5/31/20

Thí điểm đặc khu Vân Đồn

Nguyễn Tường Tâm - 27.05.2020

- Sau khi Dự luật Đặc Khu Kinh tế (Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc) bị dư luận cả nước phản đối năm 2018, chính phủ bất ngờ công bố thành lập Ban Quản lý (BQL) khu kinh tế thí điểm Vân Đồn. Vấn đề này vừa được hai chuyên gia kinh tế của Việt Nam lên tiếng, có điểm trái chiều nhau. Dựa trên ý kiến của hai chuyên gia này, tôi phân tích thêm trên phương diện chính trị, hành chánh, kinh tế & tài chánh và tư pháp.

I-Chính Trị
Về phương diện chính trị, bà Phạm chi Lan đã có những ý kiến chính xác.
Bà nói,  “Tỉnh Quảng Ninh có thể chỉ coi Vân Đồn là một khu nhỏ trong địa bàn của mình, nhưng khu nhỏ đó có thể trở thành một cứ điểm để Trung Quốc vào và gây nguy cơ đối với an ninh quốc phòng của cả quốc gia Việt Nam.” Đây là một nhận định chính trị liên quan tới sự tồn vong của đất nước nên rất đáng được toàn dân quan tâm, đánh giá.
Bà Lan phát biểu thêm: “Những chi tiết như cho thuê đất 99 năm. Những người ở các nước có chung biên giới với Quảng Ninh được tự do ra vào; được mua nhà cửa, được quyền sở hữu nhà và thừa kế cho con cháu họ. Nghĩa là mở cửa cho người Trung Quốc và con cháu họ, tự do mua đất, tự do sinh sống ở đó hết đời cha mẹ đến đời con cháu chắt. Và như vậy là quyền vĩnh viễn thuộc về họ. Như vậy là cho người Trung Quốc quyền cao hơn quyền của người Việt Nam ở nước ngoài – được mua nhà ở Việt Nam nhưng chỉ được sử dụng chứ không được sở hữu, bán lại hay chuyển nhượng theo luật hiện hành. Tất cả những cái đó là không thể được.”

Trước tiên, chúng ta cần hỏi chính phủ, tại sao phân biệt quyền sở hữu bất động sản giữa người Trung quốc và người Việt đã nhập tịch nước ngoài?
Điểm kế tiếp, việc cho phép người Trung Quốc được quyền sở hữu hay quyền thuê lâu dài (99 năm) bất động sản trong nước chắc chắn sẽ đưa tới mất nước. Lịch sử thế giới đã có trường hợp tương tự khi người Do Thái khởi đầu tiến trình tái lập quốc của họ bằng cách mua dần các đất đai của người Palestine. Trong phong trào tái lập quốc gia Do Thái, người Do Thái trên thế giới di cư về mảnh đất thuộc người Palestine. Trong khoảng thời gian 1882-1903 có khoảng 35 ngàn người Do Thái về sống tại đất Palestine. Sau đó có thêm 40 ngàn người Do Thái trở về đó trong khoảng 1904-1914. Kinh nghiệm này của người Do Thái cùng với kinh nghiệm 1000 năm Bắc thuộc của dân Việt, khiến việc lo ngại mất nước về tay Trung Quốc là có cơ sở vững chắc. Quan điểm của bà Lan đã không được TS Nguyễn Trí Hiếu đồng ý.
Ông Hiếu nhận định, “Việc lệ thuộc Trung Quốc thì Việt Nam từ lâu vẫn luôn như vậy. Nhiều chuyên gia bàn thoát Trung nhưng thoát cách nào? Có làm được không, có cần thiết hay không? Tiến sĩ Hiếu đã đặt ba câu hỏi: Thoát Trung cách nào? Có làm được không? Có cần thiết không? Và một câu khẳng định, “Thoát khỏi toàn bộ ảnh hưởng của Trung Quốc là điều không tưởng.” Trước tiên, trong một thế giới liên kết toàn cầu hiện nay, chẳng ai đặt vấn đề thoát khỏi toàn bộ ảnh hưởng của một quốc gia khác, nhất là một nước nhỏ thì luôn luôn cần dựa vào một siêu cường, nhưng dựa vào phải ở mức độ mình còn giữ được chủ quyền. Như vậy tiến sĩ Hiếu đã có một câu khẳng định dựa trên giả thiết không đúng, không người dân nào  có ý nghĩ “Thoát khỏi toàn bộ ảnh hưởng của Trung Quốc” như tiến sĩ Hiếu suy nghĩ. Người dân chỉ suy nghĩ làm sao giữ được lãnh hải, lãnh thổ và chủ quyền mà thôi.  Còn ba câu hỏi của ông Hiếu hàm ý là hai câu phủ định: 1-Không có cách nào thoát Trung. 2-Không cần thiết phải thoát Trung. Quan điểm của ông Hiếu vừa đứng ngoài quan điểm dân tộc, vừa thiếu kiến thức lịch sử Việt, lịch sử thế giới và kiến thức tổng quát, mà lại không liên quan trực tiếp tới vấn đề Thí Điểm Đặc Khu Vân Đồn nên không cần bàn thêm ở đây.

II-Hành Chánh:
A-“Thí điểm Đặc khu”: Dùng cụm từ “Thí Điểm Đặc Khu” là sự lường gạt nhân dân.
Người ta chỉ có thể thực hiện thí điểm những giải pháp mà nếu không thành công (không có kết quả như ý) thì hậu quả có thể sửa chữa được, có thể mang trở lại nguyên trạng, không mang ảnh hưởng lâu dài. Ví dụ thí điểm dùng sách giáo khoa mới. Nếu sau thời gian ngắn thử nghiệm, không đạt kết quả mong muốn, người ta có thể thay đổi để trở lại tình trạng cũ. Tuyệt đối không thể mang thử nghiệm một giải pháp nếu có sai trái (không thành công) không thể mang trở lại nguyên trạng, mà thậm chí còn mang hậu quả lâu dài cả chục năm, ảnh hưởng nhiều thế hệ. Thí điểm Đặc khu Vân Đồn, nếu có sai trái, thì không thể sửa chữa được, và  ảnh hưởng tệ hại sẽ kéo dài vài chục hay 99 năm hay có khi cả ngàn năm. Vì thế chính quyền cần thành thật tuyên bố thành lập Đặc Khu Vân Đồn để xem ý kiến dân chúng ra sao chứ không thể lừa gạt dân chúng bằng từ ngữ “Thí Điểm”.

B-Tổ chức Hành Chánh phải thống nhất.
Dù đặt tên là Thí điểm thì khu vực hành chánh đó cũng không thể có cơ cấu tổ chức và quyền hạn ra ngoài khuôn khổ tổ chức hành chánh trên cả nước. Cần định rõ cơ cấu tổ chức và quyền hạn của Thí điểm Đặc khu tương đương với hành chánh cấp xã, cấp huyện, cấp tỉnh hoặc cấp do Trung ương quản lý. Không thể có một cơ cấu tổ chức hành chánh với các quyền hạn đứng “riêng một góc trời.” (mượn lời một bài hát) Đó là nguyên tắc: Tổ chức Hành Chánh Phải Thống Nhất. Bà Phạm chi Lan đã tỏ ra hiểu biết khi phát biểu, “Ngoài ra, phải siết lại, và làm thật rõ quyền hạn BQL đến đâu, chứ không được làm mọi thứ”.

C-Những nguyên tắc hành chánh, kinh tế & tài chánh, và tư pháp áp dụng trong Đặc Khu thí điểm phải thống nhất với toàn bộ hệ thống trong cả nước.
Chính phủ có toàn quyền thiết lập hay thay đổi một địa giới hành chánh nhưng mọi nguyên tắc hành chánh, kinh tế & tài chánh, và tư pháp áp dụng trong địa giới hành chánh mới thiết lập (Đặc Khu) phải thống nhất với mọi qui tắc trên cả nước. Chỉ những quốc gia liên bang người ta mới cho phép áp dụng luật lệ tại mỗi tiểu bang một khác, ví dụ Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ, Liên Bang Đông Dương (thời Pháp thuộc), Liên Hiệp Pháp. Bà Lan đã hiểu vấn đề khi phát biểu, “Lúc đó nó (Đặc Khu Vân Đồn) không còn là vấn đề của một huyện, một tỉnh nữa mà đó là vấn đề của quốc gia.” Và rất đúng với nguyên tắc hành chánh, Bà Lan nêu ý kiến tiếp, “Tôi cho rằng chính phủ phải rút lại các đề án mà trước đây Vân Đồn đã đưa ra, đính kèm theo như phụ lục của Dự Luật Đặc khu Kinh tế”.
Nhưng thiếu hiểu biết về luật hành chánh nên TS Hiếu phát biểu “khi chính phủ đã ra quyết định rồi thì người dân không làm gì khác được.” Ông Hiếu không biết hiện nay nhà nước công nhận có hàng ngàn văn kiện hành chánh sai sót và chồng chéo nhau cần được điều chỉnh hay hủy bỏ hay sao? Cho nên, trái với quan điểm của ông Hiếu, dù quyết định thành lập Thí điểm Đặc Khu Vân Đồn là của Thủ Tướng, nhưng nếu thấy sai thì vẫn hủy bỏ được và phải hủy bỏ.
Tiến sĩ Hiếu cũng tỏ ra không hiểu biết về luật tổ chức Quốc hội khi phát biểu, “Tôi không rõ chính phủ có bàn với Quốc hội hay có ủy ban nào của Quốc hội đã duyệt qua đề án này hay chưa.” Ông Hiếu cần biết, trong nguyên tắc điều hành nhà nước Việt Nam hiện nay không có chuyện bàn giữa Chính phủ và Quốc hội hay ủy ban nào của Quốc hội mà chỉ có một trong hai trường hợp: Nếu là một đạo luật thì cần Quốc hội thông qua. Nếu là một quyết định hành chánh thì không cần bàn với Quốc Hội. Trong vụ Thí điểm Đặc khu, chính phủ (hành pháp) đã né tránh thủ tục lập pháp (vì bị phản đối) để ra một quyết định hành chánh. Đây là một sự lường gạt nhân dân (mà bà Phạm Chi Lan gọi là “đánh úp” người dân)

III-Kinh Tế & Tài Chánh

Trong mọi quốc gia, tiền tệ quốc gia có tính cách cưỡng hành (bắt buộc phải chấp nhận làm phương tiện thanh toán). Trên tiền giấy của Hoa Kỳ, có hàng chữ “this note is legal tender for all debts, public and private” có nghĩa là “chủ nợ công hay tư phải chấp nhận tiền này để trừ món nợ”.
Và ông Hiếu đã đúng khi phát biểu, “Không chấp nhận đặc khu này sử dụng tiền của quốc gia khác bên cạnh tiền đồng của Việt Nam, kể cả đồng đô la Mỹ. Dù biết rằng nhiều chuyên gia và người lao động nước ngoài sinh sống ở khu vực này. Đó là nguyên tắc mà hiện Việt Nam đang áp dụng: người dân có thể giữ ngoại tệ ở các ngân hàng nhưng không được niêm yết hàng hóa hay giao dịch bằng đồng ngoại tệ. Điều này cũng phải áp dụng với đặc khu kinh tế để đảm bảo về chủ quyền tiền tệ.” Ở đây, theo ông Hiếu, cần bảo vệ chủ quyền tiền tệ, nhưng ông không giải thích, tại sao phải bảo vệ chủ quyền tiền tệ.
Cần phân biệt ngoại tệ trong giao dịch kinh tế chính thức (ký kết khế ước) và trong giao dịch kinh tế hàng ngày giữa các tư nhân. Trong giao dịch kinh tế hàng ngày, hầu như ở mọi nước, người dân được phép nhận ngoại tệ, vì luật không cấm, miễn là không được phép từ chối nhận tiền quốc gia (một tội hình). Trong luật kết ước, mọi quốc gia đều có điều khoản, “Mọi kết ước qui định bằng vàng hay ngoại tệ đều vô hiệu.” Luật pháp qui định tính cưỡng hành của tiền tệ có hai lý do:
Thứ nhất, nếu luật pháp chính thức qui định cho phép người dân được dùng ngoại tệ (tức là không bắt buộc dùng tiền quốc gia) trong giao dịch kinh tế thì ngay cả người dân cũng sẽ từ chối không nhận tiền quốc gia nếu ngoại tệ ổn định hơn. Thêm nữa, một cách tự nhiên các tư nhân hay công ty nước ngoài sẽ ưa thích kết ước theo tiền quốc gia họ, bởi vì việc thanh toán sẽ mau chóng và đỡ lệ phí đổi tiền. Trường hợp này, tiền quốc gia sẽ có nguy cơ hoàn toàn mất giá trị và biến mất khỏi thị trường.
Thứ hai, tiền tệ là phương tiện để chính quyền điều chỉnh nền kinh tế. Khi có chiều hướng lạm phát, chính phủ bán công khố phiếu để thu bớt số lượng tiền lưu hành trên thị trường. Ngược lại, nếu nền kinh tế có chiều hướng trì trệ, chính phủ sẽ thu mua công khố phiếu để gia tăng số lượng tiền lưu hành. Số lượng tiền tệ lưu hành quyết định nền kinh tế. Muốn hiểu thêm về vai trò quan trọng của tiền tệ trong đời sống quốc gia, độc giả có thể đọc thêm trên google mục Số cung tiền tệ , Số cầu tiền tệ, Tiền tệ và lạm phát (Money Supply, Money Demand, Money and Inflation).
Như ở trên đã nêu, nếu luật pháp cho phép giao dịch bằng ngoại tệ (tức là tư nhân hay công ty có quyền từ chối không nhận tiền quốc gia), thì tiền quốc gia sẽ biến mất một phần hay toàn phần khỏi thị trường. Trong trường hợp đó chính quyền sẽ mất phương tiện điều chỉnh nền kinh tế, mà nền kinh tế sẽ hoàn toàn phụ thuộc vào chính sách tài chánh hay ngân sách của nước ngoài [ghi chú: để điều chỉnh nền kinh tế, chính quyền có 2 phương tiện là chính sách tài chánh (monetary policy) và chính sách ngân sách (budget).] Tiền tệ là nền tảng của quốc gia cho nên Lenin đã nói rằng, cách tốt nhất để phá hủy hệ thống Tư Bản là phá hủy hệ thống tiền tệ. (Lenin is said to have declared that the best way to destroy the Capitalist System was to debauch the currency…Lenin was certainly right.) (John Maynard Keynes). Bởi thế chủ quyền tiền tệ là không thể nhượng bộ.

IV-Tư Pháp (Thẩm quyền tài phán)
Thí điểm Đặc khu cho phép các bên kết ước được chọn cơ quan xét xử. Không một quốc gia nào qui định như vậy. Nếu qui định như vậy thì bên kết ước là người nước ngoài sẽ thiên về việc mang tranh chấp về quốc gia họ và áp dụng luật của quốc gia họ để xét xử vì ngoài những lợi thế khác họ sẽ có lợi thế trước mắt là đỡ tốn phí hơn khi phải theo đuổi một vụ kiện ở nước ngoài. Như vậy sẽ thiệt hại cho bên kết ước là người Việt. Ngoài ra điều này xâm phạm chủ quyền tài phán của quốc gia. Chủ quyền tài phán của quốc gia là phương tiện pháp lý để nhà nước bảo vệ công dân của mình. Từ bỏ chủ quyền này tức là từ bỏ trách nhiệm bảo vệ người dân.
Tóm lại, việc thiết lập Đặc Khu hay Thí Điểm Đặc Khu phải có giải pháp thích hợp với quyền lợi quốc gia trong các lãnh vực nêu trên, nếu không sẽ là bán nước từng phần.
—————————————-
Tham khảo: Các phát biểu của bà Phạm Chi Lan và ông Nguyễn Trí Hiếu được trích dẫn trong bài: Luật Đặc khu bị phản đối, nhưng sao VN quyết mở khu kinh tế Vân Đồn?

No comments:

Post a Comment