Nguyễn Quang Dy
Gần đây, dư luận quan tâm và tranh cãi nhiều về dự luật “đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt” (gọi tắt là “đặc khu kinh tế”) sắp được Quốc Hội “bấm nút” thông qua. Dự kiến ba đặc khu kinh tế đầu tiên là Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa), Phú Quốc (Kiên Giang) có kinh phí đầu tư là 1.570.000 tỉ VNĐ (tính đến năm 2030). Tuy không phản đối khái niệm “đặc khu kinh tế” (special economic zone) và chưa biết họ lấy tiền từ đâu để đầu tư nhưng tôi không ủng hộ ba đặc khu kinh tế nói trên, vì các lý do sau.
Bối cảnh
Tuy đối với các nước có nền kinh tế chuyển đổi (như Việt Nam), đặc khu kinh tế vẫn là một mô hình phát triển hấp dẫn, nhưng dường như đã lỗi thời và có nhiều bài học thất bại. Nó đòi hỏi những điều kiện nhất định, vì vấn đề không phải là làm cái gì (what) mà là làm thế nào (how). Mọi chuyện đều có thể, nhưng “sai một ly đi một dặm”. Nếu đủ điều kiện và phát triển đúng hướng/đúng cách, nó có thể là đòn bẩy kinh tế và đầu tàu phát triển (như Thâm Quyến). Dubai là một bài học thành công mà nhiều nước khác muốn bắt chước. Nhiều người Việt đã từng mơ ước biến Chu Lai thành Dubai của Việt Nam, hay biến Phú Quốc thành Singapore của Việt Nam. Singapore thành công vì có Lý Quang Diệu (Việt Nam không có). Dubai thành công vì không có yếu tố Trung Quốc (Việt Nam có quá nhiều).
Tuy ý tưởng về đặc khu kinh tế không mới, nhưng người ta đã chóng quên bài học xấu về các dự án lớn như “đặc khu kinh tế gang thép Vũng Áng”, khai thác bauxite Tân Rai & Nhân Cơ (Tây Nguyên), cũng như kinh nghiệm xấu tại Chu Lai (Quảng Nam, 2003), Dung Quất (Quảng Ngãi, 2005), Nhơn Hội (Bình Định, 2005), Chân Mây (Thừa Thiên, 2006), Vân Phong (Khánh Hòa, 2006), Phú Yên (Phú Yên, 2008). Tại sao các nơi đó thất bại? Cái gì đảm bảo ba đặc khu mới này sẽ thành công? Nếu Việt Nam không cải tổ thể chế để kiểm soát quyền lực và tham nhũng, thì các mô hình phát triển tương tự sẽ lặp lại bài học “lợi bất cập hại”.
Khi tài nguyên ngày càng cạn kiệt và quỹ đất ngày càng khan hiếm, các nhóm lợi ích tất nhiên sẽ đua nhau tận thu bằng nhiều cách, như tăng thuế (VAT, thu nhập, tài sản), tăng giá (xăng dầu, điện, nước), tăng phí (như BOT). Đặc khu kinh tế là một miếng mồi ngon mà họ sẽ vận động để có phần. Trong khi Trung Quốc ráo riết quân sự hóa và kiểm soát Biển Đông, không cho người Việt khai thác dầu khí và đánh cá trong vùng biển của mình, chắc họ sẽ tăng cường bành trướng thế lực để chiếm các vị trí hiểm yếu trên đất liền. Đặc khu kinh tế là một miếng mồi ngon mà họ thèm muốn. Các nhóm lợi ích Việt Nam có thể câu kết với các tập đoàn Trung Quốc (vì song trùng lợi ích) để thao túng chính sách và dự án.
Tuy năng lực quản trị-điều hành của các cấp chính phủ (nhất là địa phương) còn yếu kém, nhưng lòng tham vô đáy, nên họ dễ bị các nhóm lợi ích thao túng. Trong khi bài học đau đớn về Formosa và bauxite Tây Nguyên còn chưa quên, thì bê bối về các dự án đầu tư công tại Ninh Bình đang làm dư luận giật mình kinh hoàng. Dù Ninh Bình không phải là đặc khu kinh tế, nhưng đã là “vương quốc” riêng. Các nhóm lợi ích không chỉ “ăn của dân không từ một cái gì” (như bà Nguyễn Thị Doan nói) mà họ còn “ăn tàn phá hại” và để lại những hệ quả khôn lường, không chỉ về kinh tế và xã hội, mà còn về an ninh quốc gia.
Bức tranh kinh tế
Theo chuyên gia Vũ Quang Việt, các đặc khu kinh tế Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc “đặt lợi ích nhóm lên hàng đầu”. Các quy định trong dự luật về đặc khu chủ yếu nhằm vào thị trường địa ốc (property) và đánh bạc (casino) chứ không nhằm thu hút đầu tư công nghệ cao. Trong khi đó, cái mà Việt Nam cần là công nghệ cao và giáo dục để tăng năng suất lao động, phát triển công nghiệp và kinh tế trí thức, chứ không phải là phát triển địa ốc và casino. Ông Việt cho biết trong giai đoan 2011-2016, năng suất lao động trong khu vực công nghiệp tại Việt Nam tăng (hàng năm) rất thấp (chỉ đạt 2.9%), trong khi triển vọng tăng GDP (bình quân hàng năm) không thể cao hơn 5.0%, nếu năng suất lao động không tăng cao hơn 4.0%. Đó là một “hiện tượng kinh tế kỳ lạ”, và là một nghịch lý phát triển tại một đất nước mà năng suất lao động vào loại thấp nhất thế giới (thấp hơn Singapore 15 lần).
Do không có cuộc tranh luận (debate) để đánh giá nghiêm túc và định lượng cụ thể các mặt lợi & hại về kinh tế-xã hội cũng như về địa chính trị, nên dễ dẫn đến tình trạng ngộ nhận (do chủ quan duy ý chí) hoặc bị động làm liều (do các nhóm lợi ích thao túng) nên dễ mắc sai lầm (như trước đây). Có mấy kịch bản có thể xẩy ra: Thứ nhất, chắc sẽ có một cơn “sốt đất mới” (new land rush) trong một thị trường địa ốc vốn đã quá nóng do giá đất đã bị giới đầu cơ địa ốc đẩy lên khá cao (thậm chí từ khi mới đồn đại về đặc khu). Thứ hai, dễ xuất hiện “bong bóng địa ốc” (property bubble) có thể dẫn đến một cuộc khủng hoảng cung-cầu (over supply) làm bức tranh kinh tế càng thêm méo mó và hỗn loạn. Thứ ba, do hệ quả của 2 hiện tượng nói trên, các đặc khu này sẽ không hấp dẫn đối với giới đầu tư công nghệ cao, vì họ cần một môi trường đầu tư sạch và một hệ sinh thái kinh doanh lành mạnh hơn.
Trong khi kêu gọi đầu tư cho công nghệ 4.0 thì những gì đang diễn ra tại các đặc khu này chỉ là tư duy kinh tế 1.0. Nếu định dùng ưu đãi cho thuê đất 99 năm để hấp dẫn đầu tư công nghệ cao thì không thực sự cần thiết, vì giới đầu tư công nghệ 4.0 không cần quyền sử dụng đất lâu dài. Để kinh doanh theo chuỗi cung ứng và giá trị toàn cầu, nhà đầu tư luôn cần kết nối với hệ thống hạ tầng và hệ sinh thái kinh doanh, mạng lưới đối tác và các tổ chức trung gian về tài chính, các dịch vụ chuyên nghiệp và nguồn lao động tay nghề cao, là những thứ mà các đặc khu kinh tế này không có. Điều duy nhất mà nó có chỉ đơn giản là thiết lập một không gian tự do kinh doanh trong một môi trường kinh doanh không tự do. Những ưu đãi đặc biệt thực ra chẳng có gì đặc biệt. Vậy mục đích thực sự của đặc khu kinh tế là gì (ngoài bất động sản)? Câu trả lời nhãn tiền là “casino và redlight” vì đây là nơi duy nhất (tại Việt Nam) họ được phép hành nghề tự do. Nhưng còn một lý do nữa mà nhiều người nghĩ đến nhưng ngại nói ra (vì sợ nhạy cảm) là yếu tố Trung Quốc. Ngoài ra không có gì khác.
Bức tranh chính trị-xã hội
Hành lang pháp lý của đặc khu quy định nhiều quyền hạn cho “chủ tịch đặc khu” như lãnh chúa (hay “vua con”) có quyền cho phép nhà đầu tư nước ngoài thuê đất 70 năm đến 99 năm (nếu được Thủ tướng đồng ý), và có quyền chọn thầu, ký hợp đồng lao động, tuyển công chức…Các nhà đầu tư được miễn thuế thuê đất 30 năm, có thể bán lại tài sản và thừa kế tài sản. Một số chuyên gia cho rằng cho thuê đất tối đa 99 năm chỉ có lợi cho các đại gia bất động sản, trong khi đó 85% các nhà đầu tư khẳng định chính sách ưu đãi thuế là không cần thiết (theo World Bank). Người nước ngoài được phép làm việc 180 ngày/năm (mà không cần giấy phép lao động). Họ chỉ cần đầu tư 110 tỷ VNĐ ($5 triệu) là được cấp thẻ tạm trú 10 năm. Người Việt được phép vào chơi casino, và được miễn thuế thu nhập cá nhân trong vòng 5 năm (và giảm tiếp 50% sau đó). Những ưu đãi này sẽ dẫn đến một làn sóng di dân mới, đặc biệt là lao động giản đơn từ Trung Quốc và các nước láng giềng khác, làm đảo lộn cơ cấu dân số (demographic structure) và có thể làm gia tăng tệ nạn xã hội và tội phạm như tình trạng “miền Tây Hoang dã” (Wild West). Đồng thời, đặc khu kinh tế còn là “cái nôi đặc biệt” (special cubator) cho chủ nghĩa tư bản thân hữu (hay “tư bản đỏ”).
Theo giáo sư Minxin Pei, sự cấu kết của “chủ nghĩa tư bản thân hữu” (crony capitalism) làm cho quá trình dân chủ hóa sẽ gặp khó khăn, rắc rối. Kịch bản dân chủ hóa do tầng lớp trung lưu dẫn dắt rất khó xảy ra dưới chế độ tư bản thân hữu (tại Trung Quốc). Các di sản của chủ nghĩa tư bản thân hữu (như tình trạng bất bình đẳng về tài sản, chính quyền địa phương mafia, cấu kết với các đại gia có đặc quyền) sẽ tạo điều kiện cho những kẻ chiếm đoạt được nhiều tài sản lớn sử dụng quyền lực chính trị để trấn áp các nhân tố dân chủ mới làm cho họ không thể phát triển. Chế độ thối nát (regime decay) sẽ hủy hoại thanh danh chế độ Đảng/Nhà nước bằng ba cách.
Thứ nhất, khi các nhóm lợi ích hình thành và xâm nhập vào mọi ngõ ngách của chế độ, chúng sẽ thao túng quyền lực chính trị, biến quyền lực của chế độ thành công cụ quyền lực riêng. Thay vì phục vụ lợi ích của chế độ, chúng chỉ mưu cầu lợi ích riêng.
Thứ hai, mạng lưới tham nhũng sẽ tranh giành quyền lực và lợi ích nhóm, làm suy yếu sự thống nhất của Đảng. Thanh trừng nội bộ gia tăng sẽ gây nguy hiểm cho sự an toàn cá nhân của lãnh đạo cấp cao.
Thứ ba, khi tham nhũng cấu kết và lan rộng trong bộ máy an ninh của Đảng/Nhà nước, chắc chắn nó sẽ hủy hoại sự trung thành và hiệu quả của các thể chế trụ cột mà Đảng/Nhà nước đang dựa vào để tồn tại. (China’s Crony Capitalism, Minxin Pei, Harvard University Press, 2016).
Trong khi một số người cho rằng Phú Quốc có thể phát triển như Singapore (theo nghĩa tốt), một số người khác cho rằng Vân Đồn có thể trở thành Cremea (theo nghĩa xấu). Nhưng câu chuyện thành công của Singapore (the Singapore Story) dựa trên những tiền đề hoàn toàn khác. Ông Lý Quang Diệu từng nói: “Lẽ ra vị trí số một ở châu Á phải là của Việt Nam”. Theo ông, vị trí địa lý chiến lược, tài nguyên thiên nhiên phong phú là hai yếu tố hàng đầu có thể đưa Việt Nam trở thành “người khổng lồ ở châu Á”. Nhưng đáng tiếc ngày nay năng suất lao động của người Việt Nam chỉ bằng 1/15 của người Singapore (hay 1/5 của người Malaysia, 2/5 của người Thailand). Ông khẳng định sự thành công của một quốc gia bao gồm ba yếu tố chính là:
(1) điều kiện tự nhiên (như vị trí chiến lược và tài nguyên thiên nhiên),
(2) con người, và
(3) thời cơ, nhưng căn bản nhất vẫn là yếu tố con người…
Vì vậy Ông Lý Quang Diệu rất tiếc vì Việt Nam không biết trọng dụng nhân tài, và cho rằng nhân tài của Việt Nam đã định cư ở nước ngoài hết rồi. (Việt Nam trong mắt Lý Quang Diệu, Cao Huy Huân, VOA, 14/9/2014).
Bức tranh an ninh quốc gia
Giả sử các đặc khu kinh tế đó có thành công nhất định (trước mắt) về du lịch, địa ốc và casino, thì sẽ phải trả giá về vị thế địa chính trị và an ninh quốc gia. Nói cách khác là “lợi bất cập hại”. Nếu điều 62 về Luật Đất đai là một lỗ hổng chính sách, bị các nhóm lợi ích thao túng, thì điều 69 là cánh cửa mở rộng cho Trung Quốc xâm nhập Việt Nam…Tại dự án thép Formosa (Hà Tĩnh) và dự án giấy Lee & Man (Hậu Giang) tràn ngập người Trung Quốc. Gần đây, dư luận phản ứng chính quyền Quảng Ngãi định di dời đồn Biên phòng Bình Hải để giao đất cho tập đoàn FLC làm dự án “quần thể du lịch nghỉ dưỡng và đô thị Bình Châu-Lý Sơn”. Không phải chỉ có Quảng Ngãi mà trước đó Đà Nẵng cũng đã di dời đồn biên phòng để lấy đất giao cho dự án tư nhân. Thượng tướng Võ Tiến Trung (nguyên Giám đốc Học viện Quốc phòng) khẳng định, “việc bố trí đồn biên phòng ở đâu đã được nghiên cứu rất kỹ. Bởi lẽ đồn nằm trong thế trận phòng ngự, bảo vệ địa phương” (Zing, 22/4).
Điều 62 còn tiềm ẩn lợi ích nhóm, quy định chính quyền địa phương có quyền thu hồi đất của dân giao cho doanh nghiệp làm dự án. Các doanh nghiệp Việt Nam có quyền giao lại đất cho doanh nghiệp nước ngoài (như Trung Quốc). Trong một cuộc hội thảo tại Nhật (7/9/2017), ông Trịnh Văn Quyết (chủ tịch FLC) tuyên bố ngoài việc bán cổ phần, “FLC có thể chuyển nhượng cả dự án cho nhà đầu tư nước ngoài”. Theo tin báo chí, UBND tỉnh Quảng Trị đang chuẩn bị giao cho FLC 1000 ha tại bãi biển Cửa Việt, dự kiến để làm resort, sân golf, và xây dựng một sân bay. Ngoài Vũng Áng (đã nằm trong tay Trung Quốc), Vân Phong và Cửa Việt là hai vị trí chiến lược hiểm yếu đang bị Trung Quốc nhòm ngó. Từ Bắc Trung bộ đến Nam Trung bộ, nhiều vị trí phòng thủ chiến lược đã và đang được giao cho doanh nghiệp làm dự án mà không tính đến yếu tố an ninh quốc gia. Tại Đà Nẵng và Nha Trang, nhiều vị trí phòng thủ chiến lược dọc bờ biển đã bị các doanh nghiệp Trung Quốc chiếm.
Trong bối cảnh lợi ích kinh tế và chủ quyền Việt Nam tại Biển Đông đang bị Trung Quốc đe dọa nghiêm trọng, việc mở ba đặc khu kinh tế tại các địa điểm hiểm yếu đó vào lúc này không thể biện minh, cả về lý do phát triển kinh tế lẫn lý do an ninh quốc gia. Với năng lực quản trị yếu kém nhưng tiềm năng tham nhũng vượt trội, các khu vực đó sẽ trở thành các “đặc khu tham nhũng” của các nhóm lợi ích “tư bản đỏ” không bị kiểm soát, và là “cái nôi đặc biệt” cho “tư bản thân hữu”. Nếu trước đây hầu hết các dự án lớn tại Việt Nam rơi vào tay các tập đoàn Trung Quốc, thì không có lý gì các đặc khu kinh tế đó lại không rơi vào tay họ và biến thành các “tô giới của Trung Quốc”. Các tập đoàn “tư bản thân hữu” Trung Quốc được nhà nước chống lưng có thừa nguồn vốn và động cơ để thôn tính các đặc khu kinh tế này như một cuộc “xâm lược mềm”, không cần đánh vẫn thắng (như binh pháp Tôn Tử hay “Cờ Vây”). Những vị trí hiểm yếu trên đất liền mà Trung Quốc không chiếm được bằng vũ lực (như họ đã từng chiếm Hoàng Sa và Trường Sa) thì họ sẽ cưỡng chiếm bằng được qua đầu tư và “sức mạnh sắc bén” (sharp power). Vì vậy, “chủ tương lớn” về ba đặc khu kinh tế với những ưu đãi đặc biệt (như cho thuê đất 99 năm), chẳng khác gì “gửi trứng cho ác” hay “nối giáo cho giặc”.
Bức tranh địa chiến lược
Trong lịch sử, Vân Đồn vốn là một tiền đồn có vị trí chiến lược án ngữ cửa ngõ phía Đông Bắc, để ngăn chặn thủy quân Trung Quốc xâm nhập bằng đường biển, như thời Ngô Quyền chống quân Nam Hán (tại Trận Bạch Đằng năm 938), thời Lý Thương Kiệt chống quân Tống, (1075-1077), thời Trần Hưng Đạo chống quân Nguyên Mông (1287-1288). Khi Lý Thường Kiệt đem quân đánh Khâm Châu, Liêm Châu và Ung Châu, thì Vân Đồn và Móng Cái là địa điểm tập kết quân nhà Lý. Khi Lý Thường Kiệt lập phòng tuyến Sông Cầu để chống quân Tống, Vân Đồn là căn cứ của thủy quân nhà Lý để ngăn chặn thủy quân Tống, không cho ngược sông để hội quân với bộ binh địch, nên quân Tống đã bại trận…
Nếu Vân Đồn có vị trí chiến lược án ngữ cửa ngõ phía Đông Bắc nhìn ra Vịnh Bắc Bộ, thì Phú Quốc có vị trí chiến lược án ngữ cửa ngõ phía cực Nam nhìn ra Ấn Độ Dương, trong khi Vân Phong có vị trí chiến lược án ngữ cửa ngõ Miền Trung nhìn ra Biển Đông. Tại Miền Trung, ngoài cảng Sơn Dương (Vũng Áng) mà Trung Quốc đã nắm, nay chỉ còn Vân Phong và Cửa Việt là hai cảng trung chuyển lớn (nước sâu) có tầm quan trọng chiến lược, nhưng Trung Quốc chưa nắm được. Phú Quốc có vị trí đặc biệt trong tầm nhìn chiến lược Indo-Pacific (cách Sihanoukville và Bokor có mấy chục km). Trung Quốc đã thuê được (lâu dài) hai vị trí chiến lược đó của Campuchea, nên họ rất thèm có Phú Quốc, để hình thành một tam giác chiến lược. Một khi Trung Quốc thỏa thuận được với Thailand để làm kênh đào Kra thì vị trí chiến lược của Phú Quốc còn quan trọng hơn cả Singapore.
Theo James Holmes (một chuyên gia hàng đầu của Mỹ về chiến lược hải quân), một cuộc xung đột vũ trang tại Biển Đông là có thể, và Trung Quốc có thể thắng Mỹ trong một cuộc chiến tại Biển Đông bằng “chiến tranh nhân dân trên biển” (people’s war at sea). Các chính khách và chuyên gia tại Washington và Hà Nội không nên coi phát biểu của bộ trưởng quốc phòng Trung quốc Thường Vạn Toàn (tướng Chang Wanquan) chỉ là “dọa dẫm” (bluster). Trung Quốc có thể thắng dù họ vẫn yếu hơn Mỹ, bằng cách tập trung binh lực áp đảo Mỹ tại địa điểm và thời điểm quan trọng nhất. Tư tưởng “phòng ngự tích cực” (active defense) là tấn công chiến thuật để phòng ngự chiến lược. Hiện nay, các tư lệnh Trung Quốc có thể hợp đồng tác chiến bằng các lực lượng cả nhỏ lẫn lớn để đương đầu với Mỹ và đồng minh. Vì vậy các tư lệnh Mỹ và đồng minh phải nghiên cứu binh pháp của Trung Quốc để hiểu rõ tư tưởng phòng ngự tích cực ngoài khơi (offshore active defence) tại Biển Đông sẽ diễn ra thế nào. (China Could Win a War Against America in the South China Sea, James Holmes, National Interest, May 30, 2018).
Nếu xung đột tại Biển Đông xảy ra thì ba đặc khu Vân Đồn, Vân Phong, và Phú Quốc có ý nghĩa chiến lược hiểm yếu đối với mục tiêu ngăn chặn địch tiếp cận (A2/AD). Nếu ba vị trí chiến lược đó bị đối phương (Trung Quốc) chiếm thì coi như hết cờ (và “xong phim”), không chỉ đối với Việt Nam mà còn cả ASEAN và các cường quốc khác có lợi ích sát sườn tại Biển Đông như Mỹ-Nhật-Ấn-Úc, và EU (hoặc Nga). Nếu Biển Đông có ý nghĩa sống còn không chỉ đối với Việt Nam, mà còn với ASEAN và các cường quốc khác, thì câu chuyện đặc khu kinh tế Vân Đồn, Vân Phong, Phú Quốc cũng có ý nghĩa tương tự. Ý nghĩa quan trọng nhất của ba đặc khu kinh tế này là chiến lược (chứ không chỉ kinh tế).
Thay lời kết
Ba đặc khu kinh tế mới là Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa), Phú Quốc (Kiên Giang) có kinh phí đầu tư là 1.570.000 tỉ VNĐ. (Riêng Vân Đồn là 270.000 tỉ, Bắc Vân Phong là 400.000 tỉ, Phú Quốc là 900.000 tỉ). Tuy chưa biết họ có định “đội vốn” lên như “hội chứng Ninh Bình” hay không, nhưng với con số 1.570.000 tỉ VNĐ, ngân sách nhà nước hay doanh nghiệp Việt đào đâu ra tiền (nếu không từ “phương bắc”). Điều này tiềm ẩn những rủi ro lớn và nguy cơ lâu dài về địa chính trị và an ninh quốc gia. Nếu đặt câu chuyện ba đặc khu kinh tế này trong bối cảnh xung đột lợi ích Biển Đông và tầm nhìn Indo-Pacific hiện nay, thì yếu tố Trung Quốc trong bức tranh địa chiến lược hiện lên rất rõ.
Bản chất của các đặc khu Vân Đồn, Phú Quốc, Vân Phong, chủ yếu là sân chơi địa ốc và cờ bạc. Ngay khi vừa mới bàn đến triển vọng thành lập đặc khu thì người ta đã đổ xô đến chiếm đất để đầu cơ và đẩy giá lên rồi, vậy cần thành lập đặc khu làm gì nữa. Muốn Vân Phong trở thành một cảng trung chuyển thì không nhất thiết phải lập đặc khu. Đầu tư địa ốc thực chất cũng chỉ là đầu cơ để để trục lợi ngắn hạn. Yếu tố chính để thu hút đầu tư là một số ưu đãi để lách luật, trốn thuế, hay rửa tiền. Nhưng nếu thu hút đầu tư bằng mọi giá, thì cái giá phải trả cũng sẽ rất lớn. Muốn phát triển bền vững, phải cải tổ thể chế để hội nhập quốc tế theo các tiêu chuẩn chung đã cam kết thông qua các hiệp định như WTO, BTA, FTA (và CPTPP).
Tuy Đảng lãnh đạo “toàn diện và triệt để”, nhưng Quốc Hội cũng phải gánh một phần trách nhiệm. Đây là lúc đại biểu quốc hội và quan chức chính phủ cần suy xét kỹ và quyết định nên chọn cái gì (như nên “chọn cá hay thép”). Nếu quyết định đúng họ sẽ được hậu thế hàm ơn. Nếu quyết định sai họ sẽ bị hậu thế nguyền rủa (dù có cao chạy xa bay). Nhiều chuyên gia cho rằng để được thông qua, dự luật này cần phải bổ xung, sửa đổi rất nhiều, để đảm bảo lợi ích quốc gia, và tránh những sai lầm đáng tiếc. Hậu quả tiêu cực về kinh tế, xã hội, thể chế, môi trường, và an ninh quốc gia, do các đặc khu để lại có thể khôn lường. Vì vậy, các đại biểu quốc hội và quan chức chính phủ cần suy xét xem ai được lợi từ đặc khu, và quyết định “bấm nút” vì lợi ích quốc gia, chứ không vì lợi ích nhóm (hay ngoại bang).
Tham khảo
1. Việt Nam trong mắt Lý Quang Diệu, Cao Huy Huân, VOA, 14/9/2014
2. China’s Crony Capitalism, Minxin Pei, Harvard University Press, 2016
3. Dự án luật về ba đặc khu Vân Đồn, Văn Phong và Phú Quốc, Vũ Quang Việt, Viet-studies, 30/5/2018
4. Mô hình đặc khu đã lỗi thời, Nguyễn Tiến Lập, MTG, 31/05/2018
5. China Could Win a War Against America in the South China Sea, James Holmes, National Interest, May 30, 2018
NQD. 1/6/2018
Nguồn: http://viet-studies.net
No comments:
Post a Comment