Showing posts with label Kinh tế. Show all posts
Showing posts with label Kinh tế. Show all posts

9/14/21

Châu Âu ngạt thở vì thiếu chip điện tử của châu Á

RFI- Thanh Hà Đăng ngày: 14/09/2021 - 15:49

Một nhà máy của hãng xe Đức Volkswagen trong tình trạng thiếu chip điện tử. Ảnh minh họa. © AP - Jens Meyer
Trung Quốc biết lo xa vơ vét chip điện tử. Châu Á, nguồn cung cấp đến 80 % linh kiện bán dẫn cho thị trường toàn cầu, bị tê liệt một phần dưới tác động của biến thể Delta, Covid-19. Hậu quả kèm theo là châu Âu bị vạ lây. Nhiều nhà máy trên Lục Địa Già phải tạm đóng cửa vì thiếu linh kiện bán dẫn.

Hàng loạt các nhà máy trên thế giới phải hoạt động chậm lại, công nhân bị cho nghỉ việc vì lý do « kỹ thuật », lỗi do thiếu « não bộ » của hàng tỷ máy móc điện tử, từ xe hơi, đến điện thoại thông minh, máy tính cá nhân, TV, thẻ tín dụng ngân hàng...

Châu Âu lệ thuộc đến 94 % vào chịp « nhập khẩu » bị nặng hơn cả. Trong chưa đầy một năm, các nhà máy sản xuất xe hơi ở Rennes (miền tây bắc nước Pháp), tại Sochaux (miền đông) hay ở Onnaing (miền bắc), đều đã phải tạm cho nhân viên nghỉ việc trong nhiều đợt. Nhìn rộng ra hơn tại châu Âu, các xưởng sản xuất của hãng xe Nhật Toyota chỉ hoạt động 40 % so với công suất bình thường. Lý do : nhà máy không còn chip điện tử để lắp ráp xe. Toyota không là trường hợp duy nhất. Đối thủ đáng gờm nhất của hãng xe Nhật này là tập đoàn Đức, Volkswagen cùng chung số phận. Tập đoàn sản xuất xe vận tải của Thụy Điển, Scania cuối tháng 8/2021 thông báo « ngưng sản xuất trong vòng một tuần » tại tất cả các nhà máy ở Thụy Điển, Pháp và Hà Lan.

Riêng chi nhánh của tập đoàn Peugeot tại Rennes, sau ba tuần lễ nghỉ hè trong tháng 8, nhân viên bất ngờ được kéo dài thời gian nghỉ phép ngoài ý muốn. Tổng giám đốc Emil Frey France, chuyên phân phối 28 hiệu xe khác nhau tại 250 văn phòng đại diện trên toàn quốc khẳng định : « Thời gian giao hàng bị trễ từ sáu đến 9 tháng ».

Theo thẩm định của cơ quan tư vấn Boston Consulting, hiện tượng khan hiếm linh kiện bán dẫn ảnh hưởng trực tiếp đến khoảng 8 triệu chiếc xe bán ra trên thế giới chỉ riêng trong năm nay, tương đương với gần 10 % của thị trường toàn cầu. Khoản thất thu kèm theo, ước tính lên tới khoảng 110 tỷ đô la theo thẩm định của Alix Partners, trụ sở tại New York. Vấn đề đặt ra là hiện tượng khan hiếm chip điện tử có nguy cơ kéo dài.

Trả lời đài phát thanh tư nhân Radio Classique hôm 03/09/2021, Paul Boudre tổng giám đốc Soitec, tập đoàn cung cấp nguyên liệu để sản xuất công nghệ bán dấn của Pháp, chờ đợi « cơn khát » này sẽ kéo dài thêm « từ sáu đến chín quý nữa » có nghĩa là đến cuối 2023 : « Sự khan hiếm này được xác định ở nhiều cấp trước hết là từ phía các lò đúc. Như đã biết khoản đầu tư cần thiết trong ngành được tính hàng tỷ đô la. Các dây chuyền sản xuất đã hoạt động hết công suất. Bây giờ cần bắt buộc phải xây dựng những nhà máy máy mới và cần có thời gian để cân bằng mức cung và cầu ».....

Đoc toàn bài : Châu Âu ngạt thở vì thiếu chip điện tử của châu Á

Phần âm thanh:

5/11/21

Đăng lại thơ Đường chọc giận lãnh đạo, tỷ phú TQ bị 'thị trường phạt'

BBC tiếng Việt

Vương Hưng, sinh năm 1979, quê Phúc Kiến, đã tốt nghiệp ĐH Thanh Hoa và hiện là tỷ phú với tài sản 28 tỷ USD vào đầu 2021

Cổ phiếu tập đoàn chuyên bán lẻ trao tay đồ ăn Meituan sụt giảm mạnh vì bài thơ Phần Thư Khanh thời Đường.

Chỉ vì chia sẻ lại trên mạng xã hội một bài thơ Đường chỉ trích Tần Thủy Hoàng, ông chủ tập đoàn Meituan, Vương Hưng đã khiến cổ phiếu của công ty khổng lồ này bị sụt giảm.

Từ một startup gọi đồ ăn, công ty Meituan 美團 (Mỹ Đoàn) có sự hỗ trợ của Tencent, đã vươn lên thành nhà khổng lồ cung cấp dịch vụ ăn uống và lối sống (lifestyle services) hàng đầu Trung Quốc.

Sáng thứ Hai tuần này (10/05), cổ phiếu của họ bị sụt 14 % vì ông Vương Hưng chia sẻ bài Phần Thư Khanh của thi sĩ Chương Kiệt (836-905). 

