Showing posts with label Minh Anh. Show all posts
Showing posts with label Minh Anh. Show all posts

9/5/23

BRICS mở rộng : Một liên minh thống lĩnh thị trường nguyên nhiên liệu ?

Minh Anh - RFI

Ngày 24/08/2023, kết thúc thượng đỉnh lần thứ 15 tại Johannesburg, Nam Phi, nhóm BRICS – gồm năm nước Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi – thông báo đón thêm sáu thành viên mới. Một số nhà quan sát cho rằng BRICS mở rộng còn đồng nghĩa với việc thúc đẩy tiến trình phi đô la hóa và hình thành một liên minh thống trị thị trường dầu khí, nguyên nhiên liệu.


Nghe phần âm thanh:




Kể từ ngày 01/01/2024, BRICS sẽ trở thành BRICS+, khi có thêm sáu thành viên mới là Achentina, Ai Cập, Ả Rập Xê Út, Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất, Ethiopia và Iran. Hầu hết giới chuyên gia đều có chung một nhận xét : Đây là một thắng lợi của Nga và nhất là của Trung Quốc.

Đây là hai nước quyết tâm mở rộng nhóm nhiều nhất. Với Bắc Kinh, sự mở rộng này đồng nghĩa với khả năng gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc với nhóm các nước phương Nam. Về phần Matxcơva, sự mở rộng này có thể hạn chế phần nào thế cô lập của Nga trên trường quốc tế vì cuộc chiến xâm lược Ukraina.

Sự kiện cũng cho thấy ảnh hưởng gia tăng của Trung Quốc trong nhóm. Ấn Độ và Brazil lo sợ tầm ảnh hưởng của mình sẽ bị tan biến. New Dehli – đối thủ cạnh tranh của Bắc Kinh – cũng có tham vọng trở thành một trong những đầu tầu của những nước đang phát triển.

Một sự mở rộng quá nhanh và quá lớn có nguy cơ biến « BRICS thành một diễn đàn chống phương Tây để phục vụ trước hết các lợi ích của Trung Quốc và Nga », theo như lời một quan chức ngoại giao Ấn Độ được nhật báo Pháp Le Monde dẫn lại.

Raoul Delcorde, đại sứ danh dự của Bỉ, trả lời nhật báo kinh tế L’Echo (Bỉ) nhận định « Trung Quốc có thể ép buộc được các nước còn lại vì chỉ riêng nước này đã đóng góp đến 70% GDP của toàn bộ nhóm BRICS ».

Thay đổi trật tự thế giới

Dù vậy, giữa các nước đều có chung một mẫu số : Cùng phản đối một trật tự kinh tế thế giới do phương Tây thiết lập và mong muốn hướng đến một thế giới đa cực. Mở rộng cửa đón các thành viên mới cho phép củng cố hơn nữa vai trò thay thế của BRICS trên bình diện địa chính trị, trước các định chế quốc tế do phương Tây thống trị.

Nhà kinh tế học Jean-Joseph Boillot, cố vấn cho Viện Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược (IRIS), trả lời RFI Pháp ngữ, nhắc lại BRICS được thành lập năm 2009, sau khi cơn bão khủng hoảng tài chính của Mỹ quét qua, đẩy nhiều nước đang phát triển và nước nghèo lâm vào cảnh khốn khó trong vòng 5-10 năm liên tiếp.

BRICS cho rằng, bất chấp quy mô diện tích, dân số và kinh tế, nhóm này đã không được đại diện đầy đủ trong các định chế quốc tế. Chuyên gia kinh tế Jean-Joseph Boillot, cố vấn cho Viện Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược (IRIS), trả lời RFI Pháp ngữ, giải thích vì sao dù có những khác biệt lớn về trọng lượng kinh tế nhưng nhiều nước vẫn được chọn để tham giam BRICS:

« Điều cốt lõi ở đây là vì những nước này bị gạt ra khỏi các định chế quốc tế lớn. Năm nước thành viên của BRICS chiếm khoảng 15% phiếu bầu ở Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) trong khi cả năm nước gộp lại có đến gần 3,5 tỷ dân và chiếm gần 25% GDP của toàn cầu. Đây là ý tưởng chính dẫn đến việc hình thành BRICS.

