11/23/11

“ÔNG DÀ ĐIÊN” GIỮA THÀNH PHỐ ĐÃ QUEN THUỘC VÀ YÊU THƯƠNG

HỒI KÝ CÓ THẬT RẤT NGẮN VỪA XẢY RA CHO VƯƠNG ĐẰNG

Sau khi gặp Hoàng ở quán cà phê đối diện bến xe buýt chợ Bến Thành để giao công tác thực hiện PPS thơ của tôi nhan đề Một Đời Làm Thơ, tôi lên xe số 1 định đi vào Chợ Lớn Mới, đến nha sĩ Lan để làm răng. Sáng Chủ Nhựt 20/11/2011, 9 giờ 30, xe chưa đông khách lắm nên tôi chọn được một chỗ ngồi bên phải, cách tài xế ba băng ghế.

Xe chạy trên đường Trần Hưng Đạo sắp đến ngã tư Đề Thám, tôi thấy đèn đỏ. Theo thói quen, tôi nghĩ rằng xe buýt sẽ ngửng lại. Không ngờ, thật không ngờ, tài xế không thắng mà cho xe chạy vượt đèn đỏ trong khi còn 18 giây mới có đèn xanh. Tôi cảm thấy chột dạ, nhưng vẫn chưa đủ tinh thần hay tâm trí để biểu lộ phản đối của mình.

Rồi xe buýt vẫn chạy bon bon như giữa chốn không người, chạy thêm hai ngã tư có đèn giao thông. Đến ngã tư có trường tiểu học Cầu Kho quá quen thuộc bởi vì khi còn nhỏ (11-12 tuổi) mỗi sáng Chủ nhựt tôi đến đó họp hướng đạo (Sói Con Phạm Đình Trọng) thì tài xế lại cho xe vượt đèn đỏ lần thứ hai, vượt trước đèn xanh 24 giây. Bấy giờ, tim tôi đập mạnh, cảm thấy có trách nhiệm phải nói lên một điều gì, nên tôi nói lớn với anh tài xế (khoảng ngoài 40 tuổi):

- Anh tài xế ơi! Sao anh vượt đèn đỏ hai lần? Anh nên tôn trọng sinh mạng của hành khách và người trên đường.

Anh tài xế không nhận mình đã có lỗi mà còn tỏ ra “ta đây” kinh nghiệm “đầy mình” nên mới được công ty mướn lái xe buýt.

Biết không thể nói phải trái với tài xế như thế, nên tôi gọi đường dây nóng của hãng xe buýt. Số đầu tiên 38.214.44 bị bận và qua số thứ hai 38.214.730 tôi báo cáo mọi sự việc. Qua đàm thoại, cô tiếp viên điện thoại có vẻ quan tâm mọi chi tiết tôi trình bày (nhưng thật sự có thực thi chăng?).

Trong khi tôi đang nói chuyện qua điện thoại, thì một người đàn ông khoảng 50 tuổi, hành khách ngồi băng sau tôi ở phía bên trái la lớn:

- Đừng nghe cái ông dà điên. Ông dà nầy lẩm cẩm điên rồi. Đừng nghe ông dà điên!

Máu tôi sôi lên, nhưng tôi còn đủ bình tĩnh để không đứng dậy thoi vào miệng người đó một cái cho đã nư cơn giận.

Và sau đó người nầy còn nói rất nhiều, chẳng hạn “Tài xế người ta chạy sao thì chạy, miễn tới nơi là được…” Tôi chỉ trả lời một câu ngắn gọn:

- Tôi không muốn cãi cọ với anh!

Và tôi ngồi im dù rằng mặt nóng bừng, tim nhảy liên hồi. Thế mà, tài xế lên tiếng nữa, lại thêm một bà già (nhưng nhỏ tuổi hơn tôi) xía vào để “ăn có”. Các hành khách khác im rơ, không phản ứng gì cả. Về nhà nghĩ lại, tôi chắc chắn họ đã quá quen thuộc với chuyện xe buýt vượt đèn đỏ và tai nạn giao thông thường xuyên xảy ra ở Sài Gòn và Chợ Lớn và họ muốn an phận sống qua ngày tháng.

Tôi như kẻ lạc loài trong thành phố mà tôi quá quen thuộc và yêu thương trước 1975. Chủ Nhựt vừa qua là một “Chủ Nhựt buồn” (“Sad Sunday”) trong đời tôi.

Kết quả tai hại của hành động có tinh thần trách nhiệm là “ông dà điên” về nhà đêm đó bị lên máu, đi không vững và sáng hôm sau phải lật đật nhờ người nhà đi mua Furosemid và Nifedipin để hạ áp huyết. Và “ông dà điên” đã học được một kinh nghiệm quý giá cho tương lai.

Ôi Sài Gòn!... Ôi quê hương!...

Vương Đằng

22/11/2011

No comments:

Post a Comment