Showing posts with label Biến đổi khí hậu. Show all posts
Showing posts with label Biến đổi khí hậu. Show all posts

12/17/23

COP28: Cam kết ‘‘giã từ than-dầu-khí’’ và công lao của ông chủ Adnoc

Sáng ngày 13/12/2023 được ghi vào lịch sử nhân loại như một bước tiến ‘‘lịch sử’’. Hội nghị khí hậu lần thứ 28 (COP28) của Liên Hiệp Quốc, họp tại Dubai, đã thông qua thỏa thuận khẳng định nhân loại khởi đầu của kỷ nguyên chia tay với năng lượng hóa thạch - thủ phạm chính của việc Trái đất bị hâm nóng. Không khí đã trở nên căng thẳng cao độ vào những ngày áp chót, với sự phản đối quyết liệt của phe ‘‘dầu mỏ’’.

Chủ tịch COP28 Sultan Ahmed al Jaber tại phiên khai mạc Hội nghi ở Dubai, Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất, 30/11/2023. REUTERS - Amr Alfiky

Tình hình có lúc tưởng chừng bế tắc. COP28 đã phải kéo dài thêm một ngày để thỏa thuận được thông qua. Vì sao COP28 đã ra được thỏa thuận lịch sử như vậy? Không thể phủ nhận được vai trò của chủ tịch COP28, chủ tập đoàn dầu mỏ Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất, Sultan al-Jaber. Chủ tịch COP28 đã đóng góp như thế nào cho thỏa thuận lịch sử này?

***

Trước thềm COP 28, không khí hoài nghi cao độ. Chủ tịch COP28, ông al-Jaber, lãnh đạo tập đoàn Adnoc của Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất, tập đoàn dầu khí hàng đầu thế giới, bị tình nghi lợi dụng COP28 để ‘‘mở rộng thị trường khai thác các năng lượng hóa thạch’’ (theo truyền thông Anh Quốc). Chủ tịch COP28, bị cáo buộc lợi dụng việc công để tư lợi, tiếp tục đứng trước áp lực buộc hoặc từ chức chủ tịch COP, hoặc từ chức chủ tịch tập đoàn Adnoc (kêu gọi của khoảng 100 tổ chức phi chính phủ quốc tế, và nhiều nghị sĩ Âu, Mỹ).

Đại gia dầu khí ‘‘dễ thuyết phục’’ giới dầu khí

Trên thực tế, việc ông al-Jaber được chấp thuận làm chủ tịch COP28, cũng nằm trong chủ trương và hy vọng của Liên Hiệp Quốc và nhiều nước vận động từ bỏ năng lượng hóa thạch. Là một đại gia trong ngành dầu khí không hẳn đã là một điểm yếu. Theo một nhà thương lượng kỳ cựu châu Âu, việc chủ tịch COP28 là một thành viên của giới dầu khí thậm chí có thể là một ‘‘lợi thế’’.

Thỏa thuận Hội nghị Khí hậu của Liên Hiệp Quốc đòi hỏi sự đồng thuận của tất cả các thành viên, hay nói cách khác, không bị bất cứ nước nào phản đối. Chủ tịch COP28, một đại gia trong ngành dầu khí, có khả năng thuyết phục được các quốc gia dầu khí bằng hữu. Chủ công ty Adnoc đã dành cho giới dầu khí một vị trí quan trọng tại COP28, theo ghi nhận của giới quan sát. Vào ngày áp chót của hội nghị, 11/12, chủ tịch COP28 đã đưa ra một dự thảo thỏa thuận gây sốc, khi loại trừ nội dung ‘‘giã từ năng lượng hóa thạch’’. Đông đảo các nước và giới tranh đấu môi trường kịch liệt phản đối phiên bản, bị coi là được đưa ra dưới áp lực của khối các nước bảo vệ năng lượng hóa thạch.

Làm rõ ‘‘lằn ranh đỏ’’: Thủ pháp đàm phán

Rút cục một thỏa thuận cuối cùng đã được đưa ra, cụm từ ‘‘từ bỏ năng lượng hóa thạch’’ (phase out), mà phe chống năng lượng hóa thạch chủ trương không có mặt, nhưng thay vào đó là cụm từ uyển chuyển hơn, ‘‘giã từ dần dần’’ (transition away from) các năng lượng hóa thạch ‘‘một cách đúng đắn, có tổ chức và công bằng’’. Dự thảo rút cục đã nhanh chóng được gần 200 nước thông qua chỉ ít giờ sau khi được đưa ra.

Về dự thảo áp chót bị đông đảo cộng đồng quốc tế phản đối dữ dội, ban điều hành COP28 giải thích rõ, trên thực tế, đây là một thủ pháp đàm phán nhằm cho phép phe dầu mỏ bộc lộ quan điểm, và cũng là dịp để các quốc gia khác khẳng định ‘‘các lằn ranh đỏ’’. Thủ pháp nói trên rút cục đã mang lại kết quả như ta đã biết.

Theo AFP, một trong những bí quyết khiến tiếng nói của chủ tịch COP28 được lắng nghe là ông al-Jaber đã rất chú trọng đến khâu truyền thông. Chủ tịch COP28 đã tuyển mộ một nhóm chuyên viên lành nghề trong lĩnh vực truyền thông – giao tế. Bản thân chủ tịch COP28 cũng là người nỗ lực thiết lập quan hệ với giới bảo vệ môi trường khí hậu.

Tiếp thu quan điểm của giới môi trường

Theo ông Harjeet Singh, một người có nhiều kinh nghiệm tại COP, phát ngôn viên của mạng lưới quốc tế Climate Action Network-CAN (quy tụ khoảng 1.900 hiệp hội), từ nhiều tháng trước COP28, chủ tập đoàn Adnoc đã thường xuyên lắng nghe CAN. Tháng 6/2023, đại gia dầu khí này thừa nhận, việc giảm dần năng lượng hóa thạch là điều ‘‘không thể tránh khỏi’’ (bài ''Sultan al-Jaber : một doanh nhân bài bản điều hành COP28", France 24).

Vừa để các tiếng nói phản đối việc ‘‘giã từ năng lượng hóa thạch’’ được bày tỏ đầy đủ, vừa lắng nghe và tiếp thu quan điểm của giới bảo vệ khí hậu là hành xử của chủ tịch COP28. Ông al-Jaber khẳng định rõ cần thực thi mục tiêu giữ nhiệt độ Trái đất không tăng quá 1,5°C so với thời kỳ tiền công nghiệp (tức mục tiêu mức cao của Hiệp định khí hậu Paris 2015, mục tiêu mức thấp là giữ nhiệt độ không tăng quá 2°C).
Thông điệp ‘‘1,5°C’’ đúng lúc: ‘‘Lực đẩy’’ cho đàm phán

Giữ nhiệt độ Trái đất không tăng quá 1,5°C cũng là đòi hỏi của lãnh đạo Liên Hiệp Quốc, của đông đảo các nước, của giới bảo vệ môi trường. Theo các dự báo khoa học, đã được cộng đồng quốc tế đồng thuận, nếu nhiệt độ Trái đất tăng quá 1,5°C, nhân loại sẽ đối mặt với các thảm họa thiên nhiên vượt tầm kiểm soát. Lãnh đạo COP28 coi mục tiêu 1,5°C là thiết thân khi nhấn mạnh, ông điều hành COP28 để mang lại các kết quả ‘‘thực sự’’, để ‘‘giữ mục tiêu 1,5°C trong tầm tay’’.

Thông điệp ‘‘1,5°C’’ được chủ tịch COP28 nhiều lần khẳng định là ‘‘kim chỉ nam’’ cho hành động của ông, trước thềm hội nghị, và nhiều lần trong những ngày đầu tiên (Le Monde, 04/12). Điều này đã mang lại ‘‘lực đẩy tích cực’’cho tiến trình đàm phán, theo ghi nhận của ông Yves Marignac, chuyên gia về năng lượng hạt nhân và hóa thạch, Viện Institut NégaWatt, trong một cuộc trả lời đài RFI.

Nhanh chóng ‘‘giã từ năng lượng hóa thạch’’: Cơ hội cuối cùng với nhân loại

Trên thực tế, nhân loại đang đứng trước chân tường. Cộng đồng quốc tế chỉ còn ít năm nữa để giữ được mục tiêu 1,5°C (trong lúc nhiệt độ Trái đất hiện đã tăng hơn 1,4°C). Để làm được điều này, trước mắt phải cắt giảm được ít nhất đến 43% khí thải (chủ yếu) do năng lượng hóa thạch (so với năm 2019) ngay trước năm 2030, tức phải nỗ lực gấp hai mươi lần so với hiện nay (theo báo cáo của Cơ quan khí hậu Liên Hiệp Quốc - UN Climate, tổng cam kết cắt giảm của nhân loại hiện tại chỉ cho phép giảm 2% khí thải vào năm 2030). Việc giã từ năng lượng hóa thạch không hề là chuyện của tương lai xa vời, mà là ngay trước mắt, và nhất là việc tăng tốc giã từ năng lượng hóa thạch phải được quyết định ngay tại COP28.