Từ quan điểm này, Ả Rập Xê Út là cường quốc thứ chín trên thế giới và trên phương diện GDP tính theo đầu người, Ả Rập Xê Út cũng không xa mấy các nước châu Âu, nhưng trên bình diện chính trị, vai trò và quyền phủ quyết trong các tổ chức quốc tế lớn là không có. Do vậy, việc bày tỏ nguyện vọng tham gia nhóm BRICS còn nhằm mục đích làm thay đổi trật tự kinh tế thế giới. »

Nhưng BRICS có thêm thành viên mới không chỉ là mở rộng câu lạc bộ, mà đây còn là một liên minh mở rộng cho phép vạch lại mô hình tài trợ phát triển của các nước mới trỗi dậy, thống trị các thị trường dầu khí và nguyên liệu thiết yếu trong quá trình chuyển đổi năng lượng.

Các vương quốc Ả Rập : Những ông chủ ngân hàng mới

Và trong tầm nhìn này, Trung Quốc sẽ là bên hưởng lợi trước tiên. Trang mạng La Tribune (25/08/2023) nhận định việc mở rộng nhóm cho phép Trung Quốc tăng tốc dự án Những Con đường Tơ lụa Mới (BRI), được khởi động từ năm 2013, liên quan đến gần 70 nước, đông đến khoảng 4,4 tỷ dân, và chiếm đến khoảng 40% GDP toàn cầu, nhưng bị đình trệ vì đại dịch Covid-19.

Như vậy, BRICS có thể huy động thêm được nguồn vốn cho ngân hàng phát triển của nhóm – New Development Bank (NDB), được thành lập năm 2014 – để có thể tài trợ các dự án đầu tư cho các nước mới trỗi dậy mà không cần các khoản vay có điều kiện từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (World Bank – WB).

Kinh tế gia Alexandre Kateb, chủ tịch Văn phòng tư vấn The Multipolarity Report, trên đài truyền hình tư nhân BFMTV, nhấn mạnh việc mở rộng BRICS cũng có nghĩa là phi đô la hóa:

« Đúng là phi đô la hóa và phát triển một đồng tiền trao đổi thay thế như nhân dân tệ chẳng hạn sẽ đi cùng với việc mở rộng nhóm. Ở đây thật sự có một lô-gic kết nối hai khía cạnh này với nhau. Theo tôi, điều này thể hiện rõ qua việc kết nạp hai nước Ả Rập Xê Út và Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất, bởi vì đây là những nước có thể tài trợ cho một hệ thống tài chính mới dựa trên đồng tiền của BRICS hay một đơn vị tiền tệ dự trữ nào đó mà đồng tiền này được ấn định theo bản vị vàng hay dầu hỏa. »

Về điểm này, nhà nghiên cứu thuộc IRIS, trên đài RFI lưu ý thêm rằng « ngân hàng NDB của BRICS vốn đang thiếu nguồn tài chính, bỗng nhiên có thêm hai chủ ngân hàng, giờ có thể cấp vốn cho các nước phương Nam nào có nhu cầu. Cho đến hiện tại, Trung Quốc là bên giữ vai trò này, tất cả các nước đều tỏ ra nghi ngại về ảnh hưởng quá lớn của Trung Quốc ở trong nhóm. Do vậy, sự có mặt của hai nước Ả Rập là một sự tái cân bằng khá thú vị. »

Liên minh BRICS và OPEC+ để thống lĩnh thị trường dầu lửa

Trong bối cảnh này, Nhà Trắng ra sức ngăn cản nhiều nước tham gia BRICS, khi cam kết giải ngân « khoảng 50 tỷ đô la tiền vay cho các nước có thu nhập trung bình và các nước nghèo », đồng thời mời gọi các nước đồng minh và đối tác tham gia đóng góp để nâng tổng số tiền hỗ trợ có sẵn là 200 tỷ đô la.

Liệu rằng Mỹ có thể cạnh tranh với Trung Quốc ? Câu trả lời là Khó, vì giới quan sát cảnh báo thêm rằng đại đa số các nước thành viên khối OPEC Mở rộng, nhóm các nước khai thác và xuất khẩu dầu hỏa, cũng sẽ sớm gia nhập nhóm BRICS. Sự hội nhập này sẽ mang lại cho nhóm một vị thế vượt trội trên các thị trường dầu khí.