4/12/21

Tiền ảo Bitcoin có thể khiến Bắc Kinh thất bại trong cuộc chiến khí hậu

RFI - Trọng Thành
Tiền ảo Bitcoin mang lại các khoản lợi nhuận không ngờ, nhưng cũng gây tổn hại trầm trọng khi môi trường, do sử dụng nhiều điện. Bitcoin có thể khiến Bắc Kinh thất bại trong các cam kết khí hậu : Ảnh minh họa REUTERS - DADO RUVIC

Tiền ảo Bitcoin gây ô nhiễm nghiêm trọng tại Trung Quốc, do tiêu thụ rất nhiều điện, đặc biệt là điện than, theo nghiên cứu mới của một nhóm khoa học gia Trung Quốc. Phát triển tiền ảo đe dọa mục tiêu cắt giảm khí thải để hãm lại đà hâm nóng khí hậu, mà chính quyền Tập Cập Bình hứa hẹn với quốc tế. 

« Đào tiền ảo Bitcoin » : Tốn điện ngang với Ý

Đồng tiền ảo Bitcoin gây nhiều thèm muốn, cũng như lo sợ. Bitcoin được coi là mang lại những món lợi trời cho với khá nhiều người này, trên thực tế, gây rất nhiều tổn hại cho môi trường. Theo một nghiên cứu, vừa được công bố trên tạp chí Nature Communications, ngày 06/04/2021, đồng tiền ảo này tốn rất nhiều điện, đặc biệt là điện than, sẽ có thể làm Bắc Kinh thất bại trong mục tiêu cắt giảm khí thải đúng hạn. Hiện tại, điện cho Bitcoin đã chiếm 0,6% điện tiêu thụ toàn cầu. Theo nghiên cứu này, nếu không có biện pháp, từ đây đến 2024, ngành công nghiệp Bitcoin sẽ tạo thêm mỗi năm hơn 130 triệu mét khối khí thải CO2, ngang với điện tiêu thụ của Ý, một cường quốc công nghiệp. Đặc phái viên thường trú của RFI Stéphane Lagarde cho biết thêm :

4/10/21

Trung Quốc phạt năng Alibaba vì tội lạm dụng thế độc quyền

Thanh Hà / RFI


Ảnh minh họa: Tập đoàn Alibaba của Trung Quốc. Ảnh tháng 11/2020, nhân Hội Nghị Thế Giới Internet (WIC) ở Chiết Giang, Trung Quốc. REUTERS - ALY SONG

Trung Quốc giáng một đòn đau vào tập đoàn Alibaba của nhà tỷ phú Mã Vân/Jack Ma. Báo chí Bắc Kinh ngày 10/04/2021 tiết lộ 18,2 tỷ nhân dân tệ tức khoảng 2,8 tỷ đô la Mỹ là khoản nộp phạt mà tập đoàn mua bán trên mạng Alibaba sẽ phải đóng cho nhà nước. Alibaba bị cáo buộc lạm dụng thế độc quyền, bắt chẹt các nhà cung cấp muốn bán hàng trên mạng giao dịch này.

Hãng tin Mỹ Bloomberg ghi nhận khoản tiền phạt « khổng lồ nói trên cao gấp ba lần so với số tiền mà Qalcomm đã phải nộp hồi năm 2015 ».

Thông tín viên Liu Zifan của đài RFI từ Bắc Kinh nhắc lại từ cuối năm 2020, chủ nhân Alibaba Jack Ma đã bị thất sủng.

« Khoản tiền phạt tương đương với 4% doanh thu của tập đoàn này trong năm 2019. Đây là một vố đau mới đối với Alibaba vốn đã trong vòng điều tra từ tháng 10 năm ngoái.

Tập đoàn có trụ sở tại Hàng Châu, miền nam Trung Quốc này, từ nhiều tuần qua rơi vào tầm ngắm của các giới chức Trung Quốc sau những tuyên bố hồi tháng 10 năm ngoái của chủ nhân Alibaba. Từng được xưng tụng đôi khi quá đáng, Jack Ma đã cả gan chỉ trích guồng máy kiểm soát tài chính của Trung Quốc và chính cơ quan này đã ban hành lệnh phat nặng nhắm vào tập đoàn Alibaba.

Gần như cùng lúc, Bắc Kinh đã chận chi nhánh tài chính của Alibaba là Ant Group tham gia sàn chứng khoán. Nhẽ ra đây phải là thương vụ tài chính quan trọng nhất trong lịch sử tài chính Trung Quốc.

Một cách tổng quát hơn toàn bộ lĩnh vực internet đang bị theo dõi. Theo quan điểm của đảng Cộng Sản Trung Quốc, ảnh hưởng của lĩnh vực này đã quá lớn. Bắc Kinh muốn là các đại công ty trong lĩnh vực công nghệ cao phải quay trở lại và tập trung phát triển chuyên môn chính của những công ty này ».

1/29/21

Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) 2021 bắt đầu diễn ra theo hình thức trực tuyến


Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) 2021 đã được khởi động ngày 24/1 với sự kiện trao giải thưởng Crystal được tổ chức trực tuyến do đại dịch COVID-19.

Trước lễ trao giải, nhà sáng lập WEF Klaus Schwab đã đọc diễn văn khai mạc bằng thông điệp video, khẳng định 2021 sẽ là một năm thế giới thoát khỏi đại dịch một cách "linh hoạt hơn, bao trùm hơn và bền vững hơn".

Giải thưởng Crystal nhằm mục đích vinh danh các nghệ sĩ có đóng góp tiêu biểu nhằm cải thiện hiện trạng của thế giới. Năm nay kiến trúc sư người Anh gốc Phi David Adjaye và nghệ sĩ nhiếp ảnh Brazil Sebastiao Salgado là những người được vinh danh.

