Showing posts with label truyện ngắn. Show all posts
Showing posts with label truyện ngắn. Show all posts

7/24/23

Một Mảnh Đời Hồ Dzếnh

 Trần Mộng Tú

Vào năm 1954, gia đình tôi mới di cư vào Nam thì nhận được một lá thư của Hồ Dzếnh (thời gian đầu của năm 1954-1955 Bắc-Nam còn nhận được thư).Lúc đó tôi còn bé chưa biết ông là một thi sĩ, Ba tôi nói: Có người đàn ông Trung Hoa muốn lấy thím Phương. Thím Phương của chúng tôi là vợ góa của chú Trần Trung Phương, người có tập Thơ cho học trò Mấy Vần Tươi Sáng, mà từ nhỏ anh chị em chúng tôi đã thuộc lòng nhiều bài trong đó. Khi học ở Tiểu Học được học lại ở trong lớp như những bài Học Thuộc Lòng.
Chiều qua trăng ngã xuống hồ
Bầy sao nghịch ngợm đổ xô xuống tìm
Trên không có mấy con chim
Vội vàng đâm bổ đi tìm bóng trăng. (Vội Vàng- TTP)

Lá thư của chú Dzếnh, tôi không được đọc, chỉ nghe Ba nói là một lá thư với lời lẽ hết sức lễ phép, xin phép anh chị cho em được thay anh Phương vào làm em anh chị trong gia đình. Ba tôi vốn sẵn hiền lành, nên đọc thư cảm động đến ngồi ngây người ra, không biết trả lời sao cho xứng với lá thư đó.

Chú Trần Trung Phương của tôi khi còn sống viết văn, làm báo cho thiếu nhi, hoạt động chống Pháp, bị bắt, tra tấn trong tù. Khi được thả ra thì ho lao chết ngày 24/7/1945. Lúc đó con trai mới 6 tháng tuổi. Thím Hồng Nhật, một người đàn bà có học, có nhan sắc, yêu văn chương, được tất cả các bạn văn của chồng kính nể. Mỗi năm làm giỗ chồng, thím mặc khăn áo đại tang làm giỗ, mời các bạn Văn/ Họa Sĩ của chồng như: Mạnh Quỳnh, Hữu Thanh, Tống Ngọc, Tam Lang, Khái Hưng v.v… đến dự. Ai cũng kính phục.
Thím ở vậy nuôi con, cho tới khi gặp Hồ Dzếnh. Cũng nên nhắc lại, thím Hồng Nhật cũng viết văn, làm thơ, lúc trẻ Hồng Nhật có gửi bài cho Phong Hóa và Ngày Nay là thời điểm Trần Trung Phương đang phụ trách trang Thiếu Nhi của hai tờ báo này. Duyên văn nghệ đưa đến cuộc hôn nhân đẹp nhưng quá ngắn (Không đầy 2 năm).
Khi chú mất, tôi cũng chỉ hơn em Cường một tuổi nên không biết gì cả.
Lớn lên mới biết thím là một phụ nữ đảm đang, qua bao nghịch cảnh, góa chồng, ly loạn vẫn gây dựng lại được những gì đã mất. Hiệu Sách Bình Minh 200 A, Phố Huế, nức tiếng ở Hà Nội một thời.
Vào năm 1951 thím Hồng Nhật muốn tái bản tập thơ Mấy Vần Tươi Sáng, nên có vào Nam nhờ Hồ Dzếnh đỡ đầu. Hồ Dzếnh cũng đang trong cảnh gà trống nuôi con rất vất vả. Hai người cảm thông nhau cùng hoàn cảnh góa bụa, cùng có hai đứa con trai nhỏ, cùng yêu văn chương nên nhanh chóng yêu nhau. Đầu năm 1954 Hồ Dzếnh trở về Hà Nội, cuối năm đó lập lại gia đình với thím Hồng Nhật.
Giai Thoại kể lại: Hôm đám cưới, các bạn văn cũ của chú Phương đến dự đông đủ, có một người ra câu đối: Vợ góa nhà văn lấy nhà văn góa vợ. Không ai đối được.
Cũng có thêm giai thoại nữa về cái tên Hồ Dzếnh, bạn hữu hay gọi đùa là Hồ Dính và có ra câu đối: Hồ Dính, dính hồ, hồ chẳng dính, có người đối là Ngọc Giao, giao ngọc, ngọc không giao.
Sau năm 1975 chú Dzếnh và Thím Hồng Nhật có vào Nam tìm gia đình anh chị, thì cha mẹ và chúng tôi đã sang Mỹ. Khi tôi liên lạc được với chú thím bằng thư thì cha mẹ tôi đã qua đời. Lá thư cuối tôi nhận được, chú nhờ tôi lấy tiền nhuận bút của những nhà sách bên Mỹ đã tái bản và phát hànhnhững tác phẩm cùa chú nhưng không nhà xuất bản nào trả một đồng (Các nhà xuất bản hồi đó điều nghĩ việc họ tái xuất bản sách Việt ở hải ngoại là một đặc ân họ ban phát cho tác giả.)
Năm 1998 lần đầu tiên tôi về Việt Nam thì chú Dzếnh đã mất được 7 năm (1991). Buổi tối, nằm ngủ chung với thím trên chiếc giường của hai người, nghe thím kể lại: lúc biết mình sắp mất, chú đòi về nhà, mất trên cái giường của vợ chồng. Câu cuối cùng của chú là lời gọi: Mình ơi! trước khi nhắm mắt.
Mình vừa là chị là em
Tấm lòng người mẹ, trái tim bạn đời
Mai này tới phút chia đôi
Hai ta ai sẽ là người tiễn nhau?
Xót mình đã lắm thương đau
Tôi xin làm kẻ đi sau đỡ mình
Cuộc đời đâu phải phù sinh
Nước non chan chứa nghĩa tình, mình ơi! (Bài Thơ Tặng Vợ - Hồ Dzếnh)

Chú Dzếnh muốn đi sau để tránh cảnh thương đau cho thím, nhưng chú lại là người đi trước. Trên chiếc giường gỗ ở ngôi nhà 80 phố Hòa Mã, Hà Nội, trong bóng tối mờ mờ của ngọn đèn đêm ngoài phố hắt vào, tôi nằm cạnh thím, nắm chặt bàn tay già nua của thím, nhìn lên đình màn, hình dung ra khuôn mặt thanh nhã với nụ cười hiền lành ở bức ảnh trên bàn thờ của một thi sĩ Trung Hoa mang trái tim Việt Nam trong lồng ngực, tôi nói thầm trong lòng: Cám ơn thi sĩ đã vào trong gia đình họ Trần Trung.

Tuổi thơ tôi lớn lên bằng những bài Thơ học trò ngây thơ trong Mấy Vần Tươi Sáng của thi sĩ Trần Trung Phương và tôi nghĩ đó chính là những hạt giống văn chương đã gieo vào mảnh đất hồn tôi để sau này mọc lên hoa trái. Rồi tiếp theo đó là Thơ và Văn Chương trong sáng, giản dị của Hồ Dzếnh ảnh hưởng tới văn chương và cách viết của tôi.
Tôi cám ơn Thượng Đế đã cho tôi cả hai ông chú tuyệt vời.
tmt

4/30/23

CHUYỆN NGƯỜI CON GÁI MANG TÊN NGUYỄN THỊ DI TẢN

 Chuyện đã cũ nhưng vẫn muốn đọc lại mỗi lần 30 tháng 4 đến.

MTam 


Đến nay 48 năm qua, tôi đã trưởng thành nơi miền đất tạm dung của một tỉnh lỵ miền Tây Canada. Thành phố Winnipeg, buồn hắt hiu như tâm sự “Người Di Tản Buồn” - bản nhạc của nhạc sĩ Nam Lộc mà mẹ rất yêu thích.

Ngày còn bé, bằng bài hát ấy mẹ đã ru tôi ngủ. Riết rồi tôi quen với từng lời ca tiếng nhạc. Mẹ nói đêm nào không nghe bài hát ấy thì tôi không ngủ. Đến lúc tôi bập bẹ biết nói, mẹ dạy tôi hát. Tôi vừa quấn quít bên mẹ vừa đỏ đẻ hát những câu cuối cùng:

“Cho tôi xin lại một lần, ở nơi tôi dừng quân cũ
Cho tôi xin lại bìa rừng, nơi từng chiến đấu bên nhau
Cho tôi xin một lời chào, chào bao nhiêu người đã khuất
Cho tôi xin một mộ phần, bên ngàn chiến hữu của tôi!”.

Bạn bè đến chơi, mẹ đem “con sáo” của mẹ ra khoe, bảo tôi hát. Mỗi lần hát xong các bạn của mẹ đều rươm rướm nước mắt. Có lần tôi thỏ thẻ hỏi:
“Sao con hát hay mà mẹ với các bác lại khóc?”
Mẹ ôm tôi vào lòng và nói: “Bao giờ lớn lên, con sẽ hiểu”.
Trí óc non nớt của tôi mơ hồ cảm nhận có điều khác thường ở mẹ, một sự mất mát lớn lao trong đời mẹ. Những lúc rảnh, sau giờ cơm chiều mẹ dạy tôi nói:
- Con là người nước nào?
- Dạ thưa, con là người Việt Nam.
- Con tên gì?
- Con tên là Di Tản.
- Con có yêu nước Việt Nam không?
- Con yêu Việt Nam lắm, vì đó là quê hương của con.
Tôi đã thuộc nằm lòng những câu mẹ dạy. Tôi đã quen với cái tên Di Tản, thấy nó ngồ ngộ, dễ thương làm sao á.

Khi tôi 5 tuổi, mẹ dắt tôi đến trường gần nhà ghi tên đi học. Lần đầu tiên đến trường, một khung cảnh mới, người mới. Các học sinh cùng lớp với tôi hoàn toàn là những khuôn mặt xa lạ.
Cô giáo cũng thế. Lúc mẹ chào cô ra về, tôi ở lại trường với tâm trạng thật lạc lõng, bơ vơ. Tôi muốn khóc. Tôi ngồi cô đơn trong góc lớp. Cô giáo rất trẻ, đến bên tôi nhỏ nhẹ hỏi:
“What is your name?” (Tên con là gì?)
Tôi cúi mặt, bặm môi chừng như rướm máu, lí nhí đáp bằng cái giọng Việt Nam đặc sệt “Dạ .. Di Tản”.
Cô giáo chừng như không hiểu, xem lại quyển sổ và nói: “Your name is Đaithen”.
Tôi lắc đầu và lặp lại “Di Tản”. (DiTan). Cả lớp rộ lên cười. Và tôi bật khóc!

Sau buổi học, mẹ đón tôi về. Suốt quãng đường về nhà tôi lặng thinh, không nói điều gì. Mẹ âu yếm hỏi:
- Con đi học có vui không?
Chừng như chỉ chờ mẹ hỏi, tôi òa lên khóc và nói:
- Sao mẹ không đặt cho con cái tên nào dễ kêu như Helen, Cindy hay Linda như tụi nó mà lại đặt tên là Di Tản? Cô giáo đọc không được tên con, mấy đứa cùng lớp tụi nó chọc ghẹo con!
Mẹ tôi dịu dàng, từ tốn bảo:
- Con có biết cả nước Canada có biết bao nhiêu là Helen, là Cindy không? Còn tên Di Tản chỉ có mỗi mình con. Con không thấy con đặc biệt sao? Con phải hãnh diện vì cái tên rất là Việt Nam của con mới phải chứ!
Tôi nũng nịu pha chút hờn dỗi:
- Mà cô giáo đọc là Đaithen Mẹ thấy có kỳ không?
Mẹ trìu mến đưa tay vuốt tóc tôi, hiền hòa khẽ bảo:
- Tại cô không biết cách phát âm của người Việt mình thôi. Con phải đọc lại cho cô biết, rồi từ từ cô sẽ đọc đúng mà!
Giọng mẹ thiết tha hơn, chùng xuống, sũng đầy nước mắt:
- Mẹ đã mất tất cả rồi con ơi! Chỉ còn cái tên Việt Nam mà mẹ gởi cho con, con biết không?
Đầu óc của một đứa bé lên năm làm sao hiểu được hết những gì mẹ nói, song tôi biết mẹ buồn lắm. Có một cái gì làm mẹ khổ tâm lắm. Tôi cảm thấy ân hận. Tôi ôm mẹ hôn và nói:
- Con xin lỗi mẹ. Con làm mẹ buồn lắm phải không?
Tôi thấy mắt mẹ long lanh ngấn lệ:
- Không phải đâu, con của mẹ ngoan lắm!

Đó là chuyện ngày tôi 5 tuổi. Mãi cho đến những năm sau này, tên tôi vẫn là một đề tài cho lũ bạn chọc ghẹo. Nhưng chọc ghẹo cho vui chớ không có ác ý nào cả.
Lúc vào Highschool (Trung học) tôi đã lớn rồi. Tôi hiểu những u uất của đời mẹ và thương mẹ hơn bao giờ hết.

Thấm thoát tôi đã là cô gái 18. Soi gương tôi cũng biết mình đẹp lắm. Mẹ không cho tôi cắt tóc ngắn. Cả trường con gái, mái tóc dài chấm lưng với khuôn mặt Á Đông của tôi vẫn là một đề tài nổi bật nhất.
Lại thêm cái tên Di Tản nữa. Lúc này tôi không còn buồn mỗi lần bị giáo sư đọc trật tên. Bạn bè tôi, những đứa quen nhau từ lớp mẫu giáo đến giờ đã biết cách phát âm tên tôi đúng lắm. Tụi nó bỏ dấu còn lơ lớ nhưng tạm được.

Nhưng mỗi lần bắt đầu một niên học mới, tên tôi lại là một tràng cười cho lũ bạn cùng lớp mỗi khi giáo sư mới gọi tên tôi. Giáo sư nào cũng thế, ngập ngừng hồi lâu mới đọc.
Tôi cũng không nín cười được cái giọng như ngọng nghịu của một giáo sư Canada, đọc cái tên lạ hoắc chưa bao giờ nghe thấy. Trên tay cầm bài test của tôi, ngập ngừng rồi thầy gọi “Đai then”. Cả lớp ồ lên: “Oh, my god”. Giáo sư lúng túng, đảo mắt nhìn quanh. Cả lớp nhao nhao như bầy ong vỡ tổ. Chừng như tụi nó thích những dịp như thế để câu giờ, “nhứt quỉ, nhì ma, thứ ba học trò” mà. Con Linda ngồi cạnh hích cùi chỏ vào tôi khẽ bảo:
- Di Tản, ổng đọc sai tên mầy rồi kìa, sửa cho ổng đi.
Tôi đỏ mặt. Tôi chưa kịp nói gì cả thì tụi con trai ngồi sau lưng tôi ào ào lên như chợ nhóm:
- Di Tản, Di Tản not Đai then!Vị giáo sư lúc đó mới vỡ lẽ, biết là mình phát âm sai, ông gục gặc đầu nói xin lỗi và lập lại “Di Tản, Di Tản”…
Lúc nầy tôi không còn nhút nhát như ngày xưa nữa. Bạn bè tôi Tây, Tàu, Gia Nã Đại, đều “cứu bồ” mỗi lần có tình trạng như trên xảy ra. Dần dà mọi người gọi tên tôi rất ư là dễ thương.

Đến giờ nhớ lại những lời mẹ nói ngày nào, tôi hãnh diện vô cùng về cái tên mẹ đã cho tôi. Tôi thương mẹ vô cùng. Quê hương Việt Nam gắn với mẹ tôi như hình với bóng trong cuộc đời lưu lạc xứ người hơn một phần tư thế kỷ. Một điều mà tôi có thể khẳng định rằng, “dù hoàn cảnh có thể tách rời mẹ ra khỏi quê hương nhưng không thể nào tách rời quê hương ra khỏi tâm hồn mẹ được”.

Mẹ sống như chờ đợi, như mong mỏi một điều gì sẽ đến. Có lần tôi bắt gặp mẹ ngồi một mình trong đêm, tay mân mê, vuốt ve bức ảnh bán thân của cha tôi. Mẹ vẫn nuôi hy vọng cha còn sống và sẽ có ngày gia đình tôi đoàn tụ như xưa. Nhưng định mệnh đã an bài. Sau khi nhờ một người bạn làm ở Usaid đưa mẹ con tôi di tản, cha hứa sẽ gặp lại mẹ sau.
Vậy là, mẹ bụng mang dạ chửa lên phi cơ theo đoàn người di tản và mong có ngày gặp lại. Nhưng niềm hy vọng đó vơi dần theo năm tháng, cho đến ngày mẹ được tin cha đã nằm xuống nơi trại tập trung cải tạo. Cuộc sống của mẹ đã thầm lặng từ bấy lâu, nay càng thầm lặng hơn.

Ngoài giờ ở sở, về nhà cơm nước xong, trò chuyện với tôi đôi lát rồi mẹ vào phòng. Cái khoảng đời quá khứ ngày xưa. Những kỷ niệm ngọc ngà ngày nào của cha và mẹ như chút dấu yêu còn sót lại. Mỗi lần nhắc tới cha, mẹ như trẻ lại, mắt long lanh ngời sáng. Mẹ kể cho tôi chuyện tình của cô sinh viên Văn khoa với chàng sĩ quan hải quân.
Tôi thuộc nhiều bài hát Việt lắm nên ghẹo: “Mẹ và cha giống em hậu phương và anh nơi tiền tuyến quá!”.

Ngoài tình mẹ con, tôi như người bạn nhỏ để Mẹ tâm sự, để mẹ trang trải nỗi niềm. Nào là “con biết không, cha con hào hoa, đẹp trai lắm"… v.v… và v..v…
Tôi nịnh Mẹ: “Cha không đẹp trai làm sao cua được mẹ!”.
Mẹ cười thật dễ thương. Một điều mà tôi biết chắc chắn rằng không ai có thể thay thế hình bóng cha trong tim mẹ. Tôi muốn cùng mẹ nâng niu, gìn giữ những kỷ niệm dấu yêu, ngọc ngà của mẹ và cha đến suốt cuộc đời.

Hôm nay, nhân ngày giỗ lần thứ 44 của cha, con muốn thưa với cha một điều: Con cám ơn cha mẹ đã tạo cho con nên vóc nên hình. Dù chưa một lần gặp mặt, cha đã nằm xuống, đã đi thật xa, không trở lại với mẹ với con. Song với con, cha vẫn hiện hữu bên con từng giờ, từng phút. Con nghĩ cha đã che chở mẹ con và con gần nửa thế kỷ qua. Xin cha hãy giữ gìn, che chở mẹ trong suốt quãng đời còn lại. Con mong ngày nào đất nước thật sự thanh bình, mẹ sẽ đưa con về thăm lại quê hương. Con sông xưa sẽ trở về bờ bến cũ.
Ngày ấy ở một phía trời nào đó của quê hương, con sẽ thấy cha mỉm cười và nói với con: “Cha sung sướng lắm, con biết không? Con yêu dấu...!”

Hoàng Thị Tố Lang

4/28/23

Lại một lần về quê

Thạch Lai Kim

Chuyến đi mất khá nhiều thì giờ, trên 23 tiếng đồng hồ mới tới đích. Khởi hành từ phi trường Frankfort Đức vào buổi chiều ngày hôm trước đến giữa đêm ngày hôm sau mới đến Saigon. Dự định bận về sẽ ghé Seoul vài hôm nên đã chọn Asiana Airlines của Nam Hàn.

Theo hành trình sẽ chuyển máy bay tại Incheon International Airport. Phải chờ 7 tiếng đồng hồ mới tiếp tục chặng Incheon-Saigon.

Khi check-in nhân viên hãng hàng không đã lễ phép cho mỗi hành khách phiếu bonus để sử dụng tại Incheon có thể tùy chọn “free” một city tour, hoặc một fitness court tại phi trường. Tôi và bà xã đã chọn ‚fitness court‘ (spa & sauna) cho tiện vì đã ngồi hơn 10 tiếng trên máy bay không muốn phải ngồi xe buýt thêm mấy tiếng đồng hồ nữa. Spa ở đây sạch sẽ, tổ chức chu đáo, tiện nghi so ra còn hơn nhiều nơi trên nước Đức. Điều khác biệt là đàn ông, đàn bà có khu riêng cho steam spa hay sauna. Sau đó mới vào phòng nghỉ ngơi chung. 

Những ngày đầu ở Saigon cũng không có gì đặc biệt. Cũng nóng bức, mặc dù trời đã lập đông (theo âm lịch). Cũng ồn ào tiếng xe cộ, mặc dù nhà của đứa em gái ở cách xa đường xe. Điều may mắn là nơi đây hãy còn trống trải chưa có nhà cao tầng, nên thỉnh thoảng thoáng qua luồng gió mát, nhất là vào buổi sáng và ban đêm.

Vì mục đích chính là về thăm thân nhân nên không định trước sẽ đi đâu chơi và sẽ làm gì trong 5 tuần ở lại đây, mọi việc “tùy duyên & tùy tiện“.

Vài hôm hơi tỉnh táo sau chuyến đi nhọc nhằn và thích nghi với giờ giấc mới là tới màn điện thoại, viết email liên lạc với bạn bè.

Email của Vũ Văn Thượng trả lời “Trời ơi! Uổng quá! Tôi đã trở về Paris đầu tháng 11/09 cuối tháng 1/2010 mới trở lại Saigon”. Uổng thật! Nhưng không tiếc vì muốn tùy duyên thì tiếc cũng vô ích. Có duyên sẽ gặp lại!

Điện thoại Lương Quan Thạch trả lời: Vương Hon K5 (Mỹ) cùng bà xã Lệ Quyên K6 cũng về chơi. Tụi này sẽ ra rước. Hai vợ chồng sẽ ở tạm nhà mình trước khi về quê. Nhưng họ có nhiều chương trình đi tour. Sẽ sắp xếp họp mặt. 

Gọi điện thoại cho Hồ Phước Hải vì chuyến về trước chưa gặp anh. Anh cho biết đang trên đường đi Đồng Tháp. Nếu điện thoại cho anh sớm thì anh đã ghé ngang vớt đi tỉnh Đồng Tháp chơi vài hôm. (Anh đang làm cố vấn cho đứa con hiện quản lý cơ sở giáo dục tại đây). Lại một lần không có Duyên.

Nhưng chung cuộc cũng có những cái “duyên” đáng ghi nhớ:

1)- Không hẹn mà gặp lại anh Phạm Thanh Thiên sau hơn 40 năm. Anh và bà xã là chị Ngọc sắp kết thúc chuyến thăm quê. Chỉ cần liên lạc trễ hơn một chút là anh đã bay về Úc. Nhờ liên lạc kịp thời nên anh dời chuyến bay lại 3 ngày để „họp bạn“. Thiên và tôi có một kỷ niệm rất sâu sắc khi tìm giáo sư đỡ đầu cho bài luận văn ra trường. Kỷ niệm này đã chôn chặt đáy lòng từ nhiều năm. Khi nhắc lại hai đứa chỉ nhìn nhau cười trừ. Chắc hẳn các bạn khác của Nhóm Chetch: Trịnh Văn Tủy, Dương Tấn Hải (Pháp), Nguyễn Ngọc Châu (Mỹ) và Lưu Phong Lợi (VN)) chưa ai biết chuyện gì đã xảy ra!?

Anh Trịnh Văn Tủy ít nói, tính tình hào phóng, thích giao du bạn bè, biệt danh công tử Châu Đốc. Trong một lần về thăm nhà, gặp lại người bạn kỹ sư cùng khóa SQTB Thủ Đức gốc Châu Đốc có hỏi thăm tin tức của anh vì anh này sắp sửa đi Mỹ nghe tin Tủy ở Mỹ nhưng không biết địa chỉ. Tôi cũng không biết gì hơn.

Nhưng lần nầy Thiên và tôi có cái may gặp lại người bạn cùng nhóm đã lặn nhiều năm. Sống ẩn dật không tiếp xúc bạn bè: Lưu Phong Lợi. Anh Sơn Râu có số điện thoại nhưng thường thì gọi không thông hoặc bị từ chối không tiếp. Qua điện thoại Thiên và tôi cố gắng thuyết phục anh đến họp bạn ngày 2.12. Gặp bạn bè cho vui. Nhưng anh không hứa chắc viện cớ bệnh hoạn, yếu đuối khó khăn trong việc di chuyển. Thôi thì tùy nhiên vậy! Nhưng trong lúc điện thoại, tôi không nhớ bạn nào (cùng đang ngồi trong một quán cà phê cạnh nhà anh Phạm Hữu Tài) nhắc khéo “địa chỉ! địa chỉ!“. Thế là giấy bút được đưa ra. Tôi cố tình đọc lớn để anh NT Long ngồi kế cận cùng ghi.

Thiên và tôi rất mong nhưng tin chắc là Lợi sẽ không đến dự. Hai đứa hẹn ngầm sẽ đến thăm Lợi sau ngày họp bạn tức 3.12.

Thiên về Úc trên chuyến bay 22 giờ ngày 5.12. Tôi tiếp tục đi chơi Seoul sau đó 2 tiếng đồng hồ cùng ngày. Hẹn gặp nhau trong DHTN 2010 tại Sydney (không biết có còn sức hay không, nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, vì sau mỗi chuyến đi là nghỉ ngơi, phục hồi sức khỏe và cái hồ bao)

2)- Cũng không hẹn mà gặp các anh-chị từ Mỹ về: Nguyễn Xuân Lý, Nguyễn Thanh Phàn và bà xã, Phạm Hữu Tài. Phạm Thanh Thiên và bà xã Ngọc (như đã kể trên), kể cả tôi vị chi không hẹn mà tụ họp 5 Việt kiều. 

Lúc mới đầu tôi chưa dám gọi anh Long, anh Hà Minh Quang cũng như anh Phạm Chí Thành trong Ban Điều Hành vì e ngại chỉ có mình mà làm kinh động nhiều người không nên. Nhưng nay thì không e ngại gì. Họp mặt càng đông càng vui.

Từ bên trái: NV Sơn (râu), PT Thiên, TL Kim, NT Phàn, NV Vĩnh,  và HM Quang (đứng phía sau)


3)- Có duyên gặp lại các chị Thủy, chị Việt Anh, chị Ánh và phu quân, chị Cẩm, a/c NT Long, a/c NV Minh, HM Quang, VT Thức, PV Ngọc, HP Hải, anh NV Vĩnh, ĐT Nhung, a/c NV Sơn, anh NM Tuấn, NQ Khánh, a/c PC Thành, chị Trịnh Thị Huyền… Nhiều anh chị ở xa nhưng cũng cố gắng đến họp mặt như anh Thâu K2 (Biên Hòa) phải tạm trú tại nhà anh Quang, hai chị Thủy ở tận Thủ Đức. Chắc chắn hãy còn sót tên vài anh chị mong quý anh chị tha lỗi.

Thay mặt các anh chị về thăm quê, hôm ấy chưa có dịp cám ơn quý anh chị và ban tổ chức buổi họp, vì nhà hàng mở nhạc quá to, sau đôi lần yêu cầu vặn nhỏ lại không được (có lẽ vì họ sợ ảnh hưởng đến những người khách khác chăng!), xin cám ơn tất cả quý anh chị đã hiện diện trong buổi họp bạn hôm ấy.

(trích bài đăng trong : Bản tin Thụ nhân ÂC Số 2 trang 3 )

3/7/23

Giai thoại về nhạc phẩm LÀNG TÔi

 Mar 21, 2017

Phan Văn Thanh


Làng tôi có cây đa cao ngất từng xanh
Có sông sâu lờ lững vờn quanh êm xuôi về Nam …
Làng tôi bao mái tranh san sát kề nhau
Bóng tre ru bên mấy hàng cau đồng quê mơ màng!

Ảnh trên trang Blog nhacxua.vn
Năm ấy, đoàn hát Kim Chung lần đầu tiên có kế hoạch thực hiện bộ phim nhựa có tiếng nói (âm thanh). Để cho bộ phim thêm phần hấp dẫn, trang trọng và gây ấn tượng với công chúng trong buổi chiếu ra mắt, toàn bộ êkíp điều hành, bầu sô, đạo diễn … đồng ý việc tổ chức một cuộc thi sáng tác bài hát làm nền cho phim với giải thưởng lớn cho tác phẩm được chọn. Đây cũng là bộ phim nhựa có âm thanh đầu tiên của ngành điện ảnh Việt Nam vào thời ấy. (1952)

Cuộc thi được tổ chức rộng rãi trong công chúng, không phân biệt tuổi tác, chuyên nghiệp hay nghiệp dư…đã có nhiều nhạc sĩ tên tuổi cùng một số những người mới thành danh trong làng ca nhạc giải trí thời đó tham gia. Đề tài sáng tác là quê hương và con người Việt Nam.

Sau nhiều lần chọn lựa rất công bằng và vô tư, ban giám khảo đã mất khá nhiều thời gian bàn bạc, nhận xét rồi cân nhắc để đưa ra một sự chọn lựa chính xác, dù biết đó là một quyết định rất khó khăn. Cuối cùng, Ban tổ chức đã công bố, tác phẩm được chọn để trao giải là bài hát “Làng Tôi” của một tác giả vô danh tiểu tốt, cái tên nghe chừng như rất xa lạ trong làng ca nhạc Việt thời ấy đó chính là nhạc sĩ Chung Quân.

Bản nhạc Làng Tôi được chọn vì nó mang hơi thở của một vùng quê yên bình, lời lẽ cũng mộc mạc, dung dị thấm đẫm tình cảm của người dân Việt Nam, cho dù năm đó tác giả bài Làng Quê mới chỉ vừa 16 tuổi. Nhạc phẩm Làng Quê và cái tên Chung Quân ra đời từ dạo ấy. Nhờ giai điệu du dương, thắm thiết tình người tình quê của Làng Tôi cứ mãi bay xa mà cái tên nhạc sĩ Chung Quân trở nên nổi tiếng và đi vào lòng người.

Nhiều nhạc sĩ tên tuổi và giới văn nghệ thời đó có hơi ngỡ ngàng, nhưng mọi người đều công nhận bản nhạc “Làng Tôi” xứng đáng được nhận giải thưởng vinh dự đó.

Quê tôi chìm chân trời mờ sương
Quê tôi là bao nguồn yêu thương
Quê tôi là bao nhớ nhung se buồn
Là bao vấn vương tâm hồn … người bốn phương.

Bản Làng tôi đã giành được giải của công ty điện ảnh, đoàn cải lương Kim Chung ở Hà Nội để làm bản nhạc nền cho phim Kiếp Hoa.

Hành trình về phương Nam

Thế rồi, thế sự đổi thay theo mệnh nước nổi trôi. Năm 1954, Chung Quân cùng gia đình di cư vào Nam, định cư ở vùng Khánh Hội. Nhờ đã từng học sư phạm chuyên ngành về nhạc và danh tiếng của Làng Tôi, Chung Quân được Bộ Quốc gia Giáo dục của Đệ Nhất Cộng Hòa ưu đãi, cho dạy môn nhạc tại hai trường trung học Chu Văn An, và Nguyễn Trãi. Thời gian giảng dạy ở trường Nguyễn Trãi, Chung Quân là thầy dạy nhạc của nhiều nhạc sĩ nổi tiếng sau này như Ngô Thụy Miên, Vũ Thành An, Đức Huy, Nam Lộc… Cũng khoảng thời gian 1955 – 1956, ông có soạn bản hợp xướng Sông Bến Hải, theo một vài ý kiến thì đó là một trường ca có giá trị nghệ thuật, viết về cuộc di cư năm 1954, nhưng về sau không thấy phổ biến rộng rãi.

Trường Nguyễn Trãi năm ấy có cậu học trò nghèo nên buổi trưa thường không về nhà mà nghỉ lại ở trường cùng bữa ăn trưa là gói xôi mà mẹ cậu đã mua cho cậu đem theo từ sáng sớm. Thay vì nghỉ trưa, cậu học trò lại tha thẩn trong trường để rồi lắng nghe được câu chuyện tranh cãi giữa hai người thầy.

Trong một căn phòng, tiếng của vị giáo sư Hà Đạo Hạnh (cử nhân toán) đang ầm ĩ nói với nhạc sĩ Chung Quân

– Trình độ học vấn của anh chỉ đáng là học trò của tôi thôi. Việc anh được dạy chung với những giáo sư như chúng tôi là một vinh dự cho anh, anh có biết điều đó không?

– Nhưng thưa giáo sư, nếu hỏi công chúng có biết nhạc sĩ Chung Quân là ai không? Thì chắc chắn nhiều người biết đó là tác giả của bản nhạc Làng Tôi. Còn như hỏi họ, có biết giáo sư Hà Đạo Hạnh là ai không? Tôi tin người ta không mấy người biết.

Câu chuyện đang đến hồi hấp dẫn, và cậu học trò cố áp sát tai để chờ nghe tiếp xem Giáo sư Hà Đạo hạnh trả lời ra sao, bỗng từ phía sau, một bàn tay lạnh lùng của thầy giám thị véo vào tai cậu học trò kéo đi chỗ khác! Và vì thế mà câu chuyện đành dở dang ở đây.

Rồi thời gian trôi qua, tưởng mọi chuyện đã rơi vào quên lãng. Nhưng không, nhạc sĩ Chung Quân đã không chịu bỏ qua dễ dàng như vậy, ông nhất định phải đòi lại món nợ danh dự này. Không công danh thà nát vói cỏ cây.

Nhạc sĩ Chung Quân sau đó đã quyết chí tiếp tục con đường kinh sử, ông ghi danh theo học và hoàn thành tú tài toàn phần, sau đó, ông lại tiếp tục việc học để đạt cho kỳ được mảnh bằng Đại học. Cuối cùng, ông đã tốt nghiệp cử nhân văn chương tại Anh quốc.

Đã mang tiếng đứng trong trời đất
Phải có danh gì với núi sông

Nhớ lại câu chuyện ngày xưa, nhạc sĩ Chung Quân sao chép tất cả văn bằng mà mình có được gửi về cho giáo sư Hà Đạo Hạnh kèm theo lời nhắc nhở rất nhẹ nhàng lịch sự.

Thưa giáo sư Hà Đạo Hạnh, tất cả những gì mà giáo sư làm được thì Chung Quân tôi cũng đã làm được. Còn những gì Chung Quân tôi làm được thì giáo sư đã không làm được.

Viết tới đây tôi bỗng nhớ tới bài thơ của cụ Nguyễn Công Trứ có đoạn như sau:

Đã hẳn rằng ai nhục ai vinh
Mấy kẻ biết anh hùng khi vị ngộ
Cũng có lúc mưa dồn sóng vỗ
Quyết ra tay buồm lái với cuồng phong
Chí những toan xẻ núi lấp sông
Làm lên tiếng phi thường đâu đấy tỏ …

Nhạc sĩ Chung Quân đã đòi lại món nợ danh dự năm xưa một cách sòng phẳng bằng ý chí và lòng kiến nhẫn của chính ông. Rất lịch sự, tế nhị mà cũng rất quân tử. Không ồn ào, không gióng trống khua chiêng làm người khác phải ngượng ngùng, mất thể diện. Quả thật, chẳng ai biết trước được chuyện gì xảy ra trong cuộc đời.

Cậu học trò nghe lén câu chuyện ngày xưa sau này cũng theo cái nghề “gõ đầu trẻ”. Ông dạy Trung học đệ nhị cấp (cấp 3) ở miệt dưới tận tỉnh Bạc Liêu. Ngoài công việc dạy học, ông còn làm thêm nghề tay trái là viết báo, viết văn với bút hiệu Thái Phương. Sau biến cố 1975, ông nghỉ dạy và chuyển hẳn sang viết báo. Hiện nay, độc giả biết nhiều đến ông với bút danh nhà văn Đoàn Dự.

Đã có lần, nhà văn Đoàn Dự gặp lại thầy cũ là giáo sư Hà Đạo Hạnh và ông có hỏi vị giáo sư:

– Thưa Thầy, sao ngày đó thầy lại nặng lời với Nhạc sĩ Chung Quân thế ạ!

– Hồi ấy tôi có hơi nóng nảy nên đã quá lời.

Mọi chuyện rồi cũng qua đi, người xưa giờ cũng đã trở về cùng cát bụi, nhưng câu chuyện thì sẽ còn mãi như một bài học, một tấm gương về cách đối nhân xử thế của người xưa vậy.

3/6/23

TRÁNH CHIẾC ÁO TỪ BI

Chuyện xưa kể ɾằng, có một hiệρ khách bôn tẩu giang hồ. Người này rất giỏi võ công, lại có tâm tɾừ gian diệt bạo, bênh vực kẻ yếu thế. Ngày nọ hiệρ khách đi ngang qua ngôi làng, gặρ lúc bọn cướρ đang cướρ bóc của dân lành liền ra tay trừ bạo.

Với thanh kiếm quý tɾên tay, anh ta chiến ᵭấu và lần lượt hạ gục nhiều tên cướρ. Sau cùng tên đầu sỏ bỏ chạy vào một ngôi chùa ở cuối làng. Hiệρ khách đuổi theo, đến chùa anh tra kiếm vào vỏ ɾồi thận tɾọng đi vào chùa. Tới chánh điện, anh đảnh lễ Phật và sau đó đi tìm tên cướρ.

Nhưng thật lạ hắn biến đâu mất. Hiệρ khách đi vào hậu liêu, đến tɾai đường thì thấy một người mặc áo nhà sư đang ngồi quay mặt vào tɾong. Anh bước vào, định hỏi thăm, thì bất ngờ người này rút thanh kiếm giấu dưới gầm bàn, quay ρhắt lại phạt ngang một đường, tiếng kiếm ɾít tɾong gió nghe ɾợn người. Nhưng thật may, với võ công tuyệt đỉnh, hiệρ khách ngả người ɾa sau, tɾánh được nhát kiếm chí mạпg ấy.

Ngay tức thì, hiệρ khách nhảy ra ngoài sân chùa rút kiếm giao ᵭấu với tên cướρ. Và lát sau dân làng cũng kéo đến rất đông để chứng kiến tɾận so tài. Họ thấy một điều ɾất lạ là người hiệρ khách chỉ tɾánh những đường kiếm hiểm ác của tên cướρ. Còn khi tấп côпg, anh ta chỉ cố đưα mũi kiếm của mình vào những vị tɾí nút thắt của chiếc áo cà sa mà tên cướρ đang mặc… Với tuyệt kỹ của mình, người hiệρ khách cũng lần lượt ρhạt đứt những chiếc khuy vải của áo cà sa. Và đường kiếm sau cùng thay vì kết liễu tên cướρ, hiệρ khách dùng mũi kiếm hất tung chiếc áo cà sa ra khỏi người tên cướρ.

Chiếc áo bay lên, sáng ngời không gian và khi ɾơi xuống lại ρhủ đúng lên thân thanh kiếm và người ta chỉ còn thấy chiếc mũi kiếm đang gí ngay yết hầu của tên cướρ. Tên cướp buông kiếm đầu hàng và dân làng liền ùa vào tɾói gô hắn lại…

Một bô lão tɾong làng, chắρ tay cảm tạ người hiệρ khách và hỏi: Tɾáng sĩ võ công cao cường như vậy sao không hạ hắn sớm mà cứ vờn hắn làm dân làng lo quá?

Chiếc áo từ bi của nhà Phật…

Người hiệρ khách nói ɾằng: Dù hắn là tên cướρ, nhưng tôi cố tɾánh chiếc áo từ bi nhà Phật mà hắn đang khoác tɾên người, mặc dù tɾước đó hắn đã dùng chiếc áo để bẫy tôi…

Chuyện của ngày xưa nhưng vẫn còn nguyên giá tɾị với hôm nay. Hiện tại, ɾất có thể có ai đó lợi dụng chiếc áo để bẫy người khác, dù đó là cá biệt.

Chiếc áo nhà Phật và kẻ xấu là hai chuyện rất, rất khác nhau, không thể ᵭánh đồng với nhau được.

Phật pháρ muôn đời bất ly thế gian pháρ. Thế gian đầy sân si mộng ảo, không việc chi mà không có tộι. Vì vậy nên như hiệρ khách kia cần hết sức cẩn thận với những hành động cũng như ρhát ngôn củα mình, nhất là với chiếc áo từ bi củα nhà Phật. Nếu bên tɾong chiếc áo tu là một kẻ bất thiện, thì tɾước tiên hãy ᵭánh bật chiếc áo ra khỏi người kẻ xấu, tránh làm tổn hại đến biểu tượng tốt đẹρ của những bậc chân tu nói chung…

Tác giả: Hoàng Dũng Hùng / Theo: ncctv

2/28/23

MÙA BẮT BA KHÍA

Phùng Nhân

        Năm nào cũng vậy, khi tiết trời vào tới tháng Bảy âm lịch, thì cư dân trong làng Lộc Thuận huyện Bình Đại tỉnh Bến Tre họ đã chuẩn (chửng) bị hết rồi. Từ mấy gịa muối hột, chiếc xuồng ba lá, xuồng vịt, ghe tam bảng cho tới cái đèn soi và đá lửa hột quẹt với một chai dầu lửa, đó là tất cả những thứ cần thiết mà người đi soi Ba Khiá cần phải có trong lúc vào mùa.

Ảnh internet
        Riêng gia đình ông Bảy thì đã có một chiếc xuồng vịt từ lâu, đó là một phương tiện sanh nhai cho những người nào đang sống trong vùng sông nước miệt Bến Tre. Nhưng nó đã tróc đường hèm, mấy ngày nay hai vợ chồng ông phải xú dầu chai để mà xảm trét lại.Công việc làm tuy cực khổ, nhưng đó là huê lợi Trời cho hằng năm để kiếm miếng ăn. Hễ tới mùa nào, thì kiếm ăn thứ đó. Nhưng mùa bắt Ba Khiá năm nay, ở trong cái xóm nầy chỉ có hai vợ chồng ông là hăm hở. Còn lại bao nhiêu thì họ lo đi phát đất để cấy lúa mùa, hoặc trồng giồng để kiếm tạm miếng ăn. Vì mắm Ba Khiá coi dễ làm như vậy, nhưng nó hay bị hư. Nếu khi ướp muối hột không đều tay, thì chỉ cần một số con Ba Khiá bị thúi, thì cái mùi của nó cũng sẽ lan dần qua nguyên khạp mắm.

        Con Ba Khiá nó khác với con Nha. Con Nha thì thường làm hang và sống ở trên ruộng, trong bờ, cái mu (mai) của nó có màu hơi đen sậm, cặp càng cũng lớn. Còn con Ba Khiá thì nhỏ con hơn, cái mu có màu hơi tiá lợt, ngoài chót càng màu đỏ ớt chín cây. Nhưng con Ba Khiá thường sống ở rừng mắm, rừng bần, cặp theo những con xẻo sầm uất bóng đêm. Cũng chính vì vậy mà người đi bắt nó, phải chịu cảnh đối đầu với bầy muỗi đói. Có lẻ con Ba Khiá nhờ ăn bông mắm, bông bần mà thịt của nó rất ngon, nên muối làm mắm chừng một tuần lể sau thì bay mùi thơm phức. Còn người nào vừa hết bịnh, thìăn rất mau tiêu cơm. Còn người nào có chửa, thìăn cơm no cành bụng cũng không biết ngán…

Ba khiá (Ảnh internet)
           Thông thường con Ba Khiá và con Nha người ta chỉ có làm mắm, hoặc thỉnh thoảng nấu canh chua với trái đậu bắp mà thôi. Vì khi nấu canh chua thì màu nước hơn đen, nhưng ăn cơm húp vô một miếng thì nghe cái mùi ngọt dịu thâm trầm chạy xuống dài trong bao tử. Nhưng quê tôi ở làng Lộc Thuận cách đây chừng 60 – 70 năm thì Ba Khiá thiếu cha gì, người ta chỉăn cua biển, còn Ba Khiá, Nha thì chỉ có nước xách đèn đi soi về làm mắm, để dành ăn trong những ngày nước rong không thể ra đồng.

        Trưa hôm nay hai vợ chồng ông Bảy lo ăn cơm cho sớm, để đợi tới con nước ròng rồi bơi xuồng đi xuống Rạch Mây. Vì ở nơi đó tới tháng nầy, khi nước lớn đầy mà thì tụi Ba Khiá đeo lên nhánh bần, nhánh mắm thành một màu đỏ chạch.Còn bà Bảy thì lo cụ bị mấy chai nước mưa lượt sạch xách xuống xuồng, sau đó bưng mấy gịa muối hột đổ xuống khoang, rồi chặt thêm mấy tàu lá dừa nước phủ lại. Xong xuôi đâu đó rồi bà nhìn ông hỏi:

- Đâu ba sắp nhỏ coi còn thiếu thứ gì hôn?

        Ông nhìn bà, nói nhỏ:

– Bà lo mấy vung giấy quyến, với gộp thuốc rê cho tôi. Vì thiếu nó thì tui không chịu nổi…

        Hai vợ chồng ngồi bàn tính một hồi, thì con nước ròng từ con rạch Cả Muồng bắt đầu chảy xuôi ra biển cả.Ông nhìn bà hối:

Má nó coi còn thiếu thứ gì hôn. Nếu không thì mình đi cho kịp nước.

        Trong lúc bà đi lấy cây dầm, còn ông Bảy thì lo đi xách cây đèn dầu chai. Vì chỉ có loại đèn nầy khi đi ra gió thì không sợ tắt. Hai vợ chồng xuôi theo con nước mà bơi. Thỉnh thoảng ông Bảy cũng cất giọng ca bài vọng cổ. Bà Bảy thì ngồi trước mũi xuồng nhìn trời rộng bao la. Một buổi trưa tháng bảy thật buồn, khi đi ngang qua voi đất của ông Bộ Hùng. Bất ngờ có tiếng chim Bìm Bịp kêu lên rất làãm đạm. Bà nhìn ông nói nhỏ:

Ba sắp nhỏ à. Nghe tiếng chim Bìm Bịp kêu làm cho tôi chạnh nhớ tới hôm năm rồi, cũng tới mùa mắm mình bơi xuồng đi lên chợ Mỹ Tho ngồi bán mắm Ba Khiá. Mình có nhớ hôn, xém một chút nữa thì tui bị tụi “bối” nó móc túi hết tiền rồi. Từ đó đền nay hễ mỗi lần đi tói chỗ đám đông, thì tui cứ bịn miệng túi vậy thôi cứng ngắt.

        Ông phà hơi thuốc rê bay ra, rồi nói:

– Mai mốt bà may một cái ruột tượng mà đeo. Tui thấy làm như vậy thì chắc ăn dữ lắm, chớ còn gài kim gút thì đối với tụi bối có nhầm nhò gì…

        Bà Bảy cười cười, rồi cãi lại:

– Ý… đâu có được ông. Đó là đàn bà Bắc Kỳ, còn tui Nam Kỳ cuốc làm như vậy thì bị họ nói…

        Hai vợ chồng nói chuyện dần lân một hồi thì chiếc xuồng bơi theo con nước cũng ra khỏi họng vàm con rạch Cả Muồng, từ nơi đây đi xuống tới Rạch Mây chắc cũng còn xa hơn 7 cây số. Con sông Ba Lai khúc nầy tuy không lớn, nhưng là một khúc sông nguy hiểm cho những ghe xuồng. Vì thường có những cơn sóng dữ nổi lên mà không báo trước, nên những người đi quơ củi, hay đi qua sông họ rất sợ ở chỗ nầy, nhưng rồi cũng phải đi qua. Vì phía bên kia là xã Bình Khương, chạy dài xuống tới Tân Xuân là một dãy rừng Chà Là bất tận, còn cặp theo hai mé xẻo thì dừa nước mọc tối trời. Chỉ cần chóng chiếc xuồng vô đây, đốn cây cà bắp rồi róc lạc ra chở về bán cho mấy vựa lá cũng đủ gạo ăn. Còn người nào có ghe lớn, thì họ đốn chà là vác chất xuống ghe, rồi chở đi lên mấy vựa cây ở Mỹ Tho bán lại. Nhờ vậy mà con nhà nghèo cũng sống đắp đổi qua ngày. Còn cua cáở trong miệt đất nầy biết bao nhiêu mà kể…

        Ông Bảy thấy nước chảy xuôi cũng không có gì gấp rút, nên ông ngừng tay rồi vấn một điếu thuốc rê, sau khi le lưỡi liếm cho hai đầu giấy quyến nó dính chặc với nhau rồi đưa lên môi bập. Bập xong mấy cái, ông thấy khỏe trong người, vì chất thuốc xua tan cơn buồn ngủ đang làm cặp mắt sụp mi. Buồn tình quá ông bắt đầu ca vọng cổ. Bài Phạm Công Cúc Hoa là bài ruột, nên ông nói lối rồi xuống giọng thật mùi. Khi tới chỗ bà mẹ ghẻ là bà Tàu Thị bắt con chồng, là hai anh em Nghi Xuân, Tấn Luật đi chăn trâu làm cho bà Bảy rơi nước mắt, nên bà bệu bạo nói:

Ba sắp nhỏ nó à. Nếu mai mốt tui có chết trước, ông có bước đi thêm bước nữa không? Chớ nghe trong bài ca vọng cổ vừa rồi, làm cho lòng của tui buồn dữ lắm

        Ông Bảy nhìn bà cười, rồi nói:

– Tui đương thèm bước, mà tui nhảy cho mau. Bài ca nầy người ta đặc theo sự tích bên Tàu chưa chắc gì có, mà chỉ cốt khuyên răn người đời, ăn ở với nhau cho có nghĩa có tình. Chỉ có vậy mà bà cũng rơi nước mắt!

        Bà cự lại:

– Ông nói. Phải có tích mới dịch ra tuồng. Chuyện mẹ ghẻ con chồng là chuyện xưa nay. Tui nói vậy chắc ông đã hiều…

        Là vợ chồng ăn ở với nhau có tới mấy mặt con, nên ông đã hiểu cái tánh của bà rất là đa cảm. Tuy là dãi nắng dầm mưa, nhưng bà cũng còn giữ được cái nếp sống của con nhà giàu, nhờ vậy mà căn nhà lá của ông tuy nền đất nhưng lúc nào cũng gọn gàng ngăn nắp trước sau. Ông bèn giả lả:

– Tui nói giỡn với má nó cho vui. Hai vợ chồng tụi mình sẽ sống với nhau cho tới khi đầu bạc răng long, chớ đâu có chuyện gì mà lo xa dữ vậy.

        Bà Bảy đưa tay lên chậm nước mắt, nói:

– Ba sắp nhỏ nó à. Mình ráng làm năm nay Tết may cho mấy đứa nhỏ mỗi đứa một bộ đồ mới để đi mừng tuổi ông bà. Hồi năm rồi nhìn thấy mấy đứa con, mặc đồ cũ mà tui buồn rơi nước mắt…

        Trời bắt đầu sẩm tối, từng lượng sóng nhấp nhô vỗ lách chách dưới mạn xuồng. Ông Bảy hối:

– Má nó ráng phụ bơi mạnh tay một chút nữa đi. Nếu đi trễ gặp nước ngược thì rất mệt…

        Chiếc xuồng lầm lũi rẻ nước mà đi. Nó đã bỏ lại con kinh Giồng Kiến, xẻo Cây Cui, Rạch Gừa, Rạch Vọp, Bà Trang. Nhưng vì xuồng cũ, nước rịn đường hèm tràn vô ngó thấy. Ông Bảy nói:

– Má nó ngừng tay lo tát nước dùm tui, đừng để nước rịn vô, rồi làm muối hột của mình tan ra uổng lắm. Để tôi lủi vô voi đất, má nó xắn cục đất vẻo, rồi vò lại trét đỡ chỗ nào nước mội rịn vô. Đi chuyến nầy về nhà kéo lên ụ, tui mua dầu chai lấp thêm một lớp nữa, còn không thì mấy lá be nầy sẽ mụt hết…

        Tiếng gào tát nước lách chách trong bóng tối lờ mờ tạo ra một âm thanh buồn thảm lạnh lùng. Thỉnh thoảng tiếp đập muỗi vang lên bốp chát âm thầm, để đánh thức bóng đêm, rằng đã có một chiếc xuồng đang bơi tới đây để soi Ba Khiá. Khi tới họng con Rạch Mây, ông Bảy nhẹ tay dầm, rồi tìm chỗ cấm xuống cột dây ngồi trên xuồng đợi nước. Con nước lớn từ từ chảy tới, mang theo cả sự sống của muôn loài, trong đó có cả loài người, nên xứ nào mà xa biển, không có sông nước mênh mông thì sẽ không phát triển.

        Câu ca dao mà người dân ở đây hay hát “xứ nào vui cho bằng bằng xứ cạnh Đền, muỗi kêu như sáo thổi, vậy chớ đỉa lền tợ bánh canh”. Còn đêm nay, ở ngay chỗ Rạch Mây nầy.Hai vợ chồng ông Bảy không biết nó có thua kém gì hôn. Chớ mỗi khi đêm xuống, thì tiếng muỗi kêu cũng là sầu thảm. Ông nhìn bà nói:

– Má sắp nhỏ coi quấn lại cái khăn cho bít cần cổ nghe. Còn tui thì coi lại cây đèn. Mình bắt đầu chóng xuồng vô, đi tới đâu bắt nó tới đó. Nếu chưa đầy xuồng, khi trở ra thì mình bắt tiếp…

        Bà nhìn ông nói trong bóng đêm:

– Hình như nước chưa đầy mà ông…

        Ông Bảy nói:

Tui biết. Nước lên tới cỡ nầy thì tụi Ba Khiá đã bị ngập hang rồi, bây giờ tụi nó đang đeo nhánh mắm, nhánh bần mà nhí nha nhí nhảnh hò hẹn với nhau.

        Trong bóng đêm dưới ánh trăng non đang rựng mọc ở phía chân trời, có một chiếc xuồng đang lách mình chun vô con Rạch Mây âm thầm không tiếng động. Khi đi qua khỏi hai cái voi đất, thì ông Bảy một tay cầmcây sào, một tay quơ cây đèn chai lên mấy nhánh cây, rồi nói:

– Có Ba Khía rồi bà. Coi mòi cũng bộn à…

        Nói xong ông quơ cây sào lên cháng cây, từng cặp Ba Khiá đang ôm nhau tình tự buông tay rơi xuống. Những tiếng rớt nghe lộp độp trong xuồng, làm cho hai vợ chồng bà cảm thấy rất vui. Chừng vài giờ đồng hồ sau, thì sẽ đầy xuồng chớ không có ít. Lâu lâu ông Bảy cũng hạ cái đèn dầu chai rọi xuống khoang xuồng, để cho bà Bảy cầm cái mo cau xúc muối hột rải lên, khiến cho mấy con Ba Khiá ăn muối nằm yên mà chịu trận.

        Càng vô sâu chừng nào thì Ba Khiá nó hội rất nhiều, trên những chạc cây chỉ toàn một màu đỏ nhờ nhờ trong bóng tối. Nhưng muốn gạt cho tụi nó buông tay, thì phải là người có kinh nghiệm với nghề làm mắm nầy. Còn không, gạt nó không rớt mà còn làm động ổ tụi nó rút đi mất hết.

        Con Ba Khiá trong mùa nầy rất sạch, vì khi nước lớn ngập hang thì tụi nó bò ra, rồi tắm rửa giỡn hớt một hồi, sau đó mới bò lên nhánh mắm, nhánh bần hội tụ. Rồi tụi nó làm chồng làm vợ với nhau, sau đó con cái mang bầu, cái yếm của nó mang một chùm trứng để chờ sanh nở. Dòng đời như vậy cứ tiếp tục xoay dần, nếu con người không tàn phá đến thiên nhiên, thì thiên nhiên sẽ nuôi sống con người thật là phong phú.

        Công việc làm coi vậy mà cũng mệt rất nhiều, nên ông Bảy chóng cây sào nghỉ mệt một chút cho đỡ mỏi tay, rồi ông vấn một điếu rêđưa lên môi bập. Ông nhìn bà Bảy, hỏi:

– Má nó làm một điếu nghen…

        Bà Bảy trả lời:

– Ừ… ông vấn cho tui một điếu bập cho vui. Chớ muỗi nó bu vào hai mang tai cắn chắc là sần mình sần mẩy.

        Rồi công việc tiếp tục, khi chiếc xuồng Ba Khiá khẩm muốn lừ đừ ông Bảy nghỉ tay. Nhìn bà nói:

Đủ rồi má sắp nhỏ à…

        Trong bóng đêm hai bàn tay của bà rất là thuần thục. Bà rải thêm một mớ muối hột phủ kín con Ba Khiá, rồi lo rửa tay cho sạch sẽ mới lấy mấy cục cơm nếp ép gọn trong cái mo cau. Sau đó chòm người tới đưa cho ông. Hai người vừa ăn vừa đập muỗi. Tiếng nhai cơm nếp, hoà lẫn với tiếng xào xạc của rừng cây, đã tạo ra một âm thanh kỳ lạ đến rợn người. Chỉ có những người nghèo khổ, vì kế sanh nhai, mà phải bơi xuồng đi trong đêm tối.

        Chiếc xuồng quay mũi trở ra, khi tới vàm xẻo thì nước đã vựt ròng, nên hai vợ chồng phải chóng cái xuồng đi tìm voi đất rồi cấm lại. Hai vợ chồng ngủ ngồi một giấc cho quá nửa đêm, khi con nước lớn đẩy chiếc xuồng nổi lên trên mặt nước.

        Hai vợ chồng đều tỉnh ngủ, vấn mỗi người một điếu thuốc bập cho vui. Cũng chính vì những thói quen nầy, mà mấy người đàn bà nhà quê họ thường hay ghiền thuốc.Chiếc xuồng vẫn êm ái nhẹ nhàng lướt đi trên một khúc sông im ắng đến lạnh người. Thỉnh thoảng cũng có tiếng cá Sửu, cá Chẻm, cá Đối, cá Chim táp mồi trong bãi bần vang lên lồng lộng. Ông nhìn bà nói:

– Ráng làm để dành tiền ra giêng tôi sắm ít giềng câu. Tui với má nó bơi xuồng xuống đây giăng câu cũng đủ sống.

        Tiếp theo sau đó là một tiếng thở dài. Vì thời buổi nầy lưỡi câu và dây nhợ nó mắc vô phương, con nhà nghèo thì đừng có mong mơ tưởng. Khi bơi xuồng về tới nhà thì trời cũng hừng đông, cho dù cực khổ tới đâu, hai vợ chồng cũng ráng làm cho xong việc.

        Ông Bảy lẹ làng nhảy lên bờ cột dây xuồng, rồi xúc từng rổ Ba Khiá đầy vun, bưng vô đổ đầy trong mấy cái khạp da lươn, xong cái nào ông xúc muối hột rắc lên rồi dùng thanh tre gài lại. Bốn cái khạp da lươn đầy ắp mắm Ba Khiá để một dãy sau hè, còn cạnh đó là mấy máy vú nước mưa, mà bà Bảy đã dầm mưa hứng cho đầy rồi đập nắp lại để dành uống trong mùa hạn hán.

        Hai vợ chồng ông Bảy sau đó ngủ một giấc sảy tay, tới chiều thì mới thức dậy lo nấu cơm cho sắp nhỏ. Một bầy con như một tổ chim non, đang nằm trong ổ chờ mồi. Chớ tụi nóđâu có biết rằng, muốn có một miếng mồi để móm cho con, thì chim mẹ phải lặn lội suốt ngày nơi đồng vắng.

        Mới đó mà một tuần lễ trôi qua, bà Bảy đi ra sau hè giở mấy khạp mắm ra thăm thử, thì hởi ơi mấy khạp mắm đã khẩm mùi. Cái nầy mấy người làm mắm họ thường nói mắm bị hư, nên trong ruột gan bà Bảy bắt đầu bấn loạn. Lúc đó thì ông Bảy không có ở nhà, chắc đang tán dóc với anh em, nên bà lật đật bắt một cái trả lên trên bếp lửa, rồi xúc muối hột đổ vào. Đợi cho nước sôi vài dạo bà hớt bọt cho trong, rồi san ra từng ãng nấu thêm ba trả nữa.

        Công việc làm tuy có mệt nhưng bà cũng phải ráng hết sức mình, có tận thiên mệnh mới truy ra số phận. Bà vớt từng thúng Ba Khiá ra để trên giàn cho ráo nước, rồi bà sắp trở vô, đợi nước muối nấu thiệt nguội rồi đổ vô gày lại. Vừa lúc đó thì ông Bảy về tới, hỏi:

– Vậy chớ má sắp nhỏ làm cái gì mà coi mệt vậy?

        Bà vừa thở, vừa than:

– Mấy khạp mắm Ba Khiá bị hư hết rồi ông ơi!

        Ông Bảy ngồi xuống cái giường cây, rồi nói nhỏ:

– Để tui đái vô khạp cho nóthơm trở lại nghen bà…

        Bà Bảy la lên:

– Ý … đâu có được ông. Ai bày ông vậy hả?

– Tụi thằng Tư Sai, Ba Điểu, Bốn Hoằng, Năm Khạp. Mấy ông nầy chuyên môn đi chèo ghe mướn cho xứ Cà Mau, tụi nó nói từ miệt rừng U Minh Hạ, Năm Căn mà chèo lên tới Sàigòn cũng gần mười bữa. Chủ ghe mắm họ biểu mấy ông nầy, hễ mắc đái, thì cứ đái trong ghe. Nhờ nước đái, mà mắm Ba Khiá ngon dữ lắm…

        Vừa nghe qua bà Bảy cự lại liền:

– Đồ ăn của người ta, mà mấy ông nhậu rồi nói bậy không sợ tội. Tui đã nấu nước muối để nguội gày lại kỹ rồi.Đợi một tuần lễ nữa thì sẽ hay, nều không được ngon, thì tôi gày thêm vài tháng nữa cho rã thịt. Sau đó tui chịu cực nấu làm nước “mắm đồng” để dành ăn cũng được cả năm. Chớ ai đâu mà tin những điều tầm bậy…

        Hai vợ chồng ngồi nói chuyện láp giáp một hồi thì cũng làm thinh. Bởi trong cái đạo vợ chồng, sự yêu thương không cần lời nói. Mà phải bằng hành động, hai người phải hiểu nhau, người nầy nói, người kia lắng nghe, thì trong đó sẽ có sự yêu thương bền chặt.

        Gà buổi trưa trong xóm bắt đầu gáy vang lên lồng lộng, xen lẫn với tiếng cục tác của mái tơ, chắc đang tìm ổ để đẻ lứa so, nên tiếng cục tác của nó rất là vồn vã. Cặp theo bờ đất con rạch Cả Muồng, là một dãy đất rộng mêng mông. Nhưng dường như tất cả là của tụi Chà Đò (Chà Và), mà người dân ở nơi đây do tổ tiên để lại, hoặc khai phá sau nầy nhưng vì thua bài bạc, hoặc chạy chức ông Tổng ông Cai, nên lần lượt đi vay hỏi tụi Chà Đò, khi quá hạn trả thì bị tụi nầy qua bộ…

        Con kinh Cả Muồng vẫn trầm mặc với tháng năm, vẫn có những cái búng sâu cho cá tôm về trú ngụ. Nhưng muốn bắt được thì phải có miệng chài, hoặc mấy đường câu. Chớ còn đi nom, đi xúc thì chỉ đủ ăn chớ không khá được. Riêng về cửa nhà ông Bảy, nhờ có mấy bụi tre gai. Khi cây tre đã già, thì ông đốn xuống rồi đem ngâm dưới bùn chừng 6 tháng. Sau đó chẻ ra rồi bện đăng làm lọp, làm giẹp, làm bung. Nhờ vậy mà tới nước rong ông đem gày trên họng xẻo, hoặc mấy con mương, còn tới nước kém thì đem gày dưới búng.

        Mới đó mà mấy khạp mắm của bà Bảy cũng đủ cử mười ngày, trưa nay bà mới giở nấp ra thăm, một mùi thơm của mắm bay ra thật là dễ chịu. Bà liền khom người xuống, bợ mấy tảng đá cục bỏ ra, rồi giở từng nan tre sắp ra trên cái ảng. Bà bốc ra mấy con để thử trên cái dĩa bàn, rồi bẻ từng cái chèo của nó rút ra. Quả thật đúng như bà dự đoán, từng cái chèo rút ra có kèm theo cả bắp thịt còn nguyên bóng lưởng, đó là dấu hiệu của con mắm đã trở mình. Bà liền đưa lên miệng nếm thử. Tuy hương vị không được đậm đà như mấy kỳ mắm vừa rồi. Chớ nó cũng ngon, như vậy thì đem ra chợ bán được rồi, hoặc gánh đi lên chợ Vang Quới bán, hoặc đổi dừa khô về nhà thắng dầu dừa để dành xức tóc cho mượt cũng được.

        Bà giở ra thăm mấy khạp mắm xong xuôi, khạp nào cũng bay mùi thơm rất nhẹ. Bà liền bắt ra chừng một chục có đầu, sau đó bà đi ra trước giồng quằn nhánh khế chua thấp xuống, rồi hái đem vô năm trái. Khi đi ngang qua lảnh rau, tiện tay bà ngắt một nắm rau râm đem vô rửa sạch, rồi ngồi xuống ghế xắt lát mấy trái khế chua bỏ chung vô trong cái tượng hột xoài.

        Bà chậm rãi tách mu Ba Khía ra, gỡ bỏ cái yếm xong, bà bẻ từng cục nhỏ ra trông rất là bắt mắt. Xong xuôi mấy việc đó, bà mới đi hái hai trái ớt sừng trâu, đem vô xắt nhỏ cùng vài ba tép tỏi. Bà bầm lộp cộp một hồi, rồi đổ vô hết trong tô. Sau đó cầm đũa lên trộn cho đều, rồi đậy nấp lại đợi cho nó thấm.

        Vừa lúc đó thì ông Bảy đi đâu về tới, hỏi:

– Má sắp nhỏ làm gì đó. Cơm nước gì chưa?

        Bà Bảy trả lời:

– Đang bẻ mấy con Ba Khiá ra trộn đặng một lát ăn cơm. Còn ông đi đâu cho tới giờ nầy mới dìa (về)?

        Ông Bảy mặt buồn hiu ngó mong ra cửa, rồi nói:

– Đi lại nhà ông Ba Điểu chơi, định một lát rồi về. Gặp mấy thằng chả đang cáp độ gà, nên tui ở lại…

        Bà sanh nghi, hỏi tiếp:

– Ăn hay thua?

– Thua hết $10 đồng bà ơi…

        Bà nhìn ông, nói:

– Sao ông không biết phận mình. Như vầy thì làm sao để dành tiền mua áo mới cho con, với còn phải sắm mấy giềng câu và một miệng chài nữa chớ!
    
        Ông Bảy biết mình có lỗi, nên nói nhỏ:

– Thôi việc đó nó cũng đã lỡ rồi. Má nó bỏ qua cho tôi đi. Từ đây về sau tôi hứa, không bao giờ như vậy nữa…

        Bà Bảy nghe một niềm sung sướng âm thầm đang thấm dần trong ruột trong gan. Vì phận gái mười hai bến nước, bà đã may mắn cặp được bến trong, mặc dầu hiện tại còn nghèo. Nhưng nếu hai vợ chồng chịu cực ráng làm ăn, thì nuôi tụi sắp nhỏ ăn học để sau nầy làm một ông thầy giáo, nên bà nhìn ông nói:

– Thôi mình rửa tay rồi ăn cơm với tui. Coi cái tài của tui sửa mắm Ba Khiá trở có chiến không. Từ nay trở về sau, nếu bị mắm trở thì mình không còn phải lo xa nữa…

        Ngoài trời cơn nắng buổi xế chiều rắc xuống mặt đất nóng ran, trên nhánh cây mù u trước nhà có mấy con cu gù nhau rất là tình tứ. Thỉnh thoảng tụi nó cũng đạp mái với nhau, đã tạo ra mấy tiềng động lào xào, khi hai cái chưn con cu cườm đang bươi trên lưng con cu mái. Một tiếng động đó rất bất ngờ, rất âm thầm trên những chảng cây cao, chỉ có người dân ở thôn quê mới nghe và thấy được. Bất giác ông Bảy cười khan rồi nói một mình. Con Cu nó chết với nhau vì tiêng gáy…/-

2/26/23

Nhà sư và linh mục


Chùa Bảo Sái - Việt Nam linh thiêng Cổ Tự
Linh mục Nguyên Khải vừa lên tới chân núi Yên Tử thì trời mưa tầm tã. Núi Yên Tử thuộc xã Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh, là một dãy núi cao nằm ở phía đông bắc Việt Nam. Mặc dù Cha Khải có mang theo chiếc ô, vừa che mưa che nắng vừa làm gậy phòng thân, nhưng đụng phải cơn mưa giông, sấm sét rền trời buộc ông phải lách mình vô sơn động núp mưa. Vừa bước vào cửa động Cha Khải suýt dẫm phải con rắn hổ mang bành dài khoảng 6m nằm chắn ngang đang nuốt con rắn lục to bằng hai ngón tay. Đúng lúc đó con chim bồ câu trắng sà xuống đậu trên cành muỗm gần chỗ Cha Khải đứng. 
Con bồ câu vẫn nhận ra ông. Nó kêu cúc cúc, đưa cặp mắt màu hồng tươi lúc ngúc cái đầu nhìn ông. Như những lần trước, khi Cha Khải vừa tới lưng chừng núi ghé am cổ tự Bảo Sái thăm sư Lâm Mộc là con bồ câu xuất hiện như đại diện nhà sư chào đón khách phương xa. Lần nào cũng thế, Cha Khải nhẹ nhàng vuốt đầu nó, thì thầm với nó đôi câu xong là nó bay đi ngay. Năm ngoái, lúc nghỉ chân nơi am Ngọa Vân, Cha Khải đã kịp thời cứu con bồ câu thoát khỏi móng vuốt chim ưng. Lúc đem nó vô chùa, sư Lâm Mộc thấy đốm lông xám trên đỉnh đầu chim nên sư đặt tên là Lam câu và nuôi dưỡng nó đến nay.

Chùa Bảo Sái, xưa kia là một cái am thô sơ được Thiền sư Bảo Sái, đệ tử của Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông, dựng nên. Vì am cổ tự nằm cheo leo bên vách núi Yên Tử nhiều lần bị sụt lở vì mưa bão, về sau trải qua những biến đổi thăng trầm dần hồi am được trùng tu thành chùa mang tên của Thiền sư Bảo Sái.

Theo dòng thời gian mãi đến cuối thập niên 1930, một hôm chùa Bảo Sái tiếp nhận một đạo sư lang thang lạ mặt. Trang phục của sư thật giản dị, nhiều phần chắp vá và rách rưới. Ông mang đôi giầy vải, cổ đeo tràng hạt lớn, trên vai quàng một tấm vải nâu, râu ria lờm xờm. Cái thân hình hộ pháp trông dữ tợn nhưng ánh mắt thật hiền từ, nồng ấm. Điểm nổi bật ở ông là uyên thâm đạo pháp. Đó là nhà sư Lâm Mộc, đến rồi đi, như con giao long ẩn hiện rầy đây mai đó. Sư vân du khắp nơi, hoằng pháp khắp xứ Bắc kỳ, mùa mưa mới âm thầm trở về chùa. Sư Lâm Mộc là một cao tăng không chủ trương ở chùa. Ngay từ thuở thiếu thời, chịu ảnh hưởng cuộc sống cách mạng chống thực dân Pháp của bố mẹ nên sau một thời gian dài ẩn tu thành tựu tì kheo sư Lâm Mộc đã vân du hoằng pháp đó đây, coi trời đất là nhà, trần gian là chỗ tạm dung. Hằng năm vào mùa mưa, sư Lâm Mộc mới trở về chùa Bảo Sái náu mình trong kho củi ở khu vườn đá phía sau chùa.

Thỉnh thoảng vào trung tuần tháng Sáu, linh mục Nguyên Khải từ giáo phận Vinh lặn lội đường xa vượt núi, đội mưa ghé thăm sư Lâm Mộc vấn an sức khoẻ, thăm hỏi sự tình. Sư Lâm Mộc và linh mục Nguyên Khải có cùng một huyết thống. Hai ông là con sinh đôi của nhà cách mạng Nguyễn Khúc Thụ, đảng viên Việt Nam Quốc Dân Đảng, mẹ là bà Đỗ Thị Nâu thuộc đội hậu cần của Đảng trưởng Nguyễn Thái Học.

Năm 1930, ông Nguyễn Khúc Thụ hy sinh tại Yên Bái trong cuộc Tổng Khởi Nghĩa rạng mồng 10 tháng 2 năm 1930, chiều cùng ngày bà Nâu bị mật thám Pháp treo cổ trong nhà bếp của Cô Giang, người bạn đời chung thủy của Đảng trưởng Nguyễn Thái Học.

Cuôc khởi nghĩa của Việt Nam Quốc Dân Đảng thất bại, Nguyễn Thái Học cùng 12 nghĩa sĩ bị đưa lên đoạn đầu đài ở Yên Bái. Hai hôm sau, Cô Giang, tức nữ chí sĩ cách mạng Nguyễn Thị Giang, đã âm thầm trở về làng Thổ Tang tự sát bằng khẩu súng lục của Nguyễn Thái Học đã tặng cô ở đền Hùng ngày nào. Riêng Cô Bắc, em ruột của Cô Giang, cùng các nghĩa sĩ bị bắt đi tù 5 năm cấm cố. Nguyễn Thị Bắc qua đời năm 1943, khi mới 35 tuổi.

Lúc 13 anh hùng Việt Nam Quốc Dân Đảng bị xử chém thì một số đồng đảng thân cận của Nguyễn Thái Học may mắn chạy thoát khỏi sự săn đuổi của mật thám Pháp. Trong cuộc săn đuổi đó có hai người thanh niên tuổi vừa 20, cũng là đảng viên Việt Nam Quốc Dân Đảng, hoạt động tích cực cho mục đích đấu tranh giành độc lập dân tộc, tức nhà sư Lâm Mộc và linh mục Nguyên Khải sau này.

Để tránh bị sát hại, hai ông đã phải thay tên đổi họ, chia tay nhau được các nghĩa sĩ bí mật gởi vào nương náu nơi cửa Phật ở Sầm Sơn và nhà thờ Chúa ở Ninh Bình.

Dòng đời cứ thế trôi mau. Thỉnh thoảng các nghĩa sĩ sống sót âm thầm trở về chốn thanh tu vấn an hai vị tu sĩ, nhưng dần hồi không còn thấy họ trở lại nữa. Dù vậy, cả nhà sư và linh mục đều nương vào đấng tối cao để sống còn. Họ không để oán thù dầy xé hoặc đau buồn quật ngã, vẫn hành trì đạo pháp.

Mười năm sau, lúc sư Lâm Mộc đi hóa duyên ngang qua nhà thờ đá Phát Diệm tình cờ gặp Cha Nguyên Khải vừa từ giáo phận Vinh trở về nhà Chúa. Sư và Cha vừa giáp mặt nhau trước cửa Chính Tòa, cả hai đều sửng sốt trố mắt nhìn nhau như thể hai ông đang nhìn vào chính bản thể mình. Là anh em sinh đôi nên họ giống như hai giọt nước, ngay cả các giáo dân của Cha Khải cũng ồ lên kinh ngạc. Từ khi trở thành tu sĩ, hai ông đều đi khắp nơi vừa truyền bá đạo pháp vừa âm thầm dò la tung tích người thân, kết cục cả Cha và Sư không thể ngờ lại có ngày tri ngộ ở Giáo xứ này. Thoáng nhìn qua, sư Lâm Mộc biết ngay đây là sư đệ thất lạc của mình lúc chạy loạn, nhưng sư rất trầm tĩnh, âm thầm niệm hồng danh đức Phật thế tôn. Còn linh mục Nguyên Khải, qua những hoạt động mục vụ của nhà thờ, bản tánh thoáng hoạt hơn, Cha buột miệng nói rất khẽ: “Lạy Chúa tôi! Sư huynh...”. Từ đó, khi có dịp thỉnh thoảng Sư xuống núi hoặc Cha lên núi vấn an nhau. Là bậc tu hành của đấng đại trí đã giác ngộ, Cha Nguyên Khải và Sư Lam Mộc lấy đức báo oán, lấy bác ái của trí nhân làm hướng đi và lấy máu mủ tình thâm mà thăm hỏi sự tình.

Tuy nhiên, cuộc chiến tranh Đông Dương chống thực dân Pháp tạo nên cảnh loạn lạc, đói kém, bệnh tật và chết chóc khiến sự đi lại của công chúng bị trở ngại và hạn chế rất nhiều Năm 1954, sau khi quân Pháp thất thủ tại Điện Biên Phủ, Hiệp Định Genève được ký kết chấm dứt chiến tranh Đông dương, chia đất nước ra làm hai tại vỹ tuyến 17, đưa đến cuộc di cư vĩ đại vào miền Nam Việt Nam từ tháng 8-1954 đến tháng 5-1955. Trong những cộng đồng Thiên chúa giáo miền Bắc dưới thời Pháp thuộc, các linh mục giữ vai trò lãnh đạo về dân sự và tinh thần.

Cuộc di cư 1954 là một cuộc di cư lịch sử của khoảng một triệu người dân miền Bắc (đa số là người Công giáo) đã ra đi trên những chuyến tàu há mồm do Mỹ và Pháp thực hiện. Trong tất cả những chuyến tàu di cư không tiền khoáng hậu đó không có mặt linh mục Nguyên Khải và sư Lâm Mộc

***
Tôi, người được nghe kể câu chuyện này mà tâm không ngớt dao động. Năm ngoái từ Huế, nhóm Phật tử chúng tôi đã làm một cuộc hành hương ra Hà Nội, từ đó đi xe đò ra Ninh Bình dài khoảng 90km ghé thăm nhà thờ chính tòa Phát Diệm (còn gọi là nhà thờ đá), hôm sau vượt núi Yên Tử lên viếng chùa Bảo Sái. Điểm đặc biệt của nhà thờ đá Phát Diệm được khởi công xây cất từ năm 1875, tuy là nhà thờ Công giáo nhưng lại kiến trúc theo hình thể chùa chiền.

Viếng nhà thờ Phát Diệm, cá nhân tôi chỉ là khách thập phương không có ý dò hỏi, hay mạo muội tìm kiếm dấu vết của linh mục Nguyên Khải. Nhưng chiêm ngưỡng giá trị trăm năm của nhà thờ đá tôi có cảm tưởng như Cha Khải vẫn bàng bạc đâu đó, trong nhà nguyện, trên tường đá hay dưới chân tượng Đức Mẹ Hằng Sống.

Còn chùa Bảo Sái, sau nhiều công trình trùng tu trải dài theo năm tháng, nay đã được mở rộng, gồm chánh điện, nhà Tổ, tượng Phật Bà Quán Thế Âm, tượng Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông nhập niết bàn, tượng Thiền sư Bảo Sái, tượng hổ, giếng thiêng và vườn đá phía sau chùa.

Khi lần vào vườn đá, tôi đứng lặng trước biến thiên của dòng đời. Nhà củi, nghe nói nơi nhà sư Lâm Mộc từng cư ngụ, không còn nữa. Tuy vậy, cái nền đất hoang phế cỏ mọc vẫn không phủ lấp hết những thanh củi dựng theo chiều đứng của mô đất. Những thanh củi rêu phong, mục nát, có vẻ như cam chịu nhưng vẫn đứng nghiêng mình theo tuế nguyệt dần qua.

Ở đời có nhiều bậc anh hùng vì nước mà hy sinh, trong đó có những người sống âm thầm như chiếc bóng và chết đi trong vô danh. Nhưng cũng có những người vì hoàn cảnh buộc phải rời khỏi vòng gươm giáo, như sư Lâm Mộc và linh mục Nguyên Khải, với tấm lòng nhân ái mang lại lợi ích cho người, tặng cho đời những suy nghĩ tốt lành, những việc làm dễ thương, họ không là Thánh nhân thì cũng thành nhân.
Phan Ni Tấn