Đối với không ít chính trị gia, nhà quan sát, thỏa thuận khí hậu COP28, mở đầu kỷ nguyên ‘‘giã từ năng lượng hóa thạch’’, được cho là ‘‘lịch sử’’, trên thực tế có thể là ‘‘cơ hội cuối cùng’’ với cộng đồng quốc tế, để tránh các đại thảm họa do biến đổi khí hậu. Lãnh đạo tập đoàn Adnoc dường như rất hiểu điều này.

Chủ tịch COP28 - chủ tập đoàn Adnoc, một người tự hào về nghề kỹ sư mà ông được đào tạo và ‘‘tin tưởng vào khoa học’’, cho biết ‘‘toàn bộ cuộc đời ông’’ đã được ''tổ chức trên các nguyên tắc hướng đến hiệu quả’’, và ông cũng ‘‘quản lý các doanh nghiệp như vậy’’. Đóng góp lớn nhất của chủ tịch COP28 có lẽ nằm ở chỗ ông chia sẻ nhận thức chung của cộng đồng khoa học, của giới bảo vệ môi trường, của đông đảo các quốc gia trên thế giới, mong muốn kịp thời bảo vệ Trái đất khỏi nhiệt độ gia tăng, với các hậu quả vượt tầm kiểm soát. Vấn đề tiếp theo là các hành động ‘‘hiệu quả’’ nào để thực thi mục tiêu này.

Trọng Thành

5/8/23

Biến đổi khí hậu: Việt Nam ghi nhận nhiệt độ cao nhất từ ​​trước đến nay 44,1C

 

Công nhân nông trại ở một số khu vực phải kết thúc công việc trước 10h để tránh nắng nóng (ảnh internet)

Việt Nam đã ghi nhận nhiệt độ cao nhất từ ​​trước đến nay, chỉ hơn 44C (111F) - với các chuyên gia dự đoán nó sẽ sớm bị vượt qua do biến đổi khí hậu.

Kỷ lục được thiết lập ở tỉnh Thanh Hóa phía bắc, nơi các quan chức khuyến cáo người dân ở trong nhà vào thời điểm nóng nhất trong ngày.

Các quốc gia khác trong khu vực cũng đang trải qua thời tiết nắng nóng gay gắt.

Thái Lan báo cáo mức nhiệt kỷ lục 44,6 độ C ở tỉnh Mak phía Tây nước này.

Trong khi đó truyền thông Myanmar đưa tin một thị trấn ở phía đông đã ghi nhận nhiệt độ 43,8 độ C, nhiệt độ cao nhất trong một thập kỷ.

Cả hai quốc gia đều trải qua thời kỳ nắng nóng trước mùa gió mùa nhưng cường độ nắng nóng đã phá kỷ lục trước đó.

Tại Hà Nội, chuyên gia biến đổi khí hậu Nguyễn Ngọc Huy nói với AFP rằng kỷ lục mới của Việt Nam là "đáng lo ngại" do "bối cảnh biến đổi khí hậu và sự nóng lên toàn cầu".

"Tôi tin rằng kỷ lục này sẽ được lặp lại nhiều lần", anh nói. "Nó xác nhận rằng các mô hình khí hậu cực đoan đang được chứng minh là đúng."

Thế giới đã ấm lên khoảng 1,1 độ C kể từ khi kỷ nguyên công nghiệp bắt đầu và nhiệt độ sẽ tiếp tục tăng trừ khi các chính phủ thực hiện cắt giảm mạnh lượng khí thải.

Tại thành phố Đà Nẵng, miền trung Việt Nam, nông dân Nguyễn Thị Lan nói với AFP rằng nắng nóng buộc công nhân phải bắt đầu sớm hơn bao giờ hết và kết thúc trước 10:00.

Nhiệt độ kỷ lục trước đây của Việt Nam là 43,4 độ C được thiết lập ở tỉnh Hà Tĩnh cách đây 4 năm.

Xa hơn về phía tây, thủ đô Dhaka của Bangladesh đã ghi nhận nhiệt độ cao nhất kể từ những năm 1960 trong khi chính quyền Ấn Độ cho biết các khu vực của đất nước đang trải qua nhiệt độ cao hơn ba hoặc bốn độ so với bình thường.

Vào tháng 4, Tây Ban Nha đã ghi nhận nhiệt độ nóng nhất chưa từng có trong tháng đó , đạt 38,8 độ C tại sân bay Cordoba ở phía nam đất nước.


Vào tháng 3, các nhà khoa học khí hậu cho biết một mục tiêu quan trọng về nhiệt độ toàn cầu có khả năng bị bỏ lỡ.


Các chính phủ trước đây đã đồng ý hành động để tránh nhiệt độ toàn cầu tăng trên 1,5 độ C. Nhưng thế giới đã ấm lên 1,1 độ C và hiện các chuyên gia nói rằng nó có khả năng vi phạm 1,5 độ C vào những năm 2030.


Trong báo cáo của mình, Hội đồng liên chính phủ về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc cho biết "mọi sự gia tăng của sự nóng lên toàn cầu sẽ làm gia tăng nhiều mối nguy hiểm đồng thời".

7/6/22

Voi rừng châu Phi, "vị thần" giúp thế giới chống biến đổi khí hậu

Isabelle Gerretsen - BBC Future - 22 tháng 6 2022


Khi đi qua rừng mưa dày đặc ở miền Tây và Trung Phi, voi rừng tạo ra mê cung xanh bằng cách ăn sạch và giẫm đạp những cây nhỏ nằm trên đường đi.

Có chiều cao 3m, loài thú khổng lồ hiền lành này nhỏ hơn voi đồng cỏ nổi tiếng, và hiện vẫn là loài động vật đơn độc khó hiểu.

Voi rừng tàn phá thảm thực vật, tàn phá cây trong rừng mưa khi nó lột vỏ cây non, đào rễ cây trong đất, ăn lá và quả cây. Nhưng sự phá hoại này đem lại nhiều lợi ích hơn so với những thiệt hại mà nó gây ra cho khu rừng: nó giúp rừng trữ nhiều carbon trong cây hơn và bảo tồn một trong những hệ sinh thái quan trọng nhất trên hành tinh.

Các công ty và chính phủ khắp thế giới đang chạy đua cắt giảm khí thải và phát triển công nghệ tiên phong thu giữ carbon. Nhưng voi rừng Châu phi tích trữ carbon cực kỳ hiệu quả mà chẳng cần đến công nghệ gì.

Voi rừng Châu Phi còn nổi tiếng với tên gọi "người làm vườn khổng lồ của rừng", vì chúng có thể tăng khả năng tích trữ carbon và giúp giải phóng những dưỡng chất quan trọng.

Một nghiên cứu năm 2019 cho thấy thói quen phá phách của voi giúp tăng cường lượng carbon được tích trữ trong rừng mưa Trung Phi. Mỗi con voi rừng có thể kích thích tăng lượng carbon thu giữ trong rừng mưa lên đến 9.500m3 CO2 trên mỗi km2. Khối lượng này tương đương phát thải của 2.047 xe hơi trong một năm.

Ban đầu các nhà khoa học đi điền dã tại hai khu vực ở Lưu vực sông Congo, một nơi có voi rừng hoạt động và một khu vực nơi chúng đã biến mất.

Họ ghi chép lại sự khác biệt giữa lượng cây che phủ và độ dày của rừng. Sau đó, họ xây dựng mô hình theo dõi hoạt động của rừng, ví dụ như sinh khối, chiều cao của cây và lượng carbon tích trữ, và mô phỏng hoạt động có voi rừng phá hủy bằng cách gia tăng số lượng cây nhỏ bị phá hoại.

Mô hình sau đó cho thấy voi rừng làm giảm độ dày cây non trong rừng, nhưng làm tăng đường kính cây trung bình và tổng sinh khối trên mặt đất.

Lý do là voi rừng ăn và dẫm nát các cây có đường kính nhỏ hơn 30cm, đây là các cây cạnh tranh với cây to hơn giành ánh sáng, nước và không gian. Khi loại bỏ đối thủ cạnh tranh, những cây lớn hơn mọc sum suê hơn.

