nghệ tương tự. Bằng chứng là tại Trung Quốc, vào thứ Ba, gã khổng lồ của Trung Quốc, với cỗ máy tìm kiếm Baidu đã thông báo hoàn thiện giai đoạn thử nghiệm Ernie Bot, một ứng dụng tương tự như ChatGPT. Ernie Bot dựa trên mô hình máy học Ernie mà Baidu đã làm việc từ 2019. Công cụ này sẽ được áp dụng trong nhiều sản phẩm của tập đoàn trong thời gian sắp tới. Thông báo này đã khiến cổ phiếu của Baidu tăng 15% và mang lại lợi nhuận cho các công ty công nghệ Trung Quốc khác cũng đang nghiên cứu về AI.

Đầu tư vào AI tăng mạnh

Tại phương Tây, Trí tuệ nhân tạo là cụm từ xuất hiện ở mọi nơi. Theo thống kê của Bloomberg, cụm từ này đã được nhắc đến 200 lần tại các cuộc hội nghị phân tích gần đây nhất của 15 doanh nghiệp công nghệ lớn nhất tại Hoa Kỳ. Tức là gấp 3 lần kể từ đầu năm 2022. Giống như là khi cơn sốt về cụm từ metavers – đa vũ trụ hay Web3, dự trù sẽ có vô số thông báo được đưa ra trong năù 2023 này. Các quỹ đầu tư đã được kích hoạt. Từ tháng Giêng, gần 700 triệu đô la đã được đầu tư vào các công ty hoạt động trong lĩnh vực Trí tuệ nhân tạo, trong đó có OpenAI, so với 900 triệu đô la cho cả năm 2022.

Các tập đoàn lớn trang bị vũ khí cho mình bằng việc mua cổ phần trong các công ty khởi nghiệp hứa hẹn. Nếu như Microsoft gần như là kết hôn với OpenAI, thì Google đã đầu tư gần 300 triệu đô la vào công ty Anthropic hồi cuối năm ngoái và sở hữu 10 %. Công ty này được thành lập bởi các nhà nghiên cứu từng làm việc ở OpenAI, đã tạo ra một mẫu ngôn ngữ của riêng mình – Claude. Năm gã khổng lồ công nghệ GAFAM - Google, Apple, Facebook (Meta), Amazon và Microsoft cũng sẽ xem xét kỹ các công ty khởi nghiệp, phát minh ra các ứng dụng mới cụ thể cho các Trí tuệ nhân tạo mới. Google cũng như Open AI sẽ cho phép bên thứ ba, sử dụng công nghệ của họ với điều kiện phải trả phí. Các công nghệ mới có thể sẽ sớm xuất hiện.

Đề Tài liên quan:

10/2/22

Romy Schneider, người viết trang sử đẹp của điện ảnh Pháp

Nghe phần âm thanh:



Sinh ra tại Áo, thành danh tại Đức, Romy Schneider (1938-1982) đã cùng với những đạo diễn lừng danh nhất thế giới để lại dấu ấn của một thời đại trong làng nghệ thuật thứ 7. Bốn mươi năm sau ngày qua đời, « Romy » vẫn là biểu tượng của những người phụ nữ quý phái nơi kinh đô ánh sáng, của những trái tim đa tình. Với Romy Schneider, Paris là điểm khởi đầu của một mối tình « trẻ mãi không già ».

Mùa hè năm 1968, Alain Delon tại phi trường Nice, đợi đón nữ diễn viên Romy Schneider. Delon nói ông hồi hộp trước phút hội ngộ. Mười năm đã trôi qua từ ngày họ gặp nhau lần đầu cũng tại một sân bay, nhưng đấy là phi trường Orly, phía nam thủ đô Paris.
Năm 1958, Romy 19 tuổi, đã là một minh tinh màn bạc, nổi tiếng khắp châu Âu nhờ vai diễn hoàng hậu của vương quốc Áo Sissi. Alain hơn nàng 3 tuổi, vừa giải ngũ, từ chiến trường Đông Dương trở về. Delon mới chập chững bước vào thế giới nghệ thuật. Alain và Romy cùng đóng phim Christine, của đạo diễn Pierre Gaspard Huit.

Christine đã chìm vào quên lãng, nhưng bộ phim đó là một khúc quanh trong cuộc đời và sự nghiệp của cả Romy Schneider lẫn Alain Delon. Romy là « con nhà nòi » trong thế giới nghệ thuật sân khấu của Áo và Đức. Còn Alain khi đó là một chàng lãng tử, bụi đời, với mặc cảm ít học thức. Paris của Delon khi đó không phải là Saint Germain des Près, nơi giới trí thức lui tới. Alain là người của những khu phố xô bồ, nhộn nhịp với cuộc sống về đêm như Pigalle.

Tháng Giêng 1959, bộ phim ra mắt công chúng lần đầu tiên tại Bruxelles : Romy Schneider lộng lẫy và hạnh phúc xuất hiện bên Alain Delon. Thilo Wydra, nhà báo Đức và cũng là tác giả cuốn Eine Liebe in Paris-Romy und Alain - Tình Yêu ở Paris Romy và Alain kể lại lễ đính hôn ngày 22/03/1959 : « Lễ đính hôn tổ chức bên bờ hồ Lugano là một sự kiện lạ lùng. Magda, mẹ của Romy tổ chức tất cả. Nhưng cho đến tận giờ chót, không ai biết là Alain Delon có đến hay không. Ngay cả Romy Schneider cũng không biết là vị hôn phu có lỡ hẹn với cô và gia đình, bạn bè thân thiết hay không. Với Alain, Romy biết được một điều đó là không bao giờ có thể trông cậy vào cậu tài tử đẹp trai đó. Alain Delon đã bắt mọi người chờ đợi, bắt cả Romy phải sốt ruột đợi mình. Nhưng cuối cùng, anh cũng đến ! ».

Công luận Đức phẫn nộ, ví mối tình của cặp Delon - Schneider như « bông hoa nhài cắm… », nhiều người xem việc Romy đi lấy chồng xứ lạ như một sự phản bội.

Bỏ mặc những tiếng thị phi, Romy Schneider và Alain Delon xây tổ ấm cách Paris khoảng một giờ lái xe, rồi họ dọn về ở ngay giữa lòng kinh đô ánh sáng. Romy và Alain rạng ngời bên nhau tại Liên hoan điện ảnh Cannes, che khuất cả những ngôi sao màn bạc của thế giới như Sophia Loren, Grace Kelly…

Ngôi sao lúc tỏ lúc mờ

Đầu thập niên 1960, sự nghiệp của Alain Delon bắt đầu cất cánh. Những tên tuổi của làng điện ảnh lúc bấy giờ, như đạo diễn Ý Luchino Visconti, hay Henri Verneuil, René Clément... của Pháp mời Delon đóng phim.

Romy Schneider từ một ngôi sao điện ảnh hàng đầu của Đức đã lùi vào bóng tối. Cô đi cùng Alain đến phim trường, lặng lẽ như một chiếc bóng. Không một đạo diễn Pháp nào chú ý đến cô gái tóc vàng từ xứ sở của Goeth sang làm dâu kinh đô Paris. Họa hoằn lắm, Romy mới được trao một vai diễn phụ. Mùa hè 1960, Alain Delon giới thiệu Romy với đạo diễn Ý Visconti. Ông tuyển cô vào diễn chung với Delon trên sân khấu trong vở kịch nổi tiếng của văn học Anh 'Tis Pity She's a Whore với cái tên được dịch sang tiếng Pháp là Dommage qu’elle soit une putain, nói về một mối tình giữa hai anh em ruột để rồi cả đôi nhận lấy hồi kết thảm khốc.

Romy tỏa sáng trên sân khấu và thế là ông phù thủy của làng điện ảnh Ý Luchino Visconti đã mời cô cộng tác tiếp trong bộ phim Boccace 70. Giai đoạn 1961-1962, Romy khá thành công trên sân khấu kịch nghệ với Chim Hải Âu của Chekov. Romy Schneider chắp cánh bay xa : cô được mời đóng phim tại Mỹ với những tên tuổi lừng danh như Orson Welles trong The Trial - Vụ Án, lấy từ tác phẩm cùng tên của văn hào Franz Kafkaz.

