Showing posts with label Tản văn - Ký sự - Truyện ngắn. Show all posts
Showing posts with label Tản văn - Ký sự - Truyện ngắn. Show all posts

1/25/24

Tuyển tập truyện ngắn -

Phạm Duy - Tinh thần hỉ xả

Ngày 27 tháng 01 năm 2024 là ngày qua đời lần thứ 11 của nhạc sĩ Phạm Duy. Tôi xin trích Lời Kết và bài Hương Ca trong tuyển tập truyện ngắn PHẠM DUY TINH THẦN HỶ XẢ để tưởng niệm nhạc sĩ Phạm Duy, cây đại thụ của nền âm nhạc đất nước...


Link: 

1/22/24

TẾT ĐẾN GIỮA MÙA ĐÔNG

 Hoàng Ngọc Nguyên


    Bây giờ đã là giữa tháng một, hai tuần sau khi chúng ta đón Tết dương lịch 2024 trên đất khách quê người. Và nay năm ta sắp hết, Tết ta sắp đến. Nhớ một thời mấy chục năm trước, còn sống trên quê nhà, khi Tết đến còn ông bà, còn cha mẹ, còn bà con, còn bạn bè, còn láng giềng, ta chỉ nhìn quãng đường dài trước mắt đến mức tưởng như không có ý niệm về thời gian. Nay thì quãng đường dài đó đã để lại sau lưng. Bao nhiêu chặng đường đã đi qua may lắm chỉ lãng đãng trong tâm trí: những năm tiểu học từ Huế vào Cầu Kho-Saigon lên Dalat rồi trở lại Tân Định-Saigon; thời trung học vất vả từ Tân Định (Trần Lục) lên Chợ Lớn (Chu Văn An), rồi đại học bon chen và thư nhàn từ trong nước ra nước ngoài; ngày tháng tại quân trường Thủ Đức và lăn lộn giữa nghiệp dĩ ngồi máy (viết báo) và công chức… Rồi cuối cùng cũng phải đi “học tập cải tạo” như mọi người để “sáng mắt sáng lòng”...

    Trước mắt hiện nay chỉ là chuyện sống qua ngày với ý thức rất rõ về qui luật của muôn đời sinh lão bệnh tử, may mà bên cạnh còn người phối ngẫu đã cùng nhau đỡ đần qua lại hơn 50 năm, còn con cái để bận tâm và mong đợi, còn cháu nội ngoại để vui vầy cho dù chẳng đứa nào nói dễ nghe, dễ hiểu vì chẳng đứa nào nói “tiếng nước tôi”.

Và trong lòng của những người đã từng sống tại Miền Nam quê hương trước đây trong một thời chưa mất nước, đương nhiên vẫn nổi lên một nỗi ngậm ngùi, bâng khuâng đến như dằn vặt, nhất là với tách cà phê có tô đậm dòng chữ: “The older I get, the better I used to be” – cho dù không có điếu thuốc trên môi (Nếu còn điếu thuốc trên môi có lẽ không còn ngồi đây nữa). Cuộc chiến tranh thuở xưa vẫn còn trĩu nặng trong tâm trí, vì đó là cuộc chiến làm ta mất nước, một cuộc chiến đã làm cho khoảng 250.000 lính Cộng Hòa bỏ mình trên chiến trường, gần 60.000 lính Mỹ cũng thiệt mạng, khoảng 200.000-300.000 quân cán chính Việt Nam Cộng Hòa phải đi cải tạo, khoảng 200.000-400.000 người Miền Nam đã chết trên đường vượt biên… Cộng Sản Miền Bắc thí đến hơn 1 triệu thanh niên cho tham vọng “thống nhất” của chúng. Đúng ra, người ta đã thí đến 15 năm mà người dân hai miền thay vì phải dồn sức vào thoát cảnh đói nghèo lại phài thí sinh mạng cho tham vọng ngông cuồng của CS Bắc Việt. 

Đất Mỹ đúng là chốn dung thân của bao nhiêu người trên trái đất này. Theo thống kê gần đây nhất, đến 13.6% dân số Mỹ là di dân (theo nghĩa sinh ở nước ngoài) – gấp đôi dân số nhập tịch theo thời gian (naturalization). Cứ nhìn tình cảnh thường trực của cả hàng chục ngàn người ở hai bên bức tường “giả tạo” ngăn cách hai nước Mỹ-Mễ. Thời xưa, bức tường Bá-Linh của Cộng Sản Đức người ta còn không sợ. Huống gì bức tường ở El Paso chỉ làm người ta nhớ đến bài hát của Marty Robbins nhiều hơn. Nhiều người đang sống trên đất Mỹ đã bắt chước tướng Trần Bình Trọng của đời nhà Trần Việt Nam thời xưa (Thà làm quỷ nước Nam còn hơn làm vua đất Bắc) khẳng khái nói: “Thà làm di dân lậu một nước độc lập tự do, còn hơn làm công dân một nước của tập đoàn lãnh đạo theo văn hóa tội ác!” Dưới thời Tổng thống Biden, đã có gần 2 triệu người Mễ tràn vào Mỹ làm cho người Cộng Hòa phát điên. Phiếu của cử tri Latino ở đâu chưa thấy, xem chừng Biden sẽ mất một số phiếu của người da trắng chống di dân!

Đặc biệt những người Việt phải bỏ nước ra đi sau năm 1975 nay đã đưa con số người Mỹ gốc Việt lên đến 2.2 triệu người – dĩ nhiên kể cả những người vốn có cuộc sống quá dư giả tại VN nhờ được chế độ ưu đãi nên cũng bon chen lợi dụng qua Mỹ để tìm “đất sống” lâu dài. “Cộng đồng” người Việt tại Mỹ nay được xếp hạng thứ tư về mặt dân số Mỹ gốc Á tại Hoa Kỳ, chỉ thua dân Tàu (người Tàu từ Trung Cộng ngày nay quá giàu, không qua Mỹ, thì sống ở đâu?), người Ấn (cứ nhìn bà Nikki Haley hay Phó Tổng thống Kamala Harris hay ứng cử viên tổng thống Vivek Ramaswamy - dân Ấn quá khôn sau gần 9 thập niên được nuôi dưỡng dưới chế độ thuộc địa của Vương quốc Anh 1858-1947) và người Phi (Philippines vốn là thuộc địa của Hoa Kỳ từ 1898 cho đến 1946 sau khi bị Tây Ban Nha cai trị cũng cả nửa thế kỷ). Sự thực thì người Việt chúng ta thua kém cả người Hoa và người Ấn về “thế”. Một phần bởi vì chúng ta “quá mới”, và những người đầu tiên qua đây bằng ghe thuyền! 

Đã gần 50 năm từ ngày chúng ta mất nước. Tất cả như là một giấc mơ, cho dù là ác mộng có thật. Những thế hệ sau này cùng lắm thì biết cái gốc Việt của cha mẹ và ông bà, nhưng chưa chắc đã hiểu được vì sao “ai mang tôi đến chốn này”. Cũng có thể giới trẻ hiểu loáng thoáng người Việt qua đây vì khó sống dưới chế độ cộng sản, nhưng chẳng thể hiểu được vì sao lại không sống nổi dưới chế độ đó.  Tuy nhiên, thế hệ cao niên khó mà nói hết, nói đúng cuộc sống trước đây đã đẹp đến thế nào, cho dù về mặt vật chất thì có thể không đầy đủ như hiện nay (Bởi thế mới có câu: Tri túc, tiện túc, đãi túc, hà thời túc - biết đủ là đủ). Và ba ngày Tết là một truyền thống xã hội, truyền thống gia đình trang trọng nhất, cần thiết nhất trong năm, là cơ hội độc đáo nhất cho gia đình, cho xã hội… thể hiện được nếp sống văn minh về tín ngưỡng có tính Khổng giáo.