La Tribune ước tính tổ chức OPEC+ được hội nhập vào BRICS có thể sẽ chiếm đến hơn 60% sản lượng khai thác và 40% khả năng tinh lọc vàng đen của thế giới. Trung Quốc và Ấn Độ là những khách hàng quan trọng của các nước Vùng Vịnh. Việc bảo đảm nguồn cung dầu khí là mang tính sống còn cho nền kinh tế Trung Quốc, vốn dĩ một phần lớn nhập khẩu là để đáp ứng các nhu cầu trong nước.

Ông Alexandre Kateb nhận định, việc nhiều nước khai thác và xuất khẩu dầu hỏa gia nhập BRICS cho thấy rõ một mục tiêu chiến lược khác : Giảm bớt sự phụ thuộc vào đô la trong việc niêm yết giá dầu trên thị trường thế giới.

« Đây thực sự là chất xúc tác cho sự chuyển đổi này và vai trò của nhân dân tệ trong việc thanh toán các hợp đồng dầu mỏ. Quá trình đã được bắt đầu với việc Ả Rập Xê Út ký một thỏa thuận với Trung Quốc để thanh toán những hợp đồng xuất khẩu dầu lửa bằng nhân dân tệ. Rồi chuyển giao hàng khí hóa lỏng đầu tiên của Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất đến Trung Quốc cũng được trả bằng đồng nhân dân tệ.

Hơn nữa, chính hãng Total của Pháp là bên đưa ra sáng kiến giao dịch này. Và ngày nay chúng ta thấy rõ là có cả một phong trào nhằm thiết lập các giao dịch trong một khuôn khổ đa phương, nơi xuất phải cho ý tưởng về một loại tiền dự trữ cho BRICS, một loại đơn vị tiền tệ trao đổi đóng vai trò như là một đơn vị thanh toán cho tất cả các hoạt động giao dịch này và như vậy cũng sẽ cho phép gộp những nước khác mắc nợ Trung Quốc, cung cấp tài chính cho họ mà không dùng đến đồng đô la, như trường hợp của Achentina hiện nay ».

Châu Âu và sự phụ thuộc vào BRICS trong tương lai ?

Cuối cùng, trong lĩnh vực nguyên liệu, mức độ tập trung còn quan trọng hơn và trở nên mang tính chiến lược cho nhiều nước mới trỗi dậy muốn tận dụng quá trình chuyển đổi năng lượng để có thể tự mình phát triển các chuỗi công nghiệp thế giới và hưởng lợi các chuỗi giá trị cao như kế hoạch IRA của tổng thống Mỹ Biden trị giá 370 tỷ đô la, hay của kế hoạch của Liên Hiệp Châu Âu, 750 tỷ euro.

Những nước muốn tham gia, hay đã là thành viên, đều là những quốc gia giầu khoảng sản, nhất là những nguồn đất hiếm như nickel, cobalt, platine hay palladium… Trọng lượng của những nước này (Nga, Indonesia, Cộng hòa Congo, Nam Phi, hay Trung Quốc…) trong lĩnh vực dầu khí và nguyên nhiên liệu, cũng như trữ lượng của chúng có khả năng thúc đẩy sự hội tụ lợi ích giữa nhà sản xuất và người tiêu dùng trong nhóm BRICS trong tương lai.

Điều này có nguy cơ làm thay đổi cấu hình hiện tại của thị trường quốc tế và các chuỗi cung ứng. Đó cũng là những gì đã xảy ra cho dầu lửa và khí đốt khi chiến tranh Nga – Ukraina nổ ra, qua việc phát triển khai thác mỏ tại lục địa châu Phi.

Nếu như Hoa Kỳ vẫn có thể trông cậy vào nguồn khai thác và sản xuất dầu khí ở trong nước và trong một chừng mực nào đó là các loại nguyên liệu hiếm từ Canada, rõ ràng là việc BRICS mở rộng nhưng dưới sự ảnh hưởng của Nga và Trung Quốc có thể làm suy yếu Liên Hiệp Châu Âu. Khu vực này có nguy cơ bị lệ thuộc nhiều vào nguồn cung dầu lửa từ nhiều nước thành viên tương lai của BRICS, chủ yếu ở vùng Trung – Cận Đông và châu Phi.

8/12/22

Nancy Pelosi đi Đài Loan hay sự « lộn xộn » về chiến lược của Mỹ ?


