11/23/11

Pháp Đức bất đồng về vai trò của Ngân hàng châu Âu đối phó với khủng hoảng

 

Thủ tướng Đức Angela Merkel tại Leipzig, 14/11/2011 (REUTERS)

Thủ tướng Đức Angela Merkel tại Leipzig, 14/11/2011 (REUTERS)

Đức Tâm

Vào lúc châu Âu, đặc biệt là khu vực đồng euro đang ở trong tình thế « dầu sôi lửa bỏng », đối phó với cuộc khủng hoảng nợ công, thì Pháp và Đức, hai trụ cột chính của châu Âu vẫn tiếp tục bất đồng trong việc đề ra các giải pháp. Một trong những chủ đề đang gây căng thẳng trong quan hệ song phương là vai trò của Ngân hàng Trung ương châu Âu (BCE).

Pháp muốn BCE có thêm chức năng can thiệp mạnh mẽ hơn vào thị trường tài chính, có thể phát hành công trái châu Âu. Còn theo Đức, thì BCE phải giữ tính độc lập trong chính sách tiền tệ, không thể trở thành ngân hàng cấp tín dụng cứu nguy cho các nước gặp khó khăn.

Chính quyền Berlin còn nhấn mạnh đến tính kỷ luật trong ngân sách và cho rằng, chưa đến lúc thảo luận về khả năng phát hành công trái châu Âu. Từ thủ đô Đức, thông tín viên Pascal Thibaut tường trình.

« Thủ tướng Angela Merkel, bộ trưởng Tài chính Wolfgang Schauble, lãnh đạo Ngân hàng Trung ương Đức, đó là những nhân vật nổi tiếng nhất trong số nhiều chính trị gia khác của Đức, ngày hôm qua, tất cả đã lên tiếng phản đối chủ trương phát hành công trái châu Âu và tăng cường vai trò can thiệp của Ngân hàng Trung ương châu Âu – BCE.

Theo lập luận của những người muốn phát hành công trái châu Âu và mở rộng vai trò của BCE, thì đây là những công cụ hữu hiệu, giúp giảm bớt áp lực hiện nay đối với các nước trong khu vực đồng euro. Việc mua ồ ạt các công trái của chính phủ hoặc việc phát hành công trái châu Âu với mức lãi suất duy nhất được áp dụng cho tất cả các thành viên khu vực đồng euro, sẽ giúp các nước này dễ thở hơn một chút.

Thế nhưng, Đức đã bác bỏ những đề xuất này vì theo Berlin, nó sẽ đe dọa tính độc lập của Ngân hàng Trung ương châu Âu và vai trò của định chế này vẫn chỉ giới hạn trong việc bảo đảm sự ổn định của giá cả. Đức cho rằng các đề xuất trên đây có thể thúc đẩy các nước đang gặp khó khăn tranh thủ khả năng hỗ trợ tài chính mà giảm bớt các nỗ lực kỷ luật ngân sách.

Đối với thủ tướng Merkel, trước tiên, cần phải tấn công vào cội nguồn của vấn đề. Cần phải có những quy định chặt chẽ chế tài những nhà nước buông lỏng quản lý, không làm chủ được ngân sách quốc gia. Thủ tướng Đức cũng phải chịu áp lực. Các đối tác của Berlin không mất hy vọng là cuộc khủng hoảng kéo dài sẽ buộc bà Merkel phải thay đổi ý kiến ».

No comments:

Post a Comment