Cuộc chiến chống sự xâm lăng của cộng sản Hà Nội kéo dài cả 15 năm, và trong 15 năm chiến tranh căng thẳng đó, chúng ta ở Miền Nam vẫn giữ được truyền thống “ăn Tết” đẹp đẽ đó. Chỉ có vài năm phải ngưng chuyện đốt pháo để ngăn ngừa sự phá hoại, khủng bố của kẻ thù. Tuy nhiên, trong thời tiết chỉ hơi se lạnh của một mùa xuân mới khi mùa đông đã qua, hầu hết mọi gia đình, hầu hết mọi người đều ra sức thể hiện niềm vui, niềm hạnh phúc gia đình, cá nhân khi Tết đến. Đó là dịp để nhớ đến tiền nhân, những người đã khuất. Dịp thể hiện hạnh phúc thương yêu của gia đình, ông bà, cha mẹ đối với con cháu và ngược lại. Đó là dịp thể hiện những nỗ lực “đổi mới”, sự mong đợi thời vận mới… qua những việc như sửa sang, lau chùi, quét dọn nhà cửa, trang phục mới, cách nói năng, giao tiếp giữ gìn, lịch thiệp, ý tứ. Và đương nhiên, đó là dịp vui chơi lớn nhất trong  năm của trẻ con, qua tiền lì xì, đốt pháo, chưng diện áo quần mới, và tụ họp gia đình…

Nếu nhìn lại gần nửa thế kỷ qua, kể từ khi Cộng Sản Hà Nội cho quân “tiến về Saigon, ta quét sạch giặc thù” (cái ý chí này cho thấy bản chất thực sự của Hà Nội xâm lược), cái Tết ngày xưa đã không còn nữa không chỉ đối với những người phải sống tha hương, mà còn đối với nhiều người ở Miền Nam đang cảm thấy sự mất mát trong cuộc sống mới với triết lý chính trị và xã hội hủ lậu của giới cầm quyền. Và chúng ta không tránh được chuyện nêu lên những câu hỏi về nước Mỹ, người Mỹ - để thấy rằng hiểu được nước Mỹ, hiểu được người Mỹ, không phải là chuyện dễ dàng. Và chưa hiểu đủ người Mỹ nước Mỹ thì ta chưa hiểu được vì sao Mỹ đã đành đoạn bỏ rơi 20 triệu người Miền Nam nửa thế kỷ trước đây.

Bao giờ chúng ta cũng nên nhớ rằng nước Mỹ chưa đến 250 tuổi, cũng như một người trẻ đôi mươi, chưa đủ trưởng thành; háo thắng nhìn đời, nhưng vẫn có những vụng dại, bất định, bất ổn, mâu thuẫn trong trong cách xác định những giá trị để nhìn mình, nhìn đời. Nhưng tuổi trẻ một phần cũng là tuổi của hy vọng, lý tưởng, lạc quan, và tự hào. Bởi thế mà một nước Mỹ từng giàu có vô song và sáng rực trong lý tưởng dân chủ, tự do cho con người trong một thế giới trật tự đảo điên và hướng đi mù mịt đã trở thành nước lãnh đạo Thế giới Tự do của gần nửa thế kỷ.

Miền Nam của chúng ta từng là nạn nhân của một nước Mỹ như thế. Một nước Mỹ có tầm nhìn nhưng thiếu sách lược; lãnh đạo chỉ nhìn gần, không dám nhìn xa; người dân lớp trên quá cá nhân chủ nghĩa, phần lớn chỉ tìm kiếm sự hưởng thụ cho nên thiếu ý thức về giá trị và mục tiêu quốc gia, về quyền lợi và nghĩa vụ, cho nên nước Mỹ mất hướng, lạc lối, không hành động thỏa đáng trong bài toán Việt Nam. 

Hơn 20 triệu dân miền nam vì thế lãnh đủ. Lãnh đạo Miền Nam thì bao giờ cũng quá “thật thà”, như người dân ở một vùng quê hẻo lánh bị bao bọc bởi những lũy tre xanh và nằm mơ là chóa mắt vì “ánh sáng đô thị”. Tính từ 1954 (tức 70 năm trước đây) 1964 (cách đây 60 năm) và cuối cùng là 1975 (cách đây gần 50 năm), chính quyền Miền Nam vẫn nhìn đồng minh của mình một cách loạn thị, cho dù có dư người đi làm ngoại giao ở Washington, D.C., và càng dư người đi học ở Mỹ hay làm cho Mỹ (kể cả những người làm cho CIA). Ít người trong chúng ta thời đó chịu hiểu Tổng thống John Kennedy còn một gánh nặng “Biên cương mới”. Tổng thống Lyndon Johnson thì mắc vào lời hứa “Đại xã hội”. Và ông Richard Nixon thì phải “Việt Nam hóa chiến tranh”. Sau vụ Mậu Thân, người Mỹ phát ngấy với chuyên mở máy truyền hình ra là thấy đập ngay vào mắt cuộc chiến ở cái vùng tiền đồn mà nay họ cho rằng vô nghĩa, bỏ là vừa! 

Nguyền rủa bóng tối của quá khứ mãi cũng chán, chúng ta cũng chẳng điên rồ ước gì có thể “làm lại từ đầu”. Giá mà thời đó chúng ta có thể hiểu được nước Mỹ hơn, nhìn được nước Mỹ rõ hơn, đầy đủ hơn - chẳng những mặt phải mà cả mặt trái của nó!  

Tết năm nay xem chừng lại rơi vào mùa đông, nhưng không chỉ vì mùa đông mà chúng ta quên rằng Tết sắp đến. Chúng ta vẫn đón tết theo cách của mình, từ đáy lòng của mình. Mở rộng cánh cửa, mở rộng con tim đón chờ con cháu đến chúc Tết với chút tiền lì xì trong túi; thăm viếng bạn bè, bà con… chẳng có và chẳng còn bao nhiêu người trong thành phố này (số người nằm xuống cứ tăng đều trong khi số người có thể đến ngày càng ít đi); đến với chùa hay nhà thờ trong địa phương để có dịp củng cố niềm tin của mình… 

Và tạm xem là cuối cùng, nhớ lại những bài hát một thời đã đem đến cho chúng ta những niềm tin, hạnh phúc, yêu đời đối với cuộc sống. Tuy chúng ta không còn giọng, không còn sức để hát, ai cấm được chúng ta nhẫm hát trong đầu hay trong giấc ngủ?

