Showing posts with label Mạn đàm-Phiếm luận. Show all posts
Showing posts with label Mạn đàm-Phiếm luận. Show all posts

1/25/24

Mạn Đàm Về Khỉ

Nhân dịp hàn huyên với bạn LN Minh trong ngày đầu năm, chúng tôi ôn chuyện quá khứ của những năm tháng lướt nhanh trong cuộc đời và nhắc đến câu chuyện "ba con khỉ." Khỉ đối với chúng ta, thiết nghĩ không ai xa lạ gì. Nhớ lại hồi còn nhỏ, có những lúc theo mẹ ra chợ, nghe tiếng trống phèng la vang dậy cả một góc đường, đám đông vây quanh, tôi cố chen vào đám đông để xem mấy ông Sơn Đông mãi võ, bày trò hát xiệc, cùng mấy chú khỉ nhào lộn mua vui, nhân đó rao bán thuốc dân tộc cổ truyền.

Trong 12 con giáp, nếu như hình ảnh con Rồng, biểu tượng gần chúng ta nhất về mặt tâm linh, tinh thần, thì Khỉ lại là biểu tượng gần chúng ta nhất về mặt vật chất, thể xác.


Các nhà nhân chủng học cho rằng con người và khỉ cùng chia sẻ môi trường sống trong thời tiền sử. Bởi vậy, trong số các con vật, loài khỉ có đặc tính gần nhất với con người, chúng thông minh hơn những con vật khác. Với người Việt Nam ta, khỉ cũng là con vật khá gần gũi, khỉ thường được huấn luyện để biểu diễn trên sân khấu xiếc, những chú khỉ khôn lỏi, nghịch ngợm, láu lỉnh, không chỉ khiến khán giả nhi đồng cười nghiêng ngả mà cả người lớn cũng thấy vui vẻ thích thú.


Dáng dấp đa dạng của khỉ cũng đi sâu vào đời sống dân gian qua những câu ca dao tục ngữ:

“Nhăn nhó như khỉ ăn gừng” 

“Rầu rĩ như khỉ mất con”

"Cười giòn như khỉ được ngô"

“Khỉ bồng con lên non kiếm trái /Cảm thương nàng phận gái mồ côi”

“Má ơi, đừng gả con xa /Chim kêu, vượn hú biết nhà má đâu?!” ...


Trong các nền văn hóa khác trên thế giới, hình ảnh con khỉ gắn liền với sự ranh ma, linh hoạt, nhanh nhẹn, thậm chí huênh hoang …

Với hình dáng một loài khỉ đột, khổng lồ, King Kong đã xuất hiện trong các bộ phim, hoạt hình, tiểu thuyết, truyện tranh, nhạc kịch từ năm 1933... King Kong đã khoác lên mình nhiều diện mạo khác nhau của cảm xúc: từ một con quái thú hung bạo cho tới bi kịch của một nhân vật phản anh hùng. Thậm chí King Kong còn gửi gắm một thông điệp phản chiến, yêu chuộng hòa bình của nhân loại.


Hình ảnh của con khỉ thân thương, khá gần gũi cũng xuất hiện trong rất nhiều sách báo, phim ảnh của nhân vật Tặc Giăng (Tarzan) - "con của rừng xanh". Câu chuyện nói về mối thân thiết của một cậu bé lớn lên trong rừng dưới sự nuôi dạy của đàn tinh tinh.


Cũng có những con khỉ trở thành biểu tượng được tôn vinh như Tôn Ngộ Không, còn gọi là Mỹ hầu vương ở Trung Quốc.


Trong văn hóa Việt Nam, hình tượng khỉ là linh vật rất phổ biến, xuất hiện ở nhiều nơi, tại tiệm bán đồ lưu niệm, cửa hàng sản phẩm công nghệ mỹ thuật, nhất là trong chùa chiền, hình tượng khỉ được khắc họa trong nhiều công trình kiến trúc xưa còn lưu lại cho đến ngày nay. Trong đó con khỉ xuất hiện rất sinh động, khi thì Hầu Vương ôm quả đào trong vườn của Tây Vương Mẫu; lúc lại là con khỉ cưỡi lên lưng con kia, có nghĩa là “bối bối phong hầu” (đời đời phong tước quan hầu); lúc lại là hình ảnh khỉ mẹ bồng khỉ con thể hiện tình mẫu tử thiêng liêng … Tuy nhiên, hình tượng được truyền tải nhiều nhất là hình tượng bộ "3 con khỉ", khỉ dùng hai tay bịt mắt, bịt tai, và bịt miệng; còn gọi là “khỉ ba không”, Không nhìn! không nghe! không nói!

Đúng lý ra, mắt là để nhìn, tai để nghe, miệng để nói là những khả năng tự nhiên không thể khiếm khuyết.  Hơn nữa, có ai không muốn mình được là người thông minh, lanh lợi, nhưng tại sao lại phải bịt cả mắt, tai lẫn miệng, tựa như người mù, câm, điếc?


Trước tiên, tiền nhân dạy chúng ta bịt mắt lại, đừng nhìn bậy, đừng nhìn những cảnh tượng không nên nhìn, hoặc không nhìn bằng con mắt thiển cận, có thành kiến để tránh sự nhận thức sai lầm, chỉ thấy bề mặt chứ không thấy thực trạng của sự kiện và vấn đề.

Bịt tai là tránh nghe chuyện thị phi hoặc những gì có thể làm ô nhiễm tâm thanh tịnh của mình. Chuyện xưa kể rằng vua Nghiêu thấy Hứa Do là người hiền đức, nên hai lần mời ông ra làm tể tướng nhưng cả hai lần Hứa Do đều từ chối, sau đó vua Nghiêu lại một lần nữa đích thân “tam cố mao lư” với ý định nhường ngôi cho Hứa Do, Hứa Do vì cứ phải nghe chuyện quyền tước, mà ông lại chán ngấy con đường hoạn lộ, nên ông ra bờ sông Dịch Thủy rửa tai để tẩy trừ những gì đã ô nhiễm nội tâm của mình.


Bịt miệng có nghĩa là phải cẩn thận lời nói. Nhân vật nổi tiếng trong "Phong thần diễn nghĩa" Khương Tử Nha khuyên Chu Vũ Vương: “Tam giam kỳ khẩu”(三緘其口), ý là cần phải cẩn thận trong lời ăn tiếng nói. Tu thân bắt đầu từ cái miệng, tu được cái miệng là tu hơn nửa đoạn đường, lời nói không đúng lúc, đúng chỗ dễ mang họa vào thân.


Cũng có người ngộ giải hình tượng ba con khỉ là hãy cứ sống an phận, mặc kệ những gì “chướng tai, gai mắt” đang xảy ra xung quanh, sống bàng quan, “thây kệ” tất cả. Thực ra bộ tượng ba con khỉ là muốn nhắc chúng ta “đừng nhìn bậy, đừng nói bậy, đừng nghe bậy” chứ không phải thụ động là không, không, không và mặc kệ. Kỳ thực, tư tưởng này vốn dĩ rất phổ cập trong nhiều nền văn hóa khác trên thế giới.


Người Nhật Bản đặt tên ba con khỉ là Mizaru, Kikazaru và Iwazaru, chữ Nhật “zaru” nghĩa là “không”. Người Nhật tu Thiền dùng hình ảnh ba con khỉ để nói lên sự hệ trọng của ba căn trong sinh hoạt giao tế xã hội lẫn trong giới luật tu tập Thiền môn. Không nhìn, không nghe, không nói là khuôn vàng thước ngọc và là nguyên tắc chỉ đạo của nhiều thế hệ người Nhật.


Khổng Tử, người thầy chuẩn mực muôn đời của Trung Quốc, trong danh tác "Luận Ngữ" có câu:

“Phi lễ vật thị, phi lễ vật thính, phi lễ vật ngôn, phi lễ vật động” (nghĩa là “không nhìn điều sai, không nghe điều bậy, không nói điều trái, không làm điều quấy”).


Hình ảnh bộ khỉ “tam không” còn nhắc nhở chúng ta về “tâm viên, ý mã” (心猿意馬), Tâm như khỉ nhảy nhót, ý như ngựa chạy rong. Nhóm từ này là ẩn dụ cho vọng tâm của con người luôn luôn biến động bất định, không trụ lâu được. Muốn không rơi vào cảnh “tâm viên”, không tự làm khổ nội tâm chính mình, nhất là trong bối cảnh đời sống đương đại, khi luồng thông tin phát sinh mỗi ngày quá phức tạp và đa dạng, con người càng cần học ở “ba chú khỉ thông thái”, để không khổ vì nghe chuyện thiên hạ, vì nói chuyện thế gian và nhìn ngó chuyện người khác.