Kết quả là, cây lớn sẽ tiếp tục lớn hơn nữa nhờ thói quen của voi rừng, người đứng đầu nhóm nghiên cứu Fabio Berzaghi, nhà nghiên cứu từ Phòng thí nghiệm Khí hậu và Khoa học Môi trường ở Gif-sur-Yvette, Pháp, nói.

Những cây nhỏ là thức ăn ưa thích của voi, phần thịt gỗ vẫn chưa quá đặc, cứng, nghĩa là có khả năng lớn nhanh hơn và chết nhanh hơn.

Hành vi của voi giúp cho những cây lớn chậm hơn, là những cây tích trữ nhiều carbon trong thân cây hơn, Berzaghi giải thích.

Khả năng tích trữ carbon của cây chủ yếu phụ thuộc vào kích cỡ và độ đặc của thớ gỗ của thân cây, dù rằng những cây lớn hơn thì cần nhiều tài nguyên và thời gian hơn để sinh trưởng, ông nói thêm.

"Bạn có thể nghĩ về voi như người quản lý rừng," ông chia sẻ. Chúng là "loài chủ chốt", có nghĩa là chúng đóng vai trò cốt yếu trong việc duy trì sự đa dạng sinh học trong hệ sinh thái.

Ngoài việc loại bỏ những cây cạnh tranh, voi rừng cũng làm phát tán hạt giống và chất dinh dưỡng khi chúng càn quét thảm thực vật cũ và thải phân quanh rừng, giúp cây lớn nhanh hơn, Berzaghi nói. "Voi rừng giúp phát tán cây cối mà những loài động vật khác phụ thuộc vào. Cây rừng nhờ voi mà phát triển được sẽ giúp ích cho loài linh trưởng và nhiều loài thú khác."

Nghiên cứu này cho biết nếu như voi rừng tuyệt chủng thì điều này sẽ dẫn đến thiệt hại 7% khả năng tích trữ carbon, tổng cộng khoảng ba tỷ tấn, ở rừng mưa Trung Phi. Khối lượng đó tương đương với phát thải do hai tỷ xe hơi chạy bằng xăng thải ra trong một năm.

"Con số đem lại thông điệp khá mạnh mẽ về việc bảo vệ voi rừng," Berzaghi cho biết.

Có nguy cơ rất lớn là voi rừng Châu Phi sẽ tuyệt chủng. Chúng đang ở trong tình trạng bị đe dọa nghiêm trọng, với số lượng sụt giảm nhanh chóng vì nạn săn trộm và phá rừng.

Trong thập niên 1970, có khoảng 1,2 triệu con voi quanh những dải đất mênh mông ở Châu Phi, nhưng chúng đã bị dồn đến bước đường tuyệt chủng bởi những kẻ săn trộm và do bị mất địa bàn sinh sống. Ngày nay, theo một nghiên cứu năm 2013, chỉ còn khoảng 100.000 con voi.

"Ít nhất vài trăm ngàn voi rừng đã mất trong khoảng từ 2002-2013, ở mức độ 60 con mỗi ngày hoặc một con chết mỗi 20 phút, cả ngày và đêm," Fiona Maisels, đồng tác giả của nghiên cứu và là nhà khoa học từ Cơ quan Bảo tồn Động vật Hoang dã, nói tại thời điểm đó.

"Vào lúc bạn ngồi ăn sáng là lại có một con voi nữa bị giết để làm đồ nữ trang cho thị trường ngà voi," bà cho biết.

"Chúng ta đã mất khối lượng voi rừng khổng lồ trong hai thập niên qua," Thomas Breuer, nhân viên về voi rừng châu Phi tại Quỹ Bảo vệ Thiên Nhiên (WWF) cho biết. "Voi rừng sinh sản chậm hơn rất nhiều [so với voi đồng cỏ], và vì vậy để hồi phục số lượng loài thì tốn rất nhiều thời gian."

"Hành vi sinh hoạt của voi rừng đã bị bọn săn trộm làm xáo trộn. Nhiều con voi không có mẹ và không thể học thói quen di chuyển độc lập, điều chúng thường học được từ voi mẹ," ông nói.

Khi hệ sinh thái của chúng bị thu hẹp, voi rừng cũng đến gần con người hơn, và dẫn đến những cuộc giết voi trả đũa, ông nói.

Biến đổi khí hậu cũng dẫn đến số lượng hoa quả sinh sôi sụt giảm trong rừng mưa châu Phi, khiến voi rừng cực kỳ dễ bị tác động vì sụt giảm nguồn thức ăn, theo một nghiên cứu năm 2020 do Emma Bus từ Đại học Stirling ở Scotland thực hiện.

Tôn trọng thiên nhiên

Nếu đàn voi rừng châu Phi trở lại kích cỡ ban đầu và hồi phục khu vực di chuyển 2,2 triệu km2, chúng có thể tăng lượng tích trữ carbon đến 13 tấn mỗi hectare, theo nghiên cứu của Berzaghi. Khối lượng này tương đương với phát thải của 10 xe hơi chạy xăng trong một năm trên mỗi hectare.

Berzaghi cho biết nghiên cứu cho thấy khả năng sống sót của voi rừng cực kỳ quan trọng cho việc bảo tồn vùng Congo Basin, rừng mưa lớn thứ hai trên thế giới và là hố tích tụ carbon quan trọng.
Khi đi qua cánh rừng, voi ăn và dẫm nát cây con, dành nhiều không gian cho những cây lớn hơn phát triển và tích trữ carbon

Điều này thậm chí càng trở nên khẩn thiết hơn vì giờ đây một phần rừng mưa Amazon đang mất đi khả năng hấp thụ carbon, ông nói.

Theo một nghiên cứu do Viện Nghiên cứu Quốc gia về Không gian (INPE) của Brazil, hơn một phần tư rừng Amazon giờ đây thải ra nhiều carbon hơn lượng nó hấp thụ.

"Đây là tác động vô cùng lớn, bạn hiểu điều này trực tiếp vì chúng ta đang thải CO2 ra bầu khí quyển, điều làm tăng tốc độ biến đổi khí hậu và cũng kích thích, làm thay đổi tình trạng trong mùa khô, gây bất lợi cho cây, khiến sinh nhiều phát thải hơn," tác giả chính của nghiên cứu Luciana Gatti nói với BBC News vào tháng 7/2021.

"Chúng ta sẽ không đạt được mức trung hòa carbon nếu ta không đầu tư vào các giải pháp có nền tảng từ thiên nhiên," Berzaghi cho biết.

Trong bản phúc trình mới nhất, ra hồi tháng Hai, Ủy ban Liên Chính phủ về Biến đổi Khí hậu của Liên Hiệp Quốc (IPCC) nhấn mạnh rằng các giải pháp dựa vào tự nhiên là công cụ quan trọng để tác động lên tình trạng biến đổi khí hậu và giảm thiểu phát thải carbon từ bầu khí quyển.

"Bằng cách khôi phục hệ sinh thái đã bị hủy hoại, bảo tồn hiệu quả và công bằng từ 30 đến 50% môi sinh của đất, đại dương và môi trường nước ngọt trên Trái Đất, xã hội có thể được hưởng lợi ích từ khả năng hấp thụ và tích trữ carbon của thiên nhiên," Hans-Otto Pörtner, một trong những đồng chủ trì bản phúc trình IPCC, nói trong một thông cáo.

Ralph Chami, trợ lý giám đốc của Viện Phát triển Năng lực thuộc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), đang trong sứ mệnh nhấn mạnh giá trị của bảo tồn thiên nhiên trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Kinh tế gia này đang thực hiện theo cách có thể khiến chính trị gia và công ty để ý: bằng cách đặt một biểu tượng tiền lên một con voi rừng.

Sử dụng kết quả từ nghiên cứu của Berzaghi năm 2019, Chami đánh giá dịch vụ thu giữ carbon của mỗi con voi rừng là 1,75 triệu đô la Mỹ, với tổng giá trị của đàn, nếu khôi phục trở lại được quy mô ban đầu là 1,2 triệu con, sẽ đáng giá khoảng 36 tỷ đô la Mỹ.

Chami tính toán dựa trên giá trị thị trường trung bình của một mét khối C02 vào thời điểm đó - chỉ dưới 25 đô la mỹ vào năm 2019.

Tình trạng săn trộm sẽ dẫn đến thiệt hại 10-14 tỷ đô la phát sinh từ tổn thất trong việc không thu giữ được carbon, theo phân tích gần đây của Berzaghi và Chami.

Với việc lượng hóa khối carbon mà voi rừng có thể thu giữ được thông qua các tập tính sinh hoạt hàng ngày của chúng, giới nghiên cứu hy vọng các số liệu sẽ hỗ trợ cho công tác bảo tồn voi

Thay vì coi bảo tồn voi rừng là kế hoạch tốn kém, ta nên coi đó là khoản đầu tư, ông lập luận.