Như bài Đón Xuân của Phạm Duy là cây cổ thụ của làng âm nhạc Việt Nam:

Xuân đã đến rồi, gieo rắc ngàn hồn hoa xuống đời
Vui trong bình minh, muôn loài chim hót vang mọi nơi
Đẹp trong tiếng cười, cho kiếp người tình thương đắm đuối
Nắng xuân đem vui với đời

Hay Xuân Đã Về của nhạc sĩ Minh Kỳ, một nhạc sĩ hiền hòa nhưng lại phải đi cải tạo:

Xuân đã về, xuân đã về!
Kìa bao ánh xuân về tràn lan mênh mông
Xuân đã về, trên cánh đồng,
Bao bác nông ngưng cày ruộng vui say xuân
Xuân đã về, xuân đã về!
Ngàn cô gái quê cười tươi đón gió mới
Xuân đã về, xuân đã về!
Ta hát vang chào mừng xuân sang… 

Hoa Xuân cũng của Phạm Duy, nói lên cái đẹp của mùa xuân không chịu ảnh hưởng chút nào của mùa đông trước đó:

Xuân vừa về trên bãi cỏ non
Gió xuân đưa lá vàng xuôi nguồn
Hoa cười cùng tia nắng vàng son
Lũ ong lên đường cánh tung tròn

Hoa chẳng yêu lũ bướm lả lơi
Muốn yêu anh vác cày trên đồi
Hay là yêu chiến sĩ nghìn nơi
Thấy hoa tươi cười bỗng thương đời

Một bài hát từ đầu thập niên 60 của nhạc sĩ Nguyễn Hiền phổ thơ của Kim Tuấn, âm điệu và lời lẽ nhẹ nhàng, lãng mạn, dễ quyện lấy tâm hồn giới trẻ vào thời đó: Anh cho Em Mùa Xuân!

Anh cho em mùa xuân
Nụ hoa vàng mới nở
Chiều đông nào nhung nhớ
Đường lao xao lá đầy
Chân bước mòn hè phố
Mắt buồn vịn ngọn cây

Xuân Tha Hương của Phạm Đình Chương là một bài hát day dứt, ám ảnh tâm trí của tất cả chúng ta:

Ngày xưa xuân thắm quê tôi bao nhánh hoa đời đẹp tươi
Mẹ tôi sai uốn cây cành, vun tưới hoa mùa xinh xinh
Thời gian nay quá xa xăm, tôi đã xa nhà đầm ấm
Sống bao xuân lạnh lẽo âm thầm

Và tạm xem là cuối cùng, không thể thiếu được Ly Rượu Mừng cũng của người nhạc sĩ Hội Trùng Dương, nói lên tinh thần lạc quan, nhân bản, hòa đồng của con người sống trong một xã hội ai cũng mang niềm hy vọng vươn lên:

Ngày xuân nâng chén ta chúc nơi nơi
Mừng anh nông phu vui lúa thơm hơi
Người thương gia lợi tức
Người công nhân ấm no
Thoát ly đời gian lao nghèo khó

Nhấp chén đầy vơi chúc người người vui
Muôn lòng xao xuyến duyên đời...

Khi nghe những bài nhạc xưa của một thời đó, chúng ta mới thấm được những mất mát to lớn không gì lấy lại được để có hạnh phúc đích thực!




1/16/24

Đôi vợ chồng già thuê khách sạn

Vào một buổi tối nọ, có một người đàn ông và một phụ nữ lớn tuổi bước vào một khách sạn nhỏ. Họ muốn tìm chỗ trú chân vì trời đang mưa. Cả hai tiến đến bàn lễ tân hy vọng có thể đặt được phòng.

“Cậu còn phòng trống không?”

Không muốn đôi vợ chồng già phải ra đường tìm chỗ nghỉ trong lúc trời đang mưa gió, nhân viên lễ tân dẫn họ đến một căn phòng và nói: “Nó không tốt nhất nhưng chí ít các vị sẽ không phải chạy loanh quanh tìm khách sạn trong điều kiện thời tiết như thế này.”

Thấy căn phòng được bố trí rất gọn gàng, ngăn nắp, hai người khách già vui vẻ vào ở.

Sáng hôm sau, khi họ muốn thanh toán, nhân viên lễ tân liền đáp: “Không cần đâu ạ, căn phòng hai vị ở là phòng của tôi, chúc hai vị có chuyến đi vui vẻ”.

Thì ra, vì hai vị khách xa lạ, anh nhân viên lễ tân đã có một đêm dài ngoài quầy. Người đàn ông già vô cùng cảm động, nói với đối phương: “Con trai, ta đã gặp người kinh doanh khách sạn tốt nhất, ngay trước mặt ta. Con sẽ nhận được sự báo đáp.”

Viên nhân viên khách sạn cười tươi, tiễn hai vợ chồng già ra cửa và cũng nhanh chóng quên đi câu chuyện ngày hôm đó.

Hai năm trôi qua, bỗng một ngày anh nhận được một lá thư. Trong thư, người đàn ông già đã nhắc lại với anh ta chuyện tối hôm đó kèm theo một tấm vé đi New York đã định sẵn ngày.

Người đàn ông già hẹn nhân viên lễ tân tại một góc phố giao giữa đại lộ số 5 và đường số 34. Ông chỉ tay vào một tòa nhà mới, khá rộng và nói: “Đó là khách sạn tôi xây cho cậu”. “Ông đang đùa sao”, nhân viên lễ tân kinh ngạc đáp.

Người đàn ông già kia chính là triệu phú nổi tiếng William Waldorf Astor. Khách sạn mà ông xây có tên The Waldorf Astoria. Đây là món quà người đàn ông dành tặng cho người lễ tân trẻ George Boldt – người quản lý đầu tiên của khách sạn.

Lời bình

Nhân – quả thực ra đều nằm trong tay chúng ta. Các “cao thủ” trong cuộc sống này khi còn chưa xác định được rõ mục tiêu vĩ đại của đời mình, đều dùng cái tâm để hoàn thành tốt mọi việc trong khả năng của họ.

Hãy nghĩ rằng, bất cứ ai cũng đều là nhân viên, một người vĩ đại cũng bắt đầu từ việc liên tục phục vụ người khác. Khả năng phục vụ người khác càng lớn, khả năng thành công của người đó càng cao.

Đời người, ai cũng có nhiều kế hoạch, muốn trải nghiệm càng nhiều càng tốt. Trên con đường đó, có thể có những tiếng cười sảng khoái nhưng cũng có cả những giọt nước mắt tủi thẹn, có niềm tin thành công và cũng có cả lời cảnh tỉnh về thất bại. Mỗi trải nghiệm dù thế nào cũng đều đáng quý.

Hãy luôn nhớ rằng:

Muốn người khác yêu quý mình, hãy yêu quý người khác trước;
Muốn người khác quan tâm mình, hãy quan tâm đến họ trước;
Nếu muốn người khác đối xử tốt với mình, cũng cần phải tốt với người khác trước.

Đây chính là bí quyết tuyệt vời, hiệu quả trong mọi tình huống của cuộc sống.
Nếu bạn thực sự muốn kết giao với những người bạn chân thành, bạn cần chân thành với họ trước, rồi bạn sẽ nhận thấy bạn bè bắt đầu thật lòng với mình.

Nếu bạn muốn vui vẻ, hãy mang niềm vui đến cho người khác trước, rất nhanh thôi, bạn sẽ thấy cuộc sống của mình ngày càng vui tươi.

1/14/24

Tìm Khắp Thế Giới - Chúng Tôi Tìm Thấy Nhau

Sandra Kosmala, Nguyễn Thế Hoàng và Lila

Tôi đọc được một bài viết trên BBC tiếng Việt tựa đề Vợ Ba Lan buộc xa chồng Việt Nam : Tôi xem mình là người Việt, xin cho tôi về nhà.

Người vợ Ba Lan có tên là Sandra Kosmala. Cô Sandra đem con gái hai tuổi lần đầu tiên về quê ngoại thăm ông bà. Hai mẹ con bị mắc kẹt tại Poznan, Ba Lan. Lý do vì đại dịch virus corona. Con gái quốc tịch Việt Nam được về, mẹ quốc tịch Ba Lan thì không.

