Thủ tướng Đức Angela Merkel (trái) và tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy
REUTERS/Charles Platiau
Có ba hồ sơ chính cần cải cách để giúp châu Âu giải quyết khó khăn trước mắt và không phải lại đối mặt với khủng hoảng về lâu dài: Đó là bổ sung, mở rộng vai trò của Ngân hàng Trung ương châu Âu, khả năng phát hành công trái châu Âu và sửa đổi các hiệp định châu Âu hiện có. Thế nhưng, Pháp và Đức lại có bất đồng trên các vấn đề này. Sau đây là phân tích của tiến sĩ Âu Dương Thệ, từ Dortmund, Đức.
Tiến sĩ Âu Dương Thệ - Dortmund - Đức - 27/11/2011
27/11/2011
Bất đồng Paris - Berlin về vai trò của Ngân hàng Trung ương châu Âu - BCE
Euro, đồng tiền chung của 17 nước, từ gần 2 năm nay, đang rơi vào khủng hoảng trầm trọng nhất. Điều này chính tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy đã báo động và thủ tướng Đức bà Angela Merkel cũng nhìn nhận và cảnh báo là, nều đồng euro thất bại thì Liên Hiệp Châu Âu cũng thất bại.
Tuy nhiên, cách giải quyết như thế nào để đưa đồng euro thoát khỏi hiểm nguy thì đang là tranh cãi gay gắt giữa 17 nước trong khu vực đồng euro, đặc biệt là Đức và Pháp, hai đầu tầu kinh tế và tài chánh chính của khu vực đồng euro.
Điểm tranh cãi gay gắt nhất giữa Paris và Berlin là về vai trò của Ngân hàng Trung ương châu Âu, có trụ sở đặt ở thành phố Frankfurt, Đức. Tổng thống Sarkozy đang phải chuẩn bị tái tranh cử tổng thống vào đầu năm 2012, nên muốn có một giải pháp nhanh bằng cách để Ngân hàng Trung ương châu Âu mua tự do các trái phiếu chính phủ của những nước đang gặp khủng hoảng tài chánh như Hy lạp, Ý, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha… Theo ông Sarkozy, giải pháp này sẽ giữ mức lời của trái phiếu chính phủ các nước này ở mức thấp có thể ở mức kiểm soát được.
Trong khi đó, thủ tướng Merkel chống lại giải pháp này và đòi là Ngân hàng Trung ương châ Âu phải giữ tính độc lập, không được in thêm tiền ra để mua trái phiếu chính phủ các nước trong khu vực đồng euro đang gặp khó khăn. Vì như thế sẽ thúc đẩy đồng euro mất giá, tạo ra lạm phát. Hiện nay mức lạm phát trong khu vực euro đã lên trên 3%, trước đây mức lạm pháp cho phép là 2%.
Tuần vừa qua, trong cuộc họp chung của chính phủ, các đại diện giới chủ nhân ở Đức và Ngân hàng Trung ương Đức đã hậu thuẫn cho lập trường của bà Merkel muốn giữ độc lập cho Ngân hàng Trung ương châu Âu. Thái độ của bà Merkel trong việc này bắt nguồn từ hai lý do:
- Tâm lý chung của dân Đức là chi tiêu tằn tiện.
- Kinh nghiệm đau đớn của Đức trong cuộc khủng hoảng tài chánh thế giới vào cuối thập niên 20 của thế kỉ trước, đã dẫn Đức rơi vào lạm phát phi mã khủng khiếp nhất và mở đường cho nhóm cực hữu của nhà độc tài Hitler cướp chính quyền vài năm sau, đưa Âu châu vào thế chiến thứ 2.
