Nghe phần âm thanh:
9/5/23
BRICS mở rộng : Một liên minh thống lĩnh thị trường nguyên nhiên liệu ?
9/2/23
Trăng Rằm
Giao Mùa
Hôm nay đang độ giao mùa
Vu Lan tháng bảy cũng vừa tròn trăng
Biết người có nhớ ta chăng
Riêng ta thơ thẩn nhìn trăng nhớ người
Trăng Xanh (*) tỏa ánh sáng ngời
Thiếu người chung ngắm nên đời mất vui!
Hỏi người tri kỷ xa xôi
Trên kia có thấy là tôi đang buồn?
Tôi đang ngăn giọt sầu tuôn
Để ai nhẹ bước trên đường vãng sanh
Ngắm trăng nhớ khoảng trời xanh
Nhớ thời cắp sách chúng mình tung tăng
Đêm về cùng ngắm vầng trăng
Bên hồ tâm sự, bao lần cười vui...
Trăng ơi ngày ấy xa rồi
Sao ta cứ mãi nhớ người tri âm?
Nhan Ánh Xuân
Cali 31/08/2023
(*) Blue Moon.
Nhớ cha nhớ mẹ giao mùa tròn trăng
Trăng tròn nửa gánh có chăng
Ngắm vầng trăng sáng tròn trăng nhớ người
Ánh trăng xanh buốt sáng ngời
Trời Tây độc ẩm xá gì niềm vui
Trường xưa bạn cũ xa xôi
Trăng càng vời sáng riêng ta lặng buồn
Sương khuya tí tách rơi buông
Cuộc đời hiu quạnh nỗi buồn vãng sanh
Lâm Viên hồ nước xanh xanh
Thụ Nhân Phù Đổng có mình tung tăng
Trăng tròn trăng khuyết ngắm trăng
Hằng Nga ngẫm nghĩ mấy lần xướng vui.
LĐT
Cảm tác
“Cái thuở ban đầu lưu luyến ấy
Ngàn năm hồ dễ mấy ai quên” (*)
Kỷ niệm xưa ánh trăng chợt khuấy
Da diết buồn theo sắc trăng xanh
Huyền diệu lắm nhưng nào cảm nhận
Dõi bóng xa một thuở không đành
Nên tình mãi vẫn hoài lận đận
Bao năm qua giờ đã xa xăm
Nhưng khó xóa ban đầu dấu ấn.
Trăng ơi xin hỏi trăng có thấu
Tình thơ vương vấn đến bao giờ ?
Võ Thành Xuân
Cali 01/09/2023
(*) Thơ Thế Lữ
GIAO MÙA
Thơ gieo trong tiết giao mùa
Đêm rằm sao sáng vui đùa cùng trăng
Bạn hiền có nhớ hay chăng
Với nhau mình ngắm sao băng … nhớ người
Trăng sao đua ánh rạng ngời
Người đi xa lắm, xa rồi…ai vui
Người về cõi ấy xa xôi
Còn tôi cõi tạm ngăn rơi giọt buồn
Biết vô thường lệ cứ tuôn
Sao ai cắt cớ chia đường tử sanh!
Một mình ngồi ngắm trời xanh
Nhớ thương ngày tháng bọn mình tung tăng.
Giờ đây cũng có vầng trăng
Bạn đà bỏ cuộc ai cùng đùa vui.
Bao nhiêu kỷ niệm xa rồi
Trăng nào soi được bóng người tri âm?
Thanh Tuyền
9/1/23
Sao Mây Lại Ghé
Dạo:
Mây ơi ghé đến làm chi,
Có mang lại được chút gì ngày xưa?
Cóc cuối tuần:
Sao Mây Lại Ghé
Ngây ngất nhìn mây, thoáng ngật ngầy,
Hỏi mây sao lại ghé về đây,
Tưởng còn đang lất lây ngàn dặm,
Thăm thẳm chân trời bóng nhạn bay.
Mây kia chẳng biết đến từ đâu,
Rỉ rả lời Ngâu quặn mái đầu,
Ngỡ thấy lại con tàu dĩ vãng,
Vội vàng quýnh quáng hỏi vài câu.
x
x x
Có phải mây từ xóm đạo xưa,
Mang về đây tiếng mẹ ru trưa,
Dỗ dành con lúc chưa mềm giấc,
Gà gật theo từng nhịp võng đưa?
Mây có dây dưa ở cánh đồng
Ngắm hoa cùng bướm rực trời không,
Rồi mang hình ảnh bồng lai đó
Đến kẻ đang vò võ ngóng trông?
Có lông bông lạc tới thôn nghèo,
Thích thú nhìn bầy trẻ choắt cheo,
Hí hửng leo trèo đeo nhánh ổi,
Cuối cùng la lối té lăn queo?
Mây có theo nhau viếng cổng trường,
Nơi xưa có đứa tập yêu đương,
Ẩm ương tuổi tác chưa tròn tá,
Mà đã nhì nhằng nhớ với thương?
Có tìm đường ghé đến công viên,
Lặng xót xa giùm gã thiếu niên,
Cắm cúi ngày đêm xây ảo mộng,
Để rồi ôm thất vọng triền miên?
Mây có thấu cho nỗi chán chường
Đang dần chia cách cặp uyên ương,
Tiếng chì tiếng bấc thường vang vọng,
Khiến mộng chung đôi chết giữa đường?
Có lang thang cặp bến đò ngang,
Để thấy lại đôi mắt bẽ bàng
Hụt hẫng của chàng trai bé nhỏ
Khi tình đầu sớm bỏ đi hoang?
Và có rẽ sang nóc giáo đường
Bên lề con dốc nhỏ mù sương,
Dừng nghe Chúa thở dài khe khẽ
Thương kẻ nợ tình trót vấn vương?
Lừng khừng hỏi nốt tại vì sao
Mây cứ lang bang tự thuở nào,
Có biết từ lâu bao kỷ niệm
Trong khăn tẩn liệm vẫn kêu gào?
x
x x
Hỏi mãi mây sao chẳng trả lời,
Vẫn theo làn gió nhởn nhơ chơi,
Vẫn bên đời phất phơ ngang dọc,
Bỏ mặc trần gian khóc với cười.
Tần Lĩnh mây trời quyện khói sương,
Người xưa buồn chẳng thấy quê hương.
Ngày nay e cũng chừng không khác,
Ngơ ngác nhìn mây khách đoạn trường.
Mây dường như cũng chỉ là mây,
Cũng vẫn vô tình tựa cỏ cây,
Nên chẳng hề hay nơi viễn xứ,
Gót chân lữ thứ lệ vương đầy.
Quắt quay quay quắt bước xa nhà,
Trông ngóng màu mây cũ thiết tha.
Nhưng nếu đà phôi pha quá khứ,
Thì xin mây chớ ghé về qua.
Trần Văn Lương
Cali, 8/2023
8/30/23
RẰM THÁNG BẢY
Rằm tháng 7 là ngày 15/7 Âm lịch, là một ngày lễ quan trọng của Phật giáo và tín ngưỡng dân gian Việt Nam. Ngày này có nhiều tên gọi khác nhau, như Lễ Vu Lan, Lễ Xá Tội Vong Nhân, Lễ Cúng Cô Hồn, hay Tiết Trung Nguyên.
Theo lịch dương, rằm tháng 7 năm 2023 sẽ rơi vào thứ tư, ngày 30/8/2023.
道場普渡妥幽魂, Đạo tràng phổ độ thỏa u hồn,
原有盂蘭古意存。 Nguyên hữu Vu Lan cổ ý tồn.
卻怪紅箋貼門首, Khước quái hồng tiên thiếp môn thủ,
肉山酒海慶中元。 Nhục sơn tửu hải khánh Trung Nguyên !
Có nghĩa :
Đạo tràng phổ độ u hồn,
Vu Lan cổ ý trường tồn mãi đây.
Lạ thay giấy đỏ dán đầy,
Núi thịt biển rượu mừng ngày Trung Nguyên !
Hoằng Nhất Đại Sư
08-23-2023
Bài đọc thêm Link bài hát:
8/18/23
Câu chuyện dòng sông
1.
Hôm chính thức hòan tất việc tái tân trang “hộ khẩu văn chương” của tôi, hai bố con đã bùi ngùi nhìn nhau. Sau một mùa hè bận rộn líck kích với đủ mọi thứ lỉnh kỉnh của việc “sửa nhà, dọn nhà”, chúng tôi còn một tuần lễ thảnh thơi trước ngày Ý Vy lên đường. Và tất nhiên, chúng tôi không phí phạm chút nào thời gian của một tuần lễ thảnh thơi ấy.
Con gái hiểu rằng, sau tuần lễ này, căn nhà đầy ắp kỷ niệm của 10 năm qua sẽ trở thành “quán trọ”. Con ra đi, con sẽ trở về, nhưng chỉ như người ở trọ. Căn phòng của con vẫn sẽ là của con, nguyên vẹn như ngày con rời nhà lần đầu tiên, nhưng những ngày xưa ấy, con đã biết sẽ không bao giờ trở lại.
Như bao đứa con khác của những người cha, người mẹ, con phải lên đường để bắt đầu cuộc hành trình làm người. Cuộc sống của con đang mở ra trước mặt. Sau lưng con chỉ có kỷ niệm, và tuổi trẻ thì chưa biết trân quý kỷ niệm. Thế nên, con chỉ có một hướng nhìn phía trước.
Như bao người cha của quá khứ, của hiện tại và của tương lai, tôi phải tiễn con lên đường và chúc phúc cho nó. Hãy hòan tất những ước vọng đời mình. Hãy học biết chấp nhận đau khổ, thất bại. Hãy tập cho cứng lòng với những cuộc chia tay. Cuộc chia tay hôm nay chỉ là một bài tập vỡ lòng chuẩn bị cho những cuộc chia tay trong tương lai. Những cuộc chia tay không một ai tránh khỏi. Những cuộc chia tay đứt ruột xé lòng.
Từ những cuộc chia tay, người ta thấy được những gì? Chắc không chỉ là giọt nước mắt lau vội, vòng tay ôm vội vã hay ánh mắt dõi theo cho đến khi người thân yêu đã khuất bóng.
Đêm trước ngày đưa con gái đi học xa, đến giờ ngủ, như thường lệ tôi đưa con vào phòng ngủ. Khi con đã nằm xuống, tôi kéo tấm chăn mỏng mùa hè đắp lên ngực con, cúi hôn lên trán và thì thầm câu chúc quen thuộc của 18 năm nay “good night!”. Trong ánh sáng leo lét của bóng đèn ngủ cuối phòng, tôi đứng đó nhìn giường con, rất lâu. Sau đêm nay, chiếc giường sẽ trống vắng. Cảm giác trong tôi bỗng hụt hẫng, thứ cảm giác tôi chưa từng biết tới bao giờ. Kể từ ngày mai, liệu tôi có chịu đựng được căn nhà này thiếu đi bóng dáng nhỏ nhắn của đứa con gái đầu lòng?
2.
Đêm đó, tôi đọc lại “Câu chuyện dòng sông” của Hermann Hesse qua bản dịch tuyệt vời của Phùng Khánh, Phùng Thăng, quyển sách gối đầu giường của tôi từ những ngày còn cắp sách đến trường.
3.
Sáng hôm sau, tôi thức dậy với tâm trạng bình thản hơn là tôi mong đợi. Gia đình tôi chuẩn bị lên đường cho cuộc hành trình 12 tiếng đồng hồ lái xe. Đường tuy xa nhưng chẳng phải là vô tận. Rồi đây, con đường xuyên bang Wichita-Houston sẽ trở thành quen thuộc. Tôi phải tập cho quen với những đổi thay của đời sống.
Nhưng ở tuổi này mà còn phải tập tành như thế thì thật là tội nghiệp cho vợ chồng già chúng tôi.
T.Vấn
Sách nói : Câu chuyện dòng sông