Showing posts with label Đỗ Chiêu Đức. Show all posts
Showing posts with label Đỗ Chiêu Đức. Show all posts

1/25/24

Giai Thoại Văn Chương : DƯƠNG GIỐC AI và TẢ BÁ ĐÀO

 

Sanh tử chi giao - Dương Giốc Ai, Tá Bá Đào (ảnh minh họa)

   
Như ta đã biết, cặp TRI KỶ nổi tiếng ở thời Xuân Thu là QUẢN TRỌNG 管仲 và BÀO THÚC NHA 鲍叔牙. Cả hai đã chơi với nhau và kết giao với nhau từ thuở nhỏ. Sau Bào Thúc Nha hiển đạt nhờ theo phò Tề Hoàn Hoàn. Tề Hoàn Công định phong cho Bào Thúc Nha làm Tể Tướng. Bào Thúc đã giới thiệu và nhường chức vụ đó cho Quản Trọng. Hai người cùng nhau phò Tề Hoàn Công trước sau như một. Quản Trọng đã có câu nói như sau : Ta từng ba lần ra trận, ba lần thua chạy trước, Bào Thúc chẳng cho là ta nhát gan, vì biết ta còn mẹ già; Ta từng ba lần xin ra làm quan đều bị từ chối, Bào Thúc không cho là ta bất tài, vì biết ta chưa gặp thời; Ta từng cùng Bào Thúc đi buôn và luôn chia phần lãi nhiều hơn, Bào Thúc chẳng cho là ta tham, vì biết ta nghèo. Sanh ra ta là cha mẹ, còn hiểu được ta là chỉ có Bào Thúc mà thôi!

Từ xưa đến nay hễ nhắc đến bạn bè TRI KỶ kết giao, là người ta nhớ ngay đến QUẢN BÀO CHI GIAO 管鲍之交, là sự kết giao giữa Quản Trọng và Bào Thúc Nha. Hôm nay ta cũng nói đến hai người bạn tình cờ gặp gỡ, rồi cùng kết giao huynh đệ và cùng chết để bảo vệ cho nhau, lưu lại tiếng thơm muôn thuở. Đó là tình bạn kết giao sinh tử giữa TẢ BÁ ĐÀO 左伯桃 và DƯƠNG GIỐC AI 羊角哀 như sau :

Theo "Quyển thứ 7 của Dụ Thế Minh Ngôn 喻世明言·第七卷" truyện "Dương Giốc Ai xả mệnh toàn giao 羊角哀捨命全交" của Phùng Mộng Long 馮夢龍 đời Minh. 
Truyện kể...
       Vua nước Sở là Sở Nguyên Vương 楚元王 rất sùng Nho trọng Đạo, chiêu hiền đãi sĩ. Người trong thiên hạ nghe tiếng tìm đến rất đông.
      Thuở ấy, tại núi Tích Thạch xứ Tây Khương có một hiền sĩ họ Tả 左 tên Bá Đào 伯桃, cha mẹ đều mất sớm, nhưng có chí học hành, sớm trở thành người có tài an bang tế thế. Nghe tiếng Sở Vương cầu hiền bèn khăn gói từ biệt hương thân lên đường tìm đến nước Sở. 
      Một hôm vừa đến đất Ung Châu khi trời đã vào đông, gió bấc mưa phùng trời mây u ám gió lạnh căm căm. Tả Bá Đào đội mưa đi suốt một ngày, khi thấy trời đã hoàng hôn, định tìm nơi nghỉ trọ qua đêm. Nhìn ra phía trước mặt trong rừng trúc xa xa thấy có ánh đèn nhấp nháy, bèn lần mò tìm đến căn nhà cỏ sau hàng rào tre xiêu vẹo. Một người thanh niên cường tráng, mày thanh mắt sáng, ra mở cửa mời vào. Sau khi hàn huyên tâm sự thì biết người thanh niên đó họ Dương 羊 tên Giốc Ai 角哀 cũng mồ côi từ nhỏ. Thấy bàn tủ trong nhà chứa toàn là sách, cả trên giường ngủ cũng đều có sách vở ngổn ngang. Đồng thanh tương ứng hai người cùng đàm đạo trao đổi nhau càng thấy tâm đầu ý hợp. Vốn định chỉ ở trọ qua đêm không ngờ nấn ná đến ba ngày. Vì mến tài nhau nên cùng nhau kết nghĩa kim bằng. Tả lớn hơn Dương 5 tuổi nên làm anh, Dương kính Tả như là một huynh trưởng, Đoạn 2 anh em rủ nhau cùng lên kinh đô nước Sở để tìm chữ công danh.
       Dọc đường, đang lúc trọng đông, gặp lúc thời tiết khắc nghiệt, mưa tuyết bảo bùng mà phải băng rừng vượt núi. Tả Bá Đào càng ngày càng kiệt sức, tự biết sức mình khó lòng vượt qua được đoạn đường dài gian nan hiểm trở nầy, hơn nữa cũng tự biết rằng tài học vấn của mình không sao bằng được Dương Giốc Ai và điều quan trọng nhất là lương thực mang theo chỉ còn đủ dùng cho một người khỏe mạnh cố gắng vượt qua đoạn đường hiểm trở lạnh lẽo nầy, nếu nấn ná cho cả 2 người thì có nguy cơ cả 2 đều phải chết lạnh chết đói trong vùng rừng núi mịt mùng gió tuyết nầy. Nên, Tả quyết định hi sinh bản thân mình mà thành toàn cho người em kết nghĩa hoàn thành tâm nguyện thi thố tài năng để cầu chút công danh.
        Thừa lúc Dương đi tìm củi sưởi ấm trong cơn bão tuyết, Tả bèn cởi hết quần áo ra, nhường áo để Dương mặc thêm cho đủ ấm. Khi Dương về đến thì Tả mới thều thào nói cho người em kết nghĩa biết Ý định của mình và khuyên Dương hãy tranh thủ lên đường, khi nào cầu được công danh hãy trở lại an táng cho mình, nói xong thì tắt thở. Dương đành phải gạt lệ lên đường. Người đời sau có thơ khen Tả Bá Đào như sau :
         寒來雪三尺, Hàn lai tuyết tam xích,
            人去途千里。 Nhân khứ đồ thiên lý.
            長途苦雪寒, Trường đồ khổ tuyết hàn,
            何況囊無米? Hà huống nang vô mễ ?
            並糧一人生, Tịnh lương nhất nhân sinh,
            同行兩人死; Đồng hành lưỡng nhân tử.
            兩死誠何益? Lưỡng tử thành hà ích ?
            一生尚有恃。 Nhất sinh thượng hữu thị.
            賢哉左伯桃! Hiền tai Tả Bá Đào !
            隕命成人美。 Vẫn mệnh thành nhân mỹ
Có nghĩa:

                  Trời đông ba thước tuyết rơi,
                  Người đi ngàn dặm ngược xuôi chập chùng.
                  Đường dài trước mặt mông lung,
                  Trong nang gạo chỉ đủ dùng một thôi.
                  Huống chi mình đến hai người,
                  Cùng đi thì chết cả đôi ích gì ?
                  Một người sống còn có khi...
                  Bá Đào hiền sĩ chết vì bạn thân,
                  Thương thay lặng lẽ âm thầm,
                  Chết vì tri kỷ muôn phần đẹp thay !