Phát hành công trái châu Âu
Cần phải nói rõ công trái châu Âu là gì ? Hiện nay mỗi nước trong khu vực đồng euro có quyền phát hành các trái phiếu chính phủ để có thêm tiền chi tiêu, nhưng phải trả tiền lời. Mức lời cao hay thấp tuỳ theo tình hình tài chánh và khả năng kinh tế của từng nước. Chính vì thế, các nước đang gặp khủng hoảng tài chánh phải trả mức lời rất cao, như Hy lạp phải trả mức lời tới trên 20%, Ý trên 7%... Trong khi đó, các trái phiếu của chính phủ Đức chỉ có mức lời là trên 2%.
Nếu bây giờ chọn giải pháp phát hành công trái Âu châu (Euro-Bond), nghĩa là các trái phiếu chính phủ của 17 nước trong khu vực euro sẽ giống nhau. Khi đó sẽ diễn ra tình trạng như sau: Một số nước trong khu vực euro đang gặp khủng hoảng tài chánh sẽ trả mức lời thấp hơn cho các trái phiếu của mình. Nhưng Đức lại phải trả mức lời cao hơn nhiều so với hiện nay. Điều này có nghĩa là người dân Đức phải trả thay (qua thuế) cho các nước khác trong khu vực đồng euro. Khi đó bà Merkel khó có thể thuyết phục các cử tri ở Đức bỏ phiếu cho đảng của bà trong các cuộc bầu cử quan trọng sắp tới.
Trong Hiệp ước hiện nay của đồng euro không có qui định là các nước thành viên phải trả nợ thay cho các nước khác.
Có một ly do khác nữa khiến thủ tướng Đức vẫn chống giải pháp này, đó là bà e ngại nếu giải pháp này áp dụng ngay vào thời điểm hiện nay thì có thể tạo sự ỷ lại của các nước đang gặp khủng hoảng tài chánh không chịu tuân thủ các quyết định chung của Liên Hiệp Châu Âu trong chính sách tiền tệ và ngân sách của họ. Đây là các lý do chính khiến thủ tướng Merkel vẫn chống giải pháp này.
Sửa đổi Hiệp định châu Âu
Không chỉ có Pháp và Đức, mà hầu hết 17 nước trong khu vực đồng euro đều đã nhận thấy là từ khi xẩy ra khủng hoảng đồng euro thì Hiệp định hiện hữu của họ không còn thích hợp để giải quyết các khó khăn hiện tại và tương lai. Chính vì thế, trong cuộc gặp tay ba hồi tuần qua với tân thủ tướng Ý, tổng thống Sarkozy và thủ tướng Merkel đã đồng ý phải tiến hành sớm sửa đổi Hiệp định của Liên Hiệp Châu Âu. Vấn đề này sẽ được đưa ra Hội nghị Thượng định châu Âu vào đầu tháng 12 tới.
Việc sửa đổi sẽ theo các hướng sau đây:
- Hình thành một hình thức chính phủ chung trong khu vực đồng euro, ít nhất là trên các lãnh vực ngân sách, lao động, xã hội với mục tiêu là không cho phép giữa các nước thành viên có khác biệt quá lớn về các lãnh vực này. Không để tình trạng có những nước chi tiêu hoang phí quá mức khả năng, hoặc có những chính sách thuế khoá lỏng lẻo, lương bổng quá rộng rãi…
- Đưa ra những biện pháp chế tài và trừng phạt, nếu một nước thành viên vi phạm qui định chung. Trong trường hợp đó, thành viên này có thể bị khai trừ hoặc tự ý xin rút lui. Hiệp định hiện nay không trù liệu các biện pháp chế tài này.
Người ta khó có thể tưởng tượng trường hợp một số người lập một quĩ chung, nhưng có những người đã sử dụng quĩ chung này quá bừa bãi mà không phải chịu một hình phạt nào cả!
Một hiệp định mới cho châu Âu là rất cần thiết, nhưng không đơn giản, vì hiện nay có nhiều điều kiện bên trong và bên ngoài châu Âu đã thay đổi sâu sắc.
Những khó khăn của Đức để có thể tham gia mạnh hơn giải quyết khủng hoảng
Dư luận nhiều nước châu Âu và thế giới đang gán cho bà thủ tướng Merkel là người đàn bà có lập trường cứng rắn như thép, chỉ biết nói "Không" và so sánh bà với cựu thủ tướng Anh bà Thatcher trước đây. Lời phê bình trên không phản ảnh đúng, hay chỉ đúng trong một thời hạn nhất định.
Một số dẫn chứng điển hình: Vào cuối năm 2010, bà Merkel đã quyết định cho một số nhà máy điện nguyên tử ở Đức, tuy đã cũ, được tiếp tục hoạt động. Nhưng sau khi biến cố khủng khiếp của các lò điện nguyên tử của Nhật ở Fukushima xẩy ra vào đầu năm thì thủ tướng Merkel đã ra quyết định ngay ngưng toàn bộ các nhà máy nguyên tử ở Đức.
Một thí dụ khác: Chỉ mới vài tháng trước, bà Merkel tuyên bố trước Quốc hội Đức chống việc xóa nợ cho Hy lạp và chống việc lập Quỹ Bình ổn Tài chính châu Âu (EFSF) như một đòn bẩy tiền tệ để giải quyết khủng hoảng đồng euro. Nhưng cuối tháng 10, tại Hội nghị Thượng đỉnh châu Âu, bà Merkel đã đồng ý xoá một phần nợ cho Hy Lạp và thành lập Quỹ này. Nhiều chuyên viên tài chánh ở Đức tiên liệu rằng, có thể trong thời gian tới thủ tướng Merkel cũng sẽ phải bỏ việc chống lại việc thành lập một Euro-Bonds, công trái chung cho khu vực đồng Euro, nếu tình thế thúc đẩy hoặc điều kiện cho phép để bà chấp nhận.
Có một số lí do quan trọng giải thích thái độ và đường lối của thủ tướng Merkel:
- Về mặt cơ cấu tổ chức chính trị, Đức là một nước liên bang theo dân chủ đa nguyên. Tuy thủ tướng có quyền hành lớn, nhưng không rộng lớn như tổng thống chế ở Pháp. Chính phủ liên bang Đức phải chia quyền với Quốc hội Liên bang và Thượng viện Đức, trong đó, các chính đảng đối lập luôn luôn ở thế khá mạnh, nhiều khi có thể cản trở đến vô hiệu hoá một số quyết định của chính phủ Liên bang.
- Mới đây, Hiến pháp Đức đã sửa đổi, theo đó, những quyết định về thay đổi đóng góp tài chánh của Đức với Liên Hiệp Châu Âu phải hỏi ý kiến của Quốc hội.
- Chính phủ liên hiệp hiện nay của bà Merkel gồm ba chính đảng là Dân chủ Thiên Chúa giáo (CDU), Dân chủ Xã hội Thiên Chúa giáo (CSU) và đảng Tự do (FDP). Nhưng hiện nay, theo các cuộc thăm dò dư luận mới nhất, đảng Tự do chỉ còn 3-4% cử tri (so với gần 15% trong cuộc bầu cử Quốc hội cuối 2009). Vì thế, trong cuộc bầu cử Quốc hội vào năm 2013, bà Merkel phải tìm một liên minh chính trị mới thì mới có thể tiếp tục nắm chức thủ tướng. Hướng nhắm tới của bà sẽ là đảng Dân chủ Xã hội hoặc Đảng Xanh. Nhưng cả hai đảng này có chính sách khác về Liên Hiệp Châu Âu và đồng euro với bà Merkel.
Tóm lại, trong một xã hội dân chủ đa nguyên, một chính khách hay một chính đảng muốn cầm quyền thì không chỉ quan tâm tới hướng đi lâu dài mà còn phải để ý tới thái độ và ý kiến của nhân dân, tức là các cử tri.
No comments:
Post a Comment