Showing posts with label Đỗ Chiêu Đức;Do Duc. Show all posts
Showing posts with label Đỗ Chiêu Đức;Do Duc. Show all posts

1/18/24

Giai Thoại Văn Chương : Bích Vân Thiên, Hàn Yên Thúy. -Truyện Tình của Phán Quan PHẠM TRỌNG YÊM

 

"Tiên thiên hạ chi ưu nhi ưu, Hậu thiên hạ chi lạc nhi lạc "

PHẠM TRỌNG YÊM 范仲淹 (989-1052) tự là Hy Văn 希文. Tổ quán ở Phần Châu, sau di dời về Ngô Huyện của Tô Châu. Ông là nhà Văn học và là nhà chính trị kiệt xuất của thời Bắc Tống. Văn võ song toàn, trí dũng hơn người, bất cứ là ở trong triều hay ngoài biên cương đều chu toàn trách nhiệm một cách xuất sắc. Ông vận động cho sự đổi mới của Khánh Lịch Cách Tân, mở đầu cho Hy Ninh biến pháp của Vương An Thạch sau nầy.

Sự thành tựu về mặt văn học của ông cũng rất đột xuất nổi trội. Ông đề xướng chủ trương "Tiên thiên hạ chi ưu nhi ưu, Hậu thiên hạ chi lạc nhi lạc 先天下之憂而憂,后天下之樂而樂". Có nghĩa là người ra làm quan, là phụ mẫu chi dân thì phải biết "Lo cái lo trước thiên hạ và Vui cái vui sau thiên hạ". Với cái tiết tháo và tư tưởng nhân hòa nầy đã ảnh hưởng rất lớn đến tư tưởng của các đời sau.

Phạm Trọng Yêm cũng nổi tiếng là một ông quan nghiêm minh chính trực, xử án như thần, khiến cho ông quan cùng thời là Bao Chửng 包拯, nổi tiếng là Bao Thanh Thiên 包青天 cũng phải bái phục và xem ông như là bậc thầy trong xử án. Truyện kể...

Trong một lần gặp nhau ở phủ Khai Phong, Bao Chửng đã nói với Phạm Trọng Yêm rằng :"Hy Văn huynh, nghe nói anh là người túc trí đa mưu, thông minh chính trực, xử án như thần. Hiện trong phủ tôi đang xảy ra một vụ án gia đình rất nhiêu khê, tôi không biết phải xử lý như thế nào, nhờ anh giúp hộ cho". Phạm Trọng Yêm vui vẻ nhận lời. Vụ án như thế nầy :
Đất Càn Châu của tỉnh Thiểm Tây có hai anh em nhà họ Thường; Anh là Thường Tụng Ân, em gái là Thường Ái Hoa. Cha mẹ mất sớm, anh em sống nương tựa lẫn nhau. Thường Tụng Ân có vợ là Trương Thị; Thường Ái Hoa lấy phải chồng nhà nghèo, nên thường về nhà anh nhờ giúp đỡ gạo tiền. Thường Tụng Ân thương em nên luôn sẵn lòng giúp đỡ, nhưng bà chị dâu Trương Thị thì lại bất mãn vì cô em chồng cứ trường kỳ nhờ vả mãi. Một hôm, biết cô em chồng lại sắp đến mượn gạo mượn tiền, nên Trương Thị đã đến miếu Thành Hoàng cạy cho ngạch cửa bung ra rồi chỉ gá sơ lại. Khi thấy cô em chồng đến mượn gạo thì giả vờ nói là trời sắp trở lạnh, nên nhờ cô em chồng tiếp may dùm vài chiếc mền mới. Dĩ nhiên là Ái Hoa vui vẻ nhận lời. Trong khi cắt vải nhồi bông, Trương Thị cố ý chìa ngón tay có đeo chiếc nhẩn vàng cho cô em chồng trông thấy, rồi khi may thì lại lén dấu nó vào trong góc mền. Khi đã giúp chị dâu may xong mấy chiếc mền, Ái Hoa định từ biệt để ra về, thì Trương Thị lại hô hoán lên là mất chiếc nhẫn vàng, rồi luôn miệng cho là cô em chồng đã lén lấy cắp của mình. Sau một hồi đôi co, hai chị em cùng kéo nhau đến miếu Thành Hoàng để thề. Ái Hoa thề rằng : Nếu mình lấy cắp chiếc nhẫn vàng của chị dâu thì khi ra cửa sẽ bị té cho gãy chân. Thề thốt xong hai người cùng ra cửa. Trương Thị đi trước một bước đạp cho ngạch cửa bung lên, Ái Hoa đi sau vấp phải ngạch cửa té nhào xuống đất gãy mất chân phải, đau tới thấu xương, nhưng Trương Thị thì lại nghiến răng nói rằng : Đáng đời cho đứa ăn cắp, thề đâu thì lại có đó ngay, không ăn cắp sao lại vừa thề đã té gãy chân. Bèn khóc bù lu bù loa về kể lể với chồng. Thường Tụng Ân biết em gái mình hồi nào đến giờ rất ngay thẳng thực thà, nhưng sự việc rành rành trước mắt cũng không biết nói sao, chỉ quảy theo túi gạo rồi đưa cô em gái về lại nhà chồng. Mấy hôm sau, Trương Thị vẫn không chịu bỏ qua vì thấy mình đúng lý và vì muốn làm cho cô em chồng sắp tới không còn dám vác mặt đến nhờ cậy nữa, nên bèn thưa lên Bao Công nhờ phân xử.

Phạm Trọng Yêm tiếp nhận vụ án. Cho đòi hết ba người lên công đường chờ xét xử. Đầu tiên, Phạm Trọng Yêm quan sát nét mặt của từng người một một cách cẩn thận, Đoạn ông lấy ba tờ giấy trắng vẽ lên ba chiếc vòng tròn rồi phát cho mỗi người một chiếc, lệnh cho đứng qua một bên chờ thẩm án. Trước tiên, ông cho đòi Thường Ái Hoa qùy trước công đường chờ xét hỏi. Ái Hoa qùy dưới công đường gần một tuần trà vẫn không nghe quan hỏi gì, bèn len lén nhìn lên, thấy hai bên công sai đứng nghiêm chỉnh mặt đầy sát khí, còn quan phủ thì đang quắc mắt nhìn mình, thất kinh cúi xuống không dám nhìn lên nữa. Đợi đến một thôi một hồi, vẫn không thấy quan hỏi gì, bèn đánh bạo thưa rằng : Đại Lão Gia đòi dân phụ đến công đường sao không tra hỏi gì cả vậy? Phạm Trọng Yêm bèn nghiêm nghị bảo rằng : Ta đâu cần phải tra hỏi, ngươi cứ nhìn vào tờ giấy mà ta đưa cho ngươi rồi cứ thành thật mà nói cho ta biết. Ái Hoa thấy trên tờ giấy có một vòng tròn như cái miệng giếng bèn thưa rằng : Bẩm Đại lão Gia, trên thế gian nầy quả có lắm chuyện không thể nào làm cho rõ ràng được, cái vòng tròn của lão gia vẽ như là một miệng giếng, cái oan ức của dân phụ ngày hôm nay chắc sẽ chìm sâu dưới đáy giếng nầy mà sẽ không bao giờ rửa sạch được. Phạm Trọng Yêm nghe xong gụt gặt đầu bảo tả hữu : Dẫn nàng ta xuống, rồi cho đòi Thường Tụng Ân lên công đường. Thường Tụng Ân cũng qùy mãi mà chẳng nghe quan lão gia hỏi gì cả, bèn cả gan đánh tiếng rằng : Bẩm Đại Lão Gia sao không tra hỏi gì cả vậy ?! Phạm Trọng Yêm đáp rằng : Ngươi cứ nhìn vào tờ giấy mà ta đã đưa cho người đó, rồi nói thẳng cho ta biết là được rồi !. Thường Tụng Ân nhìn vào cái vòng tròn một lúc rồi như có chút cảm xúc mà bẩm rằng : Cái vòng tròn nầy giống như là gia đình của tiểu dân đây, chỉ có ba người, hai vợ chồng tiểu dân và cô em gái. Tiểu dân cứ như bị xoay quanh cái vòng lẩn thẩn giữa cô em gái khốn cùng và bà vợ câu mâu mãi suốt ngày này qua tháng nọ mà không bao giờ thoát ra được. Phạm Trọng Yêm bèn cho Tụng Ân lui xuống và cho gọi Trương Thị lên công đường. Trương Thị vừa bước lên công đường thì Phạm Trọng Yêm đã gỏ mạnh miếng gỗ xuống bàn và quát lơn : Quỳ xuống ! Hai bên hai hàng công sai lại đồng thanh hô vang : Uy vũ ! Trương Thị hồn phi phách tán vội vàng qùy ngay xuống chờ thẩm vấn, nhưng vẫn như hai lần trước, quỳ mãi mà chẳng nghe quan hỏi han gì cả. Trong bụng hồ nghi thấp thỏm không yên. Lén nhìn lên thì thấy quan đang quắc mắt nhìn mình, nên trong lòng càng kinh hãi. Được thêm một lúc mới dám đánh bạo mà hỏi rằng : Bẩm Đại Lão Gia sao không tra hỏi gì cả vậy ?. Phạm Trọng Yêm bèn nạt rằng : Sao không tra hỏi ?! Ngươi cứ theo những gì mà ta đã vẽ nói thực ra hết là được rồi ! Trương Thị càng kinh hãi hơn, nhìn vào cái vòng tròn như cái thòng lọng, trong bụng hồ nghi mười phần là quan đã đoán được việc làm của mình, bèn thành thực khai rằng : Qủa tình tôi đã bày ra cái thòng lọng này cho cô em chồng nhảy vào để giựt giây, vì tôi không chịu nỗi cô ta cứ lẽo đẽo đi theo nhờ cậy xin xỏ mãi. Tôi muốn làm một trận dứt khoát cho từ rày tới sau cô ta không còn theo làm phiền vợ chồng chúng tôi nữa. Mong Đại Lão Gia soi xét mà châm chước cho tôi nhờ.

Thế là mọi việc đều rõ ràng chỉ nhờ vào ba cái vòng tròn được vẽ trên giấy. Bao Chửng thấy Phạm Trọng Yêm xử án một cách thông minh nhe nhàng mà hiệu quả. Trong lòng thực sự tâm phục khẩu phục mà nói rằng :" Các hạ quả là bực thầy xử án mà ta cần học tập".

 Bao Chửng (Bao Công)  
Tương truyền sự nghiêm minh chính trực của Phạm Trọng Yêm rất được dân chúng ca tụng và kính phục, nên khi chết đã được vinh danh cùng Khấu Chuẩn cũng là một danh thần đương thời được thờ phụng trong thành Phong Đô của Diêm Vương như một Phán Quan dưới âm tào địa phủ.

Về mặt văn chương và đời sống tình cảm, thì Phạm Trọng Yêm lại là một nòi tình chính hiệu. Khi bị biếm đi làm Tri Châu ở Nhiêu Châu. Một hôm ông buồn tình đã uống rượu ngà say rồi ghé qua kỹ viên Khánh Sóc Đường 慶朔堂. Tình cờ gặp một cô ca kỹ còn rất trẻ, nhưng lại giỏi cả cầm kỳ thi họa. Hỏi ra thì mới biết nàng tên là Chân Nguyệt Nga, chỉ mới có 12 tuổi, nhưng vì hoàn cảnh đưa đẩy nên phải sa chân vào kỹ viện. Xót thương cho hoàn cảnh và tài hoa cũng như sắc đẹp như hoa vừa mới chớm nở của nàng, nên Phạm Trọng Yêm thường tới lui thăm hỏi xướng họa. Sỡ dĩ chưa chuộc nàng ra khỏi lầu xanh, vì bà chánh thê ở nhà đang ngọa bệnh, lại nữa thân đang bị trích biếm tha phương. Năm sau được lệnh vua triệu hồi kinh sư, Phạm Trọng Yêm đã gởi lại cho nàng một hộp son phấn với bài thơ đề như sau :

               江南有美人,    Giang Nam hữu mỹ nhân,
               別後常相憶。    Biệt hậu thường tương ức.
               何以慰相思,    Hà dĩ ủy tương tư,
               贈汝好顏色.     Tặng nhữ hảo nhan sắc !
      Có nghĩa :
                   Thương thay người đẹp Giang nam,
                   Biệt ly nhớ mãi biết làm sao đây.
                   Tương tư trĩu nặng lòng nầy,
                   Tặng nàng trang điểm đong đầy dung nhan.

      Đồng thời Phạm Trọng Yêm cũng làm một bài thơ "Hoài Khánh Sóc Đường 懷慶朔堂" gởi lại cho người bạn chí thân là Ngụy Giới như sau :
 
               慶朔堂前花自栽,   Khánh Sóc Đường tiền hoa tự tài,
               便移官去未曾開。   Tiện di quan khứ vị tằng khai.
               年年憶時別離恨,   Niên niên ức thời biệt ly hận,
               祇託東風管領來。   Chỉ thác đông phong quản lãnh lai !
     Có nghĩa :
                  
                   Khánh Sóc Đường hoa kia tự mọc,
                   Chưa khai hoa ta chuyển đi rồi.
                   Năm năm tưởng nhớ hờn ly biệt, 
                   Nhờ gió đông xuân đưa đến nơi.           

       
Ngụy Giới hiểu ý của Phạm Trọng Yêm, nên hai năm sau đã âm thầm tiếp xúc với Khánh Sóc Đường chuộc Chân Nguyệt Nga ra và đưa nàng về kinh thành trao tặng lại cho Phạm Trọng Yêm. Lúc bấy giờ chánh thê của Phạm Trọng Yêm cũng đã qua đời hơn năm rồi. Đang sống cảnh độc thân gặp lại người yêu cũ, hai người cùng cảm khái ôm chầm lấy nhau kể lể nỗi niềm tưởng nhớ. Càng cảm động hơn là sau đêm tân hôn động phòng hoa chúc, Phạm Trọng yêm phát hiện ra rằng nàng vẫn còn giữ được trinh nguyên trong trắng. Nàng đã thỏ thẻ với Phạm Trọng Yêm rằng : Thời gian ở trong kỹ viện, thiếp chỉ bán nghệ chớ không bán thân. Lúc bấy giờ Chân Nguyệt Nga chỉ mới vừa tròn 15 tuổi, trong khi Phạm Trọng Yêm đã 50 tuổi rồi. Mối tình một già một trẻ lại rất khắng khích nhau trong cuộc sống hạnh phúc lứa đôi. (Đó là xã hội khi xưa, nếu là hiện nay, thì Phạm Trọng Yêm sẽ phải ra hầu tòa vì kết hôn với trẻ vị thành niên!).

Đến đời nhà Minh, Châu Hiến Vương Chu Hữu Đôn đã cảm vì chuyện tình nầy của Phạm Trọng Yêm mà soạn thành vở tạp kịch "Chân Nguyệt Nga xuân phong Khánh Sóc Đường 甄月娥春風慶朔堂" nỗi tiếng một thời.

Ngoài nổi tiếng với áng văn "Nhạc Dương Lầu Ký ra 岳陽樓記" ra, Phạm Trọng yêm còn rất nổi tiếng với những bài từ trữ tình ướt át không thua gì thơ mới của thời hiện đại. Cụ thể như bài "Tô Mạc Già. Bích Vân Thiên 蘇幕遮 · 碧雲天" đã được nữ sĩ Quỳnh Dao lấy làm tựa đề cho hai quyển tiểu thuyết ngôn tình "BÍCH VÂN THIÊN 碧雲天" và "HÀN YÊN THÚY 寒烟翠" (Bên Bờ Quạnh Hiu) rất nổi tiếng được quay cả thành phim và đưa vào nghệ thuật Cải Lương của ta nữa. Bài từ đó như sau :

碧雲天,黄葉地,          

Bích vân thiên, hoàng diệp địa,

秋色連波,波上寒烟翠。 

Thu sắc liên ba, ba thượng Hàn Yên Thúy.

山映斜陽天接水,          

Sơn ánh tà dương thiên tiếp thủy,   

芳草無情,更在斜陽外。 

Phương thảo vô tình, cánh tại tà dương ngoại.

黯鄉魂,追旅思,          

Ảm hương hồn, truy lữ tư,

夜夜除非,好夢留人睡。 

Dạ dạ trừ phi, hảo mộng lưu nhân thụy.

明月樓高休獨倚,

Minh nguyệt lâu cao hưu độc ỷ,

酒入愁腸,化作相思淚。 

Tửu nhập sầu trường, hóa tác tương tư lệ !


               Có nghĩa :
           Trời mây xanh biếc, đất phủ lá vàng,
           Sắc thu làm gợn sóng, trên sóng khói sóng xanh lơ.
           Sắc núi phản chiếu nắng chiều trong cảnh trời nước như liền nhau.
           Cỏ non mơm mởn vô tình như đang ở ngoài ánh nắng chiều.
           Hồn quê mòn mỏi, đất khách nhớ mong,
           Đêm đêm đều chẳng có được giấc mộng đẹp để an giấc.
           Lầu cao trăng sáng thôi đừng tựa cửa ngóng trông,
           Rượu vào trong ruột âu sầu lại hóa thành những giọt lệ tương tư lên mắt !

* Diễn Nôm :
                  Trời xanh biếc, lá vàng hoe,
                  Nước thu gợn sóng, trên sông khói sóng nhòe.
                  Núi ửng nắng chiều trời liền nước,
                  Cỏ non mơn mởn, bỏ mặc nắng chiều về.

                  Hồn quê ngẩn, khách sầu ngơ,
                  Đêm đêm khó ngủ, giấc mộng chẳng thành mơ.
                  Trăng sáng lầu cao thôi ngóng đợi,
                  Rượu vào ruột đứt  hóa lệ tương tư mờ !

* Song Thất Lục Bát :
                      Trời mây biếc lá vàng đầy đất,
                      Sóng thu xanh chất ngất xanh lơ,
                      Nắng chiều trời núi như thơ,
                      Cỏ non mơn mởn nắng mờ xa xa.

                      Hồn nhớ quê xót xa lữ thứ,
                      Đêm đêm buồn khôn ngủ khó mơ,
                      Lầu cao trăng sáng ngẩn ngơ,
                      Rượu vào ruột đứt lệ mờ tương tư !
                                                            Đỗ Chiêu Đức diễn Nôm.

Bích vân Thiên (chuyển thể Cải Lương với Vũ Linh)    
                 
        Phạm Trọng Yêm chẳng những là nhà chính trị, quân sự tuyệt vời, là một ông quan thanh liêm nghiêm minh chính trực, mà còn là một nhà văn học, nhà thơ, nhà từ tuyệt vời của thời Bắc Tống nói riêng, của nền văn học Trung Hoa nói chung. Hễ nhắc đến Phạm Trọng Yêm là người ta nghĩ ngay đến "Nhạc Dương Lâu Ký 岳陽樓記", mà hễ nhắc đến "Nhạc Dương Lâu Ký" là người ta lại nghĩ ngay đến câu : "Tiên thiên hạ chi ưu nhi ưu, Hậu thiên hạ chi lạc nhi lạc 先天下之憂而憂,后天下之樂而樂". 

Còn giới trẻ hiện nay, nhắc đến nữ sĩ Quỳnh Dao là mọi người đều biết đến hai quyển tiểu thuyết ngôn tình tuyệt vời của bà là "BÍCH VÂN THIÊN 碧雲天" và "HÀN YÊN THÚY 寒烟翠" (Bên Bờ Quạnh Hiu), nhưng lại không biết tựa của 2 quyển tiểu thuyết đó có xuất xứ từ bài từ "Tô Mạc Già. Bích Vân Thiên 蘇幕遮 · 碧雲天" của Phạm Trọng yêm bao giờ !

Đỗ Chiêu Đức

8/30/23

RẰM THÁNG BẢY

 

Rằm tháng 7 là ngày 15/7 Âm lịch, là một ngày lễ quan trọng của Phật giáo và tín ngưỡng dân gian Việt Nam. Ngày này có nhiều tên gọi khác nhau, như Lễ Vu Lan, Lễ Xá Tội Vong Nhân, Lễ Cúng Cô Hồn, hay Tiết Trung Nguyên.
    
Theo lịch dương, rằm tháng 7 năm 2023 sẽ rơi vào thứ tư, ngày 30/8/2023.

 


   

Giao Mùa

Hôm nay đang độ giao mùa
Vu Lan tháng bảy cũng vừa tròn trăng
Biết người có nhớ ta chăng
Riêng ta thờ thẫn nhìn trăng nhớ người
Trăng Xanh (*) tỏa ánh sáng ngời
Thiếu người chung ngắm nên đời mất vui!
Hỏi người tri kỷ xa xôi
Trên kia có thấy là tôi đang buồn?
Tôi đang ngăn giọt sầu tuôn
Để ai nhẹ bước trên đường vãng sanh
Ngắm trăng nhớ khoảng trời xanh
Nhớ thời cắp sách chúng mình tung tăng
Đêm về cùng ngắm vầng trăng
Bên hồ tâm sự, bao lần cười vui...

Trăng ơi ngày ấy xa rồi
Sao ta cứ mãi nhớ người tri âm?

Nhan Ánh Xuân
Cali 31/08/2023
(*) Blue Moon.



Từ đời thượng cổ, Rằm Tháng Bảy là ngày Lễ Tế Tổ 祭祖節, cúng tế ông bà vì đã bắt đầu mùa thu hoạch; Và vì tháng bảy là tháng bắt đầu cho giữa năm về sau nên được gọi là TRUNG NGUYÊN TIẾT 中元節; Ta gọi là Tiết Trung Nguyên. Theo thuyết TAM NGUYÊN 三元 của Đạo Giáo bắt nguồn từ đời Đông Hán là : Thiên quan thượng nguyên tứ phước, Địa quan trung nguyên xá tội, Thủy quan hạ nguyên giải ách 天官上元賜福,地官中元赦罪,水官下元解厄. Có nghĩa : Thượng Nguyên (Rằm tháng giêng) tế các quan trên trời nhờ ban phước lộc; Trung Nguyên (Rằm tháng bảy) tế các quan dưới đất mong được xá tội; Hạ Nguyên (Rằm tháng mười) tế các quan dưới nước cầu xin giải hết mọi tai ách. Sau đời Hán khi Phật giáo đã du nhập và được tryền bá rộng rãi trong dân gian rồi, thì gọi ngày Rằm Tháng Bảy là ngày VU LAN BỒN TIẾT 盂蘭盆節, ta gọi là ngày Lễ Vu Lan, ngày xá tội vong nhân là tha tội cho người chết, nên mới có tục lệ cúng Cô hồn Ngạ qủy 孤魂野鬼, là các hồn phách cô đơn và những con ma đói.

Theo Kinh Chu Dịch, thì số 7 là con số của biến hóa phục sinh : "Phản phúc kỳ đạo, thất nhựt lai phục, thiên hành dã 反覆其道,七日來複,天行也。Có nghĩa : Cái đạo ngược xuôi tuần hoàn, trong bảy ngày sẽ trở lại, đó là vận hành của trời". Nên số 7 là số DƯƠNG, khí dương của trời đất tiêu hao và mất đi thì trong 7 ngày sẽ tái sinh có lại. Đó là sự tuần hoàn của ÂM DƯƠNG TIÊU TRƯỞNG 陰陽消長. Số 7 còn có sắc thái thần bí riêng mình như : Trên trời thì có THẤT TINH 七星, con người thì có THẤT TÌNH 七情, Cơ thể thì có THẤT KHIẾU 七竅, đến âm nhạc cũng có THẤT ÂM 七音, màu sắc cũng có THẤT SẮC 七色 (7 màu)... Nên theo Đạo giáo thì Tiết Trung Nguyên là ngày 14 (7+7) tháng 7, còn Tiết Vu Lan Bồn là ngày 15 (rằm) tháng 7.

Tóm lại, tháng 7 là tháng bắt đầu thu hoạch nông phẩm; Người nông dân ngày xưa tin tưởng vào việc nông phẩm bội thu là do thần linh tổ tiên phù hộ, nên mới nhân dịp đầu Thu dùng những nông phẩm mới thu hoạch được hiến dâng lên để cúng tế ông bà tổ tiên cầu mong cho năm sau lại được mùa bội thu; Vì thế mà hình thành ngày Rằm Tháng Bảy là ngày LỄ TẾ TỔ. Đến đời Đông Hán theo thuyết "TAM NGUYÊN" của Đạo Giáo nên mới gọi TIẾT TRUNG NGUYÊN; Kịp đến khi Phật Giáo hòa nhập vào dòng tín ngưỡng của dân gian, thì ngày Rằm tháng bảy mới được gọi là LỄ VU LAN BỒN. Ba cái tục lệ tín ngưỡng nầy truyền đến đời Đường thì hợp nhất lại vào ngày Rằm Tháng Bảy : Dân gian thì cúng tế ông bà tổ tiên; Đạo giáo thì cúng tế các Địa Quan, các thần linh dưới đất để cầu xá tội; Phật Giáo thì cúng cô hồn ngạ qủy, xá tội vong nhân. Nói chung, tất cả mục đích cuối cùng đều xoay quanh hiếu đạo và nhớ đến cha mẹ ông bà tiên tổ mà ăn ở cho phải đạo làm người.
Đến tháng bảy thì mọi người đều muốn trở thành hiếu tử, ai cũng tỏ ra hiếu kính đối với ông bà cha mẹ như bài thơ "Trung Nguyên Tiết 中元節" của Tống Học Nghĩa 宋學義 sau đây :

草木升溫金漫坡, Thảo mộc thăng ôn Kim Mạn Pha,
借籌祭祖賞山河。 Tá trù tế tổ thưởng sơn hà.
百思不解紅塵事, Bách tư bất giải hồng trần sự,
一到中元孝子多。 Nhất đáo Trung Nguyên hiếu tử đa !
Có nghĩa :
Kim Mạn lên gò ấm cỏ hoa,
Trên cao cúng Tổ ngắm sơn hà.
Nghĩ hoài không hiểu đời sao lạ...
Hễ đến Trung Nguyên hiếu tử đa !









Leo lên gò Kim Mạn nhiều hoa cỏ, mượn cớ để cúng mả cho Tổ Tiên mà nhìn ngắm cảnh núi sông; Nghĩ hoài cũng không sao hiểu được chuyện trên đời nầy, hễ cứ đến Tết Trung Nguyên thì ai cũng tỏ ra mình là người con có hiếu cả !

Thường các lễ hội cúng bái cầu đảo đều diễn ra ở bên ngoài các Đạo Quán 道觀 (là Chùa của các đạo sĩ tu luyện) với các tục lệ như thả đèn trời, thả đèn hoa đăng dưới nước... cùng với các nghi thức Tế Địa Quan của các Đạo Trưởng như trong bài thơ "Trung Nguyên Nhật tặng Trương Tôn Sư 中元日贈張尊師" của Lệnh Hồ Sở 令孤楚 như sau :
         
               偶來人世值中元,    Ngẫu lai nhân thế trực Trung Nguyên,
               不獻玄都永日閒。    Bất hiến Huyền Đô vĩnh nhật nhàn.
               寂寂焚香在仙觀,    Tịch tịch phần hương tại tiên quán,
               知師遙禮玉京山。    Tri sư dao lễ Ngọc Kinh san.
   Có nghĩa :
               Nhân gian nhằm lễ Trung Nguyên,
               Huyền Đô tạm gác lặng yên cả ngày.
               Khói hương đạo quán không ai,
               Biết thầy đã lễ tận đài Ngọc Kinh.
 
Ngọc Kinh Sơn là tên của núi Huyền Đô nằm trong dãy núi Côn Luân. Theo Đạo Giáo tương truyền đây là nơi của những người đắc đạo thành tiên ở, là nơi giáp ranh với Thiên đình trên trời.
 
Việt Nam ta không có lệ thả đèn trời, nhưng trong dân gian lại có tục Thắp Đèn Trời, có nghĩa là khi thắp nhang cúng xong thì để yên các ngọn đèn và hương hoa ở ngoài trời cho đến sáng, như câu ca dao Nam Bộ sau đây :

                     Mỗi năm mỗi thắp đèn trời,
                 Cầu cho cha mẹ sống đời với con !

Đây cũng là cách đơn giản chân thành biểu hiện tấm lòng của người con hiếu thảo đối với công ơn sinh thành dưỡng dục của mẹ cha. 

Tết TRUNG NGUYÊN truyền sang đến Việt Nam ta thì không còn mang sắc thái của Đạo giáo nữa mà hoàn toàn thiên về các nghi thức cúng bái cầu an của Phật Giáo; đặc biệt là đối với cha mẹ thì đây là mùa "Vu Lan Báo Hiếu"; chữ Nho gọi là VU LAN BỒN 盂蘭盆 : Còn gọi là VU LAN BỒN HỘI 盂蘭盆會 hay VU LAN THẮNG HỘI 盂蘭勝會. Căn cứ theo ghi chép của "Phật Thuyết Vu Lan Bồn Kinh 佛说盂蘭盆经",Vu Lan Bồn 盂蘭盆 là(ullambana)Tiếng Phạn là उल्लम्बन,Nghĩa gốc của VU LAN là "Treo Ngược", BỒN là "Cái Chậu", nên VU LAN BỒN 盂蘭盆 là: Cái Chậu dùng để đựng đầy ngũ qủa bách vị để cúng dường Phật Đà và Tăng Lữ để cùng cứu khổ cứu nạn cho chúng sinh bị treo ngược dưới địa ngục Âm Phủ được siêu sinh hóa kiếp.

VU LAN BỒN theo PHẬT GIÁO 佛教 là ngày rằm tháng 7 Âm lịch, ngày xá tội vong nhân, thí thực cho cô hồn ngạ quỷ, nhưng theo ĐẠO GIÁO 道教 ngày rằm tháng 7 gọi là Tiết Trung Nguyên, là ngày đản sinh của Địa Quan Đại Đế 地官大帝, nên có lệ tế đất đai và cúng bái người chết, còn theo NHO GIÁO 儒教 thì là mùa thu hoạch, nên con cháu cúng tế ông bà tổ tiên. Kết hợp Tam Giáo và các tục lệ dân gian lại, nhưng nhộn nhịp nhất vẫn là hoạt động của các chùa chiền trong lễ hội Vu Lan với sự tích Mục Kiền Liên cứu mẹ 目犍連救母.
  
Mục-Kiền-Liên (tiếng Pali : Moggallāna; Tạng ngữ: མོའུ་འགལ་གྱི་བུ་, Hán tự : 目犍連; tên Latinh hóa : Maudgalyayana, Mahāmoggallāna hay Mahamaudgalyayana) hay gọi tắt là Mục-Liên (目連) (Sinh khoảng năm 568 - mất khoảng năm 484 trước Công nguyên ở nước Magadha, nay thuộc miền Bắc Ấn Độ) là một vị Tỳ-kheo của Phật giáo trong thời kỳ Phật Thích-Ca Mâu-Ni tại thế. Cùng với tôn giả Xá-Lợi-Phất 舍利弗, Mục-Kiền-Liên là một trong 2 đệ tử hàng đầu của Phật Thích-Ca. Ông đã đắc quả A-la-hán và trở nên nổi tiếng là bậc "Thần thông đệ nhất" (Manda Galỳayana) trong hàng Thanh văn đệ tử của Đức Phật.

Theo truyền thuyết Phật giáo Bắc Tông, Mục-Kiền-Liên được cho là đã tu luyện thành công nhiều phép thần thông qua đó biết mẹ mình đang lâm kiếp ngạ quỷ; ông hỏi Phật Tổ về cách cứu mẹ.
Phật dạy rằng:
“Dù ông thần thông quảng đại đến đâu cũng không đủ sức cứu mẹ ông đâu. Chỉ có một cách nhờ hợp lực của chư tăng khắp mười phương mới mong giải cứu được. Ngày rằm tháng bảy là ngày thích hợp để vận động chư tăng, hãy sắm sửa lễ cúng vào ngày đó ”
Theo lời Phật, mẹ ngài được giải thoát. Phật cũng dạy rằng chúng sanh ai muốn báo hiếu cho cha mẹ cũng theo cách này (Vu Lan Bồn Pháp 盂蘭盆法 ).
Từ đó ngày lễ VU LAN ra đời.











Trong khi Phật giáo thí thực cho các cô hồn ngạ qủy bằng ngũ cốc rau củ qua quả, thì Đạo giáo lại cúng bằng "tam sên", đọc trại của từ TAM SANH 三牲 là Heo, Gà, Cá. Nhớ hồi nhỏ khi thấy mấy ông thợ mộc động thổ cất nhà thường cúng "tam sên" bằng : Một miếng thịt ba rọi luộc, một qủa trứng gà và một con khô mực (hay một con tôm luộc) để tượng trưng cho TAM SANH; Còn ở các Đạo quán thì lại cúng rất linh đình với : Một con heo quay, một con gà luộc và một con cá rán; Các Đạo quán lớn cúng bằng NGŨ SANH 五牲 thì thêm một con bò và một con dê thui nữa ! Ta hãy nghe bài thơ "Trung Nguyên Tiết Hữu Cảm 中元節有感" của Vương Khải Thái 王凱泰 đời Thanh thì sẽ rõ :

道場普渡妥幽魂, Đạo tràng phổ độ thỏa u hồn,
原有盂蘭古意存。 Nguyên hữu Vu Lan cổ ý tồn.
卻怪紅箋貼門首, Khước quái hồng tiên thiếp môn thủ,
肉山酒海慶中元。 Nhục sơn tửu hải khánh Trung Nguyên !
Có nghĩa :
Đạo tràng phổ độ u hồn,
Vu Lan cổ ý trường tồn mãi đây.
Lạ thay giấy đỏ dán đầy,
Núi thịt biển rượu mừng ngày Trung Nguyên !
   







Lượm lặt trên mạng, kể lể cho vui lúc trà dư tửu hậu. Chúc cho tất cả mọi người đều có được một mùa Lễ VU LAN BÁO HIẾU có ý nghĩa, vui vẻ và... hiếu thuận với cha mẹ cũng như được con cháu hiếu thuận với mình !

Đỗ Chiêu Đức

7/28/23

NẮNG !


Xướng:

Nắng

Suốt mấy tháng nay nắng sát ta,
Hè đang rực rỡ thói thường mà.
Bỗng thương Đồng Đế người đen đúa,
Chợt mát Hà Đông dáng ngọc ngà.
Hoàng Thị ngày xưa oi mái tóc,
Ây-Si (AC) hiện đại mát làn da.*
Tha hương khí hậu nhiều thay đổi,
Cố quốc chiều hè nhớ chuyện xa !...

Đỗ Chiêu Đức 
 07-20-2023

Ây-Si (AC) là Air Conditioning, là Máy lạnh.



Kính Họa Vận : NẮNG HÈ - THU

Cái nắng đầu Thu nóng quá ta 
Che dù thoăn thoắt dạo quanh mà…!
Tóc thề chải chuốt màu đen mượt 
Thiếu nữ “chỉn chu” vóc dáng ngà
Hơi nóng hanh hè khô mái tóc 
Mồ hôi cuối hạ mát làn da
Cô đơn lẻ bạn chân hài bước 
Hiu quạnh hồng nhan sợ cách xa…!

      MAI XUÂN THANH 
San Francisco, July 27, 2023



NẮNG

Đi đâu nắng cũng sát theo ta
Tạo bóng kề bên thật mặn mà
Nhảy nhót, lung linh vờn tóc mượt
Dấu yêu, mơn trớn đậu vai ngà
Đem làn hơi ấm xua tan rét
Rịn giọt mồ hôi thấm mát da
Những lúc bầu trời mây phủ kín
Một mình đếm bước quãng đường xa.

Sông Thu
( 27/07/2023 )

MT xin góp họa theo bài xướng của chị Sông Thu 

Nắng Hạ 
Dạo bộ trên đường nắng bám ta 
Hè đang rực rỡ vậy thôi mà 
Tung tăng múa nhảy khi chiều ngã 
Lả lướt đùa chơi lúc bóng ngà 
Gió để hoa vàng thơm mái tóc 
Mây chuyền hạ trắng ửng làn da 
Tâm hồn dịu vợi say trời đất 
Mỗi bước thiền hành tránh nghĩ xa 
              Minh Thúy Thành Nội 
                 Tháng 7/27/2023 


xin góp họa cùng chị:

NẮNG HÈ

Nắng hè đeo đuổi đốt thiêu ta
Đã có ô che, ấy vậy mà…
Người chẳng rượu đào đi tợ xỉn
Mắt hoa môi đỏ ngó ra ngà
Hằng trưa lặm lội khô cong xác
Suốt bữa lượn lờ thẫm thẫm da
Nghe cuốc than hè hao …thuốc thuốc…
Não lòng ngán ngẩm cái quan xa…

CAO BỒI GIÀ
27-07-2023

WORLD CUP NỮ 2023

 Đã qua một tuần "FIFA Women's World Cup" khai mạc (07-20-2023); Nhiều trận đấu sôi nổi đã diễn ra, nhưng lại chưa thấy có bài thơ nào "khen ngợi" "chê bai" gì cả. Xin mạn phép có một bài Xướng sau đây. Kính mời tất cả Thầy Cô Thân Hữu Đồng môn ... Vị nào có nhã hứng xin cùng họa cho vui !

XƯỚNG :


      Ngày xưa World Cup chỉ nam thôi,
      World Cup ngày nay nữ cũng chơi.
      Bậm trợn húi cua còn chạy nữa,
      Dịu dàng thục nữ mất đi rồi !
      Chọc khe áp sát khung thành địch,
      Cản phá đội đầu cướp bóng người.
      Nhất nhất như nam không nhượng bộ,
      Khiến toàn thế giới mãi mê coi !
                                    Đỗ Chiêu Đức 
                                     07-27-2023 


Kính Họa Vận : WORLD CUP

World Cup thanh niên khỏe thế thôi…!
Xưa thời vận động chỉ “Nam” chơi…!
Nào ngờ “thục nữ” hăng say chạy 
Lầm tưởng thuyền quyên đắm đuối rồi 
Áp sát, chọc khe, ngăn bóng địch 
Tranh giành cản cẳng húc vai người 
Đàn bà đứng giữa không nao núng 
Khán giả đông vui mãi miết coi…!

          MAI XUÂN THANH 
San Francisco, July 27, 2023

BÓNG ĐÁ NỮ

Nam đá, nữ nhi cũng đá thôi
Sợ gì vóc nhỏ lại không chơi !
Dẻo dai, bền bỉ nào thua sút
Khéo léo, khôn ngoan hẳn vượt rồi
Gắng sức, khả năng đâu kém bạn
Quyết tâm, thành tích trội hơn người
Tranh tài phái đẹp càng gay cấn
Thiên hạ toàn cầu thỏa mắt coi !

Phương Hà
( 28/07/2023 )