1/14/24

Tìm Khắp Thế Giới - Chúng Tôi Tìm Thấy Nhau

Sandra Kosmala, Nguyễn Thế Hoàng và Lila

Tôi đọc được một bài viết trên BBC tiếng Việt tựa đề Vợ Ba Lan buộc xa chồng Việt Nam : Tôi xem mình là người Việt, xin cho tôi về nhà.

Người vợ Ba Lan có tên là Sandra Kosmala. Cô Sandra đem con gái hai tuổi lần đầu tiên về quê ngoại thăm ông bà. Hai mẹ con bị mắc kẹt tại Poznan, Ba Lan. Lý do vì đại dịch virus corona. Con gái quốc tịch Việt Nam được về, mẹ quốc tịch Ba Lan thì không.

Sandra Kosmala nói cô mong hai mẹ con cô được sớm bay về đoàn tụ với người chồng, một công dân Việt Nam. Người mẹ trẻ hiện đang mang thai bảy tháng nói : Từ nhiều tuần qua cô đã tìm nhiều cách khác nhau, từ đặt mua vé máy bay trực tiếp, cho tới khẩn nài sự giúp đỡ của Đại sứ quán Việt Nam ở Ba Lan, nhưng vẫn mắc kẹt ở Ba Lan trong lúc ngày sinh nở đang đến gần.

Sandra nói rõ ràng và rành mạch bằng tiếng Việt với chất giọng Hà Nội trong cuộc phỏng vấn của BBC rằng : Tôi mong muốn xin được về Việt Nam. Tôi mong chính phủ Việt Nam cho phép tôi nhập cảnh để về với chồng mình. Các chi phí vé máy bay hay cách ly tập trung tôi đều chịu, chỉ mong cho gia đình đoàn tụ. Tôi cũng hỏi nhiều người về trải nghiệm ở khu cách ly, họ đều phản ứng tích cực, bạn bè tôi người nước ngoài còn khen không nghĩ Việt Nam lại làm tốt như vậy.

Sự kiện mẹ con cô Sandra bị kẹt ở Ba Lan làm tôi xúc động. Bài báo trên BBC tiếng Việt còn làm cho tôi xúc động hơn nữa về mối tình của cô gái Ba Lan, Sandra Kosmala và thanh niên Việt Nam, Nguyễn Thế Hoàng.

Ngày xưa, ở Việt Nam, thanh niên và thiếu nữ hiếm ai lấy người nước ngoài. Nữ giới lấy người nước ngoài thường bị dị nghị tai tiếng, nam giới thì không. Ngày nay, ở Việt Nam, việc lấy người nước ngoài là bình thường. Lấy người nước ngoài thì phụ nữ có hai nhóm : Nhóm thứ nhất là những phụ nữ được các công ty môi giới đưa sang làm vợ các nam giới Trung Hoa, Đài Loan, Hàn Quốc. Phụ nữ thuộc nhóm này đa số là thuộc gia đình nghèo ở vùng quê. Nhóm thứ hai là những phụ nữ lấy chồng là nam giới thuộc các nước Mỹ, Châu Âu. Phụ nữ thuộc nhóm này đa số là những cô gái trẻ đẹp thuộc những gia đình thành phố khá giả, họ muốn có cuộc sống tốt đẹp ở phương Tây. Nam giới thì vẫn ít lấy người phụ nữ nước ngoài như ngày xưa.

Đất nước sau hơn 45 năm thống nhất, theo tôi đất nước vẫn còn nghèo. Thanh niên Việt Nam vẫn chưa đưa đất nước lên ngang bằng Đài Loan, Hàn Quốc, Tân Gia Ba … Nhiều phụ nữ Việt Nam vẫn phải giải quyết cái nghèo bằng cách làm vợ người Trung Hoa, Đài Loan, Hàn Quốc hoặc tìm đời sống tốt đẹp hơn ở các nước phương Tây. Người dân Việt Nam vẫn còn phải làm công tại nhiều quốc gia trên thế giới.