Năm 1962, đạo diễn Alain Cavalier mời Romy Schneider tham gia phim Le Combat dans l’ile. Trong tác phẩm này, Romy đóng vai Anne, một phụ nữ Pháp với sự đam mê và một bầu nhiệt huyết lạ thường, một nhân vật rất phức tạp bị giằn vặt giữa ý chí chính trị, tình yêu. Gần nửa thế kỷ sau, Cavalier hồi tưởng lại về Romy : « Cô bé người Áo đó từng thành danh trong làng điện ảnh nhờ những phim tình cảm ngọt ngào lấy bối cảnh là thành Vienna. Thế rồi cô ấy đến trường phim để nhập vai một người đàn bà Pháp và phải công nhận là Romy đã rất dễ dàng thuyết phục tất cả đoàn làm phim. Romy Schneider vào vai diễn với tất cả sự tinh tế và thông minh của riêng cô ấy, với thái độ rất tự nhiên… Thực sự, đây là một điều tuyệt vời và rất đáng nể phục ».

Nhà sản xuất phim Alain Terzian, một mối thâm giao với Romy Schneider, từng cộng tác với nữ minh tinh màn bạc người Đức này cả chục lần cũng đồng quan điểm : « Romy Schneider là hiện thân của một người đàn bà Pháp lý tưởng. Điều lạ lùng, là không ai thể hiện vai diễn của người phụ nữ Pháp tinh tế hơn, sâu sắc hơn là một nữ diễn viên mang hai dòng máu của Áo và Đức ».

Alain Delon và Romy Schneider rất bận rộn với các dự án làm phim. Delon thường xuyên vắng nhà. Romy ký hợp đồng với các hãng phim Mỹ, lọt vào mắt xanh của đạo diễn nổi tiếng Orson Welles.

1963, sự đổ vỡ và điểm khởi đầu


Mệt mỏi và cũng thất vọng vì cung cách làm phim của Hollywood, năm 1963, Romy bỏ cuộc chơi, quay lại Pháp vào lúc rộ lên hình ảnh một cô gái nẩy lửa luôn xuất hiện bên Alain Delon. Ngày trở về, Romy nhận được lá thư từ hôn và một đóa hồng đỏ thắm.

Chia tay với Delon, với Paris, Romy trở lại Berlin. Cô nhanh chóng kết hôn với nhà soạn kịch Harry Meyen và sinh cậu con trai đầu lòng, David. Romy Schneider vui với vai trò làm vợ, làm mẹ. Sân khấu, phim trường và hình ảnh của Alain nhạt dần.

Năm 1968, Romy Schneider kể lại : Alain Delon điện thoại cho bà và đề nghị Romy cùng diễn trong phim La Piscine của đạo diễn Jacques Deray. Nam diễn viên người Pháp trên đỉnh cao danh vọng xác nhận chính ông đã áp đặt với đoàn phim vai nữ Marianne phải do Romy Schneider đảm nhiệm. Delon ra tối hậu thư và đã được toại nguyện.

Mùa hè 1968, Alain và Romy hội ngộ trên bầu trời điện ảnh, gần 10 năm sau cuộc gặp gỡ ban đầu. Họ tình tứ, thân mật, tự nhiên như thể con tim chưa một lần nhỏ máu. Trước ống kính của Deray, đôi bạn diễn ăn ý với nhau : không còn biên giới giữa cặp Alain - Romy ngoài đời với đôi tình nhân Jean Paul - Marianne trong phim. Họ mất nhau để rồi tìm thấy được một tình yêu mới.

Ngoài mong đợi, Bể Bơi - La Piscine là cánh cổng mở ra hơn một thập niên Romy Schneider tỏa sang trên bầu trời nghệ thuật. Năm 1970, bà cộng tác với Claude Sautet trong phim Les Choses de la Vie, rồi đi từ thành công này đến thành công khác với những tác phẩm như là Max et les Ferrailleurs, César et Rosalie, Le Train, L’important c’est d’aimer, Clair de femme… Romy đã tham gia hơn 60 bộ phim, cộng tác với những đạo diễn bậc thầy trong làng điện ảnh, diễn chung với những nam tài tử nổi tiếng một thời. Trái tim đa tình của Romy đã dành một chỗ đứng riêng biệt cho mỗi người đàn ông đi qua đời bà.

Vẫn trước ống kính của nhà làm phim Claude Sautet, năm 1971, Romy Schneider rực rỡ và nẩy lửa trong vai Lily, một cô gái làng chơi. © Minh Anh/RFI


Vũ điệu cuối cùng

Ngoài đời, Alain Delon và Romy Schneider vẫn thường xuyên gặp lại nhau, khi nơi phim trường, lúc trong các buổi tiếp tân ra mắt phim… Nhà sản xuất Alain Terzian kể lại một lần, các ngôi sao điện ảnh Pháp họp nhau ở hộp đêm nổi tiếng của Paris, năm 1980 : « Tất cả những ngôi sao điện ảnh Pháp lúc bấy giờ đều có mặt đêm hôm đó, có Romy Schneider, Yves Montand, Lino Ventura... Mọi người họp nhau, ăn uống, nhạc xập xình tại hộp đêm Chez Régine. Thế rồi Romy kéo tôi lại, bảo rằng cô muốn khiêu vũ với Alain. Làm công tác giao liên, tôi nhắn lời lại với Delon. Anh đứng lên, yêu cầu cho chơi bản Stranger in the Night của Frank Sinatra. Anh đã mời Romy ra sàn nhẩy. Mọi người lui cả vào bóng tối. Chỉ còn lại có Alain và Romy. Họ quấn lấy nhau, như mối tình học trò, như hai người tình từ muôn thuở, họ thực sự yêu nhau tha thiết. Họ hôn nhau như những ngày đầu. Mireille Darc, người bạn đời của Alain Delon cũng có mặt đêm hôm ấy. Mọi người nín thở. Chỉ có tiếng nhạc và bước nhảy của Romy với Alain mà thôi ».

Ngày vui qua mau. Bước sang thập niên 1980, chồng thứ nhất của Romy Schneider là nhà soạn kịch Harry Meyen tự vẫn. Romy chia tay với người chồng thứ nhì là Daniel Biasini năm 1981, cùng năm David, cậu con trai của Romy 14 tuổi, chết trong điều kiện thảm khốc. Romy Schneider bị đẩy xuống vực thẳm, bà bị đẩy xa khỏi dòng đời để không bao giờ quay lại được vào bờ.

Ngày 29/05/1982, các đài truyền hình loan tin Romy Schneider không còn nữa. Một nghệ sĩ tài sắc vẹn toàn vĩnh viễn ra đi, bà mới 43 tuổi.

Hay tin dữ, 5 giờ rưỡi sáng hôm ấy, Alain Delon cùng với nhà sản xuất Terzian đã đến ngay căn hộ của Romy ở quận 7 Paris. Họ đã bước vào phòng ngủ của người tình Alain Delon chưa bao giờ cưới. Delon đã ngồi lại bên Romy. Ông đã khóc, khóc rất nhiều. Hàng giờ sau, Magda Schneider, mẹ của Romy bước vào phòng. Bà ôm lấy Alain Delon. Terzian kể lại, giây phút đó, ông biết rằng, dù không lên xe hoa, Alain và Romy đã nặng nghĩa vợ chồng. Alain Delon một mình lo liệu tang lễ cho Romy Schneider.

Trong 24 năm đồng hành, trên đất kinh kỳ của Paris, Alain và Romy đã gặp nhau, họ yêu nhau, vô tình hay cố ý họ gây thương tích cho nhau. Họ chia tay nhưng chưa bao giờ lìa xa nhau. Dù là người rũ áo ra đi, Alain Delon đã cùng sánh vai Romy Schneider đi rất xa trên con đường nghệ thuật và cũng chính ông đưa hoàng hậu Sissi đi đến điểm tận cùng cuộc đời.

8/12/22

Nancy Pelosi đi Đài Loan hay sự « lộn xộn » về chiến lược của Mỹ ?


Nghe phần âm thanh: 




Chuyến thăm Đài Loan của chủ tịch Hạ Viện Mỹ hồi đầu tháng 8/2022 đã khiến Bắc Kinh tức giận và tiến hành một cuộc tập trận không – hải quân hùng hậu chưa từng có. Nhiều nhà quan sát cho rằng sự việc còn làm lộ rõ những hạn chế, hay đúng hơn là một sự « lộn xộn » về chiến lược của Mỹ trước một Trung Quốc ngày càng hung hăng.

Tuy ngắn, nhưng chuyến thăm Đài Loan của Nancy Pelosi mang tính biểu tượng cao : Nancy Pelosi, chủ tịch Hạ Viện Mỹ là nhân vật quan trọng thứ ba của Nhà nước Mỹ. Nhưng đây không phải là lần đầu tiên một nhân vật cao cấp như thế đến thăm Đài Loan. Năm 1997, chủ tịch Hạ Viện là Newt Gingrich cũng có chuyến thăm Đài Bắc, gặp tổng thống Đài Loan thời đó là ông Lý Đăng Huy (Lee Teng Hui).

