1/22/24

TẾT ĐẾN GIỮA MÙA ĐÔNG

 Hoàng Ngọc Nguyên


    Bây giờ đã là giữa tháng một, hai tuần sau khi chúng ta đón Tết dương lịch 2024 trên đất khách quê người. Và nay năm ta sắp hết, Tết ta sắp đến. Nhớ một thời mấy chục năm trước, còn sống trên quê nhà, khi Tết đến còn ông bà, còn cha mẹ, còn bà con, còn bạn bè, còn láng giềng, ta chỉ nhìn quãng đường dài trước mắt đến mức tưởng như không có ý niệm về thời gian. Nay thì quãng đường dài đó đã để lại sau lưng. Bao nhiêu chặng đường đã đi qua may lắm chỉ lãng đãng trong tâm trí: những năm tiểu học từ Huế vào Cầu Kho-Saigon lên Dalat rồi trở lại Tân Định-Saigon; thời trung học vất vả từ Tân Định (Trần Lục) lên Chợ Lớn (Chu Văn An), rồi đại học bon chen và thư nhàn từ trong nước ra nước ngoài; ngày tháng tại quân trường Thủ Đức và lăn lộn giữa nghiệp dĩ ngồi máy (viết báo) và công chức… Rồi cuối cùng cũng phải đi “học tập cải tạo” như mọi người để “sáng mắt sáng lòng”...

    Trước mắt hiện nay chỉ là chuyện sống qua ngày với ý thức rất rõ về qui luật của muôn đời sinh lão bệnh tử, may mà bên cạnh còn người phối ngẫu đã cùng nhau đỡ đần qua lại hơn 50 năm, còn con cái để bận tâm và mong đợi, còn cháu nội ngoại để vui vầy cho dù chẳng đứa nào nói dễ nghe, dễ hiểu vì chẳng đứa nào nói “tiếng nước tôi”.

Và trong lòng của những người đã từng sống tại Miền Nam quê hương trước đây trong một thời chưa mất nước, đương nhiên vẫn nổi lên một nỗi ngậm ngùi, bâng khuâng đến như dằn vặt, nhất là với tách cà phê có tô đậm dòng chữ: “The older I get, the better I used to be” – cho dù không có điếu thuốc trên môi (Nếu còn điếu thuốc trên môi có lẽ không còn ngồi đây nữa). Cuộc chiến tranh thuở xưa vẫn còn trĩu nặng trong tâm trí, vì đó là cuộc chiến làm ta mất nước, một cuộc chiến đã làm cho khoảng 250.000 lính Cộng Hòa bỏ mình trên chiến trường, gần 60.000 lính Mỹ cũng thiệt mạng, khoảng 200.000-300.000 quân cán chính Việt Nam Cộng Hòa phải đi cải tạo, khoảng 200.000-400.000 người Miền Nam đã chết trên đường vượt biên… Cộng Sản Miền Bắc thí đến hơn 1 triệu thanh niên cho tham vọng “thống nhất” của chúng. Đúng ra, người ta đã thí đến 15 năm mà người dân hai miền thay vì phải dồn sức vào thoát cảnh đói nghèo lại phài thí sinh mạng cho tham vọng ngông cuồng của CS Bắc Việt. 

Đất Mỹ đúng là chốn dung thân của bao nhiêu người trên trái đất này. Theo thống kê gần đây nhất, đến 13.6% dân số Mỹ là di dân (theo nghĩa sinh ở nước ngoài) – gấp đôi dân số nhập tịch theo thời gian (naturalization). Cứ nhìn tình cảnh thường trực của cả hàng chục ngàn người ở hai bên bức tường “giả tạo” ngăn cách hai nước Mỹ-Mễ. Thời xưa, bức tường Bá-Linh của Cộng Sản Đức người ta còn không sợ. Huống gì bức tường ở El Paso chỉ làm người ta nhớ đến bài hát của Marty Robbins nhiều hơn. Nhiều người đang sống trên đất Mỹ đã bắt chước tướng Trần Bình Trọng của đời nhà Trần Việt Nam thời xưa (Thà làm quỷ nước Nam còn hơn làm vua đất Bắc) khẳng khái nói: “Thà làm di dân lậu một nước độc lập tự do, còn hơn làm công dân một nước của tập đoàn lãnh đạo theo văn hóa tội ác!” Dưới thời Tổng thống Biden, đã có gần 2 triệu người Mễ tràn vào Mỹ làm cho người Cộng Hòa phát điên. Phiếu của cử tri Latino ở đâu chưa thấy, xem chừng Biden sẽ mất một số phiếu của người da trắng chống di dân!

Đặc biệt những người Việt phải bỏ nước ra đi sau năm 1975 nay đã đưa con số người Mỹ gốc Việt lên đến 2.2 triệu người – dĩ nhiên kể cả những người vốn có cuộc sống quá dư giả tại VN nhờ được chế độ ưu đãi nên cũng bon chen lợi dụng qua Mỹ để tìm “đất sống” lâu dài. “Cộng đồng” người Việt tại Mỹ nay được xếp hạng thứ tư về mặt dân số Mỹ gốc Á tại Hoa Kỳ, chỉ thua dân Tàu (người Tàu từ Trung Cộng ngày nay quá giàu, không qua Mỹ, thì sống ở đâu?), người Ấn (cứ nhìn bà Nikki Haley hay Phó Tổng thống Kamala Harris hay ứng cử viên tổng thống Vivek Ramaswamy - dân Ấn quá khôn sau gần 9 thập niên được nuôi dưỡng dưới chế độ thuộc địa của Vương quốc Anh 1858-1947) và người Phi (Philippines vốn là thuộc địa của Hoa Kỳ từ 1898 cho đến 1946 sau khi bị Tây Ban Nha cai trị cũng cả nửa thế kỷ). Sự thực thì người Việt chúng ta thua kém cả người Hoa và người Ấn về “thế”. Một phần bởi vì chúng ta “quá mới”, và những người đầu tiên qua đây bằng ghe thuyền! 

Đã gần 50 năm từ ngày chúng ta mất nước. Tất cả như là một giấc mơ, cho dù là ác mộng có thật. Những thế hệ sau này cùng lắm thì biết cái gốc Việt của cha mẹ và ông bà, nhưng chưa chắc đã hiểu được vì sao “ai mang tôi đến chốn này”. Cũng có thể giới trẻ hiểu loáng thoáng người Việt qua đây vì khó sống dưới chế độ cộng sản, nhưng chẳng thể hiểu được vì sao lại không sống nổi dưới chế độ đó.  Tuy nhiên, thế hệ cao niên khó mà nói hết, nói đúng cuộc sống trước đây đã đẹp đến thế nào, cho dù về mặt vật chất thì có thể không đầy đủ như hiện nay (Bởi thế mới có câu: Tri túc, tiện túc, đãi túc, hà thời túc - biết đủ là đủ). Và ba ngày Tết là một truyền thống xã hội, truyền thống gia đình trang trọng nhất, cần thiết nhất trong năm, là cơ hội độc đáo nhất cho gia đình, cho xã hội… thể hiện được nếp sống văn minh về tín ngưỡng có tính Khổng giáo.

Cuộc chiến chống sự xâm lăng của cộng sản Hà Nội kéo dài cả 15 năm, và trong 15 năm chiến tranh căng thẳng đó, chúng ta ở Miền Nam vẫn giữ được truyền thống “ăn Tết” đẹp đẽ đó. Chỉ có vài năm phải ngưng chuyện đốt pháo để ngăn ngừa sự phá hoại, khủng bố của kẻ thù. Tuy nhiên, trong thời tiết chỉ hơi se lạnh của một mùa xuân mới khi mùa đông đã qua, hầu hết mọi gia đình, hầu hết mọi người đều ra sức thể hiện niềm vui, niềm hạnh phúc gia đình, cá nhân khi Tết đến. Đó là dịp để nhớ đến tiền nhân, những người đã khuất. Dịp thể hiện hạnh phúc thương yêu của gia đình, ông bà, cha mẹ đối với con cháu và ngược lại. Đó là dịp thể hiện những nỗ lực “đổi mới”, sự mong đợi thời vận mới… qua những việc như sửa sang, lau chùi, quét dọn nhà cửa, trang phục mới, cách nói năng, giao tiếp giữ gìn, lịch thiệp, ý tứ. Và đương nhiên, đó là dịp vui chơi lớn nhất trong  năm của trẻ con, qua tiền lì xì, đốt pháo, chưng diện áo quần mới, và tụ họp gia đình…

Nếu nhìn lại gần nửa thế kỷ qua, kể từ khi Cộng Sản Hà Nội cho quân “tiến về Saigon, ta quét sạch giặc thù” (cái ý chí này cho thấy bản chất thực sự của Hà Nội xâm lược), cái Tết ngày xưa đã không còn nữa không chỉ đối với những người phải sống tha hương, mà còn đối với nhiều người ở Miền Nam đang cảm thấy sự mất mát trong cuộc sống mới với triết lý chính trị và xã hội hủ lậu của giới cầm quyền. Và chúng ta không tránh được chuyện nêu lên những câu hỏi về nước Mỹ, người Mỹ - để thấy rằng hiểu được nước Mỹ, hiểu được người Mỹ, không phải là chuyện dễ dàng. Và chưa hiểu đủ người Mỹ nước Mỹ thì ta chưa hiểu được vì sao Mỹ đã đành đoạn bỏ rơi 20 triệu người Miền Nam nửa thế kỷ trước đây.

Bao giờ chúng ta cũng nên nhớ rằng nước Mỹ chưa đến 250 tuổi, cũng như một người trẻ đôi mươi, chưa đủ trưởng thành; háo thắng nhìn đời, nhưng vẫn có những vụng dại, bất định, bất ổn, mâu thuẫn trong trong cách xác định những giá trị để nhìn mình, nhìn đời. Nhưng tuổi trẻ một phần cũng là tuổi của hy vọng, lý tưởng, lạc quan, và tự hào. Bởi thế mà một nước Mỹ từng giàu có vô song và sáng rực trong lý tưởng dân chủ, tự do cho con người trong một thế giới trật tự đảo điên và hướng đi mù mịt đã trở thành nước lãnh đạo Thế giới Tự do của gần nửa thế kỷ.

Miền Nam của chúng ta từng là nạn nhân của một nước Mỹ như thế. Một nước Mỹ có tầm nhìn nhưng thiếu sách lược; lãnh đạo chỉ nhìn gần, không dám nhìn xa; người dân lớp trên quá cá nhân chủ nghĩa, phần lớn chỉ tìm kiếm sự hưởng thụ cho nên thiếu ý thức về giá trị và mục tiêu quốc gia, về quyền lợi và nghĩa vụ, cho nên nước Mỹ mất hướng, lạc lối, không hành động thỏa đáng trong bài toán Việt Nam. 

Hơn 20 triệu dân miền nam vì thế lãnh đủ. Lãnh đạo Miền Nam thì bao giờ cũng quá “thật thà”, như người dân ở một vùng quê hẻo lánh bị bao bọc bởi những lũy tre xanh và nằm mơ là chóa mắt vì “ánh sáng đô thị”. Tính từ 1954 (tức 70 năm trước đây) 1964 (cách đây 60 năm) và cuối cùng là 1975 (cách đây gần 50 năm), chính quyền Miền Nam vẫn nhìn đồng minh của mình một cách loạn thị, cho dù có dư người đi làm ngoại giao ở Washington, D.C., và càng dư người đi học ở Mỹ hay làm cho Mỹ (kể cả những người làm cho CIA). Ít người trong chúng ta thời đó chịu hiểu Tổng thống John Kennedy còn một gánh nặng “Biên cương mới”. Tổng thống Lyndon Johnson thì mắc vào lời hứa “Đại xã hội”. Và ông Richard Nixon thì phải “Việt Nam hóa chiến tranh”. Sau vụ Mậu Thân, người Mỹ phát ngấy với chuyên mở máy truyền hình ra là thấy đập ngay vào mắt cuộc chiến ở cái vùng tiền đồn mà nay họ cho rằng vô nghĩa, bỏ là vừa! 

Nguyền rủa bóng tối của quá khứ mãi cũng chán, chúng ta cũng chẳng điên rồ ước gì có thể “làm lại từ đầu”. Giá mà thời đó chúng ta có thể hiểu được nước Mỹ hơn, nhìn được nước Mỹ rõ hơn, đầy đủ hơn - chẳng những mặt phải mà cả mặt trái của nó!  

Tết năm nay xem chừng lại rơi vào mùa đông, nhưng không chỉ vì mùa đông mà chúng ta quên rằng Tết sắp đến. Chúng ta vẫn đón tết theo cách của mình, từ đáy lòng của mình. Mở rộng cánh cửa, mở rộng con tim đón chờ con cháu đến chúc Tết với chút tiền lì xì trong túi; thăm viếng bạn bè, bà con… chẳng có và chẳng còn bao nhiêu người trong thành phố này (số người nằm xuống cứ tăng đều trong khi số người có thể đến ngày càng ít đi); đến với chùa hay nhà thờ trong địa phương để có dịp củng cố niềm tin của mình… 

Và tạm xem là cuối cùng, nhớ lại những bài hát một thời đã đem đến cho chúng ta những niềm tin, hạnh phúc, yêu đời đối với cuộc sống. Tuy chúng ta không còn giọng, không còn sức để hát, ai cấm được chúng ta nhẫm hát trong đầu hay trong giấc ngủ?

Như bài Đón Xuân của Phạm Duy là cây cổ thụ của làng âm nhạc Việt Nam:

Xuân đã đến rồi, gieo rắc ngàn hồn hoa xuống đời
Vui trong bình minh, muôn loài chim hót vang mọi nơi
Đẹp trong tiếng cười, cho kiếp người tình thương đắm đuối
Nắng xuân đem vui với đời

Hay Xuân Đã Về của nhạc sĩ Minh Kỳ, một nhạc sĩ hiền hòa nhưng lại phải đi cải tạo:

Xuân đã về, xuân đã về!
Kìa bao ánh xuân về tràn lan mênh mông
Xuân đã về, trên cánh đồng,
Bao bác nông ngưng cày ruộng vui say xuân
Xuân đã về, xuân đã về!
Ngàn cô gái quê cười tươi đón gió mới
Xuân đã về, xuân đã về!
Ta hát vang chào mừng xuân sang… 

Hoa Xuân cũng của Phạm Duy, nói lên cái đẹp của mùa xuân không chịu ảnh hưởng chút nào của mùa đông trước đó:

Xuân vừa về trên bãi cỏ non
Gió xuân đưa lá vàng xuôi nguồn
Hoa cười cùng tia nắng vàng son
Lũ ong lên đường cánh tung tròn

Hoa chẳng yêu lũ bướm lả lơi
Muốn yêu anh vác cày trên đồi
Hay là yêu chiến sĩ nghìn nơi
Thấy hoa tươi cười bỗng thương đời

Một bài hát từ đầu thập niên 60 của nhạc sĩ Nguyễn Hiền phổ thơ của Kim Tuấn, âm điệu và lời lẽ nhẹ nhàng, lãng mạn, dễ quyện lấy tâm hồn giới trẻ vào thời đó: Anh cho Em Mùa Xuân!

Anh cho em mùa xuân
Nụ hoa vàng mới nở
Chiều đông nào nhung nhớ
Đường lao xao lá đầy
Chân bước mòn hè phố
Mắt buồn vịn ngọn cây

Xuân Tha Hương của Phạm Đình Chương là một bài hát day dứt, ám ảnh tâm trí của tất cả chúng ta:

Ngày xưa xuân thắm quê tôi bao nhánh hoa đời đẹp tươi
Mẹ tôi sai uốn cây cành, vun tưới hoa mùa xinh xinh
Thời gian nay quá xa xăm, tôi đã xa nhà đầm ấm
Sống bao xuân lạnh lẽo âm thầm

Và tạm xem là cuối cùng, không thể thiếu được Ly Rượu Mừng cũng của người nhạc sĩ Hội Trùng Dương, nói lên tinh thần lạc quan, nhân bản, hòa đồng của con người sống trong một xã hội ai cũng mang niềm hy vọng vươn lên:

Ngày xuân nâng chén ta chúc nơi nơi
Mừng anh nông phu vui lúa thơm hơi
Người thương gia lợi tức
Người công nhân ấm no
Thoát ly đời gian lao nghèo khó

Nhấp chén đầy vơi chúc người người vui
Muôn lòng xao xuyến duyên đời...

Khi nghe những bài nhạc xưa của một thời đó, chúng ta mới thấm được những mất mát to lớn không gì lấy lại được để có hạnh phúc đích thực!




No comments:

Post a Comment