11/29/11

Xung đột xã hội gia tăng tại các nhà máy Trung Quốc

Tại một công trường xây dựng ở Thượng Hải, 14/11/2011.

Tại một công trường xây dựng ở Thượng Hải, 14/11/2011.

REUTERS/Aly Song

Minh Anh

Sa thải công nhân, áp dụng các quy định giờ làm việc khắt khe hơn hay di dời nhà máy đi chỗ khác là một trong những biện pháp mà nhiều nhà máy Trung Quốc đang áp dụng nhằm chống chọi lại khủng hoảng kinh tế. Việc này đã gây ra làn sóng bất bình trong giới công nhân. Đây là chủ đề trên Le Monde hôm nay qua bài « Xung đột xã hội gia tăng ở các nhà máy tại Trung Quốc »

.

Theo con số thu thập của ngân hàng HSBC, chỉ số sản xuất công nghiệp trong tháng 11 chỉ đạt có 48 điểm cho thấy số lượng đơn đặt hàng đã giảm đến mức thấp nhất kể từ gần ba năm nay. HSBC ghi nhận các hoạt động sản xuất đang có xu hướng co cụm lại.

Bài báo nhận xét tháng 11 cũng là tháng nhiều xáo động nhất. Le Monde liệt kê một loạt các vụ đình công xảy ra tại nhiều nhà máy từ các xí nghiệp chuyên chuyên gia công các linh kiện máy vi tính cho hãng Apple, IBM, đến các xí nghiệp đóng chai cho tập đoàn Pepsi, hay gia công cho các thương hiệu giày New Balance, Nike, và đồng hồ Citizen …

Theo Le Monde, nguyên nhân của các vụ đình công là do bị đe dọa sa thải, hay phải làm việc trong điều kiện giờ giấc khắc nghiệt (từ 18 giờ đến nửa đêm), và do nhiều xí nghiệp di dời đến những vùng khác tại Trung Quốc, những nơi có giá nhân công rẻ hơn.

Le Monde giải thích, đối với một số xí nghiệp, « di dời nội bộ » được xem như là một giải pháp nhằm chấm dứt nỗi bất an cho những người lao động di cư phải sống xa gia đình. Hơn nữa, do phải đối mặt với giá nhân công ngày càng cao, thì giải pháp này một mặt có thể giúp Trung Quốc né tránh được việc làm sẽ bị dịch chuyển sang khu vực Đông Nam Á và mặt khác, cho phép các tỉnh duyên hải nghĩ đến việc nâng cấp các dòng sản phẩm của mình.

Tuy nhiên, giải pháp này không phải không gây lo âu cho người lao động. Theo nhận định của Hiệp hội China Labour Bulletin, thì tại những nơi các xí nghiệp dời đến, người lao động tại đây tự hỏi liệu các xí nghiệp này sẽ tồn tại được bao lâu, trong khi vào lúc này đây, nhu cầu thế giới đang chựng lại.

Trong tình hình này, về phần giới chủ, một số doanh nghiệp phải tăng lương để cầm chân công nhân dù lạm phát đang cao. Bởi lý do rất đang giản là ngày nay với sự phát triển rầm rộ của các trang mạng xã hội, công nhân cũng không ngần ngại bỏ doanh nghiệp nếu có điều kiện. Về phần chính quyền, một số tỉnh thành công nghiệp như vùng Đông Quản đã đề ra các chính sách giảm thuế doanh nghiệp hòng giữ chân các nhà đầu tư.

Le Monde cho rằng những lời ta thán của giới công nhân cũng rất là cổ điển : phải cải thiện phương pháp quản lý quá lạc hậu. Một số doanh nghiệp hiện nay vẫn còn duy trì « hệ thống trả lương theo sản phẩm và ấn định quota sản lượng hàng ngày khó có thể tuân thủ được ».

Cuối cùng, Le Monde cho biết sở dĩ đình công có thể lan rộng bắt đầu từ vụ việc một nữ công nhân không đủ vốn ngôn ngữ để giao tiếp, đã bị một quản đốc phân xưởng mắng mỏ là : « Vậy thì mày hãy đi nhảy lầu và xuống địa ngục đi !».

No comments:

Post a Comment