Sandra Kosmala nói cô mong hai mẹ con cô được sớm bay về đoàn tụ với người chồng, một công dân Việt Nam. Người mẹ trẻ hiện đang mang thai bảy tháng nói : Từ nhiều tuần qua cô đã tìm nhiều cách khác nhau, từ đặt mua vé máy bay trực tiếp, cho tới khẩn nài sự giúp đỡ của Đại sứ quán Việt Nam ở Ba Lan, nhưng vẫn mắc kẹt ở Ba Lan trong lúc ngày sinh nở đang đến gần.

Sandra nói rõ ràng và rành mạch bằng tiếng Việt với chất giọng Hà Nội trong cuộc phỏng vấn của BBC rằng : Tôi mong muốn xin được về Việt Nam. Tôi mong chính phủ Việt Nam cho phép tôi nhập cảnh để về với chồng mình. Các chi phí vé máy bay hay cách ly tập trung tôi đều chịu, chỉ mong cho gia đình đoàn tụ. Tôi cũng hỏi nhiều người về trải nghiệm ở khu cách ly, họ đều phản ứng tích cực, bạn bè tôi người nước ngoài còn khen không nghĩ Việt Nam lại làm tốt như vậy.

Sự kiện mẹ con cô Sandra bị kẹt ở Ba Lan làm tôi xúc động. Bài báo trên BBC tiếng Việt còn làm cho tôi xúc động hơn nữa về mối tình của cô gái Ba Lan, Sandra Kosmala và thanh niên Việt Nam, Nguyễn Thế Hoàng.

Ngày xưa, ở Việt Nam, thanh niên và thiếu nữ hiếm ai lấy người nước ngoài. Nữ giới lấy người nước ngoài thường bị dị nghị tai tiếng, nam giới thì không. Ngày nay, ở Việt Nam, việc lấy người nước ngoài là bình thường. Lấy người nước ngoài thì phụ nữ có hai nhóm : Nhóm thứ nhất là những phụ nữ được các công ty môi giới đưa sang làm vợ các nam giới Trung Hoa, Đài Loan, Hàn Quốc. Phụ nữ thuộc nhóm này đa số là thuộc gia đình nghèo ở vùng quê. Nhóm thứ hai là những phụ nữ lấy chồng là nam giới thuộc các nước Mỹ, Châu Âu. Phụ nữ thuộc nhóm này đa số là những cô gái trẻ đẹp thuộc những gia đình thành phố khá giả, họ muốn có cuộc sống tốt đẹp ở phương Tây. Nam giới thì vẫn ít lấy người phụ nữ nước ngoài như ngày xưa.

Đất nước sau hơn 45 năm thống nhất, theo tôi đất nước vẫn còn nghèo. Thanh niên Việt Nam vẫn chưa đưa đất nước lên ngang bằng Đài Loan, Hàn Quốc, Tân Gia Ba … Nhiều phụ nữ Việt Nam vẫn phải giải quyết cái nghèo bằng cách làm vợ người Trung Hoa, Đài Loan, Hàn Quốc hoặc tìm đời sống tốt đẹp hơn ở các nước phương Tây. Người dân Việt Nam vẫn còn phải làm công tại nhiều quốc gia trên thế giới.

Ngày xưa, đất nước chiến tranh, ly loạn, nhiễu nhương, người phụ nữ chịu nhiều gian truân, thiệt thòi đau khổ hơn nam giới. Thời Pháp thuộc, thời lính Mỹ tràn ngập miền Nam, người phụ nữ phải làm me Tây, me Mỹ, bị xã hội khinh chê. Thật ra họ đâu có lỗi gì. Lỗi là lỗi của nam nhi không đủ tài trí để đất nước nghèo hèn khiến đất nước bị đô hộ, bị lệ thuộc ngoại bang. Nữ nhi phải cắn răng làm me Tây, me Mỹ.

Ngày nay, đất nước độc lập, thống nhất đã hơn bốn mươi lăm năm, có những phụ nữ Việt Nam phải trần truồng cho những người đàn ông Hàn Quốc thuộc giai cấp hạ đẳng trong xã hội của họ lựa chọn đem về quốc gia họ. Nhìn cảnh thê thảm của người phụ nữ Việt Nam xấu số này, nam nhi đất Việt làm sao không hổ thẹn cúi mặt, tiền nhân dưới suối vàng làm sao không rơi nước mắt …

Nhìn những hình ảnh vui tươi và nghe tâm sự của cô Sandra Kosmala, tôi cảm động và khâm phục mối tình của cô gái Ba Lan và thanh niên Việt Nam. Tôi không biết họ gặp nhau ở đâu. Tôi cũng không biết thân thế sự nghiệp của họ. Tôi chỉ nghe 6 phút 10 giây đài BBC tiếng Việt phỏng vấn cô Sandra.

Mối tình của cô Sandra và anh Hoàng là mối tình giản dị, êm đềm và dễ thương.

Sandra cho biết : “Chuyện tình của hai vợ chồng tôi êm đềm, không gặp những khó khăn hay va vấp về văn hóa. Càng ở xa nhau, tôi càng thấy tình cảm mạnh mẽ. Khi gặp chồng mình, chúng tôi yêu nhau rất nhanh và quyết định cưới cũng rất nhanh. Chúng tôi nói với nhau, tìm khắp cả thế giới, cuối cùng tìm thấy nhau là đủ rồi".

Anh Nguyễn Thế Hoàng có vợ là người Ba Lan. Anh không ở lại sống ở nước phương Tây để có đời sống thoải mái như nhiều người Việt Nam khác. Anh đem vợ về sống tại Hà Nội. Con anh lấy quốc tịch Việt Nam. Anh biến cô gái Ba Lan thành cô gái Việt Nam.

Cô Sandra là cô gái hiếm có. Cô rất yêu thương anh Hoàng. Cô cố gắng trở thành người Việt Nam. Cô nói : “ Tôi hiểu văn hóa Việt Nam nên không có nhiều khác biệt hay khó khăn. Nếu có song tịch, tôi cũng muốn nhập quốc tịch Việt Nam, nhưng không phải có chồng Việt Nam thì sẽ được nhập tịch. “

Cô Sandra nói tiếng Việt rất chuẩn, rõ ràng và có chất giọng Hà Nội. Cô kể rằng :

“Những khi đi ra ngoài phố và nói chuyện bằng tiếng Việt thì người ta cứ nhìn nhìn tôi và nói “ Chị không phải là người Việt Nam phải không ? Tại sao chị lại nói được tiếng Việt giỏi như thế ?”

Cô Sandra còn nói : “Tôi cũng biết nấu vài món Việt Nam. Tôi biết ăn bún đậu mắm tôm nữa”.

Về mặt giấy tờ, Sandra vẫn là người Ba Lan nhưng bản thân cô vẫn xem mình như là người Việt Nam. Cô nói : "Tới bây giờ, tôi vẫn nghĩ quyết định ở Việt Nam là đúng đắn nhất. Tôi không tưởng tượng được nếu không phải ở Việt Nam thì ở đâu. Tôi đã ăn gần 10 cái tết ở Việt Nam, tôi là người Việt Nam rồi.”

Sandra nói một câu thật tha thiết cảm động : “Tôi xem mình là người Việt, xin cho tôi về nhà.”