Nước Mỹ có câu truyền khẩu khá phổ biến: “See no evil, hear no evil, Speak no evil”. Không nhìn những việc gì xấu, không nghe những lời xấu, không nói những điều xấu; "No hear, no see, be silent, then you will live in peace'. Ai không thấy, không nghe, không nói, có thể sống một cuộc đời không lo.


Người Pháp có câu “Je ne vois pas, je ne me sens, je ne parle pas”; Người Quảng Đông có câu “Mậu thảy, mậu thén, mậu kỏn”.  Tất cả đều cùng nghĩa là “không …biên giới!!!”


Vượt trên những nhận thức về biểu tượng tam không của ba chú khỉ, theo Phật giáo nói chung và Thiền tông nói riêng, chữ “Không” không có nghĩa là không có gì cả. “Không” ở đây là trạng thái vô sở trụ, là trạng thái vừa hữu vừa vô, vừa có vừa không có, nghĩa là ở trạng thái không có nhị nguyên đối lập, không có xung đột mâu thuẫn, không gắn liền với ai, không câu thúc vào cái gì cả. “Sắc tức thị không, không tức thị sắc”. Tâm không bám trụ vào chỗ nào thì tâm mới hiển hiện được, mới thực sự là tâm của ta - tâm giải thoát. Do đó, giải thoát là một trạng thái tâm không, nó như một tấm gương trong đó chứa đựng mọi thứ nhưng không lưu lại một thứ gì cả. Không phải ngẫu nhiên mà tác giả Ngô Thừa Ân lại gán cho con khỉ mang họ“Tôn” và đặt tên là Ngộ Không. Tôn (孫) chiết tự theo chữ Hán là tử (子) và hệ (系), tử là con nít, hệ là hệ niệm (系念), tức là nghĩ đến, nhớ luôn, nghĩa là luôn luôn nghĩ đến bản chất trẻ thơ. Như vậy, "Tôn" giải chi li ra thành trẻ con, đây cũng là một ẩn ý muốn tu hành đạt đạo, con người phải có cái tâm hồn nhiên, không chấp như trẻ sơ sinh (xích tử chi tâm 赤子之心). Tức là ngộ được chân lý của “không” rồi chuyển hóa làm Tôn Hành Giả để đi đến cõi Phật.


Vì vậy, hình ảnh "Ba con khỉ" không có nghĩa đơn thuần là không nghe, không nhìn, không nói mà hình ảnh đó gợi cho chúng ta là một “pháp môn” giúp chúng ta tìm về một trạng thái làm chủ của tâm, tìm về bổn lai diện mục, một cách để nhìn lại cái gọi là “chân ngã” của chính mình.


Đây là kinh nghiệm mà người xưa đã chắt mót nên bài học cho hậu thế. Ngày nay, có rất nhiều phiên bản khác nhau về tượng “Tam không” này, người ta sử dụng những hình ảnh khác thay vì ba chú khỉ, có thể là hình ảnh ba ông Phật Di Lặc, hình ảnh ba chú tiểu, hình ảnh ba nhân vật hoạt hình, búp bê… vừa ngô nghê, hóm hỉnh nhưng lại chứa rất nhiều triết lý, tư tưởng triết học. 


Ngày Xuân năm mới, bên ly cà phê tách trà, ngồi ngẫm nghĩ ba chú khỉ, rồi quán chiếu nội tâm để dần dà tìm hiểu ý nghĩa của vạn pháp. Chợt nhớ lại câu Kinh: "Vạn pháp duy tâm tạo," vạn pháp đều sinh khởi từ tính không.


Thực vậy, vạn pháp chỉ là phương tiện, tâm mới là cứu cánh. Hiểu như vậy thì ý nghĩa của "khỉ tam không" là:“Bịt mắt để dùng tâm mà nhìn, bịt tai để dùng tâm mà nghe, bịt miệng để dùng tâm mà nói. Khi tâm ở trạng thái “ thanh tịnh”, thì tâm mới phát sinh những điều “thiện”, dùng cái tâm thiện, tâm đẹp để đối nhân xử thế.

Để ghi nhận lời dạy dỗ của Đức Phật và các vị Thánh Hiền, tôi có vài lời thô thiển về cảm nghĩ của mình qua biểu tượng ba con khỉ cùng triết lý thâm sâu ẩn tàng trong hình ảnh này.

"Thanh”, không phải không cầu không mong, mà là nội tâm không tham.

Tịnh”, không phải không bám bụi trần, mà là nội tâm vô nhiễm.

Tĩnh”, không phải xa lìa tiếng động , mà là nội tâm vô chấp.

清,不是人生無求,而是内心無貪.

淨,不是身上無塵,而是内心無染.

靜,不是耳邊無聲,而是内心無執.

Trong những ngày đầu năm mới, chúc các bạn gợi mở nhiều điều tốt đẹp, tìm được sự thanh tịnh vô nhiễm trong nội tâm và luôn hướng cuộc sống đến chân thiện mỹ.


Trường

01-24-2024


Giai Thoại Văn Chương : DƯƠNG GIỐC AI và TẢ BÁ ĐÀO

 

Sanh tử chi giao - Dương Giốc Ai, Tá Bá Đào (ảnh minh họa)

   
Như ta đã biết, cặp TRI KỶ nổi tiếng ở thời Xuân Thu là QUẢN TRỌNG 管仲 và BÀO THÚC NHA 鲍叔牙. Cả hai đã chơi với nhau và kết giao với nhau từ thuở nhỏ. Sau Bào Thúc Nha hiển đạt nhờ theo phò Tề Hoàn Hoàn. Tề Hoàn Công định phong cho Bào Thúc Nha làm Tể Tướng. Bào Thúc đã giới thiệu và nhường chức vụ đó cho Quản Trọng. Hai người cùng nhau phò Tề Hoàn Công trước sau như một. Quản Trọng đã có câu nói như sau : Ta từng ba lần ra trận, ba lần thua chạy trước, Bào Thúc chẳng cho là ta nhát gan, vì biết ta còn mẹ già; Ta từng ba lần xin ra làm quan đều bị từ chối, Bào Thúc không cho là ta bất tài, vì biết ta chưa gặp thời; Ta từng cùng Bào Thúc đi buôn và luôn chia phần lãi nhiều hơn, Bào Thúc chẳng cho là ta tham, vì biết ta nghèo. Sanh ra ta là cha mẹ, còn hiểu được ta là chỉ có Bào Thúc mà thôi!

Từ xưa đến nay hễ nhắc đến bạn bè TRI KỶ kết giao, là người ta nhớ ngay đến QUẢN BÀO CHI GIAO 管鲍之交, là sự kết giao giữa Quản Trọng và Bào Thúc Nha. Hôm nay ta cũng nói đến hai người bạn tình cờ gặp gỡ, rồi cùng kết giao huynh đệ và cùng chết để bảo vệ cho nhau, lưu lại tiếng thơm muôn thuở. Đó là tình bạn kết giao sinh tử giữa TẢ BÁ ĐÀO 左伯桃 và DƯƠNG GIỐC AI 羊角哀 như sau :

Theo "Quyển thứ 7 của Dụ Thế Minh Ngôn 喻世明言·第七卷" truyện "Dương Giốc Ai xả mệnh toàn giao 羊角哀捨命全交" của Phùng Mộng Long 馮夢龍 đời Minh. 
Truyện kể...
       Vua nước Sở là Sở Nguyên Vương 楚元王 rất sùng Nho trọng Đạo, chiêu hiền đãi sĩ. Người trong thiên hạ nghe tiếng tìm đến rất đông.
      Thuở ấy, tại núi Tích Thạch xứ Tây Khương có một hiền sĩ họ Tả 左 tên Bá Đào 伯桃, cha mẹ đều mất sớm, nhưng có chí học hành, sớm trở thành người có tài an bang tế thế. Nghe tiếng Sở Vương cầu hiền bèn khăn gói từ biệt hương thân lên đường tìm đến nước Sở. 
      Một hôm vừa đến đất Ung Châu khi trời đã vào đông, gió bấc mưa phùng trời mây u ám gió lạnh căm căm. Tả Bá Đào đội mưa đi suốt một ngày, khi thấy trời đã hoàng hôn, định tìm nơi nghỉ trọ qua đêm. Nhìn ra phía trước mặt trong rừng trúc xa xa thấy có ánh đèn nhấp nháy, bèn lần mò tìm đến căn nhà cỏ sau hàng rào tre xiêu vẹo. Một người thanh niên cường tráng, mày thanh mắt sáng, ra mở cửa mời vào. Sau khi hàn huyên tâm sự thì biết người thanh niên đó họ Dương 羊 tên Giốc Ai 角哀 cũng mồ côi từ nhỏ. Thấy bàn tủ trong nhà chứa toàn là sách, cả trên giường ngủ cũng đều có sách vở ngổn ngang. Đồng thanh tương ứng hai người cùng đàm đạo trao đổi nhau càng thấy tâm đầu ý hợp. Vốn định chỉ ở trọ qua đêm không ngờ nấn ná đến ba ngày. Vì mến tài nhau nên cùng nhau kết nghĩa kim bằng. Tả lớn hơn Dương 5 tuổi nên làm anh, Dương kính Tả như là một huynh trưởng, Đoạn 2 anh em rủ nhau cùng lên kinh đô nước Sở để tìm chữ công danh.
       Dọc đường, đang lúc trọng đông, gặp lúc thời tiết khắc nghiệt, mưa tuyết bảo bùng mà phải băng rừng vượt núi. Tả Bá Đào càng ngày càng kiệt sức, tự biết sức mình khó lòng vượt qua được đoạn đường dài gian nan hiểm trở nầy, hơn nữa cũng tự biết rằng tài học vấn của mình không sao bằng được Dương Giốc Ai và điều quan trọng nhất là lương thực mang theo chỉ còn đủ dùng cho một người khỏe mạnh cố gắng vượt qua đoạn đường hiểm trở lạnh lẽo nầy, nếu nấn ná cho cả 2 người thì có nguy cơ cả 2 đều phải chết lạnh chết đói trong vùng rừng núi mịt mùng gió tuyết nầy. Nên, Tả quyết định hi sinh bản thân mình mà thành toàn cho người em kết nghĩa hoàn thành tâm nguyện thi thố tài năng để cầu chút công danh.
        Thừa lúc Dương đi tìm củi sưởi ấm trong cơn bão tuyết, Tả bèn cởi hết quần áo ra, nhường áo để Dương mặc thêm cho đủ ấm. Khi Dương về đến thì Tả mới thều thào nói cho người em kết nghĩa biết Ý định của mình và khuyên Dương hãy tranh thủ lên đường, khi nào cầu được công danh hãy trở lại an táng cho mình, nói xong thì tắt thở. Dương đành phải gạt lệ lên đường. Người đời sau có thơ khen Tả Bá Đào như sau :
         寒來雪三尺, Hàn lai tuyết tam xích,
            人去途千里。 Nhân khứ đồ thiên lý.
            長途苦雪寒, Trường đồ khổ tuyết hàn,
            何況囊無米? Hà huống nang vô mễ ?
            並糧一人生, Tịnh lương nhất nhân sinh,
            同行兩人死; Đồng hành lưỡng nhân tử.
            兩死誠何益? Lưỡng tử thành hà ích ?
            一生尚有恃。 Nhất sinh thượng hữu thị.
            賢哉左伯桃! Hiền tai Tả Bá Đào !
            隕命成人美。 Vẫn mệnh thành nhân mỹ
Có nghĩa:

                  Trời đông ba thước tuyết rơi,
                  Người đi ngàn dặm ngược xuôi chập chùng.
                  Đường dài trước mặt mông lung,
                  Trong nang gạo chỉ đủ dùng một thôi.
                  Huống chi mình đến hai người,
                  Cùng đi thì chết cả đôi ích gì ?
                  Một người sống còn có khi...
                  Bá Đào hiền sĩ chết vì bạn thân,
                  Thương thay lặng lẽ âm thầm,
                  Chết vì tri kỷ muôn phần đẹp thay !

Khi đến nước Sở nhờ có Thượng Đại Phu Bùi Trọng 裴仲 tiến cử, sau khi đã thử tài của Dương Giốc Ai, nên mới sớm được yết kiến Sở Vương và sau khi ứng đối lưu loát những vấn đề của Sở Vương nêu ra, Dương còn dâng lên 10 sách lược rất thiết thực để làm cho nước Sở phú cường. Nhà vua tỏ ra rất vui mừng, bày ngự yến thết đãi rồi phong Dương  Giốc Ai làm chức Trung Đại Phu. Dương khóc và kể lại chuyện Tả Bá Đào đã hy sinh ở giữa đường để cho mình đi lập công danh. Sở Vương nghe xong rất cảm động và thương tình cũng truy phong cho Tả Bá Đào làm Trung Đại Phu và cho Dương Giốc Ai dắt đoàn tùy tùng đi cải táng cho Tả Bá Đào.                                                                 
     Truyện được kết thúc bằng cách cho Dương Giốc Ai tự sát sau khi nằm chiêm bao thấy Tả Bá Đào về cho biết là mình bị Kinh Kha của ngôi mộ kế bên đến ức hiếp. Chết để cùng với Tả Bá Đào chống lại Kinh Kha và Cao Tiệm Ly. Truyện có vẻ hoang đường, nhưng kết thúc như thế cho trọn nghĩa kim bằng của tình anh em TRI KỶ : Sống chết đều có nhau !
      Tùy tùng về báo lại với Sở Nguyên Vương, Vương thương cho cái nghĩa khí của tình anh em kết bái mà truy phong cho cả hai thành Thượng Đại Phu và cho lập miếu tế tự với sắc ban bốn chữ "TRUNG NGHĨA CHI TỪ 忠義之祠", là Từ miếu thờ người Trung Nghĩa.
     Sau Quản Trọng và Bào Thúc Nha thì đây cũng là một cặp TRI KỶ nổi tiếng trong văn học dân gian Trung Hoa xưa. Người đời sau có thơ tán dương như sau : 

                古來仁義包天地,  Cổ lai nhân nghĩa bao thiên địa,
               只在人心方寸間。  Chỉ tại nhân tâm phương thốn gian.
               二士廟前秋日淨,  Nhị sĩ miếu tiền thu nhật tịnh,
               英魂常伴月光寒。  Anh hồn thường bạn nguyệt quang hàn.
     Có nghĩa :
                   Xưa nay nhân nghĩa trùm trời đất,
                   Chỉ tại lòng người tấc dạ thôi.
                   Nghĩa sĩ đệ huynh còn trước miếu,
                   Hương hồn còn mãi ánh trăng trôi !

Đỗ Chiêu Đức

1/22/24

TẾT ĐẾN GIỮA MÙA ĐÔNG

 Hoàng Ngọc Nguyên


    Bây giờ đã là giữa tháng một, hai tuần sau khi chúng ta đón Tết dương lịch 2024 trên đất khách quê người. Và nay năm ta sắp hết, Tết ta sắp đến. Nhớ một thời mấy chục năm trước, còn sống trên quê nhà, khi Tết đến còn ông bà, còn cha mẹ, còn bà con, còn bạn bè, còn láng giềng, ta chỉ nhìn quãng đường dài trước mắt đến mức tưởng như không có ý niệm về thời gian. Nay thì quãng đường dài đó đã để lại sau lưng. Bao nhiêu chặng đường đã đi qua may lắm chỉ lãng đãng trong tâm trí: những năm tiểu học từ Huế vào Cầu Kho-Saigon lên Dalat rồi trở lại Tân Định-Saigon; thời trung học vất vả từ Tân Định (Trần Lục) lên Chợ Lớn (Chu Văn An), rồi đại học bon chen và thư nhàn từ trong nước ra nước ngoài; ngày tháng tại quân trường Thủ Đức và lăn lộn giữa nghiệp dĩ ngồi máy (viết báo) và công chức… Rồi cuối cùng cũng phải đi “học tập cải tạo” như mọi người để “sáng mắt sáng lòng”...

    Trước mắt hiện nay chỉ là chuyện sống qua ngày với ý thức rất rõ về qui luật của muôn đời sinh lão bệnh tử, may mà bên cạnh còn người phối ngẫu đã cùng nhau đỡ đần qua lại hơn 50 năm, còn con cái để bận tâm và mong đợi, còn cháu nội ngoại để vui vầy cho dù chẳng đứa nào nói dễ nghe, dễ hiểu vì chẳng đứa nào nói “tiếng nước tôi”.

Và trong lòng của những người đã từng sống tại Miền Nam quê hương trước đây trong một thời chưa mất nước, đương nhiên vẫn nổi lên một nỗi ngậm ngùi, bâng khuâng đến như dằn vặt, nhất là với tách cà phê có tô đậm dòng chữ: “The older I get, the better I used to be” – cho dù không có điếu thuốc trên môi (Nếu còn điếu thuốc trên môi có lẽ không còn ngồi đây nữa). Cuộc chiến tranh thuở xưa vẫn còn trĩu nặng trong tâm trí, vì đó là cuộc chiến làm ta mất nước, một cuộc chiến đã làm cho khoảng 250.000 lính Cộng Hòa bỏ mình trên chiến trường, gần 60.000 lính Mỹ cũng thiệt mạng, khoảng 200.000-300.000 quân cán chính Việt Nam Cộng Hòa phải đi cải tạo, khoảng 200.000-400.000 người Miền Nam đã chết trên đường vượt biên… Cộng Sản Miền Bắc thí đến hơn 1 triệu thanh niên cho tham vọng “thống nhất” của chúng. Đúng ra, người ta đã thí đến 15 năm mà người dân hai miền thay vì phải dồn sức vào thoát cảnh đói nghèo lại phài thí sinh mạng cho tham vọng ngông cuồng của CS Bắc Việt. 

Đất Mỹ đúng là chốn dung thân của bao nhiêu người trên trái đất này. Theo thống kê gần đây nhất, đến 13.6% dân số Mỹ là di dân (theo nghĩa sinh ở nước ngoài) – gấp đôi dân số nhập tịch theo thời gian (naturalization). Cứ nhìn tình cảnh thường trực của cả hàng chục ngàn người ở hai bên bức tường “giả tạo” ngăn cách hai nước Mỹ-Mễ. Thời xưa, bức tường Bá-Linh của Cộng Sản Đức người ta còn không sợ. Huống gì bức tường ở El Paso chỉ làm người ta nhớ đến bài hát của Marty Robbins nhiều hơn. Nhiều người đang sống trên đất Mỹ đã bắt chước tướng Trần Bình Trọng của đời nhà Trần Việt Nam thời xưa (Thà làm quỷ nước Nam còn hơn làm vua đất Bắc) khẳng khái nói: “Thà làm di dân lậu một nước độc lập tự do, còn hơn làm công dân một nước của tập đoàn lãnh đạo theo văn hóa tội ác!” Dưới thời Tổng thống Biden, đã có gần 2 triệu người Mễ tràn vào Mỹ làm cho người Cộng Hòa phát điên. Phiếu của cử tri Latino ở đâu chưa thấy, xem chừng Biden sẽ mất một số phiếu của người da trắng chống di dân!

Đặc biệt những người Việt phải bỏ nước ra đi sau năm 1975 nay đã đưa con số người Mỹ gốc Việt lên đến 2.2 triệu người – dĩ nhiên kể cả những người vốn có cuộc sống quá dư giả tại VN nhờ được chế độ ưu đãi nên cũng bon chen lợi dụng qua Mỹ để tìm “đất sống” lâu dài. “Cộng đồng” người Việt tại Mỹ nay được xếp hạng thứ tư về mặt dân số Mỹ gốc Á tại Hoa Kỳ, chỉ thua dân Tàu (người Tàu từ Trung Cộng ngày nay quá giàu, không qua Mỹ, thì sống ở đâu?), người Ấn (cứ nhìn bà Nikki Haley hay Phó Tổng thống Kamala Harris hay ứng cử viên tổng thống Vivek Ramaswamy - dân Ấn quá khôn sau gần 9 thập niên được nuôi dưỡng dưới chế độ thuộc địa của Vương quốc Anh 1858-1947) và người Phi (Philippines vốn là thuộc địa của Hoa Kỳ từ 1898 cho đến 1946 sau khi bị Tây Ban Nha cai trị cũng cả nửa thế kỷ). Sự thực thì người Việt chúng ta thua kém cả người Hoa và người Ấn về “thế”. Một phần bởi vì chúng ta “quá mới”, và những người đầu tiên qua đây bằng ghe thuyền! 

Đã gần 50 năm từ ngày chúng ta mất nước. Tất cả như là một giấc mơ, cho dù là ác mộng có thật. Những thế hệ sau này cùng lắm thì biết cái gốc Việt của cha mẹ và ông bà, nhưng chưa chắc đã hiểu được vì sao “ai mang tôi đến chốn này”. Cũng có thể giới trẻ hiểu loáng thoáng người Việt qua đây vì khó sống dưới chế độ cộng sản, nhưng chẳng thể hiểu được vì sao lại không sống nổi dưới chế độ đó.  Tuy nhiên, thế hệ cao niên khó mà nói hết, nói đúng cuộc sống trước đây đã đẹp đến thế nào, cho dù về mặt vật chất thì có thể không đầy đủ như hiện nay (Bởi thế mới có câu: Tri túc, tiện túc, đãi túc, hà thời túc - biết đủ là đủ). Và ba ngày Tết là một truyền thống xã hội, truyền thống gia đình trang trọng nhất, cần thiết nhất trong năm, là cơ hội độc đáo nhất cho gia đình, cho xã hội… thể hiện được nếp sống văn minh về tín ngưỡng có tính Khổng giáo.

Cuộc chiến chống sự xâm lăng của cộng sản Hà Nội kéo dài cả 15 năm, và trong 15 năm chiến tranh căng thẳng đó, chúng ta ở Miền Nam vẫn giữ được truyền thống “ăn Tết” đẹp đẽ đó. Chỉ có vài năm phải ngưng chuyện đốt pháo để ngăn ngừa sự phá hoại, khủng bố của kẻ thù. Tuy nhiên, trong thời tiết chỉ hơi se lạnh của một mùa xuân mới khi mùa đông đã qua, hầu hết mọi gia đình, hầu hết mọi người đều ra sức thể hiện niềm vui, niềm hạnh phúc gia đình, cá nhân khi Tết đến. Đó là dịp để nhớ đến tiền nhân, những người đã khuất. Dịp thể hiện hạnh phúc thương yêu của gia đình, ông bà, cha mẹ đối với con cháu và ngược lại. Đó là dịp thể hiện những nỗ lực “đổi mới”, sự mong đợi thời vận mới… qua những việc như sửa sang, lau chùi, quét dọn nhà cửa, trang phục mới, cách nói năng, giao tiếp giữ gìn, lịch thiệp, ý tứ. Và đương nhiên, đó là dịp vui chơi lớn nhất trong  năm của trẻ con, qua tiền lì xì, đốt pháo, chưng diện áo quần mới, và tụ họp gia đình…

Nếu nhìn lại gần nửa thế kỷ qua, kể từ khi Cộng Sản Hà Nội cho quân “tiến về Saigon, ta quét sạch giặc thù” (cái ý chí này cho thấy bản chất thực sự của Hà Nội xâm lược), cái Tết ngày xưa đã không còn nữa không chỉ đối với những người phải sống tha hương, mà còn đối với nhiều người ở Miền Nam đang cảm thấy sự mất mát trong cuộc sống mới với triết lý chính trị và xã hội hủ lậu của giới cầm quyền. Và chúng ta không tránh được chuyện nêu lên những câu hỏi về nước Mỹ, người Mỹ - để thấy rằng hiểu được nước Mỹ, hiểu được người Mỹ, không phải là chuyện dễ dàng. Và chưa hiểu đủ người Mỹ nước Mỹ thì ta chưa hiểu được vì sao Mỹ đã đành đoạn bỏ rơi 20 triệu người Miền Nam nửa thế kỷ trước đây.

Bao giờ chúng ta cũng nên nhớ rằng nước Mỹ chưa đến 250 tuổi, cũng như một người trẻ đôi mươi, chưa đủ trưởng thành; háo thắng nhìn đời, nhưng vẫn có những vụng dại, bất định, bất ổn, mâu thuẫn trong trong cách xác định những giá trị để nhìn mình, nhìn đời. Nhưng tuổi trẻ một phần cũng là tuổi của hy vọng, lý tưởng, lạc quan, và tự hào. Bởi thế mà một nước Mỹ từng giàu có vô song và sáng rực trong lý tưởng dân chủ, tự do cho con người trong một thế giới trật tự đảo điên và hướng đi mù mịt đã trở thành nước lãnh đạo Thế giới Tự do của gần nửa thế kỷ.

Miền Nam của chúng ta từng là nạn nhân của một nước Mỹ như thế. Một nước Mỹ có tầm nhìn nhưng thiếu sách lược; lãnh đạo chỉ nhìn gần, không dám nhìn xa; người dân lớp trên quá cá nhân chủ nghĩa, phần lớn chỉ tìm kiếm sự hưởng thụ cho nên thiếu ý thức về giá trị và mục tiêu quốc gia, về quyền lợi và nghĩa vụ, cho nên nước Mỹ mất hướng, lạc lối, không hành động thỏa đáng trong bài toán Việt Nam. 

Hơn 20 triệu dân miền nam vì thế lãnh đủ. Lãnh đạo Miền Nam thì bao giờ cũng quá “thật thà”, như người dân ở một vùng quê hẻo lánh bị bao bọc bởi những lũy tre xanh và nằm mơ là chóa mắt vì “ánh sáng đô thị”. Tính từ 1954 (tức 70 năm trước đây) 1964 (cách đây 60 năm) và cuối cùng là 1975 (cách đây gần 50 năm), chính quyền Miền Nam vẫn nhìn đồng minh của mình một cách loạn thị, cho dù có dư người đi làm ngoại giao ở Washington, D.C., và càng dư người đi học ở Mỹ hay làm cho Mỹ (kể cả những người làm cho CIA). Ít người trong chúng ta thời đó chịu hiểu Tổng thống John Kennedy còn một gánh nặng “Biên cương mới”. Tổng thống Lyndon Johnson thì mắc vào lời hứa “Đại xã hội”. Và ông Richard Nixon thì phải “Việt Nam hóa chiến tranh”. Sau vụ Mậu Thân, người Mỹ phát ngấy với chuyên mở máy truyền hình ra là thấy đập ngay vào mắt cuộc chiến ở cái vùng tiền đồn mà nay họ cho rằng vô nghĩa, bỏ là vừa! 

Nguyền rủa bóng tối của quá khứ mãi cũng chán, chúng ta cũng chẳng điên rồ ước gì có thể “làm lại từ đầu”. Giá mà thời đó chúng ta có thể hiểu được nước Mỹ hơn, nhìn được nước Mỹ rõ hơn, đầy đủ hơn - chẳng những mặt phải mà cả mặt trái của nó!  

Tết năm nay xem chừng lại rơi vào mùa đông, nhưng không chỉ vì mùa đông mà chúng ta quên rằng Tết sắp đến. Chúng ta vẫn đón tết theo cách của mình, từ đáy lòng của mình. Mở rộng cánh cửa, mở rộng con tim đón chờ con cháu đến chúc Tết với chút tiền lì xì trong túi; thăm viếng bạn bè, bà con… chẳng có và chẳng còn bao nhiêu người trong thành phố này (số người nằm xuống cứ tăng đều trong khi số người có thể đến ngày càng ít đi); đến với chùa hay nhà thờ trong địa phương để có dịp củng cố niềm tin của mình… 

Và tạm xem là cuối cùng, nhớ lại những bài hát một thời đã đem đến cho chúng ta những niềm tin, hạnh phúc, yêu đời đối với cuộc sống. Tuy chúng ta không còn giọng, không còn sức để hát, ai cấm được chúng ta nhẫm hát trong đầu hay trong giấc ngủ?

Như bài Đón Xuân của Phạm Duy là cây cổ thụ của làng âm nhạc Việt Nam:

Xuân đã đến rồi, gieo rắc ngàn hồn hoa xuống đời
Vui trong bình minh, muôn loài chim hót vang mọi nơi
Đẹp trong tiếng cười, cho kiếp người tình thương đắm đuối
Nắng xuân đem vui với đời

Hay Xuân Đã Về của nhạc sĩ Minh Kỳ, một nhạc sĩ hiền hòa nhưng lại phải đi cải tạo:

Xuân đã về, xuân đã về!
Kìa bao ánh xuân về tràn lan mênh mông
Xuân đã về, trên cánh đồng,
Bao bác nông ngưng cày ruộng vui say xuân
Xuân đã về, xuân đã về!
Ngàn cô gái quê cười tươi đón gió mới
Xuân đã về, xuân đã về!
Ta hát vang chào mừng xuân sang… 

Hoa Xuân cũng của Phạm Duy, nói lên cái đẹp của mùa xuân không chịu ảnh hưởng chút nào của mùa đông trước đó:

Xuân vừa về trên bãi cỏ non
Gió xuân đưa lá vàng xuôi nguồn
Hoa cười cùng tia nắng vàng son
Lũ ong lên đường cánh tung tròn

Hoa chẳng yêu lũ bướm lả lơi
Muốn yêu anh vác cày trên đồi
Hay là yêu chiến sĩ nghìn nơi
Thấy hoa tươi cười bỗng thương đời

Một bài hát từ đầu thập niên 60 của nhạc sĩ Nguyễn Hiền phổ thơ của Kim Tuấn, âm điệu và lời lẽ nhẹ nhàng, lãng mạn, dễ quyện lấy tâm hồn giới trẻ vào thời đó: Anh cho Em Mùa Xuân!

Anh cho em mùa xuân
Nụ hoa vàng mới nở
Chiều đông nào nhung nhớ
Đường lao xao lá đầy
Chân bước mòn hè phố
Mắt buồn vịn ngọn cây

Xuân Tha Hương của Phạm Đình Chương là một bài hát day dứt, ám ảnh tâm trí của tất cả chúng ta:

Ngày xưa xuân thắm quê tôi bao nhánh hoa đời đẹp tươi
Mẹ tôi sai uốn cây cành, vun tưới hoa mùa xinh xinh
Thời gian nay quá xa xăm, tôi đã xa nhà đầm ấm
Sống bao xuân lạnh lẽo âm thầm

Và tạm xem là cuối cùng, không thể thiếu được Ly Rượu Mừng cũng của người nhạc sĩ Hội Trùng Dương, nói lên tinh thần lạc quan, nhân bản, hòa đồng của con người sống trong một xã hội ai cũng mang niềm hy vọng vươn lên:

Ngày xuân nâng chén ta chúc nơi nơi
Mừng anh nông phu vui lúa thơm hơi
Người thương gia lợi tức
Người công nhân ấm no
Thoát ly đời gian lao nghèo khó

Nhấp chén đầy vơi chúc người người vui
Muôn lòng xao xuyến duyên đời...

Khi nghe những bài nhạc xưa của một thời đó, chúng ta mới thấm được những mất mát to lớn không gì lấy lại được để có hạnh phúc đích thực!




1/19/24

Lý Tử Thất - Ngôi sao nổi tiếng trên mạng xã hội

 Lý Tử Thất (李子柒)

Cám ơn anh Kim chia sẻ video giải trí thư giãn của vlogger Lý Tử Thất (李子柒), nói về cuộc sống thanh bình ở thôn quê với bà nội và xóm giềng cùng hàng loạt cổ phong mỹ thực khiến chúng ta tìm lại những giây phút an lành đã đánh mất từ lâu khi trở thành cư dân trong vòng xoáy danh lợi của chốn phồn hoa đô hội..

Lý Tử Thất, còn được gọi là "Tiên nữ đồng quê", "thánh nữ ẩm thực" - trong một ngày đông giá rét tại quê nhà, nơi đây không có ánh đèn hồng và tiếng còi xe cộ. Cô cưỡi ngựa đi mua sữa ngựa về nấu rượu. Sữa được lên men và chưng cất theo phương thức cổ truyền của dân địa phương. Rượu sữa ngựa là thức uống thường ngày của người dân tộc Mông Cổ, Lý Tử Thất cũng đã tầm sư học nghệ và am tường về tay nghề này. Một hôm họ hàng tới chơi, Lý Tử Thất bày tiệc mời ăn, khoản đãi họ hàng để tỏ lòng quý mến: ướp thịt cừu, nướng trên sân; gói sủi cảo (bánh tai), luộc trong nồi. Buổi tối, cả gia đình quây quần bên bếp than, uống rượu, ăn thịt cừu, nhảy múa, thưởng thức sủi cảo... Trong video, Lý Tử Thất lồng ghép phong cảnh hữu tình của quê hương trong ngày đầu đông. Một tác phẩm đầy cảm xúc nói lên sự ấm áp của tình quê hương, niềm vui chan hòa với thiên nhiên, non xanh nước biếc, cùng với những bản chất hồn hậu mộc mạc của dân làng, từ chủ đến khách không có chút khoảng cách mà đầy tình hữu nghị thân thiết.

Thật khâm phục cô gái nhỏ nhắn, xinh đẹp như liễu yếu đào tơ mà lại rất thành thạo mọi công việc nặng nhọc và khó khăn như thợ mộc, thợ tre, đồng áng, làm giấy thủ công và còn biết nấu rượu làm bánh, gói sủi cảo. Có lẽ là vì hoàn cảnh gia đình khó khăn thuở nhỏ nên cô phải tự bươn chải cùng với nghị lực phi thường đã làm nên cô bé đáng yêu này !

Sống trong xã hội tất bật xô bồ ngày nay, mọi người đều vất vả trong việc mưu sinh. Trở về nước non, hòa mình vào thiên nhiên, trở về với không gian nguyên sơ và yên bình đang dần trở thành xu hướng được nhiều người quan tâm đến. Với chủ đề "Trần cư bất nhiễm bụi trần thế", cuộc sống thảnh thơi, lánh xa hồng trần và những tác phẩm "Ẩn dật, vui sống giữa chốn núi rừng" của Lý Tử Thất không chỉ được nhiều người yêu thích mà còn được nhận nút vàng với hàng chục triệu người theo dõi.

Thực vậy, tách khỏi thiên nhiên khiến chúng ta xa rời hạnh phúc và cội nguồn của sự bình yên. Trở về trong vòng tay mẹ thiên nhiên là phương pháp giải tỏa cho cuộc sống tất bật và căng thẳng trong xã hội ngày nay.

Con người – vốn là những đứa trẻ sinh ra trên vùng đất hoang sơ, lớn lên giữa non xanh nước biếc. Đám trẻ của thiên nhiên chẳng biết sợ gián nhện sâu bọ… Bởi họ ý thức được muôn loài cũng là một phần của núi rừng, của thiên nhiên xinh đẹp. Lúc còn nhỏ, thích đọc chuyện về "Thế giới muôn loài", những loài động vật ở xung quanh luôn là thế giới diệu kỳ, gần gũi với chúng ta. Cũng như có lần bất chợt thấy con nhộng chui ra được khỏi cái kén chật hẹp của mình, hóa thành bướm tung bay vào bầu trời xanh rộng bao la đầy hoa thơm và nắng ấm. Tôi cảm thấy hân hoan cho con bướm vì đây là giây phút hạnh phúc nhất trong cuộc đời của nó. 

(bài viết của Trường: Cảm nhận về loài bướm

Những năm sống giữa thành phố với những tòa nhà xếp chồng lên nhau, bê tông cốt thép vây quanh, tàu xe qua lại tấp nập. Tôi thường hoài niệm những đêm thu ở quê nhà Mũi Né Phan Thiết, ánh trăng ở quê rất “tinh khiết”, không lẫn ánh đèn đường hay ánh đèn xe cộ. Mọi âm thanh náo động ban ngày chìm xuống, chỉ còn tiếng dế kêu “cà rít cà rít” như bản nhạc giao hưởng của thiên nhiên. Buổi sáng thức dậy trong cái lạnh của sương giá, đứng nhìn từ cửa sổ thì thôn làng đẹp như tranh, như chìm trong biển mây trắng ngà. Ra bếp tiện tay nướng một mẻ bánh thơm, nhóm vội bếp lửa, đặt một ấm trà, than còn đỏ thì nướng vài củ khoai, trái bắp mà nhâm nhi, đợi đỡ lạnh mới ra vườn. Bưng tách trà vừa đi dạo trong vườn, ngắm hoa, ngắm lá, ngắm cành vừa hớp từng ngụm nhỏ trà để thưởng thức hương vị của trà và hòa mình với trời xanh bao la bát ngát của thiên nhiên. Bất giác trong vẻ thong dong tự tại của cảnh vật thiên nhiên, người ta có thể mỉm cười, nhẹ nhàng lắng nghe hơi thở dịu dàng của chính mình và tiếng nói thì thầm của con tim.

Tôi không ngạc nhiên khi thấy sự thành công rực rỡ hiển hách của Lý Tử Thất, vì cô đã biết đi sâu vào cõi chân thiện mỹ trong tâm linh của con người - nguyên sơ, đơn thuần, hồn nhiên, vô vi của thiên nhiên và trời đất. Thực là một niềm vui và hạnh phúc lớn, sau một ngày làm việc căng thẳng và mệt mỏi, chúng ta có thể tìm thấy sự bình yên, thanh thản trong tâm hồn khi thưởng thức những tác phẩm không nhiễm bụi trần của Lý Tử Thất - Một vùng thôn quê dân dã với cảnh sắc đẹp nao lòng, từng nẻo đường, sân nhà, vườn tược, hoa chớm nở, trái trĩu cành đều nên thơ và yên bình khiến người xem cũng phải ao ước được đặt chân đến một lần trong đời.

Lý Tử Thất quả thực là tuổi trẻ nhưng có tư duy lớn.

Có những buổi sáng thức dậy, tôi thấy biết ơn vì mặt trời tỏa nắng, thấy yên tâm khi đôi chân trần của mình còn được trải dài trên mặt đất gồ ghề thân thuộc, biết ơn dòng suối vẫn trong xanh, biết ơn nghe tiếng chim hót líu lo trên cành cây, biết ơn thấy bông hoa khoe sắc nở rộ trong vườn ngoài trời… Hóa ra bao lâu nay, chúng ta cảm ơn nhau hằng ngày mà quên cảm ơn mẹ thiên nhiên vốn đã ban tặng cho chúng ta quá nhiều thứ.

Tôi chẳng bao giờ thích dùng từ “bỏ phố về quê” như phong trào mà nhiều người nhắc đến gần đây để diễn tả cuộc sống vui thú điền viên hoặc sự trở về với thiên nhiên. Chúng ta chẳng có "bỏ phố" hay bỏ mất một cái gì cả, vì "về quê" là tiếng gọi chân thực của tâm linh. Giống như một đứa con về nhà chẳng theo sự thúc giục nào ngoài tình cảm thân thương của gia đình. Cuộc trở về bên thiên nhiên chẳng phải cũng xuất phát từ sự rung động với những điều gần gũi nhất trong tâm hồn hay sao?

Để kết thúc bài chia sẻ cảm nhận của tôi đối với Lý Tử Thất về sự truyền bá văn hóa quê hương bản xứ và cổ phong mỹ thực, xin mượn vài vần thơ của tác giả Hiền Nhật Phương Trần nói về nỗi lòng người xa quê hương:

"Yêu quê lòng mãi ngọt lành
Du dương khúc hát thanh bình ngân nga
Điệu hò viễn xứ vang xa
Gửi tình tôi với quê nhà đợi mong
Hè sang phượng trổ sắc hồng
Người ơi ước hẹn tình nồng không phai!"

Trường
01-18-2024


Xem Video: 


 

1/18/24

Giai Thoại Văn Chương : Bích Vân Thiên, Hàn Yên Thúy. -Truyện Tình của Phán Quan PHẠM TRỌNG YÊM

 

"Tiên thiên hạ chi ưu nhi ưu, Hậu thiên hạ chi lạc nhi lạc "

PHẠM TRỌNG YÊM 范仲淹 (989-1052) tự là Hy Văn 希文. Tổ quán ở Phần Châu, sau di dời về Ngô Huyện của Tô Châu. Ông là nhà Văn học và là nhà chính trị kiệt xuất của thời Bắc Tống. Văn võ song toàn, trí dũng hơn người, bất cứ là ở trong triều hay ngoài biên cương đều chu toàn trách nhiệm một cách xuất sắc. Ông vận động cho sự đổi mới của Khánh Lịch Cách Tân, mở đầu cho Hy Ninh biến pháp của Vương An Thạch sau nầy.

Sự thành tựu về mặt văn học của ông cũng rất đột xuất nổi trội. Ông đề xướng chủ trương "Tiên thiên hạ chi ưu nhi ưu, Hậu thiên hạ chi lạc nhi lạc 先天下之憂而憂,后天下之樂而樂". Có nghĩa là người ra làm quan, là phụ mẫu chi dân thì phải biết "Lo cái lo trước thiên hạ và Vui cái vui sau thiên hạ". Với cái tiết tháo và tư tưởng nhân hòa nầy đã ảnh hưởng rất lớn đến tư tưởng của các đời sau.

Phạm Trọng Yêm cũng nổi tiếng là một ông quan nghiêm minh chính trực, xử án như thần, khiến cho ông quan cùng thời là Bao Chửng 包拯, nổi tiếng là Bao Thanh Thiên 包青天 cũng phải bái phục và xem ông như là bậc thầy trong xử án. Truyện kể...

Trong một lần gặp nhau ở phủ Khai Phong, Bao Chửng đã nói với Phạm Trọng Yêm rằng :"Hy Văn huynh, nghe nói anh là người túc trí đa mưu, thông minh chính trực, xử án như thần. Hiện trong phủ tôi đang xảy ra một vụ án gia đình rất nhiêu khê, tôi không biết phải xử lý như thế nào, nhờ anh giúp hộ cho". Phạm Trọng Yêm vui vẻ nhận lời. Vụ án như thế nầy :
Đất Càn Châu của tỉnh Thiểm Tây có hai anh em nhà họ Thường; Anh là Thường Tụng Ân, em gái là Thường Ái Hoa. Cha mẹ mất sớm, anh em sống nương tựa lẫn nhau. Thường Tụng Ân có vợ là Trương Thị; Thường Ái Hoa lấy phải chồng nhà nghèo, nên thường về nhà anh nhờ giúp đỡ gạo tiền. Thường Tụng Ân thương em nên luôn sẵn lòng giúp đỡ, nhưng bà chị dâu Trương Thị thì lại bất mãn vì cô em chồng cứ trường kỳ nhờ vả mãi. Một hôm, biết cô em chồng lại sắp đến mượn gạo mượn tiền, nên Trương Thị đã đến miếu Thành Hoàng cạy cho ngạch cửa bung ra rồi chỉ gá sơ lại. Khi thấy cô em chồng đến mượn gạo thì giả vờ nói là trời sắp trở lạnh, nên nhờ cô em chồng tiếp may dùm vài chiếc mền mới. Dĩ nhiên là Ái Hoa vui vẻ nhận lời. Trong khi cắt vải nhồi bông, Trương Thị cố ý chìa ngón tay có đeo chiếc nhẩn vàng cho cô em chồng trông thấy, rồi khi may thì lại lén dấu nó vào trong góc mền. Khi đã giúp chị dâu may xong mấy chiếc mền, Ái Hoa định từ biệt để ra về, thì Trương Thị lại hô hoán lên là mất chiếc nhẫn vàng, rồi luôn miệng cho là cô em chồng đã lén lấy cắp của mình. Sau một hồi đôi co, hai chị em cùng kéo nhau đến miếu Thành Hoàng để thề. Ái Hoa thề rằng : Nếu mình lấy cắp chiếc nhẫn vàng của chị dâu thì khi ra cửa sẽ bị té cho gãy chân. Thề thốt xong hai người cùng ra cửa. Trương Thị đi trước một bước đạp cho ngạch cửa bung lên, Ái Hoa đi sau vấp phải ngạch cửa té nhào xuống đất gãy mất chân phải, đau tới thấu xương, nhưng Trương Thị thì lại nghiến răng nói rằng : Đáng đời cho đứa ăn cắp, thề đâu thì lại có đó ngay, không ăn cắp sao lại vừa thề đã té gãy chân. Bèn khóc bù lu bù loa về kể lể với chồng. Thường Tụng Ân biết em gái mình hồi nào đến giờ rất ngay thẳng thực thà, nhưng sự việc rành rành trước mắt cũng không biết nói sao, chỉ quảy theo túi gạo rồi đưa cô em gái về lại nhà chồng. Mấy hôm sau, Trương Thị vẫn không chịu bỏ qua vì thấy mình đúng lý và vì muốn làm cho cô em chồng sắp tới không còn dám vác mặt đến nhờ cậy nữa, nên bèn thưa lên Bao Công nhờ phân xử.

Phạm Trọng Yêm tiếp nhận vụ án. Cho đòi hết ba người lên công đường chờ xét xử. Đầu tiên, Phạm Trọng Yêm quan sát nét mặt của từng người một một cách cẩn thận, Đoạn ông lấy ba tờ giấy trắng vẽ lên ba chiếc vòng tròn rồi phát cho mỗi người một chiếc, lệnh cho đứng qua một bên chờ thẩm án. Trước tiên, ông cho đòi Thường Ái Hoa qùy trước công đường chờ xét hỏi. Ái Hoa qùy dưới công đường gần một tuần trà vẫn không nghe quan hỏi gì, bèn len lén nhìn lên, thấy hai bên công sai đứng nghiêm chỉnh mặt đầy sát khí, còn quan phủ thì đang quắc mắt nhìn mình, thất kinh cúi xuống không dám nhìn lên nữa. Đợi đến một thôi một hồi, vẫn không thấy quan hỏi gì, bèn đánh bạo thưa rằng : Đại Lão Gia đòi dân phụ đến công đường sao không tra hỏi gì cả vậy? Phạm Trọng Yêm bèn nghiêm nghị bảo rằng : Ta đâu cần phải tra hỏi, ngươi cứ nhìn vào tờ giấy mà ta đưa cho ngươi rồi cứ thành thật mà nói cho ta biết. Ái Hoa thấy trên tờ giấy có một vòng tròn như cái miệng giếng bèn thưa rằng : Bẩm Đại lão Gia, trên thế gian nầy quả có lắm chuyện không thể nào làm cho rõ ràng được, cái vòng tròn của lão gia vẽ như là một miệng giếng, cái oan ức của dân phụ ngày hôm nay chắc sẽ chìm sâu dưới đáy giếng nầy mà sẽ không bao giờ rửa sạch được. Phạm Trọng Yêm nghe xong gụt gặt đầu bảo tả hữu : Dẫn nàng ta xuống, rồi cho đòi Thường Tụng Ân lên công đường. Thường Tụng Ân cũng qùy mãi mà chẳng nghe quan lão gia hỏi gì cả, bèn cả gan đánh tiếng rằng : Bẩm Đại Lão Gia sao không tra hỏi gì cả vậy ?! Phạm Trọng Yêm đáp rằng : Ngươi cứ nhìn vào tờ giấy mà ta đã đưa cho người đó, rồi nói thẳng cho ta biết là được rồi !. Thường Tụng Ân nhìn vào cái vòng tròn một lúc rồi như có chút cảm xúc mà bẩm rằng : Cái vòng tròn nầy giống như là gia đình của tiểu dân đây, chỉ có ba người, hai vợ chồng tiểu dân và cô em gái. Tiểu dân cứ như bị xoay quanh cái vòng lẩn thẩn giữa cô em gái khốn cùng và bà vợ câu mâu mãi suốt ngày này qua tháng nọ mà không bao giờ thoát ra được. Phạm Trọng Yêm bèn cho Tụng Ân lui xuống và cho gọi Trương Thị lên công đường. Trương Thị vừa bước lên công đường thì Phạm Trọng Yêm đã gỏ mạnh miếng gỗ xuống bàn và quát lơn : Quỳ xuống ! Hai bên hai hàng công sai lại đồng thanh hô vang : Uy vũ ! Trương Thị hồn phi phách tán vội vàng qùy ngay xuống chờ thẩm vấn, nhưng vẫn như hai lần trước, quỳ mãi mà chẳng nghe quan hỏi han gì cả. Trong bụng hồ nghi thấp thỏm không yên. Lén nhìn lên thì thấy quan đang quắc mắt nhìn mình, nên trong lòng càng kinh hãi. Được thêm một lúc mới dám đánh bạo mà hỏi rằng : Bẩm Đại Lão Gia sao không tra hỏi gì cả vậy ?. Phạm Trọng Yêm bèn nạt rằng : Sao không tra hỏi ?! Ngươi cứ theo những gì mà ta đã vẽ nói thực ra hết là được rồi ! Trương Thị càng kinh hãi hơn, nhìn vào cái vòng tròn như cái thòng lọng, trong bụng hồ nghi mười phần là quan đã đoán được việc làm của mình, bèn thành thực khai rằng : Qủa tình tôi đã bày ra cái thòng lọng này cho cô em chồng nhảy vào để giựt giây, vì tôi không chịu nỗi cô ta cứ lẽo đẽo đi theo nhờ cậy xin xỏ mãi. Tôi muốn làm một trận dứt khoát cho từ rày tới sau cô ta không còn theo làm phiền vợ chồng chúng tôi nữa. Mong Đại Lão Gia soi xét mà châm chước cho tôi nhờ.

Thế là mọi việc đều rõ ràng chỉ nhờ vào ba cái vòng tròn được vẽ trên giấy. Bao Chửng thấy Phạm Trọng Yêm xử án một cách thông minh nhe nhàng mà hiệu quả. Trong lòng thực sự tâm phục khẩu phục mà nói rằng :" Các hạ quả là bực thầy xử án mà ta cần học tập".

 Bao Chửng (Bao Công)  
Tương truyền sự nghiêm minh chính trực của Phạm Trọng Yêm rất được dân chúng ca tụng và kính phục, nên khi chết đã được vinh danh cùng Khấu Chuẩn cũng là một danh thần đương thời được thờ phụng trong thành Phong Đô của Diêm Vương như một Phán Quan dưới âm tào địa phủ.

Về mặt văn chương và đời sống tình cảm, thì Phạm Trọng Yêm lại là một nòi tình chính hiệu. Khi bị biếm đi làm Tri Châu ở Nhiêu Châu. Một hôm ông buồn tình đã uống rượu ngà say rồi ghé qua kỹ viên Khánh Sóc Đường 慶朔堂. Tình cờ gặp một cô ca kỹ còn rất trẻ, nhưng lại giỏi cả cầm kỳ thi họa. Hỏi ra thì mới biết nàng tên là Chân Nguyệt Nga, chỉ mới có 12 tuổi, nhưng vì hoàn cảnh đưa đẩy nên phải sa chân vào kỹ viện. Xót thương cho hoàn cảnh và tài hoa cũng như sắc đẹp như hoa vừa mới chớm nở của nàng, nên Phạm Trọng Yêm thường tới lui thăm hỏi xướng họa. Sỡ dĩ chưa chuộc nàng ra khỏi lầu xanh, vì bà chánh thê ở nhà đang ngọa bệnh, lại nữa thân đang bị trích biếm tha phương. Năm sau được lệnh vua triệu hồi kinh sư, Phạm Trọng Yêm đã gởi lại cho nàng một hộp son phấn với bài thơ đề như sau :

               江南有美人,    Giang Nam hữu mỹ nhân,
               別後常相憶。    Biệt hậu thường tương ức.
               何以慰相思,    Hà dĩ ủy tương tư,
               贈汝好顏色.     Tặng nhữ hảo nhan sắc !
      Có nghĩa :
                   Thương thay người đẹp Giang nam,
                   Biệt ly nhớ mãi biết làm sao đây.
                   Tương tư trĩu nặng lòng nầy,
                   Tặng nàng trang điểm đong đầy dung nhan.

      Đồng thời Phạm Trọng Yêm cũng làm một bài thơ "Hoài Khánh Sóc Đường 懷慶朔堂" gởi lại cho người bạn chí thân là Ngụy Giới như sau :
 
               慶朔堂前花自栽,   Khánh Sóc Đường tiền hoa tự tài,
               便移官去未曾開。   Tiện di quan khứ vị tằng khai.
               年年憶時別離恨,   Niên niên ức thời biệt ly hận,
               祇託東風管領來。   Chỉ thác đông phong quản lãnh lai !
     Có nghĩa :
                  
                   Khánh Sóc Đường hoa kia tự mọc,
                   Chưa khai hoa ta chuyển đi rồi.
                   Năm năm tưởng nhớ hờn ly biệt, 
                   Nhờ gió đông xuân đưa đến nơi.           

       
Ngụy Giới hiểu ý của Phạm Trọng Yêm, nên hai năm sau đã âm thầm tiếp xúc với Khánh Sóc Đường chuộc Chân Nguyệt Nga ra và đưa nàng về kinh thành trao tặng lại cho Phạm Trọng Yêm. Lúc bấy giờ chánh thê của Phạm Trọng Yêm cũng đã qua đời hơn năm rồi. Đang sống cảnh độc thân gặp lại người yêu cũ, hai người cùng cảm khái ôm chầm lấy nhau kể lể nỗi niềm tưởng nhớ. Càng cảm động hơn là sau đêm tân hôn động phòng hoa chúc, Phạm Trọng yêm phát hiện ra rằng nàng vẫn còn giữ được trinh nguyên trong trắng. Nàng đã thỏ thẻ với Phạm Trọng Yêm rằng : Thời gian ở trong kỹ viện, thiếp chỉ bán nghệ chớ không bán thân. Lúc bấy giờ Chân Nguyệt Nga chỉ mới vừa tròn 15 tuổi, trong khi Phạm Trọng Yêm đã 50 tuổi rồi. Mối tình một già một trẻ lại rất khắng khích nhau trong cuộc sống hạnh phúc lứa đôi. (Đó là xã hội khi xưa, nếu là hiện nay, thì Phạm Trọng Yêm sẽ phải ra hầu tòa vì kết hôn với trẻ vị thành niên!).

Đến đời nhà Minh, Châu Hiến Vương Chu Hữu Đôn đã cảm vì chuyện tình nầy của Phạm Trọng Yêm mà soạn thành vở tạp kịch "Chân Nguyệt Nga xuân phong Khánh Sóc Đường 甄月娥春風慶朔堂" nỗi tiếng một thời.

Ngoài nổi tiếng với áng văn "Nhạc Dương Lầu Ký ra 岳陽樓記" ra, Phạm Trọng yêm còn rất nổi tiếng với những bài từ trữ tình ướt át không thua gì thơ mới của thời hiện đại. Cụ thể như bài "Tô Mạc Già. Bích Vân Thiên 蘇幕遮 · 碧雲天" đã được nữ sĩ Quỳnh Dao lấy làm tựa đề cho hai quyển tiểu thuyết ngôn tình "BÍCH VÂN THIÊN 碧雲天" và "HÀN YÊN THÚY 寒烟翠" (Bên Bờ Quạnh Hiu) rất nổi tiếng được quay cả thành phim và đưa vào nghệ thuật Cải Lương của ta nữa. Bài từ đó như sau :

碧雲天,黄葉地,          

Bích vân thiên, hoàng diệp địa,

秋色連波,波上寒烟翠。 

Thu sắc liên ba, ba thượng Hàn Yên Thúy.

山映斜陽天接水,          

Sơn ánh tà dương thiên tiếp thủy,   

芳草無情,更在斜陽外。 

Phương thảo vô tình, cánh tại tà dương ngoại.

黯鄉魂,追旅思,          

Ảm hương hồn, truy lữ tư,

夜夜除非,好夢留人睡。 

Dạ dạ trừ phi, hảo mộng lưu nhân thụy.

明月樓高休獨倚,

Minh nguyệt lâu cao hưu độc ỷ,

酒入愁腸,化作相思淚。 

Tửu nhập sầu trường, hóa tác tương tư lệ !


               Có nghĩa :
           Trời mây xanh biếc, đất phủ lá vàng,
           Sắc thu làm gợn sóng, trên sóng khói sóng xanh lơ.
           Sắc núi phản chiếu nắng chiều trong cảnh trời nước như liền nhau.
           Cỏ non mơm mởn vô tình như đang ở ngoài ánh nắng chiều.
           Hồn quê mòn mỏi, đất khách nhớ mong,
           Đêm đêm đều chẳng có được giấc mộng đẹp để an giấc.
           Lầu cao trăng sáng thôi đừng tựa cửa ngóng trông,
           Rượu vào trong ruột âu sầu lại hóa thành những giọt lệ tương tư lên mắt !

* Diễn Nôm :
                  Trời xanh biếc, lá vàng hoe,
                  Nước thu gợn sóng, trên sông khói sóng nhòe.
                  Núi ửng nắng chiều trời liền nước,
                  Cỏ non mơn mởn, bỏ mặc nắng chiều về.

                  Hồn quê ngẩn, khách sầu ngơ,
                  Đêm đêm khó ngủ, giấc mộng chẳng thành mơ.
                  Trăng sáng lầu cao thôi ngóng đợi,
                  Rượu vào ruột đứt  hóa lệ tương tư mờ !

* Song Thất Lục Bát :
                      Trời mây biếc lá vàng đầy đất,
                      Sóng thu xanh chất ngất xanh lơ,
                      Nắng chiều trời núi như thơ,
                      Cỏ non mơn mởn nắng mờ xa xa.

                      Hồn nhớ quê xót xa lữ thứ,
                      Đêm đêm buồn khôn ngủ khó mơ,
                      Lầu cao trăng sáng ngẩn ngơ,
                      Rượu vào ruột đứt lệ mờ tương tư !
                                                            Đỗ Chiêu Đức diễn Nôm.

Bích vân Thiên (chuyển thể Cải Lương với Vũ Linh)    
                 
        Phạm Trọng Yêm chẳng những là nhà chính trị, quân sự tuyệt vời, là một ông quan thanh liêm nghiêm minh chính trực, mà còn là một nhà văn học, nhà thơ, nhà từ tuyệt vời của thời Bắc Tống nói riêng, của nền văn học Trung Hoa nói chung. Hễ nhắc đến Phạm Trọng Yêm là người ta nghĩ ngay đến "Nhạc Dương Lâu Ký 岳陽樓記", mà hễ nhắc đến "Nhạc Dương Lâu Ký" là người ta lại nghĩ ngay đến câu : "Tiên thiên hạ chi ưu nhi ưu, Hậu thiên hạ chi lạc nhi lạc 先天下之憂而憂,后天下之樂而樂". 

Còn giới trẻ hiện nay, nhắc đến nữ sĩ Quỳnh Dao là mọi người đều biết đến hai quyển tiểu thuyết ngôn tình tuyệt vời của bà là "BÍCH VÂN THIÊN 碧雲天" và "HÀN YÊN THÚY 寒烟翠" (Bên Bờ Quạnh Hiu), nhưng lại không biết tựa của 2 quyển tiểu thuyết đó có xuất xứ từ bài từ "Tô Mạc Già. Bích Vân Thiên 蘇幕遮 · 碧雲天" của Phạm Trọng yêm bao giờ !

Đỗ Chiêu Đức