Nghe phần âm thanh: 




Chuyến thăm Đài Loan của chủ tịch Hạ Viện Mỹ hồi đầu tháng 8/2022 đã khiến Bắc Kinh tức giận và tiến hành một cuộc tập trận không – hải quân hùng hậu chưa từng có. Nhiều nhà quan sát cho rằng sự việc còn làm lộ rõ những hạn chế, hay đúng hơn là một sự « lộn xộn » về chiến lược của Mỹ trước một Trung Quốc ngày càng hung hăng.

Tuy ngắn, nhưng chuyến thăm Đài Loan của Nancy Pelosi mang tính biểu tượng cao : Nancy Pelosi, chủ tịch Hạ Viện Mỹ là nhân vật quan trọng thứ ba của Nhà nước Mỹ. Nhưng đây không phải là lần đầu tiên một nhân vật cao cấp như thế đến thăm Đài Loan. Năm 1997, chủ tịch Hạ Viện là Newt Gingrich cũng có chuyến thăm Đài Bắc, gặp tổng thống Đài Loan thời đó là ông Lý Đăng Huy (Lee Teng Hui).

Nhưng Trung Quốc của năm 1997 yếu thế hơn nhiều, nên đành phải « nuốt giận », dung thứ cho chuyến đi của Gingrich. Giờ đây, Bắc Kinh chỉ trích bà Pelosi đang mang lại hy vọng về quyền tự trị cho Đài Loan khi đến Đài Bắc và tuyên bố « sát cánh cùng nền dân chủ » của hòn đảo. Nhìn từ Bắc Kinh, đây không phải là chuyện bảo vệ « nền dân chủ » mà đúng hơn là một sự vi phạm quyền chủ quyền quốc gia và bản sắc lịch sử Trung Hoa. Để trả đũa, Trung Quốc tổ chức rầm rộ một loạt các cuộc tập trận quy mô lớn chưa từng thấy, bao vây đảo và thông báo một loạt các trừng phạt thương mại nhắm vào Đài Bắc.

Theo chuyên gia về an ninh Trung Quốc, Michael Swaine, giám đốc chương trình Đông Á, Viện Quincy của Mỹ, sự giận dữ này của Trung Quốc cũng là một điều dễ hiểu. Chuyến thăm này của chủ tịch Hạ Viện Mỹ đã vượt quá khuôn khổ những hiểu biết, quy định và quy trình, vốn là nền tảng cơ bản cho chính sách « Một nước Trung Hoa duy nhất » mà Mỹ đeo đuổi từ nhiều năm qua. Ông giải thích :

« Bà Nancy Pelosi bay đến Đài Loan trên một chiếc máy bay phản lực quân sự chính thức của Hoa Kỳ, trông giống chiếc Air Force One. Bà ấy mô tả chuyến đi Đài Loan của mình như là một chuyến thăm chính thức. Bà công khai chuyến đi này theo cách rất quan trọng, không giống như ông Newt Gingrich, người đã từng đến Đài Loan cách nay 25 năm cũng với tư cách là chủ tịch Hạ Viện.
Nhưng ông Newt Gingrich đến Bắc Kinh trước, và ông ấy chỉ dừng ở Đài Loan một thời gian rất ngắn và sau đó đi tiếp. Vào thời kỳ đó, Trung Quốc đã tỏ ra bực bội. Nhưng bây giờ bà Pelosi thực hiện điều này trên một quy mô lớn hơn rất nhiều, mức độ công khai cao hơn cả dấu hiệu của một chuyến thăm chính thức. Và điều này là một sự vi phạm thật sự nền tảng cơ bản của thỏa thuận mà Hoa Kỳ và Trung Quốc đã đạt được vào thời điểm bình thường hóa quan hệ. » (DemocracyNow ngày 03/08/2022)

Chiến lược « dân chủ chống chuyên quyền » và những hạn chế

Trên trang mạng của Viện Quincy, hai nhà nghiên cứu Sina Azodi1 và Christopher England2 cho rằng phản ứng mạnh mẽ của Bắc Kinh có một ý nghĩa quan trọng. Trung Quốc muốn chứng tỏ là một đối thủ ngang hàng với Mỹ và có khả năng trả đũa trên nhiều mặt. GDP của Trung Quốc giờ cao gấp 17 lần so với năm 1997. Chi tiêu quốc phòng của Trung Quốc cũng tăng gấp 15 lần, từ 15 tỷ trong năm 1997 lên 230 tỷ cho năm 2022, trong khi vẫn tăng đều đặn kho vũ khí hạt nhân để đạt mức 350 đầu đạn như hiện nay.