Ngày xưa, đất nước chiến tranh, ly loạn, nhiễu nhương, người phụ nữ chịu nhiều gian truân, thiệt thòi đau khổ hơn nam giới. Thời Pháp thuộc, thời lính Mỹ tràn ngập miền Nam, người phụ nữ phải làm me Tây, me Mỹ, bị xã hội khinh chê. Thật ra họ đâu có lỗi gì. Lỗi là lỗi của nam nhi không đủ tài trí để đất nước nghèo hèn khiến đất nước bị đô hộ, bị lệ thuộc ngoại bang. Nữ nhi phải cắn răng làm me Tây, me Mỹ.

Ngày nay, đất nước độc lập, thống nhất đã hơn bốn mươi lăm năm, có những phụ nữ Việt Nam phải trần truồng cho những người đàn ông Hàn Quốc thuộc giai cấp hạ đẳng trong xã hội của họ lựa chọn đem về quốc gia họ. Nhìn cảnh thê thảm của người phụ nữ Việt Nam xấu số này, nam nhi đất Việt làm sao không hổ thẹn cúi mặt, tiền nhân dưới suối vàng làm sao không rơi nước mắt …

Nhìn những hình ảnh vui tươi và nghe tâm sự của cô Sandra Kosmala, tôi cảm động và khâm phục mối tình của cô gái Ba Lan và thanh niên Việt Nam. Tôi không biết họ gặp nhau ở đâu. Tôi cũng không biết thân thế sự nghiệp của họ. Tôi chỉ nghe 6 phút 10 giây đài BBC tiếng Việt phỏng vấn cô Sandra.

Mối tình của cô Sandra và anh Hoàng là mối tình giản dị, êm đềm và dễ thương.

Sandra cho biết : “Chuyện tình của hai vợ chồng tôi êm đềm, không gặp những khó khăn hay va vấp về văn hóa. Càng ở xa nhau, tôi càng thấy tình cảm mạnh mẽ. Khi gặp chồng mình, chúng tôi yêu nhau rất nhanh và quyết định cưới cũng rất nhanh. Chúng tôi nói với nhau, tìm khắp cả thế giới, cuối cùng tìm thấy nhau là đủ rồi".

Anh Nguyễn Thế Hoàng có vợ là người Ba Lan. Anh không ở lại sống ở nước phương Tây để có đời sống thoải mái như nhiều người Việt Nam khác. Anh đem vợ về sống tại Hà Nội. Con anh lấy quốc tịch Việt Nam. Anh biến cô gái Ba Lan thành cô gái Việt Nam.

Cô Sandra là cô gái hiếm có. Cô rất yêu thương anh Hoàng. Cô cố gắng trở thành người Việt Nam. Cô nói : “ Tôi hiểu văn hóa Việt Nam nên không có nhiều khác biệt hay khó khăn. Nếu có song tịch, tôi cũng muốn nhập quốc tịch Việt Nam, nhưng không phải có chồng Việt Nam thì sẽ được nhập tịch. “

Cô Sandra nói tiếng Việt rất chuẩn, rõ ràng và có chất giọng Hà Nội. Cô kể rằng :

“Những khi đi ra ngoài phố và nói chuyện bằng tiếng Việt thì người ta cứ nhìn nhìn tôi và nói “ Chị không phải là người Việt Nam phải không ? Tại sao chị lại nói được tiếng Việt giỏi như thế ?”

Cô Sandra còn nói : “Tôi cũng biết nấu vài món Việt Nam. Tôi biết ăn bún đậu mắm tôm nữa”.

Về mặt giấy tờ, Sandra vẫn là người Ba Lan nhưng bản thân cô vẫn xem mình như là người Việt Nam. Cô nói : "Tới bây giờ, tôi vẫn nghĩ quyết định ở Việt Nam là đúng đắn nhất. Tôi không tưởng tượng được nếu không phải ở Việt Nam thì ở đâu. Tôi đã ăn gần 10 cái tết ở Việt Nam, tôi là người Việt Nam rồi.”

Sandra nói một câu thật tha thiết cảm động : “Tôi xem mình là người Việt, xin cho tôi về nhà.”

Quang Già Cơ

No comments:

Post a Comment