Theo kế hoạch, các nhà lãnh đạo thế giới đã bắt đầu hội nghị Davos trực tuyến từ ngày 25/1 thay vì hình thức truyền thống thường niên tại Thụy Sĩ. Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu chìm sâu trong khủng hoảng, chương trình nghị sự của hội nghị gồm tình trạng thất nghiệp và nợ tăng cao, bất bình đẳng thu nhập gia tăng cũng như vấn đề biến đổi khí hậu.

WEF hiện kỳ vọng có thể tổ chức hội nghị thượng đỉnh theo hình thực trực tiếp tại Singapore vào tháng 5 tới.

1/26/21

Vì sao tổng thống Biden hủy bỏ Keystone XL?

25/01/2021
Jackhammer Nguyễn


Một quyết định hành pháp được tổng thống Biden ký trong những giờ đầu tiên nắm quyền là hủy bỏ dự án đường ống dẫn dầu Keystone XL (gọi tắt là Keystone), dẫn dầu thô từ Canada sang Mỹ.

Dự án Keystone là gì? Và tại sao nó lại trở thành chủ đề tranh cãi đến hàng chục năm nay? Các vấn đề môi trường lớn đến mức nào?

Keystone là gì?

Dự án Keystone được công ty năng lượng Canada TC Energy (TransCanada) đưa ra lần đầu tiên vào tháng 7 năm 2008, để vận chuyển dầu khai thác từ vùng cát dầu của tỉnh bang Alberta sang Mỹ.

Đường ống dẫn dầu xuyên quốc gia giữa Mỹ và Canada vốn đã có, nhưng dự án mới là một con đường tắt để vận chuyển nhiều hơn. Dự án dài khoảng 1700 dặm xuyên qua Alberta, Saskatchewan ở Canada và băng qua các tiểu bang Montana, South Dakota và Nebraska của Mỹ.
Đường ống Keystone XL Ảnh : Internet

Ngay sau khi dự án được công bố, các nhà bảo vệ môi trường Canada, dẫn đầu là bà Susan Casey-Lefkowitz bắt đầu cuộc vận động khổng lồ và dài hơi để phản đối. Có nhiều lý do họ đưa ra cho việc phản đối này: khai thác cát dầu sẽ tàn phá một vùng rừng lạnh mênh mông của Canada, rò rỉ từ đường ống sẽ hủy hoại nước ngầm của các nông dân Mỹ, khí thải từ việc chế biến này sẽ tăng lên rất nhiều.

Việc phản đối dự án, cho đến nay đã tập trung được hàng trăm nhóm khác nhau, các nhóm môi trường Mỹ và Canada, nông dân, thổ dân da đỏ,… và nhiều nhà khoa học, các nhóm bảo vệ hoang dã từ Texas đến Idaho…

Năm 2009, trong chuyến ra nước ngoài đầu tiên của mình đến Canada, tổng thống Obama đã được các nhà hoạt động môi trường vận động hủy bỏ dự án. Ông hứa là sẽ xem xét các quan ngại của họ.

Nhưng với sự vận động của các nhóm công nghiệp năng lượng, bộ ngoại giao Mỹ vẫn có khả năng đồng ý cấp giấy phép cho dự án. Các nhóm môi trường tiếp tục làm áp lực mạnh mẽ, mà đỉnh điểm là cuộc biểu tình trong hai tuần lễ của mùa hè năm 2011 xung quanh Tòa Bạch Ốc, dẫn đến việc bắt giữ khoảng 1200 người vì bất tuân dân sự.

Sau đó ít lâu có một cuộc biểu tình đến 12 ngàn người bao vây Tòa Bạch Ốc, đòi hủy bỏ dự án.

Các mạnh thường quân của tổng thống Obama, chỗ riêng tư và công khai, gây sức ép đòi ông hủy bỏ dự án.

Tháng 2/2013, vài ngày sau khi ông Obama bắt đầu nhiệm kỳ 2, khoảng 35 ngàn người biểu tình ở trung tâm Washington DC, phản đối dự án.

Tháng 11/2015, với sự đồng ý của cơ quan môi trường liên bang (EPA), tổng thống Obama tuyên bố chấm dứt dự án Keystone.

Bốn ngày sau khi lên cầm quyền, tổng thống Donald Trump đảo ngược quyết định của ông Obama.

Ông Trump bị các nhóm môi trường kiện và ông bị thua trong hai vụ, nhưng từng bước, với sự bãi bỏ nhiều quy định bảo vệ môi trường, ông Trump và các đồng minh thân hữu của các công ty năng lượng, lại phục hồi dần dự án Keystone, cho đến ngày 20/1/2021, nó bị tổng thống Biden chấm dứt.

Người dân tiểu bang South Dakota, Mỹ, biểu tình chống dự án Keystone XL hồi tháng 1/2019. Nguồn: AP

Môi trường, việc làm và thị trường

Muốn hiểu sự lo lắng cao độ của các nhóm môi trường, phải hiểu biết bản chất của cát dầu là gì. Đây không phải là dầu mỏ dưới dạng lỏng mà là dạng đặc có hình dáng, cấu trúc như những miếng nhựa trải đường, hay còn gọi là hắc ín. Tên tiếng Anh của nhiên liệu này là “bitumen”, một số tài liệu tiếng Việt trong nước viết là “bitum”.

Có hai cách vận chuyển nguyên liệu này, hoặc bằng xe tải hay xe lửa, khi mới đào lên. Thứ hai là sơ chế nó thành chất lỏng rồi chuyển bằng đường ống, như dự án Keystone mong muốn. Giá vận chuyển bằng đường ống rẻ hơn nhiều so với bằng đường bộ, và đó chính là lý do các công ty năng lượng nằng nặc vận động cho dự án.

Có hai điều đặc biệt nguy hiểm cho môi trường, phát sinh từ việc vận chuyển bitumen. Thứ nhất là nó nặng hơn dầu thô bình thường, khi bị rò rỉ sẽ chìm xuống nước, khó được tẩy rửa hơn so với dầu thô bình thường. Thứ hai là trong bitumen có nhiều chất rất độc, ăn mòn kim loại, hủy hoại nhanh chóng các đường ống dẫn.

Về mối nguy hiểm thứ nhất, người ta lo ngại rằng, đường ống Keystone sẽ hủy hoại bồn nước ngầm Ogallala nằm dưới lòng đất ở tiểu bang Nebraska và một số bang lân cận. Bồn nước ngầm này đang cung cấp nước uống cho hàng triệu người và tưới cho 30% đất đai nông nghiệp của Mỹ.

Về mối nguy hiểm thứ hai, hồi tháng 7/2010, giữa lúc các nhóm vận động hủy bỏ dự án đang giằng co với chính quyền Obama thì một vụ rò rỉ dầu chế biến từ bitumen xảy ra gần thành phố Kalamazoo, bang Michigan, của công ty Enbridge. Đường ống dẫn bị vỡ, tung ra hàng triệu gallon dầu bitumen. Hàng trăm người phải đi bệnh viện, và việc tẩy rửa sau đó tốn hàng tỷ Mỹ kim và nhiều năm kiện tụng, dàn xếp trong tòa án. Vụ rò rỉ này là vụ rò rỉ dầu lớn nhất trên đất liền trong lịch sử nước Mỹ.

Chính vụ Kalamazoo làm phong trào phản đối Keystone càng mạnh mẽ, kêu gọi được cả sự chú ý của những nhân vật cộng đồng như Đức Đạt Lai Lạt Ma, Đức Tổng giám mục Desmond Tutu…

Các nhóm thúc đẩy dự án đưa ra lý do là dự án khổng lồ này sẽ tạo nhiều công ăn việc làm. Theo TC Energy, nó sẽ tạo ra 119.000 công việc làm. Nhưng theo con số của Bộ Ngoại giao Mỹ được tổ chức bảo vệ môi trường Natural Resources Defense Council (NRDC, thành lập năm 1970) cho biết, có khoảng 2000 công việc được tạo nên trong 2 năm xây dựng, sau đó giảm xuống còn… 35.

Một lập luận nữa được những người ủng hộ dự án đưa ra là để cho nước Mỹ không phụ thuộc vào dầu nhập cảng từ các quốc gia không thân thiện như Venezuela, Iran. Nhưng theo tính toán của NRDC, phần lớn lượng dầu lọc từ bitumen của Keystone sẽ được xuất khẩu. Từ năm 2015 lệnh cấm xuất khẩu dầu thô của Mỹ đã bị dỡ bỏ vì thặng dư dầu khai thác từ công nghệ ép đá phiến (shale oil fracking). Ngoài ra các nguồn dầu rẻ tiền, dễ lọc cũng sẵn sàng hơn từ Brazil, Guyana, phát hiện trong những năm gần đây.

Canada là nguyên nhân chính

Nếu như việc hủy bỏ Keystone không ảnh hưởng đến an ninh năng lượng cũng như việc làm của Mỹ, thì nó có thể ảnh hưởng nhiều đến Canada, quốc gia xuất khẩu năng lượng nhiều nhất vào Mỹ và nền kinh tế của Canada phụ thuộc rất lớn vào việc xuất khẩu này, đặc biệt là tỉnh Alberta nơi có mỏ dầu bitumen.

Và đây không phải là lần đầu Canada gặp khó khăn vì nền kinh tế phụ thuộc xuất khẩu nguyên liệu này. Canada cũng đã từng phản đối việc cấm sử dụng chất asbestos có trong khoáng chất amiant, dùng làm chất cách nhiệt, giữ ấm trong nhà, vì Canada là nước sản xuất phần lớn khoáng chất này. Chất asbestos là chất gây ung thư phổi.

Cuộc gặp giữa hai lãnh đạo Mỹ và Canada là ông Biden – Trudeau sắp tới đây, được dự trù là sẽ bàn nhiều đến quyết định hủy bỏ dự án Keystone. Canada và Mỹ là hai đồng minh kinh tế và chính trị rất khắng khít.

Sau khi ông Biden ký sắc lệnh hủy dự án Keystone, có nhiều người sử dụng Facebook tiếng Việt đăng đàn phản đối hay chế giễu, trong đó có một nha sĩ ở Texas, là một ủng hộ viên nhiệt thành của ông Trump và cũng là một nhân vật cộng đồng người Việt ở đó.

Ông ta nói rằng quyết định của ông Biden giúp Tàu hưởng lợi, vì Canada sẽ ký kết khai thác dầu với Trung Cộng, mà không đưa ra dữ liệu nào củng cố nhận định của ông ta.

Có lẽ ông ta không hề biết rằng, hồi tháng 2/2020, khi dự án Keystone vẫn đang có triển vọng dưới thời ông Trump, một công ty Canada đã từng hủy bỏ dự án có tên Frontier Mine, khai thác bitumen ở Alberta, vì một lý do đơn giản: Giá dầu thấp, bán không có lời.

1/6/21

Mã Vân : Nạn nhân của sự thành công trong chế độ Cộng Sản Trung Quốc ?

Anh Vũ - RFI - Ngày 05.01.2021
Ông Mã Vân (Jack Ma), chủ tập đoàn Alibaba. Ảnh chụp ngày 10/05/2019 khi ông làm chủ lễ cưới tập thể cho 102 cặp vợ chồng là nhân viên của Alibaba tại Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc. AP

Những ngày qua báo chí tốn không ít giấy mực cho việc tỷ phú Mã Vân (Jack Ma) bị chế độ Cộng Sản Bắc Kinh xử lý. Từng là niềm tự hào, hy vọng của Trung Quốc để cạnh tranh với các đế chế công nghệ số toàn cầu, nay Mã Vân đang từng bước bị Bắc Kinh "kìm hãm" đưa vào khuôn phép.

Người đồng sáng lập đế chế thương mại điện tử toàn cầu Alibaba liên tiếp nhận tin xấu kể từ hồi tháng 10/2020. Vào tháng 11, Bắc Kinh quyết định cấm Ant Group, công ty liên kết của tập đoàn Alibaba do Mã Vân sáng lập, phát hành cổ phiếu ra công chúng. Cùng lúc nhiều thông tin cho biết tập đoàn Alibaba bị điều tra vì vi phạm luật chống độc quyền. Sự việc dường như trở nên nghiêm trọng khi từ tháng 10/2020, ông chủ giàu có và đầy quyền lực Mã Vân không còn thấy xuất hiện trước công chúng. Có tin nói, tỷ phú giàu nhất Trung Quốc này bị cấm xuất cảnh.

Ông chủ của đế chế thương mại và một hệ thống ngân hàng điện tử đang lên như diều gặp gió giờ có nguy cơ rơi tự do trở lại mặt đất. Từ khi sáng lập ra Alibaba trong một căn hộ nhỏ ở thành phố Hàng Châu năm 1999 đến khi cho ra đời ứng dụng thanh toán điện tử Alipay năm 2004 và 10 năm sau đó cho ra đời hệ thống ngân hàng mạng Ant Financial, Mã Vân đã xây dựng được một đế chế kinh doanh khổng lồ dựa trên nền tảng ứng dụng công nghệ số với trị giá tài sản lên tới trên dưới 60 tỷ đô la.

Có thể nói ông chủ của Alibaba và Ant đã làm nên một cuộc cách mạng trong tiêu dùng và thanh toán ở trong nước, đồng thời đưa Trung Quốc thành một đối thủ cạnh tranh lớn với thế giới trong lĩnh vực ứng dụng cộng nghệ số. Thành công của Mã Vân không nằm ngoài tham vọng chiến lược của chính quyền Bắc Kinh. Thậm chí hồi năm 2018, báo chí quốc tế còn loan truyền tin đồn Mã Vân là đảng viên đảng Cộng Sản Trung Quốc.

Thế nhưng vận xấu của Mã Vân có lẽ bắt đầu từ một diễn đàn ở Thượng Hải hồi cuối tháng 10/2020. Trước nhiều quan chức quyền lực nhất trong giới chính trị và tài chính của Trung Quốc, Mã Vân đã lên tiếng chỉ trích các quy định quản lý tài chính của Trung Quốc kìm hãm phát triển công nghệ, đầu tư. Ông cho rằng cần phải cải cách hệ thống ngân hàng mà ông ví như là « những tiệm cầm đồ ».

Những phát biểu thể hiện quan điểm của một tỷ phú giàu có như vậy đã khiến các nhà quản lý tài chính của chế độ Cộng Sản không khỏi lo ngại sẽ có ngày hệ thống ngân hàng Nhà nước với hàng mớ thủ tục hành chính quan liêu, phụ thuộc vào các mệnh lệnh chính trị của đảng sẽ không thể cạnh tranh được với những Alibaba, Alipay và Ant và xa hơn nữa sẽ là đế chế lớn mạnh của Mã Vân có thể chi phối hay làm thay đổi hệ thống chính trị của Trung Quốc.

Theo Le Figaro, giờ đây công ty dịch vụ tài chính Ant Group đã là một con bạch tuộc vươn vòi sang nhiều hệ thống như giao hàng qua mạng (Meituan), taxi (Didi) và giám sát (Sense Time). Tập đoàn có trị giá tài sản 173 tỷ đô la và nắm giữ 290 tỷ đô la tiền vay tiêu dùng của hàng trăm triệu dân Trung Quốc, mỗi năm xử lý giao dịch hàng chục nghìn tỷ đô la trên mạng internet.

Mã Vân từ khi trở thành tỷ phú tầm thế giới luôn là người biết lựa chiều, tận dụng quyền lực chính trị của chế độ tại Trung Quốc để phát triển. Nhưng lần này, nhà tài phiệt Trung Quốc đã vượt qua lằn ranh đỏ của chế độ Cộng Sản. Hệ quả là Alibaba hứng chịu một loạt các sự kiện nói trên. Theo nhật báo tài chính Mỹ Wall Street Journal, dường như đích thân chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã ra lệnh đưa Mã Vân vào khuôn khổ, mà bước đầu là cấm Ant niêm yết chứng khoán và tiếp đó sẽ là những cuộc điều tra mở rộng. Một quyết định khiến tập đoàn dịch vụ tài chính Ant Group có thể mất ít nhất 30 tỷ đô la.

Theo giới quan sát, dù tương lai của Ant là bất trắc nhưng ít có khả năng chế độ Cộng Sản đánh mạnh Mã Vân, như điều tra tham nhũng hay phá hoàn toàn đế chế của nhà tỷ phú. Làm như vậy sẽ gây đảo lộn môi trường kinh doanh với quốc tế và chính quyền sẽ mất lòng tin của các doanh nghiệp trong và ngoài Trung Quốc. Alibaba và Mã Vân giờ như là chỉ số đo sức khỏe của nền kinh tế Trung Quốc và là một phần cuộc sống của người dân Trung Quốc. 

Những động thái vừa rồi của chính quyền Bắc Kinh với đế chế Mã Vân có thể mới chỉ là đòn cảnh cáo khẳng định hơn ai hết đảng Cộng Sản Trung Quốc hiểu thế nào là « vật chất quyết định ý thức ». Mã Vân từ hai bàn tay trắng làm nên sự nghiệp lớn ở Trung Quốc cũng biết đã có không ít các doanh nghiệp, các đại gia chỉ trích quá đà chính quyền đã bị khuynh gia bại sản chỉ vì các cáo buộc gian lận, trốn thuế hay làm trái quy định Nhà nước.

12/31/20

Tỉ phú Jack Ma giẫm phải đuôi hùm khi chỉ trích giới lãnh đạo Trung Quốc


Bài báo của Tân Hoa Xã được cho là nhắm đến tỉ phú Jack Ma. (Ảnh: Nikkei Asia, AFP, AP)

Cuộc IPO khổng lồ của Ant Group đột ngột bị hoãn và bài báo của Tân Hoa Xã khiến nhiều người nghi ngờ rằng chính quyền Trung Quốc đang gửi lời cảnh báo nghiêm khắc đến tỉ phú Jack Ma.

Tối ngày 2/11, chỉ vài phút sau khi tỉ phú Mã Vân (thường gọi là Jack Ma) bị chính quyền Trung Quốc triệu tập, một bài viết bí hiểm được đăng trên tài khoản WeChat của tờ Tân Hoa Xã (Xinhua).

Bài viết với tiêu đề: "Đừng phát ngôn thiếu suy nghĩ, đừng chỉ làm như ý bạn muốn, mọi người không thể hành động tùy tiện" không nhắc gì đến Jack Ma. Nhưng nó đi kèm với bức tranh của họa sĩ bậc thầy Nhật Bản Kaii Higashiyama vẽ một đám mây trắng giống hình con ngựa, Nikkei Asia cho biết.

Trong tiếng Trung, "Mã" nghĩa là ngựa, "Vân" là mây. Có thể thấy rõ bài viết nhắm đến ai.

Một số câu được bôi đậm để nhấn mạnh. Câu cuối cùng là: "Đằng sau mọi thứ đều có giá. Nếu không có vốn thì đừng tùy ý làm mọi thứ bạn muốn".
Jack Ma có bài phát biểu táo bạo tại hội nghị Bund Summit khi dám chỉ trích các cơ quan quản lí, hệ thống tài chính và ngân hàng Trung Quốc. (Ảnh: AP)

Theo Nikkei, nhiều lời đồn đoán nhanh chóng nổi lên rằng Tân Hoa Xã muốn ám chỉ rằng con ngựa có thể bị thổi bay như đám mây, và bài viết này hẳn đã nhận được sự đồng ý của các lãnh đạo cao cấp nhất ở Trung Quốc trước khi xuất bản.

12/30/20

Cuộc chấn chỉnh của Ant Group là dấu hiệu báo trước điều gì?

Tim McDonald

Phóng viên kinh doanh, BBC News
30 tháng 12 2020, 11:31 +07

Jack Ma

Ngân hàng trung ương Trung Quốc đã triệu tập các giám đốc điều hành của Ant Group vào cuối tuần và yêu cầu chấn chỉnh hoạt động của công ty.

Động thái này diễn ra khoảng một tháng sau khi các cơ quan quản lý đột ngột ngưng việc niêm yết của công ty trên các sàn giao dịch Hong Kong và Thượng Hải.

Một số người xem động thái này giống như một đảng cộng sản trả thù trút giận lên người sáng lập bộc trực Jack Ma của công ty.

Nhưng các nhà phân tích chỉ ra rằng cải cách lĩnh vực tài chính là một mục tiêu chính sách đã có từ lâu và các công ty khác cũng có thể rơi vào tầm ngắm của các nhà quản lý.

9/23/20

Airbus sẽ có máy bay thương mại chạy bằng nhiên liệu hydro vào năm 2035

Tập đoàn chế tạo máy bay Airbus của châu Âu đang đặt mục tiêu sẽ đưa vào sử dụng máy bay thương mại chạy bằng nhiên liệu hydro đầu tiên vào năm 2035.

Mô hình máy bay tương lai của Airbus

Phát biểu với báo Le Parisien, Giám đốc điều hành (CEO) của Airbus, Guillaume Faury cho biết hydro là loại nhiên liệu sạch, chỉ thải ra hơi nước, nhưng liệu nó có xanh hay không còn phụ thuộc vào lượng khí thải carbon của các loại nhiên liệu được dùng để sản xuất ra nó.

Pháp và một số nước châu Âu khác đang đầu tư hàng tỷ euro vào dự án phát triển hydro xanh và ngành giao thông vận tải gây ô nhiễm cao là khu vực ưu tiên để sử dụng nhiên liệu sạch này. Ông Guillaume Faury nói: "Tham vọng của chúng tôi là trở thành hãng chế tạo máy bay đầu tiên đưa máy bay thương mại chạy bằng hydro vào sử dụng vào năm 2035". Theo ông Faury, việc phát triển nhiên liệu hydro khử carbon là "lĩnh vực ưu tiên" đối với Airbus.

Hiện Airbus đã sử dụng công nghệ hydro để cung cấp năng lượng cho các vệ tinh và tên lửa Ariane của hãng. Việc phát triển một máy bay sử dụng nhiên liệu không carbon sẽ không đòi hỏi bất kỳ bước đột phá công nghệ lớn nào nữa. Tuy nhiên, công nghệ sản xuất vẫn cần khoảng 5 năm để đạt độ hoàn chỉnh, trong khi các nhà cung cấp sẽ cần thêm 2 năm nữa để sẵn sàng sản xuất. Ông Faury khẳng định: "Như vậy đến năm 2028, chúng tôi có thể thực hiện được chương trình này".

Theo ước tính, ngành hàng không tạo ra khoảng 3% lượng khí thải carbon của thế giới.

Phương Hoa (TTXVN)

9/9/20

Abenomics, làn sinh khí cho kinh tế Nhật Bản

Cốc nước nửa đầy hay nửa vơi ? Tokyo khá thành công trong những mục tiêu chấm dứt giảm phát, thúc đẩy tăng trưởng, dùng tự do mậu dịch làm đòn bẩy. Nhưng tám năm cải tổ chưa đủ sức đưa Nhật Bản vĩnh viễn thoát khỏi khủng hoảng và những nỗ lực của Abenomics bị virus corona hủy hoại. 
Từ 2013 kế hoạch Abenomics mang tên thủ tướng Shinzo Abe đi vào lịch sử kinh tế toàn cầu. Ngay từ năm đầu nhiệm kỳ thứ hai, vị thủ tướng thuộc cánh bảo thủ này đã xem nhiệm vụ đem lại một làn sinh khí mới cho kinh tế Nhật là ưu tiên.

Nghe phần âm thanh:
 

Thanh Hà RFI

8/18/20

Khủng Hoảng Kinh Tế vì COVID-19

Cuộc Khủng Hoảng Kinh Tế Vì COVID-19 sẽ còn dài và đen tối

“Ông này, tôi đọc báo thấy Ngân hàng Thế giới nói “Nền kinh tế Việt Nam thể hiện khả năng chống chịu đáng kể trong khủng hoảng COVID-19, tốt hơn nhiều so với các nước khác”. Bên này căng quá, hay mình bán nhà chuyển tiền về cho con út nó đầu tư bất động sản bên đó nhỉ?”, Bà Tammy Trần, cư dân thành phố San Jose, CA., nói với chồng. Vừa dứt lời, bà bắt gặp ngay cặp mắt “mang hình viên đạn” của ông chồng. “Sao bà không đọc tiếp câu sau của họ “Tuy nhiên, con đường phục hồi có thể gặp trắc trở do vẫn còn nhiều bất định cả trong nước và trên toàn cầu. Bà rảnh quá!” Chồng bà Tammy đáp lại lời gợi ý của vợ...

Mặc dù đại dịch COVID-19 không phải là dịch bệnh đầu tiên lây lan toàn cầu, nhưng nó đang gây ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế của hầu hết các quốc gia trên thế giới.

5/31/20

Thí điểm đặc khu Vân Đồn

Nguyễn Tường Tâm - 27.05.2020

- Sau khi Dự luật Đặc Khu Kinh tế (Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc) bị dư luận cả nước phản đối năm 2018, chính phủ bất ngờ công bố thành lập Ban Quản lý (BQL) khu kinh tế thí điểm Vân Đồn. Vấn đề này vừa được hai chuyên gia kinh tế của Việt Nam lên tiếng, có điểm trái chiều nhau. Dựa trên ý kiến của hai chuyên gia này, tôi phân tích thêm trên phương diện chính trị, hành chánh, kinh tế & tài chánh và tư pháp.

I-Chính Trị
Về phương diện chính trị, bà Phạm chi Lan đã có những ý kiến chính xác.
Bà nói,  “Tỉnh Quảng Ninh có thể chỉ coi Vân Đồn là một khu nhỏ trong địa bàn của mình, nhưng khu nhỏ đó có thể trở thành một cứ điểm để Trung Quốc vào và gây nguy cơ đối với an ninh quốc phòng của cả quốc gia Việt Nam.” Đây là một nhận định chính trị liên quan tới sự tồn vong của đất nước nên rất đáng được toàn dân quan tâm, đánh giá.
Bà Lan phát biểu thêm: “Những chi tiết như cho thuê đất 99 năm. Những người ở các nước có chung biên giới với Quảng Ninh được tự do ra vào; được mua nhà cửa, được quyền sở hữu nhà và thừa kế cho con cháu họ. Nghĩa là mở cửa cho người Trung Quốc và con cháu họ, tự do mua đất, tự do sinh sống ở đó hết đời cha mẹ đến đời con cháu chắt. Và như vậy là quyền vĩnh viễn thuộc về họ. Như vậy là cho người Trung Quốc quyền cao hơn quyền của người Việt Nam ở nước ngoài – được mua nhà ở Việt Nam nhưng chỉ được sử dụng chứ không được sở hữu, bán lại hay chuyển nhượng theo luật hiện hành. Tất cả những cái đó là không thể được.”

7/31/19

Tài chính : Trung Quốc thách thức Mỹ


Thanh Hà RFI Phát Thứ Ba, ngày 30 tháng 7 năm 2019
Ảnh chụp trước khi diễn ra lễ niêm yết giá của loạt công ty đầu trên thị trường STAR Market, Thượng Hải, ngày 22/07/2019.REUTERS/Stringer







Mỹ có sàn chứng khoán điện tử Nasdaq, thì nay Trung Quốc cũng vừa khai trương thị trường STAR Market dành riêng cho ngành công nghệ cao. Huy động vốn đầu tư của tư nhân nhằm phục vụ chương trình phát triển công nghệ mới nằm trong kế hoạch "Made In China 2025" của ông Tập Cận Bình. Đây cũng là một mặt trận mới trong cuộc đọ sức với Hoa Kỳ.

Ngày 22/07/2019, Trung Quốc trọng thể khai mạc một sàn chứng khoán mới ở Thượng Hải mang tên STAR Market. Trị giá cổ phiếu 25 công ty tham gia thị trường mới trong ngày đầu tiên hoạt động lập tức được nhân lên gấp từ 3 đến 5 lần. Đến cuối phiên giao dịch ngày hôm đó, STAR Market huy động được 5,4 tỉ đô la Mỹ, cao hơn 20 % so với mong đợi.

8/6/18

Dự trữ vàng: Nga đang tiếp cận "kỷ lục Stalin" và ngày càng giảm lệ thuộc vào đồng đô la

© Sputnik / Pawel Lisitsin

Nga và Trung Quốc tiếp tục tích cực mua vàng dự trữ. "Ngân hàng Trung ương Nga đang hành động nhanh trí và khéo léo ", - chuyên gia về thị trường vàng Dmitry Shpek nói trong cuộc phỏng vấn với Sputnik.

"Matxcơva  ngày càn giảm lệ thuộc vào đồng đô la Mỹ". Trung Quốc phần nào tụt lại phía sau Nga về tốc độ mua vàng, nhưng, ở nước này có nhiều nhà đầu tư tư nhân cũng đang mua vàng.

Đô la Mỹ, đồng nhân dân tệ

© FOTOLIA / VKILIKOV

Liệu có thể không cần tới đô la Mỹ được không?

"Có một sự khác biệt giữa Nga và Trung Quốc",  - ông Dmitry Shpek, chuyên gia về thị trường vàng ở Munich cho biết. "Ở Trung Quốc, doanh nghiệp, cá nhân đang nhập khẩu vàng nhiều nhất. Ngân hàng Trung ương Trung Quốc cũng mua vàng, nhưng, tỷ lệ vàng trong tổng dự trữ ngoại hối là khá nhỏ. Thay vào đó, các cá nhân mua rất nhiều vàng, điều đó thấy được rõ qua dữ liệu mua, bán vàng tại sở giao dịch địa phương".

6/8/18

Nghịch Lý Về Đặc Khu Kinh Tế

Nguyễn Quang Dy

Gần đây, dư luận quan tâm và tranh cãi nhiều về dự luật “đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt” (gọi tắt là “đặc khu kinh tế”) sắp được Quốc Hội “bấm nút” thông qua. Dự kiến ba đặc khu kinh tế đầu tiên là Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa), Phú Quốc (Kiên Giang) có kinh phí đầu tư là 1.570.000 tỉ VNĐ (tính đến năm 2030). Tuy không phản đối khái niệm “đặc khu kinh tế” (special economic zone) và chưa biết họ lấy tiền từ đâu để đầu tư nhưng tôi không ủng hộ ba đặc khu kinh tế nói trên, vì các lý do sau.

Bối cảnh

Tuy đối với các nước có nền kinh tế chuyển đổi (như Việt Nam), đặc khu kinh tế vẫn là một mô hình phát triển hấp dẫn, nhưng dường như đã lỗi thời và có nhiều bài học thất bại. Nó đòi hỏi những điều kiện nhất định, vì vấn đề không phải là làm cái gì (what) mà là làm thế nào (how). Mọi chuyện đều có thể, nhưng “sai một ly đi một dặm”. Nếu đủ điều kiện và phát triển đúng hướng/đúng cách, nó có thể là đòn bẩy kinh tế và đầu tàu phát triển (như Thâm Quyến). Dubai là một bài học thành công mà nhiều nước khác muốn bắt chước. Nhiều người Việt đã từng mơ ước biến Chu Lai thành Dubai của Việt Nam, hay biến Phú Quốc thành Singapore của Việt Nam. Singapore thành công vì có Lý Quang Diệu (Việt Nam không có). Dubai thành công vì không có yếu tố Trung Quốc (Việt Nam có quá nhiều).

3/1/17

Nước Pháp...Lắm Chuyện .Tạm biệt Euro?

Bỏ euro để trở lại với tiền cũ, đồng Franc? Chuyện mới nghe, không tưởng… nhưng vẫn có người cho đó là một giải pháp mầu nhiệm cứu vãn nền kinh tế (lụn bại) hiện nay. Kinh tế lụn bại… đâu phải lỗi của đồng euro?

Mười lăm năm nay, euro lưu hành không có vấn đề trong 19 nước Âu Châu. Hối suất của euro có khi chỉ còn $.83, Tháng Mười, 2000, nhưng rồi lại lên. Kỷ lục là vào Tháng Bảy, 2008, một euro đổi được $1.6. Khỏi phải nói, lúc đó đi du lịch thoải mái. Ngược lại, hàng hóa Âu Châu đắt đỏ.

8/1/16

Ôm tiền ra ngoại quốc, cuộc tháo chạy mới ở Việt Nam

Tác Giả: Văn Lang/Người Việt

tapdoan- kinhdo

Tập đoàn Kinh Đô đã bán phần lớn cổ phiếu cho nước ngoài. (Hình: Văn Lang/Người Việt)

SÀI GÒN (NV) – Cái thời mà người ta nói “Cái cột đèn có chân mà đi được nó cũng đi,” tuy đã xa, nhưng bây giờ Việt Nam đang bắt đầu một cuộc tháo chạy khác.
Đầu tiên phải kể tới sự triệt thoái vốn của các công ty “đại gia” tư nhân, cũng như nhà nước.