1/25/24

Mạn Đàm Về Khỉ

Nhân dịp hàn huyên với bạn LN Minh trong ngày đầu năm, chúng tôi ôn chuyện quá khứ của những năm tháng lướt nhanh trong cuộc đời và nhắc đến câu chuyện "ba con khỉ." Khỉ đối với chúng ta, thiết nghĩ không ai xa lạ gì. Nhớ lại hồi còn nhỏ, có những lúc theo mẹ ra chợ, nghe tiếng trống phèng la vang dậy cả một góc đường, đám đông vây quanh, tôi cố chen vào đám đông để xem mấy ông Sơn Đông mãi võ, bày trò hát xiệc, cùng mấy chú khỉ nhào lộn mua vui, nhân đó rao bán thuốc dân tộc cổ truyền.

Trong 12 con giáp, nếu như hình ảnh con Rồng, biểu tượng gần chúng ta nhất về mặt tâm linh, tinh thần, thì Khỉ lại là biểu tượng gần chúng ta nhất về mặt vật chất, thể xác.


Các nhà nhân chủng học cho rằng con người và khỉ cùng chia sẻ môi trường sống trong thời tiền sử. Bởi vậy, trong số các con vật, loài khỉ có đặc tính gần nhất với con người, chúng thông minh hơn những con vật khác. Với người Việt Nam ta, khỉ cũng là con vật khá gần gũi, khỉ thường được huấn luyện để biểu diễn trên sân khấu xiếc, những chú khỉ khôn lỏi, nghịch ngợm, láu lỉnh, không chỉ khiến khán giả nhi đồng cười nghiêng ngả mà cả người lớn cũng thấy vui vẻ thích thú.


Dáng dấp đa dạng của khỉ cũng đi sâu vào đời sống dân gian qua những câu ca dao tục ngữ:

“Nhăn nhó như khỉ ăn gừng” 

“Rầu rĩ như khỉ mất con”

"Cười giòn như khỉ được ngô"

“Khỉ bồng con lên non kiếm trái /Cảm thương nàng phận gái mồ côi”

“Má ơi, đừng gả con xa /Chim kêu, vượn hú biết nhà má đâu?!” ...


Trong các nền văn hóa khác trên thế giới, hình ảnh con khỉ gắn liền với sự ranh ma, linh hoạt, nhanh nhẹn, thậm chí huênh hoang …

Với hình dáng một loài khỉ đột, khổng lồ, King Kong đã xuất hiện trong các bộ phim, hoạt hình, tiểu thuyết, truyện tranh, nhạc kịch từ năm 1933... King Kong đã khoác lên mình nhiều diện mạo khác nhau của cảm xúc: từ một con quái thú hung bạo cho tới bi kịch của một nhân vật phản anh hùng. Thậm chí King Kong còn gửi gắm một thông điệp phản chiến, yêu chuộng hòa bình của nhân loại.


Hình ảnh của con khỉ thân thương, khá gần gũi cũng xuất hiện trong rất nhiều sách báo, phim ảnh của nhân vật Tặc Giăng (Tarzan) - "con của rừng xanh". Câu chuyện nói về mối thân thiết của một cậu bé lớn lên trong rừng dưới sự nuôi dạy của đàn tinh tinh.


Cũng có những con khỉ trở thành biểu tượng được tôn vinh như Tôn Ngộ Không, còn gọi là Mỹ hầu vương ở Trung Quốc.


Trong văn hóa Việt Nam, hình tượng khỉ là linh vật rất phổ biến, xuất hiện ở nhiều nơi, tại tiệm bán đồ lưu niệm, cửa hàng sản phẩm công nghệ mỹ thuật, nhất là trong chùa chiền, hình tượng khỉ được khắc họa trong nhiều công trình kiến trúc xưa còn lưu lại cho đến ngày nay. Trong đó con khỉ xuất hiện rất sinh động, khi thì Hầu Vương ôm quả đào trong vườn của Tây Vương Mẫu; lúc lại là con khỉ cưỡi lên lưng con kia, có nghĩa là “bối bối phong hầu” (đời đời phong tước quan hầu); lúc lại là hình ảnh khỉ mẹ bồng khỉ con thể hiện tình mẫu tử thiêng liêng … Tuy nhiên, hình tượng được truyền tải nhiều nhất là hình tượng bộ "3 con khỉ", khỉ dùng hai tay bịt mắt, bịt tai, và bịt miệng; còn gọi là “khỉ ba không”, Không nhìn! không nghe! không nói!

Đúng lý ra, mắt là để nhìn, tai để nghe, miệng để nói là những khả năng tự nhiên không thể khiếm khuyết.  Hơn nữa, có ai không muốn mình được là người thông minh, lanh lợi, nhưng tại sao lại phải bịt cả mắt, tai lẫn miệng, tựa như người mù, câm, điếc?


Trước tiên, tiền nhân dạy chúng ta bịt mắt lại, đừng nhìn bậy, đừng nhìn những cảnh tượng không nên nhìn, hoặc không nhìn bằng con mắt thiển cận, có thành kiến để tránh sự nhận thức sai lầm, chỉ thấy bề mặt chứ không thấy thực trạng của sự kiện và vấn đề.

Bịt tai là tránh nghe chuyện thị phi hoặc những gì có thể làm ô nhiễm tâm thanh tịnh của mình. Chuyện xưa kể rằng vua Nghiêu thấy Hứa Do là người hiền đức, nên hai lần mời ông ra làm tể tướng nhưng cả hai lần Hứa Do đều từ chối, sau đó vua Nghiêu lại một lần nữa đích thân “tam cố mao lư” với ý định nhường ngôi cho Hứa Do, Hứa Do vì cứ phải nghe chuyện quyền tước, mà ông lại chán ngấy con đường hoạn lộ, nên ông ra bờ sông Dịch Thủy rửa tai để tẩy trừ những gì đã ô nhiễm nội tâm của mình.


Bịt miệng có nghĩa là phải cẩn thận lời nói. Nhân vật nổi tiếng trong "Phong thần diễn nghĩa" Khương Tử Nha khuyên Chu Vũ Vương: “Tam giam kỳ khẩu”(三緘其口), ý là cần phải cẩn thận trong lời ăn tiếng nói. Tu thân bắt đầu từ cái miệng, tu được cái miệng là tu hơn nửa đoạn đường, lời nói không đúng lúc, đúng chỗ dễ mang họa vào thân.


Cũng có người ngộ giải hình tượng ba con khỉ là hãy cứ sống an phận, mặc kệ những gì “chướng tai, gai mắt” đang xảy ra xung quanh, sống bàng quan, “thây kệ” tất cả. Thực ra bộ tượng ba con khỉ là muốn nhắc chúng ta “đừng nhìn bậy, đừng nói bậy, đừng nghe bậy” chứ không phải thụ động là không, không, không và mặc kệ. Kỳ thực, tư tưởng này vốn dĩ rất phổ cập trong nhiều nền văn hóa khác trên thế giới.


Người Nhật Bản đặt tên ba con khỉ là Mizaru, Kikazaru và Iwazaru, chữ Nhật “zaru” nghĩa là “không”. Người Nhật tu Thiền dùng hình ảnh ba con khỉ để nói lên sự hệ trọng của ba căn trong sinh hoạt giao tế xã hội lẫn trong giới luật tu tập Thiền môn. Không nhìn, không nghe, không nói là khuôn vàng thước ngọc và là nguyên tắc chỉ đạo của nhiều thế hệ người Nhật.


Khổng Tử, người thầy chuẩn mực muôn đời của Trung Quốc, trong danh tác "Luận Ngữ" có câu:

“Phi lễ vật thị, phi lễ vật thính, phi lễ vật ngôn, phi lễ vật động” (nghĩa là “không nhìn điều sai, không nghe điều bậy, không nói điều trái, không làm điều quấy”).


Hình ảnh bộ khỉ “tam không” còn nhắc nhở chúng ta về “tâm viên, ý mã” (心猿意馬), Tâm như khỉ nhảy nhót, ý như ngựa chạy rong. Nhóm từ này là ẩn dụ cho vọng tâm của con người luôn luôn biến động bất định, không trụ lâu được. Muốn không rơi vào cảnh “tâm viên”, không tự làm khổ nội tâm chính mình, nhất là trong bối cảnh đời sống đương đại, khi luồng thông tin phát sinh mỗi ngày quá phức tạp và đa dạng, con người càng cần học ở “ba chú khỉ thông thái”, để không khổ vì nghe chuyện thiên hạ, vì nói chuyện thế gian và nhìn ngó chuyện người khác.


Nước Mỹ có câu truyền khẩu khá phổ biến: “See no evil, hear no evil, Speak no evil”. Không nhìn những việc gì xấu, không nghe những lời xấu, không nói những điều xấu; "No hear, no see, be silent, then you will live in peace'. Ai không thấy, không nghe, không nói, có thể sống một cuộc đời không lo.


Người Pháp có câu “Je ne vois pas, je ne me sens, je ne parle pas”; Người Quảng Đông có câu “Mậu thảy, mậu thén, mậu kỏn”.  Tất cả đều cùng nghĩa là “không …biên giới!!!”


Vượt trên những nhận thức về biểu tượng tam không của ba chú khỉ, theo Phật giáo nói chung và Thiền tông nói riêng, chữ “Không” không có nghĩa là không có gì cả. “Không” ở đây là trạng thái vô sở trụ, là trạng thái vừa hữu vừa vô, vừa có vừa không có, nghĩa là ở trạng thái không có nhị nguyên đối lập, không có xung đột mâu thuẫn, không gắn liền với ai, không câu thúc vào cái gì cả. “Sắc tức thị không, không tức thị sắc”. Tâm không bám trụ vào chỗ nào thì tâm mới hiển hiện được, mới thực sự là tâm của ta - tâm giải thoát. Do đó, giải thoát là một trạng thái tâm không, nó như một tấm gương trong đó chứa đựng mọi thứ nhưng không lưu lại một thứ gì cả. Không phải ngẫu nhiên mà tác giả Ngô Thừa Ân lại gán cho con khỉ mang họ“Tôn” và đặt tên là Ngộ Không. Tôn (孫) chiết tự theo chữ Hán là tử (子) và hệ (系), tử là con nít, hệ là hệ niệm (系念), tức là nghĩ đến, nhớ luôn, nghĩa là luôn luôn nghĩ đến bản chất trẻ thơ. Như vậy, "Tôn" giải chi li ra thành trẻ con, đây cũng là một ẩn ý muốn tu hành đạt đạo, con người phải có cái tâm hồn nhiên, không chấp như trẻ sơ sinh (xích tử chi tâm 赤子之心). Tức là ngộ được chân lý của “không” rồi chuyển hóa làm Tôn Hành Giả để đi đến cõi Phật.


Vì vậy, hình ảnh "Ba con khỉ" không có nghĩa đơn thuần là không nghe, không nhìn, không nói mà hình ảnh đó gợi cho chúng ta là một “pháp môn” giúp chúng ta tìm về một trạng thái làm chủ của tâm, tìm về bổn lai diện mục, một cách để nhìn lại cái gọi là “chân ngã” của chính mình.


Đây là kinh nghiệm mà người xưa đã chắt mót nên bài học cho hậu thế. Ngày nay, có rất nhiều phiên bản khác nhau về tượng “Tam không” này, người ta sử dụng những hình ảnh khác thay vì ba chú khỉ, có thể là hình ảnh ba ông Phật Di Lặc, hình ảnh ba chú tiểu, hình ảnh ba nhân vật hoạt hình, búp bê… vừa ngô nghê, hóm hỉnh nhưng lại chứa rất nhiều triết lý, tư tưởng triết học. 


Ngày Xuân năm mới, bên ly cà phê tách trà, ngồi ngẫm nghĩ ba chú khỉ, rồi quán chiếu nội tâm để dần dà tìm hiểu ý nghĩa của vạn pháp. Chợt nhớ lại câu Kinh: "Vạn pháp duy tâm tạo," vạn pháp đều sinh khởi từ tính không.


Thực vậy, vạn pháp chỉ là phương tiện, tâm mới là cứu cánh. Hiểu như vậy thì ý nghĩa của "khỉ tam không" là:“Bịt mắt để dùng tâm mà nhìn, bịt tai để dùng tâm mà nghe, bịt miệng để dùng tâm mà nói. Khi tâm ở trạng thái “ thanh tịnh”, thì tâm mới phát sinh những điều “thiện”, dùng cái tâm thiện, tâm đẹp để đối nhân xử thế.

Để ghi nhận lời dạy dỗ của Đức Phật và các vị Thánh Hiền, tôi có vài lời thô thiển về cảm nghĩ của mình qua biểu tượng ba con khỉ cùng triết lý thâm sâu ẩn tàng trong hình ảnh này.

"Thanh”, không phải không cầu không mong, mà là nội tâm không tham.

Tịnh”, không phải không bám bụi trần, mà là nội tâm vô nhiễm.

Tĩnh”, không phải xa lìa tiếng động , mà là nội tâm vô chấp.

清,不是人生無求,而是内心無貪.

淨,不是身上無塵,而是内心無染.

靜,不是耳邊無聲,而是内心無執.

Trong những ngày đầu năm mới, chúc các bạn gợi mở nhiều điều tốt đẹp, tìm được sự thanh tịnh vô nhiễm trong nội tâm và luôn hướng cuộc sống đến chân thiện mỹ.


Trường

01-24-2024


No comments:

Post a Comment