Nhưng Trung Quốc của năm 1997 yếu thế hơn nhiều, nên đành phải « nuốt giận », dung thứ cho chuyến đi của Gingrich. Giờ đây, Bắc Kinh chỉ trích bà Pelosi đang mang lại hy vọng về quyền tự trị cho Đài Loan khi đến Đài Bắc và tuyên bố « sát cánh cùng nền dân chủ » của hòn đảo. Nhìn từ Bắc Kinh, đây không phải là chuyện bảo vệ « nền dân chủ » mà đúng hơn là một sự vi phạm quyền chủ quyền quốc gia và bản sắc lịch sử Trung Hoa. Để trả đũa, Trung Quốc tổ chức rầm rộ một loạt các cuộc tập trận quy mô lớn chưa từng thấy, bao vây đảo và thông báo một loạt các trừng phạt thương mại nhắm vào Đài Bắc.

Theo chuyên gia về an ninh Trung Quốc, Michael Swaine, giám đốc chương trình Đông Á, Viện Quincy của Mỹ, sự giận dữ này của Trung Quốc cũng là một điều dễ hiểu. Chuyến thăm này của chủ tịch Hạ Viện Mỹ đã vượt quá khuôn khổ những hiểu biết, quy định và quy trình, vốn là nền tảng cơ bản cho chính sách « Một nước Trung Hoa duy nhất » mà Mỹ đeo đuổi từ nhiều năm qua. Ông giải thích :

« Bà Nancy Pelosi bay đến Đài Loan trên một chiếc máy bay phản lực quân sự chính thức của Hoa Kỳ, trông giống chiếc Air Force One. Bà ấy mô tả chuyến đi Đài Loan của mình như là một chuyến thăm chính thức. Bà công khai chuyến đi này theo cách rất quan trọng, không giống như ông Newt Gingrich, người đã từng đến Đài Loan cách nay 25 năm cũng với tư cách là chủ tịch Hạ Viện.
Nhưng ông Newt Gingrich đến Bắc Kinh trước, và ông ấy chỉ dừng ở Đài Loan một thời gian rất ngắn và sau đó đi tiếp. Vào thời kỳ đó, Trung Quốc đã tỏ ra bực bội. Nhưng bây giờ bà Pelosi thực hiện điều này trên một quy mô lớn hơn rất nhiều, mức độ công khai cao hơn cả dấu hiệu của một chuyến thăm chính thức. Và điều này là một sự vi phạm thật sự nền tảng cơ bản của thỏa thuận mà Hoa Kỳ và Trung Quốc đã đạt được vào thời điểm bình thường hóa quan hệ. » (DemocracyNow ngày 03/08/2022)

Chiến lược « dân chủ chống chuyên quyền » và những hạn chế

Trên trang mạng của Viện Quincy, hai nhà nghiên cứu Sina Azodi1 và Christopher England2 cho rằng phản ứng mạnh mẽ của Bắc Kinh có một ý nghĩa quan trọng. Trung Quốc muốn chứng tỏ là một đối thủ ngang hàng với Mỹ và có khả năng trả đũa trên nhiều mặt. GDP của Trung Quốc giờ cao gấp 17 lần so với năm 1997. Chi tiêu quốc phòng của Trung Quốc cũng tăng gấp 15 lần, từ 15 tỷ trong năm 1997 lên 230 tỷ cho năm 2022, trong khi vẫn tăng đều đặn kho vũ khí hạt nhân để đạt mức 350 đầu đạn như hiện nay.

Hơn nữa, chuyến đi này của bà Pelosi càng củng cố hơn niềm tin của người dân Trung Quốc, nhất là phe « diều hâu » trong nội bộ đảng Cộng Sản, rằng Mỹ và phương Tây đang nỗ lực « kềm chế » sự trỗi dậy của Trung Quốc, ngăn cản nước này trở lại trường quốc tế, và việc kêu gọi bảo vệ dân chủ đơn giản chỉ là một cách nói uyển chuyển để thay đổi chế độ.

Vẫn theo hai nhà nghiên cứu của Viện Quincy, chuyến thăm Đài Loan của bà Pelosi đã làm lộ rõ những hạn chế trong chiến lược « dân chủ chống chuyên quyền », mà ông Biden xem như là một cột trụ trong chính sách đối ngoại nhằm khôi phục lại uy tín của nước Mỹ. Một mặt, sự việc diễn ra vào lúc nội tình nước Mỹ rối ren và bị chia rẽ sâu sắc vì hậu quả của cuộc tấn công đồi Capitole ngày 06/01/2021 và những tranh cãi gay gắt cho cuộc bầu cử giữa kỳ mùa thu năm nay.

Mặt khác, chuyến thăm này đã không giải đáp được thắc mắc về thực lực của Mỹ khi đối mặt với những thách thức mới do những quốc gia muốn xem xét lại trật tự thế giới đặt ra, và điều đó có nguy cơ làm gia tăng các biến động toàn cầu qua việc đe dọa các lợi ích chiến lược của các đối thủ như Nga và Trung Quốc tại những khu vực mà những nước này có một số lợi thế quân sự. Việc thúc đẩy trở lại nền dân chủ cũng có nguy cơ gây phản cảm ở chính các nước đồng minh của Mỹ từ Ả Rập Xê Út đến Thổ Nhĩ Kỳ, những nước mà Mỹ rất cần đến sự ủng hộ trong tương lai.


Tập trận quy mô lớn : Một chuẩn mới cho Đài Loan ?

Nhưng nhà chính trị học, Dominique Moisi, cây bút bình luận của Les Echos có cái nhìn khắt khe hơn khi tự hỏi : Trong chính sách đối với Trung Quốc, phải chăng Hoa Kỳ dường như đang chuyển từ « mập mờ » sang « lộn xộn » về chiến lược ? Việc chủ tịch Hạ Viện Mỹ đến Đài Bắc không xóa tan được những nghi vấn trước khả năng Mỹ từ bỏ « chiến lược mập mờ, mơ hồ » sau những phát ngôn của Joe Biden thời gian gần đây liên quan đến Đài Loan.

Rồi bởi vì, chuyến đi Đài Loan của Nancy Pelosi diễn ra vào một thời điểm khá đặc biệt. Hoa Kỳ và phương Tây đang nỗ lực cung cấp vũ khí cho Ukraina chống lại cuộc chiến xâm lược do Nga tiến hành từ nhiều tháng qua, nên việc khiêu khích Trung Quốc của Tập Cận Bình lúc này là không cần thiết.

Thứ nhất, điều đó còn tạo thêm cớ cho Trung Quốc « bình thường hóa » các hành động hung hăng mới đối với Đài Loan. Chuyên gia về hải quân Collin Koh, thuộc S. Rajaratnam School of International Studies tại Singapore, trả lời AFP dự báo, Đài Loan kể từ giờ sẽ phải quen thuộc với việc Trung Quốc thường xuyên tổ chức những cuộc tập trận lớn như vậy. « Những bài tập gần đảo chính của Đài Loan sẽ trở thành một chuẩn mực » và việc « quân đội Trung Quốc tiến hành các cuộc tập trận lớn như thế đã tạo thành một tiền lệ ».

Cũng theo vị chuyên gia này, mức thang tập trận sẽ còn được nâng cao hơn cả trên quy mô lẫn cường độ. Khi có căng thẳng, Trung Quốc cũng sẽ thường xuyên đưa tầu chiến hay chiến đấu cơ vượt qua bên kia đường trung tuyến, đường biên giới không chính thức giữa hai bên ở eo biển Đài Loan. Chuyến thăm của bà Pelosi đã mang lại cho Bắc Kinh « một cái cớ hay lời biện minh để nói rằng trong tương lai, Trung Quốc có thể tiến hành một cách hợp pháp các bài tập trận ở phía đông đường trung tuyến mà không phải bận tâm ».

Và nhất là đây cũng là cơ hội để đảng Cộng Sản Trung Quốc còn có thể củng cố hơn nữa tính chính đáng của mình khi kích động tinh thần dân tộc chủ nghĩa như lưu ý của nhà chính trị học, Jean-Philippe Béja, chuyên gia về Trung Quốc, giám đốc nghiên cứu danh dự thuộc Trung Tâm Nghiên Cứu Khoa Học Quốc Gia.

« Đảng Cộng Sản Trung Quốc xây dựng tính chính đáng dựa trên tinh thần chủ nghĩa dân tộc, sự trở lại của Trung Quốc trên trường quốc tế. Họ muốn chứng tỏ chính sách bất di bất dịch trong các vấn đề về quyền chủ quyền như đã cho thấy ở Hồng Kông, đương nhiên là họ đã thành công nhưng không chiếm được trái tim cử tri đặc khu hành chính. Và dĩ nhiên, đảng Cộng Sản Trung Quốc cũng chẳng bận tâm đến việc chinh phục tình cảm và trái tim người Đài Loan. Giờ chúng ta đang đối mặt với một đảng Cộng Sản Trung Quốc cực kỳ hung hăng, tìm cách áp đặt quan điểm của mình về quyền chủ quyền và cố kích động tinh thần chủ nghĩa dân tộc. » (France Culture ngày 03/08/2022)

Pelosi đi Đài Loan : Món quà tặng dành cho V. Putin và Tập Cận Bình

Thứ hai, sự « khiêu khích » này từ Mỹ có nguy cơ đẩy Trung Quốc của Tập Cận Bình ngày càng siết chặt hơn nữa mối liên minh với nước Nga của Vladimir Putin. Cho đến lúc này, Trung Quốc vẫn tìm cách tránh can dự trực tiếp và bắt đầu ngờ vực về sự thành công của chiến dịch quân sự của Nga.

Điều này giải thích vì sao bộ Quốc Phòng Mỹ ban đầu đã phản đối chuyến thăm, theo như nhận định của Pascal Boniface, chuyên gia về địa chính trị, Viện Quan Hệ Quốc Tế và Chiến Lược : « Bởi vì ông Biden cho rằng trong hoàn cảnh hiện nay, thúc đẩy hơn nữa mối liên minh giữa Bắc Kinh và Matxcơva là không đáng, rằng vấn đề Ukraina mới là khẩn cấp. Do vậy việc chọc giận Trung Quốc lúc này là chưa vội, vào thời điểm mà Hoa Kỳ đang nỗ lực chia rẽ Bắc Kinh và Matxcơva, càng xa càng tốt. » (LCI ngày 03/08/2022)

Món quà này không chỉ dành riêng cho Vladimir Putin mà cả cho Tập Cận Bình, ngay trước thềm Đại Hội đảng Cộng Sản Trung Quốc. Trên nguyên tắc, kỳ Đại Hội thứ XX này sẽ cho phép ông Tập nắm quyền thêm một nhiệm kỳ thứ ba, nhưng điều đó vẫn không che giấu được ngày càng nhiều tiếng nói chỉ trích ông thâu tóm quyền lực.

Từ cách xử lý dịch bệnh, dẫn đến nhiều hệ quả kinh tế nghiêm trọng gây bất mãn trong dân chúng, cho đến việc danh sách các nước mắc nợ Trung Quốc với những khoản tiền vay lớn đến chóng mặt rơi vào tình trạng mất khả năng thanh khoản ngày một thêm dài. Thế nhưng, theo nhà chính trị học, Jean-Philippe Béja, lịch trình chuyến đi Đài Loan của bà Pelosi vô hình chung lại là một cơ hội để ông Tập Cận Bình củng cố thêm vị thế của mình.

« Bởi vì vào lúc này, người ta nhận thấy Tập Cận Bình ngày càng trong thế thủ trước những bất bình được thể hiện. Có nhiều đồn đoán cho rằng có một sự phản đối mạnh mẽ trong hàng ngũ chóp bu đảng Cộng Sản. Đương nhiên những đồn đoán này là khó kiểm chứng nhưng người ta có thể nói rằng việc ông tái đắc cử tại Đại Hội Đảng lần thứ XX bắt đầu gây ra vấn đề. Nhưng rủi thay, chuyến thăm của bà Pelosi lại củng cố vị thế của ông ấy đối với xã hội Trung Quốc. Và cũng không may là vì những lý do chính trị nội bộ tại Mỹ, bà Pelosi đã thật sự không đặt ra câu hỏi về những gì chuyến đi của bà có thể gây ra cho khu vực, cũng như là cho (tổng thống)Thái Anh Văn và Đài Loan. » (France Culture ngày 03/08/2022)

ASEAN kẹt giữa đôi đàng

Cuối cùng, như nhận định của chuyên gia Pascal Boniface, sự việc cũng đặt các nước trong khu vực, các nước đồng minh, đặc biệt là khối ASEAN rơi vào thế khó xử. Trong bối cảnh, Hoa Kỳ đang tìm cách ve vãn tìm kiếm sự hậu thuẫn của các nước ASEAN cho chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương, chuyến thăm Đài Loan của Pelosi làm thổi bùng lên những căng thẳng, có nguy cơ gây tổn hại cho các lợi ích của những nước này, vốn dĩ cũng đang gặp khó khăn vì tình trạng lạm phát do đại dịch Covid-19 và chiến tranh Ukraina gây ra.

« Các quốc gia ASEAN bị giằng xé và không muốn chọn phe giữa Bắc Kinh và Washington. Họ cần sự bảo hộ của Hoa Kỳ và cũng cần có các mối quan hệ chặt chẽ với Trung Quốc. Thường các mối quan hệ thương mại của họ với Trung Quốc quan trọng hơn là với Mỹ như đã từng có cách nay 10 năm. Do vậy những nước này tự nhận mình như là những quốc gia thương mại, nên họ không thích có những căng thẳng chút nào đơn giản bởi vì điều đó chỉ bất lợi cho việc làm ăn và những nước đó biết rất rõ là họ cũng không thể tự mình bảo vệ cho an ninh đất nước nếu như căng thẳng giữa Bắc Kinh và Washington tăng thêm. Thế nên, tất cả những việc này chắc chắn là không làm cho các nước trong khu vực hài lòng và họ sẽ không phiêu lưu quy trách nhiệm cho bên này hay bên kia làm căng thẳng bùng lên. Họ muốn ở giữa hai phe và có những mối quan hệ với cả hai phía. Giờ thì những nước ASEAN đang trong một tình thế bất tiện nhất ». (LCI ngày 05/08/2022)


Nguyệt quế cho Pelosi, Đài Loan lãnh hậu quả

Tóm lại theo các nhà quan sát, bên lãnh hậu quả trước tiên của chuyến thăm « lịch sử » này không ai khác chính là Đài Loan. Trong một động thái mới nhất, Bắc Kinh hôm 10/8 công bố Sách Trắng mới, rút bỏ những lời hứa từng được đưa ra trong các phiên bản năm 1993 và năm 2000, theo đó, « sẽ không đưa quân đội hoặc nhân sự hành chính đến đóng tại Đài Loan » sau khi hoàn thành điều mà Bắc Kinh gọi là « thống nhất » Đài Loan, vốn bị Bắc Kinh coi là một vùng lãnh thổ không thể tách rời của Trung Quốc.

Trong sách trắng 2022, Bắc Kinh còn xóa bỏ những bảo đảm cho Đài Loan được hưởng quyền tự chủ sau khi trở thành đặc khu hành chính của Trung Quốc, hoặc cụm từ « bất cứ điều gì cũng có thể thương lượng được » miễn là Đài Loan chấp nhận chỉ có một Trung Quốc và không đòi độc lập…

Thế nên, ông Dominique Moisi cho rằng, một đại cường phải biết sắp đặt thứ tự của những ưu tiên. Liệu rằng Hoa Kỳ có đủ phương tiện và mong muốn để xử lý cùng lúc ba cuộc khủng hoảng gay gắt : Nga, Trung Quốc và Iran hay không ?

**********

Ghi chú:

(1) - Sina Azodi là Học viên sau Tiến sĩ về Quan Hệ Quốc Tế tại Đại học Nam Florida. Các lĩnh vực nghiên cứu của ông tập trung về an ninh quốc tế, không phổ biến vũ khí hạt nhân và quan hệ Mỹ-Iran.

(2) - Christopher England: Tiến sĩ Khoa học Chính trị tại Johns Hopkins, từng là giảng viên đại học Nam Florida.

3/30/22

Tổng tuyển cử Quốc Hội Hungary đột ngột gây cấn dưới bóng cuộc chiến Ukraina

RFI -Đăng ngày: 30/03/2022 - 15:32 

Thủ tướng Orbán Viktor trong buổi phát biểu quốc gia thường niên tại hội trường Varkert Bazaar, Budapest, Hungary, ngày 12/02/2022. AP - Anna Szilagyi

Bốn ngày trước cuộc tổng tuyển cử Quốc hội Hungary 2022, sẽ diễn ra vào Chủ Nhật 3/4, khoảng cách giữa liên minh cầm quyền và phe đối lập được rút ngắn. Giới bình luận cho rằng có thể có bất ngờ vào phút cuối. Dịch bệnh diễn ra liên miên trong 2 năm, và cuộc chiến Ukraina bất ngờ bùng nổ là những yếu tố khiến kết quả bầu cử khó tiên đoán hơn bao giờ hết, cho dù cánh hữu cầm quyền vẫn được coi là có lợi thế.

Nghe phần âm thanh:


Lập trường “không giống ai” của nội các Orbán Viktor trong hồ sơ Ukraina sẽ có ảnh hưởng ở mức nào tới lá phiếu người dân, hay là cử tri Hungary vẫn quan tâm hơn tới những vấn đề “cơm áo” như tiết kiệm chi phí điện, ga... do mua được với giá rẻ của Nga, hoặc tin hơn vào những tuyên truyền của giới lãnh đạo dân túy tự xưng là “đứng về lợi ích của dân tộc Hungary”? Đây đều là những câu hỏi mở cho những ngày tới!

3/23/22

Công nghệ mới phục vụ chiến tranh Ukraina

Internet và đội quân cyber (IT Army) làm tiêu tan hy vọng của Nga bắt Ukraina nhanh chóng đầu hàng. Kiev trực tiếp cầu cứu các tập đoàn « digital » của Mỹ hỗ trợ. Lần đầu tiên ngành công nghệ cao trực tiếp « lên tuyến đầu » trong chiến tranh. Công nghệ mới thời đại kỹ thuật số là một bước ngoặt trong chiến thuật quân sự của các bên. Chuyên gia trường quân sự Saint Cyr của Pháp, Julien Nocetti phân tích về vai trò của các công nghệ kết nối trong chiến tranh Ukraina. 

Nghe phần âm thanh:

Ngoài Kiev, phương Tây đã tăng cường khả năng phòng thủ đề phòng đối phó với các đợt tấn công cyber kể từ khi Matxcơva đưa quân xâm chiếm Ukraina. Xung đột thời đại kỹ thuật số đang diễn ra dưới những hình thức nào ? Công nghệ kết nối giúp ích được gì và đặt ra những thách thức nào cho các bên tham chiến ? Trong cuộc đọ sức quân sự bất tương xứng với Nga, Ukraina dường như đang chiếm thế thượng phong nhờ các phương tiện « kết nối ».

1/27/22

Đức chuẩn bị cho hợp pháp hoá cần sa dùng cho mục đích giải trí

Hợp pháp hoá phân phối và tiêu thụ cần sa cho mục đích giải trí là một trong những chính sách nổi bật trong kế hoạch của liên minh 3 đảng trong chính phủ của thủ tướng Olaf Scholz. Các doanh nghiệp và các công ty khởi nghiệp chuẩn bị sẵn sàng cho việc hợp pháp hoá. Tuy nhiên, phía chính phủ vẫn chưa đưa thêm bất cứ chương trình lập pháp cụ thể nào.

Nghe bản tin: RFI tiếng Việt

1/25/22

Việt Nam gia tăng sử dụng đường sắt Trung Quốc xuất hàng sang châu Âu

RFI tiếng Việt - Thu Hằng - Ngày 24.01.2022

Nghe: Phần âm thanh:


Các container hàng xuất khẩu được chất lên một chiếc tàu tại cảng Sài Gòn, Việt Nam, ngày 03/05/2020. AP - Hau Dinh

Hơn bốn tháng sau khi chuyến tầu container đầu tiên từ Hà Nội đến thành phố Liège, miền nam Bỉ, ngành vận tải đường sắt Việt Nam hài lòng về tiềm năng phát triển một trục vận tải mới, song song với đường biển. Việt Nam đã « tranh thủ » tuyến đường China-Europe Express, nằm trong Sáng Kiến Một vành đai một con đường (BRI) được chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khởi xướng năm 2014, để đưa hàng hóa đến tận Tây Âu.

Công ty Cổ phần Vận tải và Thương mại Đường sắt - Ratraco, đơn vị khai thác tuyến đường này, cho biết có 28 đoàn tầu, với khoảng 644 container 40 feet, đã đi sang châu Âu kể từ chuyến tầu đầu tiên xuất phát đi Liège ngày 20/07 đến hết tháng 11/2021. Thực ra, tầu container từ Việt Nam không đi thẳng đến Bỉ mà phải qua Trịnh Châu (Zhengzhou, tỉnh Hà Nam), điểm đầu của tuyến vận tải đường sắt nối với Liège (Bỉ), được khánh thành ngày 24/10/2018.

1/4/22

Việt Nam xây lò phản ứng mới để đáp ứng nhu cầu về chất phóng xạ

Đồng Euro 20 tuổi: Biểu tượng cho sự ổn định và hòa bình châu Âu

Minh Anh RFI - ngày 03/01/2022
Ngày 01/01/2022 là đúng 20 năm đồng euro được lưu hành trên thị trường. © AFP - DANIEL ROLAND
Vào thời khắc thế giới bước sang năm mới 2022, khu vực đồng tiền chung châu Âu cũng thổi 20 ngọn nến mừng ngày đồng Euro chính thức được lưu hành trên thị trường, thay thế đồng franc và 11 đồng tiền quốc gia khác. Hai mươi năm sau, trải qua bao cuộc khủng hoảng, đồng tiền chung duy nhất vẫn còn đang trong giai đoạn tăng trưởng.

Ngược dòng thời gian, ngày 01/01/2002, người dân tại một số nước châu Âu nói lời giã biệt với đồng franc của Pháp, peseta của Tây Ban Nha, hay đồng Mác của Đức… Tổng cộng khoảng 15 tỷ tờ giấy bạc, hơn 50 tỷ đồng kẽm đã được đưa vào thị trường. Sự xuất hiện của đồng Euro đã làm xáo trộn cuộc sống thường nhật của khoảng 304 triệu người dân châu Âu.

Đồng Euro : Nền tảng bảo đảm hòa bình

Nhà kinh tế học Edwin Le Heron, giáo sư trường đại học Khoa học Chính trị Sciences Po tại Bordeaux trong một chuyên mục video của Le Monde nhận định : « Đây cũng là lần đầu tiên các nước có chủ quyền quyết định từ bỏ đồng tiền của mình và cùng viết nên một lịch sử mới về đồng tiền chung châu Âu ». Vào thời điểm đó, năm 2002, Liên Hiệp Châu Âu bao gồm 15 nước, nhưng chỉ có 12 nước là lao vào một cuộc phiêu lưu đầy « táo bạo », chấp nhận đồng tiền chung châu Âu (Ailen, Áo, Bỉ, Bồ Đào Nha, Đức, Hà Lan, Hy Lạp, Luxembourg, Phần Lan, Pháp, Tây Ban Nha và Ý).

12/19/21

“CẨM NANG XANH” : Sự dũng cảm thay đổi trái tim

RFI- Lệ Thu  Đăng ngày: 18/12/2021

Ê-kíp làm phim Greenbook "Cẩm nang xanh” trên sân khấu Lễ trao giải Oscar 24/02/2019. AFP
Nghe: Phần âm thanh:


Vượt lên trên khá nhiều tranh luận xung quanh việc có xứng đáng được danh hiệu cao quý nhất tại lễ trao giải Oscar lần thứ 91 hay không, “Cẩm nang xanh” vẫn là một bộ phim chất chứa nhiều cảm xúc, mà trong đó người ta tìm thấy những nụ cười, những chân thành và cả những xót xa.

Truyện phim kể về câu chuyện có thật giữa một nghệ sĩ dương cầm da màu chơi nhạc Jazz - Don Shirley - và người vệ sĩ kiêm quản lí tour diễn của ông, Tony Lip Vallelonga, cùng tình bạn của họ trong suốt chuyến lưu diễn dài hai tháng xuôi theo miền Nam nước Mỹ đầu những năm 60 của thế kỉ trước. Ai cũng biết, thời điểm đó, đạo luật Jim Crow với đầy những quy tắc hà khắc nhắm vào người da màu vẫn đang rất thịnh hành ở nơi đây. Bởi vậy, nhắc tới “Cẩm nang xanh”, người ta nghĩ ngay tới một bộ phim với nội dung phân biệt chủng tộc, đặc biệt, phim lại lấy cảm hứng từ cuốn sách “The Megro Motorist Green Book”, cuốn sách được coi là Cẩm nang du lịch dành cho người da màu.

11/27/21

Đường lối cứng rắn của Đức thời hậu Merkel khiến Trung Quốc lo ngại

RFI - Trọng Nghĩa ngày 26.11.2021

Ba nhân vật sắp lãnh đạo nước Đức loan báo thỏa thuận thành lập chính phủ liên minh tại Berlin (Đức) ngày 24/11/2021. Từ trái sang phải: Christian Lindner, đảng Dân Chủ Tự Do FDP, Olaf Scholz đảng Dân Chủ Xã Hội SPD, bà Annalena Baerbock, đảng Xanh. Odd Andersen AFP

Sau gần 2 tháng thương thuyết kể từ khi cuộc tổng tuyển cử tại Đức kết thúc, ba đảng Dân Chủ Xã Hội (SPD), đảng Xanh và đảng Dân Chủ Tự Do (FDP)* ngày 24/11/2021 đã thông báo thỏa thuận về việc thành lập chính phủ liên minh mới. Dù chưa được chính thức hình thành và đi vào hoạt đông, nhưng tân chính phủ Đức đã làm dấy lên nhiều mối lo ngại tại Trung Quốc do quan điểm cứng rắn đối với Bắc Kinh được nêu lên trong bản thỏa thuận cầm quyền vừa công bố.

* Liên Minh Đèn Giao Thông: Đỏ (SPD), vàng(FDP), xanh (Bündnis 90/Die Grünen)


Đức sẽ không còn nhìn Trung Quốc qua lăng kính "trọng thương"

Nhận định của giới phân tích về chính quyền mới tại cường quốc kinh tế hàng đầu Châu Âu, môt trong hai đầu tầu của Liên Hiệp Châu Âu, đều thống nhất trên một điểm: Đức sẽ không còn nhìn Trung Quốc qua lăng kính “trọng thương” như trong 16 năm qua dưới thời bà Angela Merkel.

Thỏa thuận cầm quyền dài 178 trang của liên minh được báo giới gọi nôm na là liên minh “đèn hiệu giao thông” - bao gồm ba màu đỏ, biểu tượng của đảng SPD, xanh lá cây, biểu tượng của đảng Xanh và vàng, biểu tượng của đảng FDP - đã 12 lần nhắc đến Trung Quốc, trong đó có rất nhiều điểm chắc chắn làm cho Bắc Kinh tức tối vì nói đến các vấn đề như Đài Loan, Hồng Kông, Tân Cương, thậm chí cả Biển Đông.

Bắc Kinh được cho là cũng sẽ không hài lòng chút nào với chủ trương được chính quyền Đức thời hậu Merkel nêu bật là phối hợp chặt chẽ với Hoa Kỳ, tăng cường quan hệ với Nhật Bản và Úc, hai trong số những đối thủ chính của Trung Quốc trong vùng châu Á-Thái Bình Dương.

Điểm điển hình nhất về khác biệt giữa hai chính quyền “mới” và “cũ” tại Đức là việc liên minh sắp lên cầm quyền tại Đức không ủng hộ Thỏa Thuân Đầu Tư Liên Hiệp Châu Âu-Trung Quốc mà cựu thủ tướng Merkel đã hết sức thúc đẩy.

Đài Loan lần đầu tiên được nêu lên trong một thỏa thuận cầm quyền

Quan điểm cứng rắn đối với Trung Quốc của chính quyền Đức thời hâu Merkel được đã nêu lên bằng giấy trắng mực đen trong thỏa thuận liên minh. Theo giới quan sát, lập trường cứng rắn này xuất phát từ hai đảng nhỏ trong liên minh là đảng Xanh và đảng Dân Chủ Tự Do.

Thái độ cứng rắn đối với Bắc Kinh của chính quyền mới tại Đức được thể hiện trong quan điểm về Đài Loan. Theo ban biên tập Châu Âu tạp chí Mỹ Politico ngày 25/11, đây là lần đầu tiên mà một liên minh cầm quyền tại Đức đề cập đến Đài Loan.

Thỏa thuận công bố hôm 24/11 xác nhận là nước Đức vẫn tôn trọng nguyên tắc “Một Nước Trung Hoa Duy Nhất”, nhưng cho rằng: “Bất kỳ sự thay đổi hiện trạng nào ở eo biển Đài Loan đều phải diễn ra trong hòa bình và được cả hai bên đồng ý. Trong khuôn khổ chính sách Một Nước Trung Hoa của Liên Hiệp Châu Âu, chúng tôi ủng hộ sự tham gia của Đài Loan dân chủ vào các tổ chức quốc tế.”

Đây quả là một cú đánh mạnh vào Bắc Kinh, vốn luôn luôn tìm cách loại Đài Loan ra khỏi các tổ chức quốc tế.

Đức quan tâm đến nhân quyền tại Tân Cương, Hồng Kông

Lập trường quan tâm đến nhân quyền của liên minh cầm quyền mới tại Đức cũng là nguyên nhân khiến Trung Quốc bất bình. Thỏa thuận của Đức nhấn mạnh: “Chúng tôi rất quan tâm đến các vi phạm nhân quyền của Trung Quốc, đặc biệt là ở Tân Cương. Nguyên tắc ‘một quốc gia, hai chế độ’ ở Hồng Kông phải được tái khẳng định”.

Vấn đề lao động cưỡng bức ở vùng Tân Cương cũng được ghi nhận trong thỏa thuận: “Chúng tôi ủng hộ đề xuất của Liên Âu cấm nhập khẩu các sản phẩm từ lao động cưỡng bức”.

Riêng về hiệp định đầu tư EU-Trung Quốc, thỏa thuận của ba đảng sắp cầm quyền ở Đức ghi nhận thực tế: “Việc Liên Hiệp Châu Âu phê chuẩn Hiệp Định Đầu Tư EU-Trung Quốc trong không thể diễn ra vào lúc này vì nhiều lý do khác nhau”. Nói cách khác, tân chính quyền Đức cho rằng chừng nào mà các lệnh trừng phạt của Trung Quốc đối với các thành viên của Nghị Viện Châu Âu còn tồn tại, thì hiệp định đầu tư  sẽ không được thông qua.

Kêu gọi tôn trọng luật quốc tế tại Biển Đông và Biển Hoa Đông

Một trong những điểm nhức nhối khác đối với Trung Quốc là việc chính quyền sắp nhậm chức tại Đức không ngần ngại phê phán đường lối bành trướng của Bắc Kinh, đặc biệt là tại Biển Đông và Biển Hoa Đông.

Trong phần liên quan đến lãnh vực đối ngoại, thỏa thuân liên minh giữa ba đảng cầm quyền tại Đức nói rõ: “Kỳ vọng của chúng tôi đối với chính sách đối ngoại của Trung Quốc là nước này đóng một vai trò có trách nhiệm đối với hòa bình và ổn định ở khu vực lân cận”.

Một cách cụ thể hơn, thỏa thuận xác định rằng “các tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông và Biển Hoa Đông phải được giải quyết trên cơ sở luật biển quốc tế”.

Vấn đề kho vũ khí hạt nhân của Trung Quốc cũng được nhắc đến với chủ trương “hôi nhập mạnh mẽ hơn các quốc gia có vũ khí hạt nhân như Trung Quốc vào việc giải trừ hạt nhân và kiểm soát vũ khí”.

Phối hợp chặt chẽ với Mỹ và các nước đồng chí hướng

Chủ trương đoàn kết để tìm cách đối phó với Trung Quốc dù không được nói trắng ra, nhưng có thể được cảm nhận qua một số đề nghị như: “Chúng tôi tìm kiếm một sự phối hợp xuyên Đại Tây Dương - tức là với Hoa Kỳ - chặt chẽ hơn về chính sách đối với Trung Quốc và một sự hợp tác với các nước cùng chí hướng để giảm bớt sự phụ thuộc chiến lược”. Thỏa thuận đã nhắc tới các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, New Zealand và Ấn Độ.

Dĩ nhiên, chính quyền Đức vẫn sẽ duy trì các cuộc tham vấn liên chính phủ với Trung Quốc, nhưng theo dân biểu Nils Schmid, người phụ trách chính sách đối ngoại của SPD, đảng của thủ tướng Đức tương lai Olaf Scholz, thì “sẽ có nhiều cuộc tham vấn trước với EU và các quan chức từ Ủy Ban Châu Âu”. Các cơ chế tham vấn tương tự cũng có thể được hình thành với Nhật Bản.

Lập trường cứng rắn của chính phủ sắp lên nắm quyền tại Berlin đã lập tức gióng lên những hồi chuông báo động tại Bắc Kinh, với lời cảnh cáo được chính thức đưa ra ngay từ hôm qua, 25/11, theo đó Đức không nên xen vào những vấn đề “nội bộ” của Trung Quốc.

Bắc Kinh cảnh cáo Berlin

Theo hãng tin Mỹ Bloomberg, trong một cuộc họp thường kỳ tại Bắc Kinh, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên đặc biệt đả kích quan điểm mới của Đức về Đài Loan: “Các chính quyền trước đây của Đức đều ủng hộ chính sáNgoajch một nước Trung Hoa, và chúng tôi hy vọng chính quyền mới sẽ tuân thủ chính sách này, tôn trọng lợi ích cốt lõi của Trung Quốc và bảo vệ nền tảng chính trị cho quan hệ song phương”.

Như thông lệ, theo Bloomberg, Bắc Kinh còn ám chỉ tới nguy cơ vấn đề Đài Loan gây tổn hại cho quan hệ Đức-Trung khi kêu gọi Berlin làm việc với Bắc Kinh để phát triển quan hệ “và tập trung vào hợp tác thiết thực, thay vì ngược lại”.

Như để khẳng định lập trường của Trung Quốc, ông Triệu Lập Kiên không ngần ngại nhắc lại: “Tôi muốn nhấn mạnh rằng các vấn đề liên quan đến Đài Loan, Biển Đông, Hồng Kông và Tân Cương đều là công việc nội bộ của Trung Quốc”.

11/23/21

GS Vũ Quốc Thúc: " Phải chọn con đường vì dân tộc"

Bài đăng lại (Bài đã đăng ngày 16.12.2014) RFI  Phát ngày Thứ hai, ngày 15 tháng mười hai năm 2014
Nghe lại Giáo sư Vũ Quôc Thúc trả lời phỏng vấn RFI tại nhà riêng ở Nanterre, ngoại ô Paris, ngày 08/12/2014. RFI

Nghe phần âm thanh:

    Tập hồi ký của Giáo sư Vũ Quốc Thúc có tựa đề “Thời đại của tôi” ( gồm 2 cuốn “ Nhìn lại 100 năm lịch sử “ ( xuất bản năm 2009 ) và “Đời tôi trải qua các thời biến” ( xuất bản năm 2010) đã được sang tiếng Anh và vừa được xuất bản tại Hoa Kỳ.
    Đây là một sự kiện đáng chú ý bởi vì Giáo sư Vũ Quốc Thúc không những có nhiều đóng góp trong lĩnh vực giáo dục ở Việt Nam trước năm 1975, mà còn từng giữ nhiều chức vụ quan trọng trong chính quyền Việt Nam Cộng Hòa từ thời tổng thống Ngô Đình Diệm : Bộ trưởng Quốc gia Giáo dục, Thống đốc Ngân hàng Quốc gia, Quốc vụ khanh đặc trách Tái thiết và Phát triển...

    11/14/21

    “NGƯỜI TIỄN ĐƯA”: Cái Chết là khởi đầu của một chuyến đi đẹp đẽ

    Lệ Thu - RFI ngày 13.11.2021

    Nghe phần âm:


    Phim « Người tiễn đưa » (Departures) của đạo diễn Takita Yõjirõ, dựa theo cuốn hồi kí của Aoki Shinmon, là bộ phim Nhật đầu tiên gặt hái danh hiệu cao quý “Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất” trên thảm đỏ Oscar 2009. Gabriel BOUYS AFP/File

    Có một sự thật đáng ngạc nhiên về “Người tiễn đưa” là tác phẩm này đã phải đi đường vòng để đến được với công chúng Nhật dù đây là một bộ phim của Nhật Bản. Phim của đạo diễn Takita Yõjirõ, dựa theo cuốn hồi kí của Aoki Shinmon, được ra mắt tại Liên hoan phim thế giới Montreal vào tháng 08/2008, đạt được giải thưởng lớn và một tháng sau đó mới có cơ hội ra mắt bản tiếng Nhật ở trong nước.

    Ngay lập tức, “Người tiễn đưa” (tên tiếng Anh là Departures) đã gây tiếng vang lớn, nhận được giải thưởng của Viện Hàn Lâm Nhật Bản, trở thành bộ phim có doanh thu cao nhất năm, đồng thời, là bộ phim Nhật đầu tiên gặt hái danh hiệu cao quý “Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất” trên thảm đỏ Oscar vào năm 2009.

    11/10/21

    Kiểm soát các nguồn nước ngọt, nguyên nhân xung đột biên giới Ấn-Trung

    Một khúc sông Brahmaputra trên lãnh thổ Ấn Độ. © Aniruddha Buragohain/wikipedia.org

    Nghe phần âm thanh:


    Tháng 2/2021 sự kiện vỡ sông băng tại Himalaya, 150 người Ấn Độ thiệt mạng đã làm dấy lên trở lại tranh chấp giữa New Delhi và Bắc Kinh chung quanh một dự án Trung Quốc xây đập thủy điện trên sông Yarlung Tsang Po « lớn hơn cả đập Tam Hiệp ». Tranh chấp để làm chủ sông ngòi, khai thác những mạch nước tại biên giới Ấn-Trung càng lúc càng trở nên « nhậy cảm ».  

    Ấn Độ và Trung Quốc có một đường biên giới chung hơn 3.300 km ở một khu vực với những điều kiện khắc nghiệt với con người. Sông băng và những lớp tuyết trên dãy Himalaya là nguồn cung cấp nước ngọt cho gần một nửa dân số trên địa cầu.

    Đối với hàng triệu nông dân tại một vùng đất khô cằn ở cả hai phía bên đường biên giới Ấn-Trung, đây là những nguồn cung cấp nước duy nhất. Vận mệnh của hàng triệu dân ở phía đông bắc Ấn Độ và cả một phần Bangladesh tùy thuộc vào các nguồn nước từ con sông Yarlung dài gần 2.900 km bắt nguồn từ sông băng Angsi – Tây Tạng. Khi chảy qua lãnh thổ Ấn Độ, sông Yarlung trở thành dòng Brahmaputra, mạch sống của bang Arunachal Pradesh trước khi nhánh sông này nhập vào với sông Hằng, đổ ra vịnh Bangale.

    Chạy đua xây đập

    Từ 2009 Trung Quốc đã có dự án xây dựng thêm một đập thủy điện trên dòng sông Yarlung Zahng Po, với « công suất 70 triệu kilowatt/giờ, lớn hơn cả so với đập Tam Hiệp » trên Dương Tử Giang. Ấn Độ thấy trước dự án của Trung Quốc là một mối đe dọa « cả về mặt lương thực, lẫn quân sự ». Trung Quốc đề xuất một dự án xây dựng trong một vùng có nguy cơ động đất cao, rủi ro vỡ đập và sập núi là rất lớn. Nhưng để đáp trả Bắc Kinh, chính quyền New Delhi thông báo cũng xây đập thủy điện trên dòng Brahmaputra để « giảm thiểu tác động dự án Trung Quốc gây ra ».

    Ấn Độ, Trung Quốc lao vào một cuộc chạy đua xây dựng đập thủy điện mà không quan tâm đến tiếng nói của Bangladesh cửa ngõ đưa con sông này ra vịnh Bangale.

    Để hiểu được tranh chấp biên giới Ấn Độ -Trung Quốc hiện tại trên đài RFI Việt ngữ giáo sư địa chính trị Hugo Billard, trường Saint Michel Picpus Paris, đồng tác giả tập bản đồ về những đường biên giới, Atlas des Frontières – NXB Autrement, nhắc lại về sự hình thành của đường biên giới giữa hai cường quốc của châu Á này từ khi các vùng thuộc địa cũ trong Liên minh Ấn Độ của Anh Quốc giành được độc lập năm 1947.

    Ấn Độ, Pakistan, Bangladesh mà trước đây được biết đến dưới tên gọi là Đông Pakistan, rồi Miến Điện, Sri Lanka giành được độc lập từ chính quyền Anh năm 1947. Từ đó đặt ra vấn đề đường biên giới vĩnh viễn từng được vương quốc Anh khoanh vùng với các cường quốc lân cận như là Iran, Nga, Trung Quốc và kể cả với vùng thuộc địa của Pháp là Đông Dương. Làm thế nào để ổn định đường biên giới Ấn –Trung và làm thế nào lằn ranh đó phải được công nhận ?

    Cũng giáo sư Hugo Billard nhấn mạnh đến năm 1951 khu vực biên giới giữa hai quốc gia này mới bắt đầu trở thành một điểm nóng. Khi đó Trung Quốc xâm chiếm Tây Tạng. Đây là một vùng đất rộng lớn bằng một phần ba diện tích Trung Quốc và là một môi trường khá khắc nghiệt với con người. Làm chủ được Tây Tạng, Trung Quốc đương nhiên mở ra đường biên giới 3.380 cây số với Ấn Độ.

    Cũng chính đường biên giới này đã cho phép Bắc Kinh đòi hỏi chủ quyền tại ba điểm : một là tại Aksai Chin – phía tây bắc Tây Tạng. Điểm tranh chấp thứ nhì là vùng lãnh thổ Sikkim, nằm kẹt giữa Nepal và Bhoutan. Với chỉ khoảng 6.000 dân cư, nhưng Sikkim là nơi đã hai lần Trung -Ấn giao tranh vào những năm 1962 và 1975. Sau cuộc đọ sức cuối cùng này, thì Sikkim đã thuộc về Ấn Độ. Tuy nhiên điểm nóng thứ ba - và cũng là điểm gây nhiều chú ý hơn cả là vùng Arunachal Pradesh ở phía đông. Đây là một vùng đất màu mỡ, năm con sông của bang này đề bắt nguồn từ dãy Himalaya. Bắc Kinh và New Delhi tranh chấp cả về đường biên giới lẫn quyền kiểm soát vùng lãnh thổ này. Hiện tại bang Arunachal Pradesh do Ấn Độ kiểm soát. Giáo sư Hugo Billard tuy nhiên lưu ý tranh chấp biên giới trước hết là một lá bài để cả Bắc Kinh lẫn New Delhi khơi dậy niềm tự hào dân tộc :

    Hugo Billard : « 3.380 cây số đường biên giới là nơi mà bất kỳ lúc nào cũng có thể xảy ra tranh chấp tùy vào thời điểm, vào bối cảnh chính trị nội bọ của mỗi bên. Thí dụ, tình hình tại Aksai Chin tùy thuộc vào mối quan hệ hữu hảo giữa Ấn Độ với Pakistan, một đồng minh của Bắc Kinh nhưng lại là đối thủ của New Delhi. Sikkim thì đã thuộc hẳn về Ấn Độ. Riêng bang Arunachal Pradesh, đây là nơi thường xuyên xảy ra giao tranh giữa binh sĩ Ấn Độ và Trung Quốc. Từ thập niên 1970, trên thực tế, cả Trung Quốc lẫn Ấn Độ cùng không có lợi ích gì khi khiêu khích đối phương để dẫn tới xung đột, bởi về thực chất, không bên nào có đủ phương tiện hay quyết tâm. Phía Ấn Độ thì rõ ràng là không đủ phương tiện còn đối với Trung Quốc, đường biên giới trên bộ không phải là một ưu tiên. Ưu tiên của Bắc Kinh là biên giới trên biển. Dù vậy cả hai phe cùng thường xuyên khai thác lá bài chủ quyền biên giới để chứng minh với công luận trong nước rằng Trung Quốc cũng như Ấn Độ không nhượng một tấc đất cho đối phương. Mỗi bên đều có nhu cầu chứng tỏ làm chủ tình hình ở các đường biên giới »

    Vành đai Trung Quốc

    Vẫn trong mắt nhà địa chính trị Hugo Billard, New Delhi có hai cách tiếp cận vấn đề tranh chấp đường biên giới. Về mặt địa lý và chiến lược, Ấn Độ luôn cảm thấy bị Trung Quốc kềm tỏa. Từ những năm 1990 vì những lợi ích kinh tế và chiến lược, Bắc Kinh đã thắt chặt quan hệ với Pakistan, với Miến Điện. Trung Quốc có nhiều lá chủ bài trong tay, lúc thì dùng những dự án xây dựng hệ thống xe lửa, khi thì chiêu dụ đối phương bằng những kế hoạch phát triển hải cảng, mở rộng các tuyến giao thông đường biển, hay những dự án xây dựng cơ sở hạ tầng : xa lộ trường học, bệnh viện …

    Hugo Billard : « Ấn Độ có cảm tưởng là bị Trung Quốc bao vây, kềm cặp : Ở phía bắc, đôi bên có đường biên giới chung. Phía tây Ấn Độ là Pakistan, ở phía đông thì có Miến Điện. Cả Islamabad lẫn Naypyidaw đều chịu ảnh hưởng rất lớn của Bắc Kinh. Bước kế tới là Trung Quốc đã đẩy mạnh đầu tư vào Sri Lanka, biến quốc gia này thành tai mắt của Bắc Kinh ở phía nam Ấn Độ để quan sát cả vùng Ấn Độ Dương. Đối với New Delhi, đó là những dấu hiệu cho thấy Trung Quốc tìm cách bao vây, đến mức khiến Ấn Độ ngạt thở »

    Tuy nhiên một yếu tố quan trọng khác trong cuộc đọ sức Ấn- Trung, vế chính trị được cả đôi bên chú trọng. Về phía Ấn Độ, từ năm 2014 thủ tướng Narendra Modi lên cầm quyền và ông luôn khai thác lá bài dân tộc chủ nghĩa để kiếm phiếu. Song song với việc ve vãn công luận trong nước chính quyền Modi liên tục mở rộng, nâng cấp đối thoại với các đồng minh. Đứng đầu là Nga, bởi vì New Delhi luôn có một một quan hệ mật thiết về mặt chiến lược. Bên cạnh đó thủ tướng Modi đã đặc biệt chú trọng đến bang giao với Hoa Kỳ, với Pháp, một cường quốc trong vùng Ấn Độ Thái Bình Dương. Úc, Nhật và cả các quốc gia Đông Nam Á cũng càng lúc càng trở thành những đối tác cho phép New Delhi giải tỏa bớt vòng vây của Trung Quốc.

    Cuộc chiến kiểm soát nguồn nước ngọt

    Tuy nhiên nhu cầu thoát khỏi gọng kềm Trung Quốc, đối với Ấn Độ, theo như phân tích của giáo sư địa chính trị Hugo Billard chỉ là một trong những yếu tố trong bang giao song phương. Bên cạnh đó một nguyên nhân khác thường xuyên dẫn đến xung đột Ấn – Trung là nhằm kiểm soát các nguồn nước ngọt trong dẫy Himalaya. Giáo sư Hugo Billard, nhấn mạnh đến chìa khóa đang được đặt ở dẫy Himalaya :

    Hugo Billard : « Dẫy núi có độ cao hơn 8.000 mét này thực ra là một bể nước vô cùng to lớn đối với cả Trung Quốc lẫn Ấn Độ. Tuy nhiên Trung Quốc thì còn có thể trông cậy vào cả vùng cao nguyên Tây Tạng rộng lớn với khá nhiều sông ngòi mà trong đó có những con sông lớn, thành thử, nhu cầu về nước ngọt về phía Trung Quốc không mang tính sống còn. Ngược lại đối với Ấn Độ, phần lớn các con sông bắt nguồn từ những vùng sát cạnh với Trung Quốc. Cho nên trong trường hợp xảy ra giao tranh, nước có thể trở thành một vũ khí để Bắc Kinh bắt chẹt đối phương. New Delhi ý thức được là cần phải làm chủ các nguồn nước ngọt, làm chủ sông ngòi ở khu vực phía bắc này để bảo đảm nhu cầu của một phần lãnh thổ. Ấn Độ cần được bảo đảm rằng, các nguồn nước xuất phát từ Himalaya không thể bị căng thẳng với Trung Quốc tác động ».

    Đó là lý do khiến dự án Trung Quốc xây đập ngay tại hạt Medog trên dòng Yarlung là « giọt nước làm tràn ly » trong mắt giới lãnh đạo Ấn Độ. Cũng giáo sư Hugo Billard trường Saint Michel Picpus - Paris nêu bật : ngoài yếu tố mang tính sống còn của con sông này đối với 1,3 triệu dân của bang Arunachal Pradesh, trong tiềm thức của người Ấn Độ giáo, « làm chủ được các mạch sông ngòi còn có ý nghĩa thiêng liêng » và là một biểu tượng cao về « linh hồn của những dòng sông ».

    Phía Bắc Kinh thì đơn giản xem việc xây một cái đập thứ năm (bên cạnh 4 đập thủy điện đang hoạt động và hai công trình đã được khởi công) trên nhánh sông chính của dòng Yarlung là nhằm « đáp ứng nhu cầu về năng lượng, giảm thiểu mức độ lệ thuộc vào năng lượng hóa thạch ».

    Trên nhật báo Times of India đầu năm 2021, nhà chính trị học Brahma Chellaney lưu ý : « Tranh giành các nguồn nước ngọt là một yếu tố then chốt giải thích thái độ hung hăng của Trung Quốc » với nước láng giềng phía nam, bởi Bắc Kinh ý thức được về thế thượng phong của mình nhờ có Tây Tạng, thượng nguồn của nhiều dòng sông. Về nguy cơ các đập thủy điện Trung Quốc xây dựng tại một khu vực có rủi ro động đất cao, nhà nghiên cứu này kết luận : mỗi đập nước là một « quả bom nổ chậm đe dọa hàng triệu, hàng chục triệu dân cư ở hạ nguồn ».