Hơn nữa, chuyến đi này của bà Pelosi càng củng cố hơn niềm tin của người dân Trung Quốc, nhất là phe « diều hâu » trong nội bộ đảng Cộng Sản, rằng Mỹ và phương Tây đang nỗ lực « kềm chế » sự trỗi dậy của Trung Quốc, ngăn cản nước này trở lại trường quốc tế, và việc kêu gọi bảo vệ dân chủ đơn giản chỉ là một cách nói uyển chuyển để thay đổi chế độ.

Vẫn theo hai nhà nghiên cứu của Viện Quincy, chuyến thăm Đài Loan của bà Pelosi đã làm lộ rõ những hạn chế trong chiến lược « dân chủ chống chuyên quyền », mà ông Biden xem như là một cột trụ trong chính sách đối ngoại nhằm khôi phục lại uy tín của nước Mỹ. Một mặt, sự việc diễn ra vào lúc nội tình nước Mỹ rối ren và bị chia rẽ sâu sắc vì hậu quả của cuộc tấn công đồi Capitole ngày 06/01/2021 và những tranh cãi gay gắt cho cuộc bầu cử giữa kỳ mùa thu năm nay.

Mặt khác, chuyến thăm này đã không giải đáp được thắc mắc về thực lực của Mỹ khi đối mặt với những thách thức mới do những quốc gia muốn xem xét lại trật tự thế giới đặt ra, và điều đó có nguy cơ làm gia tăng các biến động toàn cầu qua việc đe dọa các lợi ích chiến lược của các đối thủ như Nga và Trung Quốc tại những khu vực mà những nước này có một số lợi thế quân sự. Việc thúc đẩy trở lại nền dân chủ cũng có nguy cơ gây phản cảm ở chính các nước đồng minh của Mỹ từ Ả Rập Xê Út đến Thổ Nhĩ Kỳ, những nước mà Mỹ rất cần đến sự ủng hộ trong tương lai.


Tập trận quy mô lớn : Một chuẩn mới cho Đài Loan ?

Nhưng nhà chính trị học, Dominique Moisi, cây bút bình luận của Les Echos có cái nhìn khắt khe hơn khi tự hỏi : Trong chính sách đối với Trung Quốc, phải chăng Hoa Kỳ dường như đang chuyển từ « mập mờ » sang « lộn xộn » về chiến lược ? Việc chủ tịch Hạ Viện Mỹ đến Đài Bắc không xóa tan được những nghi vấn trước khả năng Mỹ từ bỏ « chiến lược mập mờ, mơ hồ » sau những phát ngôn của Joe Biden thời gian gần đây liên quan đến Đài Loan.

Rồi bởi vì, chuyến đi Đài Loan của Nancy Pelosi diễn ra vào một thời điểm khá đặc biệt. Hoa Kỳ và phương Tây đang nỗ lực cung cấp vũ khí cho Ukraina chống lại cuộc chiến xâm lược do Nga tiến hành từ nhiều tháng qua, nên việc khiêu khích Trung Quốc của Tập Cận Bình lúc này là không cần thiết.

Thứ nhất, điều đó còn tạo thêm cớ cho Trung Quốc « bình thường hóa » các hành động hung hăng mới đối với Đài Loan. Chuyên gia về hải quân Collin Koh, thuộc S. Rajaratnam School of International Studies tại Singapore, trả lời AFP dự báo, Đài Loan kể từ giờ sẽ phải quen thuộc với việc Trung Quốc thường xuyên tổ chức những cuộc tập trận lớn như vậy. « Những bài tập gần đảo chính của Đài Loan sẽ trở thành một chuẩn mực » và việc « quân đội Trung Quốc tiến hành các cuộc tập trận lớn như thế đã tạo thành một tiền lệ ».

Cũng theo vị chuyên gia này, mức thang tập trận sẽ còn được nâng cao hơn cả trên quy mô lẫn cường độ. Khi có căng thẳng, Trung Quốc cũng sẽ thường xuyên đưa tầu chiến hay chiến đấu cơ vượt qua bên kia đường trung tuyến, đường biên giới không chính thức giữa hai bên ở eo biển Đài Loan. Chuyến thăm của bà Pelosi đã mang lại cho Bắc Kinh « một cái cớ hay lời biện minh để nói rằng trong tương lai, Trung Quốc có thể tiến hành một cách hợp pháp các bài tập trận ở phía đông đường trung tuyến mà không phải bận tâm ».

Và nhất là đây cũng là cơ hội để đảng Cộng Sản Trung Quốc còn có thể củng cố hơn nữa tính chính đáng của mình khi kích động tinh thần dân tộc chủ nghĩa như lưu ý của nhà chính trị học, Jean-Philippe Béja, chuyên gia về Trung Quốc, giám đốc nghiên cứu danh dự thuộc Trung Tâm Nghiên Cứu Khoa Học Quốc Gia.

« Đảng Cộng Sản Trung Quốc xây dựng tính chính đáng dựa trên tinh thần chủ nghĩa dân tộc, sự trở lại của Trung Quốc trên trường quốc tế. Họ muốn chứng tỏ chính sách bất di bất dịch trong các vấn đề về quyền chủ quyền như đã cho thấy ở Hồng Kông, đương nhiên là họ đã thành công nhưng không chiếm được trái tim cử tri đặc khu hành chính. Và dĩ nhiên, đảng Cộng Sản Trung Quốc cũng chẳng bận tâm đến việc chinh phục tình cảm và trái tim người Đài Loan. Giờ chúng ta đang đối mặt với một đảng Cộng Sản Trung Quốc cực kỳ hung hăng, tìm cách áp đặt quan điểm của mình về quyền chủ quyền và cố kích động tinh thần chủ nghĩa dân tộc. » (France Culture ngày 03/08/2022)

Pelosi đi Đài Loan : Món quà tặng dành cho V. Putin và Tập Cận Bình

Thứ hai, sự « khiêu khích » này từ Mỹ có nguy cơ đẩy Trung Quốc của Tập Cận Bình ngày càng siết chặt hơn nữa mối liên minh với nước Nga của Vladimir Putin. Cho đến lúc này, Trung Quốc vẫn tìm cách tránh can dự trực tiếp và bắt đầu ngờ vực về sự thành công của chiến dịch quân sự của Nga.

Điều này giải thích vì sao bộ Quốc Phòng Mỹ ban đầu đã phản đối chuyến thăm, theo như nhận định của Pascal Boniface, chuyên gia về địa chính trị, Viện Quan Hệ Quốc Tế và Chiến Lược : « Bởi vì ông Biden cho rằng trong hoàn cảnh hiện nay, thúc đẩy hơn nữa mối liên minh giữa Bắc Kinh và Matxcơva là không đáng, rằng vấn đề Ukraina mới là khẩn cấp. Do vậy việc chọc giận Trung Quốc lúc này là chưa vội, vào thời điểm mà Hoa Kỳ đang nỗ lực chia rẽ Bắc Kinh và Matxcơva, càng xa càng tốt. » (LCI ngày 03/08/2022)

Món quà này không chỉ dành riêng cho Vladimir Putin mà cả cho Tập Cận Bình, ngay trước thềm Đại Hội đảng Cộng Sản Trung Quốc. Trên nguyên tắc, kỳ Đại Hội thứ XX này sẽ cho phép ông Tập nắm quyền thêm một nhiệm kỳ thứ ba, nhưng điều đó vẫn không che giấu được ngày càng nhiều tiếng nói chỉ trích ông thâu tóm quyền lực.

Từ cách xử lý dịch bệnh, dẫn đến nhiều hệ quả kinh tế nghiêm trọng gây bất mãn trong dân chúng, cho đến việc danh sách các nước mắc nợ Trung Quốc với những khoản tiền vay lớn đến chóng mặt rơi vào tình trạng mất khả năng thanh khoản ngày một thêm dài. Thế nhưng, theo nhà chính trị học, Jean-Philippe Béja, lịch trình chuyến đi Đài Loan của bà Pelosi vô hình chung lại là một cơ hội để ông Tập Cận Bình củng cố thêm vị thế của mình.

« Bởi vì vào lúc này, người ta nhận thấy Tập Cận Bình ngày càng trong thế thủ trước những bất bình được thể hiện. Có nhiều đồn đoán cho rằng có một sự phản đối mạnh mẽ trong hàng ngũ chóp bu đảng Cộng Sản. Đương nhiên những đồn đoán này là khó kiểm chứng nhưng người ta có thể nói rằng việc ông tái đắc cử tại Đại Hội Đảng lần thứ XX bắt đầu gây ra vấn đề. Nhưng rủi thay, chuyến thăm của bà Pelosi lại củng cố vị thế của ông ấy đối với xã hội Trung Quốc. Và cũng không may là vì những lý do chính trị nội bộ tại Mỹ, bà Pelosi đã thật sự không đặt ra câu hỏi về những gì chuyến đi của bà có thể gây ra cho khu vực, cũng như là cho (tổng thống)Thái Anh Văn và Đài Loan. » (France Culture ngày 03/08/2022)

ASEAN kẹt giữa đôi đàng

Cuối cùng, như nhận định của chuyên gia Pascal Boniface, sự việc cũng đặt các nước trong khu vực, các nước đồng minh, đặc biệt là khối ASEAN rơi vào thế khó xử. Trong bối cảnh, Hoa Kỳ đang tìm cách ve vãn tìm kiếm sự hậu thuẫn của các nước ASEAN cho chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương, chuyến thăm Đài Loan của Pelosi làm thổi bùng lên những căng thẳng, có nguy cơ gây tổn hại cho các lợi ích của những nước này, vốn dĩ cũng đang gặp khó khăn vì tình trạng lạm phát do đại dịch Covid-19 và chiến tranh Ukraina gây ra.

« Các quốc gia ASEAN bị giằng xé và không muốn chọn phe giữa Bắc Kinh và Washington. Họ cần sự bảo hộ của Hoa Kỳ và cũng cần có các mối quan hệ chặt chẽ với Trung Quốc. Thường các mối quan hệ thương mại của họ với Trung Quốc quan trọng hơn là với Mỹ như đã từng có cách nay 10 năm. Do vậy những nước này tự nhận mình như là những quốc gia thương mại, nên họ không thích có những căng thẳng chút nào đơn giản bởi vì điều đó chỉ bất lợi cho việc làm ăn và những nước đó biết rất rõ là họ cũng không thể tự mình bảo vệ cho an ninh đất nước nếu như căng thẳng giữa Bắc Kinh và Washington tăng thêm. Thế nên, tất cả những việc này chắc chắn là không làm cho các nước trong khu vực hài lòng và họ sẽ không phiêu lưu quy trách nhiệm cho bên này hay bên kia làm căng thẳng bùng lên. Họ muốn ở giữa hai phe và có những mối quan hệ với cả hai phía. Giờ thì những nước ASEAN đang trong một tình thế bất tiện nhất ». (LCI ngày 05/08/2022)


Nguyệt quế cho Pelosi, Đài Loan lãnh hậu quả

Tóm lại theo các nhà quan sát, bên lãnh hậu quả trước tiên của chuyến thăm « lịch sử » này không ai khác chính là Đài Loan. Trong một động thái mới nhất, Bắc Kinh hôm 10/8 công bố Sách Trắng mới, rút bỏ những lời hứa từng được đưa ra trong các phiên bản năm 1993 và năm 2000, theo đó, « sẽ không đưa quân đội hoặc nhân sự hành chính đến đóng tại Đài Loan » sau khi hoàn thành điều mà Bắc Kinh gọi là « thống nhất » Đài Loan, vốn bị Bắc Kinh coi là một vùng lãnh thổ không thể tách rời của Trung Quốc.

Trong sách trắng 2022, Bắc Kinh còn xóa bỏ những bảo đảm cho Đài Loan được hưởng quyền tự chủ sau khi trở thành đặc khu hành chính của Trung Quốc, hoặc cụm từ « bất cứ điều gì cũng có thể thương lượng được » miễn là Đài Loan chấp nhận chỉ có một Trung Quốc và không đòi độc lập…

Thế nên, ông Dominique Moisi cho rằng, một đại cường phải biết sắp đặt thứ tự của những ưu tiên. Liệu rằng Hoa Kỳ có đủ phương tiện và mong muốn để xử lý cùng lúc ba cuộc khủng hoảng gay gắt : Nga, Trung Quốc và Iran hay không ?

**********

Ghi chú:

(1) - Sina Azodi là Học viên sau Tiến sĩ về Quan Hệ Quốc Tế tại Đại học Nam Florida. Các lĩnh vực nghiên cứu của ông tập trung về an ninh quốc tế, không phổ biến vũ khí hạt nhân và quan hệ Mỹ-Iran.

(2) - Christopher England: Tiến sĩ Khoa học Chính trị tại Johns Hopkins, từng là giảng viên đại học Nam Florida.

4/24/21

"Chiến tranh Kinh tế": Một câu chuyện cổ xưa

Minh Anh - RFI- ngày 24.04.2021
Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung kéo dài dai dẳng và ngày càng khốc liệt, lan rộng sang nhiều lĩnh vực khác. AP - Andy Wong

Từ tháng Giêng năm 2018, Hoa Kỳ và Trung Quốc lao vào một chiến thương mại ầm ĩ « vô tiền khoáng hậu », kéo dài từ mấy năm qua mà vẫn chưa cho thấy hồi nào kết thúc. Sự kiện này còn minh chứng cho một thực tế : Ngoài khía cạnh chính trị, quân sự, kinh tế cũng là một mặt trận đối đầu gay gắt không kém, có thể sử dụng cả trong thời bình lẫn thời chiến.

Nhà chính trị học Ali Laidi, phóng viên đài truyền hình quốc tế France 24, lưu ý « chiến tranh thương mại » là một câu chuyện xa xưa, đã có từ thời con người bắt đầu khai thiên lập địa. Nếu như từ thế kỷ XIX trở về trước, chiến tranh kinh tế thường đi kèm với những chiến dịch quân sự hay những cuộc va chạm đẫm máu, thì đến thế kỷ XX, kinh tế trở thành một mặt trận xung đột hoàn toàn riêng biệt, một trong những khía cạnh của cuộc chiến toàn diện hiện đại.

Nhà chính trị học, nhà báo đài truyền hình quốc tế France 24, tác giả tập sách "Lịch sử thế giới về chiến tranh kinh tế". © Ảnh chụp tại phòng thu của đài RFI.

Đây cũng chính là nội dung chính cuộc phỏng vấn nhà chính trị học Ali Laidi dành cho RFI Tiếng Việt. Mục Tạp chí Thế giới Đó đây hôm nay mời quý vị theo dõi.

*******

Nghe phần âm thanh Bài phỏng vấn:

12/10/20

RCEP : Trung Quốc « ngáng đường » Hoa Kỳ trở lại châu Á ?

Minh Anh RFI ngày 10.12.2020

Ở đâu Donald Trump bỏ trống, thì ở đó Tập Cận Bình len vào. Ngày 15/11/2020, Trung Quốc cùng 14 nước khu vực châu Á-Thái Bình Dương ký kết hiệp định Đối tác Kinh tế Khu vực Toàn diện (RCEP) tại Hà Nội. Theo giới quan sát, với công cụ thương mại chưa từng có này, Bắc Kinh sẽ còn gia tăng mạnh mẽ ảnh hưởng của mình tại châu Á. Làm thế nào cản đà tiến của Trung Quốc ? Đây sẽ là một thách thức nan giải cho chính quyền Mỹ tương lai.


RCEP : Châu Á, « tâm lực hấp dẫn »

Covid-19 bị đánh bại, tăng trưởng quay trở lại, Trung Quốc khẳng định rõ là một cường quốc. Mười bốn nước châu Á – Thái Bình Dương bao gồm 10 nước khối ASEAN, Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc và New Zealand, dưới sự chủ trì của Trung Quốc đã ký kết hiệp định tự do mậu dịch RCEP.

Đây sẽ là thỏa thuận thương mại tự do mậu dịch lớn nhất thế giới từ trước đến nay, tập trung 30% tổng sản phẩm nội địa toàn cầu. Một « nhà xưởng châu Á » tương lai, theo như cách ví von của nhiều nhà quan sát. Bởi vì, thỏa thuận này sẽ cho phép thúc đẩy nhanh hơn nữa tiến trình phân chia khu vực các dây chuyền sản xuất.

Theo ước tính của nhiều nhà kinh tế, văn bản dự kiến giảm các mức thuế quan (đến 90%), được áp dụng cho những sản phẩm trao đổi giữa các nước tham gia ký kết, sẽ cho phép GDP của mỗi nước tăng thêm 0,2%. Và một khi văn bản có hiệu lực Trung Quốc sẽ là nước hưởng lợi nhiều hơn cả, tiếp đến là Nhật Bản và Hàn Quốc.
.......

 Nghe Phần âm thanh: