7/28/23

NẮNG !


Xướng:

Nắng

Suốt mấy tháng nay nắng sát ta,
Hè đang rực rỡ thói thường mà.
Bỗng thương Đồng Đế người đen đúa,
Chợt mát Hà Đông dáng ngọc ngà.
Hoàng Thị ngày xưa oi mái tóc,
Ây-Si (AC) hiện đại mát làn da.*
Tha hương khí hậu nhiều thay đổi,
Cố quốc chiều hè nhớ chuyện xa !...

Đỗ Chiêu Đức 
 07-20-2023

Ây-Si (AC) là Air Conditioning, là Máy lạnh.



Kính Họa Vận : NẮNG HÈ - THU

Cái nắng đầu Thu nóng quá ta 
Che dù thoăn thoắt dạo quanh mà…!
Tóc thề chải chuốt màu đen mượt 
Thiếu nữ “chỉn chu” vóc dáng ngà
Hơi nóng hanh hè khô mái tóc 
Mồ hôi cuối hạ mát làn da
Cô đơn lẻ bạn chân hài bước 
Hiu quạnh hồng nhan sợ cách xa…!

      MAI XUÂN THANH 
San Francisco, July 27, 2023



NẮNG

Đi đâu nắng cũng sát theo ta
Tạo bóng kề bên thật mặn mà
Nhảy nhót, lung linh vờn tóc mượt
Dấu yêu, mơn trớn đậu vai ngà
Đem làn hơi ấm xua tan rét
Rịn giọt mồ hôi thấm mát da
Những lúc bầu trời mây phủ kín
Một mình đếm bước quãng đường xa.

Sông Thu
( 27/07/2023 )

MT xin góp họa theo bài xướng của chị Sông Thu 

Nắng Hạ 
Dạo bộ trên đường nắng bám ta 
Hè đang rực rỡ vậy thôi mà 
Tung tăng múa nhảy khi chiều ngã 
Lả lướt đùa chơi lúc bóng ngà 
Gió để hoa vàng thơm mái tóc 
Mây chuyền hạ trắng ửng làn da 
Tâm hồn dịu vợi say trời đất 
Mỗi bước thiền hành tránh nghĩ xa 
              Minh Thúy Thành Nội 
                 Tháng 7/27/2023 


xin góp họa cùng chị:

NẮNG HÈ

Nắng hè đeo đuổi đốt thiêu ta
Đã có ô che, ấy vậy mà…
Người chẳng rượu đào đi tợ xỉn
Mắt hoa môi đỏ ngó ra ngà
Hằng trưa lặm lội khô cong xác
Suốt bữa lượn lờ thẫm thẫm da
Nghe cuốc than hè hao …thuốc thuốc…
Não lòng ngán ngẩm cái quan xa…

CAO BỒI GIÀ
27-07-2023

WORLD CUP NỮ 2023

 Đã qua một tuần "FIFA Women's World Cup" khai mạc (07-20-2023); Nhiều trận đấu sôi nổi đã diễn ra, nhưng lại chưa thấy có bài thơ nào "khen ngợi" "chê bai" gì cả. Xin mạn phép có một bài Xướng sau đây. Kính mời tất cả Thầy Cô Thân Hữu Đồng môn ... Vị nào có nhã hứng xin cùng họa cho vui !

XƯỚNG :


      Ngày xưa World Cup chỉ nam thôi,
      World Cup ngày nay nữ cũng chơi.
      Bậm trợn húi cua còn chạy nữa,
      Dịu dàng thục nữ mất đi rồi !
      Chọc khe áp sát khung thành địch,
      Cản phá đội đầu cướp bóng người.
      Nhất nhất như nam không nhượng bộ,
      Khiến toàn thế giới mãi mê coi !
                                    Đỗ Chiêu Đức 
                                     07-27-2023 


Kính Họa Vận : WORLD CUP

World Cup thanh niên khỏe thế thôi…!
Xưa thời vận động chỉ “Nam” chơi…!
Nào ngờ “thục nữ” hăng say chạy 
Lầm tưởng thuyền quyên đắm đuối rồi 
Áp sát, chọc khe, ngăn bóng địch 
Tranh giành cản cẳng húc vai người 
Đàn bà đứng giữa không nao núng 
Khán giả đông vui mãi miết coi…!

          MAI XUÂN THANH 
San Francisco, July 27, 2023

BÓNG ĐÁ NỮ

Nam đá, nữ nhi cũng đá thôi
Sợ gì vóc nhỏ lại không chơi !
Dẻo dai, bền bỉ nào thua sút
Khéo léo, khôn ngoan hẳn vượt rồi
Gắng sức, khả năng đâu kém bạn
Quyết tâm, thành tích trội hơn người
Tranh tài phái đẹp càng gay cấn
Thiên hạ toàn cầu thỏa mắt coi !

Phương Hà
( 28/07/2023 )

7/24/23

Lối Xưa Xe Ngựa

Trần Mộng Tú

Mẹ tôi kể, cuối năm 1943, ảnh hưởng đảo chính Nhật, gia đình tôi phải tạm tản cư từ Hà Nội ra ngoài thành phố; lúc đó mẹ tôi đang có mang tôi sắp tới ngày sanh, mẹ được chở trên một chiếc xe bò có lót rơm, vào Hà Đông thì tôi được sanh ra trên xe bò, nên trong giấy khai sanh, nơi sanh là Hà Đông (đáng nhẽ tôi phải được đặt tên là Rơm mới đúng.)

Ảnh: Diễn Đàn Thế Kỷ
Trong gia đình, các anh chị em tôi đều được đi xe tay, xe kéo, đến nhà thương (lúc đó chưa gọi là bệnh viện) ra đời ở Hà Nội, duy chỉ có mình tôi được sanh trên xe rơm do hai con bò chở. Như vậy xe bò là phương tiện di chuyển đầu tiên tôi được dùng. Về sau mẹ lại kể, vào năm 1946 vẫn loạn lạc, gia đình tôi chạy từ Hà Nội về Thái Bình; lúc đó, cô út mới 5 tháng, còn đỏ hỏn, tôi mới hai tuổi, mẹ tôi phải thuê người gánh tôi và cô út trong hai cái thúng. Còn anh chị tôi thì một người mẹ dắt, một người bố dắt. Phương tiện di chuyển thứ hai của tôi là được gánh bằng thúng.

Tôi lớn lên ở Hà Nội, Hải Phòng, trưởng thành ở Sài Gòn, những chiếc xe kế tiếp tôi được đi là: xe đạp, bus, xích lô đạp, taxi, xe đò, xe lam, xe thổ mộ, xe gắn máy (chỉ ngồi sau lưng tài xế) và phà. Mỗi phương tiện di chuyển này đều để lại trong tôi một ký ức ngọt ngào.

Thuở mới lên mười tập xe đạp với bạn, đầu gối, khuỷu tay lúc nào cũng rớm máu, sây sát vẫn hẹn hò tập nữa, chưa đi giỏi đã chở nhau, ngã lên ngã xuống. Chao ôi, là hạnh phúc!

Xe bus tôi đi ở thời gian trung học, lúc nào cũng bị dồn vào một góc xe, không nhìn thấy trạm xuống. Nhưng đi trên xe bus tôi học được nhiều điều qua những nét mặt của từng người. Nét mặt, nụ cười hồn nhiên của học trò, nét băn khoăn của giới công, tư chức, nét mệt mỏi của những người lao động. Tất cả chen chúc, hối hả lên, hối hả xuống. Tôi hay ngoái cổ nhìn theo những cái lưng vừa được thả xuống lề đường. Có cái lưng lấm tấm, có cái lưng ướt đẫm mồ hôi.

Tôi cũng thích di chuyển bằng xích lô đạp lắm, thong thả và thoáng. Nắng quá có mui kéo lên, mưa có cánh gà thả xuống. Xích lô đạp không bí và ngột ngạt mùi xăng như taxi. Taxi ở Sài Gòn hồi đó là những chiếc xe nhỏ, cũ, của hãng Renaul, lúc nào cũng ngộp mùi xăng.

Tôi nhớ lại, có lần các cô học trò mới lớn, ngồi nói chuyện “người chồng lý tưởng” với nhau. Mỗi người chọn một ông chồng tiêu chuẩn đẹp trai, con nhà gia giáo, hoặc “phải có danh gì với núi sông.” Tôi nói một cách hồn nhiên: “Tao xí ông xích lô đạp, để chở tao mỗi ngày.” Cả nhóm bạn cười ầm lên: “Nhỏ này ngu, cứ có tiền là có xích lô đi, việc gì phải lấy anh phu xe.”

Sau thấy anh xích lô ở trong ngõ gần nhà, có hai vợ, anh đi làm về, uống rượu, và đánh cả hai bà vợ quá xá, tôi đâm hoảng, không dám tuyên bố dại dột nữa. Không dại dột mơ ông xích lô hay đánh vợ, nhưng khi trưởng thành đã đi làm, vẫn thích đi xích lô đạp. Nhà tôi ở Thị Nghè, văn phòng hãng thông tấn Associated Press ở lầu 4, trong khu thương xá Eden. Ông xích lô tháng của tôi ở Thủ Đức, sáng sáng ông lên đón tôi, thả tôi xuống Nguyễn Huệ, ông đi kiếm khách nguyên ngày, chiều về ghé đón. Có hôm tôi đi chơi với “bồ” thì ông về xe không.

Xích lô máy tôi sợ lắm, đi thử một, hai lần rồi. Bay nón, bay tóc, bay áo, và có thể bay luôn cả linh hồn xuống đường.

Thuở bắt đầu có hẹn hò, đưa đón, thích nhất được ngồi sau Vespa hay xe Honda của các chàng. Ngồi mà không dám ngồi sát, hai chân về một phía, khi mặc robe còn phải hai chân để chồng lên nhau; nếu chưa thân lắm, phải giữ một khoảng cách với cái lưng đằng trước, không dám ngồi thật sát, nên có khi suýt ngã mỗi lần xe quẹo hay xe ngừng.

Những con đường Sài Gòn ngày đó không chen chúc quá đáng, có những đường đôi khi còn vắng bóng xe, thỉnh thoảng mới có xích lô đạp đi vào như đường Cường Để, Đồn Đất. Mọi người, mọi vật thong thả, đám mây trên cao cũng thong dong trôi.

Xe lam, thỉnh thoảng chờ taxi hay xích lô đạp mãi không được, cũng trèo lên xe lam. Xe lam không cần đến bến, không có bảng đậu như xe bus, miễn mình biết đường đó có xe lam chạy, cứ chờ xe đi qua, vẫy tay xe còn chỗ sẽ ngừng lại cho lên, muốn xuống, cứ ơi ới kêu tốp tốp, là được thả xuống. Nhưng đi xe lam chẳng thấy nên thơ tí nào cả.

Xe thổ mộ thì tuyệt vời, không phải ở đâu cũng có. Sài Gòn không có xe thổ mộ đã lâu lắm rồi. Tôi nhớ chỉ một hai năm đầu vào Nam thấy xe thổ mộ đưa các bà đi chợ. Sau này mỗi lần từ Sài Gòn xuống Bình Dương, tôi được đi xe thổ mộ từ bến xe đò Bình Dương về nhà dì tôi ở đường Châu văn Tiếp, quá miếu tử trận một chút. Tiếng vó ngựa gõ lóc cóc trên đường nghe hay lắm, lúc đó chẳng biết diễn tả thế nào, âm thanh khô và dứt khoát, xe đi dọc bờ sông Bình Dương (do sông Bé chẩy qua tỉnh), đường xá rộng, xe ít, người thưa, gió từ sông thổi lên, chiếc xe lắc nhẹ như đưa võng, thỉnh thoảng nghe tiếng roi của người xà ích quất nhẹ vào mông ngựa. Cái cảm giác cô gái tỉnh thành được về quê chơi, cái gì cũng thấy hay, cũng lạ tai, lạ mắt, cũng đẹp. Xe đưa về đến sát hàng rào nhà dì tôi, nhìn thấy cái giếng nước trong sân mới phải nhẩy xuống. Thời niên thiếu quê nhà, chao ơi, làm sao tả!

Tôi cũng thích được đi qua phà. Một người bạn thân của anh tôi, hồi đó hay cho tôi qua phà Thủ Thiêm chơi. Những hôm trời mưa lâm râm qua phà trên sông Sài Gòn thấy mênh mông, buồn và đẹp làm sao! Mới lớn mà, anh hơn tôi đến bảy, tám tuổi. Chắc anh cũng còn nhớ mãi kỷ niệm những lần dắt tay một cô bé qua phà. Rồi những dịp hè, (trước 1963 đường sá còn yên ổn) chị em tôi được cha mẹ cho đi xuống tận Bạc Liêu, nơi cô chú tôi ở, phải qua hai cái bắc: bắc Mỹ Thuận và bắc CầnThơ.

Tôi yêu cái không khí nhộn nhịp, khi xe đò đậu lại, chờ sang phà. Tiếng rao của các hàng quà bánh, hình ảnh của những người bán hàng, khăn rằn vắt vai, hay nón lá đội đầu; những thúng, những rổ đựng: ổi xá lị, ốc gạo, mía ghim, xoài, cóc, thơm v.v, sao mà đẹp thế! Sau năm 1963 cha mẹ chúng tôi không cho con đi xe đò xa nữa, vì đường sá bắt đầu bất an. Bây giờ, ngồi đây, nhớ lại cái cảnh đất nước thái hòa đó vẫn ứa nước mắt.

Nhưng chuyến về Việt Nam vừa qua, cho tôi một cái nhìn về giao thông hoàn toàn đổi khác. Trước tiên Sài Gòn là nơi dân quê cả ba miền tụ về kiếm sống. Càng đông người, càng nhiều việc, người tăng thì xe cộ tăng theo, gần như 90% gia đình có xe gắn máy, gia đình năm người, thì cũng phải cần đến ba cái xe gắn máy, để sáng ra đi làm, mỗi người về một hướng.

Trước khi lên xe gắn máy, ai cũng cần có kính râm, khẩu trang, nón sắt, găng tay, nếu phụ nữ mặc áo ngắn tay thì găng lên đến cùi chỏ, em bé đi theo còn có một tấm voan trùm đầu che bụi. Người Sài Gòn gọi đó là “võ trang đến tận răng”. Dân số Sài Gòn hiện nay theo thống kê chính thức là 8.5 triệu, nhưng người ta cộng thêm số người chưa kiểm soát được có thể lên đến 10 triệu.

Chỉ cần tưởng tượng hai phần ba số người đó, sáng sáng túa ra đường bằng những chiếc xe gắn máy. Tiếng nổ của xe, rung cả mặt trời vừa thức, khói từ những ống bô bay ra làm ô nhiễm đám mây đầu tiên vừa nhìn thấy, và con người phải đón nhận ngay tiếng động đó vào đầu, đám khói đó vào phổi như bắt đầu của một ngày dài.

Nếu đứng trên một sân thượng nhìn xuống đường phố, Sài Gòn và Hà Nội không khác nhau mấy, cái khác biệt chỉ là tỷ lệ ngắn, dài, rộng, hẹp, còn cả hai đều giống như từng con kinh khổng lồ chở theo nó một đám rác rất ngoạn mục. Những hình tròn của nón sắt nhìn từ trên cao xuống như những cái lá lục bình to đủ màu, những càng xe như những khúc củi cong, bập bềnh trôi, người xếp lớp như châu chấu, muốn chồng lên nhau, chân tay ngọ ngoạy, cả bốn hướng đâm sầm vào nhau.

Trên cái khối sắt có hai càng đó, một con châu chấu ốm yếu chở năm con heo bó chặt trong rọ, hai con rọ ôm đằng trước, ba con rọ nằm đằng sau; hay châu chấu chở nguyên cái tủ lạnh nhỏ còn trong thùng, một tay cầm ghi, một tay ngược ra sau lưng đỡ; hoặc châu chấu chở một lúc bốn vòng hoa tang, xếp theo chiều dài của hai bên xe, không nhìn thấy thân mình đâu cả, chỉ thấy hoa tang lừng lững đi, như đi vào nghĩa trang; có khi châu chấu chở nguyên một gian hàng bán bát đĩa Bát Tràng, thúng trước, rọ sau, chẳng bao giờ rơi vỡ; châu chấu còn chở một cửa hiệu bán quần áo, với gọng, với móc che kín mít thân mình, chỉ thấy những miếng vải xanh đỏ, bay bay, lạ và đẹp lắm!

Kinh hoàng hơn nữa, châu chấu bố, châu chấu mẹ, châu chấu con và ngay cả châu chấu sơ sinh, tổng cộng năm mạng chở nhau trên cái khung sắt đó, mẹ châu chấu bình thản cho con bú trong khi cái khung sắt cứ nhúc nhích.

Giữa cái con kinh chở đám rác bập bềnh đó, chợt xuất hiện một cái xe hơi, cái xe của ai nhỉ? Xe hiệu Ferrari hay Lamborghini (giá trung bình từ 198 ngàn đến 320 ngàn Mỹ kim; nhập vào Việt Nam đánh thuế gấp ba lần). Cái xe hơi hào nhoáng đó thản nhiên nhúc nhích quay đầu quẹo chữ U giữa dòng xe gắn máy.

Bỗng tất tả ở đâu đến một bà áo cánh vá, quần đen ống thấp, ống cao, hai bàn chân nứt nẻ trong đôi dép nhựa bẩn thỉu, gánh một đôi quang mỗi bên vài bó rau, hai, ba nải chuối, mấy củ hành, bà cũng thản nhiên đứng nhúc nhích cản trước chiếc xe hơi, bà muốn qua đường. Bà đâu có biết xe của ai, mang nhãn hiệu gì, bao nhiêu tiền? Cản trở của xe tải hay xe hơi hào nhoáng đối với bà cũng như nhau, bà chỉ cần băng qua bên kia đường bán mấy nải chuối, hình như có một người đang gọi mua.

Băng qua đường là cả một nghệ thuật, du khách không có kinh nghiệm, không dám sang đường một mình. Phần nhiều ở ngã tư không có đèn xanh, đèn đỏ và nếu có chẳng thấy ai tuân theo luật giao thông. Xe không bao giờ ngưng lại cho người đi bộ. Người sang đường phải tự hiểu: bước xuống, băng sang, đi chậm, nhưng không rụt rè, cố nhìn vào mặt người lái cái xe như đang muốn tông vào mình, thực sự, khi hai người nhìn thấy nhau, người lái xe sẽ nhường cho mình bước thêm một bước, rồi nhích được một bước, khách bộ hành phải nhìn kế tiếp vào cái xe vừa chạy tới; cứ thế, vừa bước vài bước vừa nhìn. Không rụt rè, không chạy, và nhất là không được hốt hoảng chạy ngược lại lề đường.

Xe phun khói tự nhiên, nhúc nhích rất chậm, nhất là vào giờ “tan tầm” Bạn có nhìn thấy đàn tầm trong cái nong nhúc nhích bao giờ chưa? Nếu chưa, thì chịu khó về Hà Đông ở miền Bắc nhìn đi, cái con kinh xe cộ này, giống như cái nong tầm vậy: đông đúc, lúc nhúc và nhúc nhích rất chậm. Nhưng những chiếc xe nhúc nhích rất chậm đó, thực sự nó đang chở trên nó những con người tất bật lăn xả vào xã hội, giành giựt từng mảnh đời sống hàng ngày.

Đó là một bức tranh nhìn xuống từ một căn nhà bảy từng, chiều ngang ba thước, chiều sâu sáu, bảy thước. Những ngôi nhà như thế này, rất nhiều ở Hà Nội và Sài Gòn, vì giá đất rất cao, được tính bằng vàng. Người Việt ở hải ngoại không cách nào hiểu được tại sao mỗi mét vuông đất giá đến năm sáu cây vàng. (Mỗi cây khoảng 2 ngàn Mỹ kim).

Vì xe luôn luôn kẹt cứng, nên không chạy nhanh được, không có tai nạn xe gắn máy khủng khiếp xảy ra trong thành phố giữa ban ngày, chỉ có sây sát, cọ xước. Tai nạn khủng khiếp chỉ xẩy ra ở ngoài quốc lộ, đường đi xuyên tỉnh, nơi tài xế có thể chạy quá tốc độ. Ban đêm, khi mọi người đã đi ngủ, xe gắn máy kiếm cơm ban ngày đã được cất vào nhà, hoặc khóa lại, nằm trên lề đường, trước các khách sạn, là lúc các con ông lớn, các con đại gia mang xe gắn máy “hàng xịn” ra đua. Lúc đó tai nạn sẽ xảy ra, sống chết chỉ là trò chơi tìm cảm giác mạnh của các quý tử.

Sài Gòn hay Hà Nội bây giờ không còn ai nói đến chữ “thong thả” nữa. Cái tất bật của họ khác với cái tất bật của Âu, Mỹ. Người Âu, Mỹ chọn cái tất bật, trong khi họ có thể chậm lại. Người Việt bây giờ bị cuốn vào tất bật, không ra được nữa rồi. Chậm lại có nghĩa là thất bại, là bỏ cuộc.

Nhưng những chiếc xe trong thành phố vẫn nhúc nhích rất chậm, chở trên nó một đàn châu chấu ùa ra từ một cánh đồng vô tận, vết chân của nó cào xuống mặt đường, sẽ để lại những dấu tích vào những trang ký sử sau này.

Một Mảnh Đời Hồ Dzếnh

 Trần Mộng Tú

Vào năm 1954, gia đình tôi mới di cư vào Nam thì nhận được một lá thư của Hồ Dzếnh (thời gian đầu của năm 1954-1955 Bắc-Nam còn nhận được thư).Lúc đó tôi còn bé chưa biết ông là một thi sĩ, Ba tôi nói: Có người đàn ông Trung Hoa muốn lấy thím Phương. Thím Phương của chúng tôi là vợ góa của chú Trần Trung Phương, người có tập Thơ cho học trò Mấy Vần Tươi Sáng, mà từ nhỏ anh chị em chúng tôi đã thuộc lòng nhiều bài trong đó. Khi học ở Tiểu Học được học lại ở trong lớp như những bài Học Thuộc Lòng.
Chiều qua trăng ngã xuống hồ
Bầy sao nghịch ngợm đổ xô xuống tìm
Trên không có mấy con chim
Vội vàng đâm bổ đi tìm bóng trăng. (Vội Vàng- TTP)

Lá thư của chú Dzếnh, tôi không được đọc, chỉ nghe Ba nói là một lá thư với lời lẽ hết sức lễ phép, xin phép anh chị cho em được thay anh Phương vào làm em anh chị trong gia đình. Ba tôi vốn sẵn hiền lành, nên đọc thư cảm động đến ngồi ngây người ra, không biết trả lời sao cho xứng với lá thư đó.

Chú Trần Trung Phương của tôi khi còn sống viết văn, làm báo cho thiếu nhi, hoạt động chống Pháp, bị bắt, tra tấn trong tù. Khi được thả ra thì ho lao chết ngày 24/7/1945. Lúc đó con trai mới 6 tháng tuổi. Thím Hồng Nhật, một người đàn bà có học, có nhan sắc, yêu văn chương, được tất cả các bạn văn của chồng kính nể. Mỗi năm làm giỗ chồng, thím mặc khăn áo đại tang làm giỗ, mời các bạn Văn/ Họa Sĩ của chồng như: Mạnh Quỳnh, Hữu Thanh, Tống Ngọc, Tam Lang, Khái Hưng v.v… đến dự. Ai cũng kính phục.
Thím ở vậy nuôi con, cho tới khi gặp Hồ Dzếnh. Cũng nên nhắc lại, thím Hồng Nhật cũng viết văn, làm thơ, lúc trẻ Hồng Nhật có gửi bài cho Phong Hóa và Ngày Nay là thời điểm Trần Trung Phương đang phụ trách trang Thiếu Nhi của hai tờ báo này. Duyên văn nghệ đưa đến cuộc hôn nhân đẹp nhưng quá ngắn (Không đầy 2 năm).
Khi chú mất, tôi cũng chỉ hơn em Cường một tuổi nên không biết gì cả.
Lớn lên mới biết thím là một phụ nữ đảm đang, qua bao nghịch cảnh, góa chồng, ly loạn vẫn gây dựng lại được những gì đã mất. Hiệu Sách Bình Minh 200 A, Phố Huế, nức tiếng ở Hà Nội một thời.
Vào năm 1951 thím Hồng Nhật muốn tái bản tập thơ Mấy Vần Tươi Sáng, nên có vào Nam nhờ Hồ Dzếnh đỡ đầu. Hồ Dzếnh cũng đang trong cảnh gà trống nuôi con rất vất vả. Hai người cảm thông nhau cùng hoàn cảnh góa bụa, cùng có hai đứa con trai nhỏ, cùng yêu văn chương nên nhanh chóng yêu nhau. Đầu năm 1954 Hồ Dzếnh trở về Hà Nội, cuối năm đó lập lại gia đình với thím Hồng Nhật.
Giai Thoại kể lại: Hôm đám cưới, các bạn văn cũ của chú Phương đến dự đông đủ, có một người ra câu đối: Vợ góa nhà văn lấy nhà văn góa vợ. Không ai đối được.
Cũng có thêm giai thoại nữa về cái tên Hồ Dzếnh, bạn hữu hay gọi đùa là Hồ Dính và có ra câu đối: Hồ Dính, dính hồ, hồ chẳng dính, có người đối là Ngọc Giao, giao ngọc, ngọc không giao.
Sau năm 1975 chú Dzếnh và Thím Hồng Nhật có vào Nam tìm gia đình anh chị, thì cha mẹ và chúng tôi đã sang Mỹ. Khi tôi liên lạc được với chú thím bằng thư thì cha mẹ tôi đã qua đời. Lá thư cuối tôi nhận được, chú nhờ tôi lấy tiền nhuận bút của những nhà sách bên Mỹ đã tái bản và phát hànhnhững tác phẩm cùa chú nhưng không nhà xuất bản nào trả một đồng (Các nhà xuất bản hồi đó điều nghĩ việc họ tái xuất bản sách Việt ở hải ngoại là một đặc ân họ ban phát cho tác giả.)
Năm 1998 lần đầu tiên tôi về Việt Nam thì chú Dzếnh đã mất được 7 năm (1991). Buổi tối, nằm ngủ chung với thím trên chiếc giường của hai người, nghe thím kể lại: lúc biết mình sắp mất, chú đòi về nhà, mất trên cái giường của vợ chồng. Câu cuối cùng của chú là lời gọi: Mình ơi! trước khi nhắm mắt.
Mình vừa là chị là em
Tấm lòng người mẹ, trái tim bạn đời
Mai này tới phút chia đôi
Hai ta ai sẽ là người tiễn nhau?
Xót mình đã lắm thương đau
Tôi xin làm kẻ đi sau đỡ mình
Cuộc đời đâu phải phù sinh
Nước non chan chứa nghĩa tình, mình ơi! (Bài Thơ Tặng Vợ - Hồ Dzếnh)

Chú Dzếnh muốn đi sau để tránh cảnh thương đau cho thím, nhưng chú lại là người đi trước. Trên chiếc giường gỗ ở ngôi nhà 80 phố Hòa Mã, Hà Nội, trong bóng tối mờ mờ của ngọn đèn đêm ngoài phố hắt vào, tôi nằm cạnh thím, nắm chặt bàn tay già nua của thím, nhìn lên đình màn, hình dung ra khuôn mặt thanh nhã với nụ cười hiền lành ở bức ảnh trên bàn thờ của một thi sĩ Trung Hoa mang trái tim Việt Nam trong lồng ngực, tôi nói thầm trong lòng: Cám ơn thi sĩ đã vào trong gia đình họ Trần Trung.

Tuổi thơ tôi lớn lên bằng những bài Thơ học trò ngây thơ trong Mấy Vần Tươi Sáng của thi sĩ Trần Trung Phương và tôi nghĩ đó chính là những hạt giống văn chương đã gieo vào mảnh đất hồn tôi để sau này mọc lên hoa trái. Rồi tiếp theo đó là Thơ và Văn Chương trong sáng, giản dị của Hồ Dzếnh ảnh hưởng tới văn chương và cách viết của tôi.
Tôi cám ơn Thượng Đế đã cho tôi cả hai ông chú tuyệt vời.
tmt

7/23/23

Tin buồn


 Nhận được tin buồn:

Anh MAI VĂN THÁI, CTKD I, vừa qua đời tại Pháp ngày hôm nay 23 tháng 07 năm 2023.

Email: QUANG Nguyen quangseattle2...>


Condoléances

 

Nous avons été très émus d’apprendre

la disparition de notre collègue :

 

- Mr MAI VAN THAI

diplômé de l’Ecole de la SCIENCE POLITIQUE

ET DE LA GOUVERNANCE DES ENTREPRISES

Université de Dalat.

Survenu le 23-Juillet-2023 à Paris.

Nous présentons à Madame Nicole Mai văn Thái et à sa famille nos condoléances les plus sincères.

 

Un groupe d’anciens collègues, promotion 1&2

de la Californie du sud.


Email : X Vo xvo3000@#####

PHÂN ƯU

 Nhận được tin buồn:

 Bạn Mai Văn Thái, cựu sinh viên khóa 1, CTKD, đã ra đi vĩnh viễn
 ngày 23 tháng 7 năm 2023 tại Paris, hưởng thọ 80 tuổi.

 Chúng tôi xin thành thật chia buồn cùng chị Nicole Mai Văn Thái và tang quyến,
Nguyện cầu hương linh bạn Mai Văn Thái sớm được về cõi vĩnh hằng.

   Một nhóm bạn Thụ Nhân k1-2 cùng thành kính phân ưu:
--
G/Đ Vũ Ngọc Ái (San Jose) -  G/Đ Nguyễn Khánh Chúc (Pháp) 
 G/Đ Trần Thị Hạnh (Houston) - G/Đ Phạm Quang Hiền (SJ)
G/Đ Nguyễn Thị Huệ (SJ)- G/Đ Phạm Huy Luận (SJ) 
G/Đ Lê Xuân Nho & Trần Thị Ngọc Lang (Riverside)
G/Đ Nguyễn Thị Thiên Nhiên (R) - G/Đ Trần Ngọc Phong (SJ)
G/Đ Phạm Thị Sáng (R) - G/Đ Phùng thị Bích Sơn (Las Vegas)
G/Đ Trần Quang Cảnh & Võ Kim Thoàn (Tây Ninh)
G/Đ Nguyễn Thị Dục Tú ()- G/Đ Trần Khánh Tuyết (Berkeley)
G/Đ Nguyễn Đình Cận & Nhan Ánh Xuân (SJ)

Toàn thể các bạn K1 tại Houston Texas USA thành tâm cầu nguyện 
       hương linh bạn MAI VĂN THÁI sớm về cõi VĨNH HẰNG.

           ĐĐ Soạn, NG Thanh, VV Hải, TĐ Đạt, NV Rọt, ĐN Chương, NS Bạch
                                 LN Tùng, NĐ Tòan, ĐG Phương, TV Lược

TIN BUỒN

Hội Cựu Sinh Viên Viện Đại Học Đà Lạt-Việt Nam Tự Do (Paris)

Vô cùng đau đớn thông báo cùng

quý thầy cô,
quý đồng môn,
quý thân hữu



Anh MAI VĂN THÁI
sinh ngày11 tháng 3 năm 1943

Cựu sinh viên Viện Đại Học Đà Lạt

(khóa I Chánh Trị Kinh Doanh)
Sáng lập viên HCSVVĐHĐLVNTD

(Président du Conseil d’Administration)


đã mãn phần
Ngày 23 tháng 7 năm 2023
lúc 9 giờ 5 phút
tại Hôpital Montsouris Paris 14 ème
Hưởng thọ 80 tuổi

Chúng tôi xin thành kính phân ưu cùng Nicole, phu nhân anh Thái và các con Nicolas Mai, Hà Mai...

Sự ra đi của anh Thái là một mất mát to lớn và sự luyến tiếc vô biên không những cho Hội chúng tôi mà còn là của thân bằng, quyến thuộc khắp nơi cũng như với các sinh hoạt cộng đồng người Việt tại Paris.

THÀNH KÍNH PHÂN ƯU
Ban Chấp Hành
Lê Tấn Lộc

Tôn Thất Hồng Cúc
Nguyễn Thu Hà



Đồng Chia buồn của các TN : NH Tân, NT Nhàn, LĐ Thông, PK Song, HQ Nhựt, HK Long, TV Lưu, VT Xuân (K1) ...
Đỗ Minh Tâm, Trần Ngọc Anh (k6) ...

7/21/23

Trở Về Mái Nhà Xưa

Cám ơn anh K. chia sẻ video "để nhớ lại kỷ niệm ngày xưa", nói lên nỗi niềm thương nhớ quê hương bản quán, mảnh đất mà ta đã sinh sống, đã trưởng thành, đã ấp ủ bao nhiêu kỷ niệm vui buồn, được mất, hạnh phúc và xót xa ... 

Hầu như, những ai có chút ít "tâm hồn hoài cổ", nhất là về tuổi điểm sương, đều có lúc chạnh lòng, mà "đê đầu tư cố hương"(低頭思故鄉), cúi đầu nhớ quê xưa. Còn hết thảy những ai tha phương cầu thực, rời quê đi lập nghiệp mưu sinh chốn xứ lạ quê người, thì hẳn nỗi nhớ quê hương lại càng ẩn hiện trong lòng thường xuyên hơn, mãnh liệt hơn.


Sài Gòn-Chợ Lớn năm xưa, mọi nơi từ sáng sớm cho đến đêm khuya, cũng đều nghe tiếng rao của gánh hàng bán bưng. Có những tiếng rao quen thuộc đến nỗi chỉ vắng một hôm cũng khiến người mua thắc mắc lo lắng cho người bán rong, để rồi ngày hôm sau gặp nhau vui mừng bắt tay chào hỏi; có những tiếng rao dường như mang theo cả thân phận nghèo khó, rầm rì cuộc mưu sinh cho nhu cầu sinh hoạt tối thiểu hằng ngày; có những tiếng rao đi sớm về khuya, chắt chiu mơ ước về một ngày mai tươi sáng giữa chốn phương xa...


Thương nhớ thay, những chuỗi ngày tuy cuộc sống còn khó khăn, nhưng mọi người đều cưu mang giúp đỡ lẫn nhau như bầu bí chung giàn; đất nước còn đa nạn nhưng tình người thì luôn dạt dào niềm nở như trăng sao trên trời ...


Nhớ lại những món ăn một ngày nào, là tôi nhớ lại biết bao là êm ái và dịu ngọt, mà những món ăn tuy tầm thường bé nhỏ ngày xưa ấy, nhưng lại là món quà vô giá của những tháng ngày yên vui sống mãi trong tâm tư của mọi người.


Một trong những món ngon nức tiếng dành cho giới bình dân Sài Gòn Chợ Lớn là món bò vò viên, hình ảnh các xe bán bò vò viên từ lâu đã đi vào ký ức của nhiều thế hệ. Hẳn nhiều vị cao niên còn nhớ một chén hủ tiếu bò vò viên trong nước lèo có vị ngọt của củ cải trắng, thêm vài giọt dầu mè, chấm với tương đen và ớt sa tế, vừa nhai chóp chép vừa húp nước lèo là sướng như lên mây. Ước gì được trở lại làm con nít như ngày xưa để ngồi trên chiếc ghế xếp đặt ven đường đầu làng cuối xóm rồi ăn một tô bò vò viên cho hả lòng hả dạ.


Kỷ niệm làm đẹp cuộc sống. Ngoài món bò vò viên, còn có những món quà tuyệt diệu của tuổi thơ mà bây giờ chỉ còn lưu lại trong chúng ta hương vị ngọt ngào của một thời đã xa mãi mãi...


Quả thật, thuở học trò không mấy ai là không thèm ăn quà vặt, riêng tôi lúc nhỏ thì thích nhất:

- Kẹo Bông Gòn, cho vào miệng lớp bông đường tan nhanh để lại vị ngọt ram ráp trên đầu lưỡi như một chút tiếc nuối.

- Xôi đậu xanh và Xôi nếp than, trét một lớp nhưn đậu xanh, rưới một muỗng mỡ hành, rắc một lớp đường cát trắng và chan lên một muỗng nước cốt dừa. Ôi! thơm ngon hấp dẫn làm sao!

- Gỏi khô bò, một nắm đu đủ bào, vài sợi khô bò nhỏ xíu, một chút rau thơm thái sợi, chan đẫm nước giấm và nước tương, thêm chút ớt đỏ cay cay,  ăn hết đu đủ húp cạn hết cả nước giấm mà vẫn còn thấy thòm thèm!

- Bò Bía, những cuốn nhỏ bánh tráng có ít củ sắn và cà rốt thái sợi, vài lát Lạp Xưởng, một ít tép ruốc, một ít trứng chiên vàng cắt sợi, một lá xà lách, vài ngọn rau thơm, ăn với tương ngọt và tương ớt có ít đồ chua. Ngon tuyệt vời!


Hiện nay tôi ăn chay trường, tại đây tôi chỉ hồi tưởng lại những cảm nghĩ lúc bấy giờ một cách trung thực, gói ghém cả những ngọt ngào của quá khứ và kỷ niệm, của một thời với những tháng ngày yên vui mãi mãi trong tâm tư ý niệm...


"Mong ước trở về lại tuổi thơ

Cắp sách đi học còn dại khờ

Mái nhà lụp xụp ngôi trường cũ

Quê nghèo khoai sắn vậy mà mơ


Tôi nhớ canh cà cá kho môn

Xúm xít ăn chung để sinh tồn

Góc bếp tuy nhỏ nhưng đầm ấm

Có tiếng cười đùa lẫn yêu thương


Giờ đây lưu lạc sống tha phương

Cảnh cũ người xưa thấm đoạn trường

Nỗi niềm rung cảm nơi tiềm thức

Lòng buồn dạ héo mãi nhớ thương


Ở nơi xứ người chỉ thân đơn

Nhớ lại tuổi thơ tâm chờn vờn

Bao năm phiêu bạc miền đất khách

Đâu nữa quê nhà vẫn là hơn!"


Chúc các bạn cuối tuần vui vẻ.

Trường

07-21-2023

Tạp Ghi và Phiếm Luận : PHÚC là PHƯỚC

 

Người miền Bắc bảo là PHÚC 福, còn người miền Nam thì nói là PHƯỚC. Hữu Phúc 有福 là Có Phước, mà Có Phước là có Tất cả ! Theo "CHỮ NHO... DỄ HỌC" chữ PHÚC thuộc dạng chữ Hình Thanh, có diễn tiến chữ viết như sau :


Ta thấy :
        Chữ PHÚC 福 là do bộ THỊ 礻= 示 là Biểu Thị 表示 có nghĩa là "Bày tỏ, là Tỏ ra"; và chữ PHÚC 畐 có nghĩa là "Đầy đủ, Sung túc". Nên chữ PHÚC 福 được đọc theo âm chữ PHÚC 畐 là Đầy đủ, nên gọi là chữ Hình Thanh. PHÚC 福 còn có nghĩa Hội Ý là : "Tỏ ra đầy đủ sung túc". Vâng, "Tỏ ra đầy đủ sung túc" là "Có Phước" rồi ! 
      Đó là nói theo sách giáo khoa và tự điển giảng về chữ PHÚC 福, còn đối với dân gian thì bà con ta nhìn Bộ THỊ 礻 thành Bộ Y 衤= 衣 là Y PHỤC 衣服 có nghĩa là "Áo Quần". Còn chữ PHÚC 畐 nhìn từ trên xuống là : Chữ NHẤT 一 chữ KHẨU 口 rồi chữ ĐIỀN 田. NHẤT KHẨU ĐIỀN 一口田 có nghĩa là :"Một thửa Ruộng". Nên mới chiết tự chữ PHÚC 福 thành : NHẤT BÁN Y SAM NHẤT KHẨU ĐIỀN 一半衣衫一口田. Có nghĩa là : Một nửa là ÁO XỐNG  (Y sam), nửa kia là MỘT THỬA RUỘNG. Với hàm ý là : Có quần áo để mặc, có ruộng để cày; Cũng có nghĩa là "Có cơm ăn áo mặc là đã CÓ PHƯỚC rồi !". Nên ...

       CÓ PHÚC là CÓ PHƯỚC, là có cuộc sống sung túc đầy đủ cơm ăn áo mặc; Nhưng  dần dà theo nhu cầu đòi hỏi của cuộc sống, nên chữ PHÚC cũng được nhân rộng ra thành nhiều mặt để đáp ứng lòng tham không đáy của con người. Như trong ngày Tết âm lịch, ta thường thấy người ta hay dán bốn chữ NGŨ PHÚC LÂM MÔN 五福臨門 lên ngay trước cửa ra vào và thường hay chưng một cành hoa mai, vì hoa mai nở ra năm cánh tượng trưng cho năm điều Phước, gọi là MAI KHAI NGŨ PHÚC 梅開五福. Năm điều PHƯỚC mà mọi người hằng mơ ước đó là : 
             
                 Thọ, Phú, Khang ninh, Du hảo đức và Khảo chung mệnh. 
                   寿, 富,      康寜,        攸好德,             考终命。          
Có nghĩa :
        Sống lâu, giàu có, mạnh khỏe, được tiếng có đức tốt và chết an lành, là thiện chung. Nói cho gọn lại là : Thọ 壽, Phú 富, Khang 康, Đức 德 và Thiện 善. Đó là 5 cái phước mà mọi người thời xưa đều mong mỏi. Còn bây giờ thì sao ? Xã hội ngày một thay đổi và tiến hóa, nên mơ ước và  mong mỏi của con người cũng có khác. Theo như sưu tầm tìm thấy trên mạng thì NGŨ PHÚC của hiện nay là : Hòa hài 和諧,Hưng vượng 興旺,Phú qúy 富貴,Bình an 平安,Kiện khang 健康。Có nghĩa là : Gia đình hòa thuận, Làm ăn phát đạt, Trở nên giàu sang, Gia đình bình an và Mọi người đều khỏe mạnh. Rất thực tế và rất phù hợp với cuộc sống của xã hội trước mắt.
     
        CÓ PHƯỚC còn có nghĩa là "Tránh khỏi được những xui xẻo tai nạn làm thương tổn đến bản thân hay gia đình" Nên ông bà xưa thường nói là :

                    有福傷財,   Hữu PHÚC thương tài,
                    無福傷己。   Vô PHÚC thương kỷ.
Có nghĩa :
       - CÓ PHƯỚC thì chỉ bị thương tổn mất mát về tiền của tài sản mà thôi, Còn...
       - Không CÓ PHƯỚC thì sẽ bị thương tổn đến bản thân, sức khỏe, thậm chí đến cả tính mạng của mình nữa.

      PHÚC 福 còn có nghĩa là May Mắn. Như PHÚC TINH 福星 là Ngôi sao may mắn. Ta có thành ngữ PHÚC TINH CAO CHIẾU 福星高照 để chỉ những người thật may mắn, luôn luôn có một ngôi sao may mắn từ trên cao chiếu xuống, nên làm việc gì cũng thuận lợi suông sẻ, kể cả đầu tư, kinh doanh, cờ bạc... Còn ...
      
     NHẤT LỘ PHÚC TINH 一路福星. Thành ngữ nầy vốn dĩ dùng để chỉ một ông quan tốt, như là một ngôi sao may mắn đem lại hạnh phúc cho nhân dân. Có xuất xứ từ bài viết《Tiên Vu Tử Tuấn hành trạng 鲜于子骏行状》 của Tần Quan đời Tống 宋·秦觀 như sau :

      TẦN QUAN 秦觀 tự là Thiếu Du 少游, danh sĩ đời nhà Tống, kể lại chuyện Tiên Vu Tử Tuấn được bổ nhiệm đi làm Chuyển Vân sứ lộ Kinh Đông; Vì là một vị quan thanh liêm hết lòng lo cho dân, nên trước khi đi Tư Mã Quang đã than rằng :" PHƯỚC TINH đã đi rồi ! Nếu như triều đình có được một trăm người như Tử Tuấn thì các nơi sẽ tốt biết mấy !" Vì thế mà mọi người đều gọi Tử Tuấn là NHẤT LỘ PHÚC TINH và làm thơ ca ngợi như sau :

                 福星一路之歌謠,  PHÚC TINH NHẤT LỘ chi ca dao,
                 生佛萬家之香火。  Sanh Phật vạn gia chi hương hỏa.
Có nghĩa :
                 PHÚC TINH NHẤT LỘ ngợi ca,
             Là thân Phật sống vạn nhà khói hương.

       Trong tác phẩm "SÃI VÃI", cụ Nguyễn Cư Trinh đã cho bà VÃI khen ông SÃI như sau : 

                 Ông nầy tu luyện, có chí anh hùng:
                 Thuộc sử kinh chứa để đầy lòng; 
                 Mang y bát chơn truyền phải mặt.
                 Dầu chẳng “VẠN GIA SANH PHẬT”, 
                 Cũng là “NHẤT LỘ PHÚC TINH”...

         Nhưng sau nầy dùng rộng ra thì NHẤT LỘ PHÚC TINH còn dùng để người ở lại chúc cho người đi xa được "May mắn suốt cuộc hành trình".
Còn...
       PHƯỚC TƯỚNG 福將 là chỉ các Tướng lãnh may mắn, hễ ra trận là đánh thắng, gặp nguy hiễm cũng thoát nạn không chết. Tiêu biểu như 3 ông tướng sau đây :

      * Triệu Vân 趙雲(?—229)là Thường Sơn Triệu Tử Long 常山趙子龍, một trong Ngũ Hổ Tướng của Lưu Bị thời Tam Quốc. Ông là vị tướng trăm trận trăm thắng và chưa hề bị thương lần nào kể cả trận chiến ở Đương Dương Trường Bản, ra vào bảy lần trong vòng vây mấy vạn quân của Tào Tháo lại phải phò ấu chúa, nhưng vẫn an toàn về đến trại mà không hề có thương tích gì cả ! Trên 70 tuổi mới mất vì bệnh.
      * Trình Giảo Kim 程咬金(589-665)trong Tùy Đường Diễn Nghĩa gia nhập Ngõa Cang Trại, Ba búa cướp hoàng cống (tiền thuế cống nạp cho vua) làm phản ở Sơn đông, xưng là Hỗn Thế Ma Vương... Sau theo Tần Vương Lý Thế Dân lần lượt đánh bại Tống Kim Cương, Đậu Kiến Đức, Vương Thế Sung... lập được nhiều công trạng, được phong làm Lỗ Quốc Công khi Đường Thái Tông lên ngôi. Qua sự kiện Võ Hậu soán ngôi, Tiết Cương làm phản, mãi cho đến khi Lý Đán đăng cơ là Đường Tuấn Tông (662) Trình Giảo Kim mới cười chết ở tuổi 148 (Theo chính sử thì Trình Giảo Kim chỉ sống đến 76 tuổi mà thôi).
      * NGƯU CAO 牛皋(1087—1147): Cũng là một PHÚC TƯỚNG truyền kỳ có nhiều thành tích giống như là Trình Giảo Kim vậy. Ngưu Cao là bạn kết nghĩa của danh tướng Nhạc Phi. Khi Nhạc Phi mất, Ngưu Cao theo giúp con của Nhạc Phi là Nhạc Lôi đi bắc chinh để đánh Kim Ngột Truật. Cao đã mấy lần giúp cho đoàn quân gặp dữ hóa lành, cuối cùng đại phá Ô Long Trận, cởi trên mình Kim Ngột Truật làm cho Kim Ngột Truật giận qúa mà tức chết và bản thân Ngưu Cao đắc ý nên cũng phá lên cười lớn rồi cũng... chết luôn !

 
        Đó là ba PHƯỚC TƯỚNG tiêu biểu của 52 bộ Truyện Tàu ngày xưa do nhà xuất bản Tín Đức Thư Xã khoảng thập niên 1950 đã xuất bản và bán đầy cả Sài Gòn Chợ Lớn và Nam Kỳ Lục Tỉnh. Còn...

      PHÚC TƯỚNG 福相 : Chữ TƯỚNG nầy là TƯỚNG MẠO 相貌; nên PHÚC TƯỚNG có nghĩa là :"Người có tướng mạo phúc hậu, hiền lành, dễ thương"...

      * ĐÀN ÔNG có PHÚC TƯỚNG là người có khuôn mặt đầy đặn nhân từ, tánh tình hòa hoãn đôn hậu trầm tĩnh, dễ thân cận.
      * ĐÀN BÀ có PHÚC TƯỚNG là Đàn bà có khuôn mặt dễ nhìn, "khuôn trăng đầy đặn nét ngài nở nang" là người có tính tình nhân hậu hòa ái, vượng phu ích tử.
          Nói thực tế một chút, người có PHÚC TƯỚNG phải là người có gia thế hơn người, tài mạo hơn người một chút, thì mới thể hiện được cái PHÚC của TƯỚNG MẠO. Chớ nghèo khổ bửa đói bửa no, nợ đòi con khóc, chạy gạo hằng ngày, mặt ủ mày chau, thì làm sao có PHÚC của TƯỚNG cho được ! Trong Truyện Kiều, khi Kim Kiều mới lần đầu tiên hẹn ước, vừa gặp gỡ nhau Thúy Kiều đã đánh giá Kim Trọng là :

                        Nàng rằng : Trộm liếc dung quang,
                   Chẳng sân ngọc bội, cũng phường kim môn.

      Rồi khi Kim Trọng nhờ Thúy Kiều đề thơ lên trên bức họa của mình, Thúy Kiều đã rất tài hoa thiện nghệ với "Tay tiên gió táp mưa sa, khoản trên dừng bút thảo và bốn câu" khiến cho Kim Trọng phục sát đất và thốt ra lời khen rất thành thực là :

                       Khen tài nhả ngọc phun châu,
                     Nàng Ban ả Tạ cũng đâu thế nầy.
                         Kiếp xưa tu ví chưa dầy,
                 PHÚC nào bắt được giá nầy cho ngang ?!

      Nên PHÚC còn là việc làm tốt, là cái âm đức, cái PHƯỚC PHẦN 福分 của con người do hành vi việc làm của mình hay của cha ông dòng họ mình làm, tạo nên cái Phần Phước mà mình được hưởng hay phải chịu hưởng. Khi nhảy xuống sông Tiền Đường để quyên sinh, thì hồn ma của Đạm Tiên lại hiện ra  báo mộng nói với Thúy Kiều là :

                    Chị sao PHẬN MỎNG PHÚC DẦY,
                    Kiếp xưa đã vậy, lòng này dễ ai ?
                     Tâm thành đã thấu đến trời,
                 Bán mình là hiếu, cứu người là nhân .

      PHÚC DẦY là do biết bán mình để trả hiếu cho cha mẹ và do khuyên Từ Hải quy hàng triều đình để tránh cảnh chiến tranh làm cho dân lành phải lầm than chết chóc . Nên chi ...

                      Đoạn trường sổ rút tên ra,
               Đoạn trường thơ phải đưa mà trả nhau.
                      Còn nhiều hưởng thụ về lâu,
                Duyên xưa đầy đặn, PHÚC SAU dồi dào !

      Và cũng giống như lời Tam Hợp đạo cô tiên đoán với sư Giác Duyên về thân phận của Thúy Kiều :

                     Sư rằng :"PHÚC HỌA đạo trời,
                Cỗi nguồn cũng bởi lòng người mà ra.
                       Có trời mà cũng tại ta,
                 Tu là CỖI PHÚC, tình là dây oan !


         PHÚC còn là cái điềm báo trước về những điều may mắn sắp xảy ra, như câu thành ngữ PHÚC CHÍ TÂM LINH 福至心靈 là khi điều Phước sắp đến tự nhiên lòng con người cảm thấy linh động, thoải mái hơn, nên quyết định chuyện gì cũng nhanh nhạy sáng suốt và đúng đắn hơn. Câu nói nầy có xuất xứ từ《Tư Trị Thông Giám 資治通鑑· Ngũ Đại hậu Hán Cao Tổ Thập nhị niên 五代後漢高祖天福十二年》: "Bỉ ngữ hữu chi : Phúc chí quy linh, họa lai thần mị 鄙語有之:福至歸靈;禍來神昧"。Có nghĩa : "Tục ngữ có câu rằng : Hễ phước đến thì sự linh động sẽ trở về, và hễ họa đến thì tâm thần bị ám muội u mê". Nên...
      PHÚC CHÍ TÂM LINH 福至心靈 là khi cái điềm may mắn đã đến thì nghĩ gì sẽ được nấy, làm gì cũng sẽ thành công, toan tính làm sao thì sẽ được làm vậy !

       Nhớ hồi nhỏ, khi mới vừa lỏm bỏm học được vài chữ Nho, thì một hôm ông Sáu hàng xóm đã chặn lại hỏi rằng : Mầy học chữ Nho chứ có biết câu "Cuốc đất trồng khoai, Quạ vô ăn bí" không ? Tôi không hiểu gì cả, bèn chạy đi hỏi thầy. Thầy cười và bảo rằng : Ông Sáu chỉ hỏi cho vui thôi, đó chính là câu :

                  福不重來,   Phúc bất trùng lai,
                  禍無單至。   Họa vô đơn chí.
Có nghĩa :
         - PHƯỚC chẳng đến rồi lại đến nữa, còn...
         - HỌA thì không đến đơn độc một mình.
    Ý là :
          Chuyện PHƯỚC là chuyện may mắn, chuyện tốt, ít khi đến hai ba lần cùng một lúc; còn chuyện xui chuyện rủi thì cũng ít khi xảy ra đơn độc mà thường thì hết chuyện xui nầy đến chuyện xui khác xảy ra liên tục luôn. 
      Đây là kinh nghiệm đã từng trải trong cuộc sống hằng ngày của ông bà để lại, để khuyên răn và cảnh giác con cháu đừng qúa vui vẻ khi đắc ý mà quên mất hiện tại; cũng như phải luôn luôn đề phòng sẵn sàng đón nhận những chuyện xui rủi không may thường xảy ra một cách liên tục !
      Cũng câu nói trên, nhưng người Hoa thì nói thành :

                  福無雙至,   PHÚC vô song chí,
                  禍不單行。  HỌA bất đơn hành.
Có nghĩa :
         - PHƯỚC không đến hai lần, còn...
         - HỌA thì không đi đơn độc.

          Nói cách nào thì cũng diễn cùng một ý như trên mà thôi. Thường thì PHÚC HỌA, HỌA PHÚC hay đi liền với nhau và nhất là hay xảy ra một cách bất chợt khiến cho người ta đôi lúc không kịp trở tay. Nên ông bà lại cảnh giác :

               天有不測風雨,   Thiên hữu bất trắc phong vũ,
               人有旦夕禍福。   Nhân hữu đản tịch họa phúc.
Có nghĩa :
            - Trời thì có mưa gió thất thường, còn...
            - Người thì có họa phước sớm chiều.

      Nhiều lúc vừa thấy nắng ráo đó, bỗng nhiên nổi gió và đổ mưa ngay; Cũng như niềm vui mới đến từ buổi sáng đó thì buổi chiều đã có chuyện buồn rầu lo lắng ập đến ngay rồi. Sự BẤT TRẮC của Gió Mưa và Họa Phước là không thể lường trước được. Như gia đình của Vương Viên Ngoại trong Truyện Kiều của cụ Nguyễn Du, mới vừa vui vẻ, khi ...

                  Một đoàn mừng thọ ngoại hương mới về,
       và...
                  Hàn huyên chưa kịp giãi giề,
       thì...
                  Sai nha bỗng thấy bốn bề xôn xao
                  Người nách thước kẻ tay đao,
                  Đầu trâu mặt ngựa ào ào như sôi. 
       rồi...
                  Già giang một lão một trai,
                  Một dây vô lại buộc hai thâm tình !

           Ta thấy, mới dự tiệc vui vẻ về đó, vừa tới nhà đã bị sai nha trói gô lại ngay. Quả là HỌA PHÚC BẤT THƯỜNG 禍福不常. Còn trong Cung Oán Ngâm Khúc thì Ôn Như Hầu Nguyễn Gia Thiều lý luận một cách cao xa hơn theo thuyết của Lão Trang là :

                   Quyền HỌA PHÚC trời tranh mất cả,
                   Chút tiện nghi chẳng trả phần ai,
                   Cái quay búng sẵn trên trời,
                   Mờ mờ nhân ảnh như người đi đêm !

         PHÚC 福 còn đi với LỘC 祿 thành PHÚC LỘC 福祿, là vừa có Phước vừa có Lộc. Thực ra trong chữ PHÚC đã có sẵn chữ LỘC trong đó rồi. Vì LỘC 祿 là Bổng Lộc 俸祿, mà Bổng Lộc ngày xưa là Lương Thực, còn Bổng Lộc ngày nay là Tiền Lương. Chức vụ càng cao thì Bổng lộc càng nhiều. Nên "Có phước" mới "có Lộc" và ngược lại "Có lộc" tức là đã "Có phước" rồi đó. Nên ta lại có thành ngữ...
      PHÚC LỘC SONG TOÀN 福祿雙全 là Phước và Lộc đều đầy đủ cả, có nghĩa tiền tài danh vọng, của cải vật chất và tiếng tăm đều đầy đủ. Trong Truyện Kiều để kết thúc câu chuyện cho có hậu, cụ Nguyễn Du đã viết về gia đình Kim Trọng như sau :

                     Một nhà PHÚC LỘC gồm hai,
                 Nghìn năm vằng vặc quan giai lần lần.
                    Thừa gia chẳng hết nàng Vân,
                   Một cây cù mộc một sân quế hòe.

          Ông bà ta thường nói "Có PHƯỚC làm quan, có GAN làm giàu". Nhưng trong thời buổi hiện nay, chỉ cần có PHƯỚC để làm quan thôi. Làm quan rồi không có GAN vẫn làm giàu được như thường ! Như tất cả các quan lớn quan nhỏ hiện nay ở Việt Nam đều cất biệt phủ hoặc lâu đài, chứ không ông quan nào thèm cất "nhà" nữa cả !

        Có PHƯỚC có LỘC rồi, nghĩa là có giàu sang phú qúy danh vọng rồi, thì con người ta lại muốn sống lâu để hưởng thụ; tức là muốn có thêm THỌ 壽 nữa cho đủ bộ TAM VỊ CÁT TINH 三位吉星 là PHÚC LỘC THỌ 福祿壽 như câu đối Tết ngày xưa ở quê tôi : Cái Răng, Ba láng, Vàm Xáng, Phong Điền... của vùng Nam Kỳ Lục Tỉnh là :

                 福祿壽三星拱照,   PHÚC LỘC THỌ tam tinh củng chiếu,
                 天地人四海同春。   Thiên Địa Nhân tứ hải đồng xuân.
Có nghĩa :
             - Ba sao Phước Lộc Thọ cùng chiếu về nơi đây,
             - Trời Đất Người bốn biển cùng đón xuân sang.
nên...
        PHÚC 福 cũng đi đôi với THỌ 壽 thành cặp đôi PHÚC THỌ SONG TOÀN 福壽雙全 là Có đầy đủ cả PHƯỚC và THỌ. Như ta đã biết ở phần đầu của bài viết là trong NGŨ PHÚC 五福 đã có cả LỘC 祿 và THỌ 壽 trong đó rồi; Nên HỮU PHÚC HỮU THỌ 有福有壽 Có Phước Có Thọ chỉ là một lời chúc nói cho tròn trịa đầy đủ êm tai cho dễ nghe mà thôi. Lời chúc nầy lại làm cho ta nhớ lại giai thoại giữa Tô Tiểu Muội 蘇小妹 và Tần Thiếu Du 秦少游 như sau :     
 
       Tô Tiểu Muội  蘇小妹 tên thật là Tô Chẩn 蘇軫, em gái của Tô Đông Pha 蘇東坡, tuy mang tiếng là xấu gái, nhưng văn tài thì vang vội khắp nơi. Rất nhiều vương tôn công tử ngắm nghé cầu hôn. Tô Tiểu Muội có định lệ là hễ ai muốn cầu hôn thì phải nạp văn bài của mình cho nàng xem trước.
      Lúc bấy giờ, có một thư sinh họ Tần 秦 tên Thiếu Du 少游, cũng thuộc gia đình thế phiệt trâm anh, cũng nổi tiếng văn hay chữ tốt. Thiếu Du cũng định nộp bài của mình cho Tiểu Muội, nhưng nghe đồn nàng ta trán vồ, mặt dài, xấu gái, nên còn do dự.
      Một hôm, dọ biết tin là Tô Tiểu Muội sẽ đi lễ chùa vào ngày rằm sắp tới. Thiếu Du bèn quyết định cải trang thành một đạo sĩ, để tận mắt xem nàng ta xấu đẹp ra sao.
     Hôm đó, đứng xa xa nhìn thấy Tiểu Muội từ trên kiệu bước xuống, dáng người yểu điệu thướt tha, tuy trán có hơi vồ, mặt có hơi dài, nhưng rất thanh tú, tuy không gọi được là giai nhân, nhưng trông cũng trang nhã, tươi trẻ, thanh thoát khác thường. Nhan sắc thì cho qua rồi, còn văn tài thì sao ?. Phải đích thân thử một chuyến mới được.
     Quyết định xong, chàng bèn đợi khi Tiểu Muội vừa lễ Phật xong bước ra khỏi chánh điện, thì chàng cũng bất thần bước tới, những người tùy tùng chưa kịp cản ngăn, thì chàng đã chấp tay xá dài, miệng thì đọc :

                 "Tiểu thư hữu phúc hữu thọ, nguyện phát từ bi"
                        小  姐  有  福  有  壽 , 愿  发  慈  悲 。
Có nghĩa :
           - Tiểu thơ ơi, cô có phước có thọ, mong cô mở lòng từ bi.

     Tô Tiểu Muội nhìn thấy một ông đạo sĩ non choẹt, da mặt hồng hào, không có vẻ khắc khổ của một nhà tu hành gì cả, thì biết ngay là có ý trêu mình, bèn đáp :

                "Đạo nhân hà đức hà năng, cảm cầu bố thí " 
                      道  人  何  德  何  能, 敢  求  布  施。
Có nghĩa :
             - Ông đạo có tài gì, đức gì, mà dám xin ta bố thí.

       Đáp xong, Tiểu Muội bèn bước xuống bậc tam cấp. Thiếu Du vội vàng bước theo đọc tiếp :

              "Nguyện tiểu thư thân như dược thọ, bách bệnh bất sinh,"
                       愿  小  姐  身  如  藥   樹,  百  病  不  生 。
Có nghĩa : 
           - Mong tiểu thơ mình như cây thuốc, trăm bệnh không sanh. 

      Đây là câu nói nịnh để tán tỉnh tiểu thơ . Tô Tiểu Muội bèn đáp rằng :

              "Tùy đạo nhân khẩu xuất liên hoa, bán văn bất xả."
                   随  道  人  口  出  蓮  花, 半  文  不  捨 。
Có nghĩa : 
           - Cho dù đạo nhân có nói ra được bông sen, thì nửa đồng điếu cũng không cho nữa. (Khỏi mắc công phải nói nhiều!).

      Đáp xong bèn quay mình đi thẳng ra kiệu, Thiếu Du lại vội vàng bước theo vớt một cú chót :

                  "Tiểu nương tử nhất thiên hoan hỉ, như hà triệt thủ bảo sơn?"
                           小  娘  子  一  天  歡  喜,  如  何  撤  手  寶  山 。
Có nghĩa : 
         - Này cái nàng nho nhỏ kia ơi, hôm nay được một ngày vui vẻ, sao lại nở giữ chặc hầu bao thế kia ? (Triệt Thủ 撤手 là Giữ chặc tay. Bảo Sơn 寶 山 là Núi châu báo, ở đây chỉ Túi tiền).

      Tô Tiểu Muội vừa bước lên kiệu vừa mắng vọng xuống :

               "Phong đạo nhân nhậm địa tham si, na đắc tùy thân kim huyệt."
                         瘋  道  人  恁  地  貪  痴,  哪  得  随  身  金  穴。
Có nghĩa :
         - Ông đạo nhân khùng kia, ông còn tham sân si như thế, thì làm sao mà thành chánh quả cho được. (kim Huyệt 金 穴 là Huyệt Vàng nơi để chôn những người tu hành đắc đạo).

      Tần Thiếu Du đứng nhìn theo sau kiệu, cởi áo mão đạo sĩ đưa cho tiểu đồng đứng bên cạnh, cười rằng : "Phong đạo nhân" mà đối được với "Tiểu nương tử" thì cũng vinh hạnh lắm thay.!

     Sau khi đã biết được tài sắc của Tô Tiểu Muội rồi, Tần Thiếu Du quyết định nộp quyển văn bài của mình cho nhà họ Tô để cầu hôn. Khoa thi năm đó, chàng lại đậu Tiến sĩ, và Tô Tiểu Muội cũng chọn đúng quyển văn bài của chàng, mặc dù khi đưa các quyển văn bài cho con gái, Tô Lão Tuyền đều gỡ đi trang bìa có tên họ của người cầu hôn. Đại đăng khoa rồi tiểu đăng khoa, chàng Thiếu Du nhà ta phen nầy một bước lên mây nhé.

       Do câu chúc "HỮU PHÚC HỮU THỌ 有福有壽" mà làm nên mối lương duyên giữa tài tử và giai nhân, âu cũng là một giai thoại đáng được để đời. 

  
Trở lại với chữ...
          PHÚC 福 là PHƯỚC, ta lại có chữ CHỈ 祉 cũng là PHƯỚC, nên từ kép PHÚC CHỈ 福祉 ngày xưa thường dùng để chỉ những điều may mắn, ân huệ, hạnh phúc do Vua Chúa, Thượng Đế, Thần Thánh, Tiên Phật ban cho con người. Có xuất xứ từ bài thơ Lục Nguyệt, chương Tiểu Nhã trong Kinh Thi《詩·小雅·六月》:Tả lại hiền thần Doãn Cát Phủ dẫn quân bắc phạt chiến thắng rợ Hiểm Duẫn 玁狁, là bộ tộc Hung Nô thời thượng cổ, nên mở tiệc ăn mừng, tất cả các tướng sĩ đều được hưởng cái PHÚC CHỈ, tức cái ân huệ nầy của vua ban. Trong bài thơ có câu “Cát Phủ yến hỉ, Ký đa thụ CHỈ 吉甫燕喜,既多受祉。” Có nghĩa :

                     Cát Phủ mở tiệc ăn mừng,
                 Tất cả tướng sĩ đều cùng hưởng ơn.

      Trong tác phẩm SÃI VÃI của cụ Nguyễn Cư Trinh, ông đã cho ông SÃI luận về chữ TU như sau :

             ... Tu cung, tu kính; tu tín, tu thành.
                 Đã phải đạo tu hành, lại thêm nền PHƯỚC CHỈ.
                 Tự nhiên: đắc lộc, đắc vị; đắc thọ, đắc danh.
                 Đắc phú quý hiển vinh. Ấy Thiên đàng là đó...
     
          Còn PHƯỚC CHỈ của ngày nay tức là chính sách về chương trình của AN SINH XÃ HỘI. Có xuất xứ từ "Tuyên Ngôn Đồng Minh Hội" của Tôn Trung Sơn tiên sinh 孫中山先生《同盟會宣言》là :“Phục tứ thiên niên chi Tổ quốc, Mưu tứ vạn vạn nhân chi PHÚC CHỈ 復四千年之祖國,謀四万万人之福祉”. Có nghĩa : "Phục hồi lại Tổ quốc của bốn ngàn năm và Mưu cầu HẠNH PHÚC cho bốn trăm triệu dân". (Đầu thế kỷ 20 khoảng thập niên 1900-1910 dân số Trung Hoa chỉ khoảng bốn trăm triệu mà thôi).
      Trước mắt, Đài Loan và Nhật Bản vẫn còn sử dụng bốn chữ XÃ HỘI PHÚC CHỈ 社會福祉 để chỉ chương trình AN SINH XÃ HỘI của dân chúng trong nước. Mưu cầu PHÚC LỢI 福利 cho trẻ em, người già và người tàn tật nghèo khổ có hoàn cảnh khó khăn.
 

          PHÚC 福 là PHƯỚC, Phước Lớn không gọi là ĐẠI PHÚC 大福 (vì ĐẠI PHÚC 大腹 theo Tập Quán Ngôn Ngữ của chữ NHO có nghĩa là BỤNG BỰ), Phước Lớn phải gọi là HỒNG PHÚC 洪福 . Chữ HỒNG 洪 nầy có ba chấm thủy ở bên trái là Hồng Thủy 洪水, là nước lụt mênh mông, Nên HỒNG PHÚC là PHƯỚC nhiều mênh mông như là một cơn Hồng Thủy vậy. Thế nhưng lòng tham của con người thấy còn chưa đủ, nên lại phát sinh thêm thành ngữ HỒNG PHÚC TỀ THIÊN 洪福齊天. Có nghĩa : PHƯỚC đã như nước đại hồng thủy mênh mông rồi, bây giờ lại muốn lên ngang bằng với TRỜI luôn; là PHƯỚC LỚN BẰNG TRỜI ! Qủa là lòng tham không đáy.  
       
           PHÚC ÂM 福音 là "The Gospel". Từ Phúc Âm bắt nguồn từ một danh từ Tiếng Hy-lạp là εὐαγγέλιον euangelion (Có nghĩa : Tin tức vui mừng hay tốt lành) và động từ euaggelizo (loan báo tin mừng/tin lành). Đây là từ chuyên dùng của Thiên Chúa Giáo, là thông điệp về Nước Trời (Vương quốc của Thiên Chúa), và về sự chết và sự sống lại của Chúa Giêsu, cũng như về sự hòa giải của loài người với Thiên Chúa. 
  
          Theo thực tế địa lý của Trung Hoa và Việt Nam thì hướng đông của hai nước đều tiếp giáp với Thái Bình Dương mênh mông vô tận. Vì thế mà người Hoa và người Việt đều cho Biển Đông là biển lớn nhất trên đời, nên lại chúc nhau bằng câu : PHÚC NHƯ ĐÔNG HẢI 福如東海 ! Và những người sống được MỘT HOA GIÁP (60 năm) trở lên thì lại được mừng THỌ bằng đôi câu đối sau đây :  
              
                   PHÚC như Đông Hải,   福如東海,
                   THỌ tỉ Nam Sơn.         壽比南山。
Có nghĩa :
             - PHƯỚC lớn như Biển Đông mênh mông, và...
             - THỌ thì cao bằng với Núi Nam ngất ngưỡng !
 

        Ai cũng mong mỏi cho CÓ PHƯỚC, ĐƯỢC PHƯỚC, làm sao cho PHƯỚC đến nhà, nên tìm hết cách nầy cách kia để thể hiện là PHƯỚC đang đến nhà mình, đang ở nhà mình . Ngoài việc viết chữ PHƯỚC 福 thật to dán ở ngay trước hai cánh cửa hay viết bốn chữ NGŨ PHÚC LÂM MÔN 五福臨門 dán ngang trước cửa nhà ra, một số người còn DÁN NGƯỢC chữ PHƯỚC ngay cửa ra vào. Vì âm Quan Thoại của tiếng Hoa chữ ĐÁO 到 là ĐẾN với chữ ĐÃO 倒 là NGƯỢC đọc cùng một thanh sắc với nhau là ĐÁO (dào), nên PHÚC ĐẢO của chữ Nho thì Âm Quan Thoại đọc là PHÚC ĐÁO. Có nghĩa là PHƯỚC đã ĐẾN rồi ! Nên rất nhiều nhà đã cố ý dán ngược chữ PHƯỚC để cho mọi người đều đọc là :"PHÚC ĐÁO RỒI 福到了!"

          Với Chương trình An Sinh Xã Hội trước mắt ở nước Mỹ, những người cao niên già cả đều có tiền SSI, tiền Food stamps, tiền yễm trợ y phí... nên đều có thể nói rằng vừa có PHƯỚC, vừa có LỘC nên đều sống THỌ cả ! 

       Mong rằng tất cả các bạn già đều sống vui, sống khỏe, sống thọ để mà hưởng hết cái  PHƯỚC của nước MỸ nầy !

                                                                                 杜紹德
                                                                             Đỗ Chiêu Đức