"Voi rừng là tài nguyên tự nhiên có thể đem lại giá trị cho chúng ta suốt vòng đời," ông nói. "Một con voi rừng sống có thể đem lại dịch vụ đáng giá hàng triệu đô la, nó giúp ta chống biến đổi khí hậu và có giá cao hơn khi còn sống so với khi đã chết." Ngà của voi rừng chết có giá trị khoảng 21.000 đô la Mỹ.

"Chúng ta đang đánh mất nguồn vốn tự nhiên và sự đa dạng sinh học. Nếu ta thua trong cuộc chiến đó, ta cũng sẽ chết," ông nói. "Nhưng nếu ta đầu tư vào thiên nhiên, khoản đầu tư sẽ quay trở lại với ta dưới hình thức hấp thụ carbon."

Đây không phải lần đầu tiên Chami định giá một loài động vật. Năm 2019, ông ra một phúc trình cùng với các kinh tế gia của IMF, theo ddos xem xét ích lợi với khí hậu trong việc bảo tồn cá voi.

Phân tích cho thấy khi bạn thêm vào giá trị của carbon mà cá voi giúp hấp thụ trong suốt vòng đời, thì một con cá voi lớn có giá trị hơn 2 triệu đô la Mỹ, và tổng số các cá thể trong loài có thể đem lại giá trị hơn một tỷ đô la Mỹ.

Khi cá voi chết, xác chúng chìm xuống đáy đại dương và tất cả lượng carbon trữ trong cơ thể khổng lồ của chúng sẽ chuyển xuống đáy đại dương, nơi chúng sẽ được lưu giữ lại trong nhiều thế kỷ.

Chami cho biết định giá trị loài là cách tốt nhất để thuyết phục các quốc gia bảo tồn chúng.

"Tôi muốn chuyển những ích lợi khí hậu thành đô la và cent và đặt những con số đó lên bàn của giới hoạch định chính sách."

Bán dịch vụ lưu trữ carbon do voi cung cấp

Nhiều người khác đang tìm cách đưa ý tưởng về giá trị tiền mà voi có thể đem lại đi xa hơn.

Công ty khởi nghiệp Rebalance Earth định sử dụng phát hiện từ nghiên cứu của Berzaghi và định giá của Chami để bán tiềm năng hấp thụ carbon của voi cho các công ty trên thế giới.

Dựa trên thị trường bù trừ carbon, giúp các công ty bù cho phần phát thải họ thải ra bằng cách trả tiền để trồng cây hoặc trả cho dự án điện tái tạo ở nơi khác, Rebalance Earth đã bắt đầu bán phiếu hệ sinh thái đại diện cho lượng carbon mà mỗi chú voi giúp hấp thụ.

"Giá trị tiền tệ mà voi rừng trực tiếp có tác động đến lượng carbon phân ly được mà chúng tạo ra trong đời và khối lượng này nhân lên đến giá cả hiện thời của dịch vụ bù carbon," giám đốc điều hành của Rebalance Earth, Walid Al Saqqaf cho biết.

Đa số voi rừng châu Phi sống trong rừng mưa Gabon

Các công ty mua dịch vụ này sẽ trả tiền để bảo vệ voi, khoản quỹ gây được sẽ dành cho nhân viên rừng quốc gia và cộng đồng địa phương, theo Al Saqqaf. Toàn bộ quá trình trao đổi này sẽ được kiểm soát và theo dõi qua công nghệ blockchain tư nhân.

"Mọi người đều yêu voi, nhưng liệu điều đó có giúp ngăn cản sự sụt giảm số lượng loài không?" ông nói. "Chúng ta không lựa chọn một cách đúng đắn dựa trên thiện chí, mà là chúng ta ra quyết định dựa trên ví tiền của mình. Bằng cách nào ta có thể sử dụng sáng kiến tài chính để làm điều đúng?"

Công ty Rebalance Earth đang chuẩn bị tung ra dự án thử nghiệm ở Gabon, nơi có đến 70% số lượng voi rừng Châu Phi.

Gabon chiếm khoảng một phần năm diện tích rừng Congo Basin và có tỷ lệ mất rừng thấp hơn các quốc gia láng giềng như Cộng hòa Congo và Cameroon. Tuy nhiên, lực lượng bảo vệ rừng ở Gabon đe dọa sẽ đình công năm nay, do điều kiện làm việc tồi tệ và tình trạng chậm trả lương.

"Quỹ của chúng tôi sẽ đảm bảo có đủ nhân viên kiểm lâm bảo vệ voi và đầu tư vào cộng đồng địa phương," Al Saqqaf nói.

Một số người tỏ ra nghi ngờ cách tiếp cận của Rebalance Earth, vì quan ngại môi trường và đạo đức trong việc sử dụng tiền ảo bằng blockchain để gây quỹ bảo tồn.

Catherine Flick, nhà nghiên cứu cao cấp về khoa học máy tính và trách nhiệm xã hội tại Đại học De Montfort ở Leicester, Anh Quốc, cho biết vấn đề chính là đây là "đầu cơ" và "rất khó quản lý".

Tuy nhiên, Al SAqqaf tranh luận rằng "vẻ đẹp" của hệ thống blockchain là mỗi bên có khả năng tiếp cận thông tin y như các bên khác. "Khi nền tảng của chúng tôi mở rộng, chúng tôi sẽ xây dựng một hệ thống quản trị độc lập và sẽ xem xét vai trò thông qua hệ thống trao đổi có xác minh," ông cho biết.

Flick nói rằng câu hỏi ai là người thụ hưởng chương trình vẫn còn là vấn đề: những công ty lớn mua tiền điện tử hay là cộng đồng địa phương, những người thực hiện công việc bảo tồn?

Al Saqqaf cho biết nhân viên kiểm lâm sẽ được chi trả bằng loại tiền tệ địa phương, cộng đồng trong dự án thử nghiệm cũng vậy. Khi sáng kiến được nhân rộng, mọi người có thể tiêu tiền điện tử ở một số cửa hàng, dịch vụ giáo dục và sức khỏe nhất định, ông chia sẻ. Doanh số do mô hình đem lại sẽ được đầu tư cho giáo dục và dịch vụ y tế địa phương, ông nói.

Về mặt khí hậu, có nhiều quan ngại với việc sử dụng công nghệ blockchain, vốn có thể cực kỳ hao tốn năng lượng.

Rebalance Earth cho biết công ty sẽ sử dụng công nghệ blockchain R3 Corda riêng, mà công ty này cho rằng chỉ tương đương như năng lượng để gửi email.

Trong khi Bitcoin và những nền tảng blockchain công cộng khác sử dụng cơ chế đồng thuận "bằng chứng công việc" (proof of work) để xác nhận giao dịch, thì R3 Corda sử dụng một blockchain riêng tư dùng cơ chế đồng thuận xác minh và đồng thuận duy nhất, tiêu thụ ít năng lượng hơn nhiều vì không đòi hỏi sức mạnh máy tính để giải toán.

Breuer cho biết dự án thử nghiệm là "sáng kiến tuyệt vời" nhưng cũng xác nhận có nhiều lỗ hổng. "Người ta cần phải có cơ chế dùng tiền để gìn giữ voi rừng và nâng cao khả năng của cộng đồng bản địa cùng tồn tại với động vật hoang dã," ông cho biết. "Nhưng chúng ta cần phải trung thực về giới hạn và thách thức của ý tưởng này."

Chẳng hạn, làm sao để có thể theo dấu voi vẫn là khó khăn trong thực tế. "Làm sao bạn biết đó cùng là một con voi? Không dễ gì có thể xác định được chúng," ông nói.

Kiếm tiền từ "dịch vụ sinh thái" do voi rừng cung cấp có thể giúp cung cấp tài chính cho quá trình bảo tồn, nhưng những câu hỏi phê phán làm dấy lên quan ngại liệu tiền đó có tạo ra lợi ích cho cộng đồng bản địa hay không

Người ta cũng khó mà thuyết phục được cộng đồng địa phương về "lợi ích vô hình" của sáng kiến kiểu này, Breuer nói.

"Nếu bạn đến một ngôi làng Trung Phi và nói với mọi người về sáng kiến blockchain, họ sẽ nói 'nếu chúng tôi thịt một con voi, chúng tôi sẽ có thịt ăn trong khoảng thời gian nhất định và điều này có giá trị với chúng tôi hơn,"," ông nói.

Nỗ lực bảo tồn nên bắt đầu từ mức độ cơ sở và tập trung vào việc giúp cộng đồng chung sống bên cạnh voi, theo Breuer. Các khoản quỹ nên được đóng góp trực tiếp vào việc chống săn trộm và cho lực lượng chấp pháp, ông nói.