Khi đến nước Sở nhờ có Thượng Đại Phu Bùi Trọng 裴仲 tiến cử, sau khi đã thử tài của Dương Giốc Ai, nên mới sớm được yết kiến Sở Vương và sau khi ứng đối lưu loát những vấn đề của Sở Vương nêu ra, Dương còn dâng lên 10 sách lược rất thiết thực để làm cho nước Sở phú cường. Nhà vua tỏ ra rất vui mừng, bày ngự yến thết đãi rồi phong Dương  Giốc Ai làm chức Trung Đại Phu. Dương khóc và kể lại chuyện Tả Bá Đào đã hy sinh ở giữa đường để cho mình đi lập công danh. Sở Vương nghe xong rất cảm động và thương tình cũng truy phong cho Tả Bá Đào làm Trung Đại Phu và cho Dương Giốc Ai dắt đoàn tùy tùng đi cải táng cho Tả Bá Đào.                                                                 
     Truyện được kết thúc bằng cách cho Dương Giốc Ai tự sát sau khi nằm chiêm bao thấy Tả Bá Đào về cho biết là mình bị Kinh Kha của ngôi mộ kế bên đến ức hiếp. Chết để cùng với Tả Bá Đào chống lại Kinh Kha và Cao Tiệm Ly. Truyện có vẻ hoang đường, nhưng kết thúc như thế cho trọn nghĩa kim bằng của tình anh em TRI KỶ : Sống chết đều có nhau !
      Tùy tùng về báo lại với Sở Nguyên Vương, Vương thương cho cái nghĩa khí của tình anh em kết bái mà truy phong cho cả hai thành Thượng Đại Phu và cho lập miếu tế tự với sắc ban bốn chữ "TRUNG NGHĨA CHI TỪ 忠義之祠", là Từ miếu thờ người Trung Nghĩa.
     Sau Quản Trọng và Bào Thúc Nha thì đây cũng là một cặp TRI KỶ nổi tiếng trong văn học dân gian Trung Hoa xưa. Người đời sau có thơ tán dương như sau : 

                古來仁義包天地,  Cổ lai nhân nghĩa bao thiên địa,
               只在人心方寸間。  Chỉ tại nhân tâm phương thốn gian.
               二士廟前秋日淨,  Nhị sĩ miếu tiền thu nhật tịnh,
               英魂常伴月光寒。  Anh hồn thường bạn nguyệt quang hàn.
     Có nghĩa :
                   Xưa nay nhân nghĩa trùm trời đất,
                   Chỉ tại lòng người tấc dạ thôi.
                   Nghĩa sĩ đệ huynh còn trước miếu,
                   Hương hồn còn mãi ánh trăng trôi !

Đỗ Chiêu Đức

12/11/23

NOEL 2023


 Muôn nhà xứ Mỹ đã trang hoàng,
Chuông thánh nhà thờ cũng đổ vang.
Tang tóc người gieo còn khắp chốn,
Bình an Chúa vẫn ngự trong hang.
Trung Đông khói lửa mờ nhân ảnh,
Thế giới loạn ly ảm nhật quang.
Nguyện Chúa hồng ân ban phép lạ,
Chuyển xoay Địa ngục hóa Thiên đàng !


Đỗ Chiêu Đức
12-08-2023


Phương Hà xin góp họa 

ĐÊM NOEL

Khi màn đêm phủ khuất hôn hoàng
Rộn rã khắp nơi chuông Thánh vang
Lấp lánh, rạng ngời sao giữa thế
Êm đềm ấm áp cảnh trong hang
Hồng ân tỏa xuống nơi trần tục
Đuốc tuệ bừng lên ánh diệu quang
Chúa đã giáng sinh cùng tiếng nhạc
Ngân nga thánh thót rộn muôn đàng.

Phương Hà
( 04/12/2023 )


Mừng sắp tới Giáng sinh

Giáng sinh muôn nét, vẻ huy hoàng

Chốn chốn phơi bày sự vẻ vang.

Thánh mẫu, lung linh trên chính điện,

Hài đồng, thấp thoáng giữa ng hang.

Tươi vui sau trước, nguồn tươi trẻ,

Rực rỡ trong ngoài, ánh điện quang.

Thiên hạ nối đuôi vào lễ tạ,

Dưới trời, đây thực chốn Thiên đàng.

         ​Danh Hữu

                          Paris, 4.12.2023



Noel rực rỡ đẹp huy hoàng
Mừng Giáng Sinh về Chúa vẻ vang
Thế giới Ki Tô gương Nguyệt Điện
Bê-Lem đất Thánh Máng Lừa Hang
Ngôi sao chiếu diệu Ngân Hà sáng
Đuốt tuệ ngời lên ánh điện quang
Cứu chuộc con chiên ngoan thập tự
Ngôi Lời thờ phượng vọng Thiên Đàng…

     Mai Xuân Thanh
Cựu Kim Sơn Vùng Vịnh
   December 03, 2023


BA BÀI HOẠ 

Thanh nhận ba bài họa thật hay
Câu thơ Xmas được trình bày 
Noel, giáng thế Hài Đồng, Chúa
Đức Mẹ Maria có phước tài 
Thánh Chúa Giáng Sinh, Ngài Christ 
Noel đêm Thánh Chúa Ngôi Hai
Bao ngàn năm Đấng Ki Tô giáo
Mững Chúa Giang Sinh miễn nạn tai 

Mai Xuân Thanh
   12/9/2023

12/6/23

Giai Thoại Văn Chương : HAI NHÂN CÁCH MỘT THI NHÂN


                                            Cày đồng đang buổi ban trưa,
                                           Mồ hôi thánh thót như mưa ruộng cày.

Theo "Vân Khê Hữu Nghị 云溪友議 và Cựu Đường Thư 舊唐書 ghi chép lại : Khoảng năm Trinh Nguyên đời vua Đường Đức Tông (799), chàng thư sinh LÝ THÂN 李紳 lai kinh ứng thí đã làm hai bài thơ MẪN NÔNG 憫農 (Thương xót cho nhà nông) dâng lên cho Tập Hiền Điện Hiệu Thư Lang LỮ ÔN 呂温 để cầu tiến thân, rất được Lữ xem trọng. Hai bài thơ đó như sau :
                 其一               Kỳ Nhất
             春種一粒粟,     Xuân chủng nhất lạp túc,
             秋收萬顆子。     Thu thâu vạn khỏa tử.
             四海無閒田,     Tứ hải vô nhàn điền,
             農夫猶餓死。     Nông phu do ngạ tử !
   Có nghĩa :
                  Mùa xuân một hạt gieo trồng,
                  Đến thu thu hoạch muôn lần nhiều hơn.
                  Khắp nơi chẳng có ruộng hoang,
                  Nông dân đói chết vẫn còn khắp nơi !


                其二                    Kỳ Nhị
             鋤禾日當午,     Sừ hòa nhật đang ngọ,
             汗滴禾下土。     Hạn trích hòa hạ thổ.
             誰知盤中餐,     Thùy tri bàn trung xan,
             粒粒皆辛苦。     Lạp lạp giai tân khổ !
    Có nghĩa :
                  Cuốc cày giữa ngọ ban trưa,
                  Mồ hôi đổ xuống như mưa lúa trồng.
                  Ai người biết  cơm trong mâm,
                  Từng hạt từng hạt muôn phần đắng cay !

      Có học giả cho rằng bài ca dao sau đây của ta là bản phỏng dịch tuyệt vời của bài thơ MẪN NÔNG Kỳ Nhị nêu trên :

                  Cày đồng đang buổi ban trưa,
             Mồ hôi thánh thót như mưa ruộng cày.
                    Ai ơi, bưng bát cơm đầy,
             Dẻo thơm một hạt, đắng cay muôn phần!

Qua hai bài thơ MẪN NÔNG nêu trên, ta thấy LÝ THÂN quả là một chàng trai có bầu nhiệt huyết, có hoài bão lo cho dân cho nước. Thấy được sự bất công của xã hội và cảm thông với đời sống khốn khó của nông dân, những người làm ra hạt lúa để nuôi sống nhân dân lại là những người bị chết đói nhiều nhất; Cho nên, phải biết trân trọng từng hạt thóc hạt gạo do nông dân cực khổ lắm, phải đổ mồ hôi sôi nước mắt mới làm ra được, như hai câu ca dao đã nhắn nhủ :
                Ai ơi, bưng bát cơm đầy,
             Dẻo thơm một hạt, đắng cay muôn phần!!!

*****
Vào đời với bầu nhiệt huyết là thế, có ai ngờ rằng đến năm Nguyên Hòa Nguyên niên (806) khi Lý Thân đã thi đỗ Tiến sĩ ra làm quan, thì lại đâm ra ăn chơi trác táng, chạy theo đời sống xa hoa hưởng thụ, làm uy làm quyền, vô tình vô nghĩa. Trong Vân Khê Hữu Nghị 云溪友議 có chép lại rằng :
       
      Lý Thân khi chưa phát tích thường đến chơi nhà của một người trong họ tộc là Lý Nguyên Tướng. Vì Tướng lớn tuổi hơn, nên Thân thường gọi Tướng là "Thúc Thúc". Đến khi Thân phát tích thi đậu làm quan thì Tướng vì muốn lấy lòng Thân nên tự hạ mình xuống gọi Thân là "Huynh trưởng", tự xưng là "Tiểu đệ", nhưng Thân vẫn không vui dạ, bắt Tướng phải gọi mình bằng "Gia gia" và tự xưng là "Tôn tử"(cháu) thì mới vừa lòng. Lại một lần...
      Có người bạn họ Thôi cùng khoa Tiến sĩ với Lý Thân, nhưng chỉ là một Tuần Quan nhỏ ở Tuyên Châu Dịch Quán. Nghe Lý được thăng đến chức Tư Không, bèn khăn gói đến thăm. Khi vừa đến khách sạn, chẳng may người nhà và một thị dân tranh chấp ẩu đả nhau gây náo loạn. Lý Thân bèn xử cực hình cả hai và hạ lệnh bắt Thôi Tuần Quan trói lại mắng rằng :"Trước kia chúng ta đã từng quen biết, sao nhà ngươi đến đây mà chẳng đến bái kiến ta, còn để cho người nhà gây náo loạn là cớ làm sao ?!" Bèn hạ lệnh đánh hai mươi trượng và đày đi xứ khác, mặc cho người bạn hết lời xin lỗi giải thích cũng chẳng thèm nghe.
     Mọi người đều kháo nhau chê trách Lý Thân rằng : Người đáng bậc cha chú trong họ tộc thì kêu bằng cháu; bè bạn cũ đến thăm thì bị đánh đòn và đi đày. Dưới sự bạo hành và hà khắc của Lý Thân, một số dân chúng đã vượt qua sông Trường Giang mà đi xứ khác ở. 

Lại một lần nữa...

 Thi hào LƯU VŨ TÍCH 劉禹錫(772—842)khi bị biếm làm Thứ Sử đất Tô Châu (833), Lý Thân nghe tiếng và cũng mến mộ tài văn thơ của ông, bèn mời ông đến và thiết tiệc khoản đãi. Buổi tiệc thật xa hoa với đầy đủ các sơn hào hải vị, mỹ tửu quỳnh tương, dưa ngon trái ngọt. Các cô ca kỹ ăn mặc như các cung nữ và ca múa những điệu nhạc trong cung đình. Lưu Vũ Tích bàng hoàng ngỡ ngàng trước buổi tiệc qúa cao sang xa hoa nầy của tác giả hai bài thơ Mẫn Nông năm xưa. Trong khi dân chúng Tô Châu đang lâm vào cảnh lũ lụt đói kém khắp nơi, nên Ông đã xót xa mà viết bài thơ tứ tuyêt "Tặng Lý Tư Không Kỹ 贈李司空妓" (Tặng cô kỹ nữ của ông Tư Không họ Lý) với những lời lẽ chua chát mĩa mai như sau :
           
             高髻雲鬟宮樣妝,    Cao kế vân hoàn cung dạng trang,
                春風一曲杜韋娘。    Xuân phong nhất khúc Đỗ Vi Nương.
                司空見慣渾閒事,    Tư Không kiến quán hồn nhàn sự,
                斷盡蘇州刺史腸。    Đoạn tận Tô Châu Thứ Sử trường !
     Có nghĩa :
                   Tóc kết cung đình mây lướt trôi,
                  "Đỗ Vi Nương" khúc hát chơi vơi.
                   Tư Không quen mắt không cho lạ,
                   Thứ Sử Tô Châu ruột đứt rồi !

Ông đã ăn chơi quen thói, nên cho cảnh ăn chơi trác táng xa xỉ trước mắt là chuyện bình thường, là chuyện nhàn rỗi  (hồn nhàn sự), nhưng đối với tôi, đang lúc phải cầu xin triều đình mở kho lương thực để cứu tế dân tình đang trong cơn thiên tai lũ lụt, đói kém khắp nơi, thì cảnh ăn chơi sa đọa trước mắt qủa thật làm cho con người ta phải đau lòng đứt ruột ! Sao bây giờ ông lại vô tâm thế, ông đã quên mất khi xưa mình đã từng làm hai bài thơ MẪN NÔNG  rất hay, rất có tình người, rất có tính nhân bản hay sao ?!

TƯ KHÔNG KIẾN QUÁN hồn nhàn sự,  Đoạn tận Tô Châu Thứ Sử trường ! 

        Bài thơ trên của Thi Hào Lưu Vũ Tích còn hình thành một thành ngữ vẫn thông dụng cho đến hiện nay. Đó là bốn chữ "TƯ KHÔNG KIẾN QUÁN 司空見慣", nghĩa đen là : Quan Tư Không nhìn đã quen rồi; nghĩa bóng thường dùng để chỉ : Chuyện gì đó rất bình thường, không có gì là lạ cả; không làm cho ai đó phải trầm trồ hay ngạc nhiên gì cả ! Chuyện gì đó dù có lạ, có hiếm cở nào đi nữa, nhưng khi đã nhìn thấy nhiều lần rồi thì đều là "Tư Không Kiến Quán", là "Chuyện thường ngày ở huyện !".

      Lại một lần khi Lý Thân đang làm Tiết Độ Sứ ở đất Hoài Nam, lúc đó Tam nguyên Trương Hựu Tân 張又新 (một đối thủ chính trị từng hại cho Lý Thân suýt chút nữa thì bị chém đầu) bị bãi quan về quê, khi đi ngang qua địa phận của Lý Thân lại bị đắm thuyền, chết mất hai đứa con, lại sợ bị Lý Thân trả thù. Đau khổ, rối rắm và lo lắng vô cùng bèn hạ mình xuống nước viết một bức thư trần tình thật dài tạ lỗi với Lý Thân. Lý tỏ ra rất đồng tình và cảm thông cho nỗi bất hạnh của Trương, chẳng những bỏ qua những hiềm khích cũ, mà còn mời Trương đến nhà để thiết tiệc khoản đãi. Hai người cùng thù tạc như là bạn tâm giao lâu ngày vừa găp lại, nên uống đến say mèm... Chợt... 
      Trương Hựu Tân như tỉnh hẵn rượu ra vì trông thấy một ca kỹ mà Lý Thân vừa cho ra hát để giúp vui trong bữa tiệc... Thì ra đó là người yêu cũ hai mươi năm trước của Trương Hựu Tân khi ông đang làm quan ở đất Quảng Lăng, hai người yêu nhau nhưng chẳng thành quyến thuộc. Nay lại gặp mặt nhau trong hoàn cảnh trớ trêu nầy, bốn mắt nhìn nhau mà nói chẳng nên lời. Thừa lúc Lý Thân vào trong rửa mặt thay áo, Trương Hựu Tân bèn dùng ngón tay chấm vào rượu tức cảnh một bài tứ tuyệt viết lên mặt bàn như sau :

              雲雨分飛二十年,   Vân vũ phân phi nhị thập niên, 
              當時求夢不曾眠。   Đương thời cầu mộng bất tằng miên.
              今來頭白重相見,   Kim lai đầu bạch trùng tương kiến,
              還上襄王玳瑁筵。   Hoàn thướng Tương Vương đại mạo diên !
   Có nghĩa :
                   Mây mưa cách biệt hai mươi năm,
                   Chưa mộng hằng mơ thổn thức lòng.
                   Đầu bạc hôm nay còn gặp lại,
                   Tương Vương tiệc rượu hết còn mong !

      Lý Thân thay áo xong ra uống tiếp, thấy Trương Hựu Tân lộ vẻ âu sầu, bèn lệnh cho ca kỹ hát để giúp vui. Nàng ca kỹ bèn cất tiếng ngâm và hát bài thơ TẶNG QUẢNG LĂNG KỸ 贈廣陵妓 nói trên khiến cho Trương Hựu Tân và nàng cả hai cùng rơi lệ. Lý Thân hỏi biết chuyện, nên sau tiệc rượu, bèn cho người khiêng kiệu đưa nàng ca kỹ theo Trương Hựu Tân về để cùng nhau đoàn tụ.
Qủa là một nghĩa cử cao đẹp của một thi nhân. Chẳng những không trả thù, mà còn giúp cho kẻ thù cũ được tròn mộng uyên ương. Lý Thân là như thế đó !

SƠ LƯỢC TIỂU SỬ LÝ THÂN :

     LÝ THÂN 李紳(772-846)tự là Công Thùy 公垂, người đất Hào Châu (An Huy), sau dời về Nhuận Châu, Vô Tích (Giang Tô). Con của Ô Trình Lệnh Lý Ngộ, là thi nhân, làm quan cao đến chức Tể Tướng.

Lý Thân đậu tiến sĩ năm Nguyên Hòa nguyên niên đời Đường (806), được bổ về làm Chưởng Thư Ký cho Triết Tây Quan Sát Sứ Lý Ky. Năm sau Lý Ky mưu phản, ông can gián, nhưng không nghe, lại nhốt ông vào ngục. Lý Ky mưu phản thất bại, ông được thả và được triệu về kinh thăng chức Hiệu Thư Lang rồi Quốc Tử Trợ Giáo. Đời Đường Mục Tông lại được thăng Hàn Lâm Học Sĩ, cùng với Lý Đức Dũ và Nguyên Chẩn xưng là TAM TUẤN 三俊 (Ba người Tuấn Kiệt). Khi Đường Kính Tông tức vị, ông bị Lý Phùng Kiết, Trương Hựu Tân hãm hại, bị biếm làm Đoan Châu Tư Mã. Đầu những năm Đại Hòa đời Văn Tông (827), ông chuyển nhậm Từ Châu rồi Thọ Châu Thứ Sử. Sau thăng lên các chức vụ quan trọng như Triết Đông Quan Sát Sứ, rồi Hà Nam Doãn và Tuyên Võ Tiết Độ Sứ. Đường Võ Tông năm Hội Xương thứ 2 (842), về triều nhậm chức Trung Thư Thị Lang, đồng Trung Thư Môn Hạ Bình Chương Sự, Tể Tướng. Hai năm sau lại bị chuyển về làm Hoài Nam Tiết Độ Sứ, không lâu thời mất, hưởng thọ 75 tuổi.

Lý Thân cùng với Nguyên Chẩn, Bạch Cư Dị giao du xướng họa rất thân mật, họ đều là thành viên của việc vận động và đề xướng ra lối thơ Tân Nhạc Phủ. Ông sáng tác 20 bài Nhạc Phủ Tân Đề (đã thất truyền). Tác phẩm nổi tiếng để đời của ông là 《Mẫn Nông nhị thủ 憫農二首》nói về đời sống cơ cực vất vả của nông dân, rất được mọi người tán thưởng và thuộc lòng. Trứ tác thì có《Truy Tích Du Thi 追昔遊詩》trong Toàn Đường Thi thu tập lại được bốn quyển.

Đỗ Chiêu Đức

11/20/23

TRI KỶ, TRI ÂM

TRI 知 là Biết, Kỷ 己 là Mình; nên TRI KỶ 知己 là người hiểu biết về mình, không phải chỉ hiểu biết hời hợt bên ngoài, mà hiểu biết một cách sâu sắc tận tâm can và suy nghĩ của mình, thì mới gọi là TRI KỶ được. Như khi nghe Thúy Kiều nói lên cái ý định xưng bá đồ vương của mình, thì Từ Hải tỏ ra rất hài lòng :

                          Nghe lời vừa ý gật đầu,
               Cười rằng: TRI KỶ trước sau mấy người!
                         Khen cho con mắt tinh đời,
                   Anh hùng đoán giữa trần ai mới già! 

Đôi bạn TRI KỶ đầu tiên hiểu rõ nhau nhất là Quản Trọng 管仲 và Bào Thúc Nha 鮑叔牙 thời Chiến Quốc, theo Sử Ký ghi lại như sau :

Quản Trọng - Bảo Thúc Nha

Quản Trọng 管仲(725—645 Trước Công Nguyên)tên là Di Ngô 夷吾, hiệu là Kính Trọng 敬仲, người thôn Quản Cốc huyện Dĩnh Thượng. Ông là Tể Tướng nổi tiếng của nước Tề, phò tá và giúp Tề Hoàn Công trở thành một trong Ngũ Bá thời Chiến Quốc. Bào Thúc Nha 鮑叔牙 cũng là một Đại Phu của nước Tề, là bạn TRI KỶ của Quản Trọng. 

Truyện kể...
Thuở nhỏ, Bào Thúc Nha và Quản Trọng là hai người bạn thân. Bào Thúc Nha rất hiểu về tài hoa của bạn mình. Quản Trọng nhà nghèo nhưng luôn luôn lấn lướt Bào Thúc Nha về mọi mặt, nhưng Bào lại luôn luôn đối xử tốt với bạn mà không một tiếng oán than trách móc.

Lớn lên, hai người cùng làm quan cho nước Tề. Quản Trọng theo phò Công Tử Củ, còn Bào Thúc Nha theo phò người em là Công Tử Tiểu bạch.

Năm 686 trước Công Nguyên, Tề Tương Công mất, cháu là Công Tôn Vô Tri soán ngôi. Mùa xuân năm 685 trước CN, Đại Phu nước Tề là Ung Lẫm giết Công Tôn Vô Tri. Lúc đó Công Tử Củ đang ở nước Lỗ, còn Công Tử Tiểu Bạch đang ở nước Lữ. Triều thần quyết định đón hai Công Tử về nước, ai về trước sẽ được nối ngôi.

Nước Lỗ phái người đưa Công Tử Củ về nước; còn nước Lữ thì phái người đưa Công Tử Tiểu Bạch về nước. Quản Trọng sợ Công Tử Tiểu Bạch về trước, nên phi ngựa rượt theo bắn một mũi tên, Công Tử Tiểu Bạch giả vờ trúng tên té xuống xe ngựa. Sau đó cùng Bào Thúc Nha rẽ đường tắt về nước trước, lên ngôi nước Tề, chính là Tề Hoàn Công đó.

Lỗ Trang Công nghe Công Tử Tiểu Bạch đã lên ngôi nước Tề, vô cùng tức giận, cử binh sang đánh nước Tề. Tề đã có chuẩn bị sẵn nên binh Lỗ đại bại mà về. Dưới áp lực của nước Tề, Lỗ bắt buộc phải giết Công Tử Củ và bắt Quản Trọng trả về cho nước Tề xử tội.

Tề Hoàn Công sau khi lên ngôi, bèn triệu Bào Thúc Nha đến để phong làm Tể Tướng. Nhưng Bào lại từ chối mà còn tiến cử cho người đang ở trong tù là Quản Trọng làm Tể Tướng vì cho rằng Quản Trọng giỏi hơn mình rất nhiều. Trước đây bắn Tề Hoàn Công là vì đang theo phò Công Tử Củ, chỉ là ai vì chúa nấy mà thôi. Tề Hoàn Công nghe theo lời Bào Thúc Nha phong Quản Trọng là Tể Tướng. Nên sau nầy nhờ các sách lược của Quản Trọng mà Tề Hoàn Công mới xưng bá chư hầu.

Về phần Quản Trọng, ông luôn nói với người khác rằng :" Lúc nhỏ nhà nghèo, thường đi buôn với Bào Thúc Nha, tôi ra vốn ít, nhưng chia lời nhiều. Thúc Nha không cho là tôi tham, vì biết tôi nghèo. Tôi bày cách làm ăn cho Thúc Nha bị thất bại. Thúc Nha không cho là tôi ngu xuẩn, mà biết là làm ăn phải có lúc vầy lúc khác. Tôi ra làm quan ba lần đều bị đuổi về ba lần, Thúc Nha không cho là tôi bất tài, mà biết là tôi chưa gặp được thời cơ. Tôi đi đánh trận ba lần, ba lần đều thua chạy trước, Thúc Nha không cho là tôi nhát gan, vì biết tôi còn phải phụng dưỡng mẹ già. Công Tử Củ thất bại bị giết, tôi bị bắt mà không dám hi sinh vì chủ, Thúc Nha không cho tôi là kẻ vô sỉ, vì biết rằng tôi còn đợi dịp để thi thố tài năng. Ôi, Sanh ra tôi là cha mẹ tôi, nhưng hiểu được tôi thì chỉ có Bào Thúc Nha mà thôi !". Đây là câu nói nổi tiếng và để đời của Quản Trọng đó : "Sanh ra ta là cha mẹ, nhưng hiểu được ta thì chỉ có Bào Thúc Nha thôi !".

Khi Quản Trọng sắp chết. Tề Hoàn Công hỏi : Bào Thúc Nha có thể thay thế làm Tể Tướng không ? Quản Trọng đáp : Không được ! Bào Thúc Nha là người thiện ác phân minh, không thể bao dung cho kẻ xấu được. Nếu giao cho quyền bính trong tay, chẳng những có hại cho chúa công mà còn có hại cho chính bản thân Thúc Nha nữa ! Bào Thúc Nha nghe biết chuyện nầy, chẳng những không trách Quản Trọng không tiến cử mình, mà còn rất cảm kích vì biết bạn rất hiểu mình nên không muốn hại mình phải mang họa vào thân.

Quả là hai người bạn TRI KỶ với nhau : Người nầy hiểu rõ người kia và người kia cũng rất hiểu rõ người nầy. Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng đã ca ngợi tài của Quản Tử (Quản Trọng) như sau :


Lượng gã Bạch sinh nào có mấy,
Tài người Quản Tử có đâu nhiều !


Tăng Quảng Hiền Văn có câu :


Tương thức mãn thiên hạ, 相識滿天下,
TRI KỶ năng kỷ nhân ? 知己能幾人?
Có nghĩa :
Quen biết hết cả người trong thiên hạ, nhưng...
TRI KỶ (là người hiểu ta nhất) có được mấy người đâu ?!

Đó là đôi bạn TRI KỶ, còn TRI ÂM thì...

Theo sách Chiến Quốc  Liệt Ngự Khấu 战国列御寇著 ghi về chuyện Bá Nha Tử Kỳ như sau :

Du Bá Nha 俞伯牙 phụng mệnh vua Tấn đi sứ sang nước Sở. Đêm rằm tháng tám, thuyền vừa vào đến Hán Dương, gặp lúc mưa to gió lớn, nên ghé vào một mé núi nhỏ để tránh gió. Đêm xuống, gió lặng mây tan, vầng trăng rằm sáng vành vạnh trên sông nước, cảnh sắc thật hữu tình. Bá Nha bèn lấy cây dao cầm ra nắn nót phím dây và đàn một khúc. Đang lúc thả hồn vào cung đàn phím nhạc, mơ hồ như thấy có bóng người trên bến nên phân tâm, tay bấm mạnh vào phím đàn đánh "chát" một tiếng, đàn đứt mất một dây và tiếng đàn im bặt. Bỗng nghe tiếng người trên bờ nói vọng xuống rằng :" Xin tiên sinh chớ ngại, tôi là người đốn củi về muộn, đi đến đây nghe được tiếng đàn tuyệt diệu của tiên sinh, nên nán lại chưa nỡ rời đi ".

Nương theo bóng trăng, Bá Nha nhìn kỹ người trên bến, quả nhiên là một tiều phu với gánh củi còn để một bên, thầm nghĩ : Chỉ là một người đốn củi, làm sao nghe hiểu được tiếng đàn của ta chứ ?. Bèn cất tiếng hỏi rằng :" Các hạ nghe hiểu tiếng đàn của ta, thì có thể nói thử xem khi nãy ta đang đàn khúc gì ?". Người tiều phu bèn đáp rằng :" Thưa tiên sinh, lúc nãy ông đang đàn khúc Khổng Tử tán thán đệ tử Nhan Hồi. Rất tiếc là tiên sinh mới đàn đến câu thứ tư thì dây đàn bị đứt ".

Du Bá Nha - Chung Tử Kỳ

Nghe người tiều phu đối đáp trôi chảy, Bá Nha rất ngạc nhiên và cũng vô cùng mừng rỡ. Bèn mời tiều phu lên thuyền để đàm đạo , người tiều phu vừa trông thấy cây đàn của Bá Nha, bèn khen rằng :" Đây là cây dao cầm, tương truyền là của vua Phục Hi chế tạo ra ". Bèn kể lại lai lịch, quá trình chế tạo và xuất xứ của cây đàn. Bá Nha nghe xong càng khâm phục cho kiến thức của người tiều phu hơn. Đoạn mời người tiều phu nghe thêm vài khúc đàn nữa. Khi Bá Nha cất cao tiếng đàn lên thật hùng tráng, thì người tiều phu khen :" Vòi vọi thay núi cao hùng vĩ, chí tại cao sơn ". Khi Bá Nha hạ tiếng đàn xuống cho thanh thoát trôi chảy, thì tiều phu lại cất tiếng khen rằng :" cuồn cuộn thay như nước trường giang, ý tại lưu thủy ".

Bá Nha nghe xong rất lấy làm vui dạ, trước đây chưa từng có người hiểu được tâm sự của ông gởi gấm qua tiếng đàn, mà trước mắt, người tiều phu nầy lại làm được việc đó. Không ngờ ở chốn thâm sơn cùng cốc nầy lại có được một TRI ÂM ( người hiểu được tiếng lòng của người khác qua âm nhạc ) mà bấy lâu nay ông cố tìm vẫn không gặp được. Bèn đứng dậy thi lễ, rót chén rượu mời và cùng xưng tên họ với nhau. Thì ra người tiều phu tên là Chung Tử Kỳ 鍾子期, làm nghề đốn củi độ nhựt. Hai người càng đàm đạo càng hợp ý hơn. 

Cuối cùng dưới vầng trăng thu sáng vằng vặc họ đã cùng nhau kết nghĩa đệ huynh. Bá Nha lớn hơn nên làm anh, hỏi Tử Kỳ rằng :" Với tài năng và học thức của hiền đệ sao không ra kiếm chút công danh mà lại cam nghề đốn củi ?" Tử Kỳ cho biết là vì mình còn phải phụng dưỡng cha già, nên mới ẩn nhẫn đợi thời. Vì công vụ chưa xong, nên Bá Nha không có thời gian lên bái kiến cha của Tử Kỳ. Trước khi chia tay, hai người bạn cùng hẹn nhau rằm Trung Thu sang năm lại gặp nhau trên bến sông nầy.

*****
Trung Thu năm sau, Bá Nha y hẹn, ghé thuyền lại bến Hán Dương chờ bạn. Nhưng chờ hoài chờ mãi vẫn không thấy tăm hơi, bèn đem đàn ra mà đàn một bản, ý muốn kêu gọi bạn tri âm, nhưng tri âm vẫn bằng bặt bóng hình. Sáng hôm sau, Bá Nha lên bờ, lần mò vào thôn để hỏi thăm về tin tức của Tử Kỳ.. Một ông già nghe hỏi, bèn khóc òa lên, cho biết mình chính là cha của Tử Kỳ đây. Sau Trung Thu năm rồi, Tử Kỳ đã nhuốm bệnh và qua đời, trước phút lâm chung, còn trối lại là hãy chôn mình ở bờ sông để Trung Thu năm tới còn nghe được tiếng đàn của Bá Nha như đã ước hẹn.

Nghe lời nói của Chung Lão, Bá Nha đau buồn vô hạn, tìm đến bên mộ của Tử Kỳ, trịnh trọng đặt cây dao cầm trước mộ, rồi ngồi xếp bằng mà đàn lại khúc " Cao sơn lưu thủy " năm xưa. Đàn xong bèn gạt đứt hết dây đàn, đứng dậy nâng cây dao cầm lên cao đập mạnh xuống tảng đá xanh trước mộ. Cây đàn " bùng " lên một tiếng bể tan tành ! Ba Nha bèn khóc mà ngâm rằng :

               摔碎瑶琴鳳尾寒,  Suất toái dao cầm phụng vĩ hàn,
              子期不在向誰彈?  Tử Kỳ bất tại hướng thùy đàn ?
              春風满面皆朋友,  Xuân phong mãn diện giai bằng hữu,
              欲覓知音難上難。  Dục mịch TRI ÂM nan thượng nan !
  Có nghĩa :
                Dao cầm đập nát đau lòng phượng,
                Đàn vắng Tử Kỳ đàn với ai ?
                Mát mặt gió xuân đều bạn hữu,
                TRI ÂM đâu dễ gặp lần hai !

      Quả là " Dục mịch tri âm nan thượng nan ": Muốn tìm được một người tri âm là "khó trên khó". Có nghĩa là "Khó vô cùng !" Hiểu nhau đã khó, hiểu cả tiếng đàn của nhau càng khó hơn nữa. Nên sau nầy dùng rộng ra, TRI ÂM chỉ những người bạn rất thân thiết, hiểu rõ cả ruột gan lòng dạ của nhau. Nguyễn Du còn dùng để chỉ những cặp đôi yêu nhau nữa, như lời của Thúy Kiều nói với Kim Trọng :

Nàng rằng : Gió bắt mưa cầm,
Đã cam tệ với TRI ÂM bấy chầy !

Trong truyện Nôm TRINH THỬ cũng có câu :

Bá Nha đã gặp Tử Kỳ,
Bảo sơn ai nở trở về tay không ?!

Trong Tăng Quảng Hiền Văn cũng có câu :


        知音說與知音聽, Tri âm thuyết dữ tri âm thính,
不是知音莫與彈. Bất thị tri âm mạc dữ đàn.
Có nghĩa :
Là TRI ÂM với nhau mới nói cho nhau nghe,
Không phải là TRI ÂM với nhau thì đừng có đàn (cho nhau nghe, vì có biết nghe đâu mà đàn chi cho uổng công !).

Qua hai câu truyện kể trên, ta ngộ ra được rằng :

* TRI KỶ là người hiểu ta một cách chân tình, hiểu thấu tận tâm can gan ruột, không bãi buôi khách sáo, không chìu lòng nịnh nọt, không tính toán lợi hại, mà hết lòng thông cảm giúp đỡ, không vụ lợi, không mè nheo. Người với ta như tâm ý tương thông, tuy hai mà một, ngoài mặt lợt lạt nhưng trong dạ lại ngọt ngào. Nói một cách khác, người TRI KỶ là một TA THỨ HAI rất khó tìm khó gặp khó cách xa. Còn...

* TRI ÂM là người có cùng tiếng nói, cùng sở thích, cùng chí hướng, cùng lý tưởng và cùng hướng về một chân trời Chân Thiện Mỹ. Ở bất cứ nơi đâu lúc nào người đó cũng làm cho ta cảm thấy ấm lòng, vui vẻ và hạnh phúc mà không còn cảm thấy trống trải cô đơn.

Nói chung...
TRI ÂM TRI KỶ là người bạn thân thiết với ta nhất, thấu hiểu ta nhất. Nhưng TRI ÂM nhiều lúc chỉ là đơn phương. Ta xem người đó là TRI ÂM, nhưng chưa chắc người đó cũng xem ta là Tri Âm. Bá Nha xem Tử Kỳ là Tri Âm vì nghe hiểu được tiếng đàn của mình, nhưng Tử Kỳ xem Bá Nha như là người đồng điệu có cùng chung thị hiếu với mình mà thôi. 

Nói Tóm lại...

TRI KỶ là người rất thấu hiểu ta và ta cũng rất thấu hiểu người đó, còn TRI ÂM là người có cùng thị hiếu sở thích và cùng chung quan niệm về nghệ thuật mà thôi.

TRI KỶ, TRI ÂM ngày xưa là như thế đó, còn ngày nay thì sao ?!


Đỗ Chiêu Đức 杜

10/20/23

TIẾT TRÙNG CỬU

 

Lễ ÔNG BÀ ngày nay

Sau Tết Trung Thu là Tết Trùng Cửu, chữ Tết do chữ Tiết đọc trại ra mà thành. TIẾT 節 là Thời Tiết 時節 chỉ Khí hậu có liên quan đến mùa màng. TIẾT cũng có nghĩa là ngày Lễ Tết trong năm. Một năm có mấy cái Tết lớn. Nguyên Đán là cái Tết lớn nhất mở đầu cho một năm nằm trong tháng Giêng, Thanh Minh là Tết nằm trong tháng 3, Đoan Ngọ là Tết của tháng 5, Tháng 8 thì có Tết Trung Thu và Tháng 9 thì ta có Tết Trùng Cửu.

Trùng Cửu, Trùng là Trùng lắp, là lặp lại. Cửu là số 9. Nên Trùng Cửu 重九 là 2 số 9 được lặp lại, tức là ngày mùng 9 tháng 9 Âm lịch. Theo Kinh Dịch thì số 9 thuộc Dương, nên Trùng Cửu còn được gọi là Trùng Dương 重陽. Đây là cái Lễ tiết cuối cùng sau mùa thu hoạch của tháng tám, rồi trời sẽ trở lạnh để vào đông cho đến Tiết Đông Chí về, sẽ lại chuẩn bị để đón mừng năm mới !

Ngoài việc được gọi là Tiết Trùng Dương 重陽節 ra, Trùng Cửu còn được gọi là Tiết Đạp Thu 踏秋節, có nghĩa là Đạp lên lá vàng khô của mùa Thu, tức là Đi dạo chơi trong mùa Thu trước khi trời trở lạnh. Trong dân gian xưa còn gọi ngày này là Ngày Của Người Già : LÃO NHÂN TIẾT 老人節 hoặc KÍNH LÃO TIẾT 敬老節. Có thể là do sau khi mùa màng được thu hoạch vào mùa Thu, con cháu có nhiều món ngon vật quý để dâng hiến cho Ông Bà, hoặc đã có tiền để chăm lo săn sóc đến đời sống của Ông Bà hơn. Khi ông bà cha mẹ già đã quá cố, thì con cháu cũng nhân dịp Đạp Thu mà kéo nhau lên núi để Tảo Mộ (Ở những nơi có đồi núi thì người chết được chôn cất ở trên cao, vùng đồng bằng để trồng trọt canh tác. Cho nên ta thấy Cụ Nguyễn Du tả cảnh Tảo mộ của Tiết Thanh Minh là : " Ngổn ngang gò đống kéo lên, Thoi vàng hồ rắc tro tiền giấy bay, là thế !). Vì vậy, mà Tiết Trùng Cửu còn được gọi là Tiết ĐĂNG CAO 登高節. Ngoài ra, Tiết Trùng Cửu còn được gọi là Tiết THÙ DU 茱萸節, Tiết CÚC HOA 菊花節....

Cây lá và trái Thù Du (giống trái cherry ở Mỹ )

THÙ DU là loại cây ăn trái được thu hoạch vào khoảng cuối tháng 6. Cây lá có tính sát trùng tiêu độc, ngừa phong đón gió, nên trong ngày Lễ Trùng Cửu dân gian hay bẻ một nhánh lá nhỏ giắt bên mình để "trừ tà", để được bình an khoẻ mạnh nên ngày lễ nầy còn được gọi là Thù Du Tiết 茱萸節 là vì thế. 

Trong bài thơ "Bốn mùa ăn chơi" của người xưa thì câu thứ 3 là "Thu ẩm Hoàng Hoa tữu". Hoàng Hoa tức là Hoa Cúc đó, loại hoa có màu vàng và nở vào mùa thu, nên được dùng để ủ rượu uống cho ấm vào những ngày cuối thu lạnh lẽo nầy, để ngừa cảm cúm, như ta chích "flu shot" vào mùa nầy ở Mỹ vậy ! Nên Tiết Trùng Cửu còn được gọi là Cúc Hoa Tiết 菊花節 là vì thế !

Hoa Cúc và tục lệ uống rượu Cúc trong ngày Trùng Cửu

Theo truyền thuyết thì ...
Vào thời Nam Bắc Triều, người của Nam Triều là Ngô Quân Chi thuộc nước Lương, ghi trong " Tục Tề Hài Ký " rằng : Đời Đông Hán, ở huyện Nhữ Nam có một người tên là Hoàn Cảnh, cha mẹ đều chết vì bệnh ôn dịch ở cuối thu, nên anh ta quyết định lên núi tầm sư học đạo để trừ ôn dịch ôn thần. Đạo nhân Phí Trường Phòng dạy cho phép tiên dưỡng sinh và y học. Một năm, sau Trung Thu, đạo nhân gọi Hoàn Cảnh đến mà bảo rằng : mùng 9 tháng 9 năm nay, ôn thần lại đến gieo rắc bệnh dịch, con hãy về quê mà cứu nhân độ thế. Nói đoạn bèn trao cho anh ta một cây Thanh Long Kiếm, một bao lá Thù Du và một bình Rượu Cúc, căn dặn mọi người phải lên cao mà tránh nạn.
Đến hôm mùng 9 tháng 9, Hoàn Cảnh gọi hết bà con lối xóm cùng đăng cao lên núi, giắt cho mỗi người một lá Thù Du và uống một ly rượu Cúc, rồi đơn thân độc mã đứng chặn ở sườn núi, chiến đấu và tiêu diệt ôn thần. Từ đó về sau không ai còn bị chết về bịnh dịch nữa, và cũng từ đó về sau mới có tục Đăng Cao, cài lá Thù Du lên áo và uống rượu Cúc trong ngày Tiết Trùng Cửu cho đến hiện nay.


******
Trong văn học, nhất là trong Đường Thi, ngày Trùng Cửu luôn luôn được nhắc đến một cách thân thiết gần gũi qua các thi nhân nổi tiếng như Lưu Trường Khanh 劉長卿  với ...
      
九日登李明府北樓              CỬU NHẬT ĐĂNG LÝ MINH PHỦ BẮC LÂU

          九月登高望,          Cửu nguyệt đăng cao vọng,
          蒼蒼遠樹低。          Thương thương viễn thọ đê.
          人煙湖草裡,          Nhân yên hồ thảo lý,
          山翠現樓西。          Sơn thuý hiện lầu tê.(tây)
                      
Diễn nôm :
                  NGÀY CHÍN LÊN BẮC LÂU CỦA LÝ MINH PHỦ

                          Tháng chín lên cao ngắm,
                          Xanh xanh cây cỏ xa.
                          Hồ mờ sương người vắng,
                          Lầu tây núi biếc nhòa !
 
                                                Đỗ Chiêu Đức diễn nôm 
Còn Thi tiên Lý Bạch với ...

 
九月十日即事    (Ngày 10 tháng 9) CỬU NGUYỆT THẬP NHẬT TỨC SỰ
        
             昨日登高罷,           Tạc nhật đăng cao bãi
          今朝再舉觴。           Kim triêu tái cử trường.
          菊花何太苦,           Cúc hoa hà thái khổ,
          遭此兩重陽。           Tao thử lưỡng Trùng Dương .  
   
Chú Thích :
Mùng 9 tháng 9 gọi là Tiết Trùng Dương, hái hoa cúc, uống rượu cúc, nhưng...
Mùng 10 tháng 9 gọi là Tiểu Trùng Dương, lại hái hoa cúc, lại uống rượu cúc.
Chỉ trong hai ngày, hoa cúc BỊ HÁI, BỊ VÙI DẬP đến 2 lần. Lý Bạch ví thân phận đi đày của mình giống như là hoa cúc liên tiếp bị vùi dập vậy, nên mới hạ 2 câu cuối là : "Cúc hoa hà thái khổ, Tao thử lưỡng Trùng Dương". Có nghĩa : Hoa Cúc sao mà lại khổ thế, phải gặp cái nạn của 2 lễ Trùng Dương nầy !
KHỔ 苦 là Khổ sở, Cực khổ. KHỔ cũng có nghĩa là ĐẮNG nữa ! Tân là Cay, nên Tân Khổ là Cay Đắng, Đắng Cay!
Diễn nôm :
                      Chuyện của ngày mười tháng chín
                            Hôm qua sau leo núi,
                            Sáng nay lại nâng ly.
                            Hoa Cúc sao mà khổ,
                            Trùng Dương đến nhị kỳ !
                                                Đỗ Chiêu Đức diễn nôm

Nhưng nổi tiếng và tiêu biểu nhất cho lễ Trùng Cửu là bài thơ của Thi Phật Vương Duy....

《九月九日憶山東兄弟》CỬU NGUYỆT CỬU NHẬT ỨC SƠN ĐÔNG HUYNH ĐỆ
       
               獨在異鄉為異客         Đôc tại dị hương vi dị khách,
           每逢佳節倍思親。   Mỗi phùng giai tiết bội tư thân.
               遙知兄弟登高處     Diêu tri Huynh đệ đăng cao xứ,
           遍插茱萸少一人。   Thiên tháp thù du thiểu nhất nhân !
                         
Chú Thích :
Khi làm bài thơ nầy Vương Duy chỉ mới 17 tuổi, đang xa nhà đến Trường An để mưu cầu công danh. Nhà ông ở Bồ Châu, phía đông của núi Hoa Sơn, nên mới đề tựa là " Ức Sơn Đông Huynh Đệ ". Bài thơ nổi tiếng với 2 câu đầu mà không có người du tử nào không trầm trồ với 2 từ " dị hương, dị khách ".

Nghĩa bài thơ :
Mùng chín tháng chín nhớ anh em ở phía đông núi.
Ta một mình ở nơi đất lạ làm người khách lạ, nên mỗi lần gặp Lễ Tết là lại nhớ người thân thêm bội phần. Ta biết rằng ở nơi xa xôi kia, anh em ta đang đăng cao trong ngày lễ nầy, và mỗi người đều có giắt một nhánh Thù Du lên áo, chỉ thiếu có một người không được giắt là ta đây mà thôi !

 Diễn nôm :
                Xứ lạ quê người làm khách lạ,
                   Mỗi lần lễ tết nhớ khôn nguôi.
                   Anh em mùng chín đăng cao đó,
                   Đều giắt thù du thiếu một người !
   Lục bát  :
                   Đơn thân xứ lạ quê người,
                   Mỗi khi lễ tiết ngậm ngùi nhớ nhau.
                   Quê xa huynh đệ đăng cao,
                   Thù du giắt áo nghẹn ngào riêng ta !
                                                   Đỗ Chiêu Đức diễn Nôm


    Để kết thúc bài viết, mời tất cả cùng đọc bài thơ CỬU NHẬT ĐĂNG CAO của Thi Thiên Tử Vương Xương Linh sau đây :

  九 日 登高            CỬU NHẬT ĐĂNG CAO         
                                                      
青山遠近帶皇州,   Thanh sơn viễn cận đới hoàng châu,
霽景重陽上北樓。   Tễ cảnh trùng dương thướng bắc lâu.
雨歇亭臯仙菊潤,   Vũ yết đình cao tiên cúc nhuận,
霜飛天苑御梨秋。   Sương phi thiên uyển ngự lê thu.
茱萸插鬓花宜寿,       Thù du tháp mấn hoa nghi thọ,
翡翠橫釵舞作愁。   Phỉ thúy hoành thoa vũ tác sầu.
謾說陶潛籬下醉,   Mạn thuyết Đào Tiềm ly hạ túy,
何曾得见此风流。    Hà tằng đắc kiến ​​​​thử phong lưu ! 
*CHÚ THÍCH :
- Hoàng Châu 皇州 : là Vùng châu thổ của hoàng thành.
- Tễ Cảnh 霽景 : là Cảnh trí lúc trời vừa mới tạnh mưa.
- Đình Cao 亭臯 : là Bờ, luống chung quanh đình.
- Thiên Uyển 天苑 : là Vườn hoa của Thiên Tử.
- Ngự Lê 御梨 : là Cây lê trồng trong vườn ngự uyển.
- Thù Du 茱萸 : là loại cây ăn trái được thu hoạch vào khoảng cuối tháng 6. Cây lá có tính sát trùng tiêu độc, ngừa phong đón gió, nên trong ngày Lễ Trùng Cữu dân gian hay bẻ một nhánh lá nhỏ giắt bên mình để "trừ tà", để được bình an khoẻ mạnh nên ngày lễ nầy còn được gọi là Tiết Thù Du. Thù Du là trái cherry ở Mỹ đó.
- Mạn Thuyết 謾說 : Ta còn nói thành Mạn Đàm, là nói lan man, nói chơi về người nào hoặc việc gì đó.
- Đào Tiềm 陶潛 : tức Đào Uyên Minh, là một ẩn sĩ cao nhã đời Tấn, thích hoa cúc và chuyên trồng cúc ở bờ giậu phía đông, nổi tiếng với câu : Thái cúc đông ly hạ, du nhiên kiến nam sơn 採菊東籬下 悠然見南山. Có nghĩa : Hái cúc ở rào phía đông, xa xa trông thấy núi nam.


* NGHĨA BÀI THƠ :
NGÀY CHÍN LÊN CAO
Núi xanh gần gần xa xa như là một vành đai bao quanh mảnh đất của hoàng thành. Cảnh vật sau cơn mưa của Tiết Trùng Dương khi lên lầu phía bắc để ngắm nhìn. Những luống hoa cúc tiên bên đình mượt mà hơn sau cơn mưa, và những trái lê trong vườn ngự uyển ửng hồng hơn khi nhuốm sương thu. Nhánh thù du cài lên tóc mai cùng với hoa cúc là hoa trường thọ, giống như là cành trâm phỉ thúy lắc lư trên mái tóc khi đang ca múa càng gợi niềm sầu. Đừng nói là Đào Tiềm say dưới giậu hoa cúc là vô cớ, vì trong đời ta há dễ được mấy lần nhìn ngắm cái cảnh phong lưu tao nhã nầy ?!


Vương Xương Linh là nhà thơ biên tái nổi danh thời Thịnh Đường, nổi tiếng là Thánh thủ của thơ Thất ngôn Tứ tuyệt và là Thi Thiên Tử của đương thời, cùng với Thi Tiên Lý Bạch, Thi Phật Vương Duy, Cao Thích, Sầm Tham và Vương Chi Hoán giao tình rất hậu. Những bài thơ tả cảnh ghi lại các phong tục dân gian như bài thơ nầy rất hiếm thấy trong thi phẩm của ông, nên được mọi người rất trân qúi.


DIỄN NÔM :
Mùng Chín Đăng Cao

Núi xanh vây phủ lấy hoàng châu,
Trời tạnh Trùng Dương lên bắc lâu.
Đình cúc sau mưa vàng sắc mượt,
Ngự lê sương nhuốm ửng màu thu.
Thù du cài lẫn hoa trường thọ,
Phỉ thúy vắt chung tóc gợi sầu.
Chả trách Đào Tiềm say dưới giậu,
Bao lần được thấy nét phong lưu ?!
Lục bát :
Núi xanh cao thấp bốn phương,
Hoàng thành trời tạnh Trùng Dương lên lầu.
Sau mưa luống cúc tươi màu,
Nhuốm sương lê cũng đỏ au trong vườn.
Thù du cài tóc thọ trường,
Lắc lư phỉ thúy vấn vương mối sầu.
Đào Tiềm say khước vì đâu
Trong đời há dễ qua cầu phong lưu ?!

Đỗ Chiêu Đức diễn Nôm

 Hẹn bài viết tới !

                                                                        Đỗ Chiêu Đức 杜紹德