Quang Già Cơ

12/31/23

Câu chuyện ngắn … cuối cùng

Trìu mến gửi về Hồng Hạnh

(Thay lời mở đầu : Blaise Pascal có nói: Le Moi est haïssable. Tạm dịch : Cái tôi đáng ghét. Thông thường tác giả khi nói về mình đều có khuynh hướng …tự đánh bóng chút đỉnh, không ít thì nhiều. Tôi cố gắng tránh lỗi lầm cổ điển này. Và câu chuyện tôi kể sau đây có thật 100%. Đọc xong, nếu quý vị tin thì may mắn cho tôi lắm. Bằng không, tôi bóp bụng chịu chứ biết thưa kiện cùng ai?)

Các cụ mình có dạy : Nhân sinh bát thập cổ lai hy. Xưa nay ít ai sống quá 80 tuổi. Vậy mà vợ tôi đã cà rịch cà tang vượt qua mức này nhưng dọc đường gió bụi vô tình lại móc ngoéo thêm trên vai một căn bệnh bất trị: Bệnh tiểu đường. Rầu thúi ruột. Hơn 40 năm rồi. Viết như vậy để mọi người thấy ngay sức khỏe của vợ tôi rất mong manh.

Tôi sợ vợ tôi té nên lúc nào cũng ở bên cạnh dìu bà ấy. Nhiều người thấy hai cụ già tóc bạc đi bên nhau, la lên: trông TÌNH TỨ QUÁ. Nhiều chiếc xe còn chạy chậm lại, kéo kính xuống và bóp còi: LÃNG MẠN GHÊ ! LÃNG MẠN GHÊ!!. Tôi chỉ còn biết giơ tay chào lại và cười như …MẾU. Tôi không nặng phần trình diễn như mọi người tưởng.. Tôi làm như vậy chỉ vì ….trên phương diện toán học cũng như vật lý học, bốn chân..vững hơn ..hai chân. Tình tứ gì đâu. Lãng mạn chỗ nào? Quá thực tế thì có. Vợ tôi mà té, gãy xương phải đi xe lăn là..đời tôi KHỐN NẠN !!!..

Còn tôi? Một cậu học sinh, ở tiểu học chuyên đá banh (1) trước sân Ga Dalat với trái tennis. Trụ gôn là hai cục gạch.“Cầu thủ “là những đứa trẻ lối xóm cùng tuổi. Lên trung học, đại học, “ngon lành “hơn, có giày dép, đai nịt đình huỳnh để tranh tài cùng các trường bạn. Sang Mỹ, tôi làm cho một hãng thuốc tây: the Upjohn Company (2). Đây là một công ty lớn có cả chục ngàn nhân viên. Nghiệp chướng chưa để tôi yên. Số là hãng tôi có lập 12 đội đá banh, gọi league để đấu với nhau. Tôi thuộc một thành viên trong league đó, tuy không giỏi hơn ai nhưng lâu lâu cũng làm bàn một vài trái đủ để đồng đội cũng biết mặt, biết tên.

Sức khoẻ tôi như đã tả trên tạm gọi là ổn nên tôi dùng để chăm sóc người vợ hiền, người vợ đã từng chung sống với nhau hơn 56 năm mà không một lần lớn tiếng (4). Chăm sóc cho vợ thật kỹ là hợp tình, hợp cảnh và hợp lý nhất rùi ! Thắc mắc làm chi cho mệt?

Chúng tôi vào một tiêm ăn trung bình gần khu Phúc Lôc Thọ. Vợ tôi có vẻ hơi mệt. Nhìn mặt tôi đoán chừng lượng đường nàng hơi thấp (3). Nhưng không nói ra sợ nàng lo.. Lát nữa về tôi sẽ thử máu cũng không trễ. Nhà gần mà!

Người bồi bàn thấy khách mới vào bèn mang tờ thực đơn tới. Tôi gạt đi, cười: tôi thuộc rồi.

• Cho tôi một đĩa bún tôm thịt nướng. và một tô bún bò Đà Nẵng.

• Chắc ông muốn nói “ bún bò Huế

• Xin lỗi tôi nói nhầm.. Bún bò Huế.

Khổ quá, tôi luôn luôn bị ám ảnh bởi cuộc di tản kinh hoàng năm 75. Nếu tôi không nhanh chân, chạy vào được đến Đà Nẵng thì đã bị mấy bố Việt Cộng vồ được ở Huế và gửi đi học tập cải tạo ..: Mút mùa Lệ Thủy “. Lúc đó hết …ti toe.

Thức ăn được mang ra. Tôi nói:

Em cứ từ từ mà ăn. Không gấp. Mình chẳng có hẹn với ai.

Tôi nếm thử nước dùng, đang suýt soa vì tương ớt quá cay thì bỗng có một bà khoảng trên dưới 50 tuổi lại chào. Bà có thân hình gọn gàng, tóc tai chải chuốt, ăn mặc đúng mode. Phải nói ngay bà không đẹp nhưng dễ nhìn và chiếm được cảm tình của người đối diện..

• Con kính chào hai bác.

• Dạ chào bà, tôi đáp

• Con ngồi chiếc bàn ngay đằng sau hai bác.

• – ???

• – Và con vô tình thấy hết, từ đầu chí cuối.. Con thấy bác xuống xe, đi vòng ra sau mở cửa cho bác gái xuống, dìu bác gái vào tiệm, bác chọn bàn này.. .

• Nghe đến đây tôi cảm thấy thực sự không thoải mái vì có làm gì nên tội đâu để bị theo dõi.

• – ????

• – Bác cẩn thận lau muỗng, đũa bằng giấy napkin.

• Nghe đến đây, tôi hết bình tĩnh định đứng dậy phản đối thì bà ta giơ tay ra hiệu: –

• Xin cho con được nói tiếp.

• – Ba con làm giống hệt bác trai, chiều Mẹ con hết mình.

• Tôi bỗng ân hận, hơi nóng nảy bèn đổi thái độ và cách ưng hô

• Thế hai bác đâu rồi?? Hai bác có khoẻ không, con?

• Giọng cô gái lạc hẳn đi : Ba má con mất hết rồi.

À, ra thế! Bây giờ thì chính tôi lạc giọng’

• Hai bác xin chia buồn cùng cháu.

• Mấy giây nặng nề trôi qua.

• Con đến xin bác một hân hạnh:

• ????

• Con xin được trả tiền cho bữa ăn này!

Tôi … nhẩy nhổm lên:

– Ấy chết! Ai lại làm như vậy? Hai bác không quen con, không biết con là ai lại nhận tiền của con. Rất tiếc bác không nhận được.

– Con NĂN NỈ

Tôi cứng rắn, lắc đầu:-

Cũng không được.!!

Nhưng con đã trả tiền rồi.

Nói xong cô gái lạ lễ phép chào chúng tôi trở lại bàn và nhẹ nhàng cầm sắc ra về. Đến cửa cô còn quay lại, ra dấu chào.

Vợ chồng chúng tôi bối rối nhìn nhau. Bây giờ phải tính sao? Không dám dứng dậy ra về vì sợ nhà hàng gọi cảnh sát thưa chúng tôi ăn quịt.

Tôi quyết định chớp nhoáng: Coi như không có chuyện gì xày ra. Và ra quày tính tiền thanh toán hóa đơn.

Bà chủ tươi cười: Hai bác khỏi phải trả vì bà ban nãy đã trả rồi.

Chúng tôi cám ơn và ra về. Khi ngồi trong xe, tôi nói với vợ tôi:”Mình sẽ lấy trọn số tiền này cho người nghèo. Và anh sẽ viết lại câu chuyện này tặng Em. Không thêm không bớt. Đây là câu chuyện cuối cùng trong đời anh. Anh sẽ gác kiếm, à quên gác bút không viết nữa. MỆT RÙI!!.

Hà Mai Kim

Mùa Giáng sinh 2023

• (1) Người Mỹ gọi là soccer.

• (2) Hãng này bào chế ra Linconcin, Depo Provera v v

• Mấy cụ Thầy chích chắc còn nhớ

• (3)Lượng đường khoảng 100-125 mcg/ml thì tốt

• (4) Không một lần lớn tiếng : ĐÚNG nhưng nhỏ tiếng thì hơi nhiều, Thét rồi cũng quen….

12/20/23

Thương về dĩ vãng - Đám cưới sinh viên

 

Đám Cưới Của Cẩm – Liên

Không tiền, chưa nghề, đôi mắt còn ngơ ngác như mắt nai, tâm hồn còn gắn bó với đám bạn chỉ biết các trại công tác xã hội vậy mà Cẩm  dám lấy vợ. Đúng là điếc không sợ súng. Thường thì một nam sinh viên tốt nghiệp đại học và có công ăn việc làm mới nghĩ tới việc lập gia đình. Cẩm đang học năm thứ ba Chánh Trị Kinh Doanh. Lúc đó, các bạn học ai cũng biết cả hai gia đình chống đối việc hôn nhân của hai anh chị, nhưng  không ai nghĩ tại sao Cẩm lại lấy vợ sớm và vội vàng như vậy. Sau này, tôi mới biết lý do Cẩm và chị Liên làm đám cưới : Lý do chị Liên có bầu. Đám cưới Cẩm Liên vào ngày mồng 6 tháng 4 năm 1967, con trai đầu lòng của anh chị Nguyễn Tường Linh sinh cùng năm 1967.  Cẩm nói với tôi : “ Hai gia đình chống đối kịch liệt. Nhưng khi tụi moi sinh con trai thì hai gia đình dành nhau nuôi “.

Cẩm viết về đám cưới của Cẩm – Liên : “Đầu năm 1967, tôi trở về sống với gia đình trong dịp tết nguyên đán. Cha mẹ tôi biết nàng là người miền Nam ( bởi  thím dâu miền Nam gây xấu trong dòng họ bỏ chú và các con, ngoại  tình ) nên không đồng ý, bắt tôi phải bỏ nàng để cưới vợ khác do cha mẹ chọn lựa. Tôi quyết liệt phản đối vì sự kỳ thị Nam Bắc. Tôi là người có tinh thần hoạt động xã hội, cần phải công bằng không phân biệt giầu hay nghèo hoặc kỳ thị địa phương hay tôn giáo  … Trước sự quyết  liệt của tôi, gia đình  lấy tuổi của tôi và nàng đi xem bói. Thầy bói  bảo hai tuổi này không tốt. Sống với  nhau buổi đầu nghèo nàn và sẽ phải xa nhau một thời gian khá lâu. Con cái có một đứa  không mù cũng tàn tật. Là dân  đi học và hoạt động đâu có thể tin thầy bói nhảm nhí được ! Gia đình càng nhất quyết phản đối buộc tôi phải chấm dứt mối tình này. Tôi chán nản trở về Dalat sớm hơn dự trù để cho người yêu biết những khó khăn. Chúng tôi tự đồng ý kết hôn. Tôi gặp các bạn thân từng hoạt  động chung như Nguyễn Lập Chí, Mai  Kim  Đỉnh, Nguyễn Văn Sơn … để tổ chức đám cưới đơn giản không tốn kém. Các bạn đồng ý giúp đỡ. Tôi vào Viện gặp Cha Lập trình bầy nỗi khó khăn trong việc hôn nhân. Cha  Lập là người khoan dung, độ lượng nên hết lòng giúp đỡ tôi. Cho phép tổ chức tổ chức đám cưới trong Viện Đại Học tại Giảng Đường Spellman không bắt buộc phải theo nghi lễ Công Giáo. Cha hỏi tôi có cần tiền để lo đám cưới không ?  Tôi trả lời có ít ngàn tạm đủ vì không sắm sửa gì ngoài bánh trái tiệc trà. Nếu có thể  xin Cha cho con mượn chừng  3.000  đồng  để  phòng hờ. Con sẽ hoàn trả Cha ngay sau đám cưới vì các bạn mừng giúp đỡ con. Cha móc túi đếm  3.000  đồng đưa cho tôi không cần giấy tờ. Tôi về  báo tin cho các bạn biết. Ai cũng hớn hở vui mừng tiến hành đám cưới cho tôi. Tôi trao 3.000 đồng cho các bạn mà Cha Viện Trưởng vừa cho mượn  để trang trí và lập ban thờ Phật Giáo trong giảng đường dự trù tiệc cưới. Tôi lo đi in thiệp và đặt bánh cưới để chuẩn bị chỉ có một tuần. Sau  khi bàn luận  tất cả đồng ý theo nghi lễ cổ truyền. Tin tức đám cưới của tôi được loan ra, mọi người đều nhiệt liệt hưởng ứng , tự kiếm bộ vía quốc phục, khăn đóng áo dài bằng mọi cách. Riêng chúng tôi vào trường Nữ Trung Học Bùi Thị Xuân  mượn bộ đồ cô dâu chú rể  mà trường dùng để đóng kịch. Bạn gái của Nguyễn Lập Chí dẫn tôi vào trường Võ Bị Dalat mượn “ Cập Lọng “  thường dùng trong các dịp lễ Hai Bà Trưng, Vua  Quang  Trung …

Đám cưới  của chúng tôi đã được tất cả các bạn sốt sắng tiếp tay; kể cả bà chủ nhà cũng đi  lùng kiếm các bộ đồ quốc phục dùm cho đội ngũ phù dâu phù rể.  Chị Nguyễn Ngọc Thương cũng vận động gần hai chục chị từ nữ Đại Học Xá  đến Quán T2 để tiếp tay làm bánh cho tiệc cưới.  Nhóm “ Tam Quái “  mượn được chiếc trống lớn của Ấp  Đa Thiện. Một số khác tìm pháo đốt và trái khói mầu của Không Quân …Tất cả  đều bận rộn để chuẩn bị tham gia ngày cưới. Vô tình tạo cho chúng tôi một dám cưới đông đảo, linh đình, trang trọng như một đám rước có lọng che cho cô dâu chú rể  rất đặc biệt, mà từ trước tới nay chưa bao giờ thấy ở Dalat .”  

                                   

Lisa Nguyễn Văn Sơn  kể lại hôn lễ Cẩm – Liên : “ … Tôi quen Nguyễn Tường Cẩm ngay những ngày đầu khai giảng Khóa I của Trường Quản Trị Kinh Doanh và Quản Lý Xí Nghiệp, tiền thân của Trường Chánh Trị Kinh Doanh, Viện Đại Học Đà Lạt. Lý do thật đơn giản là tôi mướn căn gác gỗ của ngôi nhà 75B Võ Tánh, còn Cẩm thuê căn phòng góc dưới đất, ngay chân cầu thang gỗ bên ngoài của căn gác. Lên xuống gặp nhau thì quen liền.

Ngôi nhà 75B toàn thân bằng gỗ xẻ, hình chữ A, có đầu hồi nhìn ra đường, đối diện với Trường Nữ Trung Học Bùi Thị Xuân, sáng chiều  đứng ở cửa gác, tựa lan can cầu thang ngắm các cô Bùi Thị Xuân, xúc cảm còn hơn xem phim cinemascope eastmancolor, nên căn gác của tôi và Ngụy Văn Cứng, một công tử xứ Pleiku, ở chung đã trở thành nơi có nhiều thi nhân mặc khách đến vãng cảnh và sáng tác. Ngôi nhà cũ kỹ với mái ngói đã hầu như đen, vách bốn bề sơn xanh đã bong tróc. Phần trệt có 5 phòng, 2 phòng ở phía phải từ đường nhìn vào, ngoài là phòng của Cẩm, trong là phòng của Nguyễn Vân Cương, phòng ở phía trái, ngoài là phòng của Nguyễn Khải, trong là của Trương Duy Hào, sau này còn có thêm Hồ Phán, Trần Đại. Phòng ở giữa lớn nhất là nơi ở của chủ nhà và cô con gái, sau này cho Cẩm và Nguyễn Lập Chí thuê làm quán T2, trở thành một “Câu Lạc Bộ” sinh viên Đà Lạt. 

Sau tết 1965, tôi dọn về ở 42 Võ Tánh nhường căn gác lại cho Nguyễn Lập Chí “ lót ổ “ cho tờ Tí Ti. Tôi vẫn thường lui tới 75B để chơi với Chí và Cẩm và cùng Chí lo tờ Tí Ti. Có lẽ trong đám thân thiết này, tôi là tên nông dân Nam bộ rặt ròng. Và vì thế, là người bạn được Cẩm chiếu cố mời tư vấn tổ chức đám cưới Cẩm – Liên.   Chí và tôi góp ý là đám cưới phải được cử hành theo tập tục cổ truyền và Nam Bắc đề huề :  Nam của chị Liên và Bắc của Cẩm, không để thiếu sót bất cứ nghi lễ gì, nhưng trong tinh thần tiết kiệm. Đám cưới phải có sự hiện diện của Cai Tổng, Xã trưởng, chủ hôn, bà con hai họ, lối xóm chòm riềng đi rước dâu, có cờ lọng, trống chầu, mâm quả, khay trầu rượu, có nông dân và trẻ con bu ven đường vỗ tay, reo mừng.

Gần như cả tháng 3, bạn bè cùng chung tay chuẩn bị cho đám cưới, nhất là anh em ở nhà 75B. Thế là đám cưới diễn ra vào ngày mồng 6 tháng 4 năm 1967.

Hôm đó, trời mưa tầm tã từ trưa đến xế. Theo điềm Trời, có mưa thì có nước, có nước thì có “tiền”, mà tiền này thì là tiền duyên kiếp trước và sung túc hạnh phúc kiếp này, Sơn Râu “đoán quẻ” như vậy.  Khoảng 3 giờ chiều thì ngớt mưa, anh em bắt đầu tụ tập trước cửa trường Bùi Thị Xuân.  Đi đầu là Cai Tổng Mai Kim Đỉnh áo dài trắng, nón cối trắng, giày hàm ếch. Sau lưng là 4 chàng đồng phục áo dài thắt đai lưng, quần lững đội mâm quả do Trương Duy Hào dẫn đầu. Tiếp theo là chiếc trống chầu do Tam Quái phụ trách, Hùng và Độ quẩy đòn khiêng, Nhan Kim Hòa cầm dùi trống. Kế đó là cô dâu chú rể khăn đóng áo dài gấm, khép nép dưới 2 cây lọng do Dương Tấn Hải và Trịnh Hoàng Giang, khăn đóng áo the quần lĩnh, đảm trách.  Chú rể mặc áo thụng xanh, khăn đóng, phù rể áo dài khăn đóng. Cô dâu mặc áo thụng và mấn vàng cùng các cô phù dâu mặc theo lối thôn nữ miền Bắc. Theo sau là Xã trưởng Nguyễn Văn Thuận, áo bành tô trắng, miệng ngậm ống vố. Hàng trăm anh chị em, trăm hồng ngàn tía đủ kiểu quần là áo lụa, từ chiếc áo dài tứ thân đến chiếc áo bà ba của các chị, từ bộ quần áo thường nhật của sinh viên đến bộ đồ đen nông dân đầu quấn khăn rằn là những người tham dự đám cưới. Hai bên đường dân chúng và trẻ em đổ ra xem, chỉ trỏ, cười nói. Tưng bừng như lễ hội.

Tôi và cậu của cô dâu đi theo sau đoàn đám cưới. Cậu của cô dâu là thân nhân duy nhất lên Đà Lạt từ Mỹ Tho âm thầm dự đám cưới. Gần đến cổng Viện thì trời vừa sụp tối. Một hàng pháo hoa nổ liên hồi với dòng chữ CHÚC MỪNG LỄ THÀNH HÔN CẨM – LIÊN, quà tặng của 3 anh Lương, Khang và Long từ phi trường Liên Khương gửi lên. Cha Viện Trưởng, vợ chồng thày Ngô Đình Long đón đám cưới về Giảng đường Spellman.

Sơn Râu làm xướng ngôn viên diễn giải Lễ Tơ Hồng, được cử hành trước bàn thờ tổ tiên. Đại diện đôi bên trai gái, không phải thân quyến của hai đàng, mà chỉ là một số sinh viên có tuổi đứng ra đại diện hộ. Sau đó là những lời chúc tụng và quà bao thư đỏ của cha Viện Trưởng, các giáo sư và các bạn. 

Cuộc lễ trở nên linh hoạt và khiến người ta có cảm tưởng thời gian lùi lại 20 năm về trước, khi phái đoàn  gồm ông Chánh Tổng, chống ba tong, ngậm ống vố, mặc complet xạc kin trắng, và các thuộc hạ mặc ống cao ống thấp đội quả đến biếu và chúc tụng bằng ngôn ngữ của thời 1945 ở Lục Tỉnh.

Chủ hôn Sơn Râu đọc bài diễn văn Dạy Con Gái trước khi về nhà chồng, Mai Kim Đỉnh đọc bài Khuyên Rể rút từ luân lý Khổng Mạnh được sửa đổi đôi chút

Sau đó là tiệc vui. Trong buổi tiệc có nhạc Rock, Bebop và có khiêu vũ … 

Đọc bài viết của Nguyễn Văn Sơn, anh Trần Văn Chang email : “ Trong đám cưới đó, tôi đóng vai bố, Chị Bùi Thị Trường đóng vai mẹ. Hồi trẻ, gầy nhom nên tôi phải độn một cái gối vào bụng. Đúng là tuổi trẻ coi Trời bằng vung “

Và Email của chị Bùi Thị Trường : “….. Có lẽ tuổi trẻ đẹp vì " coi trời bằng vung ". Trong đám cưới đó anh Chang Trần đóng vai bố vợ còn tôi là mẹ chồng, cũng đầy đủ nghi lễ rước dâu .. . Một đám cưới có một không hai. Đúng không anh xui ? Rất vui được tin anh sui “.

Bùi Thị Trường, Ngô Kim Liên, Nguyễn Tường Cẩm, Trần Văn Chang

            Trích: Tuyển tập truyện ngắn "Sinh viên xa nhà" của Nguyễn Đức Quang (GC)            


Xem ảnh đám cưới.


12/19/23

Thương về dĩ Vãng - Duyên nợ

Duyên nợ là lời nói của Cẩm về mối tình của anh với cô Ngô Thị Kim Liêng. Gia đình đặt tên là Liên, nhưng ông làm giấy khai sinh ở Mỹ Tho đánh vần sai thành Liêng. Là công dân Mỹ, chị vẫn lấy tên trong giấy khai sinh Việt Nam : Liêng, chỉ bỏ đi chữ Thị. Tôi hỏi Cẩm : “ Cẩm là dân Nam Định, chị Liên là người Mỹ Tho làm việc tại Tòa Hành Chánh Đà Lạt, do đâu mà hai người quen nhau”. Cẩm trả lời : “ Bạn thân của moi, chị Kim Thoa con ông Nhất Linh, giới thiệu”.

Trong bài Thiện Chí Nguyễn Tường Cẩm, anh Tạ Duy Phong, Chánh Trị Kinh Doanh, khóa I viết :“
………………

"Trang sử mới này được viết phần mở đầu bằng một cuộc du ngoạn chèo thuyền không có kế hoạch từ trước. Nghĩa là bất thình lình gặp nhau, rủ nhau, rồi cùng đi.


Tạ Duy Phong, Kim Thoa, Kim Liên,
Nguyễn Tường Cẩm, Trần Ngọc Phong

Đó là một sáng Chủ Nhật của năm Khái Luận. Khi tôi vừa leo lên chiếc xe Jeep mượn của tòa Tỉnh từ mấy hôm trước, thì gặp Trần Thiện Tường. Bèn rủ hắn ra phố uống cà phê.

Cà phê xong. Tường đề nghị quay về Đại Học Xá kiếm mấy Trự nào còn Xu rủ đi chơi cho hết ngày chủ nhật. Vào tới nơi thấy vắng teo. Nhưng lúc ra, hắn cũng ngoắc được hai cô và một cậu bên Sư Phạm Công Giáo mà hắn quen. Lúc vừa qua khỏi trường Bùi Thị Xuân thì gặp Nguyễn Tường Cẩm và chị Kim Thoa, ái nữ của nhà văn Nhất Linh. Thế là cả bọn bẩy người cùng phóng ra khu Hòa Bình, trước đó đã đón thêm một người Bạn Gái của chị Thoa. Trên xe, Cẩm đề nghị đi suối Đam Mê chèo thuyền chơi. Và hắn lại có dịp trổ tài Thiện Chí bằng cách quyên góp tiền bạc mua bánh mì Pinic, trái cây, nước ngọt ( nhưng hắn quên không thâu tiền của tôi ). Lúc ra tới phố, lại gặp thêm Trần Ngọc Phong và bốn người nữa. Được cái chiếc xe này thuộc loại long body, nên tổng cộng 13 người vẫn … ấm áp.


Cuộc đi chơi hôm đó thật là thoải mái vui vẻ. Và tôi lại có dịp thán phục cái tài “chèo thuyền“ rất nhà nghề của Cẩm Thiện Chí. Hèn chi báo Thế Giới Tự Do đăng khen ngợi tài ba của hắn ! Không biết hắn học được từ lúc nào mà … chèo giỏi quá ! Các Mợ ngồi trên đó đều phục lăn. Và tất nhiên có cả người bạn gái của chị Thoa. Tôi thấy hai người dọi đèn vào nhau lia lịa. Bèn nhủ thầm :” Phen này chắc là mày … hết đường sống như tụi tao rồi Nguyễn Tường Cẩm ơi ! “. 

*****

Tới lượt về thì một chuyện không may xẩy ra. Trời hơi âm u và hình như có tí mưa phùn rải rác. Tôi đã lái qua khỏi đoạn đường có thác Prenn ngoằn nghòe rồi. Nên cứ yên trí là về tới nơi bình an vô sự. Nào ngờ ! Vừa qua khỏi bót Cảnh Sát độ vài trăm thước trước khi vào thành phố, thì gặp một khúc đường chỉ hơi cong cong một chút thôi. Vậy mà bánh xe bị trơn tuột không tài nào điều khiển được nữa.

Phản ứng tự nhiên của tôi lúc đó là đạp thắng. Nhưng càng đạp, bánh xe càng chạy vòng tròn. Cuối cùng, chiếc xe bị quay đúng một vòng cộng thêm 180 độ, nghĩa là mũi xe lúc đó hướng thẳng về Sài Gòn rồi mới chịu ngừng. Và vì do sức ly tâm quá mạnh, tất cả 12 người đều bị … bay ra khỏi xe. Chỉ còn lại một mình tôi đang nắm chặt volant mà thôi. Cũng may là lúc đó chưa có một xe nào chạy qua lại.

Người bị nặng nhất là một em tên Vịnh bên sư phạm. Hai xương xườn và xương quai xanh bị gẫy. Anh em lúc đó vội vàng chặn xe lam đưa nàng vào bệnh viện ngay. Kế đó là chị Thoa. Chị bị văng vào gốc thông bên đường và đầu bị u lên một cục bằng quả mận Đà Lạt. Còn người bạn gái của chị Thoa thì cũng bị … sơ sơ chút xíu.

Mấy tuần lễ sau, tôi có dịp lại thăm chị Thoa. Và tình cờ tôi “ đọc lén “ được một đoạn trong cuốn “ Nhật Ký Đời Tôi : Ngô Thị Kim Liên “. Nguyên văn như sau : 

“ … Nhưng vì sẵn có thằng Chèo thuyền khá tài ba nó đang hốt hoảng, nó đang hùng hục xung phong tình nguyện lo lắng cho mình. Vả lại, nghĩ cho cùng mình thấy hắn cũng ngồ ngộ dễ thương !. Thấy hắn cũng tội nghiệp !. Cả ngày đôi con mắt hắn cứ vừa chớp vừa chèo, rồi lại vừa chèo vừa chớp về phía mình lia chia. Mà hình như chính mình cũng có chớp qua chớp lại với hắn … khá nhiều lần. Nhưng mình cam đoan với lòng mình là chỉ chớp vừa đủ tầm cho một mình hắn thấy. Chứ tuyệt nhiên mình không có chớp quá xa ra ngoài tiêu cự của ánh mắt hắn. Ngộ nhỡ hắn nom được, hắn sẽ hiểu nhầm lòng mình chưa có tí gì gọi là … xao xuyến với hắn !!!

Vậy thì nhân cơ hội này, mình … ngu gì mà không giả bộ đóng vai Công Chúa ! Xem cái thằng Thuyền Chài có duyên đó nó có chịu … Chẩy Ruột vì mình không ? Mình ngu gì mà không mở mắt hơi ti hí. Làm bộ rên la vừa đủ cho hắn nghe. Để thử xem hắn “Thương” mình đến cái … “Khúc” nào ? Để thử xem trái tim hắn có thực lòng cam kết sẽ Chung Thân đi ở đợ cho mình đến trọn đời hay không ? Đặng tối nay mình còn kịp chuẩn bị bắc một nhịp cầu cho hắn bước qua. Trước là có lý do chính đáng. Tối nay, hai đứa sẽ cùng nắm tay nhau đi thăm cái quả Mận của chị Thoa. Sau là lượt về chung với hắn ban đêm, mình sẽ cảm thấy được tự nhiên và … đỡ mắc cỡ hơn. Mỗi khi hắn tỏ ý muốn … Hun mình để đánh dấu cái Tình Yêu của hắn trao cho mình ngày đầu."

Trích tuyển tập truyện ngắn : Sinh viên xa nhà của Nguyễn Đức Quang (GC)