"Chúng ta cần phải chắc chắn rằng tiền sẽ đến được tận nơi. Giải pháp luôn nằm trên thực địa chứ không phải nằm ở tiền bạc," ông nói.

Mục tiêu tối thượng, theo Breuer, nên là thuyết phục cộng đồng địa phương tin rằng bảo tồn là công việc xứng đáng mà họ cần theo đuổi, công việc đó có thể đem lại việc làm và sự thịnh vượng cho khu vực. "Vì vậy trong vòng một hoặc hai thế hệ, họ cảm thấy họ không thể sống mà không làm công tác bảo tồn."

Bài tiếng Anh đã đăng trên BBC Future.

3/2/22

TẬN THẾ

 https://i.ytimg.com/vi/BDjl4-k8YCU/hqdefault.jpg


TẬN THẾ

Ngày xưa, lúc tôi mới 12 tuổi, tôi mơ ước được sống đến năm 2000. Lý do, theo Thánh Kinh, năm 2000 là năm tận thế. Bạn học cùng lớp nói : “ Mi là thằng ích kỷ. Mi muốn là người chết cuối cùng của nhân loại.” Đến năm 2000, tôi mới chỉ 56 tuổi. Nhưng lúc đó mọi người đều tin rằng : năm 2000 là năm tận thế và mọi người đều phải chết, không ai có thể tránh khỏi. Tôi cũng tin như vậy, mặc dầu tôi không phải là người theo Thiên Chúa Giáo. Nhân loại tận thế như thế nào thì chẳng ai biết vì Thánh Kinh không nói rõ. Tôi cũng nghe nói nhà Tiên Tri Nostradamus (1503 – 1566) đã đoán trước về Họa Da Vàng. Ông đoán một trận chiến tranh giữa Phương Tây Da Trắng và Trung Hoa Da Vàng sẽ xảy ra và Phương Tây Da Trắng là nước thắng trận. Hơn bốn trăm năm sau ngày Nostradamus qua đời, trận chiến thực sự giữa Phương Tây Da Trắng và Trung Hoa Da Vàng vẫn chưa xảy ra.  Tôi nghĩ đó chỉ là tiên đoán viển vông cho ngày tận thế xảy ra trong tương lai. Tôi được xem một phim Ngày Tận Thế. Tôi không nhớ rõ câu chuyện xảy ra. Tôi chỉ nhớ cảnh nước cuốn người, nhà cửa và lửa cháy … Tôi nhớ, cuối cuốn phim chiếu một vị thiền sư thản nhiên ngồi uống trà trên núi Everett của rặng Hy Mã Lạp Sơn. Vị thiền sư này thản nhiên như vô sự trước tai họa tận thế của nhân loại. Sau này có nhiều phim về ngày tận thế nên tôi không còn bị ám ảnh về ngày tận thế.

Gần đến năm 2000, thế giới lại xôn xao về tận thế. Sự cố Y2K (hay còn gọi là sự cố năm 2000). Các chuyên gia máy tính cho biết đến năm 2000 bộ đếm thời gian trên máy tính sẽ ghi nhận đó là năm 1900.  Lý do là vì trước đó người ta chỉ lập trình hai chữ số đại diện cho ngày/tháng/năm. Vì vậy, ngày mùng 1 tháng Giêng năm 2000 (1/1/00) cũng sẽ được biểu thị giống với mùng 1 tháng Giêng năm 1900. Từ đó, rất nhiều lời dự đoán về những thảm họa do sự cố Y2K gây ra, như tàu hỏa đi chệch đường ray, máy bay bị rơi do hệ thống máy tính bị nhiễu loạn … và nhân loại sẽ bị tận thế. Nhưng may mắn thay, các chuyên gia trên toàn thế giới đã kịp sửa chữa các hệ thống máy tính nên đã không có thảm họa đáng kể nào xảy ra khi thế giới bước vào năm 2000.

Kể từ đó về sau không ai còn sợ nhân loại sẽ bị tận thế, mặc dầu có những tin, những đồn đoán về ngày tận thế sẽ xảy ra. Chẳng hạn Năm 2011, ở nước Mỹ đặc biệt là thành phố New York bỗng rộ lên tin đồn về ngày tận thế sẽ xảy ra vào ngày 21 tháng 5 năm 2011. Ông Harold Camping, 89 tuổi, Giám đốc Đài phát thanh Thiên chúa giáo và phụ trách trang web Family Radio khi đó dự đoán rằng, ngày 21 tháng 5 năm 2011 sẽ là ngày tận thế theo một công thức toán học phức tạp từ những con số được lặp lại nhiều trong kinh thánh. Nhiều người tin vào điều này và đã tình nguyện mặc áo phông, cầm tờ rơi, áp phích đi khắp các đường phố để khuyên mọi người hãy tận dụng vài ngày còn lại. Tuy nhiên, dự đoán của ông đã hoàn toàn sai,  ngày 21 tháng 5, trái đất vẫn chưa tận thế. Để chữa thẹn cho những đồn đoán sai của mình, ông cho biết, ông thực sự kinh ngạc khi ngày này qua đi mà thế giới vẫn nguyên vẹn và nói rằng : ông đã kiểm tra lại các lý thuyết mới và nói rằng Chúa đã ban phát cho con người thêm 5 tháng nữa, vì thế ngày tận thế sẽ là ngày 21 tháng 10 năm 2011.

Một tin đồn khác thì ngày 21 tháng 12 năm 2012 sẽ là ngày diệt vong của toàn nhân loại dựa theo sự kết thúc cuốn lịch của người Maya. Đó là thời khắc mà thời đại của chúng ta sẽ kết thúc để chuyển sang một thời đại mới. Ngoài ra, dự đoán về ngày tận thế ngày 21 tháng 12 năm  2012 này cũng gắn với một sự kiện thiên văn học có thật khi trái đất và mặt trời sẽ sắp thẳng hàng với tâm của giải thiên hà. Đến ngày 21 tháng 12 năm 2012 thế giới vẫn bình an.

Gần đây nhất, một đoạn video khẳng định ngày 29 tháng 7 năm  2016 sẽ là ngày tận thế của Trái Đất. Theo đó, Chúa Giê-su tái thế, hai cực Trái Đất sẽ đảo ngược dẫn đến một trận động đất dữ dội toàn cầu, mặt trời hóa đen và mặt trăng thì xoay tròn liên tục … Tuy nhiên, lời tiên đoán đã bị NASA bác bỏ, cho rằng nó không đúng sự thực và hiện tượng đảo cực hoàn toàn không mang lại hậu quả đáng sợ đến mức như vậy.

Isaac Newton dự đoán thế giới sẽ kết thúc vào năm 2060. Sinh năm 1643, Isaac Newton được coi là một chuyên gia về thần học. Ông đã dành cả đời để nghiên cứu về Chúa và tôn giáo. Ông cũng là một nhà khoa học với nhiều phát kiến vĩ đại, trong đó có thuyết vạn vật hấp dẫn. Dự đoán của nhà khoa học vĩ đại Isaac Newton vừa được phát hiện trong một tài liệu viết tay của ông. Các nhà khoa học mới đây đã phát hiện một tài liệu viết tay của nhà khoa học Isaac Newton có tiêu đề "Jehovah Sanctus Unus". Trong tài liệu này, ông đã dự đoán thế giới hiện tại sẽ kết thúc vào năm 2060 và trái đất một lần nữa trở thành “Vương quốc của Chúa”. Dự đoán của Newton được tiết lộ trong cuốn sách mới xuất bản của nhà thiên văn học người Áo Florian Freistetter. Nhà thiên văn học Freistetter viết : “Đối với Newton, năm 2060 sẽ là một sự khởi đầu mới, có thể kèm theo chiến tranh và thảm họa”. Florian Freistetter cho biết nhà khoa học Isaac Newton tin vào các sự kiện tương lai đã được “Chúa an bài”.

Dự báo về ngày tận thế xa nhất là dự báo của đại danh họa Leonardo da Vinci  được giải mã sau những phân tích mới nhất về kiệt tác Last Supper (Bữa Tối Cuối Cùng) của ông. Da Vinci bắt đầu vẽ bức The Last Supper vào năm 1495 và kết thúc vào năm 1498.  Leonardo da Vinci được coi là một trong số những thiên tài vĩ đại nhất thế giới. Ngoài bức họa nổi tiếng về nàng Mona Lisa, kiệt tác Bữa Tối Cuối Cùng của Da Vinci cũng được quan tâm đặc biệt vì thông điệp ngày tận thế được mã hóa ẩn trong đó.

https://i.khoahoc.tv/photos/image/2019/05/17/The-Last-Supper.jpg

Tác phẩm Last Supper (Bữa tối cuối cùng).

Kiệt tác "The Last Supper" mô tả bữa tối cuối cùng của Chúa Jesus với các tông đồ, được cho là bức tranh bị sao chép nhiều nhất. Phân tích mới nhất về bức họa này cho thấy có một thông điệp tai họa ẩn trong nó. Đó là thời điểm chính xác mà thế giới bị hủy diệt. Sau khi phân tích kỹ bức tranh trên, một nhà nghiên cứu Vatican cho biết, Leonardo da Vinci đã dự báo rằng ngày tận thế sẽ diễn ra vào ngày 1 tháng 11 năm 4006. Nhà nghiên cứu Sabrina Sforza Galitzia cho biết, cửa sổ hình bán nguyệt phía trên Chúa Jesus chứa đựng câu đố về chiêm tinh và toán học mà bà đã giải mã được. Chuyên gia hội họa người Italia trên cho hay, Leonardo da Vinci đoán rằng ngày tận thế sẽ xảy ra trong một trận đại hồng thủy toàn cầu, bắt đầu vào ngày 21 tháng  3 năm 4006 và kết thúc vào ngày 1 tháng  11 cùng năm. Các tài liệu cho thấy, Da Vinci tin rằng điều đó sẽ đánh dấu sự khởi đầu mới đối với loài người, Sforza Galitzia cho hay. Sforza Galitzia làm việc tại cơ quan lưu trữ văn thư của Vatican. Người phụ nữ này từng nghiên cứu các bản thảo gốc của Da Vinci khi làm nghiên cứu tại Đại học California.

Đa số con người không còn sợ hay nghĩ nhiều về ngày tận thế. Chỉ có một ít nhỏ nhoi người có tiền của còn bị ám ảnh bởi ngày tận thế. Cho nên một số căn hộ ngày tận thế nằm trong hệ thống hầm trú ẩn có khả năng chống lại thiên tai, cách ly với dịch bệnh và thách thức với sự tấn công của vũ khí hạt nhân có giá khoảng 3 triệu USD một căn, chưa xây xong đã bán hết. 

Gần đây nhiều sự kiện xảy ra như thảm họa môi trường, bão tsunami, hạn hán, dịch bệnh do virus cúm gà, virus covid - 19,….. đã cho con người thấy rằng : chính con người gây ra tai họa nên con người phải lãnh hậu quả do mình làm ra, không phải do sự trừng phạt của thượng đế. Những đồn đoán về ngày tận thế khẩn thiết được đưa ra. Đồn đoán về tận thế này không dựa trên kinh thánh hay của các chiêm tinh gia mà của các nhà khoa học. Các nhà khoa học đã khẩn thiết kêu gọi mọi người hãy thức tỉnh nếu không ngày tận thế chắc chắn sẽ xảy ra một ngày không xa. Chẳng hạn nhà khoa học James Lovelock dự đoán  80% khả năng con người sẽ diệt vong vào năm 2100. Ông hình dung về sự kết thúc của nhân loại, sẽ chỉ còn vài cặp đôi sống sót ở Bắc cực vào cuối thế kỷ 21. Hơn 10 năm trước, khi nhiệt độ tháng 7 tăng cao kỷ lục, James Lovelock đã phát biểu trên tờ The Guardian rằng, 80% sự sống con người trên Trái đất sẽ bị diệt vong vào năm 2100. Nguyên nhân là bởi sự biến đổi khí hậu.

Cơ quan NASA lại có ưu tư khác về lý do ngày tận thế. Bà Michelle Thaller - trợ lý giám đốc truyền thông khoa học tại NASA, đã chia sẻ một trong những dấu hiệu đáng tin cậy nhất cho thấy ngày tận thế đang đến trên trang web Big Think.  Bà Thaller nói rằng NASA không phải là cơ quan duy nhất quan sát bầu trời và tìm kiếm các mối đe dọa tiềm tàng, còn có các nhà thiên văn học trên khắp thế giới đang làm điều tương tự, nên sẽ không thể che giấu sự thật về một thảm họa sắp xảy ra. "Trong trường hợp thậm chí có khả năng xảy ra "va chạm xấu" giữa Trái đất và tiểu hành tinh, NASA sẽ thông báo cho không chỉ chính quyền, mà cả giới truyền thông", bà Thaller cho biết. Nhà khoa học lưu ý rằng NASA hiện đang nghiên cứu các phương pháp để không chỉ thông báo về các mối đe dọa tiềm ẩn, mà còn để ngăn chặn chúng. Bà Thaller giải thích rằng có thể thay đổi quỹ đạo của các vật thể không gian và khiến chúng không đâm thẳng xuống Trái đất. Năm ngoái, NASA đã trình bày "Kế hoạch hành động và chiến lược chuẩn bị vật thể gần Trái đất" của mình, nhằm mục đích tìm kiếm, theo dõi và ngăn chặn các vật thể nguy hiểm tiềm tàng có thể tấn công Trái đất và dẫn đến sự hủy diệt hàng loạt. Hiện tại có khoảng 25.000 tiểu hành tinh trong Hệ Mặt Trời đủ lớn để gây thiệt hại lớn cho hành tinh của chúng ta.

Tóm lại tận thế là có thật. Tận thế đến sớm hay muộn là do con người.

Hai nguyên nhân chính khiến nhân loại tận thế : 

Thảm Họa Môi trường

Hơn bao giờ hết thế giới đang đứng trước nguy cơ 10 thảm họa đe dọa con người và trái đất và nếu không có sự phối hợp của toàn cầu để giải quyết thì nguy cơ tuyệt chủng không phải là một tương lai quá xa xôi. Những thảm họa môi trường do con người gây ra có thể đẩy chính họ đến nguy cơ tuyệt chủng. Theo các nhà khoa học 10 thảm họa đó là :

1. Đất đai bị suy thoái

2. Sự biến đổi khí hậu, cạn kiệt nguồn năng lượng và hiệu ứng nhà kính đang đe dọa toàn nhân loại

3. Giảm tính đa dạng động thực vật

4. Diện tích rừng giảm sút

6. Ô nhiễm hoá chất

7. Đô thị hoá vô tổ chức

8. Diện tích mặt biển và đại dương sẽ tăng quá mức

9. Không khí bị ô nhiễm nặng nề

10. Lỗ thủng tầng ozon ngày càng rộng ra ở vùng cực.

Chiến Tranh Thế Giới

Những sự kiện xảy ra giữa Mỹ và Trung Hoa khiến người ta lo ngại trận chiến giữa hai cường quốc sẽ xảy ra. Trung Hoa muốn làm chủ biển Đông, soán ngôi chúa tể và trả thù cho thế kỷ trước, Trung Hoa đã bị phương Tây xâu xé, khinh bỉ. Hoa Kỳ quyết giữ vị thế cường quốc số 1 trên thế giới. Nhà tiên tri Nostradamus đã đoán đúng về Họa Da Vàng và chiến tranh giữa Trung Hoa và Phương Tây sẽ xảy ra. Nhưng người ta nghi ngờ về kết luận của ông rằng người Phương Tây thắng trận.

Nga xâm lăng Ukraine. Ông Putin nói ai đe dọa Nga sẽ lãnh hậu quả chưa từng có, khiến các báo châu Âu bình luận rằng đây là cách ông Putin cảnh cáo các nước ủng hộ Ukraine rằng : Nga sẵn sàng dùng vũ khí hạt nhân. Tổng thống Vladimir Putin nói ông đã ra lệnh cho quân đội Nga đặt các lực lượng hạt nhân của họ trong tình trạng "báo động đặc biệt" để đáp lại cái mà ông mô tả là “sự hung hãn” của NATO. Đáp trả lời đe dọa của ông Putin, bộ trưởng Le Drian đã nói trên kênh TF1 của Pháp rằng Nga "cần biết Nato là một liên minh có vũ khí nguyên tử". Chiến trường Ukraine mỗi lúc mỗi căng thẳng bởi vì có vẻ như Nga, khối NATO đều không nhượng bộ lẫn nhau tại Ukraine. Cả hai phe đều đẩy lẫn nhau vào chân tường, chiến tranh nguyên tử có nguy cơ xảy ra.

Như vậy chiến tranh thế giới thứ 3 có thể xảy ra vì Mỹ - Trung, cũng có thể vì Nga – Nato. Nhiều người cho rằng nếu thế chiến thứ 3 xảy ra thì thế chiến thứ 4 con người sẽ lấy đá ném nhau. Họ muốn nói chẳng có bên nào thắng hay bên nào thua cả, kết quả thế chiến thứ 3 là con người sẽ trở về thời đồ đá … nghĩa là tận thế.

Những nguyên nhân khác 

Những nguyên nhân khác sau đây cũng có thể là ngòi lửa gây ra tận thế cho loài người :

Nạn Nhân Mãn

Nếu tỷ suất sinh hiện nay tiếp diễn, năm 2050 tổng dân số thế giới sẽ là 11 tỷ người, với 169 triệu người tăng thêm mỗi năm. Tuy nhiên, tỷ suất sinh đã giảm trong nhiều thập kỷ, và các con số cập nhật của Liên hiệp quốc dự đoán dân số thế giới sẽ đạt 9.2 tỷ người khoảng năm 2050. Dân số thế giới hiện nay là 6 tỷ mà đã cảm thấy trái đất chật hẹp.  

Theo các nhà khoa học một số vấn đề gắn liền hay trở nên trầm trọng hơn bởi sự quá tải dân số loài người:

  1. Thiếu nước sạch

  2. Suy giảm các nguồn tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là nhiên liệu hóa thạch

  3. Tăng mức độ ô nhiễm không khí, ô nhiễm nước, ô nhiễm đất và ô nhiễm tiếng ồn

  4. Phá rừng và mất hệ sinh thái

  5. Thay đổi thành phần khí quyển và hậu quả nóng lên toàn cầu

  6. Mất đất canh tác không thể phục hồi và sa mạc hoá

  7. Nhiều giống loài bị tuyệt chủng

  8. Tỷ lệ tử vong trẻ sơ sinh và trẻ em cao.

  9. Tăng cơ hội phát sinh của bệnh dịch và dịch lớn

  10.  Đói, suy dinh dưỡng

  11.  Các điều kiện sống mất vệ sinh vì suy giảm nguồn nước, tình trạng xả nước thải và chất thải rắn không qua xử lý

  12.  Tỷ lệ tội phạm cao

  13.  Xung đột về các nguồn tài nguyên đang cạn kiệt, dẫn tới gia tăng các nguy cơ chiến tranh.

Vật Thể và Hành Tinh Đâm Thẳng Vào Trái Đất  

NASA được quốc hội Hoa Kỳ ủy thác cho nhiệm vụ phát hiện, theo dõi và phân loại mọi NEO có đường kính ít nhất 1 km, do sự va chạm của chúng với Trái Đất có thể gây ra một thảm họa lớn cho hành tinh. Tính đến tháng 8 năm 2012, đã phát hiện được 848 tiểu hành tinh gần Trái Đất có đường kính lớn hơn 1 km, 154 trong số chúng có khả năng gây nguy hiểm tiềm ẩn (PHAs). Năm 2006 các nhà thiên văn ước lượng rằng còn khoảng 20% tiểu hành tinh gần Trái Đất chưa được phát hiện. Chương trình NEOWISE công bố kết quả vào năm 2011, rằng khoảng 93% vật thể NEA có đường kính lớn hơn 1 km đã được tìm thấy và chỉ còn 70 tiểu hành tinh nguy hiểm chưa bị phát hiện.

Sát thủ không gian đang hướng về phía trái đất. Các chuyên gia đang theo dõi thiên thạch khổng lồ lao về phía trái đất với tốc độ lên đến 57.240 km/giờ. Dự báo một thiên thạch khổng lồ sắp bay sượt qua trái đất. Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) đang theo dõi thiên thạch 2002 PZ39 có đường kính gần 1km đang lao về phía trái đất với tốc độ 57.240 km/giờ. Theo dự báo, thiên thạch này sẽ “tiếp cận gần” với trái đất vào khoảng 11 giờ 5 ngày 15.2 (giờ GMT) năm 2002. Tờ Daily Express dẫn thông tin từ NASA cho biết bất cứ thiên thạch nào với kích cỡ tương tự đều có khả năng “xóa sổ” hàng triệu người nếu lao xuống trái đất. Theo NASA: “Thiên thạch có kích cỡ từ 25 - 1.000 m lao vào trái đất sẽ gây thiệt hại tại khu vực tác động. Chúng tôi tin rằng những thiên thạch từ 1 - 2 km sẽ có tác động toàn cầu”. Khả năng hủy diệt này từng được đề cập trong báo cáo năm 2018 của Nhà Trắng về các vật thể gần trái đất (NEO), bao gồm các tiểu hành tinh, sao chổi và thiên thạch lớn. Kế hoạch quốc gia về chiến lược và hành động sẵn sàng đối phó các vật thể gần trái đất của Mỹ cảnh báo rằng các thiên thạch có đường kính lên đến 1km có thể kích hoạt một chuỗi hủy diệt trong thiên nhiên. Theo đó, nó có thể gây động đất, sóng thần và tác động thứ cấp vượt xa khu vực chịu ảnh hưởng trực tiếp. 

Tôn Giáo

Jerusalem – Mảnh Đất Tranh Chấp Của Ba Tôn Giáo : Cơ Đốc Giáo, Do Thái Giáo, Hồi Giáo. Cả ba tôn giáo đều tuyên bố Jerusalem là thánh địa và là nguyên nhân suốt ba ngàn năm lịch sử với hàng loạt cuộc chiến tranh đẫm máu và tàn khốc kéo dài cho đến tận ngày nay. Do đó bất kỳ một sự thay đổi nào cũng sẽ thổi bùng ngọn lửa dẫn đến chiến tranh. Trong một thông điệp được gởi đi vào rạng sáng ngày 17 tháng 12 năm 2017, tổng thống Donald Trump sẽ công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel và chuyển Đại Sứ Quán tới địa điểm này. Quyết định của tổng thống Trump đã nổi lên một làn sóng phản kháng dữ dội trong thế giới Ả Rập đặc biệt là Palestine. Theo những người Palestine thì Jerusalem thuộc về họ và nghị quyết 58 năm 1992 của Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc cũng khẳng định rằng người Palestine có chủ quyền với Đông Jerusalem. Do đó tổng thống Trump sẽ gặp phải rất nhiều trở ngại và có thể gây ra chiến tranh lớn khi thực hiện tuyên bố của mình.

Dân Tộc Chủ Nghĩa

Đại dịch Covid-19 cho thấy: không có sự cộng tác giữa các quốc gia với nhau. Ngày nay tinh thần dân tộc chủ nghĩa lớn mạnh. Tranh chấp lãnh thổ diễn ra ở nhiều nơi như ở biển đông, tranh chấp Ấn Hồi về lãnh thổ Caschemir, tranh chấp Trung Ấn …. Tinh thần cực hữu bài ngoại lớn mạnh ở Tây Âu. Tinh thần dân tộc chủ cũng là ngòi lửa cho cuộc chiến lớn.

Kết Luận

Để giải quyết vấn đề tận thế, kéo dài tuổi thọ của trái đất. Những giải pháp sau đây có thể giúp cho con người sống bình an và thoát khỏi tận thế :

Cầu Nguyện

Cầu nguyện không phải để van xin Thượng Đế ban cho hay cứu giúp chấm dứt tai họa cho địa cầu. Cầu nguyện cũng phải là thái độ ươn hèn chấp nhận thất bại. Cầu nguyện với trái tim khát khao hoàn thiện các đức tính của thánh hiền, để trừ khử những xấu ác và làm phát khởi những đức tính hiền thiện trong chính tự thân mình. Cầu nguyện để được thánh hiền truyền sức mạnh niềm tin và cảm xúc hứng khởi cho người cầu nguyện hành động thánh thiện trong cuộc đời. Bất cứ khi nào ta nhận được niềm tin và cảm xúc hứng khởi từ hành động và nhân cách cao thượng của ai đó, rồi hành động thiện lợi trong cuộc đời thì khi đó ta có thể nói rằng người đó đã ban cho ta. Mọi người cầu nguyện để tiến đến tinh thần : Từ Bi Hỉ Xả, Bác Ái Công Bằng của các tôn giáo. Mọi người sống trong tình thương yêu, đoàn kết, đùm bọc lẫn nhau. Thế giới làm gì còn cảnh kỳ thị. Thế giới làm gì còn chiến tranh. 

Giảm Ô Nhiễm Môi Trường

Giảm ô nhiễm môi trường là một vấn đề vô cùng quan trọng đối với sự sống của trái đất, sức khỏe và sự hưng thịnh của loài người. Không khí chúng ta hít thở chứa đầy các chất gây ô nhiễm độc hại. Đại dương và các nguồn nước bị đầu độc bởi hóa chất. Nếu không được ngăn chặn, ô nhiễm môi trường sẽ khiến hành tinh của chúng ta mất dần đi vẻ đẹp, sức sống và sự đa dạng của nó.

Con người, con vật và thiên nhiên cây cối nương tựa vào nhau để sống hạnh phúc và trường tồn. Con người không phá hoại thiên nhiên cây cối, không giết, không ăn loài vật hoang dã để có cuộc sống an bình không có nhiều thiên tai, bệnh tật và kéo dài tuổi thọ của trái đất.

Định cư ngoài Trái Đất

Các nhà khoa học đã nghĩ đến việc đưa con người sinh sống ngoài trái đất. Trong thập niên 1970, Gerard O'Neill đã đề xuất xây những nơi sinh sống ngoài vũ trụ có thể đáp ứng gấp 30,000 lần khả năng của Trái Đất chỉ bằng cách sử dụng vành đai tiểu hành tinh và rằng cả hệ mặt trời có khả năng đáp ứng cho sự gia tăng dân số như hiện tại trong hàng nghìn năm nữa. Marshall Savage (1992, 1994) đã dự đoán tới năm 3000 một dân số loài người tới 5 lũy thừa 30 trong cả hệ mặt trời, đa số sống trong vành đai tiểu hành tinh. Arthur C. Clarke, một người ủng hộ Savage nhiệt thành, đã cho rằng tới năm 2057 sẽ có người ở trên Mặt Trăng, Sao Hoả, Europa, Ganymede, Titan và trong quỹ đạo quanh Sao Kim, Sao Hải Vương và Diêm Vương. Freeman Dyson (1999) coi vành đai Kuiper là một ngôi nhà trong tương lai của nhân loại, cho rằng điều này sẽ xảy ra trong vài thế kỷ nữa. Trong cuốn Mining the Sky, John S. Lewis cho rằng các nguồn tài nguyên trong hệ mặt trời đủ cung cấp cho 10 mũ 16 (10^16) người.

Sống Thanh Thản

Chưa ai biết Ngày Tận Thế xảy ra lúc nào. Nếu xảy ra thì xảy ra bất ngờ và rất nhanh. Mọi người đều chết, không ai sống. Không ai phải nằm bất động, hôn mê, đau đớn trong bệnh viện hàng tháng, hàng năm vì bệnh tật. Vậy thì có chi phải lo lắng sợ hãi. Cứ thanh thản hưởng nhàn như cụ Nguyễn Công Trứ. Cụ vạch rõ chữ nhàn rất dễ kiếm, ai cũng có thể có, dễ như thế mà mấy ai từ xưa đến nay tìm ra được. Cụ Nguyễn Công Trứ thể hiện triết lý nhàn của cụ trong bài ca trù Chữ Nhàn :

   
Chữ Nhàn

Thị tại môn tiền náo,
Nguyệt lai môn hạ nhàn.
So lao tâm lao lực cũng một đàn,
Người trần thế muốn nhàn sao được?
Nên phải giữ lấy nhàn làm trước,
Dẫu trời cho có tiếc cũng xin nài.
Cuộc nhân sinh chừng bảy tám chín mười mươi,
Mười lăm trẻ, năm mươi già, không kể.
Thoắt sinh ra thì đà khóc chóe,
Trần có vui sao chẳng cười khì?
Khi hỷ lạc, khi ái dục, lúc sầu bi,
Chứa chi lắm một bầu nhân dục.
Tri túc, tiện túc, đãi túc, hà thời túc,
Tri nhàn, tiện nhàn, đãi nhàn, hà thời nhàn?
Cầm kỳ thi tửu với giang san,
Dễ mấy kẻ xuất trần xuất thế.
Ngã kim nhật tại tọa chi địa,
Cổ chi nhân tằng tiên ngã toạ chi.
Ngàn muôn năm âu cũng thế ni,
Ai hay hát mà ai hay nghe hát?
Sông Xích Bích buông thuyền năm Nhâm Tuất,
Để ông Tô riêng một thú thanh tao.
Chữ nhàn là chữ làm sao?

                                                                       

Quang Già Cơ

11/3/21

Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu COP26

BBC tiếng Việt 31 tháng 10 2021

Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Biến đổi khí hậu đã chính thức khai mạc lúc 11 giờ ngày 31 tháng 10 năm 2021 tại thành phố Glasgow, Vương quốc Anh theo hình thức trực tiếp.

Đã có các cuộc biểu tình đòi thế giới phải có hành động, trước khi COP26 khai mạc tại Glassgow, chẳng hạn như cuộc biểu tình này ở Dusseldorf, Đức

Phái đoàn từ khoảng 200 quốc gia có mặt tại đây để tuyên bố việc các nước sẽ cắt giảm khí thải tính đến năm 2030 như thế nào để cứu hành tinh.

4/12/21

Tiền ảo Bitcoin có thể khiến Bắc Kinh thất bại trong cuộc chiến khí hậu

RFI - Trọng Thành
Tiền ảo Bitcoin mang lại các khoản lợi nhuận không ngờ, nhưng cũng gây tổn hại trầm trọng khi môi trường, do sử dụng nhiều điện. Bitcoin có thể khiến Bắc Kinh thất bại trong các cam kết khí hậu : Ảnh minh họa REUTERS - DADO RUVIC

Tiền ảo Bitcoin gây ô nhiễm nghiêm trọng tại Trung Quốc, do tiêu thụ rất nhiều điện, đặc biệt là điện than, theo nghiên cứu mới của một nhóm khoa học gia Trung Quốc. Phát triển tiền ảo đe dọa mục tiêu cắt giảm khí thải để hãm lại đà hâm nóng khí hậu, mà chính quyền Tập Cập Bình hứa hẹn với quốc tế. 

« Đào tiền ảo Bitcoin » : Tốn điện ngang với Ý

Đồng tiền ảo Bitcoin gây nhiều thèm muốn, cũng như lo sợ. Bitcoin được coi là mang lại những món lợi trời cho với khá nhiều người này, trên thực tế, gây rất nhiều tổn hại cho môi trường. Theo một nghiên cứu, vừa được công bố trên tạp chí Nature Communications, ngày 06/04/2021, đồng tiền ảo này tốn rất nhiều điện, đặc biệt là điện than, sẽ có thể làm Bắc Kinh thất bại trong mục tiêu cắt giảm khí thải đúng hạn. Hiện tại, điện cho Bitcoin đã chiếm 0,6% điện tiêu thụ toàn cầu. Theo nghiên cứu này, nếu không có biện pháp, từ đây đến 2024, ngành công nghiệp Bitcoin sẽ tạo thêm mỗi năm hơn 130 triệu mét khối khí thải CO2, ngang với điện tiêu thụ của Ý, một cường quốc công nghiệp. Đặc phái viên thường trú của RFI Stéphane Lagarde cho biết thêm :

11/24/20

Việt Nam : Quyên góp hỗ trợ miền trung bị thiên tai

Thu Hằng RFI - ngày 23.11.2020

Những ngôi làng gần Hội An (miền trung Việt Nam) bị chìm trong nước vì bão lụt. Ảnh chụp ngày 07/11/2020. AP - Tran Van Minh

Chín cơn bão và áp thấp nhiệt đới đã tàn phá miền Trung Việt Nam chỉ trong hai tháng, từ giữa tháng 09 đến giữa tháng 11/2020 (từ bão số 5-Noul đến bão số 13-Vamco). Thiệt hại do các cơn bão gây ra ước tính lên tới 29.300 tỉ đồng (tương đương với 1,3 tỉ đô la), theo bản tin Cập nhật Tình hình Kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 11 được Ngân Hàng Thế Giới công bố ngày 13/11.

Bão lũ đã làm 243 người chết và mất tích, khoảng 7,7 triệu người sống trong các khu vực bị ảnh hưởng và khoảng 219.000 ngôi nhà bị hư hỏng hoặc bị phá hủy, vẫn theo báo cáo của Ngân Hàng Thế Giới. Bão số 13 (bão Vamco) quét qua nhiều tỉnh miền Trung trong hai ngày 15 và 16/11 không gây thiệt hại về người, nhưng đã làm tốc mái hơn 1.500 ngôi nhà, khiến nhiều cây xanh gãy đổ, bờ biển tan hoang, bờ, kè sạt lở.

Chín tỉnh miền trung, từ Nghệ An đến Bình Định, là khu vực bị ảnh hưởng nặng nhất, đặc biệt là những đợt mưa lớn từ 06 đến 22/10 gây sạt lở đất nghiêm trọng và đại hồng thủy. « Tại một số địa điểm, nước lũ vượt quá mức cao nhất lịch sử trước đó được ghi nhận vào năm 1979 hoặc 1999 », theo báo cáo của Liên đoàn Hội Chữ Thập Đỏ và Lưỡi Liềm Đỏ (FICR).

Nghe phần âm thanh:


Đọc thêm: