7/10/23

Kỷ niệm ngày tháng cũ - Sinh viên xa nhà: Khu Montmartre Đà Lạt, thành lập Hội Thanh Niên Thiện Chí

Bài viết Sinh Viên Xa Nhà – Khu Montmartre Đà Lạt là tổng hợp của các đoạn trích từ các bài của các anh : Tạ Duy Phong, Nguyễn Tường Cẩm, Nguyễn Văn Sơn, Hoàng Ngọc Nguyên, Nguyễn Thanh Nhàn, Phan Thạnh …

Xin chân thành cám ơn các anh có đoạn văn trích trong bài viết.

Quang Già Cơ

Viện Đại Học Đà Lạt

Sinh Viên Xa Nhà

Khu Montmartre Đà Lạt


Ngày còn học trung học, đọc tiểu thuyết Mây Ngàn của tác giả Tôi Chưa Hề Yêu Ai (Đái Đức Tuấn - TCHYA), tôi mơ ước được đặt chân đến khu nghệ sĩ, khu sinh viên của thành phố Paris. Những sinh viên Việt Nam sống trong khu sinh viên nghèo của thành phố Paris. Cuộc sống sinh viên Việt trên đất khách nghèo túng vất vả, nhưng sao tôi vẫn mơ ước. Cho đến nay, tôi vẫn chưa thực hiện được ước mơ đó.

Năm 1964, tôi ghi danh theo học khóa I trường Chánh Trị Kinh Doanh, Viện Đại Học Đà Lạt. Viện Đại Học Đà Lạt là Viện Đại Học của Thiên Chúa Giáo. Đa số sinh viên của Viện ( 90% ) là những sinh viên ở tỉnh thành khác đến theo học tại Viện. 

Tôi ở Lữ Quán Thanh Niên. Khu Lữ Quán Thanh Niên và Khu Võ Tánh chỉ cách viện khoảng nửa cây số, nên nam nữ sinh viên thuê phòng tại hai khu này rất đông.

Khu này, có trường nữ trung học Bùi Thị Xuân, trường trung học Bồ Đề, chùa Linh Sơn. Khu này có Lữ Quán Thanh Niên của nhà nước dành cho những người có lợi tức trung bình và thấp đến ăn ở, có những quán ăn nhỏ nấu ăn cho sinh viên. Khu này có quán cà phê T2 của sinh viên. Khu này có trụ sở của Sinh Viên Công Tác Xã Hội và trụ sở Hội Thanh Niên Thiện Chí. Khu này có những nhóm văn nghệ, những nhóm báo chí, kịch sĩ, họa sĩ … vv… Những sinh viên ở những khu khác như Nam Đại Học Xá, Nữ Đại Học Xá, Khu B …vv… có máu văn nghệ, văn chương đều về sinh hoạt tại khu Lữ Quán Thanh Niên – Võ Tánh. Những văn nghệ sĩ có tiếng tăm của Miền Nam đến thăm Đà Lạt cũng đến ở, thăm và sinh hoạt ở khu vực này. Anh Khoáng, sinh viên văn khoa, đặt tên cho khu này là Montmartre Đà Lạt.

Tôi chắc chắn sinh viên ở khu Sinh Viên Võ Tánh - Lữ Quán Thanh Niên Đà Lạt có cuộc sống sung sướng, đầm ấm, thân mật hơn những khu của sinh viên Việt Nam du học ở Pháp được nhà văn TCHYA tả trong quyển Mây Ngàn. Khu Montmartre Đà Lạt có nhiều nhân tài, có nhiều mối tình tốt đẹp và rất hiếm có mối tình đau khổ. Có một điều tôi muốn nói là tình bạn, tình đồng môn tại Khu Monmastre Đà
Lạt nói riêng và Viện Đại Học Đà Lạt nói chung, gắn bó tuyệt vời. Điển hình anh Nguyễn Tường Cẩm một trong những sinh viên ưu tú của khu Montmartre Đà Lạt. Anh đã đóng góp và cống hiến tài năng và công sức của anh cho Viện Đại Học Đà Lạt. Anh có mối tình đẹp. Cuộc sống của anh đã nói lên tình bạn cao quí của sinh viên Viện Đại Học Đà Lạt.

Thành Lập Hội Thanh Niên Thiện Chí

Nguyễn Tường Cẩm nổi lên như một chuyên viên tổ chức hoạt động xã hội. Họ tên Nguyễn Tường khiến mọi người tưởng anh là cháu của nhà cách mạnh Nguyễn Tường Tam. Anh Cẩm bà con với giáo sư kinh tế Nguyễn Cao Hách, anh không thuộc giòng họ Nguyễn Tường Tam. Theo anh tuy không có họ hàng với nhà cách mạng Nguyễn Tường Tam, nhưng tình thân giữa anh và gia đình Nguyễn Tường Tam còn hơn ruột thịt. Anh là bạn thân với cô Thoa con gái Nhất Linh. Bà Nguyễn Thị Thế em gái của Nhất Linh rất quý mến anh. Bà Thế đã nhận anh làm con nuôi.

Hoàng Ngọc Nguyên viết : “Mọi người khóa 1 ai cũng biết Cẩm. Người không biết Cẩm trong khóa 1 của trường CTKD chắc có lẽ chỉ có những người ở Saigon ghi danh nhưng không đi học. Ngay cả Nguyễn Đức Quang (Du Ca), về sau này người ta mới biết, còn Cẩm là người được mọi người biết rất sớm.

Tên tuổi của anh gắn liền với sự hình thành của Hội TNTC. Chính nhờ hoạt động công tác xã hội của TNTC mà hàng trăm sinh viên nam nữ xa nhà vừa cảm thấy ít trống trải vừa có ý niệm xã hội là gì khi có dịp đến gần với đời sống của người dân một vùng cao nguyên đất đỏ có cả người kinh người thượng chung sống đề huề.

Và cũng nhờ hoạt động của hội mà người dân ngay cả ở những nơi xa xôi hẻo lánh cũng có thể thấy được những người trẻ có học thoát ra khỏi tháp ngà như thế nào. Những nơi như Suối Thông A, Suối Thông B, Tùng Nghĩa, Đơn Dương, Dam Pao, dốc Nhà Bò, dốc Nhà Xác, trường Xuân An… đã trở thành những “địa danh lịch sử” của hội Thanh Niên Thiện Chí Đà Lạt”.

Anh Cẩm và chị Lan Anh lên Đà Lạt mang theo lời ủy thác của ban lãnh đạo Hội Thanh Niên Thiện Chí Sài Gòn gồm các anh Nguyễn Hy Văn, Trần Văn Ngô, Hà Tường Cát, Dương Mạnh Hùng :” Cẩm và Lan Anh lên Đà Lạt học, cố hoạt động, quy tụ anh em thành lập Hội Thanh Niên Thiện Chí Đà Lạt “. Cẩm đã thực hiện lời ủy thác rất thành công. Tháng đầu tiên anh tổ chức nhiều trại công tác xã hội, những buổi đi pinic, những buổi thảo luận. Anh trở thành nhân vật nổi bật nhất của Viện. Hội Thanh Niên Thiện Chí qui tụ được nhiều sinh viên nam nữ tham gia.

Đây là tổ chức làm công tác xã hội lớn nhất của Viện Đại Học. Hội Thanh Niên Thiện Chí có văn phòng tọa lạc trên đường Võ Tánh.


(còn tiếp: Quán T2)







No